Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Mã đáo thành công


(...và chiến lược giúp cho những người xa phu chiến thắng cuộc đua tài. Có 1 loại xa phu tin vào những con ngựa và cỗ xe của hắn. 

Và có những cú ngoặt dại dột ở nơi này nơi khác, trên suốt con đường mà không kềm cương ngựa. Nhưng 1 người biết cách thắng cuộc với số ngựa ít hơn, luôn căng mắt nhìn vào cột mốc và ngoặt sát cua. 
Và ngay khi xuất phát luôn kềm sát dây cương. Với đôi tay cứng rắn khi nhìn về kẻ chỉ huy.)
Iliad, Homer, TK 9 trước CN

Hóa ra mã đáo thành công có đến 8 con ngựa lận chứ không phải 7 như mình nhớ. Còn nữa "tuấn" là ngựa chứ không phải là tuấn tú như mình tưởng.

Chuyện kể rằng Chu mục vương có 8 ngựa cùng người đánh xe Tạo Phụ kéo cỗ xe lừng danh này thành chủ đề cho các họa sư Trung Hoa vẽ về chủ đề mã đáo thành công. http://kienthuc.net.vn/giai-ma/tiet-lo-ve-8-con-ngua-trong-buc-ma-dao-thanh-cong-303054.html

Nay kéo cỗ xe kinh tế gồm:

- Ngựa sản: chuyên về sản xuất. Con ngựa trong số 8 con quay đầu trở lại. Nó thường là con ngựa đứng ở vị trí thứ 4 hoặc thứ 5. Hành động quay đầu lại được cho là để khuyến khích những con ngựa còn lại trong đàn chạy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.

- Ngựa phân: chuyên về phân phối

- Ngựa thổ: chuyên về bất động sản

- Ngựa thồ: chuyên về vận tải, chuyên chở

- Ngựa băng: chuyên về ngân hàng

- Ngựa vàng: chuyên đánh vàng tài khoản

- Ngựa chứng: đuyên xanh xanh đỏ đỏ chứng lên khoán xuống

- Ngựa nghệ: chuyên về khoa học công nghệ, trông nhỏ nhỏ vậy mà quan trọng. Điều đặc biệt là con ngựa thứ 8 không bao giờ vừa chạy vừa quay đầu lại. Nếu quay đầu lại thì đồng nghĩa với việc một phần tiền bạc của gia chủ sẽ bị mất hay rơi vãi ở đâu đó.

Đại khái đội hình xếp chuẩn là thế, ngặt 8 tuấn này còi, chạy chậm rất sốt ruột. Con ngựa nghệ thấy mình thấp bé nhẹ ký còn lén lấy mo cau trát bùn áp vô be sườn cho thêm phần oai vệ.

Sau 1 hồi bàn bạc, quyết để con ngựa băng đứng số 4, lãnh nhiệm vụ cổ võ cả đàn. Ngựa vàng đứng số 8 để chạy cho nhanh. Ý định bơm máu mạnh lên, xây thêm 1 đàn ngựa ảo chạy cho nó Thánh gióng chứ con ngựa thổ cũng nhỏ quá.

Bàn đi tính lại cắm ống đu đủ vào đít ngựa thổ, nối ống này vô đít ngựa băng, ngựa vàng. Hễ 2 con này nhả ra cái gì thì vô bụng ngựa thổ cái đó. Kế này bắt chước thời Mao làm vườn ao chuồng. Châm cứu cho heo nằm không vận động, ăn vô ỉa ra lấy phân nuôi cá. Cá thu hoach lại lấy đầu ruột cho heo ăn. Khép kín mọi bề, hoàn hảo như động cơ vĩnh cửu.

Ngựa chạy băng băng, xe như đằng vân giá vũ. Cứ tốc lực này chẳng mấy vượt thoát bẫy thu nhập trung bình mà bọn 4 bản thâm hiểm dương ra.

Bỗng nhiên trời chẳng chiều lòng người, ngựa thổ ăn lắm chất thái quá trướng bụng chạy không nổi, ngựa vàng sa hố què 1 chân phải lấy nẹp SJC bó, con ngựa chứng được đôn lên thay. 

Con này bứt là ăn rào rào, lúc nhảy cẫng, lúc nằm xoài làm xe lúc lắc nên người đánh xe toát hết mồ hôi hột, mồm lẩm bẩm: đúng là mã đáo thành công cho 1 mình ông.

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Thế hệ 6X

Tính viết kỹ về chuyện này mà bài này http://otxanh2012.blogspot.com/2009/05/tan-man-he-6x.html kể cũng củ tỉ quá rồi nên thêm vô mấy nét chấm phá cho vui.
Hồi Bác Hồ mất tôi mới hơn 3 tuổi rưỡi chút. Cha tôi cõng tôi trên vai, ai đó đeo chiếc băng tang nửa đen nửa đỏ lên ngực áo tôi. 
Người nhắc: khóc đi con. Xung quanh rất đông người ai cũng khóc sụt sùi. Đó là một trải nghiệm do ưu thế tuổi tác mà lớp từ 7X về sau không thể có.
Khi đi học, thế hệ tôi cũng lại đặc biệt nốt, đó là vào PTTH (1980-1983) mà không hề học ngoại ngữ. 
Số là trường Hải An (Lê Quý Đôn) tôi học trước học tiếng Hoa, mà năm 79 đánh nhau mới Tàu, khí thế còn hừng hực nên bỏ luôn. Còn tiếng Nga thì thiếu giáo viên, chưa triển khai được.
Tôi vẫn còn nhớ như in cái không khí chống TQ xâm lược sục sôi thời đó, rồi báo đài, rồi chuyện cảnh giác hầy zà...rồi cảnh lao công đào binh đắp đập Đình Vũ lũ lượt.

Những cái đó không ngăn cản tụi tôi trở thành lứa học sinh tài giỏi nhất miền Bắc. Vô lớp 8 năm 80 mà tốt nghiệp lớp 12 vào năm 83. Học 5 lớp trong vòng có 3 năm.
Tuổi đó cũng là tuổi từ giã văn học Nga, Tàu để chuyển qua lén lút đọc chuyện miền Nam đưa ra như Kim Dung, Cổ Long, Quỳnh Dao, Duyên Anh, cô giáo Thảo...nghe nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên...với giọng ca của Lệ Thu, Khánh Ly, Chế Linh, Hùng Cường... 
Sau này vô đại học thì niềm tự hào mới hơi xẹp xuống vì biết các đàn anh tại chức, chuyên tu mới giỏi nữa. 
Tụi tôi học chính quy mất 5 năm mà các đại ca học có 3,4 năm, có trường hợp phụ huynh bạn tôi sỹ quan đang học ĐH có 6 tháng thì nổ ra chiến tranh phá hoại đánh tàu Ma đốc, gấp rút về đơn vị nên được đặc cách bằng ĐH luôn.

Học ĐH theo chương trình hoàn toàn bao cấp, làm gì có tí teo nào khái niệm về kinh tế thị trường, giáo trình là mấy quyển in roneo cũ mèm, giấy đen thùi lùi.
Đi thi, bà Lăng, vợ ông hiệu trưởng http://trantuananh9.blogspot.com/2013/08/ba-vo-ong-hieu-truong.html cứ dặn đi dặn lại, đừng có nói sức lao động là hàng hóa đấy, bị trượt đấy nghe con. 
Ai mà chẳng nói chủ nghĩa Mác Lê là tiên tiến nhất, khoa học nhất. Mọi lý thuyết rồi sẽ sai, duy chỉ có CN ML là duy nhất đúng, vĩnh viễn đúng. Đọc truyện về Gien ni, tự bạch của Mác thì phục lăn, giỏi đến thế là cùng.
Đang học dở dang thì đổi mới. Kinh nghiệm đầu tiên về đổi mới là đổi tiền, bữa đó nhịn đói vì trường chưa có tiền mới để mua thức ăn.
Ra trường 88 cũng là năm bỏ phân công, hết được hưởng chế độ sẵn sàng đi bất cứ nơi nào khi tổ quốc cần nhưng thủ tục, quy trình vẫn như cũ nên thằng tôi tự đi xin việc nhưng khi làm thủ tục thì vẫn là nhận quyết định phân công từ trường về tổng cục đường biển, từ đó lại đánh quyết định phân công về đơn vị thành viên là nơi nhận tôi.
Nói vậy chứ cũng có cái oai phong, quyết định nhập khẩu do chính tay trưởng ban TCCQ thành phố ký (hồi đó nhập khẩu vô SG rất khó).  
Hồi đó kiến thức bằng cái lá mít mà bập vô công việc thì lại toàn là thị trường, lại loay hoay tự học rồi học thêm. 
Khi khát vọng bằng cấp dâng cao đi học cao học thì trường ĐH KT phán, bằng như anh phải học bổ sung 6 môn, mất khoảng 9 tháng rồi mới được dự thi đầu vào.
Họ nói cũng có lý, hồi đó cứ băn khoan mãi thị trường thì phải cạnh tranh, mà cạnh tranh thì xấu xa lắm (hơi giống bác Giá, bỏ bao cấp thì chết đói à).
Đấy 6X cứ băn khoăn trăn trở những chuyện bò trắng răng như vậy vì thực ra thế hệ tụi tôi được đào tạo làm lính chiến là chính, đến khi trưởng thành thì may mắn hết chiến tranh. 
Nên tồn kho với tư cách này thì lại phải chuyển đổi để làm sản phẩm của đổi mới, của kinh tế thị trường.
Trong đầu mấy hệ điều hành chạy, mấy loại kiến thức đóng cửa, mở cửa trộn lẫn nên đôi khi xung đột là chuyện thường. Ví như anh bầu Kiên, cứ lao mình vào hướng mà theo anh ấy là ok, nhưng thực ra luật lại không bảo thế, vậy là oạch.
Xen kẽ mơ mộng hão huyền với thực tế trần trụi. Vừa láu cá lại vừa ngây ngô. Học 1 đằng làm 1 nẻo có lẽ là đặc điểm lớn nhất của thế hệ 6X tụi tôi. Tất nhiên bao trùm lên nó là tư tưởng bình quân chủ nghĩa, phong thái lè phè đang là hồn cốt của cả bộ máy mà 6X dù chưa vươn tới vị trí lãnh đạo, nhưng lại đang là cốt cán tham mưu.  



Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Nạn nhân đầu tiên của bán hàng đa cấp


Phân tích bối cảnh truyện ăn khế trả vàng, xảy ra ở vùng quê Bắc bộ.
Anh: được thừa kế tài sản gồm nhà chính, ruộng vườn (phần chính). Theo phong tục ngoài Bắc thì nhà cửa, tài sản giao lại cho con trưởng để thờ cúng. Thực ra ngôi nhà cũng chỉ để thờ tổ tiên, không được bán.
Em: túp lều bác Tôm, vườn nhỏ cùng cây khế. Khế là 1 thứ cây phổ biến, dễ trồng và nhiều trái.
Đại bàng: nhân vật xứ lạ, khác biệt qua dáng dấp, quần áo. Chuyên kinh doanh mua bán.
Từ đây 1 cú deal lịch sử xảy ra:
Đó là ăn quả khế, trả cục vàng. Một cái giá không tưởng, quá lời. Câu hỏi đặt ra:
- Sao người em tin và chấp nhận 1 cái giá hoang tưởng vậy?
Người Việt có câu quen sợ dạ, lạ sợ áo quần. Trường hợp phú ông và Bờm, do 2 bên quen thuộc nhau nên Bờm sợ dạ, dù phú ông hứa hão, bánh vẽ đến đâu thì cũng chỉ dám nhận cục xôi. Còn trường hợp này người em sợ áo quần + tham nên đã theo kế hoạch của đại bàng.
Tại sao đại bàng nhắm vào người em:
Vì người em nghèo, nếu đem chuyện này nói với người anh thì người anh sẽ khó chấp nhận. Nên mặc dù đích là người anh - kẻ có tiền, nhưng đại bàng phải nhắm vào người em - nghèo. 
Và ở đây, trái khế được đem ra trao đổi như món hàng đa cấp. Đúng theo phong cách đa cấp châu Á là chú trọng xây dựng hệ thống chứ không quan tâm đến sản phảm như tụi Hebalife (giống hồi cải cách ruộng đất, đội về làng cũng bắt chuỗi, rễ ở bần cố nông nghèo nhứt).
Kết quả: giao dịch thành công. Sự thành công của em làm anh gato (1 đặc tính nổi trội của dân ta). Ham quá làm anh lao vào giao dịch với đại bàng, cuối cùng người anh mất sạch sành sanh, ra đê ở.
Sau đó trong quá trình Nam tiến thì người Nam đã rút kinh nghiệm vụ này: đó là cha mẹ để tài sản lại cho con út, nhằm giúp con trưởng thêm động lực đi kiếm cắn bên ngoài, thêm phần lịch duyệt cho khỏi ngờ nghệch, dễ bị lừa như khi còn ở Bắc.