Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Văn Cao tiên tri


Đò ơi! đêm nay dòng sông Thương dâng cao 
Mà ai hát dưới trăng ngà 
Ngồi đây ta gõ ván thuyền, 
Ta ca trái đất còn riêng ta. 
Đàn đêm thâu 
Trách ai khinh nghèo quên nhau, 
Đôi lứa bên giang đầu. 
Người ra đi với cuộc phân ly, 
Đâu bóng thuyền Trương Chi?

Xưa nay dân Việt chỉ phục có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tài tiên tri. Sấm Trạng Trình ùng oàng, con cháu cứ lấy ra so so luận luận chuyện thời thế, chuyện tương lai mỗi khi năm hết tết đến hoặc khi thiên hạ có biến. 
Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thời xưa cũng còn được dùng làm sách bói, nay thì món đó cũng ít người xài.
Còn Văn Cao, mọi người xem ông là tiên chỉ của làng nhạc Việt không hẳn chỉ vì ông sáng tác Tiến Quân Ca năm 1944 được chọn làm quốc ca mà người đời còn nhớ mãi những suối mơ, thiên thai, trương chi...
Ông là tiên chỉ, nhưng mọi người ít để ý tới tính tiên tri trong những sáng tác của ông.
Ví dụ như bài tiến về Hà Nội ông sáng tác năm 1949:
Trùng trùng quân đi như sóng 
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
cờ ngày nào tung bay trên phố ...


Năm 49 là năm khó khăn bậc nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Giữa mịt mù đêm đen vậy mà Văn Cao vẫn mơ:

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về 
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh...

Thì thật lãng mạn. Nghe nói thời ấy nhiều cấp trên đã phê bình ông lạc quan tếu, đề nghị kiểm điểm sâu sắc ông. Chính cái sự suy nghĩ đơn giản, thô thiển này đã đẩy Phạm Duy trở về thành. 
Những cái đầu bình thường, bé nhỏ này hiểu sao được trực giác của người nhạc sỹ tài danh dù họ sau này cũng còn làm khổ ông suốt sau này với những nhân văn giai phẩm...
May sau đó từ năm 50 nhờ sự giúp đỡ toàn diện của Trung Quốc mà quân ta lật ngược thế cờ để năm 1954 tiến về Hà nội như Văn Cao từng hát cách 5 năm.
Năm 1944, Văn Cao sáng tác Tiến quân ca, nó được sử dụng làm quốc từ 1945 tới nay.
Thời 45 tới những năm 80 là thời binh lửa. Chiến tranh đâu phải như phim, chỉ có địch chết, địch thua còn ta thắng trận khỏa re, bị thương sơ sơ tý. Thực chất thằng này gãy gọng thì thằng kia cũng què tay. Một ông tướng thì phải nướng bao quân...

"Đường vinh quang xây xác quân thù..."   báo trước một trận chiến dài hàng mấy chục năm, đẫm máu, khốc liệt nhất trong lịch sử dân tộc. Hẳn Văn Cao khi viết những dòng này ông cũng không hình dung ra xác quân thù, xác quân ta nhiều như thế, nhưng ông đã đoán đúng cho hàng vài chục năm sau.
Âm nhạc như vậy phản ánh thời ta đang sống, đoán trước dòng chảy thời cuộc xã hội một cách tổng quát. 
Miền Nam những năm 60 dòng nhạc bi, hay còn gọi nhạc vàng, nhạc sến lên ngôi phải chăng là một điềm báo cho sự vong quốc mười mấy năm sau đó. 
Giống như lứa tuổi trên dưới 50 giờ thích quay lại nghe nhạc vàng, nhạc tiền chiến do nhu cầu của những tế bào đang lão hóa của cơ thể đòi hỏi. Giống như cảm giác thời gian trôi nhanh hơn khi tuổi nhiều là cơ chế đếm ngược đã được bật lên, on cho ngày chuẩn bị về với cát bụi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét