Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Bùa yểm của Cao vương


Sáng nay mới dậy đã nghe cô em điện thoại rủ ăn sáng. Lạ quá vì nhà cổ xa, ngược đường. Em ở quán ngay gần nhà anh nè. Sao em sang ăn sáng tận đây? Quán này sếp em mới mở nên tới ăn ủng hộ anh ạ. Em cứ vẽ, sếp có ở đấy đâu mà biết. Cả cơ quan tới ăn rồi, mình không tới thì kỳ anh,

Lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử 
Nghe Trump dính Covid liền nghĩ rằng giả. Không nghĩ rằng giả mà lộ ra là hơn cả tử hình, mất hết. Chê người nói đạo đức chỉ nói hay chớ làm như lờ mà không so với thằng vừa nói như lờ vừa làm như lợn

1. Bùa yểm của Cao vương
Cao vương hay còn gọi là Cao biền xưa nổi tiếng về tài phong thủy, trấn yểm đã thành giai thoại như chuyện xây thành Đại la gặp thần Long đỗ bao trấn yểm thất bại nhưng thần thổ địa Long đỗ ưng cho Cao biền xây thành Đại la vì Cao biền có năng lực mà thế đất có núi Nùng sông Tô lịch có thể phát đế vượng bền vững rồi chuyện CB cưỡi lên diều bay khắp nơi nhận huyệt mạch nước Nam bị bắn rơi ở Ninh bình giờ vẫn còn dấu tích là núi cánh diều…
Tương truyền cụ Tả ao đã cao tay ấn hơn CB đã phá giải và gài thế lại nên CB sau phải về TQ và bị vua giết chết, đáng đời. Nhưng có 1 thứ CB yểm mà dân ta không biết cứ cười CB non tay ấn là chuyện CB nuôi âm binh bằng đậu nành trong chum rồi dặn bà hàng nước đúng 100 ngày hẵng mở. Tất nhiên phụ nữ thì tò mò, nhịn không nổi thấy các âm binh đấy đã thành hình nhưng còn non bấy nên lẩy bẩy đi được vài bước rồi gục ngã.
Số là CB sau khi thua thần Long đỗ thì thù dai, âm thầm tính mưu kế hại lại. Quân tử tàu 10 năm báo thù chưa muộn mà, ai quên thì ráng chịu. Ông ta đi khắp núi sông thì thấy về cơ bản nước nam là 1 xứ còn non: đồng bằng sông Cái non mới thành hình, núi thì chất đá cũng non mềm, không cứng. Từ thế phong thủy vậy thì người vùng này cũng non nớt, nông nổi, không có tầm nhìn xa, hay dựa dẫm vô người khác và hay thay đổi phản thùng…
Vậy là ổng lập kế nuôi bùa yểm bằng đậu nành. Đỗ chính là đậu, khi bà hàng nước mở nắp chum ra thì bùa yểm đã bay ra khắp nơi, lá bùa chính bay tới xâm nhập thần Long đỗ qua đằng mũi vì chum này chính là chum tương mà, CB đã đánh đổi công nghệ làm nước tương cho dân nam để yểm bùa thu phục. Từ đó dân bắt đầu ăn nước tương, đã ăn nước tương quen thì chê mùi mắm cá thúi như Cao bá quát chê con thuyền Nghệ an chở mắm nặng mùi.
Cứ ngày này qua ngày khác bùa yểm này phát huy tột độ những thứ non nớt của người nam và Tản đà đã nhận ra điều này:
Dân 20 triệu ai người lớn
Nước 4 ngàn năm vẫn trẻ con
Để khái quát hóa sự non nớt cả về thể lực, trí óc, tâm tính của người Việt. Đứng trước tình thế khó khăn thường lựa chọn sai lầm do non nớt, hấp tấp bức ăn nuốt lưỡi và sức bền, sức tập trung không cao.
Vậy nên đừng ngạc nhiên là trí thức VN thường non về kiến thức, bộp chộp trong hành động và giáo điều trong niềm tin vì họ bị Cao vương yểm bùa lẩy bẩy.

2. Cái lý của người Mèo
Truyện Thôi oanh oanh được người TQ xem là kinh điển trong việc rèn luyện sự kiềm chế của người quân tử.
Theo Khổng nho thì người quân tử là tinh hoa, chỉ đứng dưới vua, giúp vua trị quốc.
Trương quân thụy là 1 chàng trai học giỏi có hi vọng đỗ trạng nguyên lên đường lai kinh ứng thí. Xưa thì cứ học giỏi là ok chớ không như bây giờ học giỏi chả là gì, phải có tiền hoặc con quan kiểu không giàu thì phải đẹp trai, không thông kinh sử phải dài AK như sau này.
Trên đường đi, chàng trọ ở nhà nàng Thôi oanh oanh và đã gọi người đánh tan bọn cướp, giải cứu được nhà mẹ con nàng Thôi.
Thôi oanh oanh sang cảm ơn và rất nhanh chóng 2 người yêu nhau rồi ăn cơm trước kẻng, dĩ nhiên chàng Trương thề thốt sẽ lấy nàng làm vợ.
Trương quân thụy thi đỗ trạng nguyên, làm quan và chàng lờ lớ lơ luôn Thôi oanh oanh.
Với cái kết này có thể rút ra mấy kết luận sau:
Các bà mẹ, phụ nữ lấy cái đó làm tấm gương răn dạy con gái không được cho con trai xơi trước, no xôi chán chè là nó phắn. Nó như gậy thằng mù chọc lung tung còn gái thì thiệt đủ đường.
Người hiện đại thì bảo Trương quân thụy là thằng xỏ lá, lẻo mép, đĩ đực do cứu mẹ con nhà Oanh là hắn nhờ võ quan cảnh sát cứu chớ văn nhân trói gà không chặt có đánh đấm chi được, rồi dài lưng tốn vải quên ngay người cũ khi thấy đám khác ngon hơn…
Nhưng lý của quân tử tàu thì như vầy:
Chàng Trương đã mất kiểm soát khi ăn cơm trước kẻng, giờ chàng chối bỏ Oanh là thể hiện sự kiềm chế sắt đá của người quân tử và chàng đã quên được nàng Oanh thật vậy là chàng đã kiềm chế thành công.
Còn nàng Oanh không giận mà nàng nói “Quyến rũ ai đó rồi rời bỏ nàng ta là điều hoàn toàn tự nhiên, và sẽ thật cực đoan khi ta phẫn nộ vì nó”.
Đấy cái lý của người mèo là như thế. Giờ ta mới quay ngược lại suy nghĩ tại sao Khổng tử lại nhấn mạnh tới sự kiềm chế sắt đá như vậy? Coi năng lực kiềm chế, đè nén ý thích, ham muốn, dục vọng là 1 năng lực được ưu tiên.
Có lẽ ông Khổng tử nhận ra nòi giống mình có bản năng tham lam vô độ từ việc sinh sản, tiền bạc, đất đai, danh vọng….từ lịch sử tranh đoạt, chém giết, mở rộng lãnh thổ, quyền bính…và Oanh oanh truyện là 1 câu chuyện chứng minh.
Khi trước Mao CT 1 rìu chặt đứt đầu dây mối nhợ tự kiềm chế khiểu Khổng giáo kết quả thiên hạ đại loạn. Giờ TQ khôi phục Khổng giáo nhưng lại thả con lợn vật chất trong lòng ra đuổi cũng thật trần trùi trụi trong tranh đoạt.


3. Mâu thuẫn luận của các cụ
Xưa các cụ đã nhận thức được biện chứng pháp qua việc giải quyết mẫu thuẫn chớ không phải như ngày nay lầm tưởng.
Thứ nhứt là truyện Sơn tinh, Thủy tinh giành gái đánh nhau liên miên và người hiện đại coi như đó là công cuộc trị thủy, là người vùng cao đấu với người vùng thấp nhưng câu chuyện còn dẫn dắt ta tới 1 câu chuyện về địa linh nhân kiệt trong đó cặp núi sông không đánh lộn nhau mà lại tạo thành thế đất phát tích, phát vương, trở thành nơi đô hội, nơi tụ tập người tài…

Theo GS Lê văn lan:
“Như vậy, từ xa xưa cặp sông – núi trong văn hóa người Việt chính là một cặp Âm – Dương, cha – mẹ. Trong tâm thức Việt, cặp đôi này có chức năng sinh sản, duy trì sự sống; nơi nào có cặp đôi sông – núi nơi đó được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt.
Nhìn vào văn hoá Việt, có rất nhiều cặp biểu tượng sông núi nổi tiếng như vậy.
Phía tây bắc có núi Mường Hung soi vào dòng sông Mã. Khởi nguồn cho nước Văn Lang có núi Tản sông Đà. Về Ninh Bình thì cặp biểu tượng sông núi mà người dân hết sức tự hào và gìn giữ là sông Vân núi Thúy. Nam Định thì được gọi là vùng đất của non Côi sông Vị. Vùng đất xứ Nghệ là núi Hồng sông Lam. Xứ Huế thì không ai mà không biết đến sông Hương núi Ngự. Vào đến Quảng Ngãi thì cặp biểu tượng là núi Ấn sông Trà.
Thế thì tìm hiểu Hà Nội, Thăng Long, Đông Đô, hay Đại La… cần phải biết rõ về cặp biểu tưởng núi Nùng sông Tô.
Nằm ở vị trí trung tâm của Long Đỗ hương từ thời tiền sử, có một ngọn núi thiêng, tên gọi dân gian là núi Nùng. Giờ đây chúng ta có thể xác định được núi Nùng tiền sử nằm ở đâu giữa Hà Nội hiện đại này?
Nhiều người đi qua đường Hoàng Hoa Thám, chỗ Bách Thảo, thường chỉ tay vào gò đất cao cao ở đó mà giới thiệu như một sự hiểu biết đáng tự hào về lịch sử Hà Nội:
– “Biết núi Nùng nổi tiếng ở đâu không? Kia kìa!”
Đó là một sai lầm chết người.
Ngọn núi ở trong vườn Bách Thảo có tên ghi vào các văn tự cổ, bản đồ cổ là Sư Sơn. Vì chữ Hán không có âm nào để phiên âm tên gốc của ngọn núi là Sưa, nên người ta chép đại chữ Sư cho gần âm. Từ đó, quen dần đọc thành Sư Sơn.
Tên gốc của nó là núi Sưa. Cách gọi tên núi này giống cách người xưa gọi một ngọn đồi nổi tiếng ở Bắc Ninh là Lim, chỉ vì ở đó được trồng nhiều cây lim. Núi Sưa cũng vậy. Chỗ này vốn có rất nhiều cây Sưa quý mà được gọi là núi Sưa, phiên sang chữ Hán là Sư Sơn. Ta không bao giờ được phép nhầm lẫn núi Sưa (Sư Sơn) với núi Nùng thật sự.
Bởi núi Nùng là một ngọn núi thiêng, nó nằm trung tâm hoàng thành Thăng Long, ngày nay còn được gọi là núi Điện Kính Thiên. Và Điện Kính Thiên được xây trên đất gốc của Long Đỗ Hương – gò đất cổ 2.000 năm.
Truyền thuyết rồi người đời sau cũng đã chép vào những bộ như Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam chích quái… đều nói từ núi Nùng này ông Tô Lịch đã phát hiện ra một huyệt đạo có thể thông xuống tận âm ty địa phủ. Trên đỉnh của núi thì mạch của nó có thể thông lên đến tận trời xanh. Phát hiện này của ông Tô Lịch đã khiến Núi Nùng ở Long Đỗ Hương chẳng những là trung tâm, là cao điểm, là tiêu điểm, là tụ điểm mà còn là linh điểm.
Cũng chính vì thế mà suốt 1.000 năm Bắc thuộc, các thời kỳ từ Nam Việt – Lưỡng Hán cho đến Tùy Đường cai trị Giao Chỉ đều ưu tiên lựa chọn núi Nùng để xây trung tâm hành chính, và dựa vào địa thế của sông Tô mà được bảo vệ và phát triển. Như vậy núi Nùng sông Tô là một cặp biểu tượng đã xuất hiện từ TCN chứ không phải đến thời Thăng Long mới có.”
Sự sùng bái núi sông lên tới mức người ta cho rằng dù núi không cao có tiên là thành danh, dù sông không sâu, có rồng thì thành thiêng dù núi lè tè, sông bồi nhỏ như cái lạch.
Vậy không cần tỏ duy vật cũng vẫn vận dụng được mâu thuẫn luận ha.

4. Thăng long tứ hộ vệ
Thời tên Thăng long thì TL được Hà nam, Hà bắc, Hà đông, Hà tây quây xung quanh bảo vệ. Rồng ưa nước nên 4 phía đều có hà là sông để tạo chỗ cho rồng bay lên, ta có thể hình dung ổ rồng nằm trong vùng nước lớn (Ngoài ra để chống mặt bắc là mặt trọng yếu vững hơn còn độn thêm Hà giang bên trên).
Tới khi Pháp sang thì người Pháp nhìn thấy sông Cái đỏ ngầu phù sa bèn đặt tên là sông Hồng. Trước đó vua Minh mạng để phá thế đế vương của vùng đất rồng đã đổi tên cho thành phố là Hà nội, thành phố trong sông. Họ không biết rằng, chừng 80 năm sau thì việc họ đặt tên cho dòng sông đã trở thành tiền định. Nơi đây nhà nước hồng CS đầu tiên ở Đông nam Á đã được thành lập.
Người Pháp có vẻ thích đặt tên thành phố dựa vào vị trí của nó so với dòng sông. Sài gòn là gọi chệch bờ tây của tiếng tàu mà ra (theo Trương Thái Du). Đồ rằng khi Pháp qua, hỏi đúng ngay 1 chú 3 tàu đây là đâu, ông kia trả lời tây cống (Tây Cống (giản thể: 西贡区; phồn thể: 西貢區; bính âm: Xīgòng Qū; Việt bính: sai1 gung3 keoi1; tiếng Anh: Sai Kung). Ông Pháp nghe và phiên lơ lớ thành Sài gòn, giống như tới Đò lường Nghệ an hỏi đây là đâu thì phiên thành Đô lương phố của người lương thiện, ngược hẳn nghĩa ha


5. Lãnh đạo TQ khoái số 4
Số 4 phát sinh từ âm dương thể hiện trọn vẹn 4 góc, 1 chu kỳ nên được người TQ cổ rất quan tâm và đưa vào trong hệ thống tư tưởng, văn học nghệ thuật của mình từ sinh lão bệnh tử, 4 mùa bát tiết đến sỹ nông công thương, tranh tứ bình, tứ linh tứ quí…
Lãnh đạo TQ hiện đại cũng rứa.
- 1966 cách mạng văn hoá: đập tan 4 hủ lậu gồm tư tưởng, phong tục, văn hoá, thói quen (phá sạch nhỉ)
- 1976 bè lũ 4 tên
- 1978 cải cách 4 hiện đại (mà xưa ta chê là hại tứ dân) giờ mới thấy quá lợi hại
- 2015 xã hội 4 toàn gồm thịnh vượng, cải tổ, pháp quyền, kỷ cương.
Nhưng dân thì lại kiêng số 4 vì phát âm giống chữ tử là chết, mê tín sàm xí ha.
Còn người Việt?
Quan thì lại cuồng số 4: Tứ trụ, sỹ binh chạy mỏi chân vì số 4: 4 sao, viên chức nhà nước thì mê mẩn số 4 để hốt bạc: bộ tứ,...nghệ nhân thì kiếm tiền nhờ số 4: tranh tứ quí,, thày bói làm giầu nhờ số 4: tứ nữ bất bần, dân thì khoái 4 đổ tường, tứ khoái, các bà thì đánh tứ sắc… 
Với phụ nữ cần có tứ đức, người có tứ hồng, tránh sanh tứ nữ, né ở tứ đại đồng đường và chịu chơi tứ sắc

6. Người kể truyện Kim dung
Thời xưa người kể truyện đi khắp nơi, kể và sống bằng nghề này vì người biết chữ thì ít, sách chép tay nên rất hiếm. Tam quốc diễn nghĩa được La quán trung biên soạn cũng góp nhặt những câu chuyện từ những người kể truyện này.
Những tưởng sau này người kể truyện tuyệt tích nhưng sau này ở miền bắc thời sau 75 lại xuất hiện những người kể truyện Kim dung, Quỳnh Dao…
Hàng xóm tôi ngày ấy có nhà chồng người Sóc trăng, vợ miền bắc có 1 đàn con đặt tên Quang Ánh Sáng Hoàng Hậu. Sau 75 cả nhà về nam, tưởng đi luôn nhưng thấy chừng 1 năm lại đi ra. Khi ra mang theo 1 bao tải truyện Kim dung, phải ai thân thiết lắm mới được cho mượn. Vậy là tối tối lũ trẻ con lại ngồi trên đường nhựa nghe thằng Ánh kể truyện Kim dung. Thì cũng Cô gái Đồ long, Hiệp khách hành, Thiên long bát bộ…nhưng qua lời kể của nó thật hấp dẫn, thằng này sau mà làm tuyên huấn chắc thành công vang dội. Nghe đi nghe lại mãi rồi cũng nhòn nhòn truyện, thằng Ánh bắt đầu bịa như thiệt những đầu Ngô mình Sở. Mãi sau này mới biết nó kể thêm đầu thêm đuôi, râu ông nọ cắm cằm bà kia nhưng vẫn là những kỷ niệm đêm hè xuyên không thời gian từ thời La quán trung tới thời bao cấp. Không lâu sau đổi mới thì món kể truyện ăn bánh rán, thuốc là cũng tuyệt tích vì giờ sách báo phim ảnh ê hề và rồi nhà nó lại về Sóc trăng, không biết sau Ánh làm nghề gì, có làm cán bộ tuyên huấn không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét