Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Người là quý nhất

Thị trường chứng khoán (Trung tâm giao dịch chứng khoán) đi vào hoạt động 7/2000.
Để chuẩn bị cho nó đã có các hoạt động sau:
- Ủy ban chứng khoán thành lập 10/1996, đi vào hoạt động 1998. TTGDCK thành lập 1998. Kể từ đó khoảng 70 người của UBCK và 40 người TTGDCK học tập nghiệp vụ (chuyên gia Hàn Quốc hướng dẫn), soạn thảo các văn bản pháp quy như nghị định, thông tư, hướng dẫn giao dịch...
- Lấy trụ sở 45-47 Bến Chương Dương (ngân sách cấp 50 tỷ). Đến khi hoạt động đặt sàn giao dịch tại nhà B (nay đã phá đi, đang xây mới). Nhà chính làm nơi để xe, 2006 mới sửa xong chuyển trung tâm qua đó.
- Hệ thống giao dịch: CT đầu tiên Lê Văn Châu muốn có hệ thống giao dịch hiện đại như các nước, ý định chưa thành thì về hưu. CT Nguyễn Đức Quang thay chỉ có khoảng 10 tháng để có phiên giao dịch đầu tiên.
- Vậy là liên hệ qua mối quan hệ cá nhân mượn hệ thống giao dịch của Thailand, họ đồng ý cung cấp phần lõi giao dịch. Cử chuyên gia sửa theo yêu cầu của VN và ta chỉ phải trả tiền ăn ở đi lại cho chuyên gia (mãi tới 2006 khi trung tâm thu phí giao dịch mới ký hợp đồng bảo trì hệ thống với Thailand, nghĩa là mới trả tiền). 
Phần lưu ký, đăng ký, thanh toán bù trừ do FPT viết. Bảng điện thì Taiwan cho. Nhớ hệ thống điện sàn giao dịch nhà B ta cũng dùng phần điện âm tường có sẵn, sau bên PCCC yêu cầu ta mới lắp bình chữa cháy tự động ở sàn.

Theo lý thuyết thì trung tâm vận hành từ:
- Qui chế
- Con người
- Hệ thống giao dịch
Ta chuẩn bị sẵn, kỹ về qui chế, người. Hệ thống giao dịch đi mượn. Người xây nên qui chế. Vậy có thể nói xây dựng TTCK VN đã theo đúng phương châm người là quí nhất. 

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Kiều Hưng - ca sỹ số 1 thời bao cấp

Kiều Hưng tài hoa vậy nhưng không biết buôn bán nên thật khổ.


http://vietbao.vn/Van-hoa/Gap-lai-Kieu-Hung-tai-hoa-va-luu-lac-o-Hannover/70029322/181/


Mười mấy năm rồi mới được nhìn thấy ông, ca sỹ Kiều Hưng , nghe lại giọng hát còn nguyên cái chất ngọt ngào, da diết, truyền cảm như thủa tôi thường nghe Rặng trâm bầu, Về thăm mẹ, Tình ca…



Ca sĩ Kiều Hưng (phải) và tác giả trước nhà hát thành phố Hannover
Trong chuyến đi công tác sang Đức cùng đoàn cựu học sinh Việt Nam đầu tiên tại Moritzburg tháng trước, tôi đã đến thành phố Hannover và gặp ca sỹ Kiều Hưng.

Người nghệ sỹ ấy ngày ngày vẫn cặm cụi sáng tác, đi hát cho cộng đồng người Việt xa xứ với nỗi niềm đau đáu về quê hương…


Xuống tàu điện đã thấy ông đợi sẵn ở bến, đưa chúng tôi về nhà. Mười mấy năm rồi mới gặp lại Kiều Hưng, dường như ông bé nhỏ đi nhiều so với hồi còn ở nhà. Nhìn ông lúi húi đi trước dẫn đường trong chiếc áo jacket rộng thùng thình, cảm giác xót xa chợt dâng lên trong lòng.

Ngôi nhà Kiều Hưng ở nằm trên con phố nhỏ yên tĩnh Eliserstrasse có rất nhiều cửa hàng bán hoa và đồ lưu niệm xinh xắn. Chắc hẳn ông đã phải lựa chọn chán trước khi quyết định chuyển về đây vào năm 1996. Trước năm ấy, kinh tế khó khăn nên ông phải thuê một căn nhà nhỏ ở mãi ngoại ô.

Một người đồng hương hâm mộ giọng hát Kiều Hưng từ khi còn ở Việt Nam thấy vậy đã cất công đi tìm nhà cho ông. “Thiên nhiên, hoa cỏ làm cho tâm hồn người nghệ sỹ đẹp thêm nhiều.” - Ông bảo thế. Và có lẽ khu phố này là nơi ở thích hợp nhất với tính cách của ông, nhẹ nhàng và trầm lắng.

Căn nhà này đã trở thành chỗ qua lại thân thiết của các nghệ sỹ từ trong nước sang biểu diễn. Anh em nghệ sỹ nào qua đây cũng được Kiều Hưng đón về nhà: Nghệ sỹ Trần Bình - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, gia đình nhạc sỹ Trần Tiến, mới đây là Quang Thọ, Thanh Hoa, Đức Long…

Phòng khách rộng rãi, sạch sẽ và ngăn nắp. Chiếc đàn organ được đặt ngay cạnh cửa sổ nhìn ra đường, nơi hàng ngày ông vẫn ngồi tập hát và sáng tác. Tôi cứ thấy tiếc mãi cho Kiều Hưng rằng bao nhiêu năm ca hát, nhưng ông không mang theo được gì ngoài một cuốn băng video ca nhạc do Đài THVN thực hiện năm 1992.

Cuốn băng được thực hiện khá sơ sài với một số bài hát làm nên tên tuổi của Kiều Hưng: Về thăm mẹ, Rặng trâm bầu, Tình ca, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người… Từ ngày vợ ông về Việt Nam, ông sống một mình và phải lo tất cả các việc cho cuộc sống độc thân.

Thường thì cứ đến 2 ngày nghỉ cuối tuần, cậu con trai Kiều Hải lại đưa vợ con về thăm bố. Kiều Hải sinh năm 1976, đã có thời kỳ học nhạc ở Nga rồi theo bố sang Đức. Vợ Hải lúc nhỏ ở trại trẻ mồ côi rồi sau đó được một người Đức đến xin làm con nuôi đưa về nước. Hai vợ chồng vẫn đang theo học ở Nhạc viện Hannover.

Nghe kể cuộc sống của Kiều Hải còn chật vật lắm. Hai vợ chồng và một đứa con đang phải sống chủ yếu nhờ trợ cấp xã hội. Thỉnh thoảng anh vẫn đi chơi nhạc thuê cho một số ban nhạc ở khắp nước Đức. Mỹ Hương - Con gái với người vợ trước của Kiều Hưng may mắn hơn. Cô sang Mỹ học và lập gia đình luôn bên đó. Lễ cưới của cô được tổ chức tại khách sạn Melia Hà Nội năm ngoái. Lần ấy, Kiều Hưng cũng về dự đám cưới con gái.

Buổi chiều, ông dẫn chúng tôi đi ăn tối ở nhà hàng Việt Nam, cùng dãy phố. Kiều Hưng gọi cho chúng tôi món vịt rán, còn mình chỉ ăn đậu phụ xào nấm. Chứng cao huyết áp hành hạ nên ông phải ăn kiêng. Ông tình cờ phát hiện ra mình mắc chứng bệnh này trong lần đi biểu diễn ở Mỹ với Ái Vân.

Gần đây, chứng thoái hóa cột sống thỉnh thoảng lại hành hạ, hễ cứ đi bộ được một lúc là người lại đau nhức. “Chẳng biết lúc được về, có còn đủ sức biểu diễn cho khán giả nữa không?” – Kiều Hưng thở dài. Sáng nào ông cũng đi bộ đến bể bơi cách nhà không xa, tập bơi chừng một tiếng đồng hồ. Ông vẫn âm thầm chuẩn bị cho ngày về.

Cứ nhắc đến cơ hội được về hẳn và biểu diễn phục vụ khán giả trong nước, đôi mắt có nhiều nét buồn phảng phất của ông lại như sáng lên. “Sắp đến tuổi cổ lai hy rồi. Giờ chú chỉ mong mỏi ngày về hát cho đồng bào mình nghe. Hai lần về nước, chú vui lắm vì khán giả vẫn còn nhớ đến mình”.

- Đơn từ chú gửi đi các nơi đến đâu rồi? – Tôi hỏi về kết quả giải quyết nguyện vọng hồi hương của ông.

- Chưa thấy gì cả. Có vị đại biểu Quốc hội mời chú đến cơ quan hứa sẽ trao đổi vấn đề này với các cấp lãnh đạo, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy hồi âm gì.

- Chú có đề nghị gì không?

- Chú mong muốn Nhà nước xem xét cho hoàn cảnh chú phải ra đi. Ra đi một cách tự nhiên chứ chú không bất mãn, không có thù oán gì. Cả đời chú chỉ làm nghề đi hát nên ở đây thỉnh thoảng chú cũng đi hát cho cộng đồng, thế thôi.

Năm 1999, khi biểu diễn bài Thằng Bờm, ca sỹ Ái Vân phải tìm một người đóng vai phú ông cùng hát với mình. Nhưng các ca sỹ hải ngoại chỉ quen lối hát uỷ mị, không thể hiện được những bài mang đậm chất dân ca, lành mạnh và kịch tính.

Biết chỉ có Kiều Hưng mới đảm nhận được vai này, Ái Vân đã đề xuất với nhạc sỹ Phạm Duy (mới hồi hương cùng con trai) gọi điện mời ông sang Mỹ biểu diễn. Sau đó, trung tâm Thúy Nga Paris có đề nghị ông hát thêm một số bài để thu băng tiếp ở Mỹ, Kiều Hưng đã từ chối.

“Chú là người được đất nước cho ăn học thành người, đã hát quen dòng nhạc cách mạng, dân ca nên không thể tiếp tục nhận những bài hát thuộc dòng nhạc khác”. Cách đây vài ngày, ông vừa từ chối lời mời hát chung với Khánh Ly ở Munich. Với nguồn thu nhập chính chỉ dựa vào số tiền trợ cấp xã hội ít ỏi, những lời từ chối ấy chắc chắn phải là sự cân nhắc rất kỹ càng.

Ấy vậy mà hiếm có liên hoan văn nghệ nào của cộng đồng người Việt ở phía Đông nước Đức lại thiếu tiếng hát của Kiều Hưng. Ông chẳng quản ngại đi hàng trăm cây số về Berlin, Leipzig, Magdeburg đáp ứng lòng yêu mến của lớp người từng hâm mộ Kiều Hưng từ khi còn ở trong nước.

Anh Nguyễn Văn Mạc - Chủ tịch Hội Đức – Việt ở Magdeburg - kể, lần Kiều Hưng hát ở Leipzig phục vụ khán giả Việt Nam, rất nhiều người Đức tham dự đã xúc động đồng loạt đứng dậy hát vang bài dân ca Đức cùng ông. Cuộc thi tìm kiếm giọng ca Việt triển vọng trên toàn LB Đức tổ chức vào cuối năm nay có danh sách Kiều Hưng trong ban giám khảo.

Ông sẵn sàng “vác tù và hàng tổng” giúp sinh viên Việt Nam ở Hannover dàn dựng những dàn đồng ca đến 50 người mỗi dịp lễ, Tết. Vì thế mà sinh viên Việt Nam ở đây ai cũng biết và quý trọng ca sỹ Kiều Hưng.

…Trước khi tiễn chúng tôi lên đường sau một ngày hàn huyên, Kiều Hưng hát tặng chúng tôi bài Nhớ quê do ông sáng tác, phỏng ý thơ của Thái Công Khanh. Tiếng hát cất lên da diết kỳ lạ như đang gửi gắm những tâm sự chất chứa bao nhiêu tháng năm của một người nghệ sỹ lưu lạc đang đau đáu về quê hương.

“Tôi ở nơi đây có những chiều nhớ nhung vời vợi/Mẹ thân yêu ước gì con được về quê cũ đắm đuối trong lời hát mẹ ru/Tôi nhớ quê tôi có sông sâu thuyền ghe tấp nập kề bên nhau/Đầu làng náo nức vui phiên chợ gồng gánh bên nhau chật xóm cầu/(…)/Tôi ở nơi đây nhớ lắm rồi có đêm trằn trọc lệ tuôn rơi/Có chiều thơ thẩn lòng tê tái có lúc thấy mình sống lẻ loi/(…)/Ước gì gặp lại người xưa cũ, nghe nói bây giờ vẫn ngóng trông…”.

Leipzig - Hà Nội, tháng 11/2005

Ngô Văn Hải


http://vietbao.vn/Van-hoa/Kieu-Hung-Tai-hoa-va-luu-lac/70019685/181/
Không chỉ bươn trải trong Nam, ngoài Bắc, nghệ sĩ tài hoa Kiều Hưng còn sống những ngày tháng lận đận long đong ở nước ngoài. Trong đó sang nước Nga là bước ngoặt lớn đầu tiên.



Nghệ sĩ Kiều Hưng
Hồi Kiều Hưng còn công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc nhân dân TW, ông được mời dạy thêm hệ tại chức khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội. Nghệ sĩ Mai Khanh là trưởng khoa.

Học sinh tại chức giọng hát khá hạn chế, nhưng nhờ thầy nhiệt tình, trò cố gắng nên trong số đó có các ca sĩ như Mạnh Hưng, Tiến Hỷ... sau này đã giành được danh hiệu NSƯT. Như vậy, dù phải về hưu, nhưng chí ít ông cũng còn hy vọng có việc làm ổn định, phù hợp với chuyên môn.
Nhưng trước đây có lần đến nhạc viện, Kiều Hưng nhận được lá thư nặc danh, nội dung đại khái như sau: “Anh Kiều Hưng thân mến. Vừa rồi khoa Thanh nhạc họp, có ý kiến nói anh là soloist của nhà hát, đã được đi biểu diễn nhiều, nay còn được dạy thêm ở nhạc viện. Bây giờ thầy nhiều, trò ít, người ta định cho anh nghỉ. Vì lòng quý mến đối với anh, xin thông tin lại để anh biết...”.

Kiều Hưng mỉm cười: “Có thể người viết thực lòng quý mình, cũng có thể họ muốn làm cho mình biết khó mà rút lui... Tôi cầm lá thư lên gặp ông Nguyễn Văn Thương khi ấy vừa là giám đốc nhà hát của tôi, vừa là giám đốc nhạc viện. Lúc ấy trong phòng có cả anh Trung Kiên, người mới thay anh Mai Khanh làm Trưởng khoa Thanh nhạc. Hai người đọc xong, anh Trung Kiên không nói gì. Ông Thương bảo: “Anh để thư này lại cho tôi”. Bẵng đi một thời gian dài, không thấy ai nhắc tới lá thư đó nữa, tôi đành cho qua”.

Kiều Hưng tiếp tục tìm đến Viện Âm nhạc. Anh thấy mình còn có khả năng hát ca trù và ngâm thơ để tự tiến cử với nhạc sĩ Tô Vũ. Ông Vũ bảo Kiều Hưng hát thử. Nghe xong, ông Vũ khen: “Được lắm. Nhưng bên mình cũng làm gì có... biên chế”.

Không thể bó tay ngồi yên, nhóm nghệ sĩ tuy hết tuổi cơ quan nhưng vẫn còn sung sức tuổi nghệ thuật: Mạnh Hùng, Hữu Xuân, Bích Liên, Xuân Nhung, Đinh Thìn, Kiều Hưng... tìm đường Nam tiến, vào miền đất vốn năng động và cởi mở với những thực tài.

Ở Sài Gòn, khi nào kiếm được một show diễn nghiệp dư, nhóm nghệ sĩ miền Bắc lẫy lừng một thuở tập hợp nhau lại. Họ phải ở nhờ nhà tập thể của một công ty đường sắt...

Đang lúc lang thang chưa biết bấu víu vào đâu, Kiều Hưng bất ngờ gặp lại một người bạn học cũ là bà Ca Lê Hồng (bà Hồng là chị em với nhạc sĩ Ca Lê Thuần và nhà thơ, liệt sĩ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân). Với sự giúp đỡ của bà, Kiều Hưng được làm giảng viên lớp Đại học Thanh nhạc dân tộc của trường Nghệ thuật sân khấu 2. Vì dạy môn này nên Kiều Hưng biết thêm... hò Đồng Tháp!

Thế nhưng khi lớp học kết thúc, không đủ kinh phí mở lớp mới, Kiều Hưng phải chuyển sang dạy thanh nhạc cho một lớp cải lương hệ B. Bấy giờ hệ B mang nặng tính thương mại, tuyển rất đông học sinh. Phần đông các ca sĩ tương lai này chỉ đến trường để trốn nghĩa vụ hoặc đi học... cho vui.

Với một người lao động nghệ thuật chuyên nghiệp như Kiều Hưng thì tình trạng này khiến ông vô cùng chán ngán. Điều an ủi duy nhất là, nhờ dạy ở đây mà ông được phân nhà. Đó là căn buồng tập rộng vỏn vẹn 6m2.

Khi ông đón vợ và 2 con từ miền Bắc vào mới được linh động bổ sung thêm một phòng tập rộng 6m2 nữa, vậy là 12 mét. Nếu ta nhớ lại thời gian cách đây gần 20 năm ở Sài Gòn nhà cửa không quá khan hiếm như ngoài Hà Nội thì gia đình Kiều Hưng 4 người ở một diện tích như vậy quả là quá khiêm tốn.

Năm 1991, chị Việt Bắc (vợ ca sĩ Kiều Hưng) trúng tuyển đi nghiên cứu sinh ở Nga. Một cơ hội mới mở ra với cả gia đình. Đã từ lâu Kiều Hưng muốn đi học tiếp. “Lớn tuổi rồi, nếu không hát được nữa thì học xong mình sẽ về nước đi dạy...” Như vậy ở thời điểm đó, Kiều Hưng đã tính đến bước lùi.

Kiều Hưng tư lự: “Năm ấy tôi cùng các con sang thăm nhà tôi. Nhờ có thư giới thiệu của bà giáo cũ ở Kiev, tôi được nhận vào trường Đại học Văn hóa tổng hợp Matxcơva. Ở đây tôi đã gặp vợ chồng người bạn cũ là anh Tôn Thất Chiêm và chị Xuân Thanh”. Có thể nói cuộc gặp gỡ này là bước ngoặt khiến cuộc đời của Kiều Hưng rẽ sang hướng khác mà ta sẽ nói đến ở sau.

Ngoài giờ học, bộ ba này lập thành một nhóm tham gia các chương trình công - xe (concert) của nhà trường. Liên Xô tan rã, chi phí học tập (không nhỏ) họ đều phải tự trang trải. Bộ ba nhận thêm hợp đồng biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt từ khắp nơi đổ về Matxcơva ngày một đông.

Thời kỳ ấy có thể gọi là thời hoàng kim của những người VN sang Nga buôn bán. Trước đó một, hai năm, mua chiếc máy tính XT ở Việt Nam với giá cắt cổ hơn 1000 USD, mang sang Nga dễ dàng bán với giá cao gấp đôi, gấp rưỡi! Còn nếu bạn đi từ Ba Lan sang Matxcơva, chỉ cần “trông hộ” một giàn máy vi tính, sẽ có người mua tặng bạn vé tàu; đến nơi lại có người đưa đón, và bạn sẽ được nhận thù lao hai vé dễ như bỡn.

Sau này thì ào ào áo gió ra quân, rồi áo thêu, áo phông, quần lót bông hồng, đồng hồ điện tử, son môi, bút chì kẻ mắt... ở nhà giá khá bèo, sang bên ấy lập tức biến thành vàng, thành đôla. “Đôm” 5, “ốp” Vòng bi, Búa liềm, Saliut... trở thành những trung tâm thương mại tấp nập. Các soái (chữ dùng để suy tôn những người giỏi buôn bán hoặc được phỏng đoán có tài sản trên 1 triệu đôla) người Việt liên tục xuất hiện.

Nhưng Kiều Hưng không phải tạng người biết lợi dụng thời thế để làm ăn. Trong không khí nóng bỏng tiền tiền tiền thời bấy giờ, ông chỉ là một kẻ “vô tích sự”.



Kiều Hưng, Xuân Thanh đang biểu diễn tại Leipzig 1995
Hồi ấy tôi có nhiều cơ hội qua lại nước Nga, nghe tin đồn Kiều Hưng mới bị trấn lột. Những tên cướp người Việt tống ông lên xe ô tô bịt kín, đưa vào rừng và thất vọng khi nhận ra cái người ăn mặc bảnh bao kia hoá ra chỉ là một anh nghèo kiết với vài chục rúp trong túi.

Thậm chí chúng đã định nện nạn nhân một trận cho bõ tức nếu không có kẻ trong bọn nhận ra ông đây chính là ca sĩ Kiều Hưng! Hôm đó chúng đã làm một việc “tử tế” hiếm hoi là chở Kiều Hưng quay lại metro gần nhất khi ông ấp úng nói mình không biết đường về.

Khi tôi hỏi ông thực hư chuyện này, Kiều Hưng chỉ cười: “Việc ấy thì có, nhưng đã bị thêu dệt thêm ít nhiều”. Ông trầm ngâm: “Hồi còn sống, bà cụ tôi thường bảo: May mà mày còn có giọng hát, chứ không có giọng thì đẻ chẳng biết mày làm được cái gì!” Chị Việt Bắc có một định nghĩa ngắn ngọn về chồng: “Cuộc đời anh, gói gọn lại thì chỉ có 3 chữ “H”, “A”, “T” - hát !”

Lớ ngớ giữa thời buổi kinh tế thị trường sôi sùng sục như thế thì khó mà tồn tại được. Nhưng cái khó chẳng bó được cái khôn. Nhóm ba người nảy ra sáng kiến. Ông Tôn Thất Chiêm vốn là người tháo vát và biết tiếng Pháp khá. Ông tìm thấy thông báo về các cuộc thi công - cua âm nhạc quốc tế vốn chẳng có người Việt nào thèm quan tâm dán khắp nơi ở thủ đô Matxcơva. Nhóm ba người đến ĐSQ nước chủ nhà xin đăng ký dự thi.

“Các cuộc thi đều hạn chế tuổi thí sinh dưới 30. Tôi bấy giờ đã hơn 50, nên phải khai thấp đi hơn hai chục tuổi. Vì người Việt mình có nét mặt trẻ so với người châu Âu, nên họ không biết, cho visa liền. Nhưng đến khi vào thi, có nơi đã phát hiện ra mình quá tuổi. Ở Phần Lan, mới hát xong bài đầu tiên tôi đã bị họ mời xuống. Ở Pháp người ta cũng biết tôi lớn tuổi, nhưng vì tôi hát thành công một bài aria rất khó nên họ để cho được vào vòng trong...”

“Ông có được giải gì không ?”

“Tôi lớn tuổi rồi... chỉ Xuân Thanh được mấy giải be bé”.

Mục đích của việc đi thi là để có visa vào các nước, có giải thì tốt, không có giải cũng chẳng sao. Thi xong, nhóm ba người tranh thủ thời gian còn lại biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt. Tuy không thể làm giàu, nhưng vẫn còn được làm nghề và có tiền tiêu là quý lắm rồi.

“Một lần đi thi chúng tôi bị hải quan cửa khẩu Lvốp giữ lại. Họ hỏi: “Các anh đi đâu, làm gì mà mỗi người chỉ có một cái vali nhỏ thế này?” - Tôi thay mặt đáp: “Chúng tôi là nghệ sĩ đi thi công - cua quốc tế!”. Cả nhóm hải quan phá lên cười ngặt nghẽo: “Qua cửa khẩu này chỉ có người Việt đi buôn thôi. Nghệ sĩ! Ha ha!”.

Họ nghi chúng tôi giấu hàng quốc cấm trong nhạc cụ nên bảo: “Nếu các anh chứng minh được mình là nghệ sĩ thì chúng tôi sẽ cho đi qua”. Cái này đối với chúng tôi không khó. Anh Chiêm đánh đàn, tôi cất tiếng hát một bài dân ca Ucraina quen thuộc. Cả nhóm hải quan đứng vây quanh ngỡ ngàng vỗ tay theo nhịp. Tôi chuyển sang hát tiếp một trích đoạn trong vở opera Evghênhi Ônhêgin. Mấy anh chàng hải quan xua tay: “Thôi, thôi, pass, pass... (cho qua)”.

Tháng 12/1994.

Lần này bộ ba đi thi ở Ý. Nhưng chuyến đi lại không thật như ý. Chẳng những không được giải mà việc tìm show diễn cho cộng đồng người Việt cũng không thành công. Trên đường về Matxcơva, họ có mấy tiếng transit qua thủ đô Berlin.

Trước khi sang Ý, ở sân bay Sheremenchievô xảy ra một chuyện bất bình thường. Khi làm thủ tục tại công an cửa khẩu, vợ chồng ông Tôn Thất Chiêm dễ dàng được cho qua, nhưng đến Kiều Hưng thì hộ chiếu bị giữ lại. Giờ bay sắp đến gần mà vẫn không thấy ai đả động gì. Vợ chồng ông Chiêm ở bên trong sốt ruột vẫy tay rối rít ra hiệu. Cực chẳng đã, Kiều Hưng đành đến gặp mấy anh công an Nga trình bày, kèm theo món tiền lót tay 50 đô.

Họ trả lại hộ chiếu cho ông và cũng không nói lí do vì sao. Đây chính là điểm mấu chốt hơn 10 năm lưu lạc trên nước Đức của Kiều Hưng mà mãi đến khi bị bắt ông mới biết.

Vợ chồng ông Tôn Thất Chiêm chưa về Nga ngay, muốn ghé vào thăm em gái ông Chiêm là nghệ sĩ piano Tôn Nữ Nguyệt Minh đang định cư ở Đức. Hai người sợ Kiều Hưng buồn nên rủ ông đi cùng, tiện thể làm luôn mấy show diễn cho cộng đồng người Việt ở đây.

Mới đầu Kiều Hưng từ chối. Thế nhưng vốn tính cả nể, vả lại thấy vợ chồng ông Chiêm nhiệt tình quá nên ông xiêu lòng. Ông không biết rằng mình đang đột nhập vào nước Đức bằng visa quá cảnh.

Sau một thời gian thăm thú và biểu diễn ở Berlin, không muốn làm phiền gia đình Tôn Nữ Nguyệt Minh, Kiều Hưng đi thăm người quen ở Munich. Ngày thứ Năm, ông định quay lại Berlin để về Nga, thế nhưng mọi người giữ lại nói, để đến thứ Bảy hãy đi vì vào các ngày lễ vé sẽ được giảm giá.

Thứ Bảy mọi người đưa ông ra ga, vẫy tay chào tạm biệt. Còn nửa tiếng nữa mới tới giờ tàu chạy, Kiều Hưng lang thang trên sân ga, ghé vào kiốt xem mấy quyển tạp chí. Bỗng từ đâu xe cảnh sát Đức ập tới. Họ đòi kiểm tra hộ chiếu của Kiều Hưng rồi lạnh lùng tống ông lên xe.

Trên xe đã có mấy người Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư... ngồi sẵn. Tất cả được đưa tới một khu nhà tập thể. Người ta phát chăn gối và cho mỗi người một suất ăn rồi lặng lẽ bỏ đi. Không biết tiếng Đức nên Kiều Hưng chẳng hiểu mô tê ra làm sao, đành phó mặc cho số phận.

Sáng hôm sau, Kiều Hưng được đưa lên phòng thẩm vấn. Nhà chức trách Đức xì xồ một hồi. Nghe phiên dịch xong, Kiều Hưng toát mồ hôi. Hoá ra căn phòng hôm qua ông ở chính là một trại tị nạn! Người ta thông báo cho ông biết ông đã nhập cư bất hợp pháp vào nước Đức, rằng ông đã vi phạm luật pháp của Đức v.v...

Cuối cùng viên chức nọ hỏi nguyện vọng Kiều Hưng muốn gì ? Ông đáp: Trở lại nước Nga. Viên chức nọ cầm quyển hộ chiếu của ông lên và trả lời: Không thể được. Hộ chiếu của ngài đã hết hạn. Mặc dù thái độ của viên chức người Đức khá nhã nhặn, nhưng từng lời anh ta nói, Kiều Hưng nghe như sét đánh ngang tai.

Bấy giờ ông mới hiểu lý do vì sao bị biên phòng Nga giữ lại ở sân bay Sheremenchievô không cho làm thủ tục xuất cảnh. Thì ra khi ấy hộ chiếu của ông chỉ còn thời hiệu là 10 ngày, về nguyên tắc ông sẽ không được rời nước Nga với quyển hộ chiếu như thế.

Anh lính biên phòng đã linh động sau khi nhận tiền lót tay mà không cho khổ chủ biết tai họa đang chờ ở phía trước. Như vậy, khi từ Ý trở về, cho dù Kiều Hưng không dừng lại ở Đức một thời gian thì thực tế anh cũng không thể vào nước Nga được nữa vì hộ chiếu đã hết hạn.

Kiều Hưng lại đề đạt nguyện vọng mới: Ông xin được về Việt Nam. Nhà chức trách trả lời: Nếu đưa ông về được VN thì chúng tôi nhẹ quá. Nhưng ông đến đây từ nước Nga, theo luật pháp của Đức, chúng tôi chỉ trả tiền vé cho ông quay lại Nga, chứ về VN thì chịu. Nhưng về Nga thì hộ chiếu của ông đã hết hạn.

Đi mắc núi, về mắc sông, đúng là họa vô đơn chí. Kiều Hưng bắt đầu thấy núng, không biết phải làm gì. Nhà chức trách chỉ ra một lối thoát duy nhất trong tình thế này: Kiều Hưng phải xin tị nạn ở Đức.

“Lúc ấy tâm trạng tôi rất hoang mang. Nhớ gia đình, bạn bè, người thân, Tổ quốc. Nhưng cho dù tôi không muốn ở lại nước Đức thì cũng chẳng thể đi đâu được nữa. Thôi thì cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu...”.

Nghe Kiều Hưng lẩy Kiều, tôi tự hỏi, có phải câu thơ đã ứng vào hơn 10 năm lưu lạc (và còn chưa biết bao giờ mới kết thúc) của ca sĩ họ Kiều trên đất Đức hay không ?

(Còn nữa)

Hữu Việt

http://vietbao.vn/Van-hoa/Kieu-Hung-sap-ve-voi-que-huong/70004584/181/

Gia đình nghệ sĩ Kiều Hưng tại Hannover (Đức) năm 2004
Trở về trước Tết 1 tháng từ Đức, nghệ sỹ Kiều Hưng dành toàn bộ thời gian thăm thú bà con nội tộc và tảo mộ các cụ. Lần trở về này ông tranh thủ thu thập tư liệu và có thể sẽ thực hiện một album Kiều Hưng trong năm 2005 tại quê hương.

Giọng ca mượt mà, tình cảm của NSƯT Kiều Hưng thế hệ 7X chúng tôi hầu hết đều biết và mê. Hồi đầu những năm 80 khi đài phát thanh còn chiếm thế độc tôn, chúng tôi mỗi lần muốn nghe một chương trình nào đều phải ra khỏi nhà, đến đầu con ngõ gần cây cột điện, nơi có chiếc loa hình cái loa kèn.

“Tiếng đàn bầu”, “Rặng trâm bầu”, “Chiếc nón bài thơ”, “Tình ca Tây Bắc”... chan chứa tình yêu quê hương qua giọng ca Kiều Hưng đã đi vào tâm hồn chúng tôi một cách tự nhiên.

Chừng hơn 1 tháng trước, chiều đông Hà Nội đang trong một đợt rét ngọt, cơ quan tôi (DIHAVINA) đón một người khách lạ - một người đàn ông thấp bé, hơi mập, sáng sủa, ăn nói điềm đạm và rất gần gũi say sưa đủ thứ chuyện về ca hát, về những vùng đất xa xôi, về tâm tư của những người con xa Tổ quốc. Kiều Hưng. Trở về nước lần này ông dành toàn bộ thời gian thăm thú bà con nội tộc và tảo mộ cho các cụ, ấy cũng là một trong những lý do ông không đi thăm được bạn bè nghệ sĩ.

Kiều Hưng rủ chúng tôi tới nhà bà Kiều Thị Mão, đã 79 tuổi, hơn ông đúng 10 tuổi nhưng trong dòng họ, Kiều Hưng là chú ruột. Bà Mão vào chuyện: “Họ hàng nhà tôi bây giờ chủ yếu ở HN, nhưng về ruột thịt thì chỉ có tôi và chú Hưng là gần nhất thôi, chú ấy lại là con trưởng nên từ ngày chú tôi đi, tôi ở nhà thay chú làm hết. Chú tôi đi sang bên ấy, các em đều thành đạt nên tôi cũng mừng, nhưng vẫn muốn chú thím tôi trở về”.

Kiều Hưng thực sự đang dần từng bước thực hiện kế hoạch trở về sinh sống tại Hà Nội. Vợ chồng ông vừa mua một ngôi nhà trong ngõ Hào Nam trước Tết Nguyên đán. Ngôi nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện nội thất. Ngoài biểu diễn, ông mong sẽ được trở lại giảng dạy, và cộng tác với các trường nghệ thuật tại Hà Nội.

Thời gian ở Đức, nghệ sĩ Kiều Hưng thỉnh thoảng hát phục vụ bà con Việt kiều, nhưng giờ ông dành thời gian sáng tác ca khúc. Anh con trai cả Kiều Hải đang giảng dạy âm nhạc chuyên nghiệp tại Hannover đầu tư một studio nho nhỏ để hai cha con cùng ghi âm những ca khúc ông sáng tác.

Lần này ông đã thu thập nhiều tư liệu và các tuyển tập ca khúc mang sang bên ấy, có thời gian ông định chọn ra những bài phù hợp để tập, và có thể sẽ thực hiện một album Kiều Hưng trong năm 2005 tại quê hương.

Bà Kiều Thị Mão có người con gái là nghệ sĩ múa Mai Khanh từng là sinh viên xuất sắc của Trường Múa VN được cử sang Nga du học, từng đoạt nhiều giải thưởng múa quốc tế tại Nga, hiện vẫn gắn bó với nghề này và rất thành danh tại Canada. Loanh quanh thế nào hoá ra Kiều Hưng và bà cũng là họ hàng với nghệ sĩ Trần Hiếu, Trần Tiến. Bà nói tự hào về người chú ruột: “Chú Hưng hát vẫn còn hay lắm, ở bên ấy hơi phí, về nhà có điều kiện biểu diễn hơn”.

Nguyễn Quang Long

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Phòng tránh bệnh đau lưng

Đau Lưng

Vietsciences- Nguyễn Ý Đức 18/07/2012

Sau Nhức đầu thì Đau lưng Lower Back Pain là nguyên nhân thứ nhì gây đau cho mọi người, đặc biệt là với người cao tuổi.. Chăm sóc đau lưng cũng là nguồn phí tổn khá cao, có lẽ chỉ sau các bệnh về tim.

Với nhiều nhà chuyên môn y tế thì Đau Lưng hầu như là một căn bệnh của đời sống gây ra do thói quen bất thường của người bệnh. Vì họ đứng, họ đi, họ nâng nhấc hoặc lôi kéo sự vật nặng không đúng cách, đưa tới nguy cơ tổn thương cho các thành phần của lưng. Khi đã bị một lần thì đau lưng cũng có nguy cơ tái phát.

Các nhà chuyên môn cũng ước lượng là 80% các trường hợp Đau Lưng có thể phòng ngừa được nếu ta để ý một chút hoặc nếu ta có vài kiến thức căn bản về cột sống.

Lưng là phần dưới của thân mình gồm có 5 đốt xương sống, các gân, dây chằng, cơ bắp để giữ lưng ngay thẳng. Các đốt xương này chịu đựng sức nặng của phần trên của thân mình, cho nên chúng rất dễ tổn thương.

Từ các đốt sống này xuất phát dây thần kinh não tủy. Giữa các đốt sống là đĩa sụn liên hợp giúp cột sống cử động trơn tru.


Ðau lưng thường thường gây ra do ba nguyên nhân chính:

-căng cơ bắp-dây chằng trong các hoàn cảnh như mập phì, có thai, người cao tuổi ít vận động, nâng mang vật nặng mà lại dùng sức mạnh của lưng, tư thế không ngay thẳng, nhiều xúc động mạnh…

-thoái hóa đĩa đệm

-viêm mặt khớp xương.

Ngoài ra, bị chấn thương, u bướu, viêm nhiễm cột sống, nằm ngủ trong vị thế bất thường hoặc nệm quá mềm cũng là nguy cơ gây đau lưng. Nhiều trường hợp phụ nữ với nhũ hoa quá khổ cũng gây ra đau lưng vì lưng chịu một sức nặng ngoài khả năng.

Người cao tuổi thường hay bị đau lưng vì sự thoái hóa cột sống, cơ bắp dây chằng lỏng lẻo, đốt cột sống dễ bị nghiêng vẹo, đè vào dây thần kinh não tủy, gây ra đau. Với các bác, chỉ khom khom di chuyển một chậu cây cảnh hoặc cúi xuống bế đứa cháu nội ngoại cũng dễ dàng ôm lưng nhăn nhó.

Theo các nhà chuyên môn, 80% dân chúng đều bị đau lưng một vài lần nào đó trong cuộc đời. Đau lưng là lý do hàng đầu khiến cho người dưới 45 tuổi phải nghỉ việc.

Đau lưng có thể là cấp tính hoặc kinh niên.

Cấp tính thường kéo dài khoảng 4 tuần lễ còn kinh niên thì liên tục đau, có khi cả dăm ba tháng.

Những cơn đau và cứng khớp thường xảy ra vào buổi sáng sớm và xế chiều. Ban đêm cơn đau khiến người bệnh khó ngủ.

Đau cũng thường thấy ở dưới chân khi đi lại hoặc đứng lâu.
Phòng tránh

Phòng ngừa có mục đích tránh các căng dãn không cần thiết cho cơ bắp và cũng để tăng cường sức mạnh cho các bắp thịt hỗ trợ cột sống.

1- Khi mang vật nặng, không nên khom lưng xuống để nhấc vật đó lên, mà ngồi xuống, hai tay ôm cầm vật đó rồi từ từ đứng lên qua sức mạnh của đầu gối, như vậy tránh được sự tổn thương cho lưng.

2- Khi vật nặng nằm ở trên bàn, ta có thể ôm vào bụng hay quay lưng ôm đồ vật vào lưng để mang đi.

3- Đừng đi giầy gót quá cao, làm xương sống xiêu vẹo, yếu.

4-Giữ dáng điệu ngay ngắn.

5-Khi đứng, bụng thót phẳng , hướng xương chậu về phía sau sẽ giúp phần dưới của cột sống vững hơn. Nếu cần đứng lâu thì đặt một chân lên vật cao khoảng hai tấc để ngả xương chậu về phía sau.

6-Ngồi lâu đều gây nhiều khó chịu cho lưng. Vì thế lâu lâu nên đứng dậy, đi qua đi lại, thư dãn xương lưng. Tránh ngồi trên nệm ghế quá mềm.

7-Nệm xe đều gây đau lưng khi ngồi quá lâu. Nên lót lưng với một cái gối nhỏ và để tay trên vật tựa; kéo ghế gần về phía trước để đầu gối cao bằng hông.

8-Nên ngủ trên nệm cứng; nằm nghiêng, đầu gối co thước thợ hoặc khi nằm ngửa thì lót gối dưới khuỷu chân. Gối cao vừa phải để đầu và mình ngang bằng;

9- Khi cần coi tivi hoặc đọc sách lâu, nên nằm để tránh căng cho xương sống.

10-Quần áo không nên quá bó sát vào người để cơ bắp, xương khớp không bị gò bó..

11-Tập thể dục với các cử động làm thư giãn khớp xương và bắp thịt, tăng cường sức mạnh cho bắp thịt, dây chằng ở lưng.

12-Buổi sáng ngủ dậy, trước khi bước ra khỏi giường nên tập các cử động vẹo người qua lại để thư giãn lưng. Lý do là sau bẩy giờ nằm ngủ, xương khớp, bắp thịt cứng lại, nếu đứng dậy ngay có thể té ngã, gây tổn thương cho lưng và các phần khác của cơ thể.

13-Không hút thuốc lá vì nicotine làm giảm máu lưu thông tới lưng khiến cơ khớp yếu.

14-Giảm cân nếu quá mập, vì mập phì làm mô mềm ở lưng căng cương. Hai phần ba người bị đau lưng kinh niên đều bị béo phì.


Vài cử động để thư dãn cột sống

1-Ðứng thẳng, hai bàn chân xa ngang thân người, úp hai bàn tay lên ngang lưng. Ðầu gối ngay thẳng, ưỡn lưng về phía sau càng xa càng tốt. Giữ nguyên vị trí trong vài ba giây rồi trở lại dáng điệu bình thường. Làm cùng động tác năm lần.

2- Ðứng ngay thẳng, tựa hai tay lên phía sau của thành ghế. Ðầu gối thẳng, dơ một chân về phía sau càng cao càng tốt. Hạ chân xuống từ từ và làm cùng động tác với chân kia. Làm năm động tác liên tiếp cho mỗi chân.

3-Nằm sấp, hai chân duỗi thẳng, khuỷu tay gấp, hai bàn tay úp xuống sàn. Dùng hai tay đẩy thân mình lên càng cao càng tốt, mông và chân vẫn phẳng dưới sàn. Nhắc lại cùng động tác 10 lần.

4-Nằm ngửa, đầu gối gập lại, hai bàn chân để dưới đất. Từ từ nhấc đầu và vai khỏi sàn, hướng hai bàn tay về phía đầu gối, giữ vị trí trong mười nhip đếm rồi nằm thẳng mình trở lại. Nhắc lại cùng cử đông năm lần.

5-Nằm sấp, chân tay đụng mặt bằng. Nâng cao một chân, đếm từ 1 đến 10 rồi hạ chân xuống. Nhắc lại cùng cử động với chân kia. Làm 5 lần mỗi chân.

Bác sĩ Nguyển Ý Đức

Texas- Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com

http://vietsciences.free.fr/

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Lý do phải mềm dẻo



Dạo này thấy ca bài phải cư xử mềm dẻo dữ quá, hóa ra là vì sợ cái này (chống cự hay không cũng rứa):



Trộm vào nhà cưỡng hiếp vợ trước mặt chồng
Trước khi 'cuỗm' hết tiền mặt và trang sức, nhóm trộm đã hiếp dâm tập thể nữ chủ nhà trước mặt chồng cô.

Người vợ bị lũ trộm dùng gạch đập vào đầu vì cố tình chống cự. Ảnh minh họa: Asiaone


Vụ việc xảy ra vào nửa đêm hôm qua tại Lucknow, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Theo Indian Express, 7 tên trộm đã cưỡng hiếp tập thể người phụ nữ trong khi chồng cô bị khống chế và không thể làm gì giúp vợ.

Do cố gắng chống cự lại lũ côn đồ nên nạn nhân đã bị thương nặng ở đầu. Hiện cô đã được đưa đến trường y Aligarh để điều trị.

Cảnh sát trưởng Happy Guptan cho biết họ đã lập hồ sơ dưới dạng vụ cưỡng hiếp và trộm cắp, đồng thời tóm hai kẻ tình nghi để thẩm vấn. Theo ông Guptan, cảnh sát đã lập tức đưa nạn nhân đến bệnh viện sau khi nhận được tin trình báo của những người sống gần nhà cặp vợ chồng.

Người chồng kể rằng buổi đêm, vợ chồng anh cùng cô con gái 4 tuổi đang ngủ trong căn nhà chỉ có một phòng thì 7 gã đàn ông đột nhập. Chiếc cửa sắt của căn hộ bị hỏng nên không thể cài được từ bên trong. Lũ kẻ cướp dùng súng để khống chế và nhét vải vào miệng anh. Chúng lấy hết số tiền mặt 1.380 Rupee (khoảng 25 USD) và một số món nữ trang trước khi thay nhau hãm hiếp vợ anh. Bọn trộm còn dùng gạch đánh vào đầu người phụ nữ khi cô cố gắng chống cự và định báo cảnh sát.

Đến sáng hôm sau, một vài người hàng xóm sau khi thấy cửa mở đã đi vào nhà và cởi trói cho người chồng trước khi báo cảnh sát.

Hướng Dương


Hay cái này

Trung Quốc:
Bi kịch cảnh vợ bị hãm hiếp ngay trước mặt chồng



Người vợ bị một thành viên của đội liên phòng địa phương đánh đập tới tấp và cưỡng hiếp, còn chồng chị nấp ở góc khuất, cắn răng chịu đựng nỗi ê chề suốt 1 giờ đồng hồ.




Hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc
Nạn nhân là chị Wang Juan, 29 tuổi, sống trong một căn hộ thuê ở khu phố Xixiang, huyện Baoan, thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Chị đang phải vật lộn với nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần, không chịu ăn uống trong vòng nửa tháng nay. Chị cứ nằm bẹp trên giường, mặt tái nhợt, chân tay run rẩy, nhìn chằm chằm lên trần nhà, máu vẫn chảy xuống giường. Chị Wang đã nhiều lần cố gắng tự tử bằng cách cắt cổ tay.




Chị Wang nằm bẹp trên giường, không nói nửa lời, từ chối trả lời phóng viên
Vụ việc kinh hoàng trên xảy ra vào đêm 23/10 vừa qua. Khi đó vào khoảng 8 giờ tối, đội liên phòng địa phương do Yang Xili cầm đầu mang theo ống sắt và dùi cui đột nhập vào cửa hàng nhỏ của chị Wang. Sau khi đập phá mọi thứ, chị Wang bị Yang Xili đánh đập tới tấp rồi cưỡng hiếp hơn một tiếng đồng hồ. Chồng chị là anh Yang Wu, 31 tuổi, sợ bị đánh nên đã nấp trong góc tối chỉ cách đó vài mét, không dám lên tiếng, đau đớn nhìn vợ bị hãm hiếp. Chỉ đến khi đám người kia đi khỏi, Yang Wu mới dám lấy hết can đảm đi báo cảnh sát và đưa vợ tới bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, do không đủ tiền viện phí nên anh đã đưa vợ về nhà ngay sau đó.




Mẹ chồng 70 tuổi của chị Wang quỳ trước mặt mẹ Yang Xili đòi công lý.
Đối diện với những lời quở trách từ mẹ, vợ cùng với cái nhìn của hàng xóm, Yang Wu chỉ có thể lặp đi lặp lại câu trả lời: “Tôi là một kẻ hèn nhát, nhu nhược, vô dụng. Tôi là người chồng hèn nhát và vô dụng nhất thế giới và tôi cũng là thằng con trai hèn nhát nhất. Tôi không thể bảo vệ được gia đình mình”.


Khi được hỏi, tại sao lại trốn trong góc khi Yang Xili xông vào đập phá và cưỡng hiếp vợ mình, Yang Wu trả lời trên Nanfang Daily rằng: “Tôi không phải là một người đàn ông, tôi sợ bị đánh đập. Hắn bắt nạt tôi và tôi không dám kháng cự. Nếu tôi chống lại, hắn sẽ đánh tôi đến chết. Lúc đầu, tôi nghĩ rằng hắn sẽ chỉ đập phá, đánh vợ tôi rồi bỏ đi, tôi không nghĩ hắn lại dở trò bỉ ổi đến thế. Nếu muốn sống, tôi chỉ còn cách im lặng cắn răng chịu đựng”.




Đồn cảnh sát chỉ cách cửa hàng của vợ chồng an Yang có vài mét
Khi được hỏi tại sao lúc đó không gọi cảnh sát, Yang Wu cho biết: “Yang Xili là một thành viên trong đội liên phòng, giúp cảnh sát tuần tra khu phố. Ngày nào hắn cũng ở trong đồn cảnh sát và có mối liên hệ thân thiết với cảnh sát nên tôi sợ rằng gọi cảnh sát cũng chẳng có ích gì. Trong khi đó, tôi vẫn cần phải làm việc và sống ở đây để nuôi bốn con nhỏ, một bà mẹ già yếu. Vì vậy, tôi chỉ có thể im lặng, nếu không sẽ bị trả đũa.”


Yang Wu đau xót kể lại rằng: “Tôi nghe tiếng kẽo kẹt của giường và tôi nhận ra vợ mình đang bị hắn hãm hiếp. Những âm thanh phát ra rất lớn, những tiếng kêu gào ầm ĩ chỉ cách tôi có vài mét. Máu dồn lên trán, tôi thật sự muốn cầm dao xông tới đâm chết tên khốn nạn kia. Đó là giây phút nhục nhã ê chề nhất của một thằng đàn ông”.


Được biết, vợ chồng anh Yang mở cửa hàng nhỏ này để sửa chữa đồ điện gia dụng, thu nhập không được bao nhiêu, lại còn nuôi bốn con nhỏ và một bà mẹ già 70 tuổi. Vợ chồng phải thắt chặt chi tiêu và thường xuyên bị đội liên phòng địa phương do Yang Xili cầm đầu đến đập phá.


Hoàng Thủy (Theo Chinasmack)

Vài điểm của đám tang Việt

Ngoài hai món truyền thống trọng nam khinh nữ và làm càng to, càng hoàng tráng, càng đông khách càng tốt thì còn 3 chủ đề sau:

- Hành xác: thực ra thì tự hành xác không lạ, đại diện tiêu biểu là đạo Phật đạo Chúa như Phật tổ, Chúa Giesu còn điển hình hơn. Có điều hành xác để chứng tỏ thương yêu, nuôi dưỡng người đã khuất thật tốt hay là chuộc lỗi cho đỡ ăn năn những ngày cha mẹ còn sống con cái cư xử không phải.

- Đói ăn: thiếu ăn thật ám ảnh, ngày phải cúng cơm ít nhất 3 lần. Xưa đói thì thèm cơm chứ giờ đâu đói nữa, khối cụ còn phải tiết giảm ăn cả gạo lứt muối mè nay ngàn thu vĩnh biệt mà con cháu cứ theo lệ cũ nhỉ?

- Sợ: kiêng cữ như kỵ tuổi, vàng mã...nói thẳng ra là sợ ma, sợ hồn người chết lẩn quẩn trong nhà nên làm linh đình, nghi thức trọng thể chung quy cũng là vì sợ.


-

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Chúa ruồi

Chúa ruồi hay là câu chuyện con người ta dễ trở nên man rợ, độc ác như thế nào. Ác mà không biết là mình ác.

http://nguyenbienthuy.wordpress.com/2010/07/23/chua-ru%E1%BB%93i-n%E1%BB%97i-am-%E1%BA%A3nh-v%E1%BB%81-b%E1%BA%A3n-ch%E1%BA%A5t-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di/

Bìa sách tiếng Việt của Nhã Nam
Lâu lắm rồi tôi mới lại đọc một cuốn sách liền một mạch như thế, và hết nhanh như thế. Chúa Ruồi (Lord of the flies) của William Golding giống như là một nỗi ám ảnh thẳm sâu trong mỗi con người, nỗi ám ảnh về cái ác, thứ có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào ngay ở trong những tâm hồn thánh thiện nhất.

Cuốn tiểu thuyết không dày. Không gian không quá rộng lớn. Nhân vật không nhiều, và toàn là một lũ con nít. Nhưng dường như nó không dành cho độc giả nhỏ tuổi.

Một chuyến bay chở mấy chục đứa trẻ đi sơ tán bị trúng đạn và chúng may mắn sống sót trên một hoang đảo ở Nam Thái Bình Dương. Sẽ chẳng có gì nghiêm trọng, hoặc có thể còn có nhiều thứ thật thú vị và li kỳ nếu đây là một cuốn sách thiếu nhi, giống như hàng loạt những cuộc phiêu lưu trên đảo mà chúng ta từng đọc khi còn bé. Nhưng cuộc sống của lũ nhóc không hề đơn giản, vì chúng chỉ là một lũ nhóc với những tâm hồn non nớt và không tì vết. Chính cái non nớt và không tì vết đó lại làm cho diễn biến câu chuyện đau thương hơn, bởi vì, khi lao vào cuộc sống tự do, bản chất thật sự của chúng sẽ bộc lộ, cái ác, cái thiện đôi khi không còn ranh giới.

Ralph, một thằng 12 tuổi rắn rỏi khỏe mạnh và có uy, thủ lĩnh của bọn nhóc.

Piggy, một thằng cỡ tuổi Ralph bị suyễn, béo ị và đeo kính, thông minh và biết suy xét, nhưng đớn hèn.

Simon, một thằng yếu ớt nhưng hòa nhã, hơi lập dị, bản chất tốt và mắc chứng động kinh.

Jack, một thằng gan lì, hay nhạo báng người khác, hám quyền, nhưng đôi lúc khá dễ thương

Roger, một thằng bướng bỉnh, xu nịnh và độc địa.

Và một lũ nhóc khác từ 6-12 tuổi.

Chỉ có thế, và câu chuyện bắt đầu với chiếc tù và bằng vỏ sò, với vai trò thủ lĩnh của Ralph, với chiếc kính làm mồi lửa của Piggy, với đám khói trên núi, với đội quân săn heo rừng của Jack, với nỗi sợ bóng đêm và loài ác thú trong tưởng tượng, với sự mất tích của thằng bé có bớt trùm nửa khuôn mặt… Rồi sự chia rẽ, giành giật nhau giữa hai phe Ralph/ Piggy và Jack/ Roger, cái chết của Simon, cái chết của Piggy…

Trò chơi của trẻ con, nhưng chứa trong nó sự tàn nhẫn. Và sự tàn nhẫn này không phải là bột phát, nó phát triển từng ngày và bùng lên dữ dội.


Hình ảnh trong bộ phim sản xuất lần đầu năm 1961



Jack, ngay đầu chuyện đã tỏ ra là một thằng bướng, nhưng cái cảnh nó ngập ngừng không dám dùng dao chọc chết con heo giải thích cho cái tâm hồn không tì vết của nó, cũng như những hành động trẻ con và nụ cười thân thiện nó dành cho Ralph. Nó biết sợ máu, biết giết một con vật cũng giống như tội ác.

Nhưng rồi nó và đội thợ săn của nó vẫn đi giết heo (vì chúng thèm thịt). Chúng chọc chết con heo mẹ, đuổi tan tác lũ heo con. Chúng cùng lũ nhóc tì nhảy múa cầm lao chọc chết Simon khi thằng này từ trên núi xuống báo tin có xác người chết trên rừng. Rồi thằng Jack dửng dưng và vô cảm khi thằng Roger cùng đội quân của nó bẩy đá giết chết Piggy. Cái ác trỗi dậy không ngừng, khiến người ta tự đặt ra câu hỏi: cái ác có phải bẩm sinh, hay chỉ là bùng phát theo hoàn cảnh? Tôi vẫn tin “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng tôi hoài nghi có một cái ác ẩn sâu trong cái thiện kia, và nếu nó mạnh hơn cái thiện ban đầu, nó sẽ thoát ra và trở thành bản tính của con người.

Điều ám ảnh tôi nhất trong cuốn tiểu thuyết đạt giải Nobel này là câu hỏi liệu cái ác sẽ đi đến đâu, hoành hành đến đâu nếu không có một sức mạnh nào ngăn cản nó. Hình ảnh Ralph bỏ chạy như một con thú bị săn đuổi trước một lũ mọi tay cầm lao vót nhọn 2 đầu, đứng đầu là Jack và Roger dường như là hình ảnh gây ám ảnh hơn cả hình ảnh chiếc đầu heo cắm trên cọc bị lũ ruồi bu đen kịt trong rừng. Liệu chúng sẽ làm gì Ralph khi chúng bắt được nó? Giết? Có thể lắm vì sự vô cảm trước cái chết của đồng loại, sự miễn dịch trước máu… khiến chúng trở nên điên loạn hơn bất cứ loài ác thú nào… Cái gì khiến Jack từ một thằng nhóc dễ thương, một thằng bạn đáng mến của Ralph lại trở thành một kẻ dữ tợn như vậy?

Nếu không có viên sĩ quan hải quân xuất hiện bất ngờ, nếu Ralph rơi vào tay bọn Jack, số phận nó sẽ như thế nào? Hay số phận cái Thiện sẽ như thế nào trước cái Ác đầy thế lực?…



Bạn sẽ luôn cảm thấy một cái gì đó bất an, không bình thường khi đọc tác phẩm này. Chỉ là một lũ nhóc tì, chỉ là trò chơi giống chơi trận giả của trẻ con, dường như chỉ là trò con nít… nhưng nó mang nhiều nỗi ám ảnh lên tâm thức, nỗi ám ảnh về con người, về cái thiện và cái ác…

“Trong một khoảnh khắc nó thấy một hình ảnh thoáng qua, hình ảnh của sự quyến rũ lạ thường từng tràn ngập những bãi biển này. Nhưng đảo đã cháy như củi khô… Simon đã chết và Jack đã… Nước mắt trào ra, nó run lên vì nghẹn ngào. Lần đầu tiên trên hòn đảo này nó để mặc cho nước mắt tuôn rơi. Đau thương khiến nó run bắn từng hồi, thân thể như quằn quại. Nó khóc rống dưới làn khói đen, trước hòn đảo đang cháy rụi. Những đứa khác bị lây, cũng run rẩy sụt sùi. Giữa bọn chúng, Ralph, bẩn thỉu, tóc rối bù, mũi dãi lòng thòng, khóc than cho sự thơ ngây đã chết và lòng dạ đen tối của con người, khóc cái ngã từ trên cao xuống đến chết của người bạn chân thành và khôn ngoan tên là Piggy.”…

Ralph và bọn trẻ được cứu, nhưng cái ngây thơ và trong trẻo của bọn chúng không còn nữa, mà ẩn sâu trong tâm hồn chúng là nỗi đau khổ và ám ảnh về sự độc ác và tàn nhẫn của con người. Hãy đặt tác phẩm vào hoàn cảnh ra đời của nó năm 1954, khi nhân loại vừa trải qua thế chiến thứ II, chúng ta sẽ hiểu đằng sau câu chuyện về lũ trẻ trên hoang đảo, đằng sau cuộc chiến con nít này chính là cuộc chiến lớn hơn, khốc liệt và tàn bạo hơn giữa con người với nhau, giữa cái Ác đang trỗi dậy…