Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Những ngày sơ tán

Đồng bằng sông Hồng 
Đồng bằng sông Hồng xưa là vùng đất thấp, sông Hồng là 1 con sông có độ dốc tương đối nên dòng chảy hung dữ. Thời Cao Biền xây thành Đại la bắt đầu đắp đê trị thủy. Cứ thế đê được tiếp tục đắp qua các đời Lý Trần nhưng đồng bằng này về cơ bản vẫn là vùng đất trẻ, đang bồi đắp nên lũ lụt xảy ra thường xuyên. 
Điều đó dẫn đến số người tại đồng bằng vào thời Trần chỉ khoảng 3 triệu và không phải giàu có trù phú gì. Kết quả người vùng đất thấp - Kinh lộ này đã thua người vùng cao - Trại.
Thời Lê việc đắp đê đẩy mạnh, dòng sông bị be bờ làm nó càng hung dữ và lụt lội liên miên. Đất vừa mất phù sa màu mỡ, người thì công sức đắp đê chống lụt rất tốn. Kết quả người đông lên nhưng vẫn nghèo đói, khó lòng thịnh vượng được. Đây là 1 lý do làm cho người vùng đất thấp khó phát triển vượt qua người Trại vùng cao, 1 đặc điểm đi ngược lại qui luật chung của VN.

Cao Bá Quát
Ông có câu thơ:
Ngán thay cái mũi vô duyên
Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ an
Được đa số giảng nghĩa là ổng chê thơ của hội thi xã (nhóm những nhà thơ hàng đầu đất thần kinh Huế) là dở, nghe khắm như con thuyền chở mắm Nghệ an.
Nhưng có điều lợn cợn thì người Việt ngửi mùi mắm quen, ít người chê thúi. Nếu CBQ chê thì do ông ăn tương quen? 
Và ông tự nhận là vô duyên. Điều này chứng tỏ chỏi về phong tục tập quán. Ông người Kinh Bắc ninh nên ngán, không ưa người Trại. Ông không thích thơ của họ, không thích lối ăn mắm của họ...và đó là động cơ ông tham gia khởi nghĩa nông dân sau này?  


(TLTK)
Đọc cuốn sách này làm tôi nhớ lại rõ mồn một những ngày về sơ tán ở Quý cao, Tứ kỳ tỉnh Hải dương, nhớ bến phà Đen những ngày đi vớt rươi rồi căn nhà ngang nhà bác Bút nhường cho ở.
Nhà bác Bút là 1 trung nông điển hình của đồng bằng Bắc bộ. Nhà ngói, sân gạch, ao cá, vườn cam, giếng nước, bụi tre trước ngõ, cây rơm gần chuồng bò. Nhà có nhiều anh chị tôi chỉ còn nhớ Đường Phèn 2 đứa hơn tôi 1 vài tuổi.
Có hôm đang chơi gần bụi tre thì thấy con rắn cạp nong bò từ ngoài vô, nói Đường anh bắt đi vì đi mò cua bắt ốc thấy Đường rành rẽ lỗ nào lỗ lươn, lỗ nào lỗ chuột lỗ rắn và thò tay vô bắt lươn, bắt rắn nhoay nhoáy. Đường bảo con này sức anh không bắt được, để gọi ông anh ra.
Anh trai cỡ 14,15 tuổi bẻ 1 cành tre xua con cạp nong, 1 hồi thì nó bò ra trườn trườn ngóc cổ định đớp. Nhảy nhảy lựa thế 1 hồi ảnh tóm được đuôi con rắn rồi quay tít. Đang quay nó vươn cổ tính đớp gần người thì lại thả con rắn ra, rắn bò đi thì lại túm đuôi…vài lần như thế rắn ta đầu hàng nằm sóng sượt vì bị dãn xương sống, trong bụi tre hóa ra có ổ trứng đang ấp.
Cam trong hiểu biết của tôi hồi đó thì ngọt, ai dè xơi trái cam rụng ở vườn chua loét nhưng sau lần đó mới được chỉ cây nào cam chua, cây nào cam ngọt.
2 bác ngồi ở sân nấu nước vối uống. Khi đó uống hột vối chớ không uống lá như bây giờ. Dân miền bắc uống vối, dân trung uống trà xanh, hồi đó chưa biết chuyện dân nam uống trà đá. Cà phê thì chỉ dân chơi phố huyện trở lên mới uống, mấy quán cà phê đó như là 1 thế giới khác vậy. Đó là người lớn uống nước còn tụi con nít thì cứ làm gáo nước mưa mát rượi và ngọt mãi.
Nói chuyện uống nước mới nhớ chuyện đi đái. Sơ tán về cái là bác gọi ra bảo ngay, có đi đâu thì đái vào cái ang sành đựng nước tiểu này nhé. Đàn ông đàn bà quê hồi đó chuyên mặc quần ống rộng kêu quần què, chỉ cần vén 1 bên ống lên, hơi ghếch chân là đái tốt. Nước tiểu pha loãng tưới rau nên nhà nào cũng giữ khư khư. Tôi lần đầu thử ướt hết cả chân làm mọi người cười rũ bảo vài lần mới quen.

Có con lươn nhỏ vùi trong tro rơm thơm lừng, mùi rơm cháy quyện với mùi thịt đặc biệt lắm nhất là khi thui chó. Trước đó bà Bút nói để bác nướng con lươn này cho cháu ăn nhé. Thằng em gật đầu rối rít ăn ăn, mùi nướng thơm lắm, dạo đó đâu biết cách này gọi là nướng mọi, nướng trui. Tới khi chín bả lại cười ném cho con chó làm nó khóc ăn vạ ầm ĩ, dỗ mãi không chịu nín, vừa ấm ức vì ngon thơm không được ăn, vừa bị lừa trắng trợn.
Dân vùng đó hay nấu rơm nên nhà nào cũng có cây rơm rất to, các nam thanh nữ tú thường tranh thủ ra đây tình tự nên tụi nhỏ ở quên có màn rình đôi bên đống rơm giống như con nít phố rình đôi ở công viên hay đường vắng vậy.
Mức sống ở nông thôn dạo đấy khá hơn thành phố vì có vườn cây ao cá nuôi gà lợn tự túc được. Mấy con lươn nhỏ nhỏ không them ăn mà cho chó là 1 minh chứng.
Thể nào thằng bạn học ĐH cùng tới năm 4 học kinh tế vẫn bảo nông dân nuôi sống dân thành phố.

Phép vua thua lệ làng
Người ta hay nói phép vua thua lệ làng rồi đất vua chùa làng. Giờ thì người ta hay nhắc tới khía cạnh tiêu cực của câu nói là sự không tôn trọng phép nước. Nhưng thử hỏi nếu lệ làng không hợp tự nhiên, tập quán thuần phong mỹ tục thì làm sao thắng được phép vua. 

Mỗi làng cổ đều có các hương ước. Rất nhiều lệ trong hương ước ngày này vẫn còn giá trị. Hương ước được lập bởi một hội đồng tư văn làng xã, gồm các chức sắc, các chức mua, các vị tiên chỉ, các nhân sĩ hưu trí, những người cao tuổi,... Vậy lệ làng được lập ra bởi tập hợp các bộ óc thông thái nhất của làng. Đó chính là truyền thống dân chủ cao mà dân ta đã tích luỹ được trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Hương ước thực ra cũng na ná nhau giống như làng nào cũng có cổng làng, cây đa, giếng nước, lũy tre, đình, chùa vậy. Chỉ trừ 1 số điều khác do thờ thành hoàng khác nhau. VD như làng ở Thái bình thành hoàng là ông ăn mày thì có quy định lúc nông nhàn làng phải đi ăn xin chả hạn.
Thêm nữa, ngày xưa vua chỉ quản tới làng chớ không quản tới từng người, chính quyền chỉ tới huyện. Lý trưởng sẽ thay mặt làng làm việc với tri huyện. Việc này làm làng có tính tự trị cao như 1 dạng xã hội dân sự kiểu VN và bộ máy quan lại thời phong kiến ít người, tinh gọn. Khi TQ, Pháp xâm lược thì cũng vẫn giữ nguyên bộ máy làng này do không có người cai trị và nếp cai trị cũ tiện lợi quá, dung người Việt trị người Việt luôn là bài của họ mà.


Con người tinh tế
Ông Phạm xuân ẩn có câu chuyện rất hay nói về tính cách 3 miền khi đưa ví dụ ăn cơm với trứng. Dân nam lủm trái trứng trước, sau ăn cơm không với hi vọng hên thì sẽ có trái trứng khác. Tới đâu hay tới đó nên sở trường phá rào, bung ra đổi mới.
Dân trung thì để dành, ăn cơm cá gổ trước rồi ăn trứng cuối bữa. Ý là chịu gian khổ để hưởng ngọt bùi, mấy câu thắt lưng buộc bụng để xây dựng thành công CNXH là từ đây.
Còn dân bắc dù gì thì gì cũng nhẫn nha vừa ăn cơm vừa ăn trứng tới miếng cơm cuối cùng là hết trứng. Học ăn học nói học gói học mở là thế nên trùm về kế hoạch hóa. Kim Ngọc tính phá rào khoán hộ là bị dập liền.
Nên người bắc tinh tế, tài hoa và tính toán khéo lắm. Nam Cao tả Bá Kiến là lột được vẻ tinh túy của dân bắc, người kinh lộ. Giải quyết vấn đề 1 cách khôn khéo, không làm mất mặt ai cả vì lời chào cao hơn mâm cỗ, sỹ diện là cực kỳ quan trọng.
“Quả thật, người ta lấy làm ngạc nhiên về sự tế nhị, về óc thủ đoạn, tính quỉ quyệt mà một người nông dân bình thường có thể có, trong khi dáng vô hại bề ngoài khiến người ta tưởng rằng họ không biết gì xa hơn cái đít trâu.”
Hơi giống bác Sancho trong Don Kihote nhà hiệp sỹ tài ba xứ Mancha nhỉ. Đúng là Đông Tây gặp nhau, nông dân thì bao giờ cũng khôn lỏi và thực tế.


Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến
Câu trên chỉ cảnh đô hội, tấp nập hàng hóa xuôi ngược. Kinh kỳ là Thăng long còn phố Hiến ở Hưng yên.
Đàng Trong có Hội an thì Đàng ngoài có phố Hiến, 2 chúa đều mở cảng cho tàu buôn nước ngoài để họ buôn bán còn nhà nước thì thu thuế và mua đại bác, thuốc sung trang bị để bắc nam tranh tài cao thấp.
Tuy nhiên chúa Trịnh thì đa nghi hơn và quan lại miền bắc thì nhũng nhiễu hơn nên người Nhật, người Hoa không trụ nổi lần lượt bỏ đi chỉ còn người Hà lan cực kỳ khôn khéo, biết ngoại giao, biết cả tặng quà nên ở lại được tuy rồi cũng không bền.
Họ khéo tới mức gả cả cô gái Hà lan làm vợ vua Lê thần tông (Lê duy kỳ) và là ông vua VN đầu tiên có vợ Tây.
Phố Hiến sầm uất cỡ bằng 1/3 Hội an căn cứ theo lễ vật cúng chùa mà ông Lê Quý Đôn ghi chép lại. Được 1 thời gian, sau đó nghi người Hà lan làm gián điệp nên chúa Trịnh đóng cảng, chấm dứt 1 thời phồn hoa phố Hiến.
Bệnh nhìn đâu cũng thấy gián điệp là từ đó ha.

Xếp hàng thì tới lượt
Có lần xã trưởng ở làng đưa ra chuyện sẽ đắp 1 con đê giữa làng. Dự án này thật vô lý và họ quyên góp của dân làng 400đ. Lý trưởng lên quan và dâng nộp 200đ cho tri huyện để xin quyết định bãi bỏ việc đắp đê. Tri huyện kinh ngạc vì con đê đó vô tích sự. Sau ông hiểu rằng dưới bóp nặn dân để lấy 200đ chia nhau và đút lót quan trên 200đ.
Còn vô số khoản hà lạm như chia ruộng công…nhưng người nông chịu đựng dễ dàng sự hà lạm đó vì họ không mất hết hi vọng 1 ngày nào đó trở thành chức dịch và sẽ được hưởng những đặc ân đó. Tới lúc đó họ sẹ rung đùi thưởng thức sự thú vị những đặc quyền của quyền lực, cờ đến tay ai người đó phất mà.
Cơ cấu dân chủ của làng xã không thừa nhận quyền cha truyền con nối và dành cho mọi người khả năng tiến lên bậc thang quyền lực bằng 2 cách là tiền hoặc tuổi tác nên làng quê yên ả và ổn định vì mọi người hiểu rằng xếp hàng thì sẽ tới lượt.

Hội hè đình đám
Dạo này việc họp hội lớp từ mẫu giáo tới đại học, từ ngắn hạn tới dài hạn, rồi đồng hương đồng khói…nở rộ. Nhiều người hoan hỉ tưởng như là thú vui mới. Thực ra hội hè là truyền thống lâu đời ở làng quê.
Các làng thường luôn chia phe nhóm theo họ hàng, phe này tiên chỉ thì phe kia lý trưởng…rồi có hội văn, hội võ, hội người già rồi hội đấu vật, chơi chim, chèo thuyền, ca hát…sản sinh do sở thích hội họp và ăn uống của người nông dân. Trong những nhóm đó người nông dân trẻ tập làm quen với đời sống công cộng, tập dượt vai trò của họ sẽ đóng trong làng và tập ăn nói nâng cao uy tín bản than cũng như tham gia để biết dư luận nói gì về mọi thứ.
Dư luận đồn thổi trong làng xã là 1 loại quyền lực, ai khác người hoặc lẻ loi sẽ bị lép vế ngay.

Mua đất và cho vay
Truyền thống ngàn đời ở Bắc bộ là người có đất là người giàu và cứ có tiền là dành dụm mua đất. Mua đất vừa là để của vừa là có danh nhất là đất trong làng. Điều này là hợp lý ở nơi kinh tế phát triển chậm và mật độ dân số cao tới mức đất ruộng được quí trọng và khan hiếm nhất trong 3 miền Nam Bộ: 1 sào = 1000 m2
Trung Bộ: 1 sào = 500 m2
Bắc Bộ: 1 sào = 360 m2,
Đã cho vay thì thường lãi suất khoảng 36% một năm và khấu luôn lãi của năm đầu vào số tiền cho vay tức là người đi vay chỉ nhận được 64đ cho khoản vay 100đ vì cả hai bên cho vay và đi vay đều thiếu thành thật với nhau.
Người có tiền chỉ cho vay trong những phủ huyện mà người đó ăn cánh với quan nha, được chia cho 1 phần lãi. Tất nhiên người đi vay cũng chả có ý định trả lãi nợ mà ruộng đất thì không tịch thu được. 
Con nợ cứ ỳ ra nhưng do có sự trợ giúp của quan nha nên chủ nợ cũng thường thu được lãi trong khoảng 4,5 năm với chiêu cổ truyền chống chây ì là thuê Chí phèo vứt đồ bẩn và chửi bới, ngồi lên bàn thờ...giờ mới xuất hiện Chí phèo, ở nơi có Bá kiến thì dứt khoát phải có Chí phèo.

Tay chuyên lại thiệt
Người thợ chăm chỉ và khéo léo làm ra được những đồ vật tinh xảo. Nhưng độ hoàn thiện chỉ ở mức vừa thôi vì nếu lành nghề quá, có tiếng tăm thì vua hay quan sẽ rước về làm đồ cho vua quan. Có điều rằng họ lại phải làm việc cực nhọc, yêu cầu cao mà trả công rất thấp nên càng giỏi, càng có tiếng thì lại càng thiệt thòi. Với việc vua quan không có ý định chi trả thích đáng mà coi họ như nước sông công lính thì nhất nghệ tinh, nhất thân vinh thật là khó sống.
Chuyện tự nhiên là tay nghề chỉ nên ở mức tầm tầm và cứ dấu nghề mãi thì thành tầm tầm thật sự. Và họ chỉ trổ tài hoa bằng cách như đồ sứ làm tại VN nhưng lại giả là hàng TQ, vậy là kỹ năng làm hàng giả có từ đó chớ không chỉ người Hoa Hongkong bên hông Chợ lớn mới có nghề.
Nghịch lý này giờ vẫn rõ, các công ty tìm thợ lành nghề đỏ con mắt.


Quanh lũy tre làng
Các làng xưa thường trồng tre bao quanh địa giới làng mình và làng tự hào về lũy tre làng lắm. Khi làng phạm lỗi với triều đình thì 1 trong những hình phạt là phá lũy tre. Làng mất lũy tre như gái bị gọt trọc đầu vậy. Nói thế để thấy tinh thần cố kết tới mức ốc đảo của làng Bắc bộ tới mức cấm trai làng lạ lấy gái làng mình rồi ngụ cư 3 đời mới có thể được chia đất, ngồi chiếu đình chẳng hạn.
Thói quen này làm các làng ven biển từ Nam định tới Ninh bình xưa vẫn bám vô đất mà không thạo nghề đánh cá. Cả vùng duyên hải chỉ Đồ sơn là dân đánh cá mà triều đình lại xét nét là hải tặc. Hải phòng sau này đánh cá trước 1979 cũng chủ yếu là người Hoa.
Khi làm việc gì mang tính phiêu lưu, mạo hiểm chút cũng bị gán cho là ôm phản lao ra biển. Không thích biển cũng là 1 đặc tính khác biệt giữa người Kinh và người Trại như Cao Bá Quát chê câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ an là 1 ví dụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét