Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Cái thửa ban đầu chứng khoán ấy



1. Bao anh hào chứng khoán kiếm bộn từ đây
Thời kỳ cuối 2006 tới 2008 là hoàng kim của chương trình bán đấu giá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa (CPH).
Đấu giá, nôm na giống như thi đại học, có nghĩa lấy từ giá cao xuống cho tới khi hết khối lượng đặt bán thì thôi.
Vì sự đắt hàng như tôm tươi, hễ ai trúng đấu giá (chỉ cần bỏ ra chút tiền cọc) là có thể sang tay ngay lập tức. Được mức chênh lệch siêu lợi nhuận (gấp vài lần vốn bỏ ra trong thời gian ngắn).

Việc tranh mua đã đem lại nhiều tình huống lạ như case sau:
Doanh nghiệp V đấu giá theo nguyên tắc:
- Lấy từ cao xuống thấp
- Do gạo châu củi quế, mỗi người chỉ được mua tối đa 10.000 cổ

Cuộc đấu thành công tốt đẹp, trừ:
Có hai anh bỏ giá quá cao 600.000đ/cổ, bỏ cuộc. Hai anh vị chi là 20.000 cổ
Các nhân vật trúng giá gần nhất bắt đầu từ 250.000đ/cổ, những người này đều mua.
Những người bỏ giá từ 50.000đ/cổ trở xuống bị rớt, hỏng được mua.
Sau khi hai anh chót vót bỏ cuộc, có 20.000 cổ dư ra.
Hỏi rằng: ai sẽ được mua phần dư 20.000 cổ đó và mua với giá nào? Biết rằng những người trúng giá từ 250.000đ đến hơn 50.000đ đã hết quyền mua (do đã mua hết khối lượng được mua theo quy định).

Nan đề:
- Nếu được mua theo giá đấu (dưới 50.000đ/cp), coi như người đấu giá trượt gặp may vì mua được giá rẻ. Những người trúng chính thức chỉ biết ôm cục tức, nhà nước thì bị thiệt tiền

- Nếu bắt mua theo giá trúng liền kề 250.000đ/cp thì hợp lý hơn nhưng lại vi phạm qui định đấu giá (đặt giá nào mua giá đó). Hóa ra ban soạn thảo quy chế đấu giá không lường được trường hợp này. Chuyện vẫn thường xảy ra.

2. Triết lý của lệnh hay là câu chuyện văn hóa ảnh hưởng thế nào tới 1 quyết định quan trọng.
Lệnh giao dịch chứng khoán được thiết kế để thỏa mãn nhu cầu giao dịch của các nhà đầu tư.
Món này đôi ba bên cùng có lợi vì làm tăng thanh khoản, giảm chi phí. Sở, công ty chứng khoán thu thêm được phí. Nhà đầu tư đặt lệnh hiệu quả hơn, chính xác với ý định hơn.
Ngó sang thị trường các nước, ta thấy hàng chục loại lệnh. Cái đó kêu bằng quần áo có nhiều số phục vụ cho người cao thấp ốm mập… hay nói cách khác là khách hàng hóa, tránh việc người cao mặc thì cộc, người thấp lại quá dài…
Sàn Hose có lệnh ATO, ATC
ATO (At the opening): tương tự lệnh thị trường dành cho phiên mở của
ATC (At the close): tương tự lệnh thị trường dành cho phiên đóng cửa
02 lệnh này là đặc sản của người Thái. Họ dẫn giải vầy:
Ở phiên mở cửa, đóng cửa. Sau khi lệnh giới hạn xác định được giá khớp thì các lệnh giới hạn được ưu tiên khớp trước vì có công hình thành nên giá khớp. Sauk hi lệnh giới hạn khớp hết thì mới tới lượt ATO, ATC. Nôm na là anh không có công, chỉ đứng chờ thì anh chỉ được ăn theo, khớp phần còn dư trên sổ lệnh mà thôi.
Vậy là lệnh của họ xây giống như đời, có làm có hưởng, làm nhiều hưởng nhiều, tạo nên thì hưởng trước.
Hose đầu tiên cũng áp dụng hệt Thái. Sau một thời gian thấy không hấp dẫn mới nhờ Thái cải tiến thành ATO, ATC được ưu tiên khớp trước, lệnh giới hạn đứng chờ. Cũng vẫn giống đời, hỉ?
Trích theo:http://www.hsx.vn/hsx/Uploaded/quy_dinh_file/5.Cac%20loai%20lenh..pdf
“ 5. Các loại lệnh
Hiện nay, nhà đầu tư được sử dụng các loại lệnh sau đây khi giao dịch tại SGDCK TP. HCM:
Lệnh giới hạn: Là lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại một mức giá xác định hoặc giá tốt hơn. Lệnh có hiệu lực kể từ khi được nhập vào hệ thống giao dịch cho đến hết ngày giao dịch hoặc cho đến khi lệnh bị hủy bỏ.
Lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh lúc mở cửa (lệnh ATO): Là lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá khớp lệnh trong đợt xác định giá mở cửa và chỉ có hiệu lực trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa.
Lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh lúc đóng cửa (lệnh ATC): Là lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá khớp lệnh trong đợt xác định giá mở đóng cửa và chỉ có hiệu lực trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa.
Lưu ý: Lệnh ATO/ATC được ưu tiên thực hiện trước lệnh giới hạn trong khi so khớp lệnh.”

3. Qui luật Pareto trong chứng khoán
Còn gọi là qui luật 80/20. Diễn nôm trong ngành chứng khoán thì là mà vầy:
- 20% số môi giới tạo ra 80% doanh thu môi giới cho công ty chứng khoán
- 20% cú tự doanh tạo ra 80% lợi nhuận
Nói ngược của 2 câu trên sẽ là:
- 80% số môi giới tạo ra 20% doanh thu môi giới cho công ty chứng khoán
- 80% cú tự doanh tạo ra 20% lợi nhuận

Hay tệ hơn
- 20% cú tự doanh tạo ra 80% khoản lỗ…
- 20% nhân lực cấp cao tạo ra 80% khủng hoảng

Có giải quyết được không, xem trường hợp sau (nguyên lý 80/20 nxb Trẻ, 2008, tác giả R.Koch):
Phát biểu của tướng Von Manstein bàn về lực lượng sĩ quan Đức.
Sĩ quan có 04 loại:
- Ngu ngốc, biếng nhác: vô hại, kệ họ
- Thông minh, cần mẫn: very good, làm tham mưu
- Ngu ngốc, cần mẫn: hiểm họa, sa thải ngay
- Lười nhác, thông minh: cho làm lãnh đạo

Vậy, đối với nhân lực thì đã rõ. Phần việc còn lại là đối xử với portfolio ra sao?
- Cổ phiếu xấu, ít biến động: chưa cần lo lắm
- Cp tốt, hay biến động: theo dõi để đầu tư lướt sóng
- Cp xấu, hay biến động: bán ngay
- Cp tốt, ít biến động: đầu tư dài hạn
Thế nào là tốt, tùy nhận định từng người nhưng tóm lại là có chỉ số tốt, tiềm năng phát triển, lãnh đạo tốt.
Làm biếng một chút mà hiệu quả ok, tránh giống như
Con kiến mà leo cành bear
Leo phải cành cụt, mua vào bán ra
Con kiến mà leo cành bò
Leo phải cành cụt, bán ra mua vào

4. Cơ hội của công ty chứng khoán
CTCK thoạt đầu vui vẻ đặt lệnh cho nhà đầu tư nào có đủ 100% tiền và chứng khoán (theo quy định về chứng khoán).
Nhưng nếu làm vậy thì công ty giống như con chim không bay được. Chỉ chạy trên đất giống con gà hoặc cố hết sức giống như con đà điểu.
Họ muốn bay lên như ngân hàng đầu tư. Mô hình ngân hàng đầu tư có nghĩa là CTCK phải được quyền cho vay tiền lẫn cho vay chứng khoán. Có được đôi cánh giao dịch bảo chứng và bán khống thì công ty mới tung cánh được, nhà đầu tư mới thành ngươi anh người em trong chuyện ăn khế trả vàng.
CTCK có cho vay tiền được không?
Thoạt đầu nhà đầu tư đến nộp tiền trực tiếp tại CTCK. Rất nhanh sau đó giới ngân hàng nhận ra CTCK không phải là đối tượng của luật tín dụng và tổ chức tín dụng.
Không những không cho vay được mà khách hàng còn phải mở tiền gửi tại ngân hàng.
Cái này dẫn đến hệ lụy CTCK quản tiền khó hơn và phải chia sẻ lợi ích tiền gửi cho ngân hàng chưa kể thời gian tác nghiệp lâu hơn. Trong các cơn đói thanh khoản như vài năm gần đây thì hẳn CTCK rất thấm thía.
Để giải quyết, CTCK lách bằng cách lập hợp đồng hợp tác kinh doanh với nhà đầu tư. Chỉ ngọt khi chứng lên, đầy rủi ro khi gấu tới. Thậm chí khi luật chứng khoán đưa khái niệm này vào luật thì con đường gian nan vẫn trải dài vì cón cần biết bao thông tư, văn bản kỹ thuật cho cỗ máy hợp tác kinh doanh chạy ổn.
Vất vả giống như phát minh lại chiếc xe đạp. Vất vả vì mấy món quy định về ký quỹ bao nhiêu, cho vay thế chấp thế nào thuộc quyền và là nghề của các bác bên ngân hàng từ bao năm rồi. Một lần nữa, tính lien thông kém giữa các luật lại lộ ra.
Vậy còn cho vay chứng khoán?
Chỉ làm lén thôi, luật chưa hướng dẫn bởi vì muốn hướng dẫn cũng không được vì phát hiện ra nếu cho phép CTCK cho vay chứng thì ai là người cho vay cuối cùng để đảm bảo vòng thanh toán tròn trịa, không bị đứt.
Chưa kể CTCK cho vay bằng chứng khoán của mình hay đi vay chứng khoán từ nhà đầu tư, CTCK khác, tổ chức khác để cho vay rồi cuối cùng cũng lại mang tới ngân hàng thế chấp.
Đường nào cũng về La mã nên FED mới đưa ra quy định về tỷ lệ thế chấp 50:50 và loại chứng khoán nào được thế chấp còn hiệp hội và Nyse quy định mức duy trì, thể hiện quy tắc rõ ràng sân ai người đó đá.
Trung tâm lưu ký chăng? Lật văn bản hóa ra chưa quy định nên giờ loay hoay tìm cách giải quyết. Hướng giống như quỹ hỗ trợ thanh toán tiền. Cũng có thể được, như ng quy mô bao nhiêu vì nếu lớn lại thiệt cho CTCK.
Vấn đề tiền đã đẻ ra tiền, chứng khoán lại chưa đẻ ra tiền được qua hoạt động cho vay của khách hàng. Hay nói cách khác luật hiện nay dựa trên nền DVP (delivery versus payment) thanh toán theo kiểu tiền tươi thóc thật chứ chưa có kinh doanh trên tài sản mình chưa sở hữu.
Chưa nói đến bán khống, chỉ T+2 thôi cũng đã vướng món này rồi.
Còn chuyện chót, thị trường nước ngoài có rất nhiều loại lệnh. Sao ta ít vậy, ít thì sản phẩm đầu tư giới thiệu tới khách cũng nghèo nàn, CTCK cũng kém cơ hôi kinh doanh.
Sao lại thế. Có phải CTCK chỉ là thành viên đóng phí của các SGDCK nên không có tiếng nói đủ mạnh với giới này. Cũng phải thôi vì anh có góp vốn vô đâu. Như vậy chuyện sở hữu tưởng xa mà lại gần xịt tới cơ hội kinh doanh chứng khoán.

5. HỆ THỐNG QUOTA CỦA NOMURA
Công ty chứng khoán (CTCK) Nomura là một trong những công ty có lịch sử lẫy lừng ở Nhật Bản. 

Được thành lập vào thế kỷ 19 tại Osaka thoạt tiên hoạt động trên thị trường mua bán gạo, công ty Nomura đã phát triển thành một CTCK có lợi nhuận cao hàng đầu thế giới vào những năm 80.
Một trong những yếu tố làm nên thành công này là hệ thống quota được áp dụng cho lực lượng kinh doanh của công ty. 
Mỗi buổi sáng các nhân viên môi giới lại có một cuộc họp với quản lý chi nhánh bàn bạc và đặt ra mức doanh số-hoa hồng cho ngày làm việc, cho tuần và tháng. 
Một nhân viên giỏi thường đạt được khoảng 80% quota từ việc bán các loại chứng khoán, điều này sẽ mang lại cho họ một mức hoa hồng hấp dẫn và thường xuyên.
Để đạt được thu nhập cao, nhân viên môi giới phải có sự chủ động trong công việc tìm kiếm khách hàng và họ luôn bận bịu với những cuộc gọi và thăm viếng khách hàng ruột cũng như khách hàng tiềm năng.
Đối với họ thì “không có điều gì là đáng kể trừ hoa hồng, hoa hồng và hoa hồng”. 
Lý do của việc này là vì các mức quota được phân bổ cho nhân viên xuất sắc, giỏi, khá và trung bình. Nếu sau một thời gian nhất định anh không đạt mức trung bình thì sẽ bị kỷ luật từ treo giò đến bị đánh giá là không phù hợp với công việc và sẽ “được” điều chuyển sang làm công việc khác.
Tuy nhiên, thời cực thịnh rồi cũng qua đi, công ty bước vào thập kỷ 90 với không ít rắc rối.
Scandal đầu xảy ra vào năm 1991 liên quan đến việc công ty bồi thường số thua lỗ cho các khách hàng ưu đãi.
Năm 1997 scandal thứ hai nổ ra liên quan đến việc các quan chức cao cấp của công ty dính líu tới nhóm xã hội đen chuyên tống tiền các công ty. Scandal này đã tạo ra sự phản ứng dữ dội của công chúng, khách hàng tẩy chay công ty, trước cửa công ty luôn túc trực hàng tá phóng viên; chính phủ tiến hành điều tra và đưa ra những mức phạt nặng nề.
Những scandal này cộng với việc phải đối phó với bigbang trong ngành tài chính Nhật cũng như cạnh tranh với hệ thống môi giới trên mạng Internet buộc Nomura phải tiến hành cải cách sâu rộng.
Cuộc cách mạng văn hóa công ty đòi hỏi phải có những sự thay đổi ở cấp cao nhất. 
Năm 1997, chủ tịch tạm thời Masashi Suzuki-được đưa lên nhằm tránh những phản ứng của công luận đã đề cử Ts. Ujiie, 51 tuổi làm chủ tịch Nomura.
Bản thân sự đề cử này đã là một cuộc cách mạng vì theo truyền thống thì Ujiie còn quá trẻ, có thời gian làm việc tại Nomura chưa lâu và chưa có kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh nội địa. 
Bù lại thì Ujiie là tiến sĩ từ University of Chicago và phụ trách quản lý rủi ro trong mảng kinh doanh quốc tế của Nomura. 
Mạnh tay hơn, các giám đốc của Nomura được yêu cầu, lần lượt từng người một, từ chức đề tạo ra cho Ujiie một điều kiện là ông ta có thể làm mọi thứ ông ta muốn mà không bị bất kỳ sự ảnh hưởng hoặc chi phối nào.
Ngay sau khi nhậm chức chủ tịch Ujiie đã tạo ra sự thay đổi. Ong ta muốn kết thúc hệ thống quota dựa trên từng loại chứng khoán và thay vào đó Nomura trở thành công ty quản lý quỹ và tư vấn đầu tư. 
Tức là chuyển từ hoạt động bán lẻ sang quản lý tài sản như Merrill Lynch&Co. hay Morgan Stanley Dean Witter&Co. đã làm.
Việc này giúp quyền lợi của Nomura cột chặt hơn với khách hàng, điều mà Nomura đã đánh mất từ khi Nomura làm khách hàng thua lỗ. 
Nó cũng giúp cho công ty bớt phụ thuộc vào hoa hồng phí bằng cách gia tăng phí tư vấn và dịch vụ quản lý tài sản.
Hệ thống mới đưa vào thoạt tiên làm lực lượng môi giới của công ty hụt hẫng và bối rối bởi việc bị mất các mục tiêu ngắn hạn của mình trên từng loại chứng khoán, “lơ lửng như trong tình trạng không chạm đất” và một số người còn phớt lờ hệ thống mới.
Tuy vậy hệ thống mới cũng có sự khởi đầu tốt đẹp. Sau sáu tháng tài sản khách hàng tại Nomura tăng 7% và vào tháng 2/98 giá cổ phiếu của công ty tăng 65% so với thời điểm scandal 1997. 
Sau 1 năm Ujiie làm chủ tịch thì công ty đã đạt được mức lợi nhuận 19 tỷ yên so với khoản lỗ 26 tỷ yên tại quý 4/97.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm Nomura chao đảo, chỉ riêng việc chính phủ Nga không trả được nợ đã làm Nomura mất 600 triệu đola. 
Diều này đã có tác động tâm lý xấu làm ngừng trệ giao dịch cả ở trong nước và nước ngoài, thậm chí Nomura còn thua trong bảo lãnh phát hành trong nước trước một công ty yếu hơn nhiều và cuối cùng thì công ty lỗ mất 1 tỷ đola.
Công ty lại cần phải cơ cấu lại, 2.000 nhân viên trong tổng số 13.000 nhân viên của công ty phải nghỉ việc; đóng cửa 13 trong số 134 chi nhánh trong nước của công ty và giảm hoạt động tại nước ngoài.
Chủ tịch Ujiie cũng chấp nhận việc đưa trở lại hoạt động của hệ thống quota song song với quản lý quĩ và tư vấn đầu tư. 
Gần 4.000 nhân viên môi giới của Nomura được huấn luyện về tư vấn tài chính và giá cổ phiếu của Nomura lại lên hơn gấp đôi so với mức giá thấp nhất 805 yên vào tháng 9/98.
Tuy vậy, các vấn đề của Nomura vẫn còn đó và việc thay đổi văn hóa công ty vẫn chưa thể đánh giá được, các buổi họp buổi sáng lại tiếp tục và chủ tịch Ujiie sau khi quay ngược công ty 180 độ lại quay ngược 180độ tiếp và chỉ có điều ông ta không giải thích lý do của sự thay đổi.
Tài liệu tham khảo: AWSJ 6/9/99 Tg: Bill Spindle

6. MỘT CÁI ĐẦU THÌ TỐT HƠN HAI
Trong thời buổi các vụ sát nhập công ty đang diễn ra như nấm gặp mưa rào thì việc “đồng quản lý (co-CEOs)” đang được nói đến rất nhiều. Điều này là cả một sự trái ngược so với những năm trước vì mãi cho đến cuối năm 1998 chỉ có 6 công ty trong Fortune 500 là có đồng quản lý.
Để tránh tình trạng xung đột giữa các nhà quản lý ngang bằng về quyền lực người ta đã tạo ra những thỏa thuận về chế độ đồng quản lý tuy nhiên kết quả đạt được vẫn là điều mơ hồ.
Ở Warner Bros. hai CEO đã có 5 năm đồng quản lý thành công và một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thành công là 2 người đã làm việc với nhau 15 năm.
Khi Citicorp và Travelers Insurance Group hợp nhất thành Citigroup thì 2 lãnh đạo của công ty đưa ra giải pháp tránh xung đột bằng cách cùng hợp tác để đưa ra tất cả các quyết định quan trọng. Nhưng một năm sau đó họ đã phải phân chia trách nhiệm với một người quản lý họat động kinh doanh và một người quản lý công nghệ.
Vấn đề công ty phải giải quyết sau sát nhập là đưa ra được đường hướng rõ ràng, có cơ chế lãnh đạo và ra quyết định nhanh chóng, thông suốt trong khi không chỉ gắn kết được hai tổ chức riêng biệt và bảo vệ được hoạt động kinh doanh hàng ngày mà còn phải đạt được lợi nhuận từ việc sát nhập để bù đắp chi phí sát nhập.
Như vậy việc đồng quản lý sẽ gặp phải 4 loại rủi ro chính sau:
- Chiến lược trọng tâm và đường hướng. Tất cả các cuộc sát nhập thành công đều bắt đầu với bản thỏa thuận về những ưu tiên chiến lược của tổ chức mới. Nếu các đồng quản lý tập trung vào tiến hành thương vụ, họ có thể đánh mất quyền kiểm soát. Một khi những ưu tiên của công ty trở nên không rõ ràng, việc quản lý sẽ bị chia cắt thành từng mảng, từng nhà quản lý sẽ lôi kéo công ty về hướng mà anh ta quan tâm. Các nhà quản lý thậm chí không nhận ra được rõ ràng công ty nào là đối thủ cạnh tranh của họ.
- Tốc độ và mức linh loạt. Một công ty sát nhập được xem là thành công phải đưa được hai tổ chức riêng rẽ thành một trong vòng 100 ngày. Nếu mỗi CEO có một lịch trình khác nhau – chú ý khác nhau đến thương hiệu cơ sở khách hàng, sản phẩm hoặc điều hành – những quyết định chính sẽ được đưa ra ngày càng khó khăn. Những công ty không thể đưa ra quyết định một cách nhanh chóng cũng sẽ yếu thế trong thay đổi khả năng cạnh tranh hoặc mức ưu tiên vào khách hàng. Như vậy, việc các CEO của Citigroup phân chia trách nhiệm như đã nói ở trên thì nguyên nhân chính là để đơn giản hóa tiến trình ra quyết định.
- Truyền thông. Rủi ro đưa ra các thông điệp lẫn lộn cả trong và ngoài công ty của các đồng quản lý. Thị trường và các nhà cạnh tranh theo dõi sát sao tất cả những gì mà CEO nói và các nhà quản lý trong công ty cũng hành động như vậy. Trong khi bản thỏa thuận đồng quản lý tránh tình trạng một bên bị coi là người thua cuộc thì trên thực tế câu hỏi ai là người có quyền vẫn luôn luôn được đặt ra.
- Văn hóa. Phần việc khó khăn nhất của công ty trong thời kỳ hậu sát nhập là dẫn đạo được công ty theo chiến lược mới. Điều này có thể đòi hỏi sự thay đổi phần quan trọng trong văn hóa công ty – mối quan hệ báo cáo, quyền ra quyết định, phương thức động viên, đánh giá nhân viên. Thậm chí khi cả 2 CEO đồng ý hoàn toàn về chiến lược thì vẫn có thể có cách tiến hành công việc khác nhau.
Như vậy tổ chức của công ty bị biến dạng do nguyên nhân đồng quản lý đã bị chỉ đích danh. Do đó phần lớn các công ty khi sát nhập đã đi theo mô hình “một thủ trưởng” nhằm tránh cho công ty những tổn hại không đáng có.
Tuesday, June 27, 2000
Lược dịch theo AWSJ 20/09/1999 (Mark L. Sirower)

7.Thơm như múi mít
Thời buổi khó khăn thì tiền mặt là vua. Câu cũ nhưng nếu hỏi kỹ thì là vua của ai.
Lãi suất tiết kiệm giới hạn 14% nhưng ngân hàng phải trả 18%. Khoản chênh lệch 4% nếu người gửi là chủ thì chẳng có gi để bàn.
Vậy nếu là công ty thì sao, 4% sẽ vô tay ổng tay ông, tay ải tay ai.
Cứ 100 tỷ là có khoảng 300 triệu đ/tháng
Có 500 tỷ là có khoảng 1,5 tỷ đ/tháng.
Thật thơm như múi mít.
Vậy mà giờ đã 20%, chênh lệch 6%, còn thơm hơn múi mít.
Vậy nên mới có chuyện lập dự án đề nghị vay ngân hàng thì có lợi hơn dùng tiền công ty đang có sẵn ở ngân hàng.
Cẩn thận có lúc thúi như trái sầu riêng

Tham khảo: (http://ebank.vnexpress.net/gl/ebank/thi-truong/2011/04/ngan-hang-van-di-dem-lai-suat-voi-khach-quen/)
Ngân hàng vẫn 'đi đêm' lãi suất với khách quen
Là khách quen hay "người nhà" của ngân hàng, người gửi tiết kiệm VND không khó để nhận lãi suất vượt mức trần 14%.
>Lãi tiết kiệm tiếp tục biến động, lên trên 17% một năm
>Lãi suất tiết kiệm về mốc 14%

Hơn 10h trưa 28/4, chị Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) gọi điện đến điểm giao dịch của một ngân hàng thương mại lớn tại phố Nguyễn Chí Thanh để gửi 300 triệu đồng tiết kiệm. Với kỳ hạn 2 tháng, nhân viên giao dịch cho hay, lãi suất cuối kỳ tối đa là 13,9% một năm.
Tuy nhiên, khi nhận là người nhà của phó tổng giám đốc ngân hàng này, chị được yêu cầu giữ máy. Ngay sau đó, cô nhân viên thông báo nâng lãi suất lên 15% một năm. Bạo dạn hỏi thêm, với số tiền nhiều hơn, khoảng 900 triệu đồng thì tính lãi như thế nào, chị được nhân viên nói có thể tăng lên 16% một năm. Với số tiền lớn hơn nữa, nhân viên này yêu cầu chị đến tận nơi mới thông báo cụ thể.
Cùng ngày, chị Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đến phòng giao dịch của một ngân hàng tại phố Huỳnh Thúc Kháng để gửi tiết kiệm. Gửi 600 triệu đồng trong 2 tháng, chị được nhân viên thông báo mức lãi suất tối đa chỉ là 14%. Tuy nhiên, khi nhận là người nhà của một thành viên hội đồng quản trị của nhà băng này, chị Hồng được báo lãi suất là 16% một năm.
Với kỳ hạn một tháng thì mức lãi có thể hưởng lên tới 17% một năm, nhân viên nói. Tuy nhiên, theo lời cô nhân viên này, việc nâng lãi suất cao hơn mức trần 14% hiện nay là vi phạm, nên được áp dụng tùy khách hàng, tùy hoàn cảnh và điều kiện. "Thường chúng em chỉ chấp nhận lãi suất cao với khách có quen biết", cô nói.
Điều kiện để được hưởng lãi suất "đi đêm", theo rỉ tai của một nhân viên, phải là khách thường xuyên gửi tiền hoặc người quen của các sếp. Chị Hồng (người gửi tiền nói trên) kể, trước khi mang tiền đi gửi, chị cũng gọi điện hỏi trước thì được giao dịch viên chi nhánh nhà băng hỏi có phải là khách quen không. Nếu không là khách quen và khách đặc biệt thì chỉ được hưởng 14%, nhưng khi nhận là "người nhà" thì con số này tăng thêm 2-3%.
Dù vậy, không phải phòng giao dịch nhà băng nào cũng sẵn sàng áp dụng lãi suất "đi đêm" vượt trần 14%. Trong trường hợp khách đòi hỏi lãi cao hơn quy định, phản ứng phổ biến của một số giao dịch viên này vẫn là sự dè dặt.
Sáng 28/4, giao dịch viên một nhà băng ở phố Liễu Giai tỏ ra thờ ơ khi có khách đến gửi tiết kiệm và nhận là người quen của chủ tịch hội đồng quản trị. Khăng khăng mức lãi suất được nhận chỉ là 14% một năm, chị này nói thẳng, người quen thì người quen, vẫn phải làm theo quy định. Tuy nhiên, khi vị khách tức giận chuẩn bị bỏ đi, thì chị này dịu giọng khuyên khách hàng này chờ, nếu có chỉ đạo từ trên xuống đúng là "người nhà" thì sẽ xem xét.
Ông Nguyễn Thanh Toại- Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu bày tỏ quan điểm, việc phòng giao dịch một số nhà băng tự động nâng lãi suất tiết kiệm là một kiểu thu hút vốn tiền gửi. Tuy nhiên, đây là hành vi đi trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Toại, tình trạng này nếu có, thường xảy ra tại các ngân hàng cỡ nhỏ. Nguyên nhân là những nhà băng nhỏ thường lấy ngắn hạn để cho vay dài hạn. Do đó bằng cách áp dụng lãi suất cao đối với khách hàng cá nhân, có thể thu hút tiền gửi nhiều hơn và giữ chân khách. Riêng chuyện lãi suất cao chỉ áp dụng với khách hàng quen hoặc nhận là người quen của nhà băng, ông Toại không bình luận.
Một đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết, việc xử lý những ngân hàng "lách luật" này không đơn giản. Nguyên nhân là không phải lúc nào cũng bắt được tận tay sự thỏa thuận lãi suất chui của ngân hàng với người gửi tiền. Mà những người có tiền gửi cũng chẳng có ai dại đến mức đi tố cáo nhà băng cho mình hưởng lãi suất cao, ông nói.
Quan chức này thông tin, thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội vẫn thường xuyên kiểm tra việc thực hiện lãi suất tại các ngân hàng. "Nếu phát hiện trường hợp nào áp dụng lãi suất vượt mức quy định, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc", đại diện này khẳng định.
Tuệ Minh
8.Chứng khoán lại lên hương
Nhà đầu tư đứng trước các cơ hội kinh doanh:
- Sản xuất kinh doanh: gần như tê liệt vì lãi suất cao
- Vàng, ngoại hối: đang yên ắng, khó làm ăn gì được
- Bất động sản: câu chuyện ở thì tương lai xa
Tổng cộng có 05 van đầu tư thì chỉ còn van chứng khoán mở (trừ kênh tiết kiệm vì không cần tính cũng biết là thực âm). Vậy là dòng tiền chảy vào ào ào.
Đừng bao giờ hỏi nguồn tiền đến từ đâu mà quan trọng là chỗ đó đủ trũng để tiền chảy vô không.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét