Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

Đôi bờ

 AN NINH GIAO THÔNG 

 Đường sắt cao tốc TQ phát triển nhất thế giới. Có nhiều lý do như dân số đông và mạng lưới đường sắt liên hoàn làm người dân lựa chọn, giá xây dựng, giá vé rẻ, thời gian cạnh tranh được với hàng không... Tất cả đều đúng và TQ đã thực hiện xuất sắc version 2 của hệ thống xe lửa phương tây tk 19. Nhưng còn 1 lý do nữa là TQ nắm được công nghệ, tự chủ sản xuất được đường sắt cao tốc, còn hàng không thì chưa thể. 

 Người TQ có tính lo xa cho an ninh giao thông khi bài toán đặt ra Mỹ cấm vận phụ tùng máy bay thì sẽ như thế nào?

ĐÔI BỜ 

 Tôi thích ngắm nhìn sông. Khi rảnh có thể ngồi hàng giờ ngắm 50 sắc thái của dòng sông. Từ mặt nước , giòng chảy, thuyền bè tới cây cối bãi ven sông. 

 Trong ký ức thời sơ tán của tôi là bãi rươi đẻ đỏ thẫm, người người đi vớt, xúc rươi nói cười ầm ĩ. Cũng ở bãi rươi này lần đầu tôi biết tới khái niệm lãnh địa. Đang hăm hở xúc rươi thì có 1 thằng choai choai chặn lại bảo mày không phải người vùng này, cấm được vớt rươi. Anh trai làng dẫn tôi theo phải giải thích, điều đình mãi. 

 Phà Quý cao trên sông Luộc khi khởi hành luôn có 5,7 thanh thiếu niên đi theo 1 đoạn rồi nhảy ùm xuống sông bơi về bến. Những người lái phà thản nhiên như không vì là cảnh hàng ngày. Vậy mà có hôm tôi đi, phà đông lắm, tự nhiên có người rơi xuống sông, tiếng la hết tìm kiếm nhưng người không thấy tăm hơi mà phà vẫn chạy tới.

Sông Hồng 

 Tôi thường ngắm sông Hồng từ cầu Long biên khi đi tàu hỏa, xe hơi,xe máy và đi bộ. Con sông Cái đỏ ngầu phù sa rộng mênh mang vào mùa lũ như sông Tiền sông Hậu còn khi nước ít thì những cồn đất rau cải, ngô bắp tốt tươi có lẽ là cảm hứng để Hoàng Việt viết về bãi lúa nương dâu còn đó muôn đời. Cũng vào mùa này nó mang tên Nhị hà và khi người Pháp qua hẳn vào mùa lũ nên sông Hồng từ ấy mới trở thành cái tên quen thuộc. Nếu Đà nẵng có những bãi cát dài miên man thu hút trai trẻ chơi bóng đá thì bãi Long biên cũng vậy, bãi bồi này từng in dấu chân bao quái kiệt thửa còn vô danh. Từ ngày có thủy điện Hòa bình thì sông Hồng trở nên hiền hòa và vùng đất ngoài đê trở thành đô thị. Mới đầu cũng cấm cản kinh nhưng sau mọi người đều nhận ra rằng vùng đất này đã ở tốt. Đó chính là công của CCCP đã trị thủy thành công, một việc mà người Pháp chịu thua.

CẦU RÀO 

Nếu SG có cầu Sơn, cầu 3 cẳng thì HP có cầu Rào, cầu Đất. Sông cầu Rào nhỏ không có gì đặc biệt ngoại trừ hồi nhỏ tôi lê la ở bãi sú vẹt cùng đám bạn câu cá ngạnh, bắt cáy, bơi lội. Con cáy giống con cua mà chân đầy lông, dạo đó mọi người không thích bằng cua, rạm vì nó hôi rình. Vậy mà hôi hôi nên được nhớ, giờ mắm cáy chấm rau lang luộc là đặc sản. 

 Lối thảm len đi ra có 1 cầu cảng nhỏ lúc nào cũng có người ngồi câu mà chẳng mấy khi có tàu thuyền, con cá ngạnh nhỏ nhỏ, chặt đầu lột da kho tiêu ăn thơm lừng. Chơi chán thì tập bơi gần chỗ sà lan đậu, có thằng không biết bơi thập thò mép nước bị đẩy xuống. Báo hại phải 3,4 đứa mới dìu được cậu vào bờ khi đã gần ngất, tái xanh tái tử. 

 Sông cầu Rào nhỏ nhưng chảy xiết, đứa bạn học cấp 2 có ông anh đang học hàng hải trong đội tuyển bơi của trường ngày nào cũng bơi sông, 1 hôm lặn thế nào bị kẹt dưới đáy sà lan chết đuối làm nhà nó khóc quá trời. 

 Có hôm, thằng bạn rơi dép Lào vì tật ưa sạch rửa chân, thế là dép trôi tới tận cầu phao chỗ cầu Rào bây giờ. Có lúc nó trôi gần phao chỉ gang tay là lấy được nhưng xoáy nước đã nhấn chìm và đưa ra xa hẳn. Thất vọng mãi rồi nó thả nốt chiếc dép kia xuống sông cho nó dập dình trôi đi. 

 Còn sông Tam bạc thì bãi rộng và thoải hơn nhiều, lũ còng gió nhỏ bé càng to sặc sỡ chạy thoăn thoắt. Sông rộng, bờ rộng thế nên Pháp mới chọn đặt nhà máy đóng sửa tàu ở đây, xa xa vẫn có nồi hơi cũ rỉ sét, dạo đó chưa có ve chai thu mua phế liệu thì phải. 

 Cũng ở đây tôi gặp 1 thằng bé con thủy thủ chìa ra gói mì 2 tôm, đó là lần đầu tiên thấy và ăn mì ăn liền. 2 thằng chạy chơi chán rồi chui xuống buồng máy tìm ba tôi đang sửa tàu mà chả thấy ông ở đâu. Buồng máy rộng lắm không 1 bóng người, tôi cứ nút bấm đỏ, cần gạt đỏ là bấm là gạt chờ nó hú rồi ù té chạy lên boong, bên kia sông cũng là 1 xưởng sửa chữa sà lan.

SÔNG LAM NÚI HỒNG 

 Theo các cụ thì núi là khung xương, sông là mạch máu như cơ thể sống. Đất nào có sông núi hùng vĩ thì đất đó địa linh nhân kiệt. Đồng bằng sông hồng có núi Tản sông Đà khí thế lớn nhưng Hà nội chỉ ở mức sông Tô núi Nùng bé bé xinh xinh, nếu bây giờ thông sạch được Tô lịch thì Hà nội mới có thế rồng xanh bay. 

Nghệ tĩnh nổi tiếng với sông Lam núi Hồng. Sông miền trung khi bình thường trong xanh như mắt người con gái sông La. Đi dọc bờ sông Lam thường thấy những trạm bơm xây cao nằm chơi vơi cách dòng nước vài chục m, chứng tỏ mực nước ngày càng thấp như khẳng định ý đồ thay trời đổi đất là trò con nít. 

Và nơi đây có rú Nguộc đâm sát sông Lam. Ngồi trên xe khi vô khúc cua 1 bên là sông sâu hun hút, 1 bên là vách đá dựng muốn che xe không khỏi rùng mình. Nước xanh như ngọc, bãi cát vàng, vực sâu rú hiểm và trạm bơm chơi vơi như thể địa thì linh, nhân thì kiệt nhưng kẹt. 

 Từ ngày chia làm 2 tỉnh thì khí đế vương cũng giảm, Hà tĩnh tươi mát vượng hơn nhờ hồ Kẻ gỗ làm giảm hẳn nắng gió Lào.

PHỤ LỤC VỀ SÔNG TÔ NÚI NÙNG 

Vì sao HN lại chọn sông Tô lịch và núi Nùng? Sông Tô lịch xưa 2 đầu nối với sông Hồng nên ngon lành: Nước sông Tô vừa trong vừa mát Anh ghé thuyền đậu sát thuyền em Chớ không phải bí rị như bây giờ còn núi Nùng ở khu vực điện Kính thiên, nơi cao nhất Thăng long. 

Như có giả thiết rằng Tô lịch chính là Lô tịch, có nghĩa là nếu dựa vào mình thì tịch, không tồn tại được. Lịch sử cũng cho thấy thời phong kiến thì dựa vô TH, sau dựa vô Pháp, LX, TQ...tuy tự chủ nhưng vẫn phải có chỗ dựa vì nước nhỏ yếu. 

Còn núi Nùng là núng thì lùi, đúng kiểu đánh nhau truyền thống chống ngoại xâm của ta. Cứ thế địch mạnh thì ta vườn không nhà trống, chạy cái đã. Tới khi địch mỏi mệt vì dịch bệnh, phân tán thì ta quay lại tập kích, phục kích rồi truy kích. Bài này luôn thắng trong lịch sử

SÔNG THUYỀN 

 Nhỏ đọc Giòng sông phẳng lặng của Nguyễn vỹ sau thấy ổng tả đúng thật, trong ngày nắng đẹp nó phẳng lặng không ngờ. Sông Hương thì quá nổi tiếng rồi.

Khi có người hỏi Bùi giáng về Huế thì ông trả lời: 

Dạ thưa, phố Huế bây giờ 

 Vẫn là núi Ngự bên bờ sông Hương. 

 Sông đẹp và chất Chăm của vùng đất này hiện rõ trên sông với du lịch, nghe ca Huế bình dân thì lên thuyền rồng chỗ bến tòa khâm, muốn thấy tập quán sống cả nhà trên thuyền thì tới xóm vạn chài...và có con thuyền nữa mà nhà thơ CM Tố hữu xa Huế từ thanh niên vẫn nhớ là cô gái sông Hương. Truyền thống mạnh quá và khung cảnh thi vị rứa thì ước mơ của ông không thành hiện thực nổi là điều người bình thường nào cũng hiểu. 

 Sông Hàn ở Đà nẵng so với bãi biển thì không thể ấn tượng bằng nhưng đây là con sông mà người 2 bờ nói tiếng khác hẳn nhau do người Việt dừng chân ở bờ bắc tới mấy trăm năm mới qua được bờ nam. 

Hôm tôi qua hàng quán bờ sông sát chân cầu đông nghẹt người chờ coi rồng khạc lửa. Hóa ra với người LĐ tầm như Nguyễn bá thanh có thể biến 1 bờ sông bình thường trở thành khác biệt.

ĐÔI BỜ TƯƠNG PHẢN

 Sông SG là 1 giòng sông đẹp, dù khi bạn ngắm giề lục bình trôi, tàu thuyền sà lan chạy trên sông hay ở trên cao ngắm nhìn dòng sông ráng đỏ uốn lượn giữa vùng đất mênh mông. 

Dù vào lúc sáng trưa hay hoàng hôn, ngày nắng hay sa mù đều có vẻ đẹp riêng của nó. Năm 85 đi tàu Thống nhất từ Vũng tàu vào, sau một hồi quanh co với 2 bờ cây mắm lúp xúp là tới tàu bè náo nhiệt và quận 1 hiện đại nhô lên thật ấn tượng vì ngày đó HN còn ảm đạm lắm. 

 2 bờ sông là sự tương phản rõ rệt, bên này phố xá, đô thị, cầu cảng, thuyền bè trải dài thì bờ bên Thủ thiêm làng quê thứ thiệt với dãy pa nô quảng cáo sừng sững. Khi qui hoạch khu đô thị Thủ thiêm, có dạo ý tưởng chuyển khu hành chính, ubnd sang đó nhưng sau bị gác lại. 

Một quyết định quá khôn dẫn đến hiện trạng Thủ thiêm ngổn ngang như bây giờ. Và mé bên cảng SG, khu cao ốc sẽ mọc lên thay vì khu chợ đêm dọc cảng. Cũng như thế, cột cầu Thủ thiêm 2 ưỡn mình không ngó nhà máy đóng tàu Ba son nữa, vì ở đó khu đô thị trải dài tới cầu SG đã mọc lên.

CHỢ NỔI 

Tứ kỳ là nơi có 4 con sông giao nhau thì Phụng hiệp có 7 . Anh bán chiếu cà mau đi lang thang ngã 5 ngã 7 lâu quá nên khi tới thì người em mua chiếu đã đi lấy chồng. 

Có lần tôi đi chợ nổi Cái răng Cần thơ từ tờ mờ sáng cùng với mấy chị em cơ quan, xuồng lịch xịch chạy ra tới giữa sông mới phát hiện ra không có áo phao mà xung quanh là sóng vỗ, bờ xa lắc nên mọi người nghiêm trang hẳn, không dám giỡn hớt nữa. 

 Sông rộng vậy và giao nhau chằng chịt nên chợ mới họp trên sông cho tiện lối bán buôn mua sỉ. Ngày nay chợ nổi trình diễn cho khách du lịch là chính nên hàng hóa không còn nhiều như xưa nhưng lại thêm màu xanh xanh đỏ đỏ. 

 Nhìn chiếc ghe chở lu be lút hẳn ngang mặt nước lại nhớ dạo mới đi làm giao nhận hàng trên sông. Trưa nắng xuống xuồng 3 lá mua trà đá uống, em chẻ cục đá cho vô ly rồi múc nước sông thành ly trà đá, ở dưới xuồng mới thấy sóng là to và sông thật rộng. 

Bây giờ bờ sông nhà xây nhiều khang trang hơn trước nhưng cửa hậu vẫn ra tới mép nước và có cầu xây hoặc cầu gỗ để xuồng ghe cặp, cả một quãng sông dài hầu như nhà nào cũng vậy. 

Dạo đi tới sông Tiền đường lòng khấp khởi vì sắp được ngắm nơi Kiều trẫm mình và hy vọng rửa tay rửa chân ở đó nhưng rồi thất vọng vì đường xe chạy sát bờ có lan can sắt và kè bê tông phẳng lỳ không có bậc lên xuống. Vậy là chỉ còn đứng ngắm từ xa. 

Ngược với bờ sông Hàn ở Seoul, cả bờ sông rộng rãi làm công viên, bến du thuyền, nơi đậu xe hay bờ sông Tokyo, NewYork du thuyền to nhỏ đậu san sát, xem ra nhìn bờ sông có thể thấy được dân ở đó giàu có tới mức nào. 

Bờ sông miền Nam cũng giống như bờ sông bên Cam pu chia hay Thái lan, các quán nổi ven sông ngồi nhậu thật đẹp, gió sông mát rượi, xa xa thuyền ghe chạy thật yên bình. 

Nói tới bờ sông lớn thì cũng không thể quên được đôi bờ rạch nhỏ, nước lên 2 bên rừng tràm rừng đước, xuồng chạy tới đâu cây như rẽ ra tới đó, có lúc tưởng đâm vô bộ rễ cây đước-móng chim đại bàng thì chàng lái xuồng điệu nghệ bẻ cua hoặc chui qua đám rễ cao nhòng, ấn tượng thật khó phai.

VÌ SAO CHÍ PHÈO GIẾT BÁ KIẾN 

Chí phèo là tay sai của Bá kiến, cả làng ai cũng sợ vì hắn liều lĩnh, khỏe và rạch mặt ăn vạ. Làm nghề ấy phải có sức khỏe và liều lĩnh vì dân quê cũng rất khỏe, thấy yếu yếu là họ bẻ cổ. Vậy bí quyết giữ sức khỏe của Chí phèo là gì trong khi hắn uống rượu tối ngày? 

Tuệ tĩnh nói: bế tinh dưỡng khí tồn thần...và Chí phèo xưa không chịu bóp đùi cho bà ba đến nỗi đi khỏi làng đến mấy năm thì ta thấy bí mật giữ sức khỏe của Chí phèo co lẽ ở chỗ bế tinh này đây. 

Tới khi cậu Chí say vật thị Nở có 1 đêm là hôm sau ốm bệnh liền, hôm sau nữa tới thì Nở ẩy cái té ngã chổng cẳng vì Chí phèo đã mất gin nên giờ yếu nhớt. Tương lai thế là tuyệt vọng vì yếu vậy đằng nào cũng chết, thế là Chí phèo vác dao lụi Bá kiến.

CHUYỂN ĐỔI SỐ 

Trong đợt Covid vừa qua, 1 trong những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất là Thị trường chứng khoán. Có nhiều lý do nhưng cốt lõi là các CTCK đã chuyển đổi số tương đối sớm. 

Năm 2000, khi TTCK đi vào hoạt động thì các CTCK có đại diện giao dịch tại sàn. Từ đây lệnh được nhập từ bàn phím vô hệ thống giao dịch của Trung tâm giao dịch chứng khoán. Tất nhiên làm như vậy thì bị nghẽn lệnh nên nhanh chóng sau đó HOSE nâng cấp cho phép giao dịch từ xa. 

Các CTCK được cởi trói nhanh chóng mua core giao dịch từ nước ngoài và 1 làn sóng nước ngoài mua, góp vốn vào CTCK đã diễn ra và 1 trong những công cụ chính để cạnh tranh chính là việc số hóa từ mở tài khoản, giao dịch, margin, thanh toán sau giao dịch...và việc áp dụng giao dịch theo thuật toán AT, xài robot AI diễn ra trong lúc HOSE chậm trễ đổi mới hệ thống giao dịch đã làm lệnh bị nghẽn một thời gian không ngắn. 

Kể từ khi HOSE xài phần mềm FPT HNX V.2 thì tắc nghẽn được giải tỏa. Có thể nói đây là biện pháp có sức mạnh giống như việc triển khai giao dịch từ xa ngày trước. Giá trị giao dịch nhanh chóng tăng gấp rưỡi, gấp đôi và sẽ nhanh chóng gấp ba. 

 Đó là minh chứng cho hiệu quả của việc chuyển đổi số trên TTCK và chúng ta có quyền hi vọng khi hệ thống KRX đi vào vận hành, hệ thống lưu ký thanh toán bù trừ cho phép giao dịch trong ngày, thanh toán ngay thì thanh khoản còn tăng cao hơn nữa. 

Vậy bài học rút ra là chuyển đổi số sớm và theo chuẩn mực quốc tế sẽ giảm thiểu được rủi ro do dịch bệnh và những sự cố nghẽn lệnh, hành xử thiếu chuyên nghiệp gây ra.

ĐỌC SÁCH ĐÔI KHI GIẬT MÌNH 

 Câu Phật tại tâm nghe quen tới mức thành mặc định. Vậy mà có người mới hỏi vậy tâm đó là tâm của mình, tâm của người khác hay tâm của Phật hay tâm là 1 vô hình vô ảnh hiện hữu bên ngoài con người?

BA TRỤ CỘT TRU CỘT BA 

Bên TQ có 3 trụ cột của quyền lực là: 

Băng nhóm các bà vợ, cái này rõ rồi, nữ là nội tướng, lệnh ông không bằng cồng bà. 

 Băng nhóm trợ lý. Cận thần thái giám tham mưu thì quyền luôn lớn, mọi người phải cầu cạnh, cáo mượn oai hùm, gần chùa ăn oản. 

Băng nhóm trưởng phòng, chức không lớn nhưng có thực quyền, thủ kho to hơn thủ trưởng, lại nhũng nhờ quy trình thủ tục là đây. 

Thế nên mới có mấy loại thị trường đen, thị trường xám và thị trường đỏ chính là thị trường quyền lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét