Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

Cội rễ

11. Sợ 
 Có 1 cậu rất có uy. Vợ con đang nô giỡn trong nhà mà nghe tiếng xe về là tất cả tản ra, ai vào việc nấy rất trật tự. Cậu ta bảo mình áp dụng 2 nguyên tắc: 
- Vợ có thể tự kinh doanh nhưng không cho đi làm ở công sở 
 - Không đưa vợ con tới nhà bạn giàu hơn chơi. Theo bạn vì sao?

10. Mùa xuân gọi 
Nhiều người nói rằng Tết hay mùa xuân cũng chỉ là 1 thời điểm do con người đánh dấu chớ không có khác biệt gì. Hồi trẻ nghe mấy ông này nói tin sái cổ nhưng sau thấy sai sai. Giống nhau thì sao mùa xuân cây trổ bông, lá non bừng dậy tốt tươi. con người thì vào mùa tình yêu, yêu đời hơn, rạo rực hơn. Chỉ nhìn duy lý mà bỏ qua bản năng sinh học của thiên nhiên, của con người là lỗi hay mắc phải trước khi tâm lý học về hành vi ra đời

9. Lập thân hèn nhất ấy văn chương


Trước nay cứ nghĩ do nhà văn nhà thơ cảm thán chuyện viết văn thơ đầy rủi ro nên thốt ra câu đó. Khi đụng húy, khi chạm vô cấm kỵ, rồi nay đúng mai sai...100 hoa đua nở rất dễ bị bứng.
Hóa ra cái hèn nữa là lấy văn thơ để tiến thân. Giống như BT Trương Minh Tuấn đứng chủ biên sách phòng chống diễn biến hòa bình. 
Sách nói 1 đằng ổng làm 1 nẻo, thúi hoắc mà không biết ổng viết mấy trang.
Hay Xã Xệ in liền mấy cuốn sách chứng gà chứng lộn mà xệ có viết chữ nào đâu, toàn lính làm không, tiền in sách thì có nhà tài trợ. 
Hèn nhục là chỗ đó đó, chỉ khác là Xệ chưa bị lộ như ông trên kia.
   
8. Về nhà hỏi trẻ

Nhiều người tin sái cổ câu đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Nói con trẻ luôn nói thật, luôn thật thà, chúng là những thiên thần bé bỏng chứ không gian dối, dục vọng thấp hèn như người lớn.
Tuy nhiên đó là 1 sự ngộ nhận. Có đứa nói dối nói xạo là bản năng như Cuội, có đứa lại dấu diếm vì bị nguy hiểm, vì sợ...và có đứa thì đơn giản bị người lớn lừa như người thiếu phụ Nam xương chồng đi lính cứ chỉ vô bóng mình nói ba đó.
Tới khi chồng về thật, anh chàng nhớ nên hỏi con liền. Kết quả vợ bị đòn oan sml.

7. Chả thà nói với đầu gối


Thỉnh thoảng nói với bạn mà mình không hiểu ý họ thì thường nghe làm bèm:
Nói với mày chẳng thà tao vạch đầu gối ra nói còn hơn.
Ý là nói với mày vô ích đấy. 
Thế tại sao lại so sánh với đầu gối mà không phải là nói với khuỷu tay chẳng hạn?
Vì thói quen người Việt ngồi thường đầu gối quá tai? Chắc vậy rồi nhưng có lẽ người mình rất coi trọng đầu gối, thần thánh hóa nó là đằng khác vì nồi cao hổ cốt mà mất cái bánh chè thì coi như mất giá trị hay ăn nhậu thì rất khoái mấy cái cẳng cái chân chỗ gần đầu gối.
Khi trẻ, hiếu động chạy té trầy đầu gối đứng lên chạy tiếp. Khi lớn tối tối đầu gối lâm trận mà nhớ cho rằng xưa làm gì có nệm. Rồi có tuổi đầu gối long xòng xọc báo hiệu trên bảo dưới không nghe ngược với hồi trẻ thằng nhỏ xúi thằng lớn...
Tóm lại dân ta vừa thích vừa ghét thằng đầu gối vì luôn nói không nghe. 

6. Mặt trời mặt trăng


Chúng ta thường nghe 2 vợ chồng nhà ấy, trưởng phó cơ quan ấy như mặt trăng mặt trời. Điều ấy có nghĩa là 2 người không hạp nhau, xung khắc với nhau như nước với lửa. Vậy trong thực tế thì quan hệ mặt trăng mặt trời với trái đất như thế nào?
Mặt trời cung cấp năng lượng cho sự sống trên trái đất, có thể nói không có mặt trời thì trái đất không có sự sống và trái đất là hành tinh quay quanh mặt trời.
Mặt trăng tuy nhỏ, quay xung quanh trái đất. Tuy nhỏ nhưng do gần nên ảnh hưởng trực tiếp tới thời tiết, thủy triều trên trái đất.
Do ảnh hưởng của mặt trăng quan trọng như vậy mà các cụ đã sáng chế ra lịch âm dựa trên sự chuyển động của mặt trăng.
Lịch này rất đúng, đắc dụng trong làm nông nghiệp. Thừa thắng xông lên các cụ mặc nhiên coi trái đất là trung tâm, vẫn rất ổn cho xã hội nông nghiệp.
Từ địa tâm này mà thuyết âm dương, ngũ hành, kinh dịch, thiên địa nhân ra đời giải thích rất nhất quán nhân sinh quan Khổng giáo.
Đó là phương Đông. Bên phương Tây sau 1 thời gian lại thấy lịch tính theo mặt trời chính xác hơn nên liền áp dụng, tới nay được 2019 năm.
Dùng lịch mặt trời mà vẫn theo thuyết địa tâm thì dần dà mâu thuẫn xuất hiện, lỗ hổng ngày càng lớn và phải thừa nhận nhật tâm là đúng đắn hơn. Như vậy dân Tây khi làm nông nghiệp vẫn khoái lang thang bằng thuyền trên biển.
Đi như vậy mới phát hiện ra trái đất tròn và quay xung quanh mặt trời. Nói thêm chút đây chính là toán đã đưa Tây thoát khỏi nên kinh tế nông nghiệp, còn các cụ thì chỉ ở mức100 trâu ăn trăm bó cỏ.
Quay lại nói chuyện con người. Con người cũng vậy, có 2 phần lý trí và phi lý trí giống như mặt trời mặt trăng. Những kiến thức ta thu lượm thì giống mặt trời mà truyền thống bản năng trong người lại như mặt trăng. Diều này giải thích tại sao nước nghèo lạc hậu rất khó rũ bỏ sự lạc hậu của mình.
Các thuyết kinh tế xã hội trước kia hầu như mô phỏng lý thuyết về vật lý tức là theo mô hình duy lý. Từ những năm 80 lại đây thì các nhà kinh tế lại quay lại tái phát minh ra mặt trăng-phi lý trí.
Có thể nói đây chỉ là hành động lấp đầy mà không phải đột phá. Những hoạt động mới như tiền số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...cần 1 lối giải thích mới hơn về lý thuyết kinh tế.
Mạt trăng mặt trời cũng có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày ví dụ như bạn coi trưởng phòng, giám đốc ai là mặt trăng, ai là mặt trời. Đúng thì ok, trật thì mệt.
Hay quan hệ quốc tế, các cường quốc Mỹ TQ, ai sun ai moon. Hay chặc lưỡi quan xa bản nha gần, muốn thuần nông hay muốn CNH...
  
5. Kỹ thuật thiền định
03.09.20
Sáng chở con đi dợt khai giảng nên làm vài vòng Tao đàn. Xong, như thường lệ là mấy phút thiền định với cây cổ thụ. Bài hôm nay là thải độc.
Ngồi thẳng lưng, nhắm mắt hóa thân vô cây cổ thụ. Tưởng tượng thân mình như gốc cây vững chãi, người lơ lửng trên cao ngang tán cây.
Hít vào làn khí tươi chảy ào ào vô đỉnh đầu. Thở ra khí đen xì xì như bus Samco, nhớ hóp bụng cho khí ra hết. Vài lượt thở ra khí loãng dần lợn cợn sủi bong bóng như nước cống. Thêm vài lượt nữa cho tới khi thở ra thấy khí trong bình thường và trên đầu bắt đầu xuất hiện cầu vồng ngũ sắc là bài tập hoàn thành.
Thu người ra khỏi cây, mở mắt và nhìn thấy bãi cỏ sáng lên, ngọn cỏ non tươi dưới nắng.
Chào 1 ngày mới

Mình như chiếc lá
Sáng bạn chọn 1 chiếc lá dịu dàng đơn giản không rang cưa hay hình phức tạp màu xanh nhẹ nhàng như lá trầu bà chẳng hạn rồi ngồi thẳng lung, bỏ chân tự nhiên không cần chú ý vô xếp bằng và hít thở tự nhiên. Chú ý mọi thứ đều tự nhiên, không phải ráng cố.
Trời xanh mây trắng, yên tĩnh, gió thoảng người vắng. Bắt đầu nhìn vô lá cây và tưởng tượng mình chui vô lá, nhập vô lá. Mắt khép hờ hay hé là tùy bạn, sao cho thoải mái là được. 1 lúc sau bạn sẽ thấy người mềm dần ra, tươi mát. Cứ mềm ra thế rồi không nhận ra chiếc lá nữa vì mình với lá giờ là 1, óc trống rỗng không còn tạp niệm.
Người cảm thấy lâng lâng và năng lượng bên ngoài bắt đầu nhập vô bạn, người thì cảm thấy qua da, người thì qua đầu hay mặt…đồng thời năng lượng tích cực trong người bạn cũng sẽ tỏa ra, tỏa ra.
Vài phút qua đi, hãy hướng chú ý lại vô chiếc lá và thoát ra khỏi nó, vài phút nhập thiền kiểu thôi mien hoàn thành. Người nhẹ nhàng, tâm trí sảng khoái, thơ thới. Dậy bước đi cảm giác đỉnh đầu như được treo, thật giống sư phụ Trương Tam Phong mô tả trong Thái cực quyền luận.
Hãy luôn nhớ: không cố thì sẽ được.     


Chúng ta thường nghe có đặt mình vào vị trí của đối phương thì mới hiểu họ nghĩ gì, hiểu được thấu đáo sự việc để giải quyết có tình có lý hay là win win cho cả 2 bên. Với ích lợi như thế hôm nay xin giới thiệu với các bạn 1 kỹ thuật trong thiền định gọi là nhập thân vào đối tượng.
Gồm các bước sau:
- Chọn đối tượng: thoạt tiên chọn đối tượng dễ, đơn giản, sẵn có và trực quan. Có thể chọn bông hoa, cây, chim...nhưng không nên chọn heo hay chó hoặc gà vì tuy dễ nhưng thoát thân ra khó, khi kỹ thuật chưa cao bị ảnh hưởng nặng.
Đó là tại sao nhiều người tham ăn hiếu sắc và nổ như bom là do dấu vết của mấy con vật kia.
Riêng tôi chọn chai rượu Macallan 12Y, màu đẹp vị thơm chớ không chọn vodka trong vắt vì màu buồn và dễ chìm sâu vô trong biển nước.
- Chuẩn bị: hít vô sâu, thở ra chậm rãi. Nam 7 lần nữ 9 lần. Những con số mặc định cổ xưa này sẽ giúp ta đạt hiệu quả không ngờ.
- Nhập tâm vô đối tượng: tập trung nhìn đối tượng, trong vòng 1 phút sẽ thấy thân mình nóng lên, người tỏa hương thơm, lâng lâng như uống rượu thật 
- Duy trì cảm giác: mới tập thì khi đạt cảm giác mình là chai rượu, người lâng lâng là đạt
- Thoát: hít thở sâu, mở mắt. Xả cảm giác thơm và say bồng bềnh ra. Khi mới tập đừng cố nhập tâm sâu quá, khó thoát ra
- Điều hòa: như thường lệ, thở như pha chuẩn bị.   
Chúc các bạn thành công.

4. Không thể trì hoãn sự sung sướng

Là câu nói thành danh của Chu Văn Quềnh. Nhưng câu nói này có bao nhiêu % sự thật?
Trong Tâm lý học hài hước của R.Wiseman có đưa ra thống kê là nam giới có xu hướng qua đời vào tuần trước sinh nhật của mình và phụ nữ thì thường qua đời vào tuần sau sinh nhật.
Nếu coi sinh nhật là 1 cột mốc thì nam giới không vượt qua được và phụ nữ thì kiên nhẫn vượt qua.
Nên câu nói không thể trì hoãn sự sung sướng đúng là của nam, họ không nhịn được, không đợi được. Trong đời sống tình dục cũng tương tự, nam thì hay bị XTS là 1 thực tế.
Đó là nói về người thường, còn những tinh hoa thì khác. Họ có thể dùng ý chí cầm cự được tới ngày họ mong muốn.
Vd như Mỹ có tổng thống John Adams, Thomas Jefferson và James Monroe, tất cả đều qua đời ngày 4 tháng 7. CT HCM cũng qua đời đúng ngày quốc khánh 2 tháng 9.

3. Bắt rễ


Trong cải cách ruộng đất long trời lở đất thì thành viên đội cải cách (nhất đội nhì giời) về làng chọn nhà nào nghèo khổ nhất, bần cố nông nhất vận động họ đấu tố địa chủ. Nói chung cứ giàu là vô tầm ngắm nên trí phú địa hào là dính. Sau khi bần cố nông đồng ý đấu tố (gọi là bắt rễ) thì tập hợp những người, những nhà này lại (gọi là xâu chuỗi) thành lực lượng đấu tố chính.
Trong thời kỳ này, ai không tố điêu thực sự là anh hùng.   


2. Cắt rễ
Hôm trước nói về cội rễ, hôm nay bàn về chuyện cắt rễ.
Vô vườn cậu bạn thấy 2 cây sầu đâu. 1 cây trưởng thành, lớn trồng trong vườn và 1 cây cao chưa tới gang tay, trồng trong chậu. Bạn bảo cả 2 cây này trồng 1 ngày cách nay hơn 10 năm rồi đó.
Cây sầu đâu, ngoài bắc là cây xoan các thi sĩ hay ngắm như Nguyễn Bính:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy


Và Du Tử Lê khóc trên ngọn tình sầu cho mối tình không thành vì thành kiến phân biệt bắc nam:
Người trông ngóng hương đưa mùi mái tóc đêm mưa
Nhẹ theo lá oan khiên lả tả mái hiên người


Thấy tôi có vẻ không tin bạn bảo tất cả bí mật trồng bonsai chỉ ở cắt rễ mà thôi. Chậu tôi trồng thủng đáy, cứ rễ ra là tôi cắt nên giờ 10 năm cao có 15cm à.
Hóa ra trồng bonsai cũng hơi giống trồng người. Nhỏ thì bị ép theo ý người lớn, đi học thì theo ý thầy cô.
Hẳn các bạn nhớ ngày mới đi làm, vụng về, hăm hở và nhiệt huyết. Đề xuất ý cải tiến công việc, 1 lần, 2 lần...đều bị bác, vài năm sau đa số trở thành nhân viên thụ động, chỉ đâu đánh đó vì mọc rễ nào ra là bị cấp trên trực tiếp cắt rễ í đó.

Có sếp ghê hơn kiểu Xã xệ ghét ai thì còn cắt hết rễ luôn, tức là chơi đòn cô lập bạn với tất cả mọi người. Có cậu bị cắt rễ tới mức hoang tưởng nhẹ luôn mang nước ở nhà đi uống, không dám uống nước chỗ làm.
Đó chiêu cắt rễ ghê gớm thế, phía sau 1 vườn bonsai càng lớn thì tội phá hoại tư nhiên cắt rễ càng nhiều. 

Như trường hợp thứ trưởng Lê Hải An vừa rồi. Bình thường thì 1 sếp cỡ đó lúc nào cũng có người xúm xít chung quanh. Vậy mà khi ở tầng 8 uống cafe lại chỉ 1 mình. Phải chăng đó là áp lực cắt rễ?




1. Cội rễ

Cội rễ do Alex Haley viết. Niềm khắc khoải khôn nguôi về cội nguồn đã thôi thúc ông bỏ ra mười lăm năm để tìm lại gốc gác tổ tông.
Và kết quả cuộc tìm kiếm lâu dài ấy đã dẫn đến sự ra đời của “Cội rễ”. Chỉ hai tháng sau, gần một triệu bản đã hết ngay. Và bộ phim vô tuyến truyền hình dựng theo tác phẩm ấy đã vượt cả bộ phim nổi tiếng “Cuốn theo chiều gió” về kỷ lục người xem.
Cuốn sách ra đời như một sự kiện làm chấn động cả nước Mỹ. Đó là sự tái tạo một quá khứ, khi mà những người da đen bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ, bị tước đoạt. “Cội rễ” đã làm dấy lên ở Mỹ, kể cả trong những người da trắng một trào lưu sôi nổi tìm lại gốc gác tổ tiên của mình.
Nó đã đánh thức ở những người da màu Mỹ nỗi niềm hoài cổ tổ tiên, và ý thức đó từ nay sẽ không bao giờ tắt trong họ.
Haley đã bỏ ra mười lăm năm trời mò mẫm trong hầu hết các thư viện, kho lưu trữ tư liệu khắp nước Mỹ, từ bang này sang bang khác, để cuối cùng tìm đến tận làng Jufure hẻo lánh của Zambia (châu Phi), nơi cách đây hơn 230 năm, Kunta Kinte, ông tổ 7 đời của tác giả đã bị bắt xuống con tàu buôn nô lệ da đen chở sang Mỹ. 

Với “Cội rễ” có thể nói Alex Haley đã dựng một tượng đài cho nỗi đau hàng thế kỷ của bao thế hệ người Phi bị trốc rễ, tìm lại gốc rễ của mình.

Quan trọng hơn, với ý thức cội nguồn mạnh mẽ như vậy là nguồn sáng cho nền văn hóa da màu. Họ đã gìn giữ và phát triển dòng nhạc Jazz, nhạc Phúc âm trở nên nổi tiếng và lan đi khắp thế giới.
Giờ nhìn lại VN, ca nhạc dân tộc từ chèo, quan họ, nhã nhạc cung đình, cải lương dần phôi pha nhỉ. Không biết bao giờ người Việt chợt nhớ rồi khám phá lại cội rễ của mình.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét