1. Ngăn cách thì ví dụ có nhiều như các tầng lớp trong xã hội chẳng hạn. Nhà nghèo mà tiến lên được tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu thì khó, cứ xem Gasby vĩ đại thì biết.
Hay trong công ty thì phải phân ra nhân viên, cấp phòng, giám đốc...tôn ti trật tự căng thẳng, vi phạm là chết ngay.
Sang đồ vật thì túi táo hay túi khoai tây, có trái củ nào chớm hư phải bỏ liền không chúng làm hư hết mấy cái kia. Tàu bè cũng vậy, phải chia nhiều khoang, lỡ vô nước khoang này thì còn khoang khác khô cho khỏi bị chìm.
Nhưng đâu phải khi nào ngăn cách cũng tốt mà cũng còn phải theo nguyên tắc bình thông nhau ví dụ như dẫn thủy nhập điền chẳng hạn. Rồi thì giảm chênh lệch giàu nghèo.
Tới đây thì mâu thuẫn giửa ngăn cách và bình thông nhau lộ ra. Bạn đã hiểu sao chênh lệch giàu nghèo không xóa bỏ nổi, trải nghiệm bao cấp là một hiện thực hùng hồn nhứt.
Tiến thêm chút nữa sao bây giờ tham nhũng nhiều, cũng vì để nguyên tắc bình thông nhau mạnh quá. Trái táo thối không vứt ra kịp thời làm lây lan hết cả.
Nên những chuyện như Vinashin, sáp nhập ngân hàng mà theo nguyên tắc bình thông quá thì rối.
Nhưng nếu không thông nhau thì ước mơ bình quân lại bị nghẽn mà đây lại là giấc mơ gốc.
Vd như nước ngoài 1 người trong khối tư nhân có thể qua làm bộ trưởng và ngược lại, ở ta thì ngay từ DNNN qua làm công chức cũng phải qua mấy bộ xem xét.
Lo từng cái kim sợi chỉ như vậy nên bỏ sót chuyện lớn là đương nhiên như chuyện đang là người tốt hóa ra người xấu ngay được, hay chả có ngăn cách nào giữa người lành và dân xã hội, thông nhau quá gần như là song hành trong mỗi con người vậy.
2. Độ kênh và nhập tách
Quân đội, công an, giáo viên cùng hưởng lương bằng 1,8 lần so với lương công chức. Nhưng về hưu thì giáo viên hưởng lương hưu bình thường như những người về hưu khác trong khi 2 lực lượng kia vẫn 1,8. Cũng đơn giản, hết dạy thì hết ưu đãi. Nhưng rõ ràng là so về công lao thì nhà nước thấy CA, QĐ hơn.
Công an giờ tướng nhiều. Giám đốc CA tỉnh, thành phố, cục vụ viện là tướng trong khi bên QĐ tương đương chỉ là đại tá. Ta cũng có thể thấy ai được ưu ái hơn.
Bên công chức thì thứ trưởng và tương đương mới có tiêu chuẩn xe công đưa đón từ nhà trong khi bên khối doanh nghiệp nhà nước thì miễn là giám đốc dù công ty lớn hay bé cũng được tiêu chuẩn đưa đón. Có người phản bác vì doanh nghiệp làm kinh tế nên được ưu tiên. Ưu tiên thì ưu tiên nhưng kể ra anh giám đốc DNNN loại 3 hàm chỉ tương đương trưởng phòng mà xe đưa xe đón ngang tầm công chức cao cấp thấy cũng thế nào.
Trong một bộ, ví dụ như bộ giao thông vận tải thì anh đường bộ do xài tiền nhiều nên là tổng cục. Còn bên đường sông đường biển ăn xài ít thì chỉ là cục thôi. Nói chỉ là cái tên nhưng thực ra nó phản ánh tầm nhìn ghê gớm nên cũng đừng ngạc nhiên khi ngành vận tải biển, sông, đóng tàu kém ở mức quá kém.
Sau 75, với tư duy làm ăn lớn, tiến nhanh tiến mạnh lên CNXH thì các tỉnh được nhập vô như Bình Trị Thiên từ 03 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên; Phú Khánh từ Phú Yên, Khánh Hòa;...Các công ty cũng được gom vô thành Liên Hiệp các xí nghiệp, tổng công ty, tập đoàn.
Các bộ cũng lần lần nhập vô như bộ nội thương và bộ ngoại thương nhập lại thành thương mại, rồi bộ thương mại lại nhập vô bộ công nghiệp (kết hợp từ bộ công nghiệp nhẹ và CN nặng) thành bộ công thương.
Nghe âm hưỡng Nhật bổn ghê gớm nhưng quên mất một điều là người ta là nước công nghiệp hóa rồi còn mình thì 20 năm nữa đã chắc được chưa.
Lần hồi mới thấy không ổn do trình độ quản trị kém, trình độ cục bộ cao nên các tỉnh tách ra. Tách ra với số lượng và quy mô gần giống thời Pháp thuộc. Tập đoàn thì đã tụt hạng xuống tổng công ty, có cái như Vinashin còn chia 5 sẻ 7 để gánh nợ. Tiếc rằng thời đó chẳng có khuôn mẫu bao nhiêu bộ, doanh nghiệp thì như thế nào để mà sửa đổi cho nó hợp cách.
3. Sao anh ý lại lạy
- Đại nhân: mất tiền là không mất gì, mất sức khỏe là mất nhiều, mất danh dư mất tất cả (Napoleon)
- Quan nhân: mất danh dự là không mất gì, mất tiền là mất nhiều, mất sức khỏe mất tất cả ( xem mặt dày tâm đen)
- Thường nhân: mất sức khỏe là không mất gì, mất danh dự là mất nhiều, mất tiền mất tất cả (nhà giàu đứt tay bằng ăn mày sổ ruột)
Câu hỏi khó: Bạn thuộc loại nào
Mấy hôm nay xôn xao chuyện trai Việt dẫn bạn gái đi Sing mua Ip6 bị lừa mất 550$ đã tiếc tiền, quê độ, uất ức, bất lực quỳ lạy tên bán hàng lừa đảo để xin lại số tiền.
Vậy vì sao anh ấy lại quỳ lạy.
Nói nhanh là nghe quỳ lạy giờ thì phản cảm chứ thật ra ta mới hạn chế quỳ lạy, thấy quỳ lạy là xấu mới đây thôi, từ khi Tây đến.
Trước đó thì chuyện quỳ lạy là chuyện thường ngày như ra công đường lạy quan, về nhà lạy cha mẹ, phu thê giao bái chuyện thường ngày.
Xưa Võ Tòng cũng có câu để đời: chết đứng còn hơn sống quỳ. Ý nói thà chịu chết chứ không chịu nhục. Nhưng Võ Tòng là ai, nhìn đi thì anh hùng, nhìn lại thì là 1 trong 108 đầu lĩnh Lương Sơn Bạc, đâu phải người thường.
Hay Cao Bá Quát, nổi tiếng chỉ quỳ trước hoa mai, chỉ cúi lạy cái đẹp. Cử chỉ đó ở thời văn hóa quỳ lạy cũng là 1 cái gì hết sức đặc biệt, cũng bởi ông chẳng phải người thường.
Ngay như chúng ta, giờ còn quỳ lạy ai: ra ngoài thì đền chùa miếu mạo, về nhà thì cúng lạy tổ tiên, thờ cha thờ mẹ.
Nhớ lại chút nữa thì khi bị ăn hiếp, ăn cướp đôi khi bí quá, sợ quá cũng phải lạy van chúng xin tha. Thậm chí khi cưa gái cũng còn có thể giở ra xin lòng thương hại.
Nói vậy để thấy quỳ lạy thực ra vẫn còn chảy trong huyết mạch người mình, chỉ là giới hạn lại thôi. Đấy là nói đến quỳ lạy thông thường, còn quỳ lạy phi vật thể thì kể không hết, chưa biết nhục nào hơn nhục nào.
4. Sự tích cái quơ tay
Quơ tay hay khoát tay là động tác con người hay dùng trong body language nhằm để thuyết phục, ra dấu chấp nhận, đồng ý với tư cách bề trên một chút:
- Trung đội trưởng khoát tay ra hiệu tiến lên
- Bác X khoát tay ra hiệu đồng ý
- Bác X quơ tay ra hiệu mọi người im lặng...
Vậy tại sao con người lại khoát tay quơ tay trong những trường hợp đó?
Từ xa xưa con người đã biết nuôi gia cầm gia súc. Thường thì chồng săn bắt về cho vợ nuôi. Gia cầm nhỏ như gà vịt thì vợ con ở nhà nuôi, chồng không để ý tới. Đàn ông làm việc lớn mà, săn bắn, nuôi gia súc lớn mới đáng kể chứ nhằm nhò gì ba cái gia cầm lẻ tẻ.
Một hôm, trời mưa, vơ con đi vắng anh chồng muốn nhậu mới ra sân bắt gà. Tưởng khó khăn ai dè anh quơ tay một cái, cả đàn gà mái nằm bẹp. Anh ta bèn bắt một con vặt lông làm mồi nhậu, chỉ tiếc không bắt được gà trống, nhưng thịt gà mái ngon mềm hơn.
Cứ thế, anh quơ tay thành thói quen. Miết rồi khi ra hiệu cho vợ con anh cũng quơ tay. Tới khi được bầu làm tù trưởng anh cũng quơ tay.
5.Vài kỷ niệm về tiết kiệm
Đối với dân ta, tiết kiệm luôn tốt, thậm chí là quốc sách. Cứ coi cái hóa đơn tiền điện thì rõ. Xin kể hầu vài chuyện về tiết kiệm:
- Có nhà thời bao cấp được cung cấp nhiều bánh xà bông 72 độ xút của Liên Xô (cục vuông nâu, hôi xì, được cái cứng, mài mãi mới hết). Sau đổi mới, xà bông các loại vô thiên lủng. Xà bông 72 bỏ đi thì tiếc nên đã cắt nhỏ ra dùng để rửa tay, rửa chén...phải tới quãng chục năm sau mới hết.
- Hồi đi làm cho NH nhà nác giấy vệ sinh mất nhiều tới nỗi không dám để trong WC nữa mà giao về cho từng phòng quản lý. Tưởng tượng cảnh cả phòng đang chăm chú làm việc bỗng một người vội tới mở cửa tủ, rón rén ngắt một đoạn giấy đút túi. Bà con kêu lắm nhưng lệnh ban ra từ cấp cao nên cứ thế. Tất nhiên sau vài tuần thì lệnh được âm thầm bãi bỏ.
- Tới thời công nghệ thông tin thì tiết kiệm được đẩy lên tầm cao mới, tinh vi hơn. Đó là in ấn, photo mỗi người phải có password của mình để quản lý biết được từng người dùng bao nhiêu giấy. Thay vì đặt giấy là photo giờ đây thêm bước gõ pass gọi là cải tiến thủ tục hành chính.
Chợt nghĩ tới cách phân loại ngày xưa theo mức độ chăm chỉ và năng lực. Điều đáng tiếc là số đông lại rơi vào mức dốt mà lại chăm, thể mới hiểm. Và quy trình hành chính còn phát huy độ đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành nữa mới đưa tiết kiệm lên mức A+++.