Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Bạch tuộc

Hồi nhỏ xem phim Bạch tuộc của Italia, nhớ mãi.

Loạt bài trên báo Thanh niên rất đáng đọc, Nguyên Hằng dạo này viết sắc hẳn

http://cafef.vn/2012090807078429CA31/voi-bach-tuoc-lung-doan-thi-truong.chn
Không chỉ thâu tóm ngân hàng (NH), "vòi bạch tuộc" còn vươn sang thị trường vàng, thị trường bất động sản... "Ma trận" sở hữu chéo tạo ra những cuộc thôn tính đình đám nhưng "ông chủ" thật sự luôn bí ẩn.

"Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, một cá nhân đã sở hữu nhiều hơn số vốn theo quy định, gây ảnh hưởng tới hoạt động của tổ chức tín dụng. Thủ tướng đã chỉ đạo lực lượng chức năng đặt trọng tâm vào nhóm tội phạm liên quan tới hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các hành vi thâu tóm" - đó là khẳng định của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo chiều 5.9 tại Hà Nội.
Không chỉ thâu tóm ngân hàng (NH), "vòi bạch tuộc" còn vươn sang thị trường vàng, thị trường bất động sản... "Ma trận" sở hữu chéo tạo ra những cuộc thôn tính đình đám nhưng "ông chủ" thật sự luôn bí ẩn.

Quyền lực giấu mặt
Bản chất của tội phạm thâu tóm ngân hàng
Trao đổi với báo chí về khái niệm tội phạm thâu tóm NH trong cuộc họp báo ngày 5.9, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định đó chỉ là cách nói, còn bộ luật Hình sự không ghi chính xác câu chữ loại tội phạm này. Tuy nhiên, bản chất của tội phạm thâu tóm NH nằm trong quy định tội kinh doanh trái phép, đầu cơ... Tội này theo ông Đam có thể nhằm mục tiêu thâu tóm các NH trái pháp luật.

Nhằm tránh việc cá nhân sở hữu NH dẫn đến thao túng, gây đổ vỡ như đã từng xảy ra ở một số nước trong khu vực trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, luật Tổ chức tín dụng quy định, cá nhân sở hữu tối đa không quá 5% vốn điều lệ trong một NH.
Với tỷ lệ này, có thể khẳng định, không cổ đông cá nhân nào có thể "sai khiến" NH. Nhưng thực tế đã chứng minh, nhiều NH thương mại cổ phần (TMCP) hiện nay là "sân sau" của những cổ đông lớn.
Làm thế nào để các cá nhân này sử dụng NH như một công cụ rót vốn cho những dự án, những phi vụ riêng của mình, để thực hiện các vụ thâu tóm với lượng vốn khổng lồ như đã xảy ra trong thời gian qua? Đó là vì họ đã gián tiếp sở hữu NH.

Cụ thể, "chẻ nhỏ" tỷ lệ sở hữu bằng cách chuyển sang một công ty đầu tư tài chính do họ lập ra. Công ty này mua CP của NH và trở thành cổ đông lớn của NH. Đây là con đường đưa các cá nhân trở thành cổ đông lớn, thậm chí là ông chủ của NH. Điều này lý giải vì sao, rất nhiều cá nhân có quyền lực cực lớn trong NH dù tỷ lệ sở hữu trực tiếp rất nhỏ.
Sau khi hoàn tất việc trên, các công ty đầu tư tài chính sử dụng NH như một công cụ rót vốn vào "sân sau" của họ thông qua các hợp đồng cho vay ủy thác (Thanh Niên đã có bài Bí ẩn khoản phải thu khác phân tích về vấn đề này). Đặc biệt, các công ty này tiếp tục đi mua CP ở các NH khác, rồi lại lập ra công ty đầu tư tài chính để sử dụng vốn của các NH này qua con đường ủy thác đầu tư... Cứ như vậy, "ma trận" sở hữu rối rắm này tạo thành các "vòi bạch tuộc" có sức mạnh tài chính cực lớn để thực hiện việc thâu tóm, nắm quyền kiểm soát ở các NH, các doanh nghiệp khác.

Đơn cử như trong vụ thâu tóm NH Sacombank cách đây vài tháng, các cổ đông lớn gồm Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu, Công ty CP đầu tư Sài Gòn Exim và ông Trần Phát Minh chỉ lộ diện khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước có văn bản xử phạt hành chính. Điều đáng nói là quan hệ chằng chịt của 3 cổ đông này.

Công ty Sài Gòn Á Châu cũng mua CP của Eximbank dù theo giấy phép kinh doanh, công ty này không có lĩnh vực đầu tư tài chính. Rồi ông Minh và Sài Gòn Á Châu cùng Eximbank đithâu tómSacombank và hiện tại, ông Trần Phát Minh là Chủ tịch HĐQT của NH TMCP Kiên Long. Rõ ràng, nhờ sở hữu chéo, họ đã dồn phiếu cho một người để làm một cuộc thâu tómthành công. Việc này thể hiện rõ nhất, quyền lực trung gian của các công ty đầu tư tài chính. Hay nói chính xác là quyền lực của chính các ông chủ công ty này, quyền lực cá nhân của họ ở các NH.

Thao túng vàng, bất động sản
Gây rối loạn thị trường
Theo một chuyên gia tài chính, không chỉ NH mà hầu như các tổng công ty nhà nước đều có loại hình công ty đầu tư tài chính để quản lý phần vốn của các công ty con bên dưới, thậm chí khi CP hóa họ cũng không bàn giao vốn về cho SCIC (Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) mà vẫn giữ để quản lý vốn của các công ty con. Do không bị quản lý bởi bất cứ luật chuyên ngành nào nên các công ty này đầu tư bừa bãi, thiếu hiệu quả, gây rối loạn thị trường. Điển hình nhất là vụ Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an mới bắt nguyên Giám đốc và Trưởng phòng Tín dụng của Công ty TNHH MTV Tài chính cao su (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước... ” do đầu tư thua lỗ vì đầu tư ngoài ngành và nợ ngập đầu. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng sẽ thấy, các công ty đầu tư này được thành lập nhan nhản. Nếu không nhanh chóng có giải pháp thì hậu quả khó lường.

Không dừng lại ở thị trường tài chính, các công ty đầu tư tài chính này đã và đang vươn "vòi bạch tuộc" sang thị trường vàng, ngoại tệ, bất động sản.

Liên tục mấy năm gần đây, thị trường đã chứng kiến nhiều thời điểm, giá vàng trở nên điên loạn và câu hỏi "ai thao túng giá vàng" chỉ được trả lời chung chung, đó là giới đầu cơ. Nhưng giới đầu cơ nào đủ vốn, đủ tiềm lực để xoay chuyển giá trên thị trường khi mỗi phiên có tới vài ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lượng vàng được giao dịch? Chỉ có công ty đầu tư tài chính với nguồn vốn cực lớn nhờ sự "bơm" vốn từ phía sau của các NH mới đủ sức làm việc này.

Mọi chuyện càng rõ ràng hơn sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt thì 3 công ty mà ông trùm này sở hữu đều có hoạt động liên quan đến bất động sản, du lịch và vàng bạc đá quý.

Hệ quả của sự thao túng này là giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 1-3 triệu đồng gây rủi ro cho người mua; tạo những cơn khan hiếm giả khiến NHNN phải cho nhập khẩu vàng dù lượng vàng trong nước rất lớn, áp lực lên thị trường ngoại tệ từ việc nhập khẩu vàng... Sự rối loạn này đã tạo ra những cơ hội kiếm lợi cực lớn cho các công ty này.

Tương tự đối với thị trường bất động sản. Một chuyên gia đang thực hiện xử lý bán tài sản thế chấp cho một số NH cổ phần tiết lộ, rất nhiều dự án thế chấp là từ các công ty đầu tư tài chính.

Các công ty này cho vay dự án thông qua nguồn vốn ủy thác của NH. Sau đó họ lại mang chính các dự án này quay trở lại thế chấp NH lấy vốn mua CP ở các dự án khác. Rồi lại lấy "dự án khác" thế chấp để vay tiếp... Nên một phần không nhỏ nợ xấu của các NH cổ phần hiện nay là từ các công ty tài chính. Đó là lý do, các NH đã và đang tạo áp lực mua nợ xấu, thực chất là giải vây cho chính các ông chủ của họ. "Lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực đầu tư có điều kiện nhưng các công ty đầu tư tài chính sử dụng vốn ủy thác từ NH, mua CP và làm chủ các công ty một cách dễ dàng" - chuyên gia này nói.

Công ty đầu tư tài chính này "đẻ" ra công ty khác, công ty khác liên kết với NH này, doanh nghiệp nọ... để tiếp tục sản sinh ra các công ty cháu, chắt. “Vòi bạch tuộc” sở hữu này càng dài, càng chồng chéo thì vốn từ các NH chảy ra qua đường này càng lớn, các thương vụ thâu tóm, lũng đoạn càng nhiều. Nếu phanh phui tất cả nguồn vốn đã chảy theo hệ thống chân rết "sân sau" nói trên, vốn thực sự của các NH còn lại bao nhiêu? Đây là vấn đề cần được làm rõ nếu thực sự muốn tái cấu trúc hệ thống NH.

3 loại sở hữu chéo đáng lo ngại trong Ngân hàng

1. Sở hữu của các NHTM nhà nước tại các NH TMCP: Hiện có gần 8 NH TMCP có quan hệ CP với 5 NHTM nhà nước. Tiêu biểu là Vietcombank hiện đang sở hữu 11% tại NH Quân đội, 8,2% tại Eximbank, 4,7% tại NH Phương Đông, 5,3% tại NH Sài Gòn.

2. Sở hữu lẫn nhau giữa các NH TMCP: Hiện tượng này khá phổ biến ở Việt Nam. Hiện có ít nhất 6 NH TMCP có cổ đông là một NH TMCP khác. Chẳng hạn, Eximbank hiện sở hữu 10,6% cổ phần tại Sacombank, 8,5% cổ phần tại NH Việt Á.

3. Sở hữu NH TMCP bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân: Hiện có khoảng gần 40 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có sở hữu trên 5% tại các NH TMCP. Hầu hết các tập đoàn nhà nước đều có các công ty tài chính. Mối quan hệ giữa NH TMCP với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều NH có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác.
Nguồn Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
http://cafef.vn/2012090807129311CA34/voi-bach-tuoc-lung-doan-thi-truong-ky-2-nhung-chieu-thuc-map-mo.chn
Những thay đổi về nhân sự HĐ quản trị và Ban điều hành của Sacombank (STB) có thể làm cho ngân hàng (NH) này tiếp tục phát triển; tuy nhiên quá trình STB bị thâu tóm dưới góc độ quản lý lại là bài học kinh nghiệm đáng nói.

Thôn tính âm thầm
Theo quy định, các doanh nghiệp (DN) khi muốn mua lại một DN khác đã niêm yết trên TTCK phải công khai thông tin. Nhưng vụ thâu tóm Sacombank và rất nhiều các vụ mua bán cổ phiếu (CP) khác lại diễn ra âm thầm, mua - bán chui. Cụ thể, ngày 9.1, CTCP đầu tư Exim đã mua hơn 42 triệu CP Sacombank, nâng số lượng nắm giữ CP Sacombank lên hơn 50 triệu CP, trở thành cổ đông lớn của NH này với tỷ lệ nắm giữ lên tới 5,17%.

Tương tự, ngày 24.2, ông Trần Phát Minh mua hơn 1,544 triệu CP Sacombank và trở thành cổ đông lớn của NH này với tỷ lệ nắm giữ 5,01%. CTCP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu cũng trở thành cổ đông lớn của Sacombank vào ngày 1.3, với tỷ lệ nắm giữ 5,01% sau khi mua thêm gần 22 triệu CP Sacombank.

Pháp luật không cấm việc thâu tóm, sáp nhập nhưng nếu việc này diễn ra bằng những hành vi lén lút, không công khai, minh bạch thì cơ quan chức năng phải can thiệp và hoàn toàn có thể làm việc đó

Âm thầm mua và đến cuối tháng 2 vừa qua, nắm gần 10% cổ phần STB, Eximbank đã tuyên bố đại diện cho 51% CP và yêu cầu bầu lại HĐQT STB. Số CP còn lại do các cổ đông khác ủy quyền cho Eximbank.
Điều đáng nói là sau khi các cổ đông trên giành được cổ phần, bán chui cho các cổ đông khác, mãi sau này khi HĐQT và Ban điều hành mới của Sacombank đã được bầu và đi vào hoạt động mới thấy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vào cuộc, bằng cách tuyên phạt mỗi công ty 60 triệu đồng vì mua bán CP chui, không công bố giao dịch cổ đông lớn (theo quy định mua hơn 5% phải công bố).

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cho rằng theo luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, bất kỳ cổ đông nào là cá nhân hay nhà tổ chức khi mua quá 5% cổ phần của một công ty đều phải công bố thông tin. Pháp luật không cấm việc thâu tóm, sáp nhập nhưng nếu việc này diễn ra bằng những hành vi lén lút, không công khai, minh bạch thì cơ quan chức năng phải can thiệp, và hoàn toàn có thể làm việc đó.

Sở hữu chéo và đòn bẩy tài chính
Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM phân tích, việc thâu tóm các DN được xem là bình thường nhưng khi một NH bị thâu tóm lại có ảnh hưởng rộng hơn đến thị trường tài chính. Đặc biệt, việc thâu tóm lại không được công bố công khai.

Luật Các tổ chức tín dụng quy định rõ, một NH không được phép sở hữu một NH thứ hai và cũng không được nắm giữ tối đa 11% vốn điều lệ tại một tổ chức kinh tế khác. Để lách hàng rào này, một số NH đã cùng công ty liên kết tham gia góp vốn thành lập công ty đầu tư tài chính, sau đó chuyển vốn qua hình thức ủy thác đầu tư, mua CP và trở thành cổ đông lớn.

Giao dịch bao nhiêu, Sở đều biết
Việc xử phạt của UBCKNN đối với vụ thâu tóm Sacombank chỉ được tiến hành sau hơn 3 tháng khi các thương vụ mua bán đã hoàn tất. Theo một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, bản thân các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán đều biết ngay lập tức về cá nhân, tổ chức nào giao dịch bao nhiêu CP trong ngày. Vì vậy, không khó để các cơ quan này công bố ngay thông tin để nhà đầu tư được biết. Thế nhưng, từ trước đến nay chưa thấy các cơ quan này công bố thông tin đó ngay sau có giao dịch bất thường. Thậm chí, UBCKNN cũng có quyền tuyên bố hủy các giao dịch này vì không đúng quy định.

Muốn ngăn chặn các hoạt động đầu cơ trục lợi trên TTCK, cơ quan quản lý nhà nước phải chặt chẽ hơn nữa trong việc giám sát hoạt động trên thị trường và thẳng tay xử phạt.

Nhìn vào báo cáo thường niên 2011 của Eximbank, có thể thấy NH này đã có những khoản đầu tư vào các tổ chức kinh tế như 10,86% ở Công ty chứng khoán Rồng Việt; 10,99% ở Eximland; 9,45% vào Công ty bảo hiểm Nhà Rồng; 10% vào Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long; 11% vào Sài Gòn Exim.

Các công ty này lại có sự đầu tư lẫn nhau, như trong cơ cấu cổ đông Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long có Bảo hiểm Nhà Rồng, Chứng khoán Rồng Việt, CTCP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu. Rồi CTCP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu lại là cổ đông lớn của Công ty chứng khoán Rồng Việt với tỷ lệ sở hữu 10,51%; Eximbank sở hữu 10,86%; Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long nắm giữ 2,06%.

Sau khi ba cổ đông lớn thâu tóm STB lộ diện như nói trên, người ta mới thấy rõ được sự chồng chéo và những mối liên hệ từ những cổ đông này với các công ty con, công ty liên kết của NH.

Thêm một cách để có nguồn tài chính mạnh nhằm thực hiện các vụ thâu tóm là sử dụng đòn bẩy tài chính. Ví dụ, một cá nhân hay tổ chức có 100 tỉ đồng và mua số lượng lớn CP của một NH.

Sau đó lấy số CP này mang đi cầm cố ở các NH khác và vay được 90 tỉ đồng, rồi dùng số tiền thế chấp được tiếp tục mua thêm CP của DN này và lại tiếp tục cầm cố... Với mối quan hệ thân thiết, chỉ 100 tỉ đồng ban đầu này có thể được nhân lên thành mấy lần sau vài vòng cầm cố. Câu chuyện đòn bẩy tài chính này đã được sử dụng khá nhiều trên TTCK.
Như vậy sở hữu chéo và đòn bẩy tài chính là "chiêu thức" cho một cá nhân, tổ chức hay NH đi thôn tính các NH, DN khác mà thâu tóm NH Sacombank là thương vụ đình đám, điểm hình nhất trong thời gian qua.

Vận dụng nhiều quy định để xử lý

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM), hiện nay trong bộ luật Hình sự không có tội danh "thâu tóm NH". Vì vậy, hành vi thâu tóm NH không phải là tội phạm mà vấn đề là các cách thức thực hiện việc thâu tóm đó có vi phạm pháp luật hay không.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng, nếu xác minh nguồn tiền của tổ chức, cá nhân sử dụng để mua CP không phải là tiền “sạch” thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự về tội rửa tiền hoặc tội tham ô... Ngoài ra, nếu những người đó có lợi thế về thông tin, sử dụng thông tin này để thao túng, làm giá, tạo cung cầu giả tạo trên TTCK để thu lợi và sử dụng nguồn lợi có được đó thâu tóm NH thì có thể xử lý hình sự về tội thao túng giá chứng khoán...

Theo ông Nghiêm, trong tình hình kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, trong lĩnh vực tài chính, NH, chứng khoán cần thiết phải có những quy định chỉ cho phép cá nhân, tổ chức sở hữu tối đa bao nhiêu phần trăm CP để tránh những can thiệp, cạnh tranh không lành mạnh hoặc thao túng của một nhóm lợi ích nào đó.
Lê Nga
Theo Anh Vũ - Mai Phương
Thanhnien

http://cafef.vn/20120910062544208CA34/voi-bach-tuoc-thao-tung-thi-truong-ky-3-buong-long-dong-tien.chn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua: “Tiền đâu để nhóm cổ đông mới thâu tóm Sacombank?”. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình trả lời: “Họ không báo cáo với NHNN và chúng tôi cũng không biết họ lấy tiền ở đâu”.

Đoạn chất vấn trên gây lo lắng trong dư luận bởi nếu đơn vị quản lý ngành NH mà không rõ đường đi nước bước dòng tiền ra - vào trong các NH thì làm sao kiểm soát được sự thâu tóm, lũng đoạn của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm và thiết yếu của nền kinh tế? Đây là lỗ hổng của cơ chế, chính sách hay sự yếu kém, buông lỏng của cơ quan quản lý là vấn đề cần được làm rõ.

Vốn chảy qua "khe" luật
Theo quy định của NHNN, vốn điều lệ của các NH thương mại phải từ 3.000 tỉ đồng trở lên. Ở thời điểm bị thâu tóm, vốn điều lệ của NH Sacombank khoảng trên 10.000 tỉ đồng.

Với các con số trên, câu hỏi "tiền ở đâu để đi thâu tóm NH" đã có thể "khoanh vùng" một cách chắc chắn, chỉ có thể là từ các NH. Bởi trong bối cảnh hiện nay, rất khó ai có đủ một lượng tiền mặt lớn đến như vậy để thực hiện việc thâu tóm NH. Các cá nhân, tổ chức thâu tóm cũng đều có liên quan và đang hoạt động trong ngành NH. Vấn đề là tiền từ các NH đi ra như thế và liệu NHNN có kiểm soát được không ? Câu trả lời là, chúng ta có thể nắm rõ việc "ra - vào" của dòng tiền trong hệ thống NH nếu quản lý và giám sát chặt chẽ theo đúng luật.

Cụ thể, luật Doanh nghiệp (DN) năm 2005 quy định rất rõ ràng và chi tiết về công khai lợi ích liên quan của các cá nhân. Theo đó, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc, người quản lý khác và những người có liên quan (anh chị em, con nuôi, con ruột...) phải kê khai các lợi ích liên quan của họ với công ty. Họ phải kê khai cổ phần sở hữu, phần vốn góp, tỷ lệ, thời điểm góp vốn hoặc cổ phần ở các DN mà họ có lợi ích. Điều này với ngành NH lại càng quan trọng vì chúng ta đều biết, tiền trong hệ thống là tiền huy động từ người dân rồi cho vay ra nền kinh tế. Nên tiền đi đâu, về đâu phải rõ ràng, minh bạch để bảo đảm sự an toàn cho hệ thống cũng như quyền lợi của người dân.

Vụ thâu tóm NH Sacombank qua trả lời của Thống đốc cho thấy quy định này đã chưa được thực hiện. Đây cũng chính là điều kiện để sở hữu chéo chằng chịt, vốn ảo và tỷ lệ nợ xấu cao trong ngành NH của ta. Cũng là điều kiện để một số người lách luật "tuồn" vốn NH ra ngoài.

Luật các Tổ chức tín dụng quy định, NH không được cấp tín dụng cho những thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc... nhưng luật không cấm cấp tín dụng cho những công ty mà các thành viên HĐQT là cổ đông lớn. Nên NH cứ cho các công ty của họ vay mà không hề vi phạm. Đó chính là đường đi ra "sân sau" của dòng vốn NH. Nó giúp các cá nhân có đủ lượng tiền mặt khổng lồ để thực hiện thâu tóm NH hay thực hiện các thương vụ với số vốn lớn.

Như vậy, vốn từ NH đã "thoát" ra ngoài qua khe hở giữa 2 luật nói trên.

Khó kiểm soát thao túng
"Sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng ngày càng trở nên nghiêm trọng, là một nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn dựa trên quan hệ thay vì hiệu quả sử dụng. Việc sở hữu chéo cũng tạo điều kiện để các DN nắm NH này có thể dễ dàng vay được vốn từ NH kia. Như vậy, ba trường hợp sở hữu chéo tiêu cực đều có nguy cơ dẫn đến việc các NHTM sẽ tiến hành thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng. Và trong trường hợp này, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu trong hệ thống tăng cao".
Nguồn: Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Được ví như "mạch máu" của nền kinh tế nên việc kiểm soát nguồn gốc cũng như việc lưu thông nội - ngoại của dòng tiền trong hệ thống NH là vấn đề cực kỳ quan trọng. Đó là lý do, ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, việc này được thực hiện cực kỳ chặt chẽ và nghiêm nhặt.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, người thành lập NH Việt đầu tiên tại Mỹ, cho biết ở Mỹ - một cá nhân có thể sở hữu 10% và DN là 5% cổ phần của một NH. Tỉ lệ sở hữu của cá nhân cao gấp đôi so với tổ chức vì theo quan điểm của nước này, khả năng lũng đoạn NH của cá nhân là khó hơn so với DN.

Với quy định như vậy, bất cứ cá nhân hay DN nào muốn sở hữu tỷ lệ vượt quy định phải xin phép và NH mà họ muốn tăng thêm tỷ lệ sở hữu chính là đầu mối thực hiện việc xin phép này với NH trung ương. Khi nhận được yêu cầu, NH trung ương sẽ điều tra nguồn gốc dòng tiền được sử dụng để mua cổ phần NH từ đâu ra. Nếu là tiền đi vay thì yêu cầu bị bác bỏ vì vay thì phải trả trong khi đầu tư vào NH thì không lấy lại ngay được nên rủi ro rất cao.

NH trung ương cũng sẽ điều tra rất kỹ mục đích đầu tư để hạn chế tối đa lợi ích cá nhân và lợi ích của nhóm có thể thao túng NH. "Họ chặn ngay từ ý đồ bởi sự an toàn và ổn định của NH là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của nền kinh tế" - ông Hiếu nói.

Ông Lê Trọng Nhi, chuyên gia về NH bổ sung, ngoài những lý do trên, việc kiểm soát chặt chẽ dòng tiền ra - vào NH ở Mỹ còn để tránh rửa tiền. Nên nguồn gốc dòng tiền đi vào NH bị kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Ở VN, việc kiểm duyệt nguồn tiền bị thả lỏng nên mới có chuyện một trong những NH lớn nhất Việt Nam như Sacombank bị thâu tóm mà cơ quan quản lý không hề hay biết.

Từ những dẫn giải trên cho thấy việc buông lỏng dòng tiền tại các NH sẽ làm nảy sinh rất nhiều hệ lụy tiêu cực. Tại sao một quy định quan trọng như thế này lại không được thực hiện trong nhiều năm? Trách nhiệm của cơ quan quản lý thế nào trong việc này? Dư luận đang quan tâm chờ câu trả lời cụ thể hơn nữa...
Theo Nguyên Hằng
Thanhnien

http://cafef.vn/20120911095159835CA34/voi-bach-tuoc-lung-doan-thi-truong-ky-4-von-ao-tu-so-huu-cheo.chn
Với vai trò độc quyền cung cấp vốn của NH, sức khỏe của doanh nghiệp, sự tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc không nhỏ vào nguồn tín dụng kiểu này.

Bí ẩn vốn tăng
Với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, NHNN quy định, tới cuối năm 2010, các NH thương mại (NHTM) phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng. Áp lực tăng vốn là cực kỳ khó khăn bởi các NH chủ yếu huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu, bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, các quỹ đầu tư...
Nhưng chứng khoán suốt từ năm 2008 đến nay rơi vào tình trạng sụt giảm nên việc tăng vốn rơi vào bế tắc. Đó cũng chính là lý do Chính phủ gia hạn thời gian tăng vốn đến cuối năm 2011. Nhưng chứng khoán năm 2011 còn sụt giảm mạnh hơn, đặc biệt là tình trạng mất thanh khoản kéo dài nên việc phát hành thêm, niêm yết hay kêu gọi sự tham gia của cổ đông chiến lược trong và ngoài nước càng khó.
Vậy mà, các NH đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng. Chưa kể nhiều NH lớn, dù không nằm trong nhóm phải chạy đua tăng vốn theo quy định cũng liên tục công bố tăng vốn thêm từ một ngàn tới vài ngàn tỉ.
"Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu giữa các NH với nhau cũng như yêu cầu các tập đoàn nhà nước phải thoái vốn khỏi các tổ chức tài chính, tín dụng nhưng dường như NHNN vẫn chưa động chạm nhiều đến mối quan hệ giữa các NH với các doanh nghiệp tư nhân.

Một cá nhân hoặc một doanh nghiệp có thể có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động tín dụng tại các NH thông qua các công ty con, công ty cháu của mình. Việc khống chế tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tài chính tín dụng bởi cá nhân cũng như doanh nghiệp cần phải tính đến cả những sở hữu gián tiếp này...
Giải quyết vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống NH là một trong những vấn đề chính mà quá trình tái cấu trúc hệ thống NH cần bàn tới".
Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Các NH hoàn toàn có thể tận dụng tối đa sở hữu chéo để thực hiện việc tăng vốn trong thời điểm thị trường tài chính cực kỳ khó khăn.

Ma trận này đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống kê với 6 loại hình. Đó là sở hữu của các NHTM nhà nước và NHTM nước ngoài; cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM; cổ đông tại các NHTM là các công ty quản lý quỹ; sở hữu của NHTM ngoài nhà nước tại các NHTM cổ phần; sở hữu lẫn nhau giữa các NHTM cổ phần; sở hữu NHTM cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân.
Với sở hữu chéo này, các NH có thể "lách" thông qua việc vay vốn từ NH này góp cho NH kia và ngược lại. Như vậy, cả 2 NH liên quan đều báo cáo tăng vốn, các ông chủ NH cũng tăng sở hữu nhưng thực chất là tăng ảo.
Nhiều trường hợp lại tăng vốn qua trung gian. Cụ thể, một công ty đầu tư tài chính là cổ đông lớn của 2 NH. NH này ủy thác cho vay một nguồn vốn vào NH kia qua công ty đầu tư. NH được vay nghiễm nhiên vượt ải tăng vốn còn NH cho vay được tính là tăng trưởng tín dụng dù vốn không hề đưa vào sản xuất. Như vậy, số vốn thực tế giữa 2 NH vẫn giữ nguyên nhưng thể hiện trên sổ sách đã tăng lên. Quy định an toàn vốn bị vô hiệu hóa.
Điều này càng được minh chứng khi trong thời gian các NH phải tăng vốn cũng là thời gian các công ty đầu tư và vốn ủy thác tăng vọt theo. Cộng thêm sở hữu chéo chằng chịt, 1 NH là cổ đông của 4-5 NH khác như báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì rõ ràng, phần vốn ảo là rất lớn.

Thâu tóm bằng… vốn ảo
Rào cản lớn nhất trong thâu tóm NH tại Việt Nam cũng như trên thế giới là quy mô vốn quá lớn. Nhưng bằng sở hữu chéo, tỷ lệ margin (ký quỹ) cao và lỗ hổng trong quản lý, một cá nhân, một nhóm lợi ích có thể biến số vốn nhỏ ban đầu phình lên gấp nhiều lần, đủ để thâu tóm NH.

Cụ thể, cùng quản lý danh mục nhưng công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán không được mang cổ phiếu (CP) đi cầm cố thì các công ty sản xuất kinh doanh, công ty đầu tư tài chính lại thoải mái làm việc này. Đây chính là cánh tay nối dài cho dòng vốn ảo vươn ra thực hiện các vụ thâu tóm.

Cách làm được phác họa như sau: công ty đầu tư tài chính có vốn 500 tỉ đồng đi mua 50% cổ phần công ty A rồi mang số CP này đi thế chấp được 450 tỉ đồng. Mang 450 tỉ đồng mua cổ phần công ty B. Nếu 450 tỉ đồng không đủ, sẽ kêu thêm công ty A tham gia để mua ít nhất từ 50% cổ phần và chi phối công ty B. Cầm CP của B đi thế chấp, lấy 400 tỉ đồng để mua công ty C. Tiền không đủ thì kêu A, B tham gia mua vì cả hai công ty này đã bị chi phối. Rồi lại thế chấp lấy 300 tỉ đồng và kêu A, B, C cùng hợp lực thâu tóm NH. Nghĩa là sử dụng tổng lực tài chính của các công ty vệ tinh để thâu tóm NH nhưng thực chất, vẫn chỉ là một cổ đông lớn.
Nói ngắn gọn là mua cổ phần chi phối ở một số công ty, sau đó kiểm soát dòng tiền của các công ty này và hợp vốn lại để thâu tóm NH. Khi đã thâu tóm xong, sẽ lấy tiền từ NH rót cho các công ty con của mình. Đó là chưa kể, số vốn ảo này còn được "phình" to khi được sử dụng thông qua công ty chứng khoán với tỷ lệ margin lên tới 90% cho khách VIP. Nghĩa là có 1 đồng, được sử dụng 10 đồng để mua CP.

Đầu tư chéo và lỗ hổng về quản lý đã khiến số vốn 1.000 tỉ đồng ban đầu như ví dụ đã phình ra gấp nhiều lần, đủ để thực hiện việc thâu tóm NH. Có một đồng vốn, người ta có thể đẩy lên hàng trăm đồng khác, tạo ra ma trận vốn ảo. Trên cơ sở hệ số nhân đó, rồi nhân tiếp lên bằng mối quan hệ thân thiết với NH cầm cố, họ đã đẩy vốn tăng lên rất nhiều lần nhằm mục đích thao túng những ngành nghề mà trên thế giới khó có cá nhân nào có thể đủ tiền để gom. Đó là ngành tài chính NH.

Trong thực tế đã diễn ra các “chiêu thức” dùng vốn ảo để thâu tóm sau đó rút vốn thật từ NH đầu tư cho sân sau; vốn ảo từ sở hữu chéo, vốn ảo từ sử dụng tỷ lệ margin, từ quan hệ... Đã đến lúc phải tách bạch rõ ràng những điều này để biết sức khỏe thật sự của các NH. Cắt sở hữu chéo là điều không thể né tránh trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống NH mà Chính phủ đã khẳng định quyết tâm thực hiện.
Theo Nguyên Hằng
Thanh niên


Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Đời có bao lâu mà hững hờ


Bác Alan Phan thút thít méc:
"Phần lớn các tư vấn và các buổi thuyêt giảng miễn phí đã không tạo được lực đẩy nào đang kể ngoài vài cái gật đầu lịch sự. Nhưng tôi cho rằng có lẽ tại mình thiếu kỹ năng truyền đạt? Dù không có ảo vọng về bất cứ thành quả gì, tôi cũng ngạc nhiên với sự hững hờ này."

Bác ở Tây miết nên ngạc nhiên là phải. Dân Việt ngày này chúa ăn xổi, học chỉ vì bằng cấp chứ đâu quan tâm kiến thức.
http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/qua-cn-thnh-bi-mt-cn.html


Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012
Phân nào cũng là phân
Chỉ có con đầu đàn mới được quyền khoe phân, các con còn lại phải dấu phân cho kỹ, kín. Đó là luật tự nhiên. Minh họa là trò mèo giấu cứt khi ở chung trong nhà.
Kết luận: Khoe phân là biểu hiện của quyền lực.

Đấy là nói về phân động vật. Link sau nói về phân ngành do bạn Hoàng Thạch Lân comment. Nhiều cái tuy dễ nhưng bị vướng bởi loay hoay làm theo lệ làng hay luật quốc tế, mà chuyện này thì đầy rẫy và thường xuyên
http://hoangthachlan.wordpress.com/2012/10/10/nghe-minh-ma-326-msn-thuoc-nhom-nganh-nao/comment-page-1/#comment-459


Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012
Đổi mới thiệt là khó
Hồi những năm 80 nhà ai có xe đạp Nhật cũ, nồi cơm điện cũ, quạt máy, TV,..tóm lại là hàng secondhand, hàng bãi là cũng có điều kiện. 

Thấm thoắt hơn 30 năm trôi qua, giờ dân Việt cũng thải TV, máy lạnh, tủ lạnh cũ ra với giá ve chai, thậm chí cho không.
Tưởng rằng thời xài hàng tiêu dùng cũ đã qua nào ngờ kinh tế 2012 khó khăn, giờ mình cũng lại quay về xài xe đạp bãi, nồi cơm điện secondhand.
Đúng là đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tụy.