Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Lý do thuyền lật

(Hình minh họa, chôm trên net)

Hồi đầu 70 khi ấy khoảng 5 tuổi ở khu tập thể trường ĐH Đường thủy, Phương Lưu Hải Phòng. Giữa các dãy nhà cấp 4 làm lớp học là hồ nước. Những hồ nước này trên thì nuôi rau muống, dưới thả cá. Mà lạ chả thấy ai câu, chỉ năm 1 lần tát ao thu hoạch cá. 
Mỗi ngày tát ao là 1 ngày hội, từ sớm tinh mơ đến tối mịt. Sáng thì thu hoạch chính quy, chiều trễ thì của tụi trẻ hôi cá. 
Cũng cái ao này hồi nhập trường Hàng hải và Đường thủy, 1 chức sắc đã bị lũ sinh viên quá khích đẩy xuống ao ướt như chuột lột.
Mấy dãy nhà cấp 4 cũng được nâng cấp định kỳ, khi tôi nhỏ là vách tre, mái lá xứng danh mái trường XHCN thời chiến, sau này thời bình khi tôi lớn quay về học thì tường gạch mái ngói đàng hoàng.
Chú Nhật giáo viên (tôi nhớ là người Hoa) khéo tay lắm. Dạo đó giáo viên có nhiều cô chú người Hoa tham gia giảng dạy từ môn cơ sở cơ bản tới chuyên ngành. 
Không riêng gì trường, HP dạo đó người Hoa rất nhiều, khi xảy ra nạn kiều 1979 thì mấy ngành như bốc vác cảng, đánh cá rồi bán rong me giầm sấu giầm, lạc rang húng lìu, xay bột...tê liệt hẳn.
Chú làm một ca nô mô hình chạy pin cho Xô con bác Tố (sau ra hiệu trưởng trường Hàng giang chỗ chùa Vẽ mà bạn tôi học thủy thủ ở đó gọi là lớp sơ cấp lãnh tụ), thả xuống hồ chạy phăm phăm. 
Còn tôi chú làm cho một thuyền buồm với lời hứa thuyền chạy còn đã hơn ca nô.
Thuyền thả xuống, cứ chạy được vài m là bị lật. Lý do buồm thì cao, thuyền thì nhẹ nên trọng tâm cao quá, gió hơi mạnh là lật.
Loay hoay mãi, cuối cùng chữa cháy bằng cách lắp thêm miếng sắt dưới bụng thuyền, giờ cân bằng nhưng ngặt nỗi phải bão mới làm thuyền chạy được không thì nó cứ ỳ ra đấy.
Cuối cùng nó chễm chệ ngự trên tủ trưng bày sản phẩm của bộ môn vỏ tàu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét