Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Cách nghĩ của người Việt


Người Việt suy nghĩ đơn giản hay phức tạp mà ta thấy mọi người cứ nói hợp tình hợp lý, rồi 100 cái lý không bằng 1 tý cái tình.
Thực ra các cụ nói ăn có nhai, làm có nghĩ chứng tỏ cũng cẩn thận kỹ càng và các cụ cũng rất tự kiêu về sự suy nghĩ chu đáo của mình theo kiểu 1 người lo bằng kho người làm.
Trong tiếng Việt thì Nghĩ được nằm trong trật tự sau:
- Nghi, Nghì, Nghí, Nghỉ, Nghĩ, Nghị
Vậy là trước tiên muốn nghĩ là phải có nghi ngờ. Đúng quá, Mác cũng dạy phải hoài nghi tất cả. Có nghi ngờ mới có suy nghĩ được.
Nghì. Người ta thường nói:
Đàn ông không râu bất nghì
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con
Hay:
Trai mà chi, gái mà chi
Con nào có nghĩa, có nghì là hơn
Vậy hóa ra Nghì là do Nghĩa đọc trệch ra; giống kiểu Huế từ Hóa vậy.
Như vậy nghĩ phải có nghĩa, có nội dung ý nghĩa chứ không phải kiểu nghĩ, kiểu lo bò trắng răng hay:
Thành đổ đã có Chúa xây
Can chi gái góa lo ngày lo đêm.
Nghì còn là nghĩa tình. Tư duy lẫn lộn tình lý xuất phát từ đây. Khi tình chen vào thì mất khách quan. Như vậy cớ sự đều do chữ Nghì này ra cả.
Phát huy lối nói trệch của Nghì thì Nghí hình như là từ vô nghĩa. Trong tiếng Việt có vô số từ vô nghĩa kiểu vậy, chả hiểu sao.
Lắm người thì nói do các cụ lười tư duy, gán nghĩa cho các từ; tôi thì đồ rằng ý các cụ cho rằng đời là vô nghĩa - thật triết học. Vậy mà các bật học giả cứ nói dân ta không có tư duy triết học.
Theo họ triết là phải tư duy kiểu niết bàn, chứ các cụ ngày ngày quẩn quanh lũy tre làng, không thấu được lẹ trái đất hình cầu thì chỉ có chiết tự chữ Hán ra Nôm thôi.
Vậy nên tôi mạnh dạn gán cho Nghí thành nghía. Muốn suy nghĩ thì trước phải ngắm nghía, quan sát. Kiểu từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng ý như trần sao âm vậy, rồi người xinh cái ấy cũng xinh...
Sau mấy pha Nghi ngờ, Nghĩa ý, ngắm Nghía thì có thời gian lắng đọng, hồi tưởng là Nghỉ. Giống như cất rượu vậy. Mà thực ra cái gì cũng phải có thời gian tiêu hóa, ngay tri thức cũng vậy.
Sau Nghỉ, là đến nghĩ, thực đúng quy trình. Nghĩ cho thấu đáo rồi mới Nghị được, mới bàn luận được. 
Nguồn gốc của câu nói uốn lưỡi trước khi nói là vậy. Còn im lặng là vàng, nói ra là bạc dạy kẻ vờ có suy nghĩ mà tớ không nói ra đâu, nghe cho giống cao nhân dị sỹ. 
Giống ấy ngày nay biến tướng ra thành tiến sỹ giấy, giáo sư Ếch cốm các loại.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét