Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Cuộc sống là để lại được cho đời điều gì đó


Phúc tâm chí - một cách nhìn về cách sống ở đời


Ông nói: Ở đời cần có “ PHÚC - TÂM - CHÍ “, có phúc thì mới có phần, có tâm tốt mới hòng nên người khá, có chí mới có thể thành người khá toàn diện: “Có chí mới nên”.

Theo người xưa thì con người phải rèn luyện Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín để đạt được mức Phúc Lộc Thọ. Vậy tại sao ông lại đề cao Phúc Tâm Chí.

Ông nội sống trong thời đại có những biến động xã hội hết sức to lớn, có thể nói là quá to lớn, khốc liệt. Ví dụ từ thời thuộc Pháp, chiến tranh giành độc lập, thời bao cấp, kinh tế thị trường. Chỉ riêng về học thì chữ từ Hán chuyển sang Pháp rồi quốc ngữ.

Ông lại mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, vợ chết sớm phải tự lực tự cường vươn lên, không những lo học, lo kiếm sống nuôi bản thân mình mà còn phải lo cho vợ con và các em.

Chính vì sống trong một xã hội như thế, hoàn cảnh gia đình như thế cùng với bản chất hiền lành, thiện lương mà ông đã đúc rút ra phương châm sống Phúc Tâm Chí, một phương châm khá lạ so với truyền thống.

Phúc được coi như cội rễ của con người. Phúc không chỉ là máu thịt, tài sản truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà phúc ở đây còn là truyền thống, danh dự của gia đình, của tổ tiên truyền lại. Như thế Phúc vừa là vật chất, vừa là lễ giáo, truyền thống nếp nhà, vừa là danh dự. Phúc hữu hình và vô hình. Mang biểu tượng người bế đứa bé, là sự khái quát hóa về truyền đời, những thế hệ kế tiếp nhau, bảo bọc và biết ơn nhau. Cuộc sống hôm nay phát triển được từ sự giữ gìn, phát triển những thành quả trong quá khứ. Mảnh đất không chỉ thấm máu cha ông mà còn thấm đẫm văn hóa, truyền thống, danh dự của cha ông. Cắt rời, phá bỏ, chối bỏ quá khứ là sự cắt đoạn của Phúc. Chính vì lẽ đó mà phúc không chỉ quan trọng với gia đình mà nó còn được coi như nguồn sống của một quốc gia, một xã hội. Có lẽ xã hội Việt Nam giờ ít quan tâm tới động lực, suối nguồn phát triển này.

Người xưa nói: con hơn cha là nhà có Phúc. Như vậy Phúc có thể được coi như một dạng giá trị gia tăng của đời sau đối với đời trước. Ở trên chúng ta đã xác định được Phúc bao gồm vật chất và phi vật chất.

Giá trị vật chất bao gồm máu thịt và tài sản vật chất nói chung.

Có bạn thắc mắc, nếu như thân thể không toàn vẹn, bị khiếm khuyết thì có còn được Phúc hay không?

Khi trời sinh ra chúng ta, bạn hãy hiểu rằng đó là một cơ hội gần như trúng số độc đắc. Giữa hàng triệu tinh trùng, chỉ có một con tác hợp với trứng mà sinh ra bạn. Qua cuộc chiến cam go như vậy thì bị thương cũng không phải điều gì quá bất hạnh. Vấn đề là thái độ sống ở đời. Bạn đã sinh ra thì trời/chúa/phật cũng tạo cho bạn một cơ hội trên cõi đời này.

Máu thịt cũng giúp chúng ta hiểu rõ công ơn sinh thành, nhẹ nhàng hơn trong việc nuôi dạy con cái, trả nghĩa cha, nghĩa mẹ.

Cũng tương tự như vậy là của cải. Xã hội ta là xã hội quá nhiều biến động đến nỗi các cụ tổng kết: không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Đủ để thấy tạo dựng tài sản ở xã hội Việt khó khăn nhường nào thì việc duy trì khối tài sản đó còn khó khăn gấp bội.

Việc không có của cải thừa kế là một bất lợi, nhưng đó cũng chỉ là một khó khăn, mà khó khăn này vào loại phổ biến ở ta. Tự lực cánh sinh là chính, coi tài sản như chuyện tái ông thất mã. Có thừa kế nhẹ gánh đường đời thì thừa kế cũng làm giảm tinh thần phấn đấu, đôi khi làm chúng ta thêm lười biếng ỷ lại.

Phúc là danh dự, là nếp nhà. Những giá trị tinh thần đôi khi còn quan trọng hơn giá trị vật chất. Văn hóa, nếp nhà, truyền thống gia đình được truyền từ đời này qua đời khác. Nó giúp ta khác biệt với người khác, mang bản sắc riêng, mà truyền thống này đã được trui rèn, thử thách qua hàng trăm năm.

Những giá trị nhất thời thường được con người ta coi trọng, những giá trị truyền đời lại thường bị vùi lấp, trong khi chính những giá trị này mới làm nên nền móng cuộc sống ngày nay.

Qua danh dự, nếp nhà cũng làm rõ được gia phong, cách ứng xử của mình với xung quanh, với xã hội. tạo thành chữ lễ như người ta thường nói. Lễ không còn là chuyện đầu môi chót lưỡi, lễ nghi dàn cảnh mà nó tự nhiên như hơi thở. Nếp nhà qua trui rèn cũng tạo cho chúng ta cách sống chủ động, tích cực ở đời vì biết rằng cuộc sống của ta là đáng sống.

Vậy tại sao ông chọn Tâm mà không chọn Lộc.

Lộc tượng trưng cho giàu sang, thành đạt trong xã hội với biểu tượng ông quan đội mũ cánh chuồn. Mũ cánh chuồn hay mũ ô sa, biểu tượng của người làm quan. Xã hội xưa cánh cửa thành công nhỏ hẹp, ai làm quan rạng danh gia đình, họ mạc. Tuy nhiên Lộc là đích ở đời chứ không phải là phương cách sống. Mà đích đó cũng dễ dẫn đến tranh đoạt, tự mãn, mưu kế…

Tâm ở đây là tâm thiện. Cuộc đấu tranh thiện ác trong mỗi con người, trong xã hội, giữa người và người. Thiện ác giằng xé trong ta hàng ngày hàng giờ, chỉ có tu tâm dưỡng tính tốt thì tâm mới thiện.

Biểu tượng chữ Tâm như người chèo đó giữa dòng sông, phải thật cẩn thận, thật vững tay chèo chống mới không bị xô lệch sang hai bờ thiện ác. Biểu tượng vậy mang tính trung dung, cân bằng. Nhưng có lỗi gì nếu sang hẳn bờ thiện. Lỗi thì không nhưng qua hẳn bờ thiện nào được mấy người. Phần con và phần người phần nào nặng hơn, phần nào nhẹ hơn thật khó mà phân định. Nên như người xưa nói ngọc bất trác bất thành khí, người mà buông lỏng tâm thì thành con mấy hồi.

Ông bà ta đề cao tâm thiện nhờ hiểu thấu luật nhân quả ở đời. Có thể nói luật nhân quả là một phát kiến đặc sắc Á đông, nó giúp cuộc sống được cân bằng, tránh được làm điều ác. Có tâm tốt thì mới có lòng nhân, mới yêu người, tôn trọng người khác. Tâm không thiện sẽ dẫn đến suy nghĩ và hành động ác.

Như vậy, tâm đã bao gồm cả Nhân, Nghĩa, Tín. Mà tâm còn giúp tránh được những chuyện như ngu trung, hoặc coi trọng tình nghĩa giang hồ hơn việc tuân thủ pháp luật. Trên thế gian thiếu gì chuyện vì nghĩa, vì tín mà lại mất nhân. Tức là vì tiểu tiết mà quên đi, không thấy đại cục là lòng nhân. Nên mới nói tâm có thiện thì con người mới khá được.

Chữ tâm mới bằng ba chữ tài. Có tâm thiện thật khó, nên mới có những chuyện đồ tể buông dao thành Phật. Trước làm điều ác, nay nhận thức được, dừng làm ác mà thay vào đó làm việc thiện, nhưng quan trọng nhất là bên trong mình, tâm đã thiện lương.

Chí ở đây là sự kiên gan, bền chí, không quản khó khăn để đạt được mục đích, mục tiêu của mình. Có chí hướng, có kiên trì mới thành thạo, thành công trong công việc. Nên có thể nói từ chí mà trí phát sinh, trí được phát huy chỉ khi trì chí. Chí ở đây còn là chí khí, vì chí được gắn liền với tâm thiện, với phúc nhà nên không vì mục tiêu, mục đích mà đánh mất chí khí, cong lưng, uốn gối đánh mất bản thân mình.

Con người ta sống phải có chí hướng, mục đích rõ ràng. Mục đích của cả đời người là gì? Sống có ích hay sống nhạt? Từ mục đích mới đi đến những mục tiêu ví dụ 5 năm, 10 năm. Từ mục tiêu dài hạn mới chia nhỏ thành kế hoạch hàng năm. Cái đó gọi là nghệ thuật chia nhỏ hay tiến từng bước. Ở đời làm gì có giấc mộng Nam Kha, là gì có chốn đi ngang về tắt. Muốn thành công đều phải nỗ lực và trả giá. Trong khoa học không có đường riêng cho bậc vua chúa, đó là chân lý ở đời. Muốn đi tắt đón đầu chẳng qua xuất phát từ sự ấu trĩ.

Chí ở đây là ý chí. Có ý chí mới làm được, mới vượt qua được khó khăn trở ngại. Từ ý chí con người mới lao động cần cù nhẫn nại. Từ sự lao động nhẫn nại này mà trí tuệ mới nảy nở, mới phát sinh, mới trưởng thành. Xã hội mang ơn nhưng người có trí tuệ lớn, có họ xã hội mới phát triển, mới văn minh bớt mông muội. Càng rẻ rung trí tuệ thì xã hội càng kém cỏi. Từ xưa cha ông đã nói hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Đó là nói về những con người vĩ đại. Chúng ta chẳng thể đòi hỏi mình có được những trí tuệ siêu việt như vậy, những phát kiến lớn lao như vậy nhưng chúng ta hoàn toàn có thể có trí thông minh tháo vát. Không cần thực hiện công việc một cách thông minh, mà thực hiện công việc một cách hoàn hảo, hoàn thiện, đó là đích đến của chúng ta. Mà trí tuệ chỉ có từ lao động.

Ý chí giúp ta làm được những việc tưởng chừng không thể. Nhưng cũng đừng vì cái tôi quá lớn của mình mà cố công chứng minh hay làm cố những việc vô ích, gây hại, gây chướng cho người xung quanh và gia đình, xã hội.

Chí khí. Lịch sử dân tộc ta là lịch sử chống ngoại xâm. Lấy yếu chống mạnh nên chí khí là cái tối cần. Thời nay có được chí khí, giữ được chí khí thật khó khăn. Giữ chí khí có làm mình mất cơ hội làm giàu không, có thăng tiến được trong sự nghiệp không. Hay mềm mại hóa đi để mình khỏi là kẻ ngoài cuộc, để khỏi sinh bất phùng thời.

Câu trả lời rõ ràng ở đây là đánh mất mình là đánh mất tất cả như Napoleon từng nói: mất tiền là không mất gì, mất sức khỏe là mất rất nhiều, mất danh dự thì mất tất cả.

Đứng trước một nan đề, sự được mất hãy tự hỏi mình về Phúc Tâm Chí của mình ra sao.

Vậy nên

Có Phúc thì mới có phần

Có Tâm tốt mới hòng nên người khá

Có Chí thì nên.



Đứng trước đôi câu đối bằng Hán tự có từ năm 1942 ở phòng thờ. Giọng ông sang sảng:

Nền tảng ông cha gầy dựng sẵn
Cửa nhà con cháu đắp xây thêm.



Phúc Tâm Chí - lời dạy của ông
Cọng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập -Tự do -Hạnh phúc

------------------------

Xóm Hến, ngày 10 - 5 -1991

CHÚC THƯ
để lại cho con cháu dâu rể chắt chít trực hệ

của ông Trần Văn Quỳ, bà Nguyễn Sỹ thị Dung (mất) và bà Nguyễn thị Hòa

Ba ông bà sinh được 13 người con: 10 trai và 3 gái; 4 đứa mất sớm (1 gái đầu mộ ở Chọ Bị, 1 trai 10 tuổi mộ ở Núi Bạc, cùng 2 trai mới sinh được 1 tuần thôi). Hiện nay…(chuyện nội bộ).
Thầy học chữ Nho từ lúc 5 tuổi âm, học với can Đồ và ông Tú. Đến 9 tuổi nâm ông Tú mất mới học quốc ngữ, chữ Pháp và cả chữ Nho.
Năm 1924 trường Pháp Việt Hiến Lãng thành lập ở Rạng, thầy mới đi học trường, học được 1 năm đầu suốt năm, rồi lên Đô Lương học lớp 3. Học ở đó 3 năm, thi đậu bằng tiểu học. Rồi tháng 9-1929 thi vào trường Quốc học Huế Phân hiệu Sư phạm.
Hè năm 1930 về nghỉ hè, dạy tư và hoạt động cách mạng ở Đô Lương, vì thế cho nên năm học 1930-1931 bị đuổi học khỏi trường; cuối năm 1931 lại được gọi vào học; đến 6-1934 tốt nghiệp rồi ra đi dạy (1-1-1935) ở trường Rạng làm hiệu trưởng.
Năm đó phần thì trữ tiền lương, phần thì nghỉ hè dạy thêm, phần thì vay nợ, mới mua cái nhà nầy lúc bấy giờ 5 gian tứ trụ, lợp tranh; năm ấy thầy mới 27 tuổi âm; đến tháng 10 năm đó mới xấn đủ tiền 64 đồng bạc Đông Dương (thành 480 quan tiền đồng). Nhà dỡ về, mua lim mít chữa lại: 3 gian ngòai thành nhà tam oai, 3 gian trong thành nội kèo ngoại bầy, lợp ngói, xây tường, cột quyết hẳn hoi, ở vườn cũ (tư gia), hết cả thảy 2000 quan tiền (200đ bạc Đông Dương).
Năm dạy học, lúc thời gian rỗi, mới có ý định: mình nhà nghèo không có của cho con, chỉ lo cần kiệm, cố gắng cho con học đến nơi đến chốn, để chúng có học thức, để biết làm ăn lương thiện, để nối gót ông cha ngày xưa giữ gìn gia phong.
Nay tuổi đã 83, và sách có nói “Sinh hữu hạn tử vô ky”, không biết chính xác mình sẽ từ trần vào giờ nào ngày nào. Vì thế cho nên có mấy lời tâm huyết dặn các con cháu phải:
"Trọng nghĩa khinh tài"
"Đề cao tự lực cánh sinh là chính".
Do đó từ trước đến nay thầy vẫn quyết định các ngôi nhà thầy mẹ làm ra đó thì cứ trên xuống, đứa đầu không ở thì đứa thứ 2, đứa thứ 2 không ở thì đứa thứ 3, v.v… Hiện đứa thì ở Sài Gòn, đứa ở Hà Nội, đứa ở Dùng, đứa sẽ ở Vinh; ở nhà chỉ còn …(mang tính nội bộ)… vậy thầy quyết định:
1/ Giao cho vợ chồng P bảo quản và tu sửa cả 6 gian nhà thầy giao lại sau khi thầy mẹ từ trần. Vợ chồng P phải chăm sóc nhà cửa khỏi mối mọt phá hoại, mái ngói khỏi dột, trong nhà cái gì bị mọt phải thay (hiện bị hư 2 đường xà và 10 khúc hoành); sửa chữa toàn bộ kể cả cửa, xây quyết, có thể tới 2 triệu đồng. Vợ chồng P phải quét dọn sạch sẽ, nhất là những ngày giỗ chạp, hương đèn trầu nước cẩn thận. Việc cúng sẽ có văn viết sẵn.
Những ngày giỗ tết, P và H phải đón tiếp con cháu nội ngoại nếu họ đến lễ nhà thờ, đơn giản nhưng phải tình cảm thấm thía.
2/ Khi thầy ốm nặng hoặc mất đột ngột, điện khẩn cho anh chị em về ngay, lễ mai táng trang nghiêm, lễ phúng viếng giản dị; ngày rằm, mồng một, trăm ngày, ngày kỵ cần hương hoa là được, không nên mâm cỗ linh đình như ăn mừng thì không đúng ý nghĩa; lễ nghi lúc tang do ban âm nhạc xã điều khiển.
Nếu làm được huyệt đúc thì các con táng thầy ở nghĩa trang họ; nếu không làm được thì khi bốc mộ đưa về Núi Bạc, bên mả mẹ, gần mộ em Phục hoặc hỏa táng thì bốc một nắm tro, bỏ vào lọ thủy tinh, để dưới dầng thờ mãi mãi.
Việc cúng đơm chỉ dùng hương hoa là chính, tránh lãng phí xa hoa, lo cần cù tiết kiệm để sinh hoạt hàng ngày đỡ khổ, cần dành dụm để đề phòng ốm đau, tai nạn đột xuất.
3/ Các con dâu cháu rể cần giữ vững tình đoàn kết thân ái gia tộc để ông cha an vui dưới suối vàng, không nên ganh tỵ nhau vì chút tài sản không đáng kể hoặc vì lời nói vụng về.
4/ Thầy thuần túy chỉ đi dạy, không có nghề làm thêm, nên không có của cho con cháu, chỉ tiết kiệm cho con theo học được mà thôi, suốt đời thanh bạch.
5/ Anh chị em con cháu trong gia tộc cần thân ái đoàn kết với nhau, lo học lo làm, trau dồi đạo đức tư cách, rèn luyện thân thể khỏe mạnh để tạo ra một cuộc sống thoải mái, được bà con họ hàng, bạn hữu, xóm làng tín nhiệm, đặng đề cao thanh danh của gia tộc nhà mình đời đời bền vững quy củ.
6/ Ở đời cần có “ PHÚC - TÂM - CHÍ “, có phúc thì mới có phần, có tâm tốt mới hòng nên người khá, có chí mới có thể thành người khá toàn diện: “Có chí mới nên”.
7/ Con dâu cháu rể chắt chít v.v… phải phục tùng tuyệt đối bản chúc thư này và các lời khuyên răn quý báu đó. Đứa nào làm trái những điều khỏan trong đây sẽ phạm tội bất hiếu với cố can ông bà bố mẹ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét