Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Thế hệ 6X

Tính viết kỹ về chuyện này mà bài này http://otxanh2012.blogspot.com/2009/05/tan-man-he-6x.html kể cũng củ tỉ quá rồi nên thêm vô mấy nét chấm phá cho vui.
Hồi Bác Hồ mất tôi mới hơn 3 tuổi rưỡi chút. Cha tôi cõng tôi trên vai, ai đó đeo chiếc băng tang nửa đen nửa đỏ lên ngực áo tôi. 
Người nhắc: khóc đi con. Xung quanh rất đông người ai cũng khóc sụt sùi. Đó là một trải nghiệm do ưu thế tuổi tác mà lớp từ 7X về sau không thể có.
Khi đi học, thế hệ tôi cũng lại đặc biệt nốt, đó là vào PTTH (1980-1983) mà không hề học ngoại ngữ. 
Số là trường Hải An (Lê Quý Đôn) tôi học trước học tiếng Hoa, mà năm 79 đánh nhau mới Tàu, khí thế còn hừng hực nên bỏ luôn. Còn tiếng Nga thì thiếu giáo viên, chưa triển khai được.
Tôi vẫn còn nhớ như in cái không khí chống TQ xâm lược sục sôi thời đó, rồi báo đài, rồi chuyện cảnh giác hầy zà...rồi cảnh lao công đào binh đắp đập Đình Vũ lũ lượt.

Những cái đó không ngăn cản tụi tôi trở thành lứa học sinh tài giỏi nhất miền Bắc. Vô lớp 8 năm 80 mà tốt nghiệp lớp 12 vào năm 83. Học 5 lớp trong vòng có 3 năm.
Tuổi đó cũng là tuổi từ giã văn học Nga, Tàu để chuyển qua lén lút đọc chuyện miền Nam đưa ra như Kim Dung, Cổ Long, Quỳnh Dao, Duyên Anh, cô giáo Thảo...nghe nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên...với giọng ca của Lệ Thu, Khánh Ly, Chế Linh, Hùng Cường... 
Sau này vô đại học thì niềm tự hào mới hơi xẹp xuống vì biết các đàn anh tại chức, chuyên tu mới giỏi nữa. 
Tụi tôi học chính quy mất 5 năm mà các đại ca học có 3,4 năm, có trường hợp phụ huynh bạn tôi sỹ quan đang học ĐH có 6 tháng thì nổ ra chiến tranh phá hoại đánh tàu Ma đốc, gấp rút về đơn vị nên được đặc cách bằng ĐH luôn.

Học ĐH theo chương trình hoàn toàn bao cấp, làm gì có tí teo nào khái niệm về kinh tế thị trường, giáo trình là mấy quyển in roneo cũ mèm, giấy đen thùi lùi.
Đi thi, bà Lăng, vợ ông hiệu trưởng http://trantuananh9.blogspot.com/2013/08/ba-vo-ong-hieu-truong.html cứ dặn đi dặn lại, đừng có nói sức lao động là hàng hóa đấy, bị trượt đấy nghe con. 
Ai mà chẳng nói chủ nghĩa Mác Lê là tiên tiến nhất, khoa học nhất. Mọi lý thuyết rồi sẽ sai, duy chỉ có CN ML là duy nhất đúng, vĩnh viễn đúng. Đọc truyện về Gien ni, tự bạch của Mác thì phục lăn, giỏi đến thế là cùng.
Đang học dở dang thì đổi mới. Kinh nghiệm đầu tiên về đổi mới là đổi tiền, bữa đó nhịn đói vì trường chưa có tiền mới để mua thức ăn.
Ra trường 88 cũng là năm bỏ phân công, hết được hưởng chế độ sẵn sàng đi bất cứ nơi nào khi tổ quốc cần nhưng thủ tục, quy trình vẫn như cũ nên thằng tôi tự đi xin việc nhưng khi làm thủ tục thì vẫn là nhận quyết định phân công từ trường về tổng cục đường biển, từ đó lại đánh quyết định phân công về đơn vị thành viên là nơi nhận tôi.
Nói vậy chứ cũng có cái oai phong, quyết định nhập khẩu do chính tay trưởng ban TCCQ thành phố ký (hồi đó nhập khẩu vô SG rất khó).  
Hồi đó kiến thức bằng cái lá mít mà bập vô công việc thì lại toàn là thị trường, lại loay hoay tự học rồi học thêm. 
Khi khát vọng bằng cấp dâng cao đi học cao học thì trường ĐH KT phán, bằng như anh phải học bổ sung 6 môn, mất khoảng 9 tháng rồi mới được dự thi đầu vào.
Họ nói cũng có lý, hồi đó cứ băn khoan mãi thị trường thì phải cạnh tranh, mà cạnh tranh thì xấu xa lắm (hơi giống bác Giá, bỏ bao cấp thì chết đói à).
Đấy 6X cứ băn khoăn trăn trở những chuyện bò trắng răng như vậy vì thực ra thế hệ tụi tôi được đào tạo làm lính chiến là chính, đến khi trưởng thành thì may mắn hết chiến tranh. 
Nên tồn kho với tư cách này thì lại phải chuyển đổi để làm sản phẩm của đổi mới, của kinh tế thị trường.
Trong đầu mấy hệ điều hành chạy, mấy loại kiến thức đóng cửa, mở cửa trộn lẫn nên đôi khi xung đột là chuyện thường. Ví như anh bầu Kiên, cứ lao mình vào hướng mà theo anh ấy là ok, nhưng thực ra luật lại không bảo thế, vậy là oạch.
Xen kẽ mơ mộng hão huyền với thực tế trần trụi. Vừa láu cá lại vừa ngây ngô. Học 1 đằng làm 1 nẻo có lẽ là đặc điểm lớn nhất của thế hệ 6X tụi tôi. Tất nhiên bao trùm lên nó là tư tưởng bình quân chủ nghĩa, phong thái lè phè đang là hồn cốt của cả bộ máy mà 6X dù chưa vươn tới vị trí lãnh đạo, nhưng lại đang là cốt cán tham mưu.  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét