Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Bản sắc nhân sự Việt

Nói về công tác nhân sự thì Tàu là xứ có nhiều mưu sâu kế lạ, nổi danh với thuyết dụng nhân như dụng mộc. Cái nào làm phản thì làm phản, cái nào làm củi thì làm củi. Rừng nhiều, người đông nên mới sinh ra chiến thuật biển người trứ danh, đến Mỹ còn khiếp vía.
Tây thì lại khoái cắt giảm nhân sự, làm việc theo dây  chuyền rồi outsource nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Nói đi thì phải nói lại, do vậy nó cũng quý con người nhất và thất nghiệp cũng nhất luôn.
Còn xứ ta thì theo Tàu hay theo Tây? Nhiều bạn sẽ nói là ta đang theo Tàu nhưng định hướng về Tây.
Trả lời theo kiểu huề vốn nhưng thực ra VN có riêng trường phái nhân sự mang bản sắc Việt, không phải theo ai sất.
Trường phái nhân sự này bắt nguồn từ thời Lê Trung hưng cách nay hàng mấy trăm năm. Đó là phương pháp vua Lê chúa Trịnh, nói nôm na thì 1 việc luôn có 2 người làm.
Ví dụ như doanh nghiệp, đã có hội đồng quản trị (hội đồng thành viên) lại có ban kiểm soát mới là mô hình độc mà các chuyên gia OECD vô cũng rối tung. Rồi nhìn quanh, còn nhiều nhiều ví dụ sinh động nữa (các bạn tự tìm hiểu).
Thể nào mà thất nghiệp ở VN chỉ dưới 2%.

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Truyền thống đậm đặc như xà bông 72


1. Ngăn cách thì ví dụ có nhiều như các tầng lớp trong xã hội chẳng hạn. Nhà nghèo mà tiến lên được tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu thì khó, cứ xem Gasby vĩ đại thì biết.
Hay trong công ty thì phải phân ra nhân viên, cấp phòng, giám đốc...tôn ti trật tự căng thẳng, vi phạm là chết ngay.
Sang đồ vật thì túi táo hay túi khoai tây, có trái củ nào chớm hư phải bỏ liền không chúng làm hư hết mấy cái kia. Tàu bè cũng vậy, phải chia nhiều khoang, lỡ vô nước khoang này thì còn khoang khác khô cho khỏi bị chìm.
Nhưng đâu phải khi nào ngăn cách cũng tốt mà cũng còn phải theo nguyên tắc bình thông nhau ví dụ như dẫn thủy nhập điền chẳng hạn. Rồi thì giảm chênh lệch giàu nghèo.
Tới đây thì mâu thuẫn giửa ngăn cách và bình thông nhau lộ ra. Bạn đã hiểu sao chênh lệch giàu nghèo không xóa bỏ nổi, trải nghiệm bao cấp là một hiện thực hùng hồn nhứt.
Tiến thêm chút nữa sao bây giờ tham nhũng nhiều, cũng vì để nguyên tắc bình thông nhau mạnh quá. Trái táo thối không vứt ra kịp thời làm lây lan hết cả.
Nên những chuyện như Vinashin, sáp nhập ngân hàng mà theo nguyên tắc bình thông quá thì rối.
Nhưng nếu không thông nhau thì ước mơ bình quân lại bị nghẽn mà đây lại là giấc mơ gốc.

Vd như nước ngoài 1 người trong khối tư nhân có thể qua làm bộ trưởng và ngược lại, ở ta thì ngay từ DNNN qua làm công chức cũng phải qua mấy bộ xem xét.
Lo từng cái kim sợi chỉ như vậy nên bỏ sót chuyện lớn là đương nhiên như chuyện đang là người tốt hóa ra người xấu ngay được, hay chả có ngăn cách nào giữa người lành và dân xã hội, thông nhau quá gần như là song hành trong mỗi con người vậy.


2. Độ kênh và nhập tách
Quân đội, công an, giáo viên cùng hưởng lương bằng 1,8 lần so với lương công chức. Nhưng về hưu thì giáo viên hưởng lương hưu bình thường như những người về hưu khác trong khi 2 lực lượng kia vẫn 1,8. Cũng đơn giản, hết dạy thì hết ưu đãi. Nhưng rõ ràng là so về công lao thì nhà nước thấy CA, QĐ hơn.

Công an giờ tướng nhiều. Giám đốc CA tỉnh, thành phố, cục vụ viện là tướng trong khi bên QĐ tương đương chỉ là đại tá. Ta cũng có thể thấy ai được ưu ái hơn.

Bên công chức thì thứ trưởng và tương đương mới có tiêu chuẩn xe công đưa đón từ nhà trong khi bên khối doanh nghiệp nhà nước thì miễn là giám đốc dù công ty lớn hay bé cũng được tiêu chuẩn đưa đón. Có người phản bác vì doanh nghiệp làm kinh tế nên được ưu tiên. Ưu tiên thì ưu tiên nhưng kể ra anh giám đốc DNNN loại 3 hàm chỉ tương đương trưởng phòng mà xe đưa xe đón ngang tầm công chức cao cấp thấy cũng thế nào.

Trong một bộ, ví dụ như bộ giao thông vận tải thì anh đường bộ do xài tiền nhiều nên là tổng cục. Còn bên đường sông đường biển ăn xài ít thì chỉ là cục thôi. Nói chỉ là cái tên nhưng thực ra nó phản ánh tầm nhìn ghê gớm nên cũng đừng ngạc nhiên khi ngành vận tải biển, sông, đóng tàu kém ở mức quá kém.

Sau 75, với tư duy làm ăn lớn, tiến nhanh tiến mạnh lên CNXH thì các tỉnh được nhập vô như Bình Trị Thiên từ 03 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên; Phú Khánh từ Phú Yên, Khánh Hòa;...Các công ty cũng được gom vô thành Liên Hiệp các xí nghiệp, tổng công ty, tập đoàn. 
Các bộ cũng lần lần nhập vô như bộ nội thương và bộ ngoại thương nhập lại thành thương mại, rồi bộ thương mại lại nhập vô bộ công nghiệp (kết hợp từ bộ công nghiệp nhẹ và CN nặng) thành bộ công thương. 
Nghe âm hưỡng Nhật bổn ghê gớm nhưng quên mất một điều là người ta là nước công nghiệp hóa rồi còn mình thì 20 năm nữa đã chắc được chưa.

Lần hồi mới thấy không ổn do trình độ quản trị kém, trình độ cục bộ cao nên các tỉnh tách ra. Tách ra với số lượng và quy mô gần giống thời Pháp thuộc. Tập đoàn thì đã tụt hạng xuống tổng công ty, có cái như Vinashin còn chia 5 sẻ 7 để gánh nợ. Tiếc rằng thời đó chẳng có khuôn mẫu bao nhiêu bộ, doanh nghiệp thì như thế nào để mà sửa đổi cho nó hợp cách.

3. Sao anh ý lại lạy
- Đại nhân: mất tiền là không mất gì, mất sức khỏe là mất nhiều, mất danh dư mất tất cả (Napoleon)
- Quan nhân: mất danh dự là không mất gì, mất tiền là mất nhiều, mất sức khỏe mất tất cả ( xem mặt dày tâm đen)
- Thường nhân: mất sức khỏe là không mất gì, mất danh dự là mất nhiều, mất tiền mất tất cả (nhà giàu đứt tay bằng ăn mày sổ ruột)
Câu hỏi khó: Bạn thuộc loại nào

Mấy hôm nay xôn xao chuyện trai Việt dẫn bạn gái đi Sing mua Ip6 bị lừa mất 550$ đã tiếc tiền, quê độ, uất ức, bất lực quỳ lạy tên bán hàng lừa đảo để xin lại số tiền.

Vậy vì sao anh ấy lại quỳ lạy.

Nói nhanh là nghe quỳ lạy giờ thì phản cảm chứ thật ra ta mới hạn chế quỳ lạy, thấy quỳ lạy là xấu mới đây thôi, từ khi Tây đến.

Trước đó thì chuyện quỳ lạy là chuyện thường ngày như ra công đường lạy quan, về nhà lạy cha mẹ, phu thê giao bái chuyện thường ngày.

Xưa Võ Tòng cũng có câu để đời: chết đứng còn hơn sống quỳ. Ý nói thà chịu chết chứ không chịu nhục. Nhưng Võ Tòng là ai, nhìn đi thì anh hùng, nhìn lại thì là 1 trong 108 đầu lĩnh Lương Sơn Bạc, đâu phải người thường.

Hay Cao Bá Quát, nổi tiếng chỉ quỳ trước hoa mai, chỉ cúi lạy cái đẹp. Cử chỉ đó ở thời văn hóa quỳ lạy cũng là 1 cái gì hết sức đặc biệt, cũng bởi ông chẳng phải người thường.

Ngay như chúng ta, giờ còn quỳ lạy ai: ra ngoài thì đền chùa miếu mạo, về nhà thì cúng lạy tổ tiên, thờ cha thờ mẹ.

Nhớ lại chút nữa thì khi bị ăn hiếp, ăn cướp đôi khi bí quá, sợ quá cũng phải lạy van chúng xin tha. Thậm chí khi cưa gái cũng còn có thể giở ra xin lòng thương hại.

Nói vậy để thấy quỳ lạy thực ra vẫn còn chảy trong huyết mạch người mình, chỉ là giới hạn lại thôi. Đấy là nói đến quỳ lạy thông thường, còn quỳ lạy phi vật thể thì kể không hết, chưa biết nhục nào hơn nhục nào.

4. Sự tích cái quơ tay
Quơ tay hay khoát tay là động tác con người hay dùng trong body language nhằm để thuyết phục, ra dấu chấp nhận, đồng ý với tư cách bề trên một chút:

- Trung đội trưởng khoát tay ra hiệu tiến lên

- Bác X khoát tay ra hiệu đồng ý

- Bác X quơ tay ra hiệu mọi người im lặng...

Vậy tại sao con người lại khoát tay quơ tay trong những trường hợp đó?

Từ xa xưa con người đã biết nuôi gia cầm gia súc. Thường thì chồng săn bắt về cho vợ nuôi. Gia cầm nhỏ như gà vịt thì vợ con ở nhà nuôi, chồng không để ý tới. Đàn ông làm việc lớn mà, săn bắn, nuôi gia súc lớn mới đáng kể chứ nhằm nhò gì ba cái gia cầm lẻ tẻ.

Một hôm, trời mưa, vơ con đi vắng anh chồng muốn nhậu mới ra sân bắt gà. Tưởng khó khăn ai dè anh quơ tay một cái, cả đàn gà mái nằm bẹp. Anh ta bèn bắt một con vặt lông làm mồi nhậu, chỉ tiếc không bắt được gà trống, nhưng thịt gà mái ngon mềm hơn.

Cứ thế, anh quơ tay thành thói quen. Miết rồi khi ra hiệu cho vợ con anh cũng quơ tay. Tới khi được bầu làm tù trưởng anh cũng quơ tay.
5.Vài kỷ niệm về tiết kiệm
Đối với dân ta, tiết kiệm luôn tốt, thậm chí là quốc sách. Cứ coi cái hóa đơn tiền điện thì rõ. Xin kể hầu vài chuyện về tiết kiệm:

- Có nhà thời bao cấp được cung cấp nhiều bánh xà bông 72 độ xút của Liên Xô (cục vuông nâu, hôi xì, được cái cứng, mài mãi mới hết). Sau đổi mới, xà bông các loại vô thiên lủng. Xà bông 72 bỏ đi thì tiếc nên đã cắt nhỏ ra dùng để rửa tay, rửa chén...phải tới quãng chục năm sau mới hết.

- Hồi đi làm cho NH nhà nác giấy vệ sinh mất nhiều tới nỗi không dám để trong WC nữa mà giao về cho từng phòng quản lý. Tưởng tượng cảnh cả phòng đang chăm chú làm việc bỗng một người vội tới mở cửa tủ, rón rén ngắt một đoạn giấy đút túi. Bà con kêu lắm nhưng lệnh ban ra từ cấp cao nên cứ thế. Tất nhiên sau vài tuần thì lệnh được âm thầm bãi bỏ.

- Tới thời công nghệ thông tin thì tiết kiệm được đẩy lên tầm cao mới, tinh vi hơn. Đó là in ấn, photo mỗi người phải có password của mình để quản lý biết được từng người dùng bao nhiêu giấy. Thay vì đặt giấy là photo giờ đây thêm bước gõ pass gọi là cải tiến thủ tục hành chính.

Chợt nghĩ tới cách phân loại ngày xưa theo mức độ chăm chỉ và năng lực. Điều đáng tiếc là số đông lại rơi vào mức dốt mà lại chăm, thể mới hiểm. Và quy trình hành chính còn phát huy độ đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành nữa mới đưa tiết kiệm lên mức A+++.

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Tài công và thủ đô

Ngán thay cái mũi vô duyên
Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ an
(Cao Bá Quát)
Nước Việt thường được ví với con tàu: "mũi tàu ta đó mũi Cà mau". Còn ông bà thường nói mũi dại, lái chịu đòn ý là trăm dâu đổ đầu tằm chứ không nên đổ cho cấp dưới chỉ đâu đánh đó.
Như vậy con tàu trước mũi sau lái là hình dạng phổ thông, nhiều ưu điểm hơn việc để lái ở giữa or đầu tàu; chỉ có nhược nếu tàu dài quá thì lái khó.
Thửa lập nước kinh đô vùng Bạch Hạc, Vĩnh Phúc cũng theo hướng về phía nam, sau thời Cao Biền với thành Đại La là phù hợp với định nghĩa mũi lái này.
Đất nước loạn 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng định đô ở Hoa Lư, Ninh Bình theo thế mũi lái thì vị trí này không hợp nên chẳng bao lâu sau Lý Công Uẩn lại dời đô về Thăng Long (Đại La cũ).
Vị trí hợp, mở mang bờ cõi về phía Nam tới Quảng Bình.
Đến thời Hậu Lê, chúa Nguyễn Hoàng tránh chúa Trịnh chạy xuống phía nam, lấy Huế làm kinh đô. Lúc này nước Việt như 2 con tàu với lái là Hà Nội và Huế. Với vị trí đắc địa của Huế, bờ cõi mở xuống tận Hà tiên.
Câu hỏi nan giải đặt ra khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước từ Mục nam quan tới mũi Cà mau thì kinh đô nên đặt ở đâu. 
Vì nhiều lý do mà vua Nguyễn đặt kinh đô tại Huế, theo vị trí mũi lái thì chọn kinh thành ở giữa nước là một sai lầm (các bạn có thể kiểm chứng thủ đô các quốc gia không cái nào nằm ở trung tâm).
Kết quả là nước cũng không yên, không lâu sau làm thuộc địa Pháp cả 100 năm.
Tới thời 54, lịch sử lại lặp lại như thời Trịnh Nguyễn nhưng VNCH thay vì đặt thủ đô ở Huế lại chọn Sài Gòn. 
Thế mũi lái cũng vẫn bắt buộc xuôi nam mà Sài gòn cũng không thích hợp vị trí lái, nếu quay hướng Bắc tiến thì hợp vị trí lái nhưng lại phạm vô thế hậu đuôi chuột cà mau. 
Kết quả cũng chỉ tồn tại hơn 20 năm.
Nay với quốc gia dài lại hẹp ngang thì thủ đô Hà nội hợp vị trí nhưng lại rất khó lái, khó tránh sóng do lái quá xa mũi. 
   

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Ac si met và mũ vua

Archimedes sinh khoảng 287 trước Công Nguyên tại thành phố cảngSyracuse, Sicilia, khi ấy là một thuộc địa tự trị của Magna Graecia.

http://vi.wikipedia.org/wiki/Archimedes

Vương miện Vàng

(Archimedes có thể đã sử dụng nguyên lý sức nổi này để xác định liệu chiếc vương miện có mật độ nhỏ hơn vàng đặc không).

"Giai thoại được biết đến nhiều nhất về Archimedes tường thuật cách ông phát minh ra phương pháp xác định thể tích của một vật thể với hình dạng không bình thường. Theo Vitruvius, một vương miện mới với hình dáng một vòng nguyệt quế đã được chế tạo cho Vua Hiero II, và Archimedes được yêu cầu xác định liệu nó có phải được sử dụng vàng thuần túy, hay đã được cho thêm bạcbởi một người thợ bất lương.[13] Archimedes phải giải quyết vấn đề mà không được làm hư hại chiếc vương miện, vì thế ông không thể đúc chảy nó ra thành một hình dạng thông thường để tính thể tích. Khi đang tắm trong bồn tắm, ông nhận thấy rằng mức nước trong bồn tăng lên khi ông bước vào, và nhận ra rằng hiệu ứng này có thể được sử dụng để xác định thể tích của vương miện. Vì trên thực tế nước không nén được,[14] vì thế chiếc vương miện bị nhúng chìm trong nước sẽ làm tràn ra một khối lượng nước tương đương thể tích của nó. Bằng cách chia khối lượng của vương miện với thể tích nước bị chiếm chỗ, có thể xác định khối lượng của vương miện và so sánh nó với khối lượng riêng của vàng. Sau đó Archimedes nhảy ra ngoài phố khi vẫn đang trần truồng, quá kích động với khám phá của mình, kêu lên "Eureka!" (tiếng Hy Lạp: "εὕρηκα!," có nghĩa "Tôi tìm ra rồi!")".

Đọc tài liệu này tôi hình dung ra các nguyên nhân mà Ac si met phát minh ra mà các học giả ta lại không ngộ được:

- Thứ nhất cách nay tới hơn 2.300 năm mà vua đã tin 1 nhà khoa học hơn thợ.

- Thứ 2: vương miệm này vàng ròng, không cẩn đá quý như bên vua ta

- Thứ 3: quan trọng nhất là hồi đó mà 1 khoa học gia đã xài bồn tắm lớn, mà lại còn xả nước đầy đến nỗi bước vô thì bị tràn ra.
- Thứ 4: quan trọng nữa là cởi truồng chạy ra phố mà sau đó hàng xóm vẫn coi là người bình thường.

Chẳng kể cha ông ta ngày xưa chỉ tắm sông tắm ao hồ, or múc nước giội ào ào bên giếng. Ngay cả bây giờ mấy tiến sỹ, giáo sư nước nhà có bồn tắm lớn mà lại đỗ nước đầy. Không kể đi massage bồn sục, khi đó đông người, chỉ suy nghĩ được chuyện phi khoa học.

Vậy muốn nước nhà có Ac si met, hãy trang bị 4000 bồm tắm lớn, miễn phí nước cho các GSTS hàng đầu Việt nam. Thêm nữa, cấm hàng xóm dị nghị những ông bà này điên khi cởi truồng chạy ra đường. Bạn sẽ thấy phát minh ứng dụng xứ ta nở rộ như hoa cỏ mùa xuân.

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Chuyện Sơn tinh Thủy tinh


Chuyện vua Hùng thiên vị, thông thầu để Sơn tinh thắng cuộc có lẽ là bằng chứng đầu tiên về nhóm lợi ích, bẻ cong chính sách, thông lưng giữa quan chức và doanh nghiệp đầu tiên ở xứ ta. 
Chuyện này như vậy đã xảy ra trước chuyện Lã Bất Vi buôn vua Tần bên Tàu hàng ngàn năm nhưng ngặt vì quyền lực mềm của xứ ta yếu nên chuyện không nổi tiếng bằng. Có lẽ chuyện này tương tự chuyện Quan Công và Đức Thánh Trần.
Cũng vì thiên vị vậy nên mới có chuyện giàu hục hặc với nghèo, chênh lệch giàu nghèo mãi. 
Thủy tinh - chàng nghèo năm nào cũng nhăm nhăm chống lại giới giàu Sơn tinh. Kiên trì vậy nhưng dưới con mắt người đời thì nghèo vẫn phải xếp sau: nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá mà.

Trước khi con gái thứ 2 của vua Hùng tới tuổi dựng vợ gả chồng thì vua đã suy nghĩ rất nhiều về sự cố thiên vị của con gái đầu và ông nhớ tới 1 chuyện.
Hồi bức tường Bá Linh chưa đổ thì mậu dịch viên Đông Đức hưởng lương rất thấp vì sếp của họ lý luận, đằng nào chả có rơi rớt, cộng với lương thấp là huề. Rồi khi qua thành phố Táo bự thì tiếp viên cũng lương rất thấp mà họ sống  phẻ nhờ tiền tip.

Vua bèn chiếu chỉ tất cả các quan nha, công sai, tạp dịch của vua giờ chỉ trả lương thấp thôi. Kỳ lạ thay chả ai bỏ việc, thiên hạ cứ thái bình thế được 5 năm.

Thấy thời cơ phù hợp, ông bèn công bố lần cầu hôn này, rể nào đưa lễ vật rẻ tiền, tự nhiên nhứt tới trước 12h sẽ thắng cuộc.
Nô nức quá, Thủy tinh nghèo phen này có cơ hội. Không phân biệt giàu nghèo, hết lợi ích nhóm nhé.
Vậy là Sơn tinh thì cứ sâm Ngọc linh, Thủy tinh thì cứ tôm đất, khỏi phải nghĩ, khỏi phải tư duy, thật tiện.
Cả hai cùng tới đúng giờ, không có chuyện bày trò cho Thủy tinh tới trễ, rất fair play (tôi bực nhất cái tiếng Việt không dịch sát được chữ này).
Thủy Tinh nhìn mớ tôm tươi roi rói của mình rồi nhìn cái rễ cây quắt của Sơn Tinh mỉm cười tin mình có cơ lần này. 
Mua món này chàng đã quan hệ với bếp của vua biết được bếp ngày nào cũng mua tôm đất.
Tới khi công bố thì Thủy tinh bị phạm quy vì quy định nội bộ trong triều là tôm đất dùng để nuôi vịt. Dám cung tiên đồ nuôi vịt để cầu hôn con gái vua. Thật quá thể, loại ngay.
Lại thua, Thủy tinh lại sụm xuống, uất ức, lại thề làm lũ. Chàng có biết đâu, Sơn tinh những năm qua phá rừng kiếm được rất nhiều ngoại tệ đã đóng hụi chết trên tài khoản cho vua lâu rồi.