Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Sinh lão bệnh tử

Sinh lão bệnh tử nằm trong bát khổ (sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn xí thạnh khổ.) của Phật giáo.

http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%95_(Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o)

Theo quan niệm thông thường về chu kỳ mà tây học diễn giải giống như parabon lồi gồm có điểm xuất phát (sinh), phát triển, đỉnh, thoái trào (lão, bệnh) và kết thúc (tử).

Vậy tại sao nhà Phật lại chỉ quan tâm đến sinh lão bệnh tử mà không quan tâm đến giai đoạn trưởng thành, phát triển. Vì đang nói về khổ nên mặc định những giai đoạn khỏe mạnh, tung hoành phỉ chí bình sinh là không thuộc về khổ?

Nếu để ý ta sẽ thấy sinh, tử mang tính thời điểm, nặng về thời điểm hơn là lão, bệnh. Sinh tử mang tính thời điểm nhưng quan trọng vì ai, cái gì cũng một lần sinh, một lần chết còn lão, tử là cả một quá trình.

Thực ra nếu hiểu theo đời là bể khổ thì sinh này như vòng tràng sinh, bệnh lão tử như những hạt ngọc, điểm nhấn trên vòng. Nhưng vậy thì kiếp sinh nghe nặng nề quá nên tôi chọn sinh theo cách hiểu thứ nhất.

Như vậy, sinh lão bệnh tử là một chu trình áp dụng không chỉ với con người mà cả thiên nhiên, vạn vật.

Khoa học ngày nay đã chứng minh các tế bào đều có diệt có sinh, từ da lông tóc máu…nên trong bản thân cơ thể người sự sinh tử cũng diễn ra thường xuyên, đều đặn.

Với vật chất thay đổi như thế thì tư duy, tinh thần, tình cảm cũng đổi theo.

Ví dụ người ta nói, quân tử một hôm không gặp là khác là nói về trình của người đó. Ví dụ như đêm hôm trước mới đọc được ý nào hay ho kiểu luận cương chẳng hạn. Nên mới có chu kỳ 10 năm nổi tiếng. Người ta tính ra rằng, bạn làm một công việc 10 năm, nếu không thành công thì coi như việc đó chẳng công thành danh trạng được.

Người bạn gặp trước đây 10 năm thấy thường thôi. Nay giàu có, quan to là chỉ một chu kỳ thành công. Cũng như thế, giàu đổi bạn, sang đổi vợ. Cứ khoảng 10 năm thì số bạn cũ rơi rụng hơn nửa. 
Có phải vì không tốt với nhau cũng chẳng phải. Số đối xử không tốt với nhau thực ra cũng ít thôi mà phần nhiều bởi vì trong 10 năm đó công việc thay đổi, trình độ thay đổi, sở thích thay đổi nên bạn cũng đổi theo vì bạn phần đông do quan hệ làm ăn, sở thích mà ra.

Nay miếng pho mai thay đổi thì bạn cũng đổi theo là lẽ thường vì thế gian này tình bạn dựa trên lợi ích là chính. Cũng chính vì vậy mà người ta quý/giữ được tình bạn từ thời con nít.

Sinh là thời khắc quan trọng và đầy hiểm nguy.

Đàn ông vượt bể, có chúng có bạn

Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình.

Một đứa bé sinh ra sau khi hoài thai 9 tháng 10 ngày.

Còn tử thì bất kỳ, không nói trước được. Chết là hết nên nghĩa tử nghĩa tận để nói về sự tận cùng mà con người trải qua trong cuộc đời của mình.

Sinh ra, lớn lên rồi già đi, bệnh tật yếu đuối chẳng ai tránh khỏi và là nỗi đau đớn, phiền não nhất của con người vì nó diễn ra ngày này qua tháng khác, bám chằng chằng vô cuộc sống, không cách nào giãy ra được. Khôn không đến trẻ, khỏe chẳng đến già.

Cứ nghe người ta lo ngay ngáy:

49 chưa qua, 53 đã tới

61 đi xa, 63 đi suốt

70 tính tháng, 80 tính ngày

Là đủ biết gánh nặng thế nào.

Thể xác đã vậy. Trí nhớ, trí tuệ cũng lão theo, bệnh theo, nhớ nhớ quên quên đi kèm với mắt mờ chân chậm. Thật là cám cảnh như bài thơ lão bệnh dưới đây:

Bạn bè dăm đứa khi xưa

Bây giờ thăm viếng cũng thưa thớt dần

Ðứa thì gối mỏi, đau chân

Ðứa thì đãng trí, tần ngần hay quên

Ðứa thì ngồi xuống đứng lên

Ðau lưng, nhức khớp kêu rên luôn mồm

Ðứa thì lười biếng nhai cơm

Miếng ngon, miếng lạ chẳng thơm tho gì

Ðứa thì ba chân tập đi

Bước cao, bước thấp, bước thì nghiêng xiêu

Chập chờn giấc ngủ thiu thiu

Nhiều đêm thức trắng buồn hiu riêng mình

Ðứa ngồi một xó làm thinh

Mênh mang nghĩ chuyện nhục, vinh cuộc đời

Răng long tóc bạc trắng phơi

Mắt mờ, tai chẳng nghe lời nói…to…

Ðứa thì gầy guộc co ro

Miếng ăn, cái mặc chẳng lo được gì

Da nhăn, mặt xám... ù...lì…

Ðứa còn trần thế, đứa thì ra đi

Ðứa nay mồ cỏ xanh rì

Ðứa vào bệnh viện… đi đi… về về…

Tay run, đầu nhức, mình tê…

Sinh, lão, bệnh, tử chẳng hề từ ai!

Bạn tôi kể hềt cũng dài

Thôi thỉ tôi phải nói ngay về mình

Soi gương một phút lặng thinh!

Ồ! Tôi giống lão già nhìn…dễ thương… (khó thương)

Nguyệt Vân http://vietlifestyles.com/?p=2488

(Atlanta- Ngày 7/3/2013)




Tình bạn, tình yêu khi lão khi bệnh cũng chọn cho nó chỗ mồ yên mả đẹp sau khi đã đèn khuya leo lét.

Thật vui khi một ý tưởng, dự định, tình bạn được sinh ra. Một ngày nào đó ý tưởng/dự định/tình bạn này ốm yếu, ủ rũ rồi lụi tàn dù có cố chăm cố bẵm. Như Trịnh Công Sơn viết: rồi từng người tình, bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Quy luật là vậy thôi, nhớ chăng sông này đã từng tải phù sa, cung cấp nước, cá tôm cho cái người tham lam là ta.

Chắc các bạn đều biết hiện tượng có cái ta học mãi không vô trong khi người khác thấy dễ, có cái ta nhận ra/hiểu ngay trong khi người khác còn chưa tỏ. Tôi gọi hiện tượng này là sự nghẽn, ngộ của mỗi người. Khi gặp nghẽn, tức là bị bí, bất tri trong nhận thức, tư duy…chúng ta phải vất vả lắm mới lĩnh hội được điểm nghẽn này, đôi khi là không thể. 
Những đứa trẻ gặp điểm nghẽn càng nhiều, càng sớm thì nguy cơ trẻ chán học, bỏ học càng cao mặc dù hiện tượng này ngày càng rõ khi ta học lên cao. Học càng nhiều càng dốt là câu nói diễn tả sự nghẽn này.

Còn ngộ, nói theo kiểu Phật giáo hay nói cách khác là sự nhận biết theo bản năng. Những cái mà người khác học mãi không vô mà ta mới liếc qua tự nhiên biết liền, hiểu liền, giải quyết được ngay dựa vào trực giác, linh tính mách bảo và ngược lại.

Còn loại ngộ thứ hai là sau khi nghiền ngẫm điểm nghẽn và trở nên thông tỏ. Điều này lí giải con người thoạt trông như nhau mà có người thành công vượt bậc, có người đụng đâu hư đó. Vậy, lựa chọn cho mình con đường ít điểm nghẽn bằng cách tha thứ, buông bỏ cũng là một cách để qua đó ngộ thêm mặt tốt của con người.

Nhìn ra vạn vật cũng vậy. Con vật già chết, con non sinh sôi; cây khô trút lá, chồi non nảy lộc. Từ tấm áo manh quần, xe cộ, con đường, thiết bị nhà cửa đều nhất nhất qua chu trình đó cũng như phong kiến qua đi, tư bản lại tới đều nằm trong sinh sinh diệt diệt. 
Có tử rồi mới có sinh, những ai không chuẩn bị kịp khi đồ vật, tư duy cũ đi, tâm lý có cái mới thay thế thích ứng sẽ bị nghẽn trong chu kỳ chuyển hóa này.

Sự khổ khổ vậy nên Phật giáo đề ra Bát chánh đạo để thoát khổ, diệt khổ.

(http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1t_ch%C3%ADnh_%C4%91%E1%BA%A1o)

Còn đạo Thiên chúa lại nhìn sinh lão bệnh tử như một sự tội lỗi mà con người phải gánh. Do đó khi sinh thì rửa tội, khi có tội thì rửa tội để tái sinh thành con người mới.

Ta thấy 2 đạo gặp nhau ở điểm luân hồi, tái sinh. Phật giáo thì luân hồi khi hết kiếp. Thiên chúa thì tái sinh ngay và luôn, giống như Phật giáo hay nói là buông dao thành Phật.

Nên Phật dạy buông bỏ, cho cuộc sống ngay chính mà một số người đơn giản hóa thành đời là cõi tạm. Tôi không thích lối ví von này, nó có vẻ tạm bợ. Mà đã tạm bợ thì con người cũng được chăng hay chớ, không có mục tiêu lâu dài nữa. Hãy nhớ 70, 80 năm là quãng đời cũng đủ dài để làm cho nó quy củ chớ.

Còn đạo Chúa thì chia nhỏ đường đời ra, sai khúc nào, coi như bỏ khúc đó. Nhận ra, làm mới chính mình kể từ giây phút Chúa tha tội. Nên đạo Phật thì mênh mông, tự xử là chính còn đạo Chúa tính ứng dụng lại thiết thực, có sự trợ giúp của người ngoài.


Vậy chung quy con đường sinh lão bệnh tử là quy luật không cách tránh. Chỉ còn dựa vào tinh thần, trí óc để tái sinh liên tục con người mình hầu hướng thiện, tránh ác, giữ mình khỏe mạnh và cuối cùng cuộc sống là để lại cho đời điều gì đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét