Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Thi 5h hay 3h, chuyện nhỏ mà không nhỏ


Kỳ thi cấp quốc gia, VN thường thi 3h trong khi nước khác thi 5h.
Câu hỏi đặt ra là tại sao?
Đa số mọi người giải thích VN thi 3h do thể lực yếu hơn, do trình độ thấp hơn nên thi dễ hơn.
Nghe thì thỏa đáng nhưng thực ra nó bắt nguồn từ triết lý sâu xa.
Người Pháp nói: 1 trí tuệ minh mẫn trong 1 cơ thể khỏe mạnh
Người Việt nói: học trò trói gà không chặt.
Tây nói vậy nên Tây yêu cầu cả về trí lực lẫn thể lực, coi thể lực là nền tảng của mọi sự.
Ta nói vậy nên ta thuần khiết, coi chuyện trí lực và thể lực tách rời.
Quay trở lại mục đích thi để làm gì?
Cuối cùng thi để lựa chọn ra những người đạt với yêu cầu công việc. Chỉ có làm việc được ở cường độ cao thì mới có năng suất cao, ra được quyết định chuẩn được.
Nên khi VN thi trong 3h thì kết quả thường là nữ cao hơn nam, mấy người lẻo khẻo đạt mà mấy người có khả năng làm việc thực tế lại trượt.
Vậy đừng thắc mắc câu chuyện sao nữa thi tuyển vô kết quả cao mà sau lại làm việc không tốt bằng nam.
Chung quy việc lựa chọn đã bị sai từ gốc.

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Tập hợp những bài ít người đọc


1. Các loại cá đều dẫn tới cá mập
Thoạt đầu là cá kiếm, tức là luôn trong tư thế kiếm mồi, kiếm chác, gạ gẫm nên gọi luôn là cá kiếm.
Con thứ hai là cá trắm: dòng cá ăn tạp, cái zì cũng ăn, ăn tranh rất khỏe.
Thứ nữa tới cá tra: con này còn oanh liệt hơn cá trắm vì nó ăn cả cứt, bạn nào trải nhưng khi ngồi cầu tõm miền tây thì quá rành.
Theo dòng tiến hóa ta có cá lau kiếng: ăn sạch sành sanh mọi thứ, nhẵn như chùi, như lau kiếng.
Như những con trên cũng chỉ là lòng tong so với cá mập, hehe
Như vậy mới đúng thuyết tiến hóa. Chỉ kỳ dị là sự tiến hóa quá nhanh, khoảng 20y đã ra đủ loại cá.
(Trích lục binh hùng tướng mạnh hệ Thủy tinh)

2. Vàng
Các bác chuyên gia lúc nào cũng nhăm nhăm huy động vàng trong dân. Cứ bô bô dân còn khoảng 500 tấn vàng, nếu đem số đó ra làm ăn thì tuyệt.
Hôm nọ cũng có ông anh đề nghị mình viết 1 bài về huy động vàng trong dân. Mình chối, lý do biết gì đâu mà viết.
Nhưng nghĩ rằng, vàng là nơi trú ẩn cuối cùng của niềm tin. Nhớ dân ta tư xưa tới nay chạy loạn thì ai cũng phải có vàng để phòng thân.
Vậy đấy, phòng thân, các bạn thân mến ạ. Suy cho cùng, vàng ra khỏi túi rồi thì khi có chuyện còn giũ được bình tĩnh không, hay lại hoảng loạn. Đó là nơi dân gửi sự an của mình vào đó, các chuyên gia an dân ạ.

3. Chí khí
Hôm nay đọc lại Hịch tướng sỹ, Bình Ngô đại cáo thấy cha ông ta hào khí ngất trời.

Đức Thánh Trần Thì nói được và làm được

Ức Trai thì làm được và nói được

Ngày nay, đi đâu cũng chỉ nghe khôn khéo, khôn khéo và khôn khéo.

Thay đổi rồi chăng? Hào khí thành khéo khí

4. Bình luận tục ngữ, thành ngữ

- Nực cười châu chấu đá xe

Tưởng rằng chấu ngã ai ngờ xe nghiêng

Bình: nhưng xe vẫn là xe, chấu vẫn là chấu

- Chạy thi rùa thắng thỏ nhưng hôm sau vẫn chậm như rùa và nhanh như thỏ.

- Con vua thì lại làm vua

Con sãi ở chùa lại quét lá đa

Bao giờ dân nổi can qua

Con vua thất thế lại ra quét chùa

Bình: câu này chặt chẽ quá, mời mọi người bình luận

5. Đà Lạt

Ngày 18/12 14h khởi hành từ Hose đi Đà Lạt, 23h tới nơi. Chiều 20/12 về từ Đà Lạt lúc 13h, 20h30 tới nơi.

Nhớ năm 1999, cách đây hơn 10 năm, đi Đà Lạt mất khoảng 6h cho quãng đường 300km, đã muốn thời gian được rút ngắn hơn.

Chẳng những không rút ngắn mà còn lâu hơn nhiều vì đường sá quá tệ, đặc biệt vùng đèo Bảo Lộc đang thi công, cộng thêm kẹt xe mỗi ngày như mọi ngày. 

Như vậy Đà lạt còn quá khó khăn trong việc thu hút khách du lịch, điều an ủi là những điểm dừng chân dọc đường như Dầu Giây, Tâm Châu giờ sạch sẽ và lịch sự hơn trước rất nhiều.

Ngày đó, triền đồi Đà lạt rất đẹp vì cả cánh đồng hoa trổ bông, thi nhau khoe sắc. Tôi đặc biệt thích những cánh đồng bông này, rực rỡ và tươi trẻ; nó đối lập với rừng thông, trang nghiêm buồn và cô độc.

Nay kỹ thuật mới, người Đà Lạt trồng bông trong nhà, nhìn từ xa như cô gái mặc áo vá ra đồng. Còn đâu da thịt nõn nường màu sắc.

Tới ở Hoàng anh Gia lai resort, nhà rộng, phòng rộng, tiện nghi, quá nhiều gỗ đá tự nhiên mà khuôn viên lại quá hẹp. Ám ảnh mật độ cao từ Sài gòn theo mãi lên đây. Gỗ đá thì đúng là của nhà làm được.

Hose lên đêy làm teamwork. Thanh niên ngày nay tự tin, nghĩ rằng trước không có món này. Hơi nhầm đây vì không nhớ chuyện Bác Hồ dạy cán bộ về bó đũa và chiếc đồng hồ.

Của thanh niên nên teamwork thành teenwork. Nhưng nhờ đó phát hiện nhiều tài năng văn nghệ, tính đồng đội và cả sự lạc lõng khứa lão.

6. Tiếng Việt kỳ lạ
Tiếng Việt với thang âm sắc huyền hỏi ngã là cả một sự kỳ thú trong việc nói viết cả nghiêm chỉnh lẫn tiếu lâm.

Ví dụ như tại sao lại gọi là cái hồ, lại gọi là con sông. Sau được giải thích là đối với người Việt thì cái gì (lại cái rùi) nằm yên, không nhúc nhích được thì gọi là cái.

Còn cái gì động đậy được thì kêu bằng con. Một lối giải thích làm nhiều người tủm tỉm. Còn nhiều chuyện nờ lờ, ngủ ngũ, thằn(g) lằn(g)…nữa…

Nhưng hôm nay đang bàn đến sắc huyền hỏi ngã. Ví dụ:
- Chữ Ta: gồm có ta tà tá tả tã tạ. Nói nôm na bắt đầu bằng ta, là ta, là chúng ta. 
Vì là dựa hơi tập thể, số đông nên không khéo hóa ra tà, tức là không nghiêm chính. Và cũng vì đề cao tập thể nên mới thấy phải có người khác giúp, tức là có người phò tá cho mình. 
Tuy nhiên dựa vô người nhiều, phấn đấu nhiều nên không khéo người giống như cái tã, tức là khi có tiền tiêu thì hết sức rùi. 
Đó là chưa kể tá nhiều nên mình dễ mất tính trung chánh thành ra quá tả hoặc quá hữu. Từ tã tới tạ là một khoảng cách không xa không gần. 
Với người thành công, thì từ đây sự nghiệp lên chót vót, lên tới hàng trọng lượng khủng là hàng tạ, tạ ơn trời đất đã ưu ái. 
Với đa số thường dân thì sự nghiệp đã hết, chỉ còn tàn tạ dần với thời gian. Nhưng cả hai đều cùng tới ngày chờ tạ thế, bình đẳng.

- Chữ Tôi: tôi tồi tối tổi tỗi tội. 
Phương Đông không ưa chủ nghĩa cá nhân nên sau cái tôi là tồi ập đến. Cái tôi là cái tồi tàn mà. Nhưng nay kinh tế thị trường, ai mà chẳng nghỉ cho mình trước nên ai cũng nghĩ, cũng nói người khác là tồi. 
Vừa cá nhân, vừa tồi tàn thì u tối là phải rùi. U tối, u mê nên kề sau là vô nghĩa tới hai lần tổi tỗi. 
Từ đây cũng lại rẽ nhánh thành người tội nghiệp hay là mắc tội. 
Tội thay, tội thay. Đời là bể khổ. Chữ tôi trong tiếng Việt quả nặng nề hơn chữ ta nhiều.

- Từ ta, từ tôi con người mới suy nghĩ, tự vấn thành ra triết. 
Với triết, ta bàn về chữ Thiên. 
Thiên gồm có thiên thiền thiến thiển thiễn thiện. Muốn an bình nên mới thiền. 
Trong khoảng bao la trời đất thì thiền gần với thiên, với bầu trời xanh nhưng mấy đứa ưa nói xấu lại bảo gần với thiến, bị thiến. Tức là chả còn ham muốn, vui thú gì. 
Làm người tốt khó thay, tìm chỗ bình an khó thay. Nhưng trời vốn công bình, ai nghĩ vậy là thiển cận, không sâu xa. 
Những ai vượt qua được sự vô nghĩa này (thiễn) sẽ thành thiện nhân, tốt lành.

7. Bà nội không ăn pizza
VTV3 tết chiếu phim Bà nội không ăn pizza.
Có mấy tập nói về chuyện hai bà cháu hợp sức chống lại cô đày tớ tên Văn vừa ghê gớm, đanh ác, vừa hay ăn vụng.

Hai bà cháu hay đi vệ sinh lâu, đày tớ liền gắn chuông cháu được 10 phút, bà được 5 phút mỗi lần là chuông reo giục giã, phải đi ra.

Bà vừa cầm đũa ăn sáng liền bị chặn lại lí do là phải chờ cháu dậy trễ cùng ăn.

v.v…(hehe, lần đầu tiên thấy một bộ phim nói về tính xấu của đầy tớ nhiều như vậy).

Bắt hai bà cháu ăn rau suốt, cháu rình mãi mới biết đày tớ giấu thịt ăn vụng một mình.

Ông cháu đích tôn, 25 tuổi lông bông, tính ngây thơ, vô tư tức lắm bèn tìm cách đuổi cô đày tớ.

Rình được Văn ăn vụng bèn báo bác Như và tin chắc, cá với bà nội là bác Như sẽ tới liền để tống cỏ đày tớ ra khỏi nhà.

Chờ mãi không thấy bác sang. Tú tỉnh ngộ bèn làm bộ kết thân với Văn

Bác Nhu là con ruột của bà, chỉ có con gái, là người bỏ tiền thuê Văn nuôi bà.

Đến một hôm bà thấy đày tớ đang ăn thịt một mình bèn bảo Văn gọi bác Như qua.

Bác Như qua, bà nội khen Văn và tỏ ý muốn cho Văn thừa kế villa mà bà đang ở.

Lập tức bác Như nhảy lồng lên vạch tội Văn nào là cấm bà ăn cháo sườn, uống nước chè, chỉ cho ăn rau…xấu xa ăn vụng thịt, quần áo thì ngoài giản dị, trong đồ lót thì xa xỉ…chứng tỏ bác Nhu biết hết.

Kết quả tất yếu là bác Nhu sa thải ngay đày tớ Văn.

Cháu đích tôn thì ghét đày tớ, lo đối phó đày tớ. Có việc gì mét bác Như ngay.

Bà nội, bề ngoài như bị lẫn, điếc lác nhưng nhìn thấu con mình. Có yêu thương gì bà đâu mà chỉ rắp ranh ngôi nhà. Bà đã cảnh báo cháu nhổ cỏ phải nhổ tận rễ nhưng ông cháu không hiểu nên không thành công.

Quả gừng càng già càng cay.

Phim Việt cũng có phim đáng xem lắm chứ.

8. Việt Nam khai quốc

Việt nam là tên được nhà Thanh đặt ra. Vua Gia Long xin tên nước là Nam Việt nhưng nhà Thanh sợ tên Nam Việt mà cải thành Việt Nam .

Vậy Nam Việt là quốc gia nào?

Xưa Nguyễn Trãi trong Hịch tướng sỹ viết:

Từ Triệu , Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập.

Thì Triệu đây tức là Triệu Đà.

Theo Việt Nam khai quốc thì xưa Nam Việt cũng là nước lớn, bao gồm cả Quảng Châu, Quảng Đông. 
Hồ Động đình nổi tiếng cũng thuộc Nam Việt. Quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam là những quận vùng sâu vùng xa của Nam Việt, điểm cực nam nằm ở Quảng bình ngày nay.

Sau đó văn minh Hoa hạ bành trướng nuốt Quảng Châu, Quảng Đông của Nam Việt, một số trong tầng lớp thượng lưu Nam Việt chạy xuống Giao Chỉ.

Từ đây hình thành biên giới mới gần giống với biên giới hiện đại ngày nay.

Như vậy Nam Việt bị xâm chiếm gần hết, chỉ còn Giao chỉ, Cửu chân và Nhật nam, tức là phía nam giáp Lâm ấp.

Vậy mới có chuyện Hoàng đế Quang Trung đòi lại Quảng Đông, Quảng Tây.

Sao đến đây thì không bành trướng được nữa?

Có mấy lý do đưa ra như thung thổ, thời tiết…nhưng tôi có mấy giả thuyết sau:

- Mật độ dân số Giao chỉ cao, thậm chí còn cao hơn Trung quốc (ngày nay cũng như vậy) nên TQ sau khi xâm chiếm được không những không đồng hóa được mà còn bị đồng hóa ngược.

- TQ cử quan cai trị xuống cùng một số ít binh sỹ, đời này qua đời khác lấy dân địa phương và trở thành dân địa phương (trừ số quay về TQ). Quá trình bị đồng hóa này giống như dân TQ đồng hóa Nguyên, Thanh.

- Khi phương Bắc yếu thì nhu cầu tự lập của phía Nam lại nổi lên và nhu cầu độc lập là nhu cầu tự thân của lớp quan lại đã bị đồng hóa này. Nhu cầu độc lập luôn lớn nếu ta nhìn lịch sử nước Mỹ.

Giả thiết trên giải thích được lý do TQ sợ cái tên Nam Việt. Hướng Nam là một hướng mở rộng lãnh thổ chính của TQ và hướng nam là hướng mở rộng lãnh thổ duy nhất trong lịch sử nước Việt.

xem Việt nam khai quốc trên damau.org
hoặc http://vn.360plus.yahoo.com/linhphuctu
tham khảo thêm
http://www.gio-o.com/NgoBacCPFitzgeraldBanhTruongTrungHoa.htm

9. Họ nhà Sĩ

Họ nhà sĩ vốn nổi danh, vẻ vang trừ những khi đói kém

Nhất sĩ nhì nông

Hết gạo chạy rông

Nhất nông nhì sĩ

Vẫn oai vì vưỡn đứng hàng hai chứ không tiêu cực như có anh:

Ai thứ nhứt thì tui thứ nhì

Ai mà hơn nữa tui thì thứ ba

Rất an phận, không có tính cạnh tranh. Ngữ nầy ra đường Hà nội hay Sài gòn thì không thể đi được, chịu phép.

Liệt kê họ nhà sĩ

Nhạc sĩ, họa sĩ: Những người có tài năng thiên phú, phấn đấu lắm mới được vinh danh như vậy.

Bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ: Dùi mài kinh sử, trị bịnh cứu người cứu mình. Trổ tài kinh bang tế thế, uốn lưỡi dài phục vụ thiên hạ để kiếm cơm.

Nói chung từ nhạc sĩ, họa sĩ, bác sĩ đến thạc sĩ, tiến sĩ đều phấn đấu, dùi mài rất khổ cực.

So ra quá đỗi vất vả khi nhìn qua mấy anh hạ sĩ, thượng sĩ bên quân đội, công an. Đi lính chừng 2 năm là được phong hàm ngồi cùng chiếu với mấy sĩ kia rồi.

Vơ vơ vẩn vẩn nghĩ anh Sĩ đại lộ đông tây (đúng là đại lộ chớ hỏng phải tiểu lộ) có thuộc nhà sĩ không hỉ.

10. Tư duy
Dân Việt thuộc sử tàu hơn sử Việt. Lý do, nhà đài chiếu phim tàu nhiều quá mà dân ta cũng khoái. Từ con nít tới người già khen vua Càn Long giỏi mà không nhớ chính Càn Long đã sai Tôn Sĩ Nghị đánh nước ta.

Đặng Tiểu Bình là người giỏi, đổi mới TQ, nhưng có ai còn nhớ chính ông ta năm 79 xua quân dạy cho Vn một bài học không. Khen người mà quên mình có lịch sử hào hùng.

Hàng tàu tràn ngập xứ ta, có hàng tốt, có hàng lởm như điện thoại chẳng hạn. Vẫn bu vô mua rồi dài mỏ ra chê mà quên mất thâm hụt mậu dịch giữa ta và tàu là khổng lồ. Tại sao?

Vậy nên, đừng thấy khoản dự trữ 2.000 tỷ usd là kinh khủng, đừng thấy khoản cho Mỹ vay 800 tỷ usd là ghê gớm. Hãy xem người dân nghèo TQ được hưởng lợi gì từ phát triển, phúc lợi công cộng quốc gia mang lại cho họ là gì?

11. Phong Thủy bình dân
Trong cuộc đời, có 3 việc nhớn thì chỗ ở là một. Do quan trọng vậy nên các cụ đưa ra cả một môn Phong Thủy để bàn về chuyện này.

Vậy phong thủy là cái chi chi mà sao nay có nhiều thầy phong thủy vậy. Thầy phán hướng nhà, hướng bếp, hướng giường, phòng thờ…chi li tỉ mỉ, gia chủ răm rắp răm rắp nghe theo, từ ông quan to đến bà tiến sỹ, từ đại gia tới thiến heo…vô cùng tự giác.

Phong thủy như tên gọi, ghép của gió và nước.

Gió rất quan trọng, đặc biệt xứ ta nóng và xưa chưa có máy lạnh, quạt máy.

Gió như vậy phải là gió mát, gió lành, nếu không có thơm thì đừng mang theo mùi thúi. Ngày xưa, vườn rộng mà hàng xóm ghét cứ nhè đầu gió xây chuồng heo, làm nhà chồ thì mũi nào chịu thấu. Nay coi vậy mà khó, thành phố chật hẹp, kênh rạch ô nhiễm thì gió càng lưu thong càng gây mùi nhớ trong nhà.

Như vậy, ta rút ra, nhà phải được thiết kế cho gió lưu thông. Không quá mạnh, quá nóng. Ví dụ như nhà ngoài bắc thường quay mặt hướng nam vì hướng này hè có gió nam mát mẻ mà tránh được gió đông bắc mùa đông. Vị thế nhà không nằm trong khe hút gió. Nói tới nóng là nói tới mặt trời. Nhà hường tây thì nắng chiếu rát da, người nhớn còn bịnh nói chi con nít.

Đó là nói gió bên ngoài, khi lưu thong vô nhà cũng phải tuân thủ mát, lành nên kiêng đặt bếp dưới, phòng ngủ bên trên. Lý do rất đơn giản, do xưa đun củi, làm thế thì khói bay chịu sao nổi (chừ có máy lạnh nên khỏe rùi, hỉ). Nay tiện hơn, có máy hút mùi, nhưng nhiều nhà ống làm không khéo, khi chiên xào mùi vẫn bay tới từng ngóc ngách.

Đó là nói về nắng gió, nay tới nước.

Nước rất quan trọng. Đặc biệt ngày xưa nước không chỉ dùng sinh hoạt như giờ mà còn kiêm cả giao thông:

Nhất cận thị (chợ), nhì cận giang mờ

Như vậy phải có nguồn nước dồi dào, sạch, gần đường giao thương. Còn điều gì nữa, nói tới nước là phải khô ráo, vì xưa nếu ẩm thấp là muỗi, ruồi gây dịch bệnh chết ngay. Nay bạn nào có nhà khu bị ngập do mưa, triều cường là biết liền.

Như vậy phong thủy gắn chặt với nhau (nghe sách vở nhể). Ngôi nhà tốt không chỉ là địa thế xây mà còn phụ thuộc kiến trúc bên trong, phụ thuộc tiểu cảnh bên ngoài…

Sao cho:

Bên ngoài nhìn vô ngôi nhà thấy thân thiện, thuận mắt, mát mẻ, xanh tươi, có sức sống.

Ở bên trong ở thấy mát mẻ, sạch sẽ, khỏe người, tinh thần bình an khi ngủ, nghỉ, làm việc, ngắm nhà, ngó ra sân là ok.

Các thầy chừ mới kết hợp mạng, vận của gia chủ để cá nhân hóa vấn đề, cái này kêu là tạo sự khác biệt tạo nên bản sắc của từng ngôi nhà cho gia chủ.

12. Chuyện từ cái bồn nước
Ở thành phố, đứng trên cao nhìn xuống thấy hầu như nhà nào cũng xài bồn nước inox. Cái đứng, cái nằm, cái to, cái nhỏ. Xen kẽ, ít hơn là các tấm năng lượng mặt trời đen sì.

Chợt nghĩ với tình hình môi trường vầy, khoảng chục năm nữa các con sông ô nhiễm nặng thì nước máy khó lòng sạch được. Khi đó dân sẽ làm gì, tui nghĩ họ sẽ lại vưỡn tự cứu:

- Khoan giếng. Món nầy rẻ nhứt nhưng sẽ làm lún đất và sẽ bị phạt nặng.

- Mua thiết bị lọc nước về để xử lý lại nước máy

- Máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời sẽ phổ biến vì được ưu đãi thuế cho người sản xuất và cả người dùng (lạc quan quá phải hông)

- Tận dụng được nguồn nhiệt của cục nóng máy lạnh chẳng hạn (nông dân thì đã có Hai Lúa phát minh đủ thứ sao dân thành phố chưa thấy xuất hiện nhân vật tương tự như Tám Tàng chẳng hạn)

- Sân thượng sẽ trồng rau sạch, vừa có ăn, vưa làm mát thay cây xanh đang thiếu quá ở thành phố nầy.

Như vậy mô hình mỗi nhà một lô đất sẽ trường tồn. Nhà ống – bản sắc của phố Việt sẽ sống lâu – như gạch nối giữa phố và quê – hiện thực hóa người cày có ruộng.

Còn dự phóng nho nhỏ nữa. 10 năm sau phố ồn quá, thành phố sẽ khuyến khích đổi mỗi xe máy bằng một xe điện (cái này mấy anh sản xuất xe phản ứng dữ đây). Như vậy sẽ giảm ồn, bớt được ô nhiễm ồn và khí thải. Có ngài phản đối nếu mưa ngập đường thì răng, thì răng?


13. Bộ hạ&Bệ hạ

Trật tự từ
Tiếng Việt có vài từ lạ, đảo vị trí thành nghĩa khác hẳn, giới thiệu với các bạn

- Bộ hạ - hạ bộ
Thần thiêng nhờ bộ hạ. Câu hay nhưng nếu nói nhịu thành hạ bộ thì lại không được vì nhạy cảm.
Tuy nhiên hạ bộ rất quan trọng. Các cụ xưa quan niệm làm trai phải đáng thân trai như sau
Không giàu thì phải đẹp trai
Không thông kinh sử phải dài thằng cu.
4 điều kiện bất hủ, so vai với tứ khoái, tứ đổ tường, tứ bất tử, v.v…

- Bệ hạ - hạ bệ
Bệ hạ means vua, số dách, truyền đời
Con vua thì lai làm vua
Nói ngược lại thành hạ bệ. Bệ hạ cố giữ, muôn năm trường trị, kẻ khác cố giành, cố hạ bệ bệ hạ đi
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa.

Bổ sung ngày 17/12/10
Trước Nguyễn Công Hoan viết chuyện người ngựa và ngựa người kể chuyện anh phu xe và chi cave. Nên thêm:

- Người ngựa - Ngựa người
- Ngu lâu - Lâu ngu

Ngu lâu: ngu lâu dốt bền, dốt như chuyên tu, ngu như tại chức...ý là mãi ngu, mặc định ngu
Lâu ngu: có vẻ tự hào, còn lâu mới ngu; cũng có thể trước không ngu còn sau thi chưa biết. Chiều hướng ngu dần đi.

- Dạy đời - Đời dạy
Dạy đời: răn dạy người khác, thầy đời, thường làm người khác khó ưa
Đời dạy: vị trí ngược lại, bị dạy, không ai dạy bằng đời dạy
Bổ sung ngày 4/1/11

- Đại học - Học đại
Đại học tượng trưng cho giới tinh hoa. Nay xuống cấp thảm hại nên cứ học đại là thành đại học
14. Ẩn ức
Nhà Đại nọ sinh được mấy đứa
- Thằng đầu tên Đài, hư thân mất nết, sớm bỏ nhà ra đi, không nhìn nhận cha mẹ nghèo. Nay giầu, về khai khẩn đất nhà nhưng vẫn không chịu gọi cha kêu mẹ. Nhà Đại nuốt hận vì cần tiền, cần sức nó cùng chung làm ăn.

- Thằng hai, thằng ba tên Tân, tên Tây ham ăn biếng làm, chơi suốt, cũng lăm lăm trốn nhà. Cực chẳng đã phải xích chân trói tay vô góc nhà mà mồm mép chúng rầm rĩ chửi rủa.

- Con ba, con út tên Hồng tên Hạ. Xưa đói phải cho người ta làm con nuôi. Lớn lên đứa hành nghề cave, đứa mần nghề gá bạc. Mấy năm nay về gọi cha nhận mẹ nhưng vẫn ăn riêng, chẳng chịu nằm cùng. Đại ức, nhưng vẫn cười nói bảo là một nhà hai nồi cơm, không có gì, không có gì.

Một hôm nhà Đại đi chơi, gặp nhà An bèn hỏi để kết nghĩa anh em. Ngờ đâu An còi láo không chịu. Chỉ chờ vậy, Đại liền tay giật xô cát, tay vả miệng, hầm hầm chửi rủa.

Hàng xóm can, hỏi vì răng, vì răng. Tính kết nghĩa chi mà nặng tay rứa?

Đại phân bua cảnh nhà tui vậy, tui vậy, con cái hỗn hào mất nết, mang tiếng với thiên hạ không nuôi nổi con. Nay khấm khá, nhận thằng còi làm em mà nó cứ tiếc xô cát, lại còn cười đểu.
Răng không tức được.

15. Cô giáo chủ nhiệm
Vô cấp 3, nay gọi là trung học phổ thông lớp tui có cô giáo trẻ mới ra trường làm chủ nhiệm.

Nói nào ngay, tụi tui hồi đó ngoài những cái học ở trường còn thì ngu lắm. Kiến thức xã hội chưa chắc bằng mấy cháu trung học cơ sở giờ. Để minh họa, tui kể các bạn nghe chiện vô đại học học tiếng anh lớp vẫn còn lèo nhèo đòi cô dạy hát bài ABC mà cô hổng thèm chỉ, kêu ồn. Sau mới biết bài đó dành cho mấy cháu cỡ mẫu giáo.

Nhưng quan hệ cô trò hồi đó gần gũi, hay chuyện trò. Một hôm có đứa hỏi theo cô ai là đáng sợ nhứt.

Những đứa tài lanh kể: độc ác, tham tàn, độc tài, bạc ác…

Cô nói là những người thấy sai mà vưỡn mần (triết quá nhỉ).

Cũng không để ý lắm. Thấm thoắt ba chục năm, chợt nhận ra hạng người này giờ vô số kể. Mà đáng sợ thiệt. Thời của thằng ngay sợ ông gian.

16. Cầu trời khấn Phật
Dạo này chợ chứng tèo quá. Một người rồi hai người, rồi hàng ngàn người hàng ngày cầu trời khấn phật cho chứng lên không thì thua lỗ quá.
Do bầy đàn đông nên Trời Phật đều nghe thấy và thương lắm.

Trời nghĩ: chắc Phật giúp chúng rồi vì còn ai từ bi như ổng

Phật nghĩ: mình mà giúp ngay thì Trời lại nói sao không để bả mần

Hai người cứ nghĩ vậy nên bầy đàn câu trời khấn phật ngày càng đông đảo.