Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Được ăn cả, ngã về không


Tôi quen một ông anh xã hội. Thời những năm 80 ai ai cũng mơ ước được đi tàu viễn dương. Nhà nào có con đi là giàu lên thấy rõ, có của ăn của để, là niềm tự hào của nhà, thậm chí dòng tộc. 
Anh tôi đi pha sông biển, được 9 chuyến. Sau bẵng đi không gặp. Tưởng anh mua nhà to ở phố rồi. Hóa ra không phải, hôm gặp lại thấy mặt mũi thất thần, mắt trũng sâu. 
Anh kể, tính chuyến cuối xong lên bờ. Bao nhiêu vốn liếng, lời lãi, đi vay dồn vào đánh quả cuối. Số xui, tàu bị khám, ném đồ phi tang, may mà thoát tù, giờ vẫn còn nợ, khổ lắm. Giấc mơ khá giả hơn người tan như bong bóng xà phòng.
Đó là chuyện buôn tàu. Sang chuyện buôn nhà đất, giá lên lời nhiều, vay ngân hàng, vay cả bên ngoài để làm giàu. Số đãi những người nhanh chân, ai đi sau, vay nhiều là khốn đốn.
Thế thì chuyện làm ăn, buôn bán có phải là chuyện được ăn cả, ngã về không hay không?
Nhìn ra xung quanh, từ chứng khoán, cafe, bđs, ...hầu như thế cả. tại tâm tính, thói quen người Việt liều ăn nhiều chăng?
Cũng một phần nhưng cái chính là môi trường làm ăn ở VN.
Cơ hội làm ăn không nhiều, ai nhanh tay, quan hệ tốt thì giàu nhanh. Tóm lại là kinh doanh theo kiểu đặc quyền là ổn. Khi thiên hạ thấy ngon, tưởng bở rần rần chạy tới là số đông ôm đầu máu vì muốn làm ăn phải có tiền, một đống tiền lớn mà mình không có thì lại phải đi vay. Đi vay thì khả năng tất tay là nhiều.
Như vậy vấn đề là phải chia nhỏ cơ hội ra cho nhiều người, cho mọi người có cơ hội kinh doanh kiếm chút mà không phải cố quá vì cố quá dễ thành quá cố.
Thị trường chứng khoán ra đời để đáp ứng câu chuyện này, ví dụ như đầu tư bất động sản chẳng hạn.
Bất động sản đòi hỏi tiền nhiều, quá sức đa số người nhưng lại lãi lớn, đặc biệt với dân VN coi nhà đất là một cái gì đó thiêng liêng, ma mị lắm.
Bong bóng bể BĐS đã khiến rất nhiều người nếm trái đắng vì đầu tư nhiều, rất nhiều vô nhà đất. Để tránh tình trạng này quỹ đầu tư BĐS ra đời, chứng khoán hóa BĐS, chia nhỏ cục tiền to thành các cổ phần để các nhà đầu tư nhỏ lẻ có cơ hội tham gia phân khúc đầu tư này.
Nhà đầu tư vừa không phải cố, cơ hội được san sẻ và nhiều người góp đầu tư thì nguồn vốn xã hội được tăng lên. Có như vậy mới tránh được chuyện được ăn cả ngã về không, tiếc thay mô hình đó ở ta vẫn còn đang trên giấy.
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét