THĂNG LONG PHI CHIẾN ĐỊA
Là một câu thường được hiểu là đất Thăng long thanh bình, không chiến tranh hay chiến tranh đến Thăng long thì địch ắt thua, không thể xâm chiếm được...Nhưng thực ra với địa hình Thăng long thì có thể hiểu với địa thế đấy thì không thực hiện trận địa chiến được, tức là không phòng thủ được.
Không phải tự nhiên mà Đinh tiên hoàng không chọn đất ấy làm kinh đô. Thời nhà Trần quân Nguyên đánh vô thì nhà Trần cũng rút khỏi Thăng long, tất nhiên do thế giặc mạnh một phần nhưng chính vì khó thủ.
Lâu nay vẫn quan niệm cuối đời Trần yếu nên quân Chiêm thành mấy lần vô Thăng long cướp phá. Bờ biển VN dài, rất khó phòng thủ trong khi quân Chiêm thành dùng thuyền di chuyển rất nhanh, xuất kỳ bất ý không biết đằng nào mà đỡ.
Cũng vì lý do cướp biển đó mà TQ cuối đời Minh, rồi nhà Thanh bế quan tỏa cảng và nhà Nguyễn cũng vậy. Từng có những buổi họp để mở thương cảng nhưng sau khi phân tích lợi hại thì nhà Nguyễn lại quyết là không.
Thời Nguyễn Huệ đánh Trịnh, bắt Nguyễn Hữu Chỉnh, đại phá quân Thanh cũng một phần dựa vào thế dễ công mà khó thủ của Thăng long, đất 4 bề trống trải, sông sâu tàu thuyền vô sát dễ dàng dùng pháo bắn, tập kích thành như kiểu Pháp đánh thành Hà nội sau này.
Tóm lại Thăng long phi chiến địa có nghĩa đây là đất đô hội, thương mại chớ không phải là đất có thể phòng thủ bằng trận địa chiến được.
NHÂN QUẢ NHO
Xưa Hán cao tổ rất ghét nhà nho, có lần ổng giật mũ nho sinh cao thành xuống làm bồn tiểu rồi đái vào đó. Xong vua lấy dao chẻ tre đan kiểu mũ ở quê đội lên rồi cười ha hả.
Thấy vậy tâm phúc mới khuyên bệ hạ có thể ngồi trên lưng ngựa mà đoạt thiên hạ nhưng không thể ngồi trên lưng ngựa mà cai trị thiên hạ được.
Tới đời cháu chắt của ông là vua Hán vũ đế lại tin dùng Đổng trọng thư, người đã độc tôn nho thuật, phế bỏ bách gia.
Từ đây Chỉ có đái vào mũ thiên hạ chớ không ai dám đái vào mũ nho gia nữa cho tới tận thời Mao CT.
BƯỚC NHẢY TÂN HOÀNG MINH
Trong cuộc sống sản xuất kinh doanh bình thường thì hầu như mọi người thích giá cả ổn định cho dễ tính toán, cho mọi thứ cân bằng nên họ đưa ra chỉ số giá, mức lạm phát...để đo lường và các công cụ tài chính phái sinh, tương lai để phòng hộ giá.
Tuy nhiên, đối với nhà kinh doanh thì cần chênh lệch giá. Chênh lệch giá càng cao thì vốn càng đổ vô nhiều nhưng vẫn cần duy trì tính liên tục của giá.
Trong thực tế có những trường hợp giá thay đổi đột ngột.
Khi giá thay đổi đột ngột, thường được giải thích theo cung cầu. Cách giải thích hàn lâm này chung chung vì chưa làm rõ được hành vi trên thị trường.
Ai có lợi khi Tân hoàng minh đưa giá lên 10 lần?
- Giới kinh doanh bất động sản vì hiệu ứng lan tỏa
- Cổ phiếu công ty BĐS
- Người đi vay thế chấp bằng cổ phiếu, phát hành trái phiếu
- Và ngân hàng khi muốn lách qui định cho vay
- Bên thứ 3
Ai bị thiệt?
- Trừ những thành phần trên thì còn lại đều thiệt đặc biệt là nhà nước vì bị đẩy vào thế phải di chuyển đột ngột tới 1 vị thế cân bằng mới cheo leo trong khi xu hướng lạm phát cao đang hiện rõ.
Kể cả lợi ích ngắn hạn thu được tiền cọc do THM bỏ cọc cũng không bù đắp được phần nhỏ các bất ổn. Có thể nói cùng với cú quay xe của Quyết FLC thì hợp lại giống tipping point .
Mời các bạn đọc giải thích kỹ thuật về bước nhảy THM ở link dưới còm.
FOMO&LOMO
Tây có khái niệm FOMO (fear of missing out) để chỉ nỗi sợ hãi bị tụt hậu, bị lỡ cơ hội, bị lạc lõng thì tiếng Việt cũng có LOMO để chỉ nguồn gốc, nguyên nhân gây nên nỗi sợ hãi FOMO.
Vậy theo bạn từ nào của LOMO là miêu tả chính xác nhất.
- Lò mổ
- Lỗ mỗ
- Lò mò
- Lờ mờ
- Lọ mọ...
- Lơ mơ
NGƯỜI TQ ĐÁ BÓNG
Sau trận thua lịch sử trước VN, dân TQ đã có rất nhiều phân tích mổ xẻ lý do thất bại khó nuốt này.
Họ tự hỏi cớ gì 1,5 tỷ dân, có tiền, có sức khỏe, có quyết tâm, có tình yêu và hâm mộ vượt mức mà vẫn trình thấp phải thuê cả cầu thủ nhập cư?
Sau đây là câu trả lời có thể xác đáng nhất.
Người TQ rất mê bóng đá, cầu thủ là niềm tự hào của gia đình, đất nước nên cánh cửa vô các câu lạc bộ bóng đá cực kỳ khó khăn và đắt đỏ.
Với tính tháo vát chạy chọt của người TQ thì từ nhỏ các lớp năng khiếu đã là sân chơi của giới nhà giàu. Người nghèo không thể chi trả nổi tiền cho con của họ theo các lớp huấn luyện, quần áo, trang thiết bị, thuê sân...
Tất cả là tiền nên cầu thủ có tất cả trừ tài năng. Thế thì đá chỉ có thua và đây là vấn nạn toàn quốc quá khó để vượt qua.
Người lạc quan luôn thấy cơ hội
Người bi quan luôn thấy rủi ro
Người lạc bi sợ không có con
Người cực đoan hành xử như
bị đoạt mất cục cưng
LỄ TÂY NHẬP VIỆT
Ngoài lễ lạt truyền thống bắt nguồn từ TQ thì người Việt cũng nhanh chóng du nhập lễ lạt từ Tây như giáng sinh, lễ tình yêu, ngày của mẹ...đơn giản vì được khen, được tặng quà, được nghỉ đi chơi...
Và cũng khéo cân bằng âm dương. Sinh nhật vui vẻ thì làm ngày dương lịch, ngày cúng giỗ thương tiếc thì lại cứ phải ngày âm.
TIẾNG TRỐNG THIẾC
Dạo này tiếng trống trận ở biên giới Nga U cà nện thì thùng làm giá dầu tăng, thị trường chứng khoán chao đảo, mấy nước có địa chính trị kiểu U cà toát mồ hôi hột.
Vậy vì sao Nga lại giơ nắm đấm trước nghĩa đệ ngày xưa? Nhiều người cảm giác Nga đang chơi trò giống Đức trước thế chiến 2, chiều hù ít tốt sức mà thu lợi lớn.
Tuy nhiên việc lại bắt đầu phát sinh từ khi Mỹ bỏ của chạy lấy người ở Afg. Mỹ tuy siêu cường nhưng thực ra nguồn lực vẫn có giới hạn nên Nga Trung hay sử chiêu bất cân xứng để nhằm trói Mỹ trong trật tự cũ.
Thấy Mỹ tuyên bố xoay trục là Nga Trung phải tìm cách làm Mỹ can dự vào, sa lầy ở đâu đó chớ khi xoay trục theo ý Mỹ là nhiều chuyện kinh thiên động địa xảy ra giống như hồi Mỹ bỏ VN xong ai cũng nói Mỹ hết thời nhưng hóa ra đó là cú xoay trục đè nát LX.
Nay cũng vậy, khi thấy Mỹ cương quyết bỏ bài Afg thì U cà phải thế chân.
NHÂN LỰC
Dạo những năm 2000, khi TTCK sắp và bắt đầu đi vào hoạt động thì bọn tôi hay được qua các nước học hỏi kinh nghiệm thiết lập và vận hành thị trường.
Ở Thái khi đang nói chuyện với cậu nhân viên thì nữ TP đi ngang qua. Cậu bảo ở sở này trưởng phó phòng hầu hết đi học ĐH hoặc thạc sỹ ở Mỹ về, như cổ là con tướng cảnh sát, thạc sỹ làm ở Mỹ mới về.
Vậy trong nước thì sao?
Ít ra cũng phải học Chulalongkorn ra thì mới lên được.
Bộ phận IT của sở Thái là trung tâm riêng, chừng 140 người.
Hàn quốc thì phòng niêm yết được yêu cầu của UBCK phải có mấy người CPA, CFA thì mới được ký thẩm định hồ sơ niêm yết.
IT của họ là công ty KOSCO khét tiếng, cung cấp giải pháp cho cả thị trường.
TQ thì phó CT UB giám quản phụ trách nghiệp vụ là cựu CT UBCK Hongkong về hưu. TQ thuê làm tới khi họ tự tin rồi mới thôi.
ẢNH HƯỞNG VĂN HÓA
Hôm trước, ngồi ngoài công viên nghe bài hát Paris có gì lạ không em mới thấy văn hóa Pháp thấm đẫm thời các cụ, có yêu văn hóa Pháp tới mức nhập vô lòng mình mới có thể có lời thơ tiếng nhạc ru lòng như thế.
Giữa Mạc tư khoa nghe câu hò ví dặm cũng rất hay chứng tỏ người Việt cũng yêu mến và hợp với văn hóa Nga, LX.
Còn bài hát về TQ thì thời hiện đại chỉ có bài hát của Đỗ Nhuận về Việt nam, Trung hoa núi liền núi sông liền sông nhưng nghe không hay. Có lẽ Truyện Kiều đã thu hết hồn vía rồi mà ngày đó người Việt tự gọi mình là Hán nhân.
VÔI ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY
Ở VN người tôi vôi nổi tiếng nhất chính là anh Dũng lò vôi, đến vợ ảnh còn nổi tiếng như cồn.
Nhưng đó là chuyện bây giờ, hôm nay tôi kể lại chuyện xưa xưa chút.
Dạo 1917 thì bên LX có anh Paven khét tiếng với chiêu Thép đã tôi thế đấy, là chiến sỹ CM chân chính ảnh xông pha tuyến đầu. Kết quả là chưa tới 30 thì bị liệt phải nhờ vợ làm điều dưỡng cho tới lúc chết.
Ở VN có nhóm Trần Dần, Lê Đạt...dám phê bình tập thơ Việt bắc của Tố hữu nên đã lao động cải tạo hết đợt này tới đợt khác giống như vôi tôi ngấu đầu tiên xuống nước thì sôi sùng sục, sau thì thành vôi quét tường.
Chuyện này hơi giống số phận tượng nữ thần tự do mà Pháp tặng VN.
Số là người Pháp làm 3 bức tượng đồng với kích cỡ khác nhau, tượng to nhất tặng Mỹ, tượng nhì ở Pháp, tượng nhỏ ở Hà nội. Tới 1945 thị trưởng Trần văn lai ra lệnh giật đổ tượng. Từ đó nằm lăn lóc trong kho tới 1952 thì thị trưởng khi đó quyết định quyên cho đúc tượng Phật. Thế là bà đầm xòe bị nung chảy trở thành một góc của tượng Phật.
Thực ra chi tiết này nghe sao sao, 1952 Hà nội vẫn thuộc Pháp thì thị trưởng là người có học, còn người Pháp đó mà sao bỏ mặc tượng trong kho coi như ve chai vậy. Nếu đúng thế thì chẳng cần Điện biên phủ người Pháp cũng thua.
NHÂN LỰC VÀ NHÂN TÀI
Có nhân lực thì mới thực hiện được công việc và có nhân tài thì việc mới trúng, đó là nguyên tắc quản trị: bệ hạ có thể ngồi trên lưng ngựa mà được đất nước nhưng không thể cai trị đất nước từ trên lưng ngựa.
Trong nền văn minh Trung hoa thì nhân tài thường là quan lại hoặc từng là quan lại. Đây là điểm khác biệt với phương tây.
Điều này giúp chúng ta giải thích sự tỏa sáng của Vương hỗ ninh, lý thuyết gia của Tập CT. Tập CT vừa là truyền nhân vừa là nạn nhân của cách mạng văn hóa. Ông đến trường học bằng tiêu chuẩn công nông nên vương quyền cần có Khổng minh lèo lái. Vương hỗ ninh đề ra thuyết tân quyền uy đã đáp ứng được điều đó. Sự tỏa sáng của Vương hỗ ninh giúp vương quyền vững mạnh. Chỉ có điều là các doanh nhân, nghệ sĩ phải lu mờ đi theo đúng tôn ti trật tự nhân tài số một là giới quan chức.
AN BAN LAC DAO
Thời xã xệ mới đi làm, một hôm được tháp tùng sếp đi chơi suối bỗng thấy sếp mở cặp táp lấy ra con Motorola đời cục gạch đọc gì đó.
Vốn nhanh tay lẹ mắt copy bài từ thời đi học xệ nhìn thấy ngay dòng chữ AN BAN LAC DAO.
Biết là quan trọng vì thấy sếp trầm ngâm, xệ không dám hỏi mà chỉ ghi nhớ rồi đêm về luận xem nghĩa là gì.
An bần thì an phận, không phải vì sếp chí tiến thủ cao. À, nếu an tâm nghèo thì là đi lạc con đường đạo phấn đấu, dứt khoát không phải.
Loay hoay hồi lâu chàng ngộ ra nghĩa của nó là ăn bẩn lạc dao, kim chỉ nam.
Phải thế mới có ăn chớ ăn sạch lấy đâu ra, còn lạc dao là đứa nào không cùng cánh hoặc bí thì cho đệ tử lê lai cứu chúa xong bảo lỡ lạc tay dao, đao kiếm không có mắt, các chú thông cảm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét