Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Năm 2012

ĐỀ ÁN THÀNH LẬP CHI NHÁNH UBCKNN TẠI TPHCM

I. Đánh giá mô hình Cơ quan Đại diện:

1.      Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức:

a. Lịch sử hình thành:
Xây dựng và phát triển TTCK là một mục tiêu đã được Đảng và Chính phủ Việt Nam định hướng trong những năm đầu thập kỷ 90 nhằm xác lập một kênh huy động vốn mới cho đầu tư phát triển. Ngày 6/11/1993, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 207/QĐ-TCCB về việc thành lập Ban Nghiên cứu xây dựng và phát triển thị trường vốn để tổ chức nghiên cứu về các lĩnh vực liên quan đến Thị trường chứng khoán (TTCK), đề xuất với Chính phủ về mô hình TTCK Việt Nam, đào tạo kiến thức cơ bản về chứng khoán và TTCK cho một bộ phận nhân lực quản lý và vận hành thị trường trong tương lai,…Lúc này, Cơ quan đại diện UBCKNN tại TPHCM là một bộ phận của Ban Nghiên cứu xây dựng và phát triển thị trường vốn tại khu vực phía Nam.
Ngày 28/11/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 75/CP thành lập UBCKNN. Với mục đích chuẩn bị điều kiện cho sự ra đời của TTCK, tạo môi trường thuận lợi cho việc huy động vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo cho TTCK hoạt động an toàn, công khai, công bằng và hiệu quả, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, UBCKNN được thành lập với vị trí là Cơ quan trực thuộc Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức và quản lý nhà nước về CK và TTCK. Tại thời điểm này, Cơ quan đại diện là một đơn vị trực thuộc UBCKNN, thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của Chủ tịch UBCKNN, phối hợp với các Vụ chuyên môn, Vụ chức năng thuộc UBCKNN thực hiện nhiệm vụ được giao, giúp Chủ tịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK.
Năm 2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động với 05 công ty niêm yết.  Sau hơn 3 năm TTCK đi vào hoạt động, quy mô thị trường vẫn còn nhỏ, chưa trở thành một kênh huy động vốn dài hạn có hiệu quả cho đầu tư phát triển. Tính đến cuối năm 2003, thị trường có 22 công ty niêm yết với mức vốn hóa thị trường 2.370 ngàn tỷ đồng, chiếm 0,39%GDP. Tham gia thị trường chỉ có 01 công ty quản lý quỹ, 12 công ty chứng khoán và chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các công ty lớn, các nhà đầu tư có tổ chức như quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. Hơn nữa, tốc độ cổ phần hóa diễn ra chậm chạp, các công ty lớn chưa muốn niêm yết trên thị trường tập trung. Để tăng cường công tác tổ chức, điều hành TTCK hoạt động một cách có hiệu quả hơn, năm 2003 Chính phủ ban hành nghị định số 90/2003/NĐ-CP ngày 12/8/2003 thay thế Nghị định 75/CP. Công tác chủ yếu của UBCKNN trong giai đoạn này là chuẩn bị hành lang pháp lý, tạo cung hàng hóa trên thị trường; tổ chức tuyên truyên, phổ biến kiến thức về chứng khoán và TTCK cho các tổ chức và công chúng. Theo Nghị định này, Cơ quan đại diện UBCKNN tại TPHCM không còn là một đơn vị trực thuộc UBCKNN mà là một bộ phận của Văn phòng UBCKNN đặt tại TPHCM. Do đó, mô hình Cơ quan đại diện là một đầu mối của Văn phòng UBCKNN là phù hợp với tình hình, chức năng, nhiệm vụ của UBCKNN.
Năm 2004, thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 của Chính phủ, UBCKNN không còn là Cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Chính phủ mà chuyển vào Bộ Tài chính (Quyết định số 66/2004/NĐ-CP ngày 19/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển UBCKNN vào Bộ Tài chính). Theo đó, ngày 7/9/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 161/2004/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN. Để ổn định tổ chức, hoạt động trong thời gian đầu mới sáp nhập vào Bộ Tài chính; về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy của UBCKNN vẫn giữ nguyên như trước, Cơ quan đại diện UBCKNN vẫn là một bộ phận thuộc UBCKNN đặt tại TPHCM.
Năm 2006-2007, TTCK bắt đầu khởi sắc và có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Số lượng công ty niêm yết tăng vọt, tính đến cuối năm 2007, đã có 253 công ty niêm yết trên cả hai sàn giao dịch. Tổng giá trị vốn hóa thị trường tính tại thời điểm 31/12/2007 ước đạt 492.900 ngàn tỷ đồng, tương đương 40%GDP cả năm 2007. Trong năm 2006, có 44 công ty cổ phần thực hiện việc chào bán hơn 203 triệu cổ phiếu, và đến năm 2007, hoạt động phát hành thực sự bùng nổ với gần 200 đợt phát hành của 192 công ty và 4 ngân hàng thương mại. Tổng lượng vốn huy động lên đến gần 40.000 tỷ đồng. Năm 2007 cũng chứng kiến kỷ lục cao nhất của chỉ số chứng khoán Việt Nam, VN Index đạt mức 1.170,67 điểm và HASTC Index đạt 459.36 điểm. Số lượng công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ tăng đáng kể (1 công ty QLQ, 12 CTCK  năm 2003 lên 25 Công ty QLQ, 78 CTCK trong năm 2007). Trước sự phát triển quá nóng của thị trường chứng khoán, sau 3 năm sáp nhập vào Bộ tài chính; tình hình hiện tại đòi hỏi phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động các tổ chức tham gia trên TTCK;  UBCKNN đã trình Bộ Tài Chính trình Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới.
 Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành những quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của UBCKNN và các đơn vị trực thuộc: Quyết định 63/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 02/2008/QĐ-UBCK ngày 14/1/2008 và Quyết định số 49/2008/QĐ-BTC ngày 08/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, UBCKNN có thêm 2 Vụ chuyên môn: Vụ Giám sát thị trường chứng khoán và Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán; các tổ chức sự nghiệp sẽ chuyển đổi gồm: Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán; Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Thời kỳ này, Cơ quan Đại diện không còn là một bộ phận của Văn phòng UBCKNN mà là một đơn vị có con dấu và tài khoản riêng, trực thuộc UBCKNN; có cơ cấu tổ chức bộ máy gồm: phòng Hành chính – Tổng hợp và Phòng Nghiệp; được tăng cường chức năng nhiệm vụ để giúp Chủ tịch và các đơn vị chuyên môn thực hiện công tác giám sát các cá nhân và tổ chức hoạt động trên thị trường chứng khoán tại địa bàn phía Nam.
Theo kế hoạch của Quyết định 63/2003/2007/QĐ-TTg, năm 2007-2009, lần lượt các đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán trở thành pháp nhân độc lập nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động chứng khoán và chức năng tổ chức vận hành TTCK. Do vậy, quyết định số 112/2009/QĐ-TTg ngày 11/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức UBCKNN được ban hành thay thế Quyết định số 63/2003/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Theo các quyết định mới, Cơ quan Đại diện vẫn là một đơn vị trực thuộc UBCKNN, có con dấu và tài khoản riêng để thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch UBCKNN giao.
Từ khi được thành lập đến nay, Cơ quan đại diện đã trải qua những thay đổi trong vị trí, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Đây là điều tất yếu, bởi nó phù hợp với quá trình hình thành và phát triển của UBCKNN, theo từng giai đoạn phát triển thăng trầm của TTCK Việt Nam.

b. Nhiệm vụ hiện tại:
Quyết định 389/QĐ-BTC ngày 23/2/2010 quy định CQĐD là đơn vị có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, tài khoản riêng với cơ cấu tổ chức gồm các phòng: Phòng Nghiệp vụ và Phòng Hành chính – Tổng hợp, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ như sau:
- Tổ chức hoặc phối hợp với đơn vị chuyên môn của UBCKNN triển khai các chủ trương, chính sách và các hoạt động khác của UBCKNN về CK&TTCK trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam;
- Phối hợp với Vụ Quản lý phát hành chứng khoán giám sát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong việc chào bán chứng khoán ra công chúng, vi phạm pháp luật về công ty đại chúng, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư; tiếp nhận, hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký công ty đại chúng; tham dự đại hội công ty đại chúng đã đăng ký trên địa bàn. Tiếp nhận các báo cáo, các thông tin công bố theo quy định của các công ty đại chúng tại khu vực phía Nam và báo cáo về UBCKNN để tổng hợp;
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc UBCKNN giám sát việc tuân thủ pháp luật của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và Chi nhánh Trung tâm LKCK tại TPHCM;
- Phối hợp với Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán và Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán khoán giám sát việc tuân thủ pháp luật của người hành nghề trong các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán; kiểm tra việc đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh, văn phòng giao dịch của các tổ chức kinh doanh chứng khoán tại TPHCM và các tỉnh thành phố phía Nam;
- Phối hợp với các đơn vị thuộc UBCKNN thực hiện việc giám sát, kiểm tra xác minh những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên thị trường chứng khoán trên địa bàn, thông qua các báo cáo tài chính, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tin đồn, dư luận, báo cáo Chủ tịch UBCKNN để chỉ đạo, xử lý kịp thời;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về chứng khoán, thị trường chứng khoán và quản trị công ty cho các công ty đại chúng, các tổ chức, cá nhân tham gia TTCK và công chúng đầu tư;
- Tiếp nhận, tổng hợp và phân tích thông tin, tình hình thị trường, dự báo xu hướng, nhằm tham mưu cho Lãnh đạo UBCKNN trong việc hoạch định các chính sách, giải pháp nhằm ổn định, phát triển TTCK;
- Tổ chức quản lý cán bộ, công chức, quản lý kinh phí và tài sản của CQĐD, thực hiện hạch toán, kế toán và quản lý chi tiêu tài chính của đơn vị theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của UBCKNN;
- Thực hiện công tác văn phòng, công tác đối ngoại của UBCKNN theo phân công, ủy quyền của Chủ tịch UBCKNN; Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra củ UBCKNN theo quyết định của Chủ tịch UBCKNN;
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất lên chủ tịch UBCKNN và các đơn vị có liên quan thuộc UBCKNN theo quy định.

2.      Đánh giá ưu, nhược điểm:
a. Với cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ hiện tại, Cơ quan đại diện có những thuận lợi:
- Cơ quan đại diện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, nên vai trò, vị thế tăng lên so với trước; tăng tính chủ động trong việc quản lý tài sản, chi tiêu,…;
- Cơ quan đại diện có tổ chức cấp phòng, có đầu mối quản lý rõ ràng, dẫn đến việc điều hành, quản lý biên chế, phân công nhiệm vụ dễ dàng và thống nhất từ trên xuống dưới;
- Cơ quan đại diện được đề nghị các đơn vị liên quan cung cấp số liệu, phục vụ cho công tác, nghiệp vụ chuyên môn được giao;
- Chủ động trong công tác tổ chức, tuyên truyền phổ biến văn bản quy phạm pháp luật,  kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho các đối tượng thuộc địa bàn quản lý.

b. Những tồn tại, hạn chế:
Bên cạnh những thuận lợi, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cơ quan đại diện vẫn bộc lộ những hạn chế trong tình hình hiện tại, cụ thể:
- Theo quy định, Cơ quan đại diện đang thực hiện nhiệm vụ theo cơ chế phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc UBCKNN, chưa được phân cấp, ủy quyền trong từng lĩnh vực cụ thể nên vai trò đại diện của UBCKNN trên các mặt thông tin, tiếp nhận yêu cầu của các địa phương, tổ chức, công ty,…tại địa bàn phía Nam không rõ nét;
- Theo cơ chế phối hợp hiện tại, Cơ quan đại diện hoàn toàn thụ động, kém linh hoạt trong việc thực thi nhiệm vụ được giao. Dẫn đến công việc không đều, không thường xuyên; cán bộ, công chức ít được tiếp xúc với thực tiễn. Trong khi đó, công tác giám sát, kiểm tra thông tin cần nhanh nhạy, kịp thời, và nhiều kinh nghiệm.
- Với các nhiệm vụ chuyên môn được giao, Cơ quan đại diện tham gia hỗ trợ nhiều mảng nghiệp vụ khác nhau, giám sát nhiều đối tượng khác nhau như: công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán. Tuy nhiên, với cơ chế phối hợp hiện tại, Cơ quan đại diện không thực sự tham gia sâu vào nghiệp vụ cụ thể nào. Trong khi các hành vi vi phạm của các đối tượng trên địa bàn ngày càng nhiều và phức tạp, đòi hỏi cơ quan quản lý phải chuyên sâu nghiệp vụ, nắm bắt thông tin nhanh, xử lý kịp thời.
- Hiện nay, các đơn vị chuyên môn tại UBCKNN đang quá tải với khối lượng công việc được giao. Mỗi đơn vị chỉ có 20-30 cán bộ, công chức nhưng quản lý tới trên 700 công ty niêm yết, gần 1000 công ty đại chúng, 47 công ty quản lý quỹ, 105 công ty chứng khoán, với trên 95.000 tài khoản giao dịch, số lượng người hành nghề tăng nhanh. Trong khi, với lợi thế là đơn vị đóng tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn kinh tế trọng điểm, tập trung nhiều công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ,…Cơ quan đại diện dễ dàng nắm bắt thông tin; sâu sát tình hình; nhanh chóng, kịp thời xử lý các trường hợp phát sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, sẽ tiết kiệm kinh phí quản lý cho nhà nước do ở gần, không tốn kinh phí đi lại. Tuy nhiên, với mô hình hiện tại, Cơ quan đại diện chưa hoạt động hết năng lực, công suất do chưa được giao đủ thẩm quyền trong từng lĩnh vực. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực, kinh phí của nhà nước, giảm hiệu quả trong công tác quản lý.

3. Sự cần thiết chuyển đổi mô hình Cơ quan đại diện theo mô hình Chi nhánh UBCKNN khu vực 3:
Theo quy định tại điều 100 của Luật Dân sự quy định: “Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc có pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của pháp nhân và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền”. Như vậy, về vị trí pháp lý thì như nhau, nhưng về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, Chi nhánh thực hiện công việc quản lý nhà nước một cách trực tiếp, rõ ràng hơn so với Văn phòng đại diện.
Hiện nay, Cơ quan đại diện UBCKNN tại TPHCM đang thực hiện theo mô hình Văn phòng đại diện của pháp nhân (UBCKNN). Như đã phân tích ở trên, theo quá trình phát triển của TTCK, mô hình Cơ quan đại diện đã bộc lộ những hạn chế nhất định, nên cần phải có cơ quan quản lý nhà nước có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản riêng và được phân định những thẩm quyền nhất định để quản lý, giám sát hoạt động của thị trường tại Tp.HCM và các tỉnh thành phố phía Nam. Khi UBCKNN khu vực (Chi nhánh UBCKNN tại TP.HCM) được thành lập, cơ quan này sẽ phát huy hiệu quả quản lý tối đa nhờ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí quản lý cho cơ quan nhà nước, tránh lãng phí, tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, triển khai và giám sát thị trường hiệu quả nhờ khoảng cách địa lý gần. Do vậy, việc chuyển đổi Cơ quan đại diện theo mô hình Chi nhánh là điều tất yếu để phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với TTCK Việt Nam, tuy mới hình thành nhưng nó cũng có những điểm tương đồng với các ngành khác khi đối tượng quản lý là các công ty đại chúng, các định chế trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty luật, công ty kiểm toán, ngân hàng giám sát…, các Sở giao dịch nằm rải rác trên nhiều tỉnh, thành trong đó tập trung tại 3 khu vực có nền kinh tế phát triển năng động là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Bên cạnh đó, là nơi cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng; cung cấp vốn, đánh giá giá trị doanh nghiệp và tình hình của nền kinh tế; tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô nên hoạt động của thị trường rất phong phú, đa dạng và ngày càng phức tạp đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải luôn bắt nhịp cùng hoạt động của thị trường, phải có một bộ máy giám sát có hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến nay, UBCKNN chỉ là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán trong cả nước. UBCKNN hiện chỉ được tổ chức ở Trung ương với các Vụ, Cục chuyên môn và một cơ quan đại diện tại TP.HCM thực hiện chức năng ủy quyền của Chủ tịch. Việc thiết lập cơ quan quản lý tại địa bàn trọng yếu để thực hiện tốt chức năng quản lý là một đòi hỏi khách quan.
Yêu cầu này càng trở nên cấp bách khi Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu “tăng quy mô, củng cố tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán, phấn đấu đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP vào năm 2020, tăng tính hiệu quả cho thị trường trên cơ sở tái cấu trúc tổ chức thị trường chứng khoán, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, chuyên nghiệp hóa việc tổ chức và vận hành hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao sức cạnh tranh của các định chế trung gian thị trường, các tổ chức phụ trợ thị trường và của thị trường chứng khoán Việt Nam, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm, củng cố lòng tin của nhà đầu tư...” Để đạt được điều này, ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý thì vấn đề  nâng cao năng lực quản lý là việc làm cấp bách.
Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế phát triển năng động nhất nước với sự  phát triển mạnh trải theo bề rộng  và sự tăng quy mô thị trường tại đây cũng như các tỉnh thành phố lân cận trong thời gian qua sẽ tạo đà cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong thập kỷ sau.  Các công ty đại chúng, công ty niêm yết, các định chế trung gian và số lượng nhà đầu tư chứng khoán  sẽ phát triển nhanh chóng. Trong điều kiện TTCK phát triển, quy mô thị trường ngày càng tăng, phát sinh nhiều nghiệp vụ mới, hành vi vi phạm của đối tượng tham gia thị trường ngày càng phức tạp (vi phạm về công bố thông tin, chào bán chứng khoán ra công chúng, đạo đức nghề nghiệp, chỉ tiêu an toàn tài chính, thao túng,…). Trong khi đó, các Vụ chuyên môn thuộc UBCKNN đang quá tải với khối lượng công việc nhiều, ngày càng tăng. Thêm vào đó, UBCKNN ở xa, nguồn kinh phí đi lại còn hạn chế, nên chưa thể sát sao được tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn các tỉnh phía Nam như thực tiễn đòi hỏi. Do đó, cần chuyển đổi Cơ quan đại diện theo mô hình Chi nhánh UBCKNN khu vực để tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước tại khu vực phía Nam cho UBCKNN. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được ban hành theo Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc chuyển đổi Cơ quan Đại diện theo mô hình Chi nhánh UBCKNN khu vực không chỉ xuất phát từ yếu tố khách quan, từ nhu cầu thực tiễn, mà còn từ tham khảo mô hình cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và một số nước trên thế giới.


II. Mô hình quản lý nhà nước của Việt Nam và một số nước trên thế giới:
1.      Mô hình các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam.
Với chính thể đơn nhất, Việt Nam không có khái niệm “nhà nước trung ương” hay “nhà nước địa phương” như ở một số nước mà quyền lực nhà nước được tập trung thống nhất. Song để quản lý được các ngành, các lĩnh vực ở từng địa phương nhà nước phải tổ chức hệ thống các cơ quan quản lý theo thứ bậc và hoạt động theo pháp luật.  Tuỳ vào đặc thù của các ngành, các lĩnh vực khác nhau đòi hỏi những phương thức thực hiện và cơ chế quản lý thích hợp. Vì vậy, việc phân cấp quản lý  trong các ngành, các lĩnh vực phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đặc thù của từng ngành. 
Đối với các ngành kinh tế, một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước là quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo lãnh thổ. Do đặc thù về đối tượng quản lý, hầu hết các đối tượng quản lý thường rộng, nằm trên hầu hết các khu vực, các vùng lãnh thổ khác nhau nên các bộ ngành quản lý những lĩnh vực khác nhau, dù quyền lực tập trung thống nhất ở trung ương nhưng vẫn phải đảm bảo sự phân công, phân nhiệm quản lý theo chiều dọc cho các cơ quan ở địa phương nhằm đảm bảo tính hiệu quả. Có thể nói dù được tổ chức theo mô hình nào, chất lượng quản  lý của các cơ quan quản lý nhà nước phải được phản ánh bằng các chỉ số như: khoảng cách địa lý gần, thuận lợi cho các chủ thể bị quản lý, nhanh chóng và đơn giản về thủ tục. Điều này cũng cho thấy cấp quản lý nào có khả năng đạt được mục tiêu, chất lượng và yêu cầu quản lý với chi phí ít nhất và thời gian ngắn nhất thì nên giao nhiệm vụ tương ứng cho cấp đó. Các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thường được tổ chức các cấp: trung ương, cấp tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) như Ngân hàng nhà nước, Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương,  một số cơ quan còn được tổ chức ở cấp cấp quận/huyện  như  Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Kho bạc nhà nước, Tổng cục hải quan, Tổng cục thuế, Tổng cục thống kê, Tổng cục thi hành án dân sự ... để đảm bảo hiệu quả quản lý cao nhất.
Thực hiện các chức năng quản lý chuyên ngành, các cơ quan của Bộ tài chính như Kho bạc nhà nước, Tổng cục hải quan, Tổng cục thuế có cơ chế quản lý ở Trung ương và địa phương. Tổng cục Hải quan ở Trung ương có các Vụ chuyên môn, 34 cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;  Các Chi cục Hải quan: Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tương tự Tổng cục Thuế cũng được tổ chức ở Trung ương với các Vụ, Cục, văn phòng và Cục Thuế ở  63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Cục Thuế cấp tỉnh và các Chi cục Thuế ở các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chi cục Thuế cấp huyện). Các đơn vị ở địa phương có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước là cơ quan  được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính, bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất bao gồm Kho bạc Nhà nước ở Trung ương;  Kho bạc Nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kho bạc Nhà nước ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh  và Kho bạc Nhà nước được tổ chức điểm giao dịch tại các địa bàn có khối lượng giao dịch lớn theo quy định của Bộ Tài chính. Kho bạc Nhà  nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, Chính Phủ đang nỗ lực cải tổ các cơ quan quản lý nhà nước, song điều đó không có nghĩa là chúng ta thu hẹp tất cả các cơ quan mà vấn đề đặt ra ở đây là phải thu hẹp, xóa bỏ các chủ thể quản lý không cần thiết, mở rộng thẩm quyền, thiết  lập  các cơ quan quản lý ở những lĩnh vực, địa bàn quan trọng, thiết yếu.  Sản phẩm cuối cùng trong  quá trình phân cấp quản lý là việc tạo ra những cơ quan quản lý hiệu quả, không chồng chéo về thẩm quyền để tối đa hóa mục tiêu quản lý, giảm thiểu chi phí, mang lại những thuận lợi cho chủ thể được quản lý.

2.      Mô hình cơ quan quản lý nhà nước về TTCK một số nước trên thế giới.
Không thể  có một mô hình cơ quan quản lý nhà nước nói chung và chứng khoán nói riêng cho tất cả các nước. Tuỳ vào thể chế chính trị, cấu trúc nhà nước và lịch sử hình thành, phát triển, quy mô, tính chất của thị trường chứng khoán mà mỗi nước sẽ xây dựng những mô hình cơ quan quản lý  nhà nước về chứng khoán khác nhau. Ngay cả trong cùng một nhà nước trong những thời điểm lịch sử khác  nhau, với sự phát triển của quy mô thị trường, sự phát sinh những quan hệ đa dạng, phức tạp khác nhau...nhà nước sẽ có những thay đổi mô hình quản lý để đạt hiệu quả quản lý cao nhất.
Để minh chứng cho điều này chúng ta hãy xem xét mô hình quản lý nhà nước về chứng khoán của Mỹ- nơi có lịch sử thị trường lâu đời và quy mô thị trường lớn nhất thế giới và cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán của Trung Quốc, nơi thị trường chứng khoán phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây và có những nét tương đồng với Việt Nam.

a.      Uỷ ban chứng khoán và giao dịch của Mỹ (Securities and Exchange Commission)
Sự đổ vỡ của TTCK Mỹ năm 1929 khiến nước này đỏi hỏi phải có một cơ quan quản lý nhà nước có sức mạnh để thực thi các biện pháp đảm bảo cho hoạt động của thị trường. Uỷ ban chứng khoán và giao dịch (Securities and Exchange Commission- SEC) ra đời  năm 1934, đặt trụ sở tại  Wasgington với với 3500 nhân viên , SEC có nhiệm vụ: Giải thích pháp luật chứng khoán của Liên đang; ban hành, sửa đổi các quy định pháp luật về chứng khoán; Thanh tra hoạt động của các công ty chứng khoán,  người môi giới, tư vấn đầu tư và các tổ chức có liên quan; Giám sát hoạt động của các định chế tư trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán và kiểm toán; Điều phối pháp luật chứng khoán của Mỹ  với Liên bang, các bang và các tổ chức quốc tế
Để điều hành và quản lý thị trường hiệu quả , ngoài các bộ phận tại trụ sở chính ở New  York, SEC  đã thành lập 11 cơ quan quản lý khu vực trên cả nước, thực hiện chức năng qủan lý của SEC tại các bang,  bao gồm
§  New York:  Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang New York, New Jersey,
§  Bostom: Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Connecticut, Maine, Massachusetts, New Hampshire, Vermont, Rhode Island
§  Philadenphia: Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Delaware, Maryland, Pennsylvania, Virginia, West Virginia, District of Columbia
§  Miami:  Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Florida, Mississippi, Louisiana, U.S. Virgin Islands, Puerto Rico
§  Atlanta: Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Georgia, North Carolina, South Carolina, Tennessee, Alabama
§  Chicago: Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Illinois, Indiana, Iowa, Kentucky, Michigan, Minnesota, Missouri, Ohio, Wisconsin
§  Denver: Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Colorado, Kansas, Nebraska, New Mexico, North Dakota, South Dakota, Wyoming
§  Fort Worth: Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Texas, Oklahoma, Arkansas, Kansas (ngoại trừ một số lĩnh vực được Cơ quan quản lý khu vực Denver)
§  Salt Lake: Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại  bang Utah
§  Los Angeles:  Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Arizona, Hawaii, Guam, Nevada, Southern California
§   San Francissco: Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Washington, Oregon, Alaska, Montana, Idaho, Northern California.
Các cơ quan quản lý khu vực có trách nhiệm thanh tra và xứ lý các hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán tại các bang được giao quản lý. Các cơ quan này cũng duy trì bộ phận  kiểm tra để  giám sát hoạt động của các nhà tư vấn đầu tư, các công ty đầu tư và các nhà môi giới. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan này phải được báo cáo cho cả Vụ Cưỡng chề thực thi và Văn phòng thanh tra, giám sát tuân thủ tại Hội sở chính.

b.      Uỷ ban Quản lý Chứng khoán  Trung Quốc (The China Securities Regulatory Commission – CSRC)
Mặc dù được hình thành từ những năm 50 của thế ký trước nhưng  TTCK Trung Quốc phát triển manh mún, chưa ổn định, quá trình vận hành còn thô sơ, thể chế luật pháp chưa hoàn thiện. Mãi đến năm 1992  Quốc vụ viện Trung Quốc mới thành lập Ủy ban quản lý Chứng khoán Trung Quốc- là bộ phận giám sát quản lý chủ yếu thị trường giao dịch chứng khoán cả nước và năm 1999 Trung Quốc mới có Luật chứng khoán. Và cũng từ thời điểm này, TTCK  từng bước phát triển mạnh mẽ. Đi cùng sự phát triển của thị trường là một cơ quan quản  lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán – Uỷ ban chứng khoán Quốc vụ viện - không ngừng được củng cố và hoàn thiện. Tính đến  năm 2011, cơ quan này có 2.589 nhân  viên, với 699 người làm việc tại Hội sở ở Bắc Kinh và 1890 người làm việc tại  36 chi nhánh  trên cả nước.
Theo quy định tại Luật chứng khoán và các văn bản có liên quan, Uỷ ban chứng khoán nhà nước Trung Quốc là cơ quan ngang Bộ trực thuộc Hội đồng nhà nước (Chính Phủ), có trụ sở tại Bắc Kinh, có chức năng quản lý, giám sát hoạt động của TTCK và Thị trường tương lai theo quy định của pháp luật nhằm duy trì sự hoạt động ổn định của thị trường, đảm bảo cho các chủ thể tuân thủ pháp luật. Với  chức năng như trên, UBCKNN Trung Quốc được tổ chức theo mô hình quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương: Hội sở chính ở Bắc Kinh với  4 Hội đồng, 21 phòng chức năng, 4 tổ chức phụ trợ  trực thuộc, thực hiện chức năng quản lý chung các hoạt động của thị trường, xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật, các hoạt động quan hệ quốc tế.
Uỷ ban chứng khoán nhà nước cũng thành lập Cơ quan giám sát SGDCK Thượng Hải, Cơ quan giám sát SGDCK Thẩm Quyến và 36 Chi nhánh đặt tại 36 tỉnh, thành gồm:  Thiên tân, Thượng Hải, Hồ Bắc, Thẩm Quyến, Thiểm Tây, Triết Giang, Hồ Nam, Trùng Khánh, Sơn Tây, Hải Long Giang, Đại Liên, An Huy, Giang Tây, Quảng Tây, Hải Nam, Quế Châu, Cam Túc,  Thanh Hải, Liêu Ninh, Sơn Đông, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Giang Tô, Hà Nam, Bắc Kinh, Hà Bắc, Nội Mông Cổ, Cát Lâm, Ninh Ba, Thanh Đảo, Phúc Kiến, Hạ Môn, Vân Nam, Tây Tạng, Ninh Hạ, Tân Cương. Các chi nhánh được phân quyền để thực hiện quản lý , giám sát  các hoạt động của TTCK, các công ty niêm yết, các công ty tư vấn đầu tư  và các định chế trung gian như các công ty tư vấn luật, công ty kiểm toán, các tổ chức định giá tài sản. Đặc biệt, hầu hết các chi nhánh đều có bộ phận thực hiện chức năng thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và hoà giải các tranh chấp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chứng khoán trên địa bàn quản lý.
 Với  nhiệm vụ được giao, các chi nhánh đều thiết lập các phòng ban chuyên môn để thực thi chức năng quản lý như:  Văn phòng (Phòng Nội vụ), Phòng giám sát các công ty niêm yết, Phòng giám sát các định chế trung gian (Một số chi nhánh còn thành lập Phòng quản lý QĐT), Phòng Thanh tra, Phòng Kiểm soát nội bộ, Phòng quản lý chứng khoán phái sinh, Phòng Nghiên cứu và thu thập thông tin, Phòng pháp chế, Phòng Quan hệ quốc tế.
Khi xem xét các mô hình cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chúng ta nhận thấy hầu hết các nước đều duy trì mô hình quản lý thống nhất nhưng có sự phân quyền ở những địa phương, những khu vực nhất định, nơi thị trường phát triển mạnh mẽ và tập trung đông các chủ thể bị quản lý. Điều này cũng dễ dàng lý giải bởi quản lý mang tính quyền lực nhà nước không thể quản lý từ xa, đặc biệt chứng khoán là một ngành đặc thù, cơ quan quản lý phải  tạo cơ chế để thị trường có những hàng hoá chất lượng,  duy trì sự hoạt đông công khai, minh bạch, giám sát và ngăn ngừa các vi phạm triệt để, do đó cơ quan quản lý phải có những quyết sách, những biện pháp xử lý kịp thời để thị trường hoạt động ổn định.  Với các thị trường phát triển như Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác, CQQL  về TTCK có thể có những chi nhánh ở nhiều khu vực nơi có thị trường phát triển, TTCK VN cũng đang từng bước phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu có CQQL nhà nước ở những khu vực nhất định là đòi hỏi khách quan để phát huy tối đa năng lực quản lý, giám sát hoạt động của thị trường hiệu quả.

III. Đề xuất mô hình:
1.      Sơ lược mô hình chi nhánh:
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước có các Vụ chuyên môn để thực hiện các chức năng được giao. Bên cạnh đó, Ủy ban chứng khoán còn có Cơ quan đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức hành chính thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định tại Quyết định số 112/2009/QĐ-TTg ngày 11/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, mô hình Cơ quan đại diện vẫn chưa phát huy hết được hết khả năng để giúp Ủy ban chứng khoán quản lý thị trường chứng khoán ở phía Nam. Mô hình cơ quan đại diện hiện tại chỉ chủ yếu phối hợp với các Vụ chuyên môn thuộc UBCKNN, hoàn toàn bị động trong công tác quản lý nhà nước. Có thể nói, để có một Cơ quan giúp việc cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán ở phía Nam một cách hiệu quả thì UBCKNN nên xây dựng một Cơ quan có thể chủ động trong công tác quản lý, vẫn theo sự phân cấp ủy quyền của UBCKNN.
Mô hình được lựa chọn cho Cơ quan giúp việc cho UBCKNN được tham khảo theo mô hình của cơ chế quản lý Nhà nước Việt Nam, mô hình đã thực hiện một số nước như Trung Quốc, Mỹ ….Đồng thời, dựa trên ưu nhược điểm của các loại đơn vị phụ thuộc (Văn phòng đại diện, Chi nhánh). Đề án đề xuất lựa chọn mô hình Chi nhánh là mô hình cho Cơ quan giúp việc cho UBCKNN tại phía Nam. Với những tính năng ưu điểm của mô hình Chi nhánh, việc thành lập Chi nhánh UBCKNN sẽ phát huy được tối đa vai trò quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán của Cơ quan quản lý nhà nước (UBCKNN)  tại phía Nam.
Chi nhánh UBCKNN là đơn vị phụ thuộc của UBCKNN, chịu sự điều hành và lãnh đạo tập trung, thống nhất của Chủ tịch UBCKNN; có chức năng tham mưu cho Chủ tịch UBCKNN và thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của UBCKNN, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Chi nhánh UBCKNN là đơn vị hạch toán, kế toán độc lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Dự kiến chi nhánh UBCKNN sẽ thực hiện các chức năng nhiệm vụ trong phạm vi lãnh thổ quản lý và sự phân cấp ủy quyền, như sau:
- Tổ chức phổ biến, chỉ đạo, triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật đến các đối tượng tham gia thị trường chứng khoán trên địa bàn quản lý;
- Tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án thuộc lĩnh vực chứng khoán và TTCK sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt trên địa bàn quản lý;
- Tổng hợp và phân tích thông tin, tình hình thị trường, dự báo xu hướng trên địa bàn quản lý, nhằm tham mưu cho Lãnh đạo UBCKNN trong việc hoạch định các chính sách, giải pháp nhằm ổn định, phát triển TTCK;
- Thực hiện nhiệm vụ cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận; chấp nhận những thau đổi liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với các đối tượng tham gia TTCK trên địa bàn theo ủy quyền của Chủ tịch UBCKNN và quy định của pháp luật;
- Tổ chức, thực hiện công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với hoạt động của các cá nhân, tổ chức tham gia TTCK trên địa bàn theo quy định của UBCKNN và của pháp luật;
- Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, công khai tài sản, tài chính theo quy định của Chủ tịch UBCKNN và của pháp luật;
- Tổ chức quản lý cán bộ, công chức, quản lý kinh phí và tài sản của CQĐD, thực hiện hạch toán, kế toán và quản lý chi tiêu tài chính của đơn vị theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của UBCKNN;
- Thực hiện công tác văn phòng, công tác đối ngoại của UBCKNN theo phân công, ủy quyền của Chủ tịch UBCKNN;
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ theo quy định của UBCKNN;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBCKNN giao.
Để thực hiện tốt các chức năng và nhiệm vụ được giao, Chi nhánh UBCKNN phải có các phòng ban chức năng chuyên biệt (chủ yếu tập trung vào nghiệp vụ thanh tra, giám sát). Cơ cấu tổ chức, nhân sự sẽ phát triển theo giai đoạn, ban đầu có thể là:
            + 01 Giám đốc Chi nhánh (hàm Vụ trưởng)
            + 02 Phó Giám đốc Chi nhánh
+ Phòng hành chính – nhân sự
+ Phòng kế toán
+ Phòng giám sát
+ Phòng thanh tra
+ Phòng nghiên cứu tổng hợp.
2.Ưu nhược điểm của việc chuyển đổi từ Cơ quan đại diện sang Chi nhánh:
Mỗi mô hình quản lý nhà nước đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Điều quan trọng là tại từng thời điểm, từng giai đoạn, cách vận dụng mô hình nào sẽ phát huy được tối đa ưu điểm, giảm thiểu những nhược điểm, đảm bảo đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý nhà nước. Chuyển đổi mô hình Cơ quan đại diện sang mô hình Chi nhánh cũng có những ưu điểm, gặp những khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
a.      Ưu điểm:
- Thống nhất với mô hình quản lý của các Bộ, Ban ngành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (giống như mô hình hoạt động của Ngân hàng Nhà nước).
- Tăng cường sức mạnh quản lý của UBCKNN.
- Tăng cường hiệu quả quản lý trên địa bàn: chức năng kiểm tra, giám sát sẽ được nâng cao và rõ nét, kịp thời ngăn chặn được những hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. UBCKNN nắm bắt thông tin về thị trường ở phía Nam nhanh chóng. Các chủ trương, chính sách và các hoạt động khác của UBCKNN về CK&TTCK sẽ được triển khai kịp thời, hiệu quả.
- Giảm tải công việc cho các Vụ chuyên môn thuộc UBCKNN.
- Ít tốn kém: tiết kiệm chi phí cho UBCKNN và doanh nghiệp.
- Hợp lý hóa việc quản lý: khi phân công ủy quyền chức năng nhiệm vụ cho Chi nhánh, UBCKNN chỉ cần nắm đầu mối thông tin về thị trường chứng khoán tại Chi nhánh quản lý, các doanh nghiệp trên địa bàn chỉ tập trung báo cáo cho Chi nhánh quản lý.
- Chủ động: Chi nhánh sẽ được chủ động, linh hoạt hơn trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao; giúp các công việc chuyên môn được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả hơn.
b.      Nhược điểm:
- Đội ngũ cán bộ: số lượng cán bộ vững chuyên môn, kinh nghiệm còn hạn chế. Thời gian tuyển dụng và đào tạo cán bộ mới lâu.
- Bước đầu sẽ có những xáo trộn, mất ổn định trong cơ cấu tổ chức của đơn vị do các phòng ban được phân chia ban đầu có thể bị thay đổi cho phù hợp với mô hinh và hoạt động của Chi nhánh.
3.      Các bước triển khai:
Để tăng cường chức năng quản lý nhà nước về Thị trường chứng khoán, UBCKNN nên thành lập mô hình tổ chức hoạt động dưới dạng chi nhánh ở khu vực. Trước mắt, thực hiện Chi nhánh UBCKNN tại TPHCM theo lộ trình như sau:
Bước 1: Xây dựng chức năng, nhiệm vụ cho Chi nhánh:
            - Thành lập tổ soạn thảo các chức năng nhiệm vụ cho Chi nhánh, các Phòng chuyên môn của Chi nhánh.
            - Trình UBCKNN chức năng, nhiệm vụ của Chi nhánh.
Bước 2: Chuẩn bị nhân sự và cơ sở vật chất:
- Chuẩn bị khung nhân sự cho các bộ phận, phòng khi thành lập Chi nhánh:
                  + Đào tạo lực lượng cán bộ hiện có để nâng cao trình độ nghiệp vụ.
                  +Tăng cường phối hợp công tác chuyên môn với các Vụ thuộc UBCKNN để tích lũy kinh nghiệm.
                  + Chuẩn bị nhân sự vào các vị trí của các bộ phận, phòng thuộc Chi nhánh thông qua các hình thức tuyển dụng, điều động hoặc tiếp nhận.
-  Chuẩn bị điều kiện về trụ sở làm việc, trang bị cơ sở vật chất để thành lập chi nhánh.
Bước 3: Thành lập và đưa chi nhánh vào hoạt động:
            - Ban hành Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Chi nhánh UBCKNN.
            - Bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí của Chi nhánh.
4.      Kết luận:
Với sự phát triển của Thị trường chứng khoán, việc chuyển đổi mô hình từ Cơ quan đại diện thành Chi nhánh là cần thiết. Điều này sẽ giúp tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước cho UBCKNN tại khu vực phía Nam, tiết kiệm chi phí và thống nhất với mô hình quản lý của các Bộ, Ngành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và thông lệ quốc tế.
 Hơn nữa, củng cố tổ chức, chức năng của UBCKNN (trong đó có cơ cấu, tổ chức của Cơ quan Đại diện) để đảm bảo đủ thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi là một trong những mục tiêu và giải pháp của Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Vì thế, việc chuyển đổi mô hình này đáp ứng nhu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước đồng thời hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển Thị trường Chứng khoán Việt Nam của Nhà nước trong thời gian tới.








Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Bố vợ tôi

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Bố vợ tôi
Mấy tuần rồi, loay hoay tính đi ra mộ ông già. Chưa đi được thì ông già vợ mất. Thể nào mà cả tuần trước người cứ bồn chà bồn chồn, bứt rứt mà không hiểu lý do.

Vậy là các cụ dắt tay nhau đi cả. Chả bao giờ còn được ngồi nghe bố vợ kể chuyện nữa. Ổng kể cả ngàn chuyện mà tôi cứ nhớ nhớ quên quên, thật tiếc bởi bố vợ tôi là 1 pho từ điển sống về quan hệ họ hàng, chuyện thời cải cách ruộng đất, thời bao cấp...đặc biệt là nông thôn miền Bắc trước 75.

Có lần ông nói con có biết ông ngoại con đậu Diplom cùng khóa vớ Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Sỹ Sách không mà thi đợt đó còn có Đặng Thai Mai mà ổng rớt. Vì Ông là người đặc biệt, thi văn 10 nhưng toán 0, vậy là kỳ sau phải chuyển đi thi ở vùng khác.

Chuyện Chu Văn Biên thời CCRĐ trưa đạp xe trên đê thì đội trưởng cải cách lật đật chạy tới trình danh sách xử bắn. CVB vẫn ngồi trên xe mắng, sao đưa trễ vậy, làm gì có thì giờ mà đọc nữa. Nói xong rút bút ký xoẹt khỏi cần nhìn coi những ai bị bắn.

Ông Nguyễn Khắc Niêm là cha ông Nguyễn Khắc Viện trong CCRĐ cũng bị xử tù. 2 em ông Viện gánh cha đi đến trại tù cách chừng 30km, dọc đường cha tắt thở. 2 anh em rối không biết xử trí làm sao, cuối cùng 1 người chạy về báo cáo đội, 1 canh cha. Về bị đội quát, cha mày chết thì chôn đi chớ còn báo cáo cái gì. Có 1 người ở xóm phụ chôn ông NKN. Mấy chục năm sau anh em nhà ông Nguyễn Khắc Viện đi tìm mộ cha, may nhờ ông này còn nhớ chỗ nên tìm được rất nhanh.

Ông có 1 ông cậu, nhà nghèo mà học giỏi sau đậu tú tài và theo CM làm đến trung ủy. Ông mới hỏi ông cậu là vua Bảo Đại có tốt không?

- Ổng mải ăn chơi chớ giỏi gì con?

Vậy cậu còn nhớ hồi học tiểu học, cha hoạt động cộng sản bị tù, mẹ bán nác ở ga nuôi cậu ăn học không?

- À cậu nhớ. Hồi đó học giỏi được vua Bảo Đại tới khen thưởng, xoa đầu hỏi con có ước mơ chi?

- Con muốn đi học

- Mơ chi lạ rứa, con học giỏi thì học là đương nhiên mà

- Thưa con nhà nghèo mà ba con đi tù nên khó khăn

- Ba con sao đi tù

- Thưa ba con đi cộng sản nên bị tù

Vua cười, bảo ta cấp cho con học bổng để con an tâm học cho giỏi.

Ông già vợ tôi kết luận. Vua dám quyết vậy chớ lãnh đạo ngày nay mà nghe tới Việt tân thì xanh le mắt mũi.

Tính viết liền mà vắng 2 buổi ở trường HVCB nên phải chép phạt như học sinh tiểu học, tốn thời gian quá nên giờ mới rảnh.


Trồng lúa cao sản

Bố vợ kể, hồi học ở trường nông nghiệp thì 1 hôm lãnh đạo tới trường chỉ thị:

- Các thầy chuyên về nông mà trồng lúa không hơn nông dân là không được. Bên Đại trại họ trồng lúa cao sản dày như tấm đệm, em bé nằm trên được.

Chỉ thị ban ra, mấy kỹ sư nông học thời Pháp phản đối, ông Lương Đình của nói không làm được nhưng với tinh thần cách mạng tiến công, trường quyết định trồng thí nghiệm trên 1 thửa ruộng riêng.

Bao kiến thức, cần cù, nhiệt tình dồn vô đây hết.

Ruộng được cày bừa thật nhuyễn, nhuyễn tới mức chỗ nào còn lổn nhổn thì làm nhuyễn bằng tay, lỗ lươn, lỗ rắn lỗ chuột lấp sạch, mặt ruộng phẳng lỳ như nông nghiệp laze.

Đó là về đất. Giống được tuyển chọn loại 1 của loại 1. Phân được ưu tiên gấp 3, vừa phân chuồng bón lót đến phân hóa học bón thúc.

Cấy lúa chọn những em cấy giỏi nhất, đều tăm tắp. Hãy tưởng tượng hàng trăm cái mông di chuyển như duyệt binh trên ruộng.

Nước cũng được ưu tiên cao, chiếc máy bơm được trung ương điều về gấp, điện kéo ra tận ruộng.

Cứ thế lúa lên mơn mởn, rậm rì. Có anh còn đưa sáng kiến, GS Lư xen co nói chỉ cần nhiệt độ sẽ trồng cây nhiệt đới được ở vùng ôn đới. Thế là để lúa lên nhanh, bóng điện, đèn măng sông được đốt sáng suốt đêm kích thích lúa mọc nhanh.

Bỗng 1 hôm, phát hiện ra chân lúa úa vàng. Hội nghị khoa học lập ngay bên ruộng tìm cách ứng phó. Mọi người nhất trí do ta bón phân nhiều quá nên lúa nóng.

Máy bơm bơm nước vô, hút nước ra suốt ngày đêm để làm mát. Chưa đủ, bao nhiêu quạt máy tập trung quạt, quạt đạp chân được dựng lên quạt suốt ngày.

Nhưng mọi nỗ lực đều vô hiệu, ruộng lúa thối inh rồi lúa chết.

Vụ này các thầy trường nông nghiệp quê với bà con nông dân mất mấy tháng vì bà con nghe tuyên truyền tới xem rất đông.


Máy cày MTZ

Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà.

Xưa máy cày MTZ bệ vệ, đỏ au là mơ ước của các HTX. Bố vợ tôi được giao hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp cho xã Kim Liên.

1 hôm chủ tịch xã giao nhiệm vụ ra Hà nội xin máy cày. Nhiệm vụ này khó, nhưng Kim Liên được ưu tiên tối đa, chỉ có điều ông cứ thắc mắc: sao thằng nào càng được ưu tiên thì làm càng ẹ.

Khăn gói quả mướp tới Ủy ban kế hoạch. Những cái vụn như giống, phân bó...được duyệt ngay còn máy cày thì chủ nhiệm UBKH bảo anh phải qua xin PTT Nguyễn Côn. Vòng vèo qua quan hệ họ hàng đồng hương gặp được PTT. Xin 2 được duyệt 5, cầm giấy tới kho nghe la làng. Đợt này viện trợ có 20 chiếc mà anh 3D quyết cho Đại Phong 15 chiếc rồi, lệnh anh 3 là như sơn, còn hơn 100 đơn xin máy cày mà ông lại lấy nốt à.

(Hồi đó lãnh đạo cực nhọc nhỉ, quyết từ cái máy cày cho ai)


Ông Tham Lộc

Ông Tham Lộc từng nuôi giấu anh 3D, anh 10 Cúc trong nhà ở Đà Lạt và SG hàng mấy tháng trời. Hồi đó ông làm giống như GĐ sở GTCC bây giờ.

Năm 76 ông mất, quàn tại nhà thuê ở chung cư Cửu long, Bình Thạnh. Tầm trưa, tự nhiên xuất hiện nhiều công nhân, xe ôm trong xóm rồi 2 chiếc xe trờ tới. Anh 3D mặc bộ đồ công nhân đeo kính đen tới ôm lấy quan tài khóc nói sao anh chết khổ chết sở thế này.

Sau khi nghe người nhà trình bày lý do ở nhà thuê, ảnh quay sang nói với anh 10 Cúc khi đó là BTTỦ TP lo cho vợ của anh tôi 1 căn nhà.

Chưa đầy tháng sau gia đình dọn vô 1 căn biệt thự ở đường Mạc Đĩnh Chi.

Tôi cứ tấm tắc khen mãi a3 thật là người lãnh đạo ân oán rõ ràng. Mãi gần đây ông anh họ tôi mới bảo cô Thúy con ông bà Tham Lộc, trước 75 làm thư ký cho vợ Tổng thống NVT có 1 căn nhà trên đường Phùng Khắc Khoan. Sau 75 cổ di tản qua mỹ, nhà bị thu.
Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Bố vợ tôi (3)

Người bán củi
Ngày đó ở quê đun nấu phải tự đi kiếm củi chớ không có khái niệm mua. Củi tất nhiên ngày càng khó kiếm, phải đi xa hơn. 1 hôm có người gánh củi qua nhà xin nước uống, mẹ vợ tôi ngờ ngợ nhận ra người quen:
- Có phải bác N đó không?
- Vâng
Hóa ra nhà bác xưa nhận trông con nít, 2 người nhận ra nhau chuyện trò rôm rả. Xong bác N ngỏ lời mua giúp gánh củi vì từ hôm qua tới giờ đói quá.
Nể và thương bác N, mẹ mua. Từ đó vài tuần bác lại gánh củi qua nhà.
Hóa ra nhà bác N trước cũng của ăn của để. Sau 54, nhà bác theo đoàn Việt kiều Thái lan trở về quê. Ở Vinh nhóm người mua cả dãy phố rồi nhà bán vải, nhà may mặc sầm uất. Ngày nhóm VK về là cả sự kiện vì đơn giản là họ giàu: ngoài vàng mang về mua nhà cửa thì còn radio, xe đạp, máy khâu, vải vóc...
Được mấy năm thì tập thể hóa, góp tài sản vô HTX. Những người có tay nghề thì ổn, còn những người buôn bán quay sang làm đủ nghề để sống và bán đồ đi ăn dần.
Nhà bác N nhận trông con nít, thời gian sau bán nhà phố về vùng hẻo lánh cất nhà ở, rồi đi kiếm củi chạy ăn từng bữa, đúng là miệng ăn núi lở.
Được vài tháng thì không thấy bác N đâu nữa, mà bác cũng già yếu rồi. Thật tội nghiệp.

Cải tạo công thương nghiệp
Sau CCRĐ bố vợ tôi cùng mấy anh em mở tiệm thuốc Tây ở Vinh. Hàng tháng ông đi Hà nội mua thuốc, khi thì tàu hỏa, khi thì đạp xe, lời lắm. Gia đình đủ sống yên ổn.
Rồi phong trào hợp tác, cấm tư nhân buôn bán, mở tiệm thuốc. Thuốc nam, thuốc bắc thì bị tuyên truyền là trộn rễ cây linh tinh, thuốc tây thì làm giả bằng bột mỳ.
Cứ thế tịch thu thuốc về để kiểm tra. Thuốc nam bắc thì để mốc, thuốc tây thì cho vô cối đâm nát, cửa hàng thì niêm phong.
Bố vợ bảo: may quá, mình thấy tình hình tập thể hóa biết là đời nào nhà nước cho buôn bán nữa nên đã rút ra mấy tháng trước.
Bảo toàn được vốn, nhưng mưu sinh thế nào lại phải vật vã tìm đường mới.

Lá thư từ Pháp
Vừa dựng xe thì vợ bảo:
Nhà mình mấy hôm nay có chuyện lạ lắm ông ạ. Mấy người ở trường thì nói xa nói gần nhà mình có của, tối thì mấy người buôn bán qua nói để lại cho họ len, thuốc tây...
Hôm sau đi làm thì mấy người chúc mừng thầy Tước phát tài, mấy người khác thì lảng lảng. Hiệu trưởng bảo ông có thư từ Pháp.
Lúc đó mới biết nguồn cơn. Trong thư anh trai cùng cha khác mẹ gửi về hỏi nhà có thiếu thốn gì không, anh tính gửi len, thuốc, xe đạp về có được không?
Nói thêm về ông anh. Hồi nhỏ ổng học giỏi lắm, con nít mà học cùng thanh niên có vợ. Thời Pháp tụi thực dân chơi khó nên học hành rất khó, khoảng 15, 17 tuổi mà lấy được bằng cấp 1 là cả họ mổ heo lợn ăn mừng rồi, đằng này ông còn vượt lớp nên khi tốt nghiệp chưa đầy 10 tuổi. Thi Pháp văn bà đầm hỏi, ổng trả lời ngon lành. Đang khấp khởi mừng thầm thì bà đầm cho 1 điểm rồi chìa cho xem, thấy thằng nhỏ mắt ngân ngấn bà cười xoa đầu rồi ghi thêm số 0 là 10đ, cao nhất khóa.
Bả thương ông lắm, coi như con. Sau ông ra Hà nội, học tú tài rồi thành dân buôn bán. Về quê, ổng làm đại lý bán rượu cho người Pháp mà tôi nghĩ ổng rất gian, làm rượu giả trộn vô kiếm lời khẳm mua tới mấy căn nhà ở Hà nội lận nhưng đó lại là chuyện khác rồi.
Rút cục thì em không dám nhận hàng nên anh cũng chẳng gửi nữa, chỉ tiếng có của là còn mãi. Mà chuyện này những năm 60 là tội to.
   

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Chèn lấn luận

Khi các chức năng trong hệ thống không rõ ràng, không hợp lý sẽ dẫn tới trường hợp chèn lấn hoặc khe hở.
Chèn lấn thì tranh cạnh với nhau, ai mạnh nấy được, cái tồn tại là cái hợp lý tuy rằng đôi khi làm cả toàn bộ tiêu tùng vì sự chèn lấn của mình.
Khe hở thì ngoài việc mình không ai đụng tới những cái tuy cần cho cái chung nhưng lại không thuộc phận sự của mình. 
" Sự im lặng bất tuyệt của những khoảng không đó làm cho tôi hoảng".
Hôm rồi tự nhiên cánh tay tê bại, bả vai mỏi nhừ. Đi khám được thông báo thoái hóa đốt sống cổ khiến dây thần kinh bị chèn lấn dẫn tới hiện tượng trên.
Sáng chiều đi làm trên đường ở đô thị lớn như Hà nội, SG thì xe máy chèn lấn xe hơi. Khởi thủy thì đường có giải phân cách theo TCVN, ví dụ 3 làn xe hơi được phân cách cứng với 2 làn xe máy.
Tiêu chuẩn thì thế nhưng thực tế lại khác, 1 xe hơi chạy thì hàng trăm xe máy cũng chạy.
Vậy là đường xe máy kẹt, xe hơi thưa. Rồi xe máy lấn làn xe hơi trái phép, CSGT đứng chặn phạt...nhưng 1 sáng nọ ra đường thấy giải phân cách thu bớt làn xe hơi như ở xa lộ Hà nội. 

Đó là nói trên xa lộ, còn trong nội đô thì thoải mái chen nhau như góc NTMK, NKKN gần Dinh Độc lập thì hầu như chẳng còn phân biệt đâu làn 2b đâu làn 4b.
Các bạn thấy chủ trương hạn chế xe máy thực ra rất đồng bộ từ phân làn giao thông hẹp, chỗ gửi xe phơi nắng mưa như ở trường cán bộ thành phố đến dẹp người bơm vá sửa xe...nhưng tất cả các cố gắng này đều thua thực tế hết.
Bước vào trường học thì học thêm lấn át học chính khóa. Học sinh ngữ, nghề, năng khiếu...ở trường học hoài không ăn thua phải ra ngoài học thêm để củng cố, để làm được, để lấy chứng chỉ...
Trong kinh tế thì có 2 hiện tượng kinh điển người ta gọi là tiền xấu đuổi tiền tốt mà các cụ hay nói là cỏ cây chen đá, lá chen hoa
(https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%8Bnh_lu%E1%BA%ADt_Gresham)
Và tranh nhau xài tiền gọi là hiện tượng chèn lấn tín dụng
(https://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BB%87u_%E1%BB%A9ng_l%E1%BA%A5n_%C3%A1t_(trong_kinh_t%E1%BA%BF_h%E1%BB%8Dc)

"Nhà kinh tế học Laura D’Andrea Tyson đã viết (6/2012): “Việc tăng thâm hụt ngân sách, dù bằng hình thức tăng chi tiêu chính phủ hay giảm thuế, đều làm tăng tổng cầu. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của nó đến sản lượng, việc làm và tăng trưởng còn phụ thuộc vào sự thay đổi của lãi suất. Nếu nền kinh tế gần đạt đến mức tiềm năng, các khoản vay của chính phủ bù thâm hụt làm tăng lãi suất. Lãi suất tăng làm giảm hay nói cách khác, “lấn át” đầu tư tư nhân, kết quả làm giảm tăng trưởng. Các lý luận liên quan đến “lấn át” giải thích nguyên nhân tại sao thâm hụt ngân sách trầm trọng có ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng, làm giảm sự hình thành vốn."

Ở VN thì công ty sân sau chèn lấn công ty sân chung, lợi ích nhóm vượt qua lợi ích xã hội.
Trong thể chế người ta thường đưa ra 3 quyền độc lập để cân bằng và kiểm soát lẫn nhau tránh trường hợp hành chính mạnh quá lấn át 2 ông kia.
Việc lấn át này sẽ làm quyền thứ 4 (báo chí) trở thành nói theo, giới luật sư trở nên nhỏ bé vì ông hành chính đã đá bao sân từ ra quy định, thực hiện đến xử lý vi phạm, tranh chấp.
Đi làm thì thu nhập ngoài chèn lấn lương, quan hệ chèn lấn nghiệp vụ, học bồi dưỡng để đáp ứng tiêu chuẩn, họp hành chèn lấn làm việc...

Cùng dòng chảy đó hiện tượng vật chất chèn lấn tinh thần, lưu manh chèn lấn thiện dân nổi lên...
Công cuộc lấn át này thực ra khởi nguồn từ gốc rễ giật sập 4 trụ cột xã hội là trí phú địa hào dẫn tới trí tuệ đám đông chèn lấn trí tuệ tinh hoa. Ước mơ của người xưa 3 anh thợ da hơn ông Gia Cát được hiểu 1 cách thô thiển là lượng bù chất hay lượng đổi chất đổi. Trộn thật nhiều bột mỳ mà thật ít bột nở thì sao lên men được.
Không lên men được thì các thành phần rời rạc và chỉ chèn lấn lẫn nhau, khó mà kết hợp với nhau như 1 xã hội bình thường cần phải có.


Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất? 
F. von Hayek
Có ba lý do chính, giải thích vì sao cái nhóm đông và mạnh, với những thành viên có quan điểm giống nhau, lại không được hình thành từ những người tử tế nhất mà thường là từ những phần tử xấu xa nhất của xã hội. Theo tiêu chuẩn của chúng ta, cái nhóm như thế chỉ có thể hình thành trên những nguyên lý hoàn toàn mang tính tiêu cực.



Thứ nhất, có khả năng là, nói chung, những người có trình độ học vấn và tri thức càng cao thì thị hiếu và quan điểm càng phân hoá và khó có thể thống nhất về bất cứ thang giá trị cụ thể nào. 
Kết quả tất yếu là, muốn tìm thấy thống nhất cao và tương đồng về quan điểm thì chúng ta phải tìm trong những tầng lớp xã hội với tiêu chuẩn đạo đức và tri thức không cao, nơi thị hiếu và bản năng nguyên thuỷ và thô lậu giữ thế thượng phong. Điều đó không có nghĩa là đa số dân chúng có tiêu chuẩn đạo đức thấp; nó chỉ có nghĩa là cái nhóm gồm nhiều thành viên với những chuẩn mực giá trị giống nhau là những người có tiêu chuẩn đạo đức không cao. 
Có thể nói chính cái mẫu số chung đạo đức cực kì thấp đã liên kết rất nhiều người lại với nhau. Nếu cần tìm một nhóm tương đối đông và đủ mạnh, để buộc những người khác phải chấp nhận các quan điểm và giá trị của mình thì không bao giờ chúng ta tìm tới những người có thị hiếu phát triển cao và phân hoá một cách sâu sắc - chúng ta sẽ tìm đến “quần chúng”, với ý nghĩa tiêu cực của từ này, tìm đến những người kém độc đáo nhất và ít độc lập nhất, những người có thể dùng số lượng làm bệ đỡ cho lý tưởng của họ.

Nhưng, nếu nhà độc tài tương lai chỉ dựa vào những người có những bản năng đơn giản và nguyên thủy thì số người như thế sẽ không thể đủ để thực hiện nhiệm vụ đặt ra. Hắn sẽ phải tăng thêm số thành viên của mình bằng cách kết nạp thật nhiều người vào cùng tín điều đơn giản của hắn.

Tiêu chuẩn chọn lựa tiêu cực thứ hai: 
Hắn phải tìm được sự ủng hộ của những kẻ dễ bảo và cả tin, những kẻ không có niềm tin riêng mà sẵn sàng chấp nhận các hệ thống giá trị sẵn có, miễn là được rót vào tai họ một cách ồn áo và liên tục. 
Chính những kẻ với các tư tưởng mù mờ và được hình thành một cách dở dang, những kẻ dễ dao động, những kẻ mà tình cảm và niềm đam mê sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào lại là thành phần đông nhất của các đảng toàn trị.

Thành tố thứ ba, và có lẽ là thành tố tiêu cực quan trọng nhất để một kẻ mị dân lão luyện có thể tập họp quanh mình một nhóm cố kết những người ủng hộ. 
Dường như bản chất của con người là dễ dàng đồng thuận trên cơ sở một cương lĩnh mang tính tiêu cực - chí căm thù giặc, lòng ghen tức với những kẻ khá giả - hơn là trên cơ sở một nhiệm vụ mang tính tích cực. 
Sự tương phản giữa “chúng ta” và “chúng nó”, cuộc chiến đấu chống lại những kẻ nằm bên ngoài tổ chức dường như là chất kết dính chủ yếu trong mọi giáo lý, chính nó sẽ gắn chặt người ta thành một nhóm cho những hành động chung. 
Những kẻ cầm đầu muốn săn tìm không chỉ sự ủng hộ về mặt chinh trị mà còn săn tìm lòng trung thành vô điều kiện của quần chúng đã cố tình lợi dụng cái phần tiêu cực đó. 
Theo họ, các cương lĩnh tiêu cực có ưu điểm là dành cho họ quyền tự do hành động hơn bất kì cương lĩnh tích cực nào. Kẻ thù, bất kể ở bên trong như “Do Thái” ở Đức hay “kulak” ở Nga, hay bên ngoài – là một trong những phương tiện thiết yếu trong kho vũ khí của lãnh tụ toàn trị.

Việc người Do Thái ở Đức bị tuyên bố là kẻ thù trước khi các nhà tài phiệt thế chỗ cho họ cũng chỉ là kết quả của xu hướng bài tư bản của phong trào, chẳng khác gì việc chọn tầng lớp phú nông (kulak) ở Nga. 
Ở Đức và Áo, người Do Thái bị coi là đại diện của chủ nghĩa tư bản vì sự thù địch thâm căn cố đế của quần chúng đối với thương nghiệp đã làm cho lĩnh vực này trở dễ thâm nhập hơn đối với những nhóm người không có quyền lựa chọn những nghề cao qúy hơn. 
Đây là câu chuyện này cũng cũ về các sắc dân ngụ cư: Họ chỉ được làm những nghề hèn mọn và thế là người ta càng căm ghét vì họ làm những nghề đó. Chủ nghĩa bài Do Thái và bài tư bản ở Đức có cùng một nguồn gốc là sự kiện cực kì quan trọng, nó giúp ta hiểu được các sự việc đang diễn ra trên đất nước này; nhưng nói chung, những người quan sát nước ngoài đã không nhận ra điều đó. 

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017


Từ 100 hoa tới 3 hoa


100 hoa xuất phát từ Trung Hoa, cái nôi của văn minh Hoa Hạ. Thực ra 100 hoa không phải là bông hoa, nó chỉ 1 thời kỳ khám phá học thuật say mê, sôi nổi và ngây thơ. 
Xuất hiện hàng trăm học thuyết (https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1ch_Gia_Ch%C6%B0_T%E1%BB%AD) của 100 nhà nên còn gọi là phong trào 100 hoa lần thứ nhất. Phong trào sau này bị dập tắt, quy vào 1 mối bởi Tần thủy hoàng đế lừng danh, người nhất thống TQ và cũng đốt sách, giết học trò, quẳng 100 hoa vô thùng rác.
Tuy bị dập vùi nhưng người TH vẫn đau đáu chờ cơ hội đưa ra những ý kiến khác biệt của từng nhà, từng người bởi vì học thuật không có khác biệt, không qua tranh luận thì thật ấm ức, cuối cùng lại trổ ra dưới dạng bạo lực, mà món này dân học trò trói gà không chặt luôn bị yếu thế nên bị gí, cắt như cắt cổ gà.
Dịp may tới, Mao CT cho phép 100 hoa đua nở lần 2 trên đất TH. 
Sôi nổi, nô nức và ngây thơ như lần 1, nhửng ý kiến khác nhau tuôn chảy qua báo chữ to. Vậy là Mao CT biết hết ai chống đối, 1 mẻ lưới cho đi cải tạo, vậy là hết 100 hoa lần 2.
Khiếp vía, 100 bông hoa tan tác chỉ còn lại 1 bông lưu lạc tới đất Cảng thơm, đó chính là Quỳ hoa bảo điển thần thánh.
Hoa này là hàng triệu người mê mẩn, tới ca ca Giang, tổng đàn chủ võ thuật xứ Việt còn tưởng công phu này có thật.
Quá tai hại vì ngay trang đầu ghi rành rành: phải vung dao tự thiến mới luyện được võ công này. Bao kẻ láu cá tìm cách lách. Bằng chứng là có phong trào cạo nhẵn phía dưới cả nam lẫn nữ.
Thật là gớm ghê cho cái ước mơ võ lâm minh chủ. Nhưng người sao lừa được thiên, luyện sao thành nổi.
Tức mình, 1 kẻ đã xé Quỳ hoa bảo điển thành 3 mảnh và dùng con diều của Cao Biền mang sang nước Việt.
Mảnh 1 rơi trên đất bắc, mấy anh em nhà trạng Quỳnh, trạng Lợn đọc lỗ mỗ được nên thành lừng tiếng nhưng Quỳnh dấu, thề độc: ĐM thằng nào bảo thằng nào làm dân bắc hay ĐM cho tới ngày nay.
Mảnh 3 rơi xuống phương nam, bác 3 Phi, 3X đọc được nổ như lựu đạn (nghe đồn công tử Bạc Liêu có đọc nhưng nhớ có 1 dòng nên sau cũng khét tiếng kích cầu).
Láng quáng thế nào mảnh 2 rơi ở đất miền trung nhiều người chứng kiến, tranh giành nhau đâm nát vụ cả, chả ai đọc được. Sau 1 người tiết của hốt lại chôn, kỳ lạ thay đất ấy trổ ra cây húng thơm như mùi quế, ăn rất ngon, đặc biệt khi kèm với thịt chó (kể tới đây nước miếng tui cũng tứa ra nè).
Và cũng kể từ đó, dân vùng này thượng võ hơn hẳn 2 vùng kia nhưng vẫn bị dân trạng chê là dân Trại, kém thanh lịch hẳn so với dân Kinh.
Vậy nên:
3 cây chụm lại nên hòn núi cao
đằng này:
3 phần sách đã trở thành 3 hoa

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Nguồn gốc vốn khủng của CTCK

Đấu giá CPH dưới góc nhìn phái sinh
Thị trường chứng khoán phái sinh sắp đi vào hoạt động. Đây là lúc kiểm lại có cái gì tương tự đã xảy ra trong quá khứ hay không.
Năm 2000, sàn giao dịch chứng khoán hoạt động. Thừa thắng xông lên mới mở tiếp 1 sàn giao dịch điện tử về hạt điều Nuttrade. Có phòng riêng, có máy móc, phần mềm, công ty XNK điều, văn phòng chính phủ và tất nhiên 1 đội ưu tú của Hose cũng tham gia. Mọi người hồ hởi, phấn khởi, lạc quan lắm nhưng giao dịch được nhõn 1 lần rồi tịt (nếu tôi nhớ không nhầm).
Người nói do mình lệch múi giờ, kẻ nói khối lượng giao dịch của mình ít quá, kẻ nói chuẩn nó cao quá. Tôi thì nghĩ rằng kiểu giao dịch đó vẫn là giao dịch theo kiểu hàng hóa thông thường, khó phát triển và tôi nghĩ rằng phải giao dịch kiểu hàng hoa tương lai hay phái sinh mới ăn.
Mấy năm sau các sàn giao dịch hàng hóa mở ra nhưng èo uột dù bộ Công thương có 1 nghị định cho hoạt động này.
Lò dò đi hỏi các anh làm XNK điều, anh bảo trước tốt mà giờ thảm quá. Tôi hỏi có phải vì không dùng công cụ tài chính không?
Anh trả lời mày trật lất rồi, các anh đây toàn giao dịch trên các sàn lớn của thế giới không?
- Vậy sao lại te tua
- Vì tụi tao chơi lớn, chơi đầu cơ ngược xu thế thị trường là banh xác chớ sao.
Vậy là việc phòng hộ bị bỏ qua mà sa vô đầu cơ quá độ. Đó cũng là căn bệnh chung của con người.
Qua sàn vàng thì ta thấy rõ rệt hơn, lớp lớp nhà đầu tư ôm laptop thức đêm đánh vàng tài khoản, ký quỹ có 7-10% hợp ý các nhà đầu tư vô cùng.
Làm ăn ai cũng muốn bỏ vốn ít mà thu lãi lớn hay tỷ suất lợi nhuận cao.
Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ ngả rạ mà bao anh hào từ Kiên ACB, Bình Đông Á, Sacombank,...nhiều nhiều ngân hàng tham gia đánh vàng tài hoản thua lỗ khủng tới mức NHNN phải cấm sàn vàng hoạt động.
Tất nhiên có lời là có tham, giờ quảng cáo mời chào giao dịch Forex, hàng hóa, bitcoin nhan nhản nhưng có nhiều xu hướng Ponzi nên không nói ở đây nữa.
Quay lại đấu giá CPH.
Thực ra ít nước chọn kiểu thi đại học như thế này vì nó chì hợp khi thị trường nóng thôi và bằng cách đấu giá thì CTCK mãi chả lớn được (nhưng thực tế lại mở ra 1 cơ hội lớn sau):
Thời kỳ 2006-2010 là thời hoàng kim của đấu giá CPH, nhà nhà chen nhau đặt lệnh, ai trúng là có lời ngay. Bỏ qua những trò ma mãnh như gửi giá, sửa lệnh, chen ngang...ra thì sức hút khủng khiếp của nó nằm ở chỗ giống công cụ phái sinh vô cùng:
Đó là chỉ phải đặt cọc 10% và 30 ngày sau mới phải nộp đủ tiền. 
Chi phí bỏ ra có 1/10, thời gian cho trao tay lớn đã kết hợp lại thành 1 cái chợ OTC khổng lồ. Béo bở đến nỗi có CTCK năm 2000 VĐL có 6 tỷ mà sau đợt đấy thành ngàn tỷ. Tất nhiên khi thị trường đổ dốc thì ngay CBNV Vietcombank mua CP ưu đãi giá 68k còn lỗ mất 1 nửa, tôi quen 1 bà chị về hưu bảo chị chả còn đồng phúc lợi nào vì phải bù vô tiền cổ phiếu ngược đãi.