Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Công nghiệp hóa là gì?

2. Đường đi của Vin
Vin bắt đầu được biết tới bằng Vinpearl Nha trang. Sau đó trên các tỉnh thành, chỗ nào đắc địa là khu đô thị Vin mọc lên. Rất nhanh chóng trở thành DN hàng đầu VN. Giống như mọi công ty gia tộc hàng đầu thì Vin cũng bắt đầu kinh doanh đa ngành. Ngành nào cũng có mặt, từ bán lẻ, trường học bệnh viện đến rắp ranh hàng không, tài chính...
Có người ví với hệ sinh thái nhưng thực chất đó là lối dò đá qua sông, giữ chỗ mà thôi. Cái nào làm tốt, cơ hội mở ra thì phát triển còn cái nào không được thì dẹp, bán lại cho người khác.
Đất nước không thể không CNH vì không CNH giống như cơ thể không có xương sống. Nhiều người nói giờ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhưng nếu không có luyện kim, chế tạo cơ khí chính xác thì làm sao có công nghiệp quốc phòng và đây là điều mà Vin phải làm đầu cầu chiến lược để thực hiện.
Điện thoại và xe hơi là 2 ngành nếu chỉ dân dụng thuần túy thì chỉ có từ lỗ tới lã nhưng rất quan trọng trong chuyển giao công nghệ lưỡng dụng. Với vị trí địa chính trị của mình thì Mỹ, Nhật luôn muốn VN mạnh mẽ hơn. Điều này trước Vinashin đã thử gánh 1 lần mà sụm vai vì không có vai quốc phòng nên cạn dòng tiền.
Tiền nhiều để làm gì là câu nói ngây ngô. Với những đại công ty thì phải tính dòng tiền cho 5-10 năm lận. Thử tưởng tượng VN tự làm được phụ tùng cho xe máy quân sự, làm được động cơ cho tàu cỡ trung, làm được thiết bị điện tử lưỡng dụng, động cơ tên lửa...đó mới là đích đến của Vin sau khi đã quá sức được ưu ái và thành công về BĐS.    

1. Công nghiệp hóa là gì?
Cứ diễn giải công nghiệp hóa theo kiểu này trách chi chẳng rối
http://www.tailieuontap.com/2012/11/khai-niem-cong-nghiep-hoa-hien-ai-hoa.html

Khái niệm công nghiệp hoá trên đây được Đảng ta xác định rộng hơn những quan niệm trước đó, bao hàm cả về hoạt động sản xuất, kinh doanh, cả về dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội, được sử dụng bằng các phương tiện và các phương pháp tiên tiến, hiện đại cùng với kỹ thuật và công nghệ cao. Như vậy, công nghiệp hoá theo tư tưởng mới là không bó hẹp trong phạm vi trình độ các lực lượng sản xuất đơn thuần, kỹ thuật đơn thuần để chuyển lao động thủ công thành lao động cơ khí như quan niệm trước đây.

Do những biến đổi của nền kinh tế thế giới và điều kiện cụ thể của đất nước, công nghiệp hoá ở nước ta hiện nay có những đặc điểm chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, công nghiệp hoá phải gắn liền với hiện đại hoá. Sở dĩ như vậy là vì trên thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, một số nước phát triển đã bắt đầu chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, nên phải tranh thủ ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, tiếp cận kinh tế tri thức để hiện đại hoá những ngành, những khâu, những lĩnh vực có điều kiện nhảy vọt.

Thứ hai, công nghiệp hoá nhằm mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Công nghiệp hoá là tất yếu với tất cả các nước chậm phát triển nhưng với mỗi nước, mục tiêu và tính chất của công nghiệp hoá có thể khác nhau. ở nước ta, công nghiệp hoá nhằm xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, tăng cường sức mạnh để bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Thứ ba, công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong điều kiện cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Điều này làm cho công nghiệp hoá trong giai đoạn hiện nay khác vớicông nghiệp hoá trong thời kỳ trước đổi mới. Trong cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hoá tập trung - hành chính, bao cấp, công nghiệp hoá được thực hiện theo kế hoạch, theo mệnh lệnh của Nhà nước. Trong cơ chế kinh tế hiện nay, Nhà nước vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá. Nhưng công nghiệp hoá không xuất phát từ chủ quan của Nhà nước, nó đòi hỏi phải vận dụng các quy luật khách quan mà trước hết là các quy luật thị trường.

Thứ tư, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế quốc dân trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế, vì thế mở cửa nền kinh tế, phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế là tất yếu đối với đất nước ta.

Hết trích


Thực ra CNH có 2 đặc tính chính là:

- Tập trung hóa, tăng quy mô lên mức tới hạn

- Tạo thành chuỗi/tham gia vào chuỗi trong phạm vi vùng, quốc gia hoặc toàn cầu


Ví dụ như nông nghiệp VN do quy định hạn điền dẫn đến năng suất thấp, các ngành phụ trợ manh mún, thương hiệu nông phẩm cũng khó thành hình.

Hay Vinashin thiếu cả 2 đặc tính trên nên sụp đổ.

Nhìn các nước như Trung Quốc gia công cho cả thế giới vì đẩy quy mô lên công xưởng của thế giới, vị trí rất rõ là gia công sản phẩm công nghiệp phổ thông trong chuỗi kinh doanh toàn cầu.

Ở những nước tỷ trọng dịch vụ cao như Mỹ thì sự tập trung thể hiện trong ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, công nghệ cao, thiết kế...nghĩa là cũng không ra khỏi 2 đặc điểm trên ngoại trừ nó không thể hiện ra thành nhà máy, cơ xưởng.

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Làm con phải biết

Cho Phúc Tâm Chí tỏa hương

(Chân thành cảm ơn Mr. Đỗ Ngọc Quang đã tặng cha tôi câu này.)
Làm con phải biết

Ba tôi có gương mặt khắc khổ. Những nếp nhăn quanh mắt, miệng và má ông sớm xuất hiện từ thời những năm 80, khi đó ông tầm 45 tuổi. Cùng với thời gian, những nếp nhăn ngày càng chằng chịt, xếp nếp nói rõ ông là một con người vất vả, lao lực trong mưu sinh, trong làm việc.

Năm 1954, khi 19 tuổi, ba tôi sang Trung Quốc học (1954-1961) tại Đại Liên trường giao thông học vận ngành sửa chữa chế tạo máy tàu thủy. Khi ba tôi lên đường, ông còn chưa học hết chương trình phổ thông.

Về Hà nội năm 1961, ba tôi được phân công nhiệm vụ làm giáo viên. Thoạt đầu ông trú đóng tại trường ĐH Kinh tế tài chính (nay là trường ĐH KTQD). Năm sau, khi cơ sở vật chất thiết lập xong mới chuyển về trường ĐH giao thông sắt bộ tại Cầu Giấy.

Bắt đầu từ đây nghiệp khai phá, trồng cây trồng người vận vào ông. Ngoại trừ 10 năm ở cục Đăng kiểm Việt Nam (Hải Phòng) và phân viện thiết kế tàu thủy (Tp.HCM) thì thời gian còn lại 26 năm ông làm giáo viên. Ở những trường tham gia giảng dạy ông đều là người khai sơn phá thạch tham gia lập nên ngành cơ khí tàu thủy. Có thể kể đến lần lượt sau ĐH Giao thông sắt bộ là ĐH Giao thông đường thủy Hải Phòng, ĐH Hàng hải Hải Phòng (khi trường chuyển từ trung cấp lên ĐH) hay ĐH Bách khoa Tp.HCM (lập tổ cơ khí tàu thủy thuộc khoa cơ khí).

Từ người khai phá đến khi trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành máy tàu thủy ở Việt Nam là một con đường dài dặc, khó nhọc và chông gai.

Tới bây giờ nhiều đứa bạn tôi còn nhớ cái giá sách đầy lặc lè ở nhà Cát bi cách đây hơn 30 năm. Sách tiếng trung, tiếng nga, tiếng anh, kỹ thuật và từ điển đa phần dày cộp, chỉ có mỗi cuốn Hồng lâu mộng đi kèm. Ngày đó làm gì có internet, sách báo mua còn khó nên nếu không có tài liệu khoa học kỹ thuật nước ngoài thì kể như bó tay. Mà đi dạy thì phải soạn giáo trình. Chắt lọc, biên dịch, can vẽ hình đều bằng tay, những quyển giáo trình nội bộ in roneo ra đời.

Không khí làm việc hồi đó hăng say lắm, mà dạy học thì đâu chỉ là chuyện soạn giáo trình, đủ thứ lích kích đi kèm. Ba tôi được danh hiệu chiến sỹ thi đua 5 năm liên tiếp. Để được bình chọn như thế thì công sức, trí lực phải bỏ ra thật kinh khủng, giờ khó có thể tưởng tượng. Có thể nói là làm việc miệt mài, gương mẫu, quên ăn quên ngủ, quá sức.

Lớp người như ba mẹ tôi hình như không có khái niệm chơi giải trí, lúc nào cũng thấy làm việc, nghiên cứu hoặc kiếm cái này cái kia nuôi sống gia đình. Chỉ biết làm việc nhưng lo cho con cái em út thì lại đặt lên đầu. Đi miền nam thì nhớ mua sườn xe đạp về cho em ở quê vì chú chưa có xe đi. Riêng mình thì chiếc xe đạp Liên xô theo ông từ Hà Nội xuống Hải Phòng, tới năm 1985 khi vào Tp.HCM nó cũng còn đi theo.

Quyết tâm vào Tp.HCM vì cuộc sống ở Hải Phòng hồi ấy thật vất vả và bế tắc. Ba tôi vẫn nói, quyết định di chuyển vào Tp.HCM năm 1985 thật là đúng. Khi đó, quyết định này là cả một sự liều lĩnh. Nhiều người can ngăn, ở ngoài này còn có anh có em, đi là chết.

Mẹ tôi, sau khi sinh đứa út (1977) thì bị hen, mỗi khi đông về, đi cấp cứu suốt. Mọi người nói, nếu vào nam sẽ đỡ. Ba tôi cũng bị lao lực, nám phổi vô bệnh viện Việt Tiệp mấy tuần.

Lạm phát thật kinh khủng, tích cóp, cả đời giờ tiền như giấy vụn, chẳng còn đáng giá gì. Qua mấy đợt đổi tiền, có khi tiền tiết kiệm chỉ còn mua được cái giường ba xà.

Tuổi thì cũng đã ngấp ngé 50, gần như tay trắng, ngỡ ngàng trước mở cửa, trước bỏ bao cấp, thật là mờ mịt khủng hoảng. Khó khăn chất chồng, trong tay chỉ có 6 chỉ vàng. Cũng may Tp.HCM dạo đó còn dễ sống hơn hẳn so với ngoài Bắc.

Khi vào ở nhờ nhà trong phường 18 quận Tân Bình (cũ), ăn thì gạo rẻ, bó rau muống chia làm 2 bữa, trứng mua trái dập, mua lòng gà vịt của cơ sở chế biến xuất khẩu loại ra. So với ở Hải Phòng thì không có gì phàn nàn, coi như ổn. Đất lành chim đậu, ba mẹ tôi mua được căn nhà đầu tiên ở Bà Quẹo năm 1987.

Rồi các con lớn lên, đi làm, ba mẹ bắt đầu nhẹ dần gánh lo. Cuộc sống dần trở nên êm ả, bớt nhọc nhằn. Nhưng những nếp nhăn cũng kịp ghi dấu ấn của mình lên khuôn mặt ba tôi.

Cả đời ba tôi đã cho đi sức lực, thời gian, tiền bạc, tình yêu cho gia đình, cho công việc và giờ đây 20 năm cuối đời ông an hưởng tuổi già với gia đình, cháu con.

Người có sức chịu đựng lớn thì trời sẽ thử thách càng nhiều. Khoảng năm nay, căn bệnh ung thư quái ác đã hành hạ ông.

Ba tôi nói, “tôi biết về mặt cơ thể tôi đã bị sụp đổ, bệnh cực kỳ nặng, nhưng tôi vẫn thấy lạc quan, ăn ngủ bình thường”. Mặc dù tôi nghe, khi ngồi không nén được, vẫn bật ra tiếng rên nhẹ. Ba tôi đã nhẫn nại vượt qua thử thách cuối cùng của cuộc đời trước khi người nhắm mắt xuôi tay.

Nhớ ông bàn về phúc tâm chí của ông nội, say sưa về ngành cơ khí đóng tàu, đau đáu về những chuyện đời, chuyện triết. Dấu hiệu của một trí thức đã thoát khỏi kiến thức chuyên môn hẹp của mình để đi vào vùng trời biển mênh mông của thực tế, của thân phận con người.


Thể xác nào rồi cũng về với cát bụi, còn linh hồn lại đầy đặn, nở hoa trước lúc chia lìa thân xác ba tôi – một con người công nghiệp đã sống ở xứ tiểu nông này.


Làm con phải biết (bản đầy đủ)

Ba tôi có gương mặt khắc khổ. Những nếp nhăn quanh mắt, miệng và má ông sớm xuất hiện từ thời những năm 80, khi đó ông tầm 45 tuổi. Cùng với thời gian, những nếp nhăn ngày càng chằng chịt, xếp nếp nói rõ ông là một con người vất vả, lao lực trong mưu sinh, trong làm việc.

Ba tôi là trưởng nam của ông bà Trần Văn Quỳ - Nguyễn Sỹ Thị Dung.

Thời kháng Pháp, cuộc sống cực kỳ gian nan, khổ cực. Ngày ấy đi học cấp 2 là đã phải trọ học do trường xa nhà. Nhà nghèo nên ba tôi theo bài cũ của các học trò thời trước là ở trọ, dạy kèm con nhà chủ nhà, đổi lại sẽ được nuôi cơm.

Sau khi Nguyệt Bổng bị bom năm 1951 thì sơ tán vào vùng núi Võ Liệt. Từ đó thức ăn hàng ngày là măng nứa và bù rợ (bí đỏ), củi đun tự đốn ở rừng. Nhiều năm học cấp 2, cấp 3 trong ánh đèn dầu lạc (đậu phộng), bàn ghế thì được vác trên vai, giấy cũ tẩy bằng vôi, mực viết tự chế, cuốc bộ chân đất đến trường xa hàng chục km.

Vậy mà thi vào cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng ông thi hỏng vì ngủ quên, năm sau 1952 ông đậu thủ khoa và giữ ngôi đầu trường suốt thời gian học. Chính vì kết quả học tập ấn tượng như vậy mà ông được tuyển chọn đi học tại Trung Quốc.

Pháp trên đường thua trận, chính quyền Việt Nam DCCH cần có những con người để vận hành bộ máy mới. Khi ba tôi lên đường, ông còn chưa học hết chương trình phổ thông.

1954 đi bộ rời quê ra Chiêm Hóa, Tuyên Quang học lớp chỉnh huấn. Kết thúc khóa học lại đi bộ đến Mục Nam Quan. Từ đây mới được đi ô tô tới Bằng Tường, ngồi tàu hỏa đến Nam Ninh, Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh.

Qua Trung Quốc, học tiếng và bổ sung kiến thức. Tuyển chọn người đi học các ngành. Ai học giỏi các môn tự nhiên thì học chương trình đại học, ngành kỹ thuật, còn lại học chương trình cao đẳng, ngành kinh tế, tài chính.

Sự tuyển chọn học môn gì, ngành nào, đại học hay cao đẳng của TQ thời đấy cũng vòng vèo như món võ tàu trứ danh. Sau gần năm học tiếng, thì từ 9-1955 đến 11-1956 ông học ngành lái tàu sông trường Vũ Hán hà vận học hiệu. Từ 11-1956 đến 8-1961 chuyển đến Đại Liên hải vận học viện học chương trình đại học ngành lái tàu biển, sau một thời gian lại chuyển qua học ngành sửa chữa và thiết kế động lực tàu thủy.

Điều trớ trêu là những người được tuyển chọn theo học chương trình nặng hơn sau này lại kém thế hẳn so với những người kia, đa số làng nhàng, trong khi dân kinh tế tài chính hầu hết vị trí cao hơn, kinh tế khá hơn hẳn.

Điều bất hợp lý trong đào tạo và sử dụng người như vậy đã có từ thời đó. Nó báo hiệu một nền KHKT thấp kém của Việt Nam sau này và hệ quả là người Việt chỉ thích chỉ tay năm ngón, lý thuyết suông, trọng ăn xổi, xa rời lao động chăm chỉ, cật lực, coi thường KHKT…nhưng đó là chuyện về sau.

Ba tôi đi hồi đó là may mắn, vì 1956 thì cải cách ruộng đất xảy ra, một sai lầm kinh khủng nhưng tất yếu. Ông không ngờ lần đó là lần cuối ông được nói chuyện với mẹ. Sau này, ông vẫn nhớ mãi lần chia tay lời mẹ dặn: con đi học nước ngoài sung sướng, thầy mẹ và các em ở nhà khổ, ráng lên con.

Sai lầm kinh khủng vì theo tinh thần đấu tố, trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ.

Tại sao trí thức lại đầu bảng. Theo tôi vì thời Pháp, trong con mắt mọi người đây là tầng lớp được biệt đãi. Người ta quên rằng những người này phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt như thế nào mới đỗ đạt, đi dạy, đi làm được. Hình ảnh tương phản hoàn toàn với nông dân tay lấm chân bùn. Ngoài chuyện sướng khổ, thì những người này còn có uy tín trong cộng đồng, mà khi người ta có ý kiến thì sẽ phức tạp. Những người cộng sản lại luôn muốn thép đã tôi thế đấy, nam châm thì chỉ có một cực.

Ảnh hưởng của tinh thần đố kỵ giỏi, ghét giàu, coi khinh quản trị tốt khi ít khi nhiều vẫn theo suốt chúng ta từ 1954 cho tới nay. Nó là một phần quan trọng trong sự tụt hậu, chậm tiến của Việt nam so với các nước. Và câu chuyện không chỉ liên quan tới GDP, nó còn liên quan đến cả văn hóa, đạo đức xã hội. Việc đơn giản hóa cuộc đấu tranh rất phù hợp với lối tư duy trực quan, hình thức của phương Đông, nơi dân trí vẫn còn ở dưới tầng trệt, chưa leo lên được tầng trên khai sang như dân phương Tây.

Vì có nhà có ruộng tự cày cấy nên nhà ông bà tôi bị quy địa chủ theo thành phần 5%(tức là một làng thì thấp nhất 5% là địa chủ, bất kể làng giàu làng nghèo). Sau sửa sai thì trở lại thành phần trung nông. Nhưng điều quan trọng nhất thì bà tôi không chịu được nhục trong đấu tố đã tự vẫn chết rồi, các cô chú tôi thì sự học vẫn bị ngăn trở như thường.

Trung Quốc hồi đó nghèo, du học sinh (Việt Nam, Triều Tiên) được ăn ở phòng riêng, theo chế độ riêng. Khi đi thực tế ba tôi mới biết dân rất khổ, ở nhà đất, nằm giường đất (dưới có sưởi bằng củi hoặc than vì trời rất lạnh), ăn hạt bắp (ngô) xay, hàng hóa cũng ít. Muốn mua phải đi tìm và xếp hàng.

Ông có đem về album ảnh kỷ niệm thời sinh viên. Khung cảnh, sinh hoạt, chơi thể thao, học tập…trông cũng phơi phới, văn minh, hồn nhiên, tiếc rằng những tấm ảnh đó bị xé đôi. Lý do xé bởi tôi, năm 1979 khi đó 13 tuổi, cứ thấy hình TQ thì ghét. Vậy mới hiểu sao Mao phát động tiểu tướng hồng vệ binh. Sau nghĩ lại thấy bậy thì cũng xong rồi.

Về Hà nội năm 1961, ba tôi được phân công nhiệm vụ làm giáo viên. Thoạt đầu ông trú đóng tại trường ĐH Kinh tế tài chính (nay là trường ĐH KTQD). Năm sau, khi cơ sở vật chất thiết lập xong mới chuyển về trường ĐH giao thông sắt bộ tại Cầu Giấy.

Bắt đầu từ đây nghiệp khai phá, trồng cây trồng người vận vào ông. Ngoại trừ 10 năm ở cục Đăng kiểm Việt Nam (Hải Phòng) và phân viện thiết kế tàu thủy (Tp.HCM) thì thời gian còn lại 26 năm ông làm giáo viên. Ở những trường tham gia giảng dạy ông đều là người khai sơn phá thạch tham gia lập nên ngành cơ khí tàu thủy. Có thể kể đến lần lượt sau ĐH Giao thông sắt bộ là ĐH Giao thông đường thủy Hải Phòng, ĐH Hàng hải Hải Phòng (khi trường chuyển từ trung cấp lên ĐH) hay ĐH Bách khoa Tp.HCM (lập tổ cơ khí tàu thủy thuộc khoa cơ khí).

Kể thêm một chuyện có liên quan đến cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Số là ba tôi có làm một bản đề án đào tạo nhân lực ngành tàu thủy gửi cho thủ tướng. Ba tôi nhờ ông Lê Văn Châu – phó thống đốc NHNN hồi đó chuyển giúp. Vậy mà ông 6D có bút phê đồng ý trên bản đề án và thư trả lời ba tôi đàng hoàng. Cũng nhờ vậy mà ông Trương Minh Vệ, hiệu trưởng ĐH Bách khoa lúc đó mời ba tôi về đây làm việc từ năm 1990 cho tới khi nghỉ hưu 1997.

Từ người khai phá đến khi trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành máy tàu thủy ở Việt Nam là một con đường dài dặc, khó nhọc và chông gai.

Khi từ TQ về ông chỉ đem về sách vở tài liệu. Hỏi ông sao không mua xe đạp phượng hoàng, chăn con công ông thật thà kể nghe cán bộ Việt Nam qua nói chuyện, Việt Nam bây giờ hàng hóa ê hề, xe đạp thống nhất để quên ở Bờ Hồ không ai lấy nên mua chi mang vác cho cồng kềnh, để về nhà mua.

Thật thà, cả tin cũng là một đức tính trong con người ông. Kết quả là về Việt Nam chờ mãi không được tiêu chuẩn mua xe phân phối đành phải mua ngoài. Mà hồi đó, được mua xe phân phối thì sẽ được mua phân phối săm lốp, phụ tùng thay thế. Còn ai mua ngoài thì cái gì cũng phải mua ngoài. Chiếc xe đạp Liên xô cà khổ đó theo ông từ Hà Nội xuống Hải Phòng, tới năm 1985 khi vào Tp.HCM nó cũng còn đi theo.

Sau này, khi có phong trào đi tàu viễn dương để xóa đói giảm nghèo, lựa chọn giữa 2 chuyến đi Nhật và Singapore thì ông nghe đồng nghiệp của ông rù rì thế nào mà ông chọn đi Sing vì đi theo tàu 20 tháng 7 là tàu hơi nước, đúng chuyên ngành của ông. Nhưng Nhật hay Sing thì cũng vậy thôi vì ông không biết/không dám mang tiền đi mua hàng. Nên cơ hội cũng bị bỏ lỡ.

Kể thêm về những chuyến đi bằng làm việc cả đời này. Sau khi thủy thủ viễn dương ngon lành rồi thì các cơ quan liên quan như trường học, đăng kiểm có chính sách cho cán bộ công nhân viên đi để xóa đói giảm nghèo. Người có chuyên môn thì dễ rồi, những người không có nghề dù có là tiến sỹ, phó tiến sỹ thì xuống tàu cũng chỉ được làm phụ bếp. Có ông tiến sỹ xuống bị mọi người đùa bắt đeo tạp dề đứng phục vụ bữa ăn cho thuyền trưởng, mãi sau mới biết, thù mãi. Không chỉ đi tàu, đi các nước Đông Âu cũ cũng ngon, có thầy ra sân bay mặc một lúc 2 quần jean, bị hải quan bắt lột ra để lại.

Tới bây giờ nhiều đứa bạn tôi còn nhớ cái giá sách đầy lặc lè ở nhà Cát bi cách đây hơn 30 năm. Sách tiếng trung, tiếng nga, tiếng anh về kỹ thuật và từ điển đa phần dày cộp, chỉ có mỗi cuốn Hồng lâu mộng đi kèm. Ngày đó làm gì có internet, sách báo mua còn khó nên nếu không có tài liệu khoa học kỹ thuật nước ngoài thì kể như bó tay. Mà đi dạy thì phải soạn giáo trình.

Ngày đêm cặm cụi chắt lọc, biên dịch, can vẽ hình đều bằng tay, những quyển giáo trình nội bộ in roneo ra đời. Giá của những tài liệu này là những đêm thức trắng, sức lực bị vắt kiệt. Nghe nói sau này nhiều người lớp sau lấy giáo trình đó, chỉ điền tên mình vào, đàng hoàng đem in, nghiễm nhiên làm tác giả mà chẳng nói một lời tới chính chủ.

Không khí làm việc hồi đó hăng say lắm, mà dạy học thì đâu chỉ là chuyện soạn giáo trình, đủ thứ lích kích đi kèm. Ba tôi được danh hiệu chiến sỹ thi đua 5 năm liên tiếp tại trường ĐH giao thông, đến năm thứ 6 thì không được. Lý do vì nếu được 6 năm thì phải xét phong danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc, mà cái này đương nhiên không có tiêu chuẩn. Để được bình chọn như thế thì công sức, trí lực phải bỏ ra thật kinh khủng, giờ khó có thể tưởng tượng. Có thể nói là làm việc miệt mài, gương mẫu, quên ăn quên ngủ, quá sức.

Có lần ba tôi tâm sự, dạy học là điều đáng ngán vì hết năm này qua năm khác cũng những kiến thức đó, câu hỏi đó, chấm bài đó, lặp đi lặp đi lặp lại nhàm chán. Nhà tôi là một gia đình có truyền thống làm nhà giáo, từ cụ cố tôi, ông tôi tới ba tôi. Tới đời chúng tôi không đứa nào theo nghề vì sợ đói khổ nghèo của nghề này.

Miền Bắc những năm chiến tranh thật khổ cực. Cũng như mọi người ba tôi lấy vợ, sinh con. Sinh hoạt thiếu thốn, làm việc thì quần quật, gánh nặng nuôi nấng dạy dỗ đè nặng lên vai ba mẹ tôi. Đi công tác miền nam, nghe nói mua mùng tuyn có lời, ra chợ Bến Thành mua về kiếm ăn, nào ngờ mua phải mùng dỏm bán mãi không được, lỗ vốn. Sau chỉ dám mua trứng về bán vì trứng thì ông rành.

Lớp người như ba mẹ tôi hình như không có khái niệm chơi giải trí, lúc nào cũng thấy làm việc, nghiên cứu hoặc kiếm cái này cái kia nuôi sống gia đình. Chỉ biết làm việc nhưng lo cho con cái em út thì lại đặt lên đầu. Đi miền nam thì nhớ mua sườn xe đạp về cho em ở quê vì chú chưa có xe đi.

Ba tôi vẫn nói, quyết định di chuyển vào Tp.HCM năm 1985 thật là đúng. Khi đó, quyết định này là cả một sự liều lĩnh. Nhiều người can ngăn, ở ngoài này còn có anh có em, đi là chết. Khó khăn chất chồng, trong tay chỉ có 6 chỉ vàng, mẹ tôi thì vô làm giáo viên tại trung tâm đào tạo phía nam của trường ĐH Hàng hải. Ba tôi thì xin mấy nơi nhưng chỉ có phân viện thiết kế tàu thủy chịu nhận. Mấy nơi kia học trò cũ làm sếp nhưng họ cũng câu giờ để chối.

Khi vào ở nhờ nhà trong phường 18 quận Tân Bình (cũ), ăn thì gạo rẻ, bó rau muống chia làm 2 bữa, trứng mua trái dập, mua lòng gà vịt của cơ sở chế biến xuất khẩu loại ra. So với ở Hải Phòng thì không có gì phàn nàn, coi như ổn.

Quyết tâm vào Tp.HCM vì cuộc sống ở Hải Phòng hồi ấy thật vất vả và bế tắc.

Mẹ tôi, sau khi sinh đứa út (1977) thì bị hen, mỗi khi đông về, đi cấp cứu suốt. Mọi người nói, nếu vào nam sẽ đỡ.

Ba tôi cũng bị lao lực, nám phổi vô bệnh viện Việt Tiệp mấy tuần.

Chuyện nhà cửa thì bị lừa. Ba mẹ tôi muốn sang lại căn hộ ở khu 2 tầng Đổng Quốc Bình, giao 1 chỉ vàng (khoảng 500đ bằng 6 tháng lương hồi đó) cho chủ nhà. Ông đi, nhưng giao tiền mà lại chẳng có hợp đồng, không có giấy tờ ký cọt gì cả, vì tin người quen và vì cũng thật lơ ngơ trước tiền bạc. Hầu hết mọi người ngoài Bắc những năm đó thì ai cũng thế thôi, hồi đó những khái niệm kinh tế thị trường chưa được biết đến ở xứ bao cấp gần 30 năm. Sáng hôm sau giao nhà, họ trở mặt, còn đòi ba mẹ tôi trưng ra bằng chứng, hàng xóm đế vô lừa đảo. Tất nhiên mình thua trắng.

Lạm phát thật kinh khủng, tích cóp, cả đời giờ tiền như giấy vụn, chẳng còn đáng giá gì. Qua mấy đợt đổi tiền, có khi tiền tiết kiệm chỉ còn mua được cái giường ba xà.

Tuổi thì cũng đã ngấp ngé 50, gần như tay trắng, ngỡ ngàng trước mở cửa, trước bỏ bao cấp, thật là mờ mịt khủng hoảng. Cũng may Tp.HCM dạo đó còn dễ sống hơn hẳn so với ngoài Bắc.

Đất lành chim đậu, ba mẹ tôi mua được căn nhà đầu tiên ở Bà Quẹo năm 1987. Vào đây, ba mẹ tôi may mắn quen được hàng xóm tốt bụng là ông bà Chới. Căn nhà được mua nhờ sự giúp đỡ vô tư của ông bà Chới, đến nay hai gia đình vẫn thân thiết với nhau.

Khi bắt đầu đổi mới, các doanh nghiệp VN, kể cả doanh nghiệp nhà nước đều nghèo, trang thiết bị lạc hậu nên để cải tiến trang thiết bị họ thường tìm đến các trung tâm nghiên cứu, trường đại học. Khi Vitaco vận chuyển dầu nặng thì khó khăn phát sinh do nhiệt độ thấp nên dầu bị đông đặc làm quá trình bơm trả hàng khó khăn, ngoài ra còn lo bị thiếu hụt hàng do lượng hàng tính theo thể tích. Ba tôi đưa ra giải pháp làm hệ thống hâm dầu bằng cách đặt catot điện trong khoang chứa hàng nhằm duy trì nhiệt độ theo yêu cầu cho khoang hàng khi trả hàng (khi nhận hàng thì bên Singapore họ đã có thiết bị xử lý). Rồi công ty của ông Hải Robe nhận sơn sửa bể chứa dầu, giàn khoan, ba tôi thiết kế thiết bị cho công nhân và trang thiết bị tác nghiệp bằng cách di chuyển thông qua hệ thống tời, ròng rọc,…nhận được những đồng tiền từ công sức mình bỏ ra ba mẹ tôi vui lắm.

Nhưng rồi những việc như vậy cũng ít dần vì các công ty xoay sang nhập trang thiết bị, công nghệ của nước ngoài, đặc biệt Trung Quốc, rẻ và ổn định hơn. Nhờ đó tôi cũng mới giải đáp được thắc mắc về kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Đó là khi bắt đầu kháng chiến chống Pháp thì vũ khí của ông Nghĩa như sung không giật SKZ bắn đạn lõm diệt được cả xe tăng nổi danh như cồn mà sau không thấy nhắc gì tới vũ khí do Việt Nam chế tạo nữa, dòng vũ khí từ Trung Quốc, Liên xô đã tràn ngập, thay thế hoàn toàn.

Rồi các con lớn lên, đi làm, ba mẹ bắt đầu nhẹ dần gánh lo. Cuộc sống dần trở nên êm ả, bớt nhọc nhằn. Nhưng những nếp nhăn cũng kịp ghi dấu ấn của mình lên khuôn mặt ba tôi.

Sau khi nghỉ hưu ông vẫn còn biên soạn sách Thiết kế hệ thống động lực tàu thuyền (NXB ĐH Quốc gia Tp.HCM, 2003), cẩm nang giám định viên VFC, Trần tộc phả ký và chủ trì biên soạn Biên niên sử gia đình nhà giáo Trần Văn Quỳ…

Cả đời ba tôi đã cho đi sức lực, thời gian, tiền bạc, tình yêu cho gia đình, cho công việc và giờ đây 20 năm cuối đời ông an hưởng tuổi già với gia đình, cháu con.

Người có sức chịu đựng lớn thì trời sẽ thử thách càng nhiều. Khoảng năm nay, căn bệnh ung thư quái ác đã hành hạ ông.

Ba tôi nói, “tôi biết về mặt cơ thể tôi đã bị sụp đổ, bệnh cực kỳ nặng, nhưng tôi vẫn thấy lạc quan, ăn ngủ bình thường”. Mặc dù tôi nghe, khi ngồi không nén được, vẫn bật ra tiếng rên. Cầu chúc cho ba vượt qua thử thách cuối cùng của cuộc đời trước khi người nhắm mắt xuôi tay.

Tôi vẫn nhớ ngày xưa, ở nơi sơ tán Quý Cao, Hải Hưng ông cho tôi bắn viên đạn lửa lên trời. Hay ở Phương Lưu Hải Phòng, ba ba con trong nửa gian nhà tre vách đất, giường thì phải lắp thêm miếng gỗ tối đưa ra, ngày hạ xuống, ăn thì 3 người một trái trứng chiên. Ăn xong chảo nhẵn như chùi vì được trộn 2,3 lần.

Nhớ ông bàn về phúc tâm chí của ông nội, về ý nghĩa của cuộc đời, khối tứ diện trong chất lượng giáo dục…say sưa về ngành cơ khí đóng tàu, đau đáu về những chuyện đời, chuyện triết. Dấu hiệu của một trí thức đã thoát khỏi kiến thức chuyên môn hẹp của mình để đi vào vùng trời biển mênh mông của thực tế, của thân phận con người.



Thể xác nào rồi cũng về với cát bụi, còn linh hồn lại đầy đặn, nở hoa trước lúc chia lìa thân xác ba tôi – một con người công nghiệp đã sống ở xứ tiểu nông này.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Nghệ thuật câu giờ


Thông thường muốn tăng hiệu quả, năng suất thì giảm thời gian làm việc xuống. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều món lại tăng/kéo dài thời gian càng lâu càng tốt. Dục tốc bất đạt là phương châm của nhóm này.

Câu giờ trong bóng đá là rõ nhất. Khi dẫn bàn là đội thắng chuyền qua chuyền lại, giả vờ chấn thương, đá ra biên…đủ trò khi thời gian thi đấu sắp cạn mà ta lại đang thắng. Bảo toàn chiến thắng tính bằng phút bằng giây đó quý hơn vàng nếu đó là những trận quyết định.

Các môn khác hiếm hơn nhưng như nhảy cao, nhảy xa, nhảy sào cũng vẫn xảy ra. Như S. Bubka vô địch nhảy sào thế giới vài chục lần nhưng thi Olimpic thì thành tích kém hẳn do không được đối xử như siêu sao mà phải tuần tự, đến lượt là nhảy, không thể chủ động được điểm rơi tốt nhất về tâm lý và có thời gian hồi phục.

Sang đến đàm phán làm ăn, thỏa thuận hợp tác. Cái này thì người Tàu vô địch trong môn câu giờ. Thời giờ co giãn giây thun, thoải mái. Trong khi đối thủ tiết kiệm thời gian, thời giờ là vàng bạc sẽ sốt ruột. Cuối cùng phần lợi thuộc về người biết nhẫn nại.

Trong vay nợ thì con nợ tìm mọi cách hoãn nợ. Lần khân quá khiến ngân hàng gặp khó, đâm lao phải theo lao chấp nhận cho con nợ hoãn nợ, đảo nợ, chuyển số nợ thành cổ phiếu, trái phiếu…diễn ra nhan nhản. Lúc thái bình thì khó thi triển chứ đến khi lụt cả làng thì tháo khoán.

Với những người phạm luật bị sờ gáy thì tìm mọi cách kéo dài thời gian, để lâu cứt trâu hóa bùn. Hay dân khoái chấm mút thì phải bẻ hành bẻ tỏi, thủ tục nhiêu khê…cốt để người cần qua cửa rối, nản, bí.

Khi câu chuyện khó khăn to lớn quá như kinh tế suy trầm, khủng hoảng, nợ xấu. hết cách cứu vãn thì chỉ còn một cách là chờ, kéo dài thời gian, hi vọng tự nhiên một hôm đẹp trời nào đó thời thế thay đổi, lại trở lại hùng dũng khỏe mạnh.

Trong chính trị hiện đại có ông Mugabe xứ Zimbabwe (http://vi.wikipedia.org/wiki/Robert_Mugabe)

giữ chức thủ tướng từ 1980 đến nay với thành tích biến nước này từ giỏ bánh mỳ của châu Phi thành nơi nghèo đói, lạm phát vô đối.

Vậy Mugabe đã làm gì? Rất đơn giản, ông cho đám quan chức dưới quyền tha hồ tham nhũng – coi đó là những củ cà rốt ban thưởng cho họ, khiến họ tận tâm với mình.

Đám thuộc hạ không ngờ (và cũng bắt buộc phải theo vì lợi ích) rằng cà rốt cũng chính là cây gậy cột chặt họ với Mugabe. Cho tới nay món võ đó vẫn còn linh.

Trở lại với câu giờ có thể đạt được gì bằng một ví dụ kinh tế.

Có hai khu đất lớn một hiện hữu, một hoang hóa cách nhau bởi con sông lớn. Ai cũng muốn có cây cầu để khai hóa khu đất hoang bên kia sông. Vậy làm sao đạt được lợi nhất?

Câu trả lời thật bất ngờ là thời gian xây cầu phải đủ lâu để làm nguội những cái đầu nóng muốn qua ngay bờ bên kia.

Khu đất bên kia nguội dần thì khu đất bên này thành đất vàng, đất kim cương. Thu lợi nhuận tối đa bên hiện hữu trước. Lấy lợi nhuận âm thầm thu gom đất rẻ khu kia. 
Khoảng mươi mười lăm năm sau thì cầu mới xong và mọi chuyện cứ thế theo kế hoạch. Chiêu này còn được gọi kiểu nôm na là nhổ bọt vào chiếc bánh kia trong khi đang ăn chiếc bánh này để cuối cùng được ăn cả hai cái bánh.


Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Sinh lão bệnh tử

Sinh lão bệnh tử nằm trong bát khổ (sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn xí thạnh khổ.) của Phật giáo.

http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%95_(Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o)

Theo quan niệm thông thường về chu kỳ mà tây học diễn giải giống như parabon lồi gồm có điểm xuất phát (sinh), phát triển, đỉnh, thoái trào (lão, bệnh) và kết thúc (tử).

Vậy tại sao nhà Phật lại chỉ quan tâm đến sinh lão bệnh tử mà không quan tâm đến giai đoạn trưởng thành, phát triển. Vì đang nói về khổ nên mặc định những giai đoạn khỏe mạnh, tung hoành phỉ chí bình sinh là không thuộc về khổ?

Nếu để ý ta sẽ thấy sinh, tử mang tính thời điểm, nặng về thời điểm hơn là lão, bệnh. Sinh tử mang tính thời điểm nhưng quan trọng vì ai, cái gì cũng một lần sinh, một lần chết còn lão, tử là cả một quá trình.

Thực ra nếu hiểu theo đời là bể khổ thì sinh này như vòng tràng sinh, bệnh lão tử như những hạt ngọc, điểm nhấn trên vòng. Nhưng vậy thì kiếp sinh nghe nặng nề quá nên tôi chọn sinh theo cách hiểu thứ nhất.

Như vậy, sinh lão bệnh tử là một chu trình áp dụng không chỉ với con người mà cả thiên nhiên, vạn vật.

Khoa học ngày nay đã chứng minh các tế bào đều có diệt có sinh, từ da lông tóc máu…nên trong bản thân cơ thể người sự sinh tử cũng diễn ra thường xuyên, đều đặn.

Với vật chất thay đổi như thế thì tư duy, tinh thần, tình cảm cũng đổi theo.

Ví dụ người ta nói, quân tử một hôm không gặp là khác là nói về trình của người đó. Ví dụ như đêm hôm trước mới đọc được ý nào hay ho kiểu luận cương chẳng hạn. Nên mới có chu kỳ 10 năm nổi tiếng. Người ta tính ra rằng, bạn làm một công việc 10 năm, nếu không thành công thì coi như việc đó chẳng công thành danh trạng được.

Người bạn gặp trước đây 10 năm thấy thường thôi. Nay giàu có, quan to là chỉ một chu kỳ thành công. Cũng như thế, giàu đổi bạn, sang đổi vợ. Cứ khoảng 10 năm thì số bạn cũ rơi rụng hơn nửa. 
Có phải vì không tốt với nhau cũng chẳng phải. Số đối xử không tốt với nhau thực ra cũng ít thôi mà phần nhiều bởi vì trong 10 năm đó công việc thay đổi, trình độ thay đổi, sở thích thay đổi nên bạn cũng đổi theo vì bạn phần đông do quan hệ làm ăn, sở thích mà ra.

Nay miếng pho mai thay đổi thì bạn cũng đổi theo là lẽ thường vì thế gian này tình bạn dựa trên lợi ích là chính. Cũng chính vì vậy mà người ta quý/giữ được tình bạn từ thời con nít.

Sinh là thời khắc quan trọng và đầy hiểm nguy.

Đàn ông vượt bể, có chúng có bạn

Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình.

Một đứa bé sinh ra sau khi hoài thai 9 tháng 10 ngày.

Còn tử thì bất kỳ, không nói trước được. Chết là hết nên nghĩa tử nghĩa tận để nói về sự tận cùng mà con người trải qua trong cuộc đời của mình.

Sinh ra, lớn lên rồi già đi, bệnh tật yếu đuối chẳng ai tránh khỏi và là nỗi đau đớn, phiền não nhất của con người vì nó diễn ra ngày này qua tháng khác, bám chằng chằng vô cuộc sống, không cách nào giãy ra được. Khôn không đến trẻ, khỏe chẳng đến già.

Cứ nghe người ta lo ngay ngáy:

49 chưa qua, 53 đã tới

61 đi xa, 63 đi suốt

70 tính tháng, 80 tính ngày

Là đủ biết gánh nặng thế nào.

Thể xác đã vậy. Trí nhớ, trí tuệ cũng lão theo, bệnh theo, nhớ nhớ quên quên đi kèm với mắt mờ chân chậm. Thật là cám cảnh như bài thơ lão bệnh dưới đây:

Bạn bè dăm đứa khi xưa

Bây giờ thăm viếng cũng thưa thớt dần

Ðứa thì gối mỏi, đau chân

Ðứa thì đãng trí, tần ngần hay quên

Ðứa thì ngồi xuống đứng lên

Ðau lưng, nhức khớp kêu rên luôn mồm

Ðứa thì lười biếng nhai cơm

Miếng ngon, miếng lạ chẳng thơm tho gì

Ðứa thì ba chân tập đi

Bước cao, bước thấp, bước thì nghiêng xiêu

Chập chờn giấc ngủ thiu thiu

Nhiều đêm thức trắng buồn hiu riêng mình

Ðứa ngồi một xó làm thinh

Mênh mang nghĩ chuyện nhục, vinh cuộc đời

Răng long tóc bạc trắng phơi

Mắt mờ, tai chẳng nghe lời nói…to…

Ðứa thì gầy guộc co ro

Miếng ăn, cái mặc chẳng lo được gì

Da nhăn, mặt xám... ù...lì…

Ðứa còn trần thế, đứa thì ra đi

Ðứa nay mồ cỏ xanh rì

Ðứa vào bệnh viện… đi đi… về về…

Tay run, đầu nhức, mình tê…

Sinh, lão, bệnh, tử chẳng hề từ ai!

Bạn tôi kể hềt cũng dài

Thôi thỉ tôi phải nói ngay về mình

Soi gương một phút lặng thinh!

Ồ! Tôi giống lão già nhìn…dễ thương… (khó thương)

Nguyệt Vân http://vietlifestyles.com/?p=2488

(Atlanta- Ngày 7/3/2013)




Tình bạn, tình yêu khi lão khi bệnh cũng chọn cho nó chỗ mồ yên mả đẹp sau khi đã đèn khuya leo lét.

Thật vui khi một ý tưởng, dự định, tình bạn được sinh ra. Một ngày nào đó ý tưởng/dự định/tình bạn này ốm yếu, ủ rũ rồi lụi tàn dù có cố chăm cố bẵm. Như Trịnh Công Sơn viết: rồi từng người tình, bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Quy luật là vậy thôi, nhớ chăng sông này đã từng tải phù sa, cung cấp nước, cá tôm cho cái người tham lam là ta.

Chắc các bạn đều biết hiện tượng có cái ta học mãi không vô trong khi người khác thấy dễ, có cái ta nhận ra/hiểu ngay trong khi người khác còn chưa tỏ. Tôi gọi hiện tượng này là sự nghẽn, ngộ của mỗi người. Khi gặp nghẽn, tức là bị bí, bất tri trong nhận thức, tư duy…chúng ta phải vất vả lắm mới lĩnh hội được điểm nghẽn này, đôi khi là không thể. 
Những đứa trẻ gặp điểm nghẽn càng nhiều, càng sớm thì nguy cơ trẻ chán học, bỏ học càng cao mặc dù hiện tượng này ngày càng rõ khi ta học lên cao. Học càng nhiều càng dốt là câu nói diễn tả sự nghẽn này.

Còn ngộ, nói theo kiểu Phật giáo hay nói cách khác là sự nhận biết theo bản năng. Những cái mà người khác học mãi không vô mà ta mới liếc qua tự nhiên biết liền, hiểu liền, giải quyết được ngay dựa vào trực giác, linh tính mách bảo và ngược lại.

Còn loại ngộ thứ hai là sau khi nghiền ngẫm điểm nghẽn và trở nên thông tỏ. Điều này lí giải con người thoạt trông như nhau mà có người thành công vượt bậc, có người đụng đâu hư đó. Vậy, lựa chọn cho mình con đường ít điểm nghẽn bằng cách tha thứ, buông bỏ cũng là một cách để qua đó ngộ thêm mặt tốt của con người.

Nhìn ra vạn vật cũng vậy. Con vật già chết, con non sinh sôi; cây khô trút lá, chồi non nảy lộc. Từ tấm áo manh quần, xe cộ, con đường, thiết bị nhà cửa đều nhất nhất qua chu trình đó cũng như phong kiến qua đi, tư bản lại tới đều nằm trong sinh sinh diệt diệt. 
Có tử rồi mới có sinh, những ai không chuẩn bị kịp khi đồ vật, tư duy cũ đi, tâm lý có cái mới thay thế thích ứng sẽ bị nghẽn trong chu kỳ chuyển hóa này.

Sự khổ khổ vậy nên Phật giáo đề ra Bát chánh đạo để thoát khổ, diệt khổ.

(http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1t_ch%C3%ADnh_%C4%91%E1%BA%A1o)

Còn đạo Thiên chúa lại nhìn sinh lão bệnh tử như một sự tội lỗi mà con người phải gánh. Do đó khi sinh thì rửa tội, khi có tội thì rửa tội để tái sinh thành con người mới.

Ta thấy 2 đạo gặp nhau ở điểm luân hồi, tái sinh. Phật giáo thì luân hồi khi hết kiếp. Thiên chúa thì tái sinh ngay và luôn, giống như Phật giáo hay nói là buông dao thành Phật.

Nên Phật dạy buông bỏ, cho cuộc sống ngay chính mà một số người đơn giản hóa thành đời là cõi tạm. Tôi không thích lối ví von này, nó có vẻ tạm bợ. Mà đã tạm bợ thì con người cũng được chăng hay chớ, không có mục tiêu lâu dài nữa. Hãy nhớ 70, 80 năm là quãng đời cũng đủ dài để làm cho nó quy củ chớ.

Còn đạo Chúa thì chia nhỏ đường đời ra, sai khúc nào, coi như bỏ khúc đó. Nhận ra, làm mới chính mình kể từ giây phút Chúa tha tội. Nên đạo Phật thì mênh mông, tự xử là chính còn đạo Chúa tính ứng dụng lại thiết thực, có sự trợ giúp của người ngoài.


Vậy chung quy con đường sinh lão bệnh tử là quy luật không cách tránh. Chỉ còn dựa vào tinh thần, trí óc để tái sinh liên tục con người mình hầu hướng thiện, tránh ác, giữ mình khỏe mạnh và cuối cùng cuộc sống là để lại cho đời điều gì đó.