Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Trí khôn tao để ở nhà

Hầu như ai cũng biết truyện trí khôn của ta đây kể về anh nông dân lừa con hổ tò mò đòi xem trí khôn của ảnh.
Nhưng kể từ đấy-như 1 lời nguyền thì người Việt ở nhà khôn bao nhiêu thì ra đường lại ngu ngơ bấy nhiêu. Khôn nhà dại chợ vì trí khôn ta để ở nhà mất tiêu rồi còn đâu.
Bài này chỉ tóm gọn trong nội dung "hiền tài là nguyên khí quốc gia".
Xưa các cụ xếp hạng Sỹ Nông Công Thương. 
Sỹ - trí thức danh giá nhất được xếp trên. Tuy nhiên đó là cách xếp của Tàu, dân mình cứ mặc định lấy xài.
Thực ra còn có cách xếp khác theo thanh âm bằng trắc mà ít người để ý. Tiếng Việt có cái độc đáo là có dấu, các cố đạo chỉ có công biên ra chữ La tin chứ thanh âm là từ ngàn xưa.
Vậy ta có:
- Tri, Trì, Trí, Trỉ, Trĩ, Trị
Đầu tiên là Tri, tức là biết. Ở đời phải có sự hiểu biết về mọi thứ. Các cụ  nói khôn chết, dại chết, biết sống mà.
Tuy nhiên cái sự biết này nó không bất động mà phải tiến hóa theo thời gian. Không theo kịp thì tức là Trì. Trì trệ, trì nộn. 
Đạo Khổng đã có công lớn trong việc Trì trệ hóa sự tiến triển của tri thức này do chỉ nhăm nhăm giữ lề thói tổ tiên.
Vì phải giải quyết Trì nên mới cần đến Trí. Thế giới càng đa dạng thì trí tuệ càng phải phát triển, khám phá mọi điều.
Trỉ (lại với phải từ vô nghĩa) nhưng dân Bắc nói ngọng nên thực ra nó là Chỉ.
Từ đây trí chia hai. Phục vụ cho vua, cho quyền thế để là ra Chỉ dụ, chỉ đạo...còn mấy ông cáo ốm, về quê dạy học hay ưa làm loạn thì thành Chỉ trích, phê bình, phản biện vua và triều đình.
Chỉ trích quá thì người trên coi trí như là Trĩ, tức bệnh lòi dom. Khó chịu lắm, bực lên coi tụi trí hay chỉ trích là cục phân thối tha.
Còn theo vua phò tá thì Trí thành người có công, được đội mũ nón có gắn lông đuôi chim trĩ, tức người làm quan. Oai danh hiển hách, 1 người làm quan, cả họ được nhờ.
Cũng chia 2 vậy là chữ Trị. Ông trí nào chống thì đương nhiên bị trị, còn ông nào đắc lực thì giúp vua cai trị, gia nhập vô hàng ngũ thống trị.

Quần quần áo áo

Mẹ tôi có chị làm dâu xứ Huế. Nhớ khi bà còn sống tôi ra thăm bà bảo: này con, bác bây giờ già rồi tự nhiên thích quần áo mới như con nít vậy.
May được bộ quần áo mới mặc vô đi ra được mấy bà hàng xóm khen trẻ ra đến mấy tuổi.
Lúc đó tôi cười cười cũng chẳng để ý chi. Đến hôm nay giật mình mới thấy mình hóa ra cũng khoái mua quần sắm áo.
Thứ 7, Cn chở con đi học thêm. Thay vì ngồi cafe như hầu hết mọi người thì tôi lại la cà khúc Hai Bà Trưng, công viên Lê Văn Tám.
Hết tiệm giày dép sang tiệm quần áo, thi thoảng ghé vô Sony shop chớ không hề lai vãng cafe. Thoạt đầu mấy em bán hàng đon đả mời mọc, sau riết quen coi anh đi ra đi vô gần như người nhà.
Mua mua bán bán rồi cũng có vài kinh nghiệm chia sẻ.
Hôm rồi ra ngồi quán, thấy mấy tiếp viên mặc áo giống hệt cái mình mới mua để mặt Tết. mà nào có vậy, quán cafe gần nơi làm việc mấy thằng giữ xe cũng diện đồng phục y chang mấy cái áo thun mặc đi chơi, thiệt là rầy rà.
Áo giống tụi nó chỉ được cái lợi là có  khách kêu lộn, rồi đi WC nhầm sang khu bếp cũng không ai care.
Lý do áo giống màu giống kiểu do chọn áo theo kiểu chỉn chu, phổ thông quá, lần sau phải chọn mấy màu, phối là lạ mới chắc ăn.
Rồi thấy mấy thằng trai trẻ mặc đồ nhìn tướng tá ngon lành quá cũng vô làm quả áo thun body, quần jean bó ra đua với đời.
Hỡi ơi, lùn, bụng to mà chân bé ngó không quen như 2 cây tăm. Áo chật báo hại cứ phải thót bụng lại cho dáng đẹp làm khó thở, mệt gần chết.
Rồi có hôm lại đứng chờ vợ ở Metro, thấy 1 thằng cao to mặc áo thun đỏ, quần jean classic phùng phình thấy cứ như Tây nhưng nhớ vụ body lại hãi.
Đi trước thời đại quá cũng có vấn đề. Hồi chọn áo màu lá mạ giống như Nadal, Nishikuri hay mặc bây giờ cũng vậy. 
Cô bé ở Thu sport nói áo đấy em chưa thấy ai dám mua. Mặc ra đường rất nổi, nhiều người cứ cười tủm tỉm. 2 năm sau hóa ra là màu model.
Kết lại, có người khoái mặc kiểu anh hùng Núp, nghĩa là lẫn vô mọi người, không ai để ý. Còn dòng khác thì lại Nghĩa lộ cho nó nổi.

Vậy là mình thuộc hàng khoái chơi nổi mất rồi. Nhớ lại hồi trước cứ lèm bèm chê mấy sếp ngành tài chính chi mà cho lính vận đồng phục body, lòe loẹt trông giống ngành giải trí, hóa ra style của mình cũng rứa. 

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Cách nghĩ của người Việt


Người Việt suy nghĩ đơn giản hay phức tạp mà ta thấy mọi người cứ nói hợp tình hợp lý, rồi 100 cái lý không bằng 1 tý cái tình.
Thực ra các cụ nói ăn có nhai, làm có nghĩ chứng tỏ cũng cẩn thận kỹ càng và các cụ cũng rất tự kiêu về sự suy nghĩ chu đáo của mình theo kiểu 1 người lo bằng kho người làm.
Trong tiếng Việt thì Nghĩ được nằm trong trật tự sau:
- Nghi, Nghì, Nghí, Nghỉ, Nghĩ, Nghị
Vậy là trước tiên muốn nghĩ là phải có nghi ngờ. Đúng quá, Mác cũng dạy phải hoài nghi tất cả. Có nghi ngờ mới có suy nghĩ được.
Nghì. Người ta thường nói:
Đàn ông không râu bất nghì
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con
Hay:
Trai mà chi, gái mà chi
Con nào có nghĩa, có nghì là hơn
Vậy hóa ra Nghì là do Nghĩa đọc trệch ra; giống kiểu Huế từ Hóa vậy.
Như vậy nghĩ phải có nghĩa, có nội dung ý nghĩa chứ không phải kiểu nghĩ, kiểu lo bò trắng răng hay:
Thành đổ đã có Chúa xây
Can chi gái góa lo ngày lo đêm.
Nghì còn là nghĩa tình. Tư duy lẫn lộn tình lý xuất phát từ đây. Khi tình chen vào thì mất khách quan. Như vậy cớ sự đều do chữ Nghì này ra cả.
Phát huy lối nói trệch của Nghì thì Nghí hình như là từ vô nghĩa. Trong tiếng Việt có vô số từ vô nghĩa kiểu vậy, chả hiểu sao.
Lắm người thì nói do các cụ lười tư duy, gán nghĩa cho các từ; tôi thì đồ rằng ý các cụ cho rằng đời là vô nghĩa - thật triết học. Vậy mà các bật học giả cứ nói dân ta không có tư duy triết học.
Theo họ triết là phải tư duy kiểu niết bàn, chứ các cụ ngày ngày quẩn quanh lũy tre làng, không thấu được lẹ trái đất hình cầu thì chỉ có chiết tự chữ Hán ra Nôm thôi.
Vậy nên tôi mạnh dạn gán cho Nghí thành nghía. Muốn suy nghĩ thì trước phải ngắm nghía, quan sát. Kiểu từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng ý như trần sao âm vậy, rồi người xinh cái ấy cũng xinh...
Sau mấy pha Nghi ngờ, Nghĩa ý, ngắm Nghía thì có thời gian lắng đọng, hồi tưởng là Nghỉ. Giống như cất rượu vậy. Mà thực ra cái gì cũng phải có thời gian tiêu hóa, ngay tri thức cũng vậy.
Sau Nghỉ, là đến nghĩ, thực đúng quy trình. Nghĩ cho thấu đáo rồi mới Nghị được, mới bàn luận được. 
Nguồn gốc của câu nói uốn lưỡi trước khi nói là vậy. Còn im lặng là vàng, nói ra là bạc dạy kẻ vờ có suy nghĩ mà tớ không nói ra đâu, nghe cho giống cao nhân dị sỹ. 
Giống ấy ngày nay biến tướng ra thành tiến sỹ giấy, giáo sư Ếch cốm các loại.