Cổ sử Việt với bài sự tích trăm trứng tuyên xưng dân Việt là giống lai giữa rồng và tiên để lại một câu đố chưa có lời giải.
Đó là 50 người thì theo mẹ lên núi Vĩnh Phú ngày nay, ông con đầu xưng là vua Hùng thứ nhất. Còn 50 người theo cha ra biển (đoán thế vì cha giống rồng ưa nước). Từ đó đến nay không có tông tích nào về họ, cứ như là trường hợp MIA đầu tiên của tộc Việt vậy.
50 người theo mẹ làm vua thì rõ rồi, thời đó theo mẫu hệ nên 50+1 kia phải ra đi (có thể coi 50 người này theo hệ phái phụ quyền, khi đó quá yếu). Nhưng vậy thì đi đâu?
Theo như bài trước về linh vật của người Việt thực ra là mèo nên không khoái nước. Theo cha Sùng Lãm bơi lội như cá mà lại chưa biết đóng thuyền, cá bắt con được con không, bữa đói bữa no nên oải.
Thế là một hôm anh con đầu trong 50 chàng nhân cha đi vắng mới họp 49 em lại bàn mưu.
Thế này không ổn, ta ở bờ biển hoài thế này đói, mà toàn đực rựa lấy đâu gái mà sinh sôi nòi giống, đêm khó ngủ quá. Cha thì già, đi hoài, trước dặn có gì nghiêm trọng mới kêu.
Thôi thì ta bỏ bờ biển (Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay) để đi vô vùng Bắc trung bộ. Vùng Thanh Nghệ Tĩnh rừng rậm rạp, muông thú nhiều, gái Mường đẹp. Ta nên tới đó mới là kế vững bền. Cả bọn nhất trí kéo nhau đi.
Note: Ngày nay HP, QN vẫn còn dấu tích rồng như vịnh Hạ Long, đảo Bạch Long Vĩ,...
Đời này qua đời khác cuộc sống ấm êm no đủ dần, và chế độ mẫu hệ bị quân tàu qua dẹp tơi tả. Từ đó nam hệ phụ quyền lên ngôi, đàn bà từ việc đi đứng hiên ngang nay phải đi nhẹ, nói khẽ, nhường những việc lớn cho đám đàn ông đàn ang.
Đỉnh điểm của việc khẳng định nam quyền là khởi nghĩa Lam Sơn. Phe 50 người theo mẹ thoái trào, giờ đây 50 người theo cha lên làm vua.
Những người ở Thanh hóa lần lượt làm vua, không có xứ nào làm vua lâu như vậy trong lịch sử nước ta.
Từ Lê Lợi dân Thanh, tới chúa Trịnh trộm gà cũng dân Thanh. Vua Lê chúa Trịnh, thuật ngữ chỉ thực quyền chúa Trịnh, vua Lê chỉ có hư danh thực ra cũng dân Thanh xứ ta cả.
Rồi một ông Thanh hóa khác, Nguyễn Hoàng bị chúa Trịnh tỳ đè. Ông sợ, rối, may được Trạng Trình bày kế Nam tiến thoát vòng cương tỏa của ông anh rể.
Từ đó dân Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mới cùng theo vô, chiến công nhiều và thế lực cũng
mạnh lên cùng những nhân vật kiệt xuất phát lộ từ đây.
Từ chúa Nguyễn Hoàng đến triều vua Nguyễn tồn tại đến 1945, hậu duệ của 50 người con theo hệ phái phụ quyền này đã mở mang bờ cõi lớn hẳn so với hệ phái mẫu quyền.
Từ Thanh Hóa tới mũi Cà Mau, công nghiệp to lớn, thế lực vững vàng.
Như vậy, nếu đánh giá cuộc thi đua giữa 50 người con theo Mẫu phái và 50 người con theo Phụ phái ta có thể khẳng định 50 người này đã di chuyển vô miền Trung mà cái nôi là Thanh Hóa để phát triển tới ngày nay chứ không có chuyện vượt biển qua thành người Inđo, người Nhật như một số giả thuyết khác.