Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Ra lệnh

4. Xếp hàng 

Dạo này lại xếp hàng nên nhớ lại xếp hàng thời bao cấp. 

Dễ nhất là xếp hàng mua thân. Thường thì 2 người 1 kéo 1 đẩy xe cải tiến tới bãi than gần bờ sông góc chân cầu Rào.

Người kéo là người khỏe, cầm càng mà. Dạo cảng HP còn người Hoa họ 2 người 1 xe chạy băng băng còn người VN từ 3,4 chú mà còn kéo xiên xẹo. 

Vô bãi than kiếm chỗ than cám tốt xúc đầy. Ra cổng nhân viên nhìn thấy xe nạc vậy sẽ càu nhàu xúc bớt vài xẻng và xúc thêm vài xẻng đất bùn cho đủ cân ký. 

Việc này nặng nên nhà có đàn ông con trai thì nhẹ nhàng chớ nhìn 2 mẹ con, 2 chị em gái  cong đít đánh vật với xe cải tiến rất tội nghiệp. Mồ hôi mồ kê, la hét om sòm, quần thủng lỗ chỗ da trắng lấp ló mà xe chổng càng, xiên xẹo. Việc mua than, bổ củi nặng nhọc thế nên mấy anh mấy chú mới hay cùng các cô vắng chồng, chồng bộ đội chơi trò anh em, chú cháu kết nghĩa.

Dạo đó tôi không hiểu vì sao chú trung úy đi CPC rất đẹp trai vui vẻ mà mỗi khi nhắc tới anh kết nghĩa của vợ mặt cứ tái dại có vẻ điên lắm. 

Vui nhất là xếp hàng mua rau củ quả. Có những thứ chỉ có ở cửa hàng như su hào bánh xe vừa to vừa già toàn xơ chỉ muối hay kho mặn ăn phát sợ, còn muốn ăn su hào trứng nhỏ mềm kiểu nạo ra làm gỏi nộm với lạc đậu phộng thì phải ra chợ.

Mỗi lần xe tới là lũ trẻ phá làng phá xóm xông vào nửa trộm nửa cướp cam, dưa lê...ăn không hết ném nhau chí chóe, mấy bà mậu dịch viên chửi lấy lệ vì rát cổ đuổi không được. Nói tới dưa lê nhỏ bằng nắm tay đàn ông ăn giòn và ngọt không biết giờ có còn trồng không?

Tràng cát trồng dưa lê, dưa bở trái bự ăn dầm đường, dưa gang dài ăn na ná dưa lưới bây giờ. Tụi rắn mắt thường rình các chị em gánh dưa qua cống (cầu nhỏ) bắc trên mương (kinh) để cướp dưa. 1 đứa rình rình tụt quần, chị em khi đó mặc quần lụa dây thun. Mấy bả vội vàng bỏ gánh 2 tay kéo quần ngồi thụp xuống, vậy là 3,4 đứa nhào vô cướp dưa chạy. Coi vậy chớ lắm khi các bà phòng thủ sẵn lấy đòn gánh phang túi bụi. 

Kể chuyện quần dây thun: cô hàng xóm tôi dạy tiếng Nga khi trường đường thủy sáp nhập vô hàng hải cổ mới từ Cầu rào tới Phương lưu để dạy. Đi về qua ngã 5 bùng binh đông người cổ mới tụt khỏi yên, chân lết lết  để chạy chậm chậm kiểu phụ nữ thì ai dè quần đứt dây thun. Vậy là buông tay lái chụp cạp quần té bò lê bò càng.

Xếp hàng mua thịt và biệt động SG 

Mua thịt là môn khác hẳn, không dành cho con nít. Lần ấy tự nhiên thấy mấy người xếp trước bỏ đi, đang mừng vì xếp hàng nhanh thì cô bán hàng đưa ra nửa cái đầu heo tương đương 1 quí thịt tiêu chuẩn cả nhà. Đang ngần ngừ thì mấy người đằng sau bảo mang về có tí thịt, toàn xương rồi 1 cô lịch sự tới lượt được miếng thịt đùi. Trước sự ồn ào mậu dịch viên giải thích do con cổ nhỏ, bị ốm bệnh. 

Tất nhiên là tôi không lấy sỏ heo mà về báo cáo phụ huynh. Cô hàng xóm bảo trẻ em không đi mua thịt được đâu, sao chị không nhờ mấy đứa sinh viên trường mình, tụi nó quen, em cũng nhờ nên mua được dễ dàng. 

Ngày ấy mậu dịch viên là gái cao giá nhất nhì, còn sinh viên trường hàng hải sau đi tàu thì ngang cán bộ cao cấp nên các cô chịu đèn các anh sinh viên lắm. 

Trong số sv hay tới nhà chơi thì có 1 thanh niên trẻ cao to, áo body vạt bầu, quần loe dép sabo rõ ra dáng người SG. 

Ảnh kể là biệt động SG giờ đi học. 

Những chuyện về biệt động giờ nghe thường chớ hồi đó nghe là mồm há hốc kiểu như vô cứ thì trùm mặt lộ có 2 con mắt để bảo mật, rồi học cách ngủ định giờ cứ đúng giờ là dậy không lệch so với đồng hồ,...đi ngang dinh độc lập muốn quan sát phải giả tuột giây giày...những chuyện có lẽ ảnh cũng nghe đàn anh kể lại chớ trước 75 thì ảnh dưới 18tuổi là chắc vì dân cách mạng trước 75 ít người  lấy được bằng tú tài. 

Việc mua thịt xong xuôi, hóa ra có cả 1 đường dây mua được đủ thứ từ thịt thà cá mú hàng công nghệ phẩm tới giường tủ...

Còn mua gạo thì cũng nhiều người kể rồi, tôi chỉ kể chuyện chở gạo về. Bao gạo thì nặng, tay lái thì kém lảo đảo, đường nhựa thì không sao chớ lối ra cửa hàng gạo có 1 ổ gà bằng cỡ con trâu và hẻm vào nhà tôi có đoạn đắp đất rộng 1,5m với 1 bên rau muống nước, 1 bên ao cá, gặp hôm trời mưa thì xác định tới giờ vẫn có khi nằm mơ thấy. 

Lo như mất sổ gạo đúng là chuyện có thật. Có lần bố tôi mua gạo về xong phát hiện mất sổ gạo, mặt xanh như tàu lá. Nhờ cô vợ chú Ban đăng kiểm khi đó là cửa hàng trưởng xin cấp lại sổ gạo. Sau khoảng chục ngày gạo gần hết thì hóa ra sổ ở trỏng.

Hú vía

 3. Chống muỗi 

Tối qua vừa thiu thiu ngủ thì có muỗi đậu lên mặt. Đập trượt, kéo chăn trùm đầu phòng thủ. Được 1 lúc ngột ngạt, vừa he hé lại nghe tiếng vo ve. 

Không ổn, phải mắc mùng thôi. Mùng đứt dây chăng, may có khẩu trang cột vô, rồi chỗ lủng rách lấy kẹp, tìm dây cột...xong xuôi mới tắt đèn ngủ tiếp. Cũng mất tròm trèm 30 phút mà sáng ra còn buồn ngủ. 

Có con muỗi mà còn loay hoay thế đấy.

Sự kỳ lạ của tự nhiên?

Phụ nữ trưởng thành có 500 trứng rụng. 

Giang hồ khoe có 500 anh em 

1 nước có 500 gia tộc làm chủ, 500 đbqh, 500 huyện 

Nếu bạn có 500 sjc thì cũng là phú ông 

Dịch thì phải 5k, nếu chia ô 500 người xác định theo 5k sẽ tối ưu được cách phòng chống?


2. Gia phả 

Mỗi tuần 1 việc bổ ích và lý thú 

Dịch giã thế này ở trong nhà miết rất dễ stress như cụ ông ở Lạc long quân nên tốt nhất phải kiếm việc gì đó mà làm để duy trì tinh thần lạc quan. 

Việc như vậy phải hợp với sở thích, có ích lợi lâu dài và không được khó quá hay nhàm chán. 

Vậy thì nên sưu tập viết gia phả các bạn ạ, giờ này đa số trực tuyến hỏi thông tin cũng dễ. 

Làm  gia phả biết đâu sẽ phát hiện cha mẹ bạn xưa khai bần cố nông hóa ra là nhầm mà thực ra xuất thân  quan lại có học đàng hoàng. 

Lợi nữa là có dữ liệu chuẩn để bạn khai lý lịch. Món này càng ngày càng nhiều càng kỹ đó, tính chi ly ra phải cỡ 1 tuần làm việc trong năm. 

Thứ nữa mở rộng được kết nối, giờ đang quan trọng như nó vốn quan trọng. 1 người làm quan cả họ được nhờ, 1 người có key cả họ qua cửa.


1. Ra lệnh 

Hồi đó trường tôi giáo viên quân sự là sỹ quan từ bộ tư lệnh hải quân biệt phái về. 

Học đội ngũ a Nghiêm? Sau là thiếu tướng giám đốc Tân cảng gọi tôi ra đứng chỉ huy đội hình. 

Tôi quen thói dân sự lè phè, lưng còng, hô tiếng nhỏ bị ảnh chê quá trời. 

Bảo cậu đẹp trai mà quân dung không ổn, không có quân oai. Chỉ huy như vậy nói ai nghe.

Chỉ huy là phải đứng thẳng, mặt nhìn thẳng, nghiêm túc, dõng dạc, rõ ràng, quân lệnh như sơn.

Sáng nay nghe tư lệnh Đam đề nghị, đề xuất đúng kiểu xuất thân dân sự hí.

Trên mây 

Trên mây trước chỉ người vơ vẩn sống trên mây không thực tế. Vd thời bao cấp không lo xếp hàng mua gạo, nuôi lợn gà mà lo nghiên cứu khoa học. Thời thị trường không lo chạy mánh mà lo công việc, làm quan chức không lo quan hệ kết nối mà lo nghiệp vụ...

Tới thời phê tê bốc thì lo 4.0 mà không lo lý lịch. 

Nhưng có sách, dữ liệu thì đúng là lưu trên đám mây lợi hại hơn in ra thiệt. 

Thế rồi dịch tới lại xuất hiện thiên binh thiên tướng ngự trên mây nghĩ ra hàng hóa thiết yếu với không thiết yếu, rồi mồm 2m mà cách ly tập trung rồi 3 tại chỗ... thật đáng không cho ngự trên mây vì sáng sai mai sai nữa thật phong phú.

Thực thi

Nói thì luôn dễ hơn làm tức là ra luật thì dễ hơn thực hiện luật. Nhưng cái gì có khả năng sai thì nó sẽ sai.

Giống như những hành động cấm bánh mì,  băng vệ sinh thực ra sai từ qui định hàng hóa thiết yếu. 

Phối hợp, điều khiển công việc. 

Như con người có hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh thực vật. Đừng nghĩ thần kinh trung ương điều khiển tất cả. Vd như đau bụng thì ý thức chỉ chỉ đạo đít được vài phút là cùng, có cố cũng chả được. 

Trung ương và địa phương cũng rứa hỉ.

Sếp tốt thì đệ còn có đứa này đứa kia chớ 

sếp xấu thì chả trượt đứa nào.

Hỏng nguyên thế hệ.

TQ thời cách mạng văn hóa có tiểu tướng hồng vệ binh rất kinh khủng nên cũng rất cần thiết trong phòng tránh dịch vệ binh.

Người nào nói với Lưu bang: bệ hạ có thể ngồi trên lưng ngựa mà lấy được thiên hạ nhưng không thể ngồi trên lưng ngựa mà cai trị thiên hạ. 

Suy nghĩ hợp lý trong 1 bối cảnh bất hợp lý là bất hợp lý. Keynes 

Hoàn thành công việc vì theo nguyên tắc và thất bại cũng vì theo nguyên tắc...

Rất nhiều câu nói nổi tiếng đề cập tới khi hoàn cảnh thay đổi thì bạn phải thay đổi chớ ngồi đó truy vết ai lấy miếng phomai của tôi thì chỉ càng nản


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét