Đứng vậy nên mới hoành tráng. Có điều ai cũng khôn lỏi, ai cũng đứng trên vai người khác. Đó mới là vấn đề.
http://vietstock.vn/2012/10/mang-nhen-so-huu-giua-acb-voi-kienlongbank-daiabank-eximbank-vietbank-va-vietabank-830-244747.htm
“Mạng nhện” sở hữu giữa ACB với KienLongBank, DaiABank, Eximbank, VietBank và VietABank
23/10/2012 17:47 6 46
Cách đây gần 2 tháng, sau khi ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB bị bắt, hàng loạt ngân hàng lên tiếng phủ nhận mối liên hệ với bầu Kiên và cả ACB, nhưng tìm hiểu cho thấy, các ngân hàng Eximbank, KienLongBank, VietBank, VietABank, DaiABank ít nhiều đều có liên hệ với ACB lẫn bầu Kiên
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thậm chí đã và đang là cổ đông chiến lược, hoặc sáng lập ở các ngân hàng này. Trong một số ngân hàng, ACB còn cử từ 1 đến 2 đại diện vào HĐQT để trực tiếp điều hành các hoạt động mang tính chiến lược.
ACB - KienLongBank
Năm 2007, ACB thông qua công ty con là Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) góp vốn mua 10% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank), hiện đã giảm xuống còn 6.1%. Vai trò của ACB tại KienLongBank khá lớn, cụ thể ACB hỗ trợ KienLongBank trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ ngân hàng, khi KienLongBank gặp khó khăn về tài chính, ACB sẽ hỗ trợ theo khả năng của mình và đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, ACB cũng cam kết mua cổ phần của KienLongBank khi ngân hàng này thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ như thông tin được công bố trên website KienLongBank.
Năm 2008, ACB có đến 3 đại diện tại HĐQT của KienLongBank gồm ông Nguyễn Văn Hòa (Kế toán trưởng ACB), ông Lê Quang Chính (Phó Giám đốc Sở Giao dịch ACB) và ông Lê Thanh Hải (Trưởng phòng thẩm định tài sản kiêm Trưởng phòng pháp chế ACB). Hiện nay, ông Hòa đã rút khỏi HĐQT, ACB còn hai đại diện gồm ông Chính và ông Hải.
Ngày 17/10 vừa qua, một cổ đông lớn của KienLongBank là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV (Saigontourist) thoái hết vốn thông qua việc bán đấu giá 5 triệu cổ phần với giá khởi điểm chỉ có 8,780 đồng/cp, thấp hơn mệnh giá. Đối tượng mua lượng cổ phần trên là một cá nhân và một tổ chức trong nước không công bố tên.
ACB - DaiABank
Năm 2008, ACB đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) và cử ba đại diện tham gia HĐQT của ngân hàng này gồm ông Đỗ Minh Toàn (Tổng Giám đốc đương nhiệm của ACB), ông Đặng Mai Anh và ông Từ Tiến Phát. Cụ thể, ông Đặng Mai Anh tham gia HĐQT của DaiABank từ năm 2008 và năm 2011 tiếp tục trúng cử nhiệm kỳ 2011 – 2015, trong khi ông Từ Tiến Phát mới tham gia HĐQT từ năm 2011. Riêng ông Đỗ Minh Toàn tham gia DaiABank từ 2008 đến 2009 với vai trò Ủy viên HĐQT và từ 4/2009 đến năm 2011, ông Toàn giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này. Từ năm 2011, ông từ nhiệm và không còn tham gia các hoạt động của DaiABank.
Tính đến năm 2010, DaiABank tăng vốn lên 3,100 tỷ đồng, trong đó ACB nắm giữ gần 11% cổ phần. Ngoài ACB, DaiABank còn các đối tác chiến lược khác gồm Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BID), Tín Nghĩa Corp và Xổ Số Kiến Thiết Đồng Nai.
Nội bộ của DaiABank cũng có mối quan hệ sở hữu khá “rối rắm”. Sự chằng chịt xuất hiện khi Đầu tư Đại Á tham gia 4.21% cổ phần của Công ty Xăng dầu Tín Nghĩa (thuộc Tín Nghĩa Corp), hình thành mối quan hệ sở hữu vòng tròn Xăng Dầu Tín Nghĩa -> DaiABank -> Đầu tư Đại Á -> Xăng Dầu Tín Nghĩa. Chẳng những vậy, Tín Nghĩa Corp cũng đang sở hữu 11.12% cổ phần DaiABank và gần như nắm quyền chi phối tại Xăng Dầu Tín Nghĩa với trên 80% vốn.
Giữa Tín Nghĩa Corp và ACB cũng có sự góp vốn chung để hình thành nên CTCP Đầu tư Tín Nghĩa Á Châu và cùng đầu tư vào DaiABank.
ACB - Eximbank
Ngoài ra, tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB), theo lời ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch Eximbank thì nhóm ngân hàng ACB đang nắm giữ khoảng 9% nhưng hiện chưa cử người thay thế ông Phạm Trung Cang (Nguyên phó Chủ tịch HĐQT đã từ nhiệm và khởi tố) làm người đại diện vốn.
Giữa Eximbank và các đơn vị liên quan cũng xuất hiện những mối quan hệ sở hữu cổ phần qua lại lẫn nhau.
ACB - VietBank
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), ACB giữ tư cách là cổ đông sáng lập nhưng không công bố cụ thể khoản đầu tư tại ngân hàng này là bao nhiêu, tuy nhiên 2/8 thành viên HĐQT của VietBank lại có sự liên hệ đến ACB gồm bà Đặng Ngọc Lan (vợ ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) và ông Trương Hùng.
Tại ACB, bà Lan đang giữ chức vụ Phó Ban Kiểm toán nội bộ còn ông Trương Hùng là Giám đốc Chi nhánh Phú Lâm (Quận 6).
Ngoài ra, đại gia thuỷ sản Diệu Hiền đình đám trên báo chí thời gian qua cũng có mối quan hệ cùng VietBank thông qua Công ty TNHH XD TM Diệu Hiền, đơn vị đồng sáng lập VietBank cùng với Công ty Đầu tư & Phát triển Hoa Lâm và ACB.
ACB - VietABank
Tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), ACB cũng có mối quan hệ sở hữu chặt chẽ từ đơn vị tiền thân của ngân hàng. Cụ thể, VietABank ra đời từ năm 2003 trên cơ sở hợp nhất Công ty Tài chính Cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng. Ngày mới thành lập, VietABank có vốn điều lệ hơn 76 tỷ đồng, cổ đông sáng lập nắm cổ phần lớn nhất là Ban Tài chính Thành ủy TPHCM với tỷ lệ 29.8%. Trước hợp nhất, Công ty Tài chính Cổ phần Sài Gòn có quan hệ sở hữu với 6 đơn vị, đặc biệt trong đó có ACB và Ngân hàng Nông thôn Đà Nẵng.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, theo thông tin từ đại diện VietABank thì ACB không còn là cổ đông của ngân hàng này.
Ngoài ra, VietABank đang đầu tư vào hai đơn vị trong lĩnh vực tài chính là Navibank và Chứng khoán Trường Sơn (TSS).
Viết Vinh (Vietstock)
FFN
Đi thẳng vào các vấn đề mà người gửi tiền, khách hàng, nhà đầu tư, cổ đông và dư luận quan tâm như trạng thái vàng, cho vay liên ngân hàng, liệu có sự “chệch hướng” chiến lược trong ngắn hạn và những bài học rút ra từ “tai nạn” vừa qua ở
ACB – ông Trần Mộng Hùng, một trong những người sáng lập ngân hàng TMCP Á châu (ACB), được coi là một “banker” chuyên nghiệp, đã có cuộc trả lời phỏng vấn với nhà báo Hải Lý và phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị.
Ông Trần Mộng Hùng
|
ACB và thanh khoản vàng
Đang có thông tin ACB không cân đối được trạng thái vàng do bị rút vàng vừa qua. Thực sự như thế nào, thưa ông?
Khoảng 20% vốn huy động của ACB bằng vàng. Khi khách hàng rút tiền, một số người rút cả vàng và ngoại tệ. Cùng với lượng vàng đang có của mình, ACB cũng được ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng bạn kịp thời cho vay tiền, vàng đủ để chi trả khi người dân có nhu cầu rút tiền, vàng. Theo chỗ tôi được biết, ACB chưa sử dụng hết hạn mức cho vay đó.
Thực tế, ACB không mất cân đối trạng thái vàng. Trước đây khi tham gia bình ổn giá vàng, ACB được phép mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Bán trong nước bao nhiêu, ngân hàng mua ở nước ngoài bấy nhiêu. Cân đối giữa số vàng huy động trong nước đã bán và số vàng ACB đã mua theo nghiệp vụ kinh doanh tài khoản vàng ở nước ngoài được NHNN cho phép, ACB không âm một lượng nào. ACB đang xin phép Chính phủ và NHNN cho nhập số vàng của ACB đã mua. Trong khi chưa được nhập, phải mua vàng trong nước để bù đắp dự trữ thanh khoản vàng đảm bảo nhu cầu sử dụng vốn bằng vàng của ACB.
Nếu không được nhập khẩu, có thể hiểu ACB sẽ phải tiếp tục mua vàng trong nước. Với sự chênh lệch giá vàng nội – ngoại hiện nay, việc mua từ thị trường trong nước có thể dẫn đến lỗ lã, đúng không thưa ông?
Đúng thế. Tuy nhiên số lỗ, nếu có, không lớn so với lợi nhuận đạt được 8 tháng và cả năm của ACB.
Ông Trần Mộng Hùng tốt nghiệp đại học Kinh tế TP.HCM, chuyên ngành ngân hàng, làm giảng viên trường cao cấp Nghiệp vụ ngân hàng từ năm 1978 – 1980. Trước khi thành lập ACB, ông công tác tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn ( SJC).
Ông Trần Mộng Hùng là người sáng lập ra ngân hàng Á Châu và là người lãnh đạo, dẫn dắt ACB không ngừng phát triển trong suốt gần 20 năm qua. Trước đây, ông là chủ tịch HĐQT và hiện nay là cố vấn HĐQT của ACB. Ông là người luôn quan tâm đến sự phát triển an toàn, bền vững, quản trị điều hành, công khai minh bạch tại ACB. Với cổ đông trong nước, ông Trần Mộng Hùng và các bên có liên quan đang sở hữu tỷ lệ cổ phần cao nhất tại ACB và thực hiện đúng cam kết đầu tư lâu dài.
|
Lợi nhuận và rủi ro
Dẫu vậy khả năng đạt chỉ tiêu lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng?
Khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận là khó, nhưng quan trọng nhất là đáp ứng các tiêu chí an toàn tài chính. Định hướng hoạt động an toàn, bền vững, lợi nhuận hợp lý của ACB chưa có gì thay đổi.
Vừa qua, từng thời điểm, dưới một số tác động của một vài cá nhân, kế hoạch phát triển ngắn hạn có thể chệch hướng chiến lược. Việc xác lập chỉ tiêu tăng trưởng phải hợp lý, phù hợp tình hình, bối cảnh chung. Nếu chủ quan, xác lập chỉ tiêu kế hoạch duy ý chí, thì sẽ rủi ro. Nhìn nhận lại, qua sự cố này, chỉ tiêu lợi nhuận, nếu không đạt vẫn sẽ cao hơn những năm trước và hoàn toàn không ảnh hưởng đến vốn của cổ đông, tiền gửi của khách hàng vẫn an toàn, ACB sẽ tiếp tục phát triển vững chắc.
Sự kiện xảy ra cho thấy trên thực tế ACB đã chạm trán rủi ro. Phải chăng chiến lược của ngân hàng đã khác đi, không chỉ đơn thuần là chệch hướng? Ý chúng tôi là ACB đã đầu tư vào không ít doanh nghiệp…
Chiến lược của ACB tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ, không đầu tư vào doanh nghiệp và tổ chức tín dụng khác. Sự việc xảy ra là do tính toán của một vài cá nhân, không phải chủ trương của ngân hàng.
Trường hợp của ông Nguyễn Đức Kiên chỉ là cá biệt. Các quy trình, quy chuẩn tín dụng của ACB đã có từ lâu. Các khoản vay của ông Kiên thông qua các công ty con đều có tài sản thế chấp. Tuy nhiên việc thu hồi vốn phải có thời gian.
Cho vay cầm cố chứng khoán, kể cả cổ phiếu ngân hàng, hiện ACB chưa sử dụng hết hạn mức quy định cho phép. Còn có một vài tổ chức, cá nhân sử dụng tiền vay sai mục đích, và dĩ nhiên họ cũng không nói là vay để đi thâu tóm ngân hàng, phải phân tích sâu, tìm hiểu kỹ nguồn gốc dòng tiền mới có thể kết luận được.
Còn có những khoản sử dụng vốn rủi ro khác nữa, thưa ông?
Ông Lý Xuân Hải đã cho ký hợp đồng uỷ thác cho 19 nhân viên để thực hiện việc nhận 718 tỉ đồng của ACB, để gửi vào ngân hàng Công thương. Số tiền gửi này đã quá hạn. ACB đã tổ chức thực hiện việc khởi kiện yêu cầu ngân hàng Công thương hoàn trả tiền.
Giả sử ngay cả khi không được hoàn trả, ACB hoàn toàn có thể trích lập dự phòng rủi ro từ nguồn lợi nhuận đã có tám tháng đầu năm là 2.300 tỉ đồng. Sự cố này không ảnh hưởng đến cổ đông cũng như người gửi tiền.
Chính sách tín dụng hiện nay của ACB?
ACB tập trung phát triển khách hàng truyền thống là khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp có sản xuất chế biến hàng tiêu dùng, chế biến hàng xuất khẩu thuỷ sản, may mặc, giày dép, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hoá chất, nhựa và các sản phẩm từ nhựa và dược phẩm. Đây là nhóm khách hàng có quan hệ tín dụng lâu năm và có uy tín thanh toán nợ vay với ACB. Nhóm khách hàng này có tài sản đảm bảo là nhà ở, nhà máy sản xuất.
|
Có “chệch hướng”?
Sự “chệch hướng” ngắn hạn như ông đề cập, đã để lại cho ACB nhiều bài học?
Tôi luôn khuyến nghị hội đồng quản trị, hội đồng tín dụng, hội đồng đầu tư ACB tập trung vào nghiệp vụ ngân hàng thương mại; rà soát lại các công ty con, công ty liên kết. Nếu có đầu tư thì phải thoái vốn toàn bộ. Liên kết với các ngân hàng khác là cần thiết, hỗ trợ nhau trên cơ sở cùng có lợi, nhưng không nhất thiết phải có vốn trong những ngân hàng đó.
Sự “chệch hướng” không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, nó đã lan cả sang kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng.
Đối tượng khách hàng mục tiêu của ACB là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân có thu nhập trung bình và ở địa bàn phù hợp với năng lực quản trị của hệ thống ACB. Ngoài ra, ACB kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng. Phải thấy rằng trong điều kiện bình thường, cho vay liên ngân hàng ít rủi ro. Bây giờ thì khác. Vay liên ngân hàng phải có tài sản đảm bảo. Nhiều ngân hàng vay liên ngân hàng không phải để bù đắp thanh khoản ngắn hạn tạm thời. Một số đến hạn không trả, kéo dài dây dưa, từ rủi ro kỳ hạn dẫn đến rủi ro nguồn vốn.
Tôi luôn nhắc nhở anh em không chạy theo tăng trưởng tổng tài sản với quy mô lớn, gây áp lực lên việc sử dụng vốn sao cho hiệu quả, an toàn. Đồng vốn cho vay ra đi không đúng địa chỉ là vô cùng rủi ro.
Ông là người có kinh nghiệm trong ngân hàng. Vì sao ông rút khỏi hội đồng quản trị vào thời kỳ kinh doanh nhiều rủi ro như thế?
Lúc bấy giờ tôi đã tham gia tổ chức được một bộ máy quản trị điều hành mà tôi an tâm. Nhưng thực ra đó mới là ý muốn chủ quan của mình. Trong quá trình vận động, một vài người đã tác động không phù hợp tới chiến lược ngân hàng.
Tháng 3 năm sau nhiệm kỳ của hội đồng quản trị hiện hành chấm dứt. Khi đó hội đồng quản trị cũ phải có báo cáo đánh giá công việc và cổ đông sẽ là người quyết định hội đồng quản trị mới. Các thành viên cần tự rút ra bài học, cần có tầm nhìn dài hạn, không chạy theo lợi ích trước mắt.
ACB đã từng chạy theo lợi ích trước mắt chưa, thưa ông?
Nếu có thời điểm nào đó ngân hàng phát triển không bình thường, có thể có lý do đặc thù kinh tế Việt Nam có sự khác biệt. Chẳng hạn tổ chức, cá nhân có điều kiện thâm nhập, muốn sử dụng ngân hàng cho mục đích khác. Tôi tin các cơ quan quản lý đã nhận ra vấn đề và sẽ xác lập lại trật tự để hoạt động ngân hàng đi vào nề nếp theo quy định của pháp luật.
Ông có nghĩ rằng một phần rủi ro liên quan đến đạo đức kinh doanh ngân hàng?
Đạo đức kinh doanh là vấn đề lớn. Với ngân hàng, đạo đức kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu, đảm bảo an toàn tiền gửi của dân và vốn của cổ đông. Trách nhiệm của ngân hàng phải kinh doanh đúng pháp luật, đồng thời lợi nhuận kiếm được một cách chính đáng.
Đã có bao giờ, trong một thời khắc nào đó, ông nhận ra trong những đồng tiền lợi nhuận của ACB có đồng không chính đáng?
Lợi nhuận phải được phân phối hợp lý giữa những người tham gia tạo ra nó. Hài hoà lợi ích của cổ đông, của khách hàng, của nhân viên, và của cộng đồng xã hội từ đó tạo ra đồng tiền chính đáng. Tôi nghĩ ACB đã làm đúng theo nguyên tắc này trong quá trình kinh doanh.
Hải Lý (thực hiện)
SÀI GÒN TIẾP THỊ
(ĐTCK) Quy định không cho phép có ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán của các tổ chức tín dụng khiến NĐT không thể thấy được những khối u của các ngân hàng.
Quy định hiện nay không cho phép có ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán của các tổ chức tín dụng. Đây là lý do khiến có những khoản mục, công ty kiểm toán và các ngân hàng không thể thống nhất được cách hạch toán, nhưng kiểm toán vẫn phải chấp nhận và không để ngoại trừ. Đây cũng là lý do khiến NĐT bên ngoài vẫn chỉ thấy một bức tranh đẹp, bất chấp những nguy cơ thâm hụt tài chính đang hiện hữu của nhiều ngân hàng.
Quy định không cho phép có ngoại trừ trong báo cáo kiem toán của các TCTD khiến NĐT khó biết thực trạng tài chính của nhiều ngân hàng
Khúc mắc người hành nghề
Phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán cho biết, là người hành nghề lâu năm trong lĩnh vực kiểm toán, ông rất bức xúc khi có những điểm trong báo cáo tài chính của ngân hàng đã không được làm rõ, không được phản ánh đúng bản chất cuối cùng của nó, nhưng kiểm toán vẫn phải cho qua. Theo ông, không phải kiểm toán viên không biết sợ trước những rủi ro mà họ có thể gặp phải khi ký vào những báo cáo tài chính ấy, mà họ buộc phải hoàn tất một hợp đồng kiểm toán để giữ chân khách hàng khi quy định không cho phép có khoản ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán tổ chức tín dụng.
Mọi chuyện xuất phát bởi quy định tại Khoản 3 Điều 42 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010: Tổ chức tín dụng phải thực hiện kiểm toán độc lập lại trong trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán độc lập.
Ở khía cạnh tích cực, quy định này sẽ buộc các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm chỉnh quy định chế độ hạch toán, kế toán để khi kiểm toán vào cuộc, báo cáo tài chính sau kiểm toán phải thực sự “sạch”. Nhưng trên thực tế thì không phải tổ chức tín dụng nào cũng sạch như vậy. Các công ty kiểm toán chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ và nếu không thích, ngân hàng có thể thay thế bằng một đơn vị kiểm toán khác. Trong không ít trường hợp, báo cáo tài chính lập ra với các khoản mục tài sản, kết quả kinh doanh… thể hiện rõ ý chí, mong muốn của các ông chủ, người điều hành tổ chức tín dụng. Nhiệm vụ của kiểm toán trong các trường hợp này là hỗ trợ tổ chức tín dụng làm báo cáo tài chính chuẩn trong phạm vi chấp nhận được của các ông chủ, chứ không phải là tuân thủ tuyệt đối các quy định kiểm toán. Điều này có nghĩa, nếu chẳng may báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng phát sinh những khoản mà kiểm toán không thể truy đến cùng thực trạng tài sản đó ra sao, nhưng cũng không thể đàm phán với tổ chức tín dụng về cách hạch toán nào khác phù hợp hơn, thì cuối cùng vẫn phải chấp nhận cho qua.
“Đây là quy chế vô lý nhất mà chúng tôi gặp phải trong kiểm toán cho nhóm ngân hàng, công ty tài chính… Không được có ngoại trừ, nhưng đâu phải vấn đề nào kiểm toán và ngân hàng, công ty tài chính cũng thống nhất được với nhau. Ở góc độ chuyên môn, tôi xin nói thẳng là, có những khoản, thậm chí chúng tôi tin là ngân hàng đã mất rồi nhưng họ vẫn cố tính lờ đi. Kiểm toán vào cuộc, hạch toán cách nào cho phù hợp. Trong khi đó, nếu cố tình để ngoại trừ, thì báo cáo kiểm toán sẽ lại bị làm lại, còn chúng tôi bị mất khách hàng”, một kiểm toán viên trần tình.
Những hệ lụy
Phó tổng giám đốc công ty kiểm toán nói trên cho biết, ông đã tham gia kiểm toán nhiều ngân hàng và thực tế, không ít ngân hàng có bản chất tài sản xấu rất nhiều, vốn chủ đã bị hao hụt lớn…, nhưng vẫn báo lãi trong kết quả kinh doanh các năm gần đây, báo cáo tài chính vẫn đẹp. Theo vị này, vì không được có ngoại trừ, nên không ít ngân hàng đã tìm cách thỏa hiệp với kiểm toán để đưa ra lời nhận xét “sạch” trong báo cáo kiểm toán.
Để cụ thể hơn những điểm “đen” mà ngân hàng thường hay “lách”, vị này đưa ra một số ví dụ. Công ty X là đơn vị có liên quan (gián tiếp) đến cổ đông A của Ngân hàng B. Khi B tăng vốn, X phát hành trái phiếu để B mua, rồi số tiền thu được từ trái phiếu này được chuyển đến A để mua cổ phiếu phát hành thêm. A sử dụng số cổ phiếu sau phát hành đem cầm cố tại chính Ngân hàng B, lấy tiền đi làm việc khác. Cuối cùng, về bản chất, cổ đông A không góp thêm đồng tiền nào vào Ngân hàng B, nhưng lại được tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, có tiền để đi đầu tư lĩnh vực khác.
“Đây là tình trạng rất phổ biến tại khối ngân hàng. Nhiều trường hợp, kiểm toán biết nhưng đành phải thỏa hiệp cho qua”, vị phó giám đốc trên nói.
Trường hợp khác, ngân hàng chuyển tiền cho một CTCK, công ty quản lý quỹ trực thuộc (sở hữu 11% vốn điều lệ, nhưng chi phối về mặt quản trị) vay thông qua hình thức mua trái phiếu phát hành thêm của công ty thành viên trên. Số tiền này sau đó lại được CTCK, công ty quản lý quỹ đem cho vay, đầu tư theo chỉ định của ngân hàng, trong đó không ít trường hợp là cho chính các đối tượng có liên quan đến ngân hàng vay. Nếu truy đến cùng dòng tiền thì sẽ thấy, bản chất các khoản tín dụng này là các khoản đầu tư vượt hạn mức hay cho vay các đối tượng có liên quan, nhưng cuối cùng vẫn được ngân hàng “lách” thành công.
Một hiện tượng phổ biến hơn trong thời gian gần đây là hạch toán sai các khoản nợ, khoản đầu tư. Báo cáo tài chính một số DN niêm yết cho thấy, có những khoản nợ mà DN không có khả năng hoàn trả, tài sản đảm bảo có thị giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị lúc vay (nhất là trong các DN ngành hàng hải), nhưng ngân hàng vẫn cho phép kéo dài thời gian trả nợ, hạch toán dưới dạng nợ đạt chuẩn, trong khi về bản chất, DN thậm chí chỉ chờ ngày bị tuyên phá sản. Hay có những khoản đầu tư mà ngân hàng tham gia góp vốn, mua cổ phần, dù DN được đầu tư làm ăn thua lỗ, giá cổ phiếu giảm, nhưng do hạch toán vào các khoản đầu tư dài hạn, nên ngân hàng cũng không trích lập dự phòng đầy đủ.
“Đây là lý do khiến những trường hợp như Habubank - bỗng một ngày bung ra hàng loạt nợ xấu, thâm hụt vốn chủ sở hữu nặng nề… dù trước đó báo cáo tài chính vẫn đẹp, kiểm toán không có ý kiến ngoại trừ - có thể sẽ trở nên phổ biến hơn với các ngân hàng, nếu tình hình kinh tế vĩ mô không sớm khả quan trở lại”, kiểm toán viên của một công ty kiểm thuộc Top 5 công ty kiểm toán lớn tại Việt Nam cho biết.
Cũng theo kiểm toán viên này, nhiều điểm không hẳn là ngân hàng sai, nhưng có những nghiệp vụ mà điều khoản ký kết có thể gây rủi ro cao cho ngân hàng, nếu như kiểm toán viên có thể đặt ý kiến lưu ý, ngoại trừ, thì có thể sẽ tốt hơn rất nhiều trong trường hợp buộc phải đưa ra báo cáo kiểm toán “không tì vết” như hiện nay.
Kiểm toán gần như là đơn vị độc lập bên ngoài duy nhất được quyền tiếp cận bức tranh chân thực, đầy đủ nhất các tình trạng tài chính của các tổ chức tín dụng nói chung, trong đó có ngân hàng. Thế nhưng, vì những ràng buộc liên quan đến quy định pháp luật này, không ít những điểm đen trọng yếu về tình hình tài chính của ngân hàng đã được cho qua. Những khối u tài chính như vậy vì thế có điều kiện phát triển, che dấu và chẳng ai biết được khi nào bắt đầu phát tác.
Theo
Bùi Sưởng
Ngày 10-7-2012, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu thanh tra toàn diện một số tổ chức tín dụng liên quan đến vụ thâu tóm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank).
Trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN cam kết sẽ công khai trên trang web của NHNN kết quả để dư luận biết khi cuộc thanh tra kết thúc vào cuối tháng 8-2012.
“Chúng tôi không biết họ lấy tiền ở đâu?”
Mối quan tâm lớn của dư luận không phải chỉ là liệu vụ thâu tóm Sacombank có vi phạm quy định pháp luật, mà còn là nguồn lực tài chính của những người đi thâu tóm đến đâu. Họ có thực sự có tiềm lực tài chính mạnh đến mức mua nổi 51% cổ phần của một ngân hàng niêm yết?
Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đặt câu hỏi với Thống đốc NHNN: “Tiền đâu để nhóm cổ đông mới thâu tóm Sacombank NHNN có biết không?”. “Họ không báo cáo với NHNN và chúng tôi cũng không biết họ lấy tiền ở đâu” - Thống đốc trả lời.
Xét về thủ tục quy định, những người nắm giữ dưới 5% cổ phần ngân hàng, kể cả tổ chức, không phải công bố thông tin và pháp luật cho phép họ được ủy quyền cho một người, một nhóm người đại diện cho quyền lợi của họ. Những thành viên mới tham gia Hội đồng quản trị của Sacombank đã được ủy quyền như thế.
Muốn làm rõ mối quan hệ của những người sở hữu cổ phiếu Sacombank thông qua giao dịch trên sàn niêm yết, phải nắm được đường đi của dòng tiền đến tài khoản của những người đó. Tiền được chuyển từ đâu? Từ ngân hàng nào? Nó đi qua bao nhiêu ngân hàng, bao nhiêu tài khoản trước khi đến tài khoản của người giao dịch chứng khoán? Nó được chuyển từ tài khoản giao dịch chứng khoán đến hay từ tài khoản cá nhân đến? Có những khoản tiền được chia nhỏ, có những khoản để nguyên một cục. Có tài khoản sử dụng hỗ trợ tài chính của công ty chứng khoán, sau đó mới trả lại...
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là người có nghĩa vụ trả lời những câu hỏi trên nhưng lại không có công cụ và quyền hạn để tìm ra câu trả lời. Ủy ban không có khả năng tiếp cận tài khoản ngân hàng, không có chức năng điều tra.
Đó là với cổ đông cá nhân. Cổ đông tổ chức hiện nay của Sacombank như Ngân hàng Eximbank, Ngân hàng Phương Nam, Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam... đều có chức năng đầu tư tài chính và trên giấy tờ, họ không vượt quá giới hạn sở hữu cho phép.
Nếu không tiếp cận được tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư, ngoài cơ quan an ninh có chức năng điều tra, cơ quan quản lý ngành ngân hàng và chứng khoán không thể nào biết được nguồn gốc tiền đầu tư. Tuy nhiên điều có thể tìm hiểu, làm rõ là cổ phiếu Sacombank được các chủ sở hữu sử dụng như thế nào. Một nguồn tin đáng tin cậy nói rằng nó được thế chấp, cầm cố để vay tiền ở nhiều ngân hàng. Tiền vay được quay vòng lần thứ hai, mua tiếp cổ phiếu Sacombank. Cứ thế, theo kiểu cuốn chiếu, tiền ngân hàng được sử dụng để thâu tóm ngân hàng.
Vòng xoáy liên ngân hàng
Khi tài sản đảm bảo cho một khoản vay là chứng khoán, các ngân hàng chịu hai sức ép: tỷ lệ tín dụng phi sản xuất tăng lên và phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn theo quy định của Thông tư 13 về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng vẫn đang còn hiệu lực. Hơn nữa, những năm qua thị giá cổ phiếu ngân hàng luôn đứng ở mức thấp, khiến cho giá trị khoản vay teo tóp, không đáp ứng được lượng tiền cần thiết mà người vay muốn vay.
Với mỗi cổ phiếu Sacombank cầm cố, người vay chỉ vay được tối đa 10.000 đồng - một số ngân hàng khẳng định với TBKTSG. Nghĩa là để có tiền thâu tóm 51% Sacombank, phải thế chấp lượng cổ phiếu gấp đôi. Đấy là mua theo thị giá trên sàn. Những khoản mua thỏa thuận giữa nhóm cổ đông mới và một số tổ chức nước ngoài cũng như một số thành viên cũ Hội đồng quản trị Sacombank được tiến hành trên cơ sở cao gấp đôi, gấp rưỡi thị giá. Động thái này đẩy giá thành thâu tóm và đòi hỏi phải bỏ ra một khoản tiền lớn hơn.
Các lần chuyển nhượng cổ phiếu Sacombank theo phương thức thỏa thuận diễn ra dồn dập vào đầu năm nay. Nguồn tiền người mua cần không những lớn mà còn phải tập trung và nhiều khả năng họ đã lên liên ngân hàng để vay. Ở thị trường liên ngân hàng, người ta có thể cho vay tín chấp và thế chấp. Vay được hay không, lãi suất, kỳ hạn thế nào phụ thuộc phần lớn vào người có tiền - bên cho vay. Khi đó vay liên ngân hàng chưa phải tính vào tăng trưởng tín dụng, chưa phải trích lập dự phòng rủi ro như bây giờ, nên vay được là thuận lợi. Một phần tiền thâu tóm Sacombank có thể đã xuất phát từ thị trường liên ngân hàng.
Nhóm thâu tóm Sacombank có đủ uy tín đến mức vay được tiền trên liên ngân hàng, nhất là vay tín chấp? Nếu chấp nhận mức uy tín của nhóm, ai là người cho vay? Tiền vay liên ngân hàng được sử dụng vào mục đích gì thường được bên cho vay nắm rõ, vì nếu không, rủi ro xảy ra, họ làm sao thu hồi. NHNN có biết vấn đề này? Có kiểm tra, kiểm soát đường đi của đồng vốn?
Cho đến nay nhóm cổ đông mới đã tiếp quản Sacombank được vài tháng. Câu chuyện thâu tóm ngân hàng này dường như đã kết thúc, nhưng dư âm của nó vẫn chưa lắng lại.
Theo Hải Lý
TBKTSG