Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Vinashin và vinalines

Ngoài cơ chế xin cho, đầu tư dàn trải như bài báo dưới đây nêu ra thì còn lý do gì cho thất bại. 
Bỏ qua yếu tố con người, cơ chế thì còn lại vấn đề gì?
Nói Vinashin đầu tư rải mành mành, đi ngược lại nguyên tắc tập trung hóa thì có lý, tuy nhiên Vinalines lại không dàn trải.
Vậy vấn đề ở đây là, nói như bác Tổng lãnh đạo là nói về đóng tàu không chỉ là đóng tàu. 
Shin or lines thì cũng là tàu. 
Tuy vậy tàu chỉ là phần cứng, hệ sinh thái đóng tàu, vận chuyển còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Đó là việc kết nối vào được hệ thống đóng tàu, vận chuyển trên thế giới. 
Ta chưa kết nối được, vậy ngoài nhân công giá rẻ ta còn có cái chi chống lưng. Không có cái gì chống lưng ngoài hy vọng ngành đóng tàu, vận chuyển sẽ dịch chuyển về phía ta theo lợi thế so sánh.
Kết quả nhãn tiền, 2 ngành trực tiếp bơi ra biển lớn mà không có chỗ dựa đủ mạnh thì thất bại thôi. Vị thế cạnh tranh thấp quá mà.
Chỗ dựa là gì. Ví dụ nông nghiệp, thủy sản là đất đai, sông hồ...với điện lực, viễn thông là người dùng. Nói cho nhanh là DNNN chỉ có dựa được vào đặc quyền hoặc độc quyền thì mới sống khỏe mà thôi.
Ta thấy ngay với shin và lines thì tài nguyên thiên nhiên cũng không có mà người dùng cũng thiếu luôn, cuối cùng thì lines lại phải xài hàng của shin. Cùng trong nước thì ngay QĐ CA cũng không xài hàng của shin.
Nếu Vinashines được phép đóng tàu to cho lực lượng kiểm ngư, CS biển...thì trong tranh chấp đã không đến nỗi lép vế mà shin cũng sống khỏe. Nhưng đó lại là câu chuyện chiến lược trên tầng trên rồi (hơi giống việc ô 6D xin xây cầu khúc Ba son mà LĐA không chịu cuối cùng xoay qua làm hầm tốn gấp 4 chưa kể chi phí vận hành bảo trì bảo dưỡng quãng 7 năm bằng 1 cái cầu).
Cái kết buồn cho việc không kết nối được vào hệ thống thế giới.    

http://www.tamnhin.net/Tuvan/20701/Lo-tu-Vinashin-den-Vinalines-vi--co-che-cu-xin-la-cho-.html


(Tamnhin.net) - Tháng 4/2012 cả thế giới đã chứng kiến vụ án “Thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý gây hậu quả nghiêm trọng“ của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin. Vì “thiếu trách nhiệm” trong quản lý do vậy đã “đánh rơi” mất của “nhân dân” trên 85.000 tỷ đồng nhưng “mức án” cũng chỉ dừng ở khung 17 năm “nghỉ mát” cho người đứng đầu.

Nay lại đến Vinalines với những kết luận mới của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy tính "sơ bộ" công ty này đã lỗ trên 1.685 tỉ đồng. như vậy lại “chót” đánh rơi mất của nhân dân nhưng chưa thấy bóng dáng của “bị can” ai làm rơi? Vì sao rơi ? Thì lại sắp có quyết định với đề án đầu tư đến hàng 100.000 tỉ đồng để phát triển đội tàu biển của Vinalines! Chắc lại áp dụng “cơ chế” cứ “xin” là “cho” như cũ từ Vinashin đến Vinalines và đến “Vinacho” chẳng khác mấy “âm vần“ ?

Điểm qua những con số và thành tựu hoạt động kinh doanh và phương án “đầu tư “ của Vinalines nhận thấy thật “ấn tượng” và cái “điệp khúc” cũng rất Vinashin.

Kết thúc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines giai đoạn 2007 - 2010, TTCP chỉ ra hàng loạt những tồn tại, sai phạm cụ thể năm 2009 Vinalines lỗ 412,325 tỉ đồng; năm 2010 lỗ 1.273,892 tỉ đồng (không bao gồm 5 đơn vị chuyển từ Vinashin sang). Năm 2007 nợ phải trả là 17.071 tỉ đồng chiếm 65,8%, năm 2010 là 36.599,7 tỉ đồng chiếm 91,4% tổng nguồn vốn. Hiệu quả sử dụng vốn giảm mạnh, tỉ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu từ 14,15% năm 2007 xuống còn âm 14,8% năm 2010.

Mặc dù Vinalines được Chính phủ cho phép áp dụng nhiều chính sách, giải pháp ưu đãi về vốn, về thị trường cũng như được thực hiện cơ chế đặc thù trong đầu tư đăng ký, mua bán tàu biển... Từ năm 2005 - 2010, Vinalines đầu tư mua 73 tàu, đa số các tàu mua là của nước ngoài, đã qua sử dụng, với năng lực vận tải 2.004.961 DWT, tổng số vốn là 22.853 tỉ đồng. 85% vốn mua tàu là vay thương mại, thậm chí dự án mua tàu Sky, Ocean, Global sử dụng 100% vốn vay... Qua thanh tra, TTCP kết luận, cơ cấu đội tàu của Vinalines chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt, chủ yếu là tàu vận chuyển hàng khô, tàu tải trọng lớn, ít chú ý đến tàu chuyên dùng. Tiến độ đóng mới tàu chậm so với kế hoạch 7 năm, làm tăng chi phí đầu tư. Có khác gì với vụ mua tàu Hoa Sen của Vinashin là mấy “âm vần”?

Do vậy trong giai đoạn 2005 - 2010, riêng việc khai thác của Cty mẹ lỗ 935 tỉ đồng. Và phát sinh chi phí nộp phạt, tranh tụng. Chỉ mới tính riêng hai vụ việc với tàu VNL Global và tàu từ Vinashin chuyển sang đã gây thiệt hại gần 6 triệu USD.

Lại điệp khúc vi phạm đầu tư “dàn trải” dẫn đến “lãng phí” hay là “tham nhũng“ ?

Tại kết luận TTCP giai đoạn 2007 - 2010, Vinalines đã quyết định đầu tư 14 dự án xây dựng cảng gồm 1 cảng cạn, 1 cảng sông và 12 cảng biển đều vi phạm và lãng phí. Theo TTCP, chỉ tính hai thương vụ đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía nam, số tiền lãng phí đã lên đến trên 520 tỉ đồng.

Ngoài ra giai đoạn 2007 - 2010, Vinalines đã đầu tư và có vốn góp vào 158 doanh nghiệp. Tuy nhiên vốn đầu tư dàn trải và hiệu quả thấp. Sử dụng 1.000 tỉ vốn trái phiếu trái mục đích...

Qua đó TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ GTVT và Bộ Nội vụ tổ chức, hướng dẫn các thành viên HĐQT (HĐTV) và Tổng Giám đốc Vinalines thời kỳ 2007 - 2010 kiểm điểm trách nhiệm, tự đề xuất hình thức xử lý để Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm người để xảy ra khuyết điểm sai phạm trên.

TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ liên quan rà soát, sửa đổi nhiều quy định liên quan, khắc phục “khoảng trống pháp lý” liên quan đến việc xử lý trách nhiệm cũng như quản lý vốn tài sản nhà nước. Đồng thời, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra làm rõ những vi phạm trong việc đầu tư mua nổi No83M thuộc dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam.

Trong kết luận của TTCP đã tương đối rõ và thể hiện được hiệu quả của việc đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước cho Vinalines là không có được kết quả như mong đợi rồi. Nhưng mới đây lại có thêm quyết định đề án đầu tư 100.000 tỉ đồng phát triển đội tàu biển của Vinalines với những danh mục đầu tư đội tàu biển để phục vụ mục tiêu CNH-HĐH trong đề án đã được Bộ GTVT phê duyệt, giai đoạn 2012 - 2015 cần đầu tư 67 tàu trị giá 30.000 tỉ đồng. Số lượng tàu cần đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 là 95 tàu với giá trị ước tính lên đến 70.000 tỉ đồng. Danh mục đầu tư đội tàu biển kể trên sẽ "ngốn" đến 100.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2012 - 2020.

Giới chuyên gia lại rất “tâm sự” về nội dung đề án đầu tư “khủng khiếp” này cho một đơn vị đang như “tổ chuồn chuồn” về thiếu hiệu quả và lãng phí trong đầu tư kinh doanh như Vinalines? Liệu có vấn đề gì đây? Còn các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực này thì “phân vân” có lẽ cứ tính thử xem?

Mục tiêu của Bộ GTVT trong đề án CNH - HĐH ngành GTVT là đến năm 2015 là gì? có phải là vì mục tiêu tổng đội tàu biển của VN đến năm 2015 phải đạt trọng tải chưa đến 15 triệu tấn. Trong khi "Đến hết năm 2011, tổng đội tàu biển của VN mới đạt trọng tải chưa đến 7 triệu tấn và cũng đã được đầu tư rất nhiều trong những năm qua liệu mục tiêu thì "thực" nhưng tác dụng lại "ảo "không hay chúng ta đang tính chuyện “đếm cua trong lỗ “ hay cứ thử “lãng phí “ thêm ít nữa có mất gì đâu ? Tiền đầu tư là của nhân dân mà ?

Thiết nghĩ nền kinh tế nước ta đang rất khó khăn, đầu tư cho phát triển đất nước ở từng ngành, tững lĩnh vực nếu có hiệu quả xứng tầm và đủ sức cạnh tranh với “bạn bè “ quốc tế thì trước hết các cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương, Doanh nghiệp cần xác định lại tình hình và khả năng thực tế của mình, nhất là trong kinh doanh phải có được thị phần, phải cạnh tranh được về “sản phẩm” trên thương trường về giá cả, chất lượng và lợi thế cạnh tranh. Qua đó thấy được hiệu quả thì hãy có kế hoạch đầu tư ? nói cách khác phải thực sự công khai, minh bạch về tài chính về quyết định và hiệu quả đầu tư.

Không nên áp dụng theo cơ chế đầu tư cho các DN, TĐ, TCT nhà nước theo kiểu cứ có đề án “xin” là “cho” như từ vụ Vinashin lại đến Vinalines rồi sẽ có thêm “Vinacho” lúc nào ta không biết?
Mai Huy

1 nhận xét:

  1. Cám ơn Bác. Một kết luận rất sắc sảo và bài bản.

    Trả lờiXóa