Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Chúa ruồi

Chúa ruồi hay là câu chuyện con người ta dễ trở nên man rợ, độc ác như thế nào. Ác mà không biết là mình ác.

http://nguyenbienthuy.wordpress.com/2010/07/23/chua-ru%E1%BB%93i-n%E1%BB%97i-am-%E1%BA%A3nh-v%E1%BB%81-b%E1%BA%A3n-ch%E1%BA%A5t-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di/

Bìa sách tiếng Việt của Nhã Nam
Lâu lắm rồi tôi mới lại đọc một cuốn sách liền một mạch như thế, và hết nhanh như thế. Chúa Ruồi (Lord of the flies) của William Golding giống như là một nỗi ám ảnh thẳm sâu trong mỗi con người, nỗi ám ảnh về cái ác, thứ có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào ngay ở trong những tâm hồn thánh thiện nhất.

Cuốn tiểu thuyết không dày. Không gian không quá rộng lớn. Nhân vật không nhiều, và toàn là một lũ con nít. Nhưng dường như nó không dành cho độc giả nhỏ tuổi.

Một chuyến bay chở mấy chục đứa trẻ đi sơ tán bị trúng đạn và chúng may mắn sống sót trên một hoang đảo ở Nam Thái Bình Dương. Sẽ chẳng có gì nghiêm trọng, hoặc có thể còn có nhiều thứ thật thú vị và li kỳ nếu đây là một cuốn sách thiếu nhi, giống như hàng loạt những cuộc phiêu lưu trên đảo mà chúng ta từng đọc khi còn bé. Nhưng cuộc sống của lũ nhóc không hề đơn giản, vì chúng chỉ là một lũ nhóc với những tâm hồn non nớt và không tì vết. Chính cái non nớt và không tì vết đó lại làm cho diễn biến câu chuyện đau thương hơn, bởi vì, khi lao vào cuộc sống tự do, bản chất thật sự của chúng sẽ bộc lộ, cái ác, cái thiện đôi khi không còn ranh giới.

Ralph, một thằng 12 tuổi rắn rỏi khỏe mạnh và có uy, thủ lĩnh của bọn nhóc.

Piggy, một thằng cỡ tuổi Ralph bị suyễn, béo ị và đeo kính, thông minh và biết suy xét, nhưng đớn hèn.

Simon, một thằng yếu ớt nhưng hòa nhã, hơi lập dị, bản chất tốt và mắc chứng động kinh.

Jack, một thằng gan lì, hay nhạo báng người khác, hám quyền, nhưng đôi lúc khá dễ thương

Roger, một thằng bướng bỉnh, xu nịnh và độc địa.

Và một lũ nhóc khác từ 6-12 tuổi.

Chỉ có thế, và câu chuyện bắt đầu với chiếc tù và bằng vỏ sò, với vai trò thủ lĩnh của Ralph, với chiếc kính làm mồi lửa của Piggy, với đám khói trên núi, với đội quân săn heo rừng của Jack, với nỗi sợ bóng đêm và loài ác thú trong tưởng tượng, với sự mất tích của thằng bé có bớt trùm nửa khuôn mặt… Rồi sự chia rẽ, giành giật nhau giữa hai phe Ralph/ Piggy và Jack/ Roger, cái chết của Simon, cái chết của Piggy…

Trò chơi của trẻ con, nhưng chứa trong nó sự tàn nhẫn. Và sự tàn nhẫn này không phải là bột phát, nó phát triển từng ngày và bùng lên dữ dội.


Hình ảnh trong bộ phim sản xuất lần đầu năm 1961



Jack, ngay đầu chuyện đã tỏ ra là một thằng bướng, nhưng cái cảnh nó ngập ngừng không dám dùng dao chọc chết con heo giải thích cho cái tâm hồn không tì vết của nó, cũng như những hành động trẻ con và nụ cười thân thiện nó dành cho Ralph. Nó biết sợ máu, biết giết một con vật cũng giống như tội ác.

Nhưng rồi nó và đội thợ săn của nó vẫn đi giết heo (vì chúng thèm thịt). Chúng chọc chết con heo mẹ, đuổi tan tác lũ heo con. Chúng cùng lũ nhóc tì nhảy múa cầm lao chọc chết Simon khi thằng này từ trên núi xuống báo tin có xác người chết trên rừng. Rồi thằng Jack dửng dưng và vô cảm khi thằng Roger cùng đội quân của nó bẩy đá giết chết Piggy. Cái ác trỗi dậy không ngừng, khiến người ta tự đặt ra câu hỏi: cái ác có phải bẩm sinh, hay chỉ là bùng phát theo hoàn cảnh? Tôi vẫn tin “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng tôi hoài nghi có một cái ác ẩn sâu trong cái thiện kia, và nếu nó mạnh hơn cái thiện ban đầu, nó sẽ thoát ra và trở thành bản tính của con người.

Điều ám ảnh tôi nhất trong cuốn tiểu thuyết đạt giải Nobel này là câu hỏi liệu cái ác sẽ đi đến đâu, hoành hành đến đâu nếu không có một sức mạnh nào ngăn cản nó. Hình ảnh Ralph bỏ chạy như một con thú bị săn đuổi trước một lũ mọi tay cầm lao vót nhọn 2 đầu, đứng đầu là Jack và Roger dường như là hình ảnh gây ám ảnh hơn cả hình ảnh chiếc đầu heo cắm trên cọc bị lũ ruồi bu đen kịt trong rừng. Liệu chúng sẽ làm gì Ralph khi chúng bắt được nó? Giết? Có thể lắm vì sự vô cảm trước cái chết của đồng loại, sự miễn dịch trước máu… khiến chúng trở nên điên loạn hơn bất cứ loài ác thú nào… Cái gì khiến Jack từ một thằng nhóc dễ thương, một thằng bạn đáng mến của Ralph lại trở thành một kẻ dữ tợn như vậy?

Nếu không có viên sĩ quan hải quân xuất hiện bất ngờ, nếu Ralph rơi vào tay bọn Jack, số phận nó sẽ như thế nào? Hay số phận cái Thiện sẽ như thế nào trước cái Ác đầy thế lực?…



Bạn sẽ luôn cảm thấy một cái gì đó bất an, không bình thường khi đọc tác phẩm này. Chỉ là một lũ nhóc tì, chỉ là trò chơi giống chơi trận giả của trẻ con, dường như chỉ là trò con nít… nhưng nó mang nhiều nỗi ám ảnh lên tâm thức, nỗi ám ảnh về con người, về cái thiện và cái ác…

“Trong một khoảnh khắc nó thấy một hình ảnh thoáng qua, hình ảnh của sự quyến rũ lạ thường từng tràn ngập những bãi biển này. Nhưng đảo đã cháy như củi khô… Simon đã chết và Jack đã… Nước mắt trào ra, nó run lên vì nghẹn ngào. Lần đầu tiên trên hòn đảo này nó để mặc cho nước mắt tuôn rơi. Đau thương khiến nó run bắn từng hồi, thân thể như quằn quại. Nó khóc rống dưới làn khói đen, trước hòn đảo đang cháy rụi. Những đứa khác bị lây, cũng run rẩy sụt sùi. Giữa bọn chúng, Ralph, bẩn thỉu, tóc rối bù, mũi dãi lòng thòng, khóc than cho sự thơ ngây đã chết và lòng dạ đen tối của con người, khóc cái ngã từ trên cao xuống đến chết của người bạn chân thành và khôn ngoan tên là Piggy.”…

Ralph và bọn trẻ được cứu, nhưng cái ngây thơ và trong trẻo của bọn chúng không còn nữa, mà ẩn sâu trong tâm hồn chúng là nỗi đau khổ và ám ảnh về sự độc ác và tàn nhẫn của con người. Hãy đặt tác phẩm vào hoàn cảnh ra đời của nó năm 1954, khi nhân loại vừa trải qua thế chiến thứ II, chúng ta sẽ hiểu đằng sau câu chuyện về lũ trẻ trên hoang đảo, đằng sau cuộc chiến con nít này chính là cuộc chiến lớn hơn, khốc liệt và tàn bạo hơn giữa con người với nhau, giữa cái Ác đang trỗi dậy…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét