Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Sông Sài gòn


7. Quyền lực ẩn
Có quyền là có tha hóa. Đừng nghĩ quyền to mới tha hóa mà những công việc nhỏ bé, do thời thế đưa đẩy trao quyền vào tay thì họ cũng tha hóa như thường.
Thời bao cấp thì bảo vệ, thủ kho, lái xe là bộ 3 quyền lực. Thủ kho thì to hơn thủ trưởng, lái xe dỗi là bắt sếp ngồi trên xuống đẩy vì xe chết máy còn bảo vệ thì xuống xe dẫn bộ, bỏ nón, lột kiếng trình CMND hất hàm hỏi gặp ai, có việc chi, ngồi chờ đó.
Dạo tôi làm Cảng SG, khối ông thuyền trưởng lên kể chuyện với chị em. Anh mang cho mấy em mấy bánh xà bông Camay mà bảo vệ tịch thu hết, chỉ cho mang ra có 4 cục, mà có tới chục chị em lận làm anh thấy khó nghĩ quá.
Mấy chị làm trước còn kể, mấy cha bảo vệ giờ dễ thương rồi đó. Dao trước ra khỏi cổng là họ kiểm cặp lồng có dựng xi măng, urea, gạo…không, quanh người có quấn vải, sắt không…có khi còn xem có đựng cái chi trong sườn xe đạp không nữa. Bao cấp mà, ăn cắp dữ lắm, mà chôm được chút thì khỏe re. Em có để ý mây ông hải quan toàn chạy Vespa không? Vì có cốp to chứa đồ….
Giờ khoán sản phẩm, lương công nhân cao rồi nên họ đâu them ăn cắp nữa, ai chả có lòng tự trọng.
Thế là vị trí thì không cao nhưng có thực quyền vì người đối diện làm sai. Khi người đối diện không làm sai nữa thì quyền lực này bị giảm thiểu, trở lại con người xởi lởi dễ thương.
Qua kinh tế thị trường thì lại nổi lên làm nghề gì ăn nghề đó, riết rồi cứ ai qua tay là coi như hàng hóa. Thứ quyền lực ẩn này lại nổi lên, càng ngày càng làm mọi thứ muốn làm nhanh phải có tiền, có quan hệ còn không thì hoạnh họe, làm khó, câu giờ hoặc bới long tìm vết ì ra hẹn lần hẹn lữa. Muốn trị được bệnh này chỉ có tăng lương như dạo công nhân Cảng SG được khoán sản phẩm.

6. Thẩm mĩ của người Việt
Dân VN da vàng xứ nóng nên theo bản năng thích màu vàng màu đỏ, coi quốc gia là hoàng triều cương thổ, vua mặc áo màu vàng, cờ 2 màu vàng đỏ…đẹp vàng son mà.
Sang thời Pháp thuộc thì bà con mới thấy dựng nhà cửa gỗ tre nứa lá quá kém so với kiến trúc Pháp nên đêm ra lại mê tín ở nhà Tây coi là tột đỉnh đẹp đẽ, giàu sang. Thói quen đó còn duy trì tới tận ngày nay và những người càng bỗ bã thì càng mê kiến trúc Pháp.
Xưa cũng coi tay áo dài lòe xòe lụng thụng là đẹp: ống tay dài khéo múa nên khi vua Khải định tự thiết kế áo của mình có tay chẽn giống Tây là tầng lớp văn than sĩ phu la chói lói bảo lố lăng quá, xấu quá…thế mà ngày nay ống tay áo thụng chỉ còn trên sân khấu tuồng, hát bội.
À, còn thích nón cối nữa chớ. Có lẽ người đội cũng chả thấy đẹp đâu nhưng tiện, đưa cho thì đội để phân biệt với nón bảo hộ lao động thôi. Chứng tỏ dân thầy chớ không phải dân thợ, đúng với truyền thống mê làm quan của người Việt

5. Văn hóa Đông Tây so sánh
Văn hóa phương Tây có 3 đức tính:
- Yêu và trọng cái đẹp, đức tính này mượn của người Hi lạp
- Yêu và trọng cái Quyền, mượn của người La mã
- Yêu và trọng con người, mượn rất trễ và thật khó khăn của đạo Thiên chúa
(Giờ thứ 25 - Constantin Virgil Gheorghiu)

Phương Đông có Chân Thiện Mỹ được đúc kết từ tam giáo: đạo Phật, đạo Nho và đạo Lão
Thiện là lương thiện làm lành tránh ác
Mỹ chính là cái đẹp, thẩm mỹ
Chân là chân lý, chân thực
Nhưng đạo nào đại diện cho Chân, cho Thiện cho Mỹ thì hơi khó nói. Nếu nói Thiện là từ đạo Phật thì Khổng Nho cũng nói Nhân chi sơ, tính bản thiện hay cái đẹp của đạo Lão là vô vi tức thuận theo tự nhiên, không trái tự nhiên thì đạo Khổng cũng lại đề ra hài hòa trung chính. 

3 đạo này đan xen giải thích, bổ sung cho nhau nên các bậc trí giả làm hòa bằng cách nói tam giáo đồng nguyên và đó là lý do tại sao người châu Á thơ đa thần chớ tiếp nhận độc thần rất khó khăn.
Tuy nhiên, gọi là tam giáo đồng nguyên nhưng thực ra Khổng giáo vẫn là trội nhất vì nó xiển dương tôn ti trật tự, coi mình là trung tâm rất phù hợp với tâm lý con người. 
Cũng lý do đó mà nhiều người mê mẩn trong Kinh Dịch, coi kinh đó giải thích tất tần tần được mọi thứ. Nguyên nhân giản dị là nó đưa ra 64 tình huống của 1 hệ thống đóng, cứ theo cái sườn đó giải thích thì việc gì cũng trúng, đặc biệt khi đã xảy ra. 
Thế nên giới trí thức hàn lâm kinh viện mê là phải. Nó cũng giải thích vì sao Trung dung quan trọng, sự việc là đúng là đẹp khi nó ở mức trung bình, không thiên lệch, không đe dọa phá vỡ tôn ti trật tự.
Tóm lại viết đủ phải là Chân Thiện Mỹ trong trật tự của 1 hệ thống đóng.


4. Mẹ VN
Người VN luôn quí trọng mẹ, ca ngợi mẹ mà phớt lờ ông bố, ông ba. Văn thơ cũng luôn ngợi ca sự gian khổ, công lao, đảm đang, hy sinh của mẹ, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà lại chất lên vai mẹ gánh nặng như vầy:
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Còn tui cứ việc nắng mưa đưa đò
(Mẹ Suốt- Tố Hữu)
Hay
Mẹ lội qua con suối
Dưới mưa bom không ngại
(Huyền thoại mẹ - Trịnh Công Sơn)
Yêu quí mẹ mà sao bắt mẹ, để mẹ khổ hoài vậy. Thanh niên, đàn ông trai tráng đâu hết cả. Khôn thế


3. Trò chơi cút bắt
1917 Đức giúp Lê nin với ý đồ phá Nga. Lê nin thành công, tới 1945 LX đánh Đức sấp mặt. 1945 LX yểm trợ Mao đánh Tưởng, 1949 thành công. Mỹ cũng gián tiếp ủng hộ Mao bằng cách khóa vòi viện trợ cho Tưởng với lí do tham nhũng, tới 1950 TQ đánh cho Mỹ tởn tới già ở Triều tiên.
1972 Mỹ bỏ rơi VNCH để bắt tay với TQ nhằm chặn LX. 1991 LX tan rã, Mỹ thắng nhưng hóa ra TQ là người hưởng lợi nhất: CN nặng thì LX giúp, CN điện tử hiện đại thì Mỹ giúp.
Thời Mỹ chống Anh thì Pháp giúp Mỹ, tới 1945 thì Mỹ đòi giải tán thuộc địa của Pháp, Anh. 1954 Pháp thua ĐBP. Mỹ tưởng dễ xơi nhảy vô, ai dè TQ, LX hỗ trợ làm Mỹ sa lầy ở VN.
Tới nay TQ mạnh quá thì Mỹ lại hớt hải tìm cách…
Cứ vòng vòng như thế để thấy lợi ích trước mắt là quan trọng nhất, cái chi lâu dài thì cũng từ từ phân giải, tới đâu tính tới đó.


2. Nội công thâm hậu
Truyện kiếm hiệp Kim Dung thường mô tả cao thủ võ lâm ngoài các tuyệt kỹ còn có nội công thâm hậu hóa giải đòn công của đối phương. Điều này xuất phát từ lịch sử, TQ bị Nguyên mông, nhà Thanh xâm lược nhưng lần hồi qua hàng tram năm thì mấy dân tộc chiến thắng bị đồng hóa ngược, nhạt màu dần rồi mất tăm mất tích giữa nền văn hóa Hoa hạ.
Ngày nay người xứ đó như Ngô duy nhĩ bị lấn ngay ở quê nhà. Đó có phải là người Hoa trả thù cho việc bao năm bị ngồi trên đầu không?
Ngoảnh sang bên Nga thì có dân Cô dắc cũng bị vậy. Đọc Sông đông êm đềm của Sô lô khốp hoành tráng biết bao nhiêu thì giờ người Cô dắc chỉ còn lưa thưa.

Nhiều bạn hỏi người Chiêm thành ở VN đi đâu mà giờ còn có chút ét. Họ vẫn ở đó, chả đi đâu cả, chẳng qua là bị đồng hóa trộn lẫn với người Việt thôi

1. Sông Sài gòn
6 giờ chiều tàu Thống nhất tới Vũng tàu đậu lại vì song SG dạo ấy chưa đi đêm được. Nằm nghe tiếng nhạc thoảng tới từ bờ rồi ngủ thiếp. Sáng sớm tàu rúc còi vô song, cảnh song thì 2 bên cũng chỉ sú vẹt là chính nhưng thấy gần gũi vì đi biển thật là chán ngắt. Ngoài cảm giác người nao nao do song thì thi thoảng mới thấy chim hải âu, cá heo mạn Đà nẵng còn lại là 1 màu xám ngắt.
Gần tới cảng thì tàu ra vô bắt đầu tấp nập, ghe chở nặng nước ngấp nghé, sà lan chở cát cũng ngấp nghé như sắp chìm. Bên này Khánh hội tàu đậu san sát, bên kia Thủ thiêm nhà quê vắng teo. Bắt đầu nhìn thấy tòa nhà Imexco 12 tầng nhú lên đường bệ, ngày ấy nhìn thấy 1 tòa nhà cao như thế là sự lạ, cầu Khánh hội xe Lam nhả khói…
1 khung cảnh như trong TV vẫn chiếu về thành phố bên Tây. Ngày đó HP, HN buồn hiu, nhếch nhác nhà cửa còi cọc nhìn chán lắm chớ không được như bây giờ.
Cảm giác tới thế giới khác là có thật, đó là năm 1985, ngày tôi lần đầu vô SG. Cái cảm giác nhà quê ra tỉnh này còn lặp lại lần nữa vào năm 1998 ngày đi Bangkok, khi về nhìn nhà ga TSN, đường phố mưa buồn như phố huyện.
Sau này nhiều lần vô SG bằng tàu hỏa, máy bay, xe hơi nhưng những phương tiện ấy không mang lại cảm giác ấn tượng huy hoàng đột ngột mở ra như khi đi tàu biển Thống nhất. 

Mà đúng là đường Nguyễn Huệ dáng tây thật các bạn nhỉ?



Leo tàu
Trên sông còn có xuồng bán nước ngọt, trái cây…những chiếc xuồng này thường do các cô gái trẻ điều khiển. Mỗi khi tàu lớn chạy qua là xuồng dập dềnh chao đảo, các cổ phải cắt song để giữ cho xuồng khỏi lật rất khéo léo như đang chơi trò chơi vậy.
Cái vụ tàu lớn gây song này rất nguy hiểm, 1 ông chú tôi quen sĩ quan HQ tàu đậu bến ba son đã bị vụ này. Đang đứng cạnh bếp điện, tàu lớn chạy qua gây song, ổng mất thăng bằng theo bản năng chống tay đỡ. Rủi chọc trúng bếp, cháy đen phải cắt tới khuỷu sau về trường ĐH Hàng hải làm quản sinh rồi giáo viên.
Có lần nhìn thấy 1 cô leo thang dây lên tàu nước ngoài thoăn thoắt, đó là họ bán hàng kiêm bán vốn tự có. Rình rình móc nối được với thủy thủ tây là tót ngay lên. Trông vậy không dễ đâu, có lần tôi đi làm trễ phải đi xuồng nhỏ như vậy. Khi qua trạm kiểm soát theo thói quen đứng lên trình giấy thì xuồng chao đảo suýt té xuống sông đó. Khi ngồi xuồng nhỏ mới thấy sông rộng và sóng to chớ không phẳng lặng như trên bờ hay trên tàu nhìn xuống.
Chớ đi làm phao (tàu không vô cầu tàu mà neo ở phao giữa song, mạn Nhà bè) thì thường sà lúp cảng chở cả 50,60 người ngồi san sát mà lơ thơ mấy cái phao. Có hôm nhìn thấy 1 ông trung niên đeo kính cận mặt buồn xo đang lấy xô múc nước ra ngoài, nhìn quen quen sau mới nhớ chính là thủ môn Lưu kim hoàng lừng danh của Cảng SG nay giải nghệ về làm thủy đội.

Cú va khi quay đầu
Đầu giờ chiều hôm đó tôi đang trên boong tàu Nga trọng tải chừng 1 vạn tấn chuẩn bị làm hàng thì thấy tàu sông Hương đang chạy rỗng để quay đầu. Tàu này cỡ bằng tàu tôi đang đứng, song Hương là tàu từ bé tí tôi đã lên chơi trên đó nên có nhiều kỉ niệm.
Vũng quay đầu của tàu là đoạn song gần chỗ tượng Trần Hưng Đạo chỉ tay xuống, có 1 dạo là bến của KS nổi 5 sao, nay là bến Bạch đằng và trước khúc phà Thủ thiêm chạy qua chạy lại. Không hiểu sao tàu song Hương quay đầu sớm hơn, ngay chỗ Hải quan Hàm nghi nhìn ra. Vòng cua rộng và mũi con tàu không tải lừng lững xô tới gần tàu tôi như trái núi. Tiếng người la hét, người bỏ chạy xuống bờ, thủy thủ vội vàng mang máy chụp hình ra chụp, tôi cũng chạy theo vì tò mò. Khủng khiếp, bạn tưởng tượng nó cứ như tòa tháp cao lao tới, bên hông là 2 chiếc tàu lai dắt vật vã lấy mũi ủn cho nó khỏi va vào tàu đang đỗ bến, chân vịt tung nước trắng xóa. Và rồi cú va chạm khẽ xảy ra, lướt qua rất nhẹ nhưng với khối lượng hàng ngàng tấn như thế thì lan can tàu chỗ hầm hàng số 1 bẹp dúm, vỏ tàu móp vào làm hầm hàng sau không mở ra được. Dưới tàu thủy thủ Nga chửi rinh, trên tàu sông Hương thủy thủ VN vẫy tay la hét xin lỗi rồi tàu song Hương theo đà nhanh chóng chạy đi mất hút. Hú vía, cú sượt rất nhẹ và rất nhanh, có lẽ chỉ vài giây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét