ĐỀ
ÁN THÀNH LẬP CHI NHÁNH UBCKNN TẠI TPHCM
I.
Đánh giá mô hình Cơ quan Đại diện:
1. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức:
a. Lịch sử hình thành:
Xây dựng và phát triển TTCK là một mục
tiêu đã được Đảng và Chính phủ Việt Nam định hướng trong những năm đầu thập kỷ
90 nhằm xác lập một kênh huy động vốn mới cho đầu tư phát triển. Ngày 6/11/1993,
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 207/QĐ-TCCB về việc thành lập
Ban Nghiên cứu xây dựng và phát triển thị trường vốn để tổ chức nghiên cứu về
các lĩnh vực liên quan đến Thị trường chứng khoán (TTCK), đề xuất với Chính phủ
về mô hình TTCK Việt Nam, đào tạo kiến thức cơ bản về chứng khoán và TTCK cho một
bộ phận nhân lực quản lý và vận hành thị trường trong tương lai,…Lúc này, Cơ
quan đại diện UBCKNN tại TPHCM là một bộ phận của Ban Nghiên cứu xây dựng và
phát triển thị trường vốn tại khu vực phía Nam.
Ngày 28/11/1996, Thủ tướng Chính phủ ban
hành Nghị định số 75/CP thành lập UBCKNN. Với mục đích chuẩn bị điều kiện cho sự
ra đời của TTCK, tạo môi trường thuận lợi cho việc huy động vốn cho đầu tư phát
triển, đảm bảo cho TTCK hoạt động an toàn, công khai, công bằng và hiệu quả, bảo
vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, UBCKNN được thành lập với
vị trí là Cơ quan trực thuộc Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức và quản lý
nhà nước về CK và TTCK. Tại thời điểm này, Cơ quan đại diện là một đơn vị trực
thuộc UBCKNN, thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của Chủ tịch UBCKNN, phối hợp
với các Vụ chuyên môn, Vụ chức năng thuộc UBCKNN thực hiện nhiệm vụ được giao,
giúp Chủ tịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK.
Năm 2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán
Thành phố Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động với 05 công ty niêm yết. Sau hơn 3 năm TTCK đi vào hoạt động, quy mô
thị trường vẫn còn nhỏ, chưa trở thành một kênh huy động vốn dài hạn có hiệu quả
cho đầu tư phát triển. Tính đến cuối năm 2003, thị trường có 22 công ty niêm yết
với mức vốn hóa thị trường 2.370 ngàn tỷ đồng, chiếm 0,39%GDP. Tham gia thị trường
chỉ có 01 công ty quản lý quỹ, 12 công ty chứng khoán và chủ yếu là các nhà đầu
tư nhỏ lẻ, thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các công ty lớn, các nhà đầu
tư có tổ chức như quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. Hơn nữa, tốc độ cổ phần hóa
diễn ra chậm chạp, các công ty lớn chưa muốn niêm yết trên thị trường tập
trung. Để tăng cường công tác tổ chức, điều hành TTCK hoạt động một cách có hiệu
quả hơn, năm 2003 Chính phủ ban hành nghị định số 90/2003/NĐ-CP ngày 12/8/2003
thay thế Nghị định 75/CP. Công tác chủ yếu của UBCKNN trong giai đoạn này là
chuẩn bị hành lang pháp lý, tạo cung hàng hóa trên thị trường; tổ chức tuyên
truyên, phổ biến kiến thức về chứng khoán và TTCK cho các tổ chức và công
chúng. Theo Nghị định này, Cơ quan đại diện UBCKNN tại TPHCM không còn là một
đơn vị trực thuộc UBCKNN mà là một bộ phận của Văn phòng UBCKNN đặt tại TPHCM. Do
đó, mô hình Cơ quan đại diện là một đầu mối của Văn phòng UBCKNN là phù hợp với
tình hình, chức năng, nhiệm vụ của UBCKNN.
Năm 2004, thực hiện chương trình cải cách
hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 của Chính phủ, UBCKNN không còn là Cơ
quan quản lý nhà nước trực thuộc Chính phủ mà chuyển vào Bộ Tài chính (Quyết định
số 66/2004/NĐ-CP ngày 19/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển UBCKNN
vào Bộ Tài chính). Theo đó, ngày 7/9/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định
số 161/2004/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN. Để ổn định
tổ chức, hoạt động trong thời gian đầu mới sáp nhập vào Bộ Tài chính; về cơ bản,
chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy của UBCKNN vẫn giữ nguyên như trước,
Cơ quan đại diện UBCKNN vẫn là một bộ phận thuộc UBCKNN đặt tại TPHCM.
Năm 2006-2007, TTCK bắt đầu khởi sắc và có
sự tăng trưởng mạnh mẽ. Số lượng công ty niêm yết tăng vọt, tính đến cuối năm
2007, đã có 253 công ty niêm yết trên cả hai sàn giao dịch. Tổng giá trị vốn
hóa thị trường tính tại thời điểm 31/12/2007 ước đạt 492.900 ngàn tỷ đồng,
tương đương 40%GDP cả năm 2007. Trong năm 2006, có 44 công ty cổ phần thực hiện
việc chào bán hơn 203 triệu cổ phiếu, và đến năm 2007, hoạt động phát hành thực
sự bùng nổ với gần 200 đợt phát hành của 192 công ty và 4 ngân hàng thương mại.
Tổng lượng vốn huy động lên đến gần 40.000 tỷ đồng. Năm 2007 cũng chứng kiến kỷ
lục cao nhất của chỉ số chứng khoán Việt Nam, VN Index đạt mức 1.170,67 điểm và
HASTC Index đạt 459.36 điểm. Số lượng công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ
tăng đáng kể (1 công ty QLQ, 12 CTCK năm
2003 lên 25 Công ty QLQ, 78 CTCK trong năm 2007). Trước sự phát triển quá nóng
của thị trường chứng khoán, sau 3 năm sáp nhập vào Bộ tài chính; tình hình hiện
tại đòi hỏi phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động
các tổ chức tham gia trên TTCK; UBCKNN
đã trình Bộ Tài Chính trình Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ
chức mới.
Thủ
tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành những quyết định quy định
chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của UBCKNN và các đơn vị trực thuộc: Quyết
định 63/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 02/2008/QĐ-UBCK
ngày 14/1/2008 và Quyết định số 49/2008/QĐ-BTC ngày 08/7/2008 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính. Theo đó, UBCKNN có thêm 2 Vụ chuyên môn: Vụ Giám sát thị trường chứng
khoán và Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán; các tổ
chức sự nghiệp sẽ chuyển đổi gồm: Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM, Trung
tâm Giao dịch Chứng khoán; Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Thời kỳ này, Cơ quan Đại
diện không còn là một bộ phận của Văn phòng UBCKNN mà là một đơn vị có con dấu
và tài khoản riêng, trực thuộc UBCKNN; có cơ cấu tổ chức bộ máy gồm: phòng Hành
chính – Tổng hợp và Phòng Nghiệp; được tăng cường chức năng nhiệm vụ để giúp Chủ
tịch và các đơn vị chuyên môn thực hiện công tác giám sát các cá nhân và tổ chức
hoạt động trên thị trường chứng khoán tại địa bàn phía Nam.
Theo kế hoạch của Quyết định
63/2003/2007/QĐ-TTg, năm 2007-2009, lần lượt các đơn vị sự nghiệp: Trung tâm
Giao dịch Chứng khoán TPHCM, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Trung tâm
Lưu ký Chứng khoán trở thành pháp nhân độc lập nhằm tách bạch chức năng quản lý
nhà nước trong hoạt động chứng khoán và chức năng tổ chức vận hành TTCK. Do vậy,
quyết định số 112/2009/QĐ-TTg ngày 11/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức UBCKNN được ban hành thay thế Quyết định số
63/2003/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Theo các quyết định
mới, Cơ quan Đại diện vẫn là một đơn vị trực thuộc UBCKNN, có con dấu và tài
khoản riêng để thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch UBCKNN giao.
Từ khi được thành lập đến nay, Cơ quan đại
diện đã trải qua những thay đổi trong vị trí, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ
chức. Đây là điều tất yếu, bởi nó phù hợp với quá trình hình thành và phát triển
của UBCKNN, theo từng giai đoạn phát triển thăng trầm của TTCK Việt Nam.
b. Nhiệm vụ hiện tại:
Quyết định 389/QĐ-BTC ngày 23/2/2010 quy định
CQĐD là đơn vị có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, tài khoản riêng với cơ cấu
tổ chức gồm các phòng: Phòng Nghiệp vụ và Phòng Hành chính – Tổng hợp, thực hiện
các chức năng, nhiệm vụ như sau:
- Tổ chức hoặc phối hợp với đơn vị chuyên môn của UBCKNN triển
khai các chủ trương, chính sách và các hoạt động khác của UBCKNN về CK&TTCK
trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam;
- Phối hợp với Vụ Quản lý phát hành chứng khoán giám sát, ngăn chặn
các hành vi vi phạm pháp luật trong việc chào bán chứng khoán ra công chúng, vi
phạm pháp luật về công ty đại chúng, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà
đầu tư; tiếp nhận, hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký công ty
đại chúng; tham dự đại hội công ty đại chúng đã đăng ký trên địa bàn. Tiếp nhận
các báo cáo, các thông tin công bố theo quy định của các công ty đại chúng tại
khu vực phía Nam và báo cáo về UBCKNN để tổng hợp;
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc UBCKNN giám sát việc
tuân thủ pháp luật của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và Chi nhánh Trung tâm
LKCK tại TPHCM;
- Phối hợp với Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán và Vụ Quản lý các
công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán khoán giám sát việc tuân thủ pháp
luật của người hành nghề trong các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán; kiểm
tra việc đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của các công ty chứng
khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh, văn phòng giao dịch của các tổ chức kinh
doanh chứng khoán tại TPHCM và các tỉnh thành phố phía Nam;
- Phối hợp với các đơn vị thuộc UBCKNN thực hiện việc giám sát, kiểm
tra xác minh những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của
các tổ chức, cá nhân hoạt động trên thị trường chứng khoán trên địa bàn, thông
qua các báo cáo tài chính, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng,
tin đồn, dư luận, báo cáo Chủ tịch UBCKNN để chỉ đạo, xử lý kịp thời;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về chứng
khoán, thị trường chứng khoán và quản trị công ty cho các công ty đại chúng,
các tổ chức, cá nhân tham gia TTCK và công chúng đầu tư;
- Tiếp nhận, tổng hợp và phân tích thông tin, tình hình thị trường,
dự báo xu hướng, nhằm tham mưu cho Lãnh đạo UBCKNN trong việc hoạch định các
chính sách, giải pháp nhằm ổn định, phát triển TTCK;
- Tổ chức quản lý cán bộ, công chức, quản lý kinh phí và tài sản của
CQĐD, thực hiện hạch toán, kế toán và quản lý chi tiêu tài chính của đơn vị
theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của UBCKNN;
- Thực hiện công tác văn phòng, công tác đối ngoại của UBCKNN theo
phân công, ủy quyền của Chủ tịch UBCKNN; Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra củ
UBCKNN theo quyết định của Chủ tịch UBCKNN;
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất lên chủ tịch UBCKNN
và các đơn vị có liên quan thuộc UBCKNN theo quy định.
2.
Đánh giá ưu, nhược
điểm:
a.
Với cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ hiện tại, Cơ quan đại diện có những
thuận lợi:
- Cơ quan đại diện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản
riêng, nên vai trò, vị thế tăng lên so với trước; tăng tính chủ động trong việc
quản lý tài sản, chi tiêu,…;
- Cơ quan đại diện có tổ chức cấp phòng, có đầu mối quản lý rõ
ràng, dẫn đến việc điều hành, quản lý biên chế, phân công nhiệm vụ dễ dàng và
thống nhất từ trên xuống dưới;
- Cơ quan đại diện được đề nghị các đơn vị liên quan cung cấp số
liệu, phục vụ cho công tác, nghiệp vụ chuyên môn được giao;
- Chủ động trong công tác tổ chức, tuyên truyền phổ biến văn bản
quy phạm pháp luật, kiến thức về chứng
khoán và thị trường chứng khoán cho các đối tượng thuộc địa bàn quản lý.
b.
Những tồn tại, hạn chế:
Bên cạnh những thuận lợi, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của
Cơ quan đại diện vẫn bộc lộ những hạn chế trong tình hình hiện tại, cụ thể:
- Theo quy định, Cơ quan đại diện đang thực hiện nhiệm vụ theo cơ
chế phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc UBCKNN, chưa được phân cấp, ủy quyền
trong từng lĩnh vực cụ thể nên vai trò đại diện của UBCKNN trên các mặt thông
tin, tiếp nhận yêu cầu của các địa phương, tổ chức, công ty,…tại địa bàn phía
Nam không rõ nét;
- Theo cơ chế phối hợp hiện tại, Cơ quan đại diện hoàn toàn thụ động,
kém linh hoạt trong việc thực thi nhiệm vụ được giao. Dẫn đến công việc không đều,
không thường xuyên; cán bộ, công chức ít được tiếp xúc với thực tiễn. Trong khi
đó, công tác giám sát, kiểm tra thông tin cần nhanh nhạy, kịp thời, và nhiều
kinh nghiệm.
- Với các nhiệm vụ chuyên môn được giao, Cơ quan đại diện tham gia
hỗ trợ nhiều mảng nghiệp vụ khác nhau, giám sát nhiều đối tượng khác nhau như:
công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán. Tuy nhiên, với cơ
chế phối hợp hiện tại, Cơ quan đại diện không thực sự tham gia sâu vào nghiệp vụ
cụ thể nào. Trong khi các hành vi vi phạm của các đối tượng trên địa bàn ngày
càng nhiều và phức tạp, đòi hỏi cơ quan quản lý phải chuyên sâu nghiệp vụ, nắm
bắt thông tin nhanh, xử lý kịp thời.
- Hiện nay, các đơn vị chuyên môn tại UBCKNN đang quá tải với khối
lượng công việc được giao. Mỗi đơn vị chỉ có 20-30 cán bộ, công chức nhưng quản
lý tới trên 700 công ty niêm yết, gần 1000 công ty đại chúng, 47 công ty quản
lý quỹ, 105 công ty chứng khoán, với trên 95.000 tài khoản giao dịch, số lượng
người hành nghề tăng nhanh. Trong khi, với lợi thế là đơn vị đóng tại trung tâm
Thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn kinh tế trọng điểm, tập trung nhiều công ty đại
chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ,…Cơ quan đại diện dễ dàng nắm bắt
thông tin; sâu sát tình hình; nhanh chóng, kịp thời xử lý các trường hợp phát
sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, sẽ tiết kiệm kinh phí quản lý cho nhà
nước do ở gần, không tốn kinh phí đi lại. Tuy nhiên, với mô hình hiện tại, Cơ
quan đại diện chưa hoạt động hết năng lực, công suất do chưa được giao đủ thẩm
quyền trong từng lĩnh vực. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực, kinh phí của
nhà nước, giảm hiệu quả trong công tác quản lý.
3. Sự cần thiết
chuyển đổi mô hình Cơ quan đại diện theo mô hình Chi nhánh UBCKNN khu vực 3:
Theo quy định tại điều 100 của Luật Dân sự quy định: “Văn phòng đại
diện là đơn vị phụ thuộc có pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi
ích của pháp nhân và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó. Chi nhánh là đơn vị
phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng
của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền”. Như vậy, về vị trí pháp
lý thì như nhau, nhưng về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, Chi nhánh thực hiện
công việc quản lý nhà nước một cách trực tiếp, rõ ràng hơn so với Văn phòng đại
diện.
Hiện nay, Cơ
quan đại diện UBCKNN tại TPHCM đang thực hiện theo mô hình Văn phòng đại diện
của pháp nhân (UBCKNN). Như đã phân tích ở trên, theo quá trình phát triển của
TTCK, mô hình Cơ quan đại diện đã bộc lộ những hạn chế nhất định, nên cần phải
có cơ quan quản lý nhà nước có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản riêng và được
phân định những thẩm quyền nhất định để quản lý, giám
sát hoạt động của thị trường tại Tp.HCM và các tỉnh thành phố phía Nam. Khi UBCKNN khu
vực (Chi nhánh UBCKNN tại TP.HCM) được thành lập, cơ quan này sẽ phát huy hiệu
quả quản lý tối đa nhờ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí quản lý cho cơ quan nhà
nước, tránh lãng phí, tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp, các nhà
đầu tư, triển khai và giám sát thị trường hiệu quả nhờ khoảng cách địa lý gần. Do vậy, việc chuyển đổi Cơ quan đại diện theo mô hình Chi
nhánh là điều tất yếu để phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với TTCK Việt Nam, tuy mới hình thành nhưng nó cũng có những điểm tương
đồng với các ngành khác khi đối tượng quản lý là các công ty đại chúng, các định
chế trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công
ty luật, công ty kiểm toán, ngân hàng giám sát…, các Sở giao dịch nằm rải rác
trên nhiều tỉnh, thành trong đó tập trung tại 3 khu vực có nền kinh tế phát triển
năng động là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Bên cạnh đó, là nơi cung cấp môi trường
đầu tư cho công chúng; cung cấp vốn, đánh giá giá trị doanh nghiệp và tình hình
của nền kinh tế; tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện chính sách kinh tế vĩ
mô nên hoạt động của thị trường rất phong
phú, đa dạng và ngày càng phức tạp đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải luôn bắt
nhịp cùng hoạt động của thị trường, phải có một bộ máy giám sát có hiệu quả.
Tuy nhiên, cho đến nay, UBCKNN chỉ là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính thực hiện
quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán trong cả nước. UBCKNN
hiện chỉ được tổ chức ở Trung ương với các Vụ, Cục chuyên môn và một cơ quan đại
diện tại TP.HCM thực hiện chức năng ủy quyền của Chủ tịch. Việc thiết lập cơ quan quản lý tại địa bàn trọng yếu để thực hiện tốt
chức năng quản lý là một đòi hỏi khách quan.
Yêu cầu này càng trở nên cấp bách khi Chiến lược phát triển
thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt,
với mục tiêu “tăng quy mô, củng cố tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán,
phấn đấu đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP vào
năm 2020, tăng tính hiệu quả cho thị trường trên cơ sở tái cấu trúc tổ chức thị
trường chứng khoán, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, chuyên nghiệp hóa việc tổ chức
và vận hành hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao sức cạnh tranh của các định
chế trung gian thị trường, các tổ chức phụ trợ thị trường và của thị trường chứng
khoán Việt Nam, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm,
củng cố lòng tin của nhà đầu tư...” Để đạt được điều này, ngoài việc hoàn thiện
khung pháp lý thì vấn đề nâng cao năng lực
quản lý là việc làm cấp bách.
Thành phố Hồ Chí Minh,
trung tâm kinh tế phát triển năng động nhất nước với sự phát triển mạnh trải theo bề rộng và sự tăng quy mô thị trường tại đây cũng như
các tỉnh thành phố lân cận trong thời gian qua sẽ tạo đà cho sự phát triển của
thị trường chứng khoán trong thập kỷ sau.
Các công ty đại chúng, công ty niêm yết, các định chế trung gian và số
lượng nhà đầu tư chứng khoán sẽ phát triển
nhanh chóng. Trong điều kiện TTCK phát triển, quy mô thị trường ngày càng tăng,
phát sinh nhiều nghiệp vụ mới, hành vi vi phạm của đối tượng tham gia thị trường
ngày càng phức tạp (vi phạm về công bố thông tin, chào bán chứng khoán ra công
chúng, đạo đức nghề nghiệp, chỉ tiêu an toàn tài chính, thao túng,…). Trong khi
đó, các Vụ chuyên môn thuộc UBCKNN đang quá tải với khối lượng công việc nhiều,
ngày càng tăng. Thêm vào đó, UBCKNN ở xa, nguồn kinh phí đi lại còn hạn chế,
nên chưa thể sát sao được tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động
trên địa bàn các tỉnh phía Nam như thực tiễn đòi hỏi. Do đó, cần chuyển đổi Cơ
quan đại diện theo mô hình Chi nhánh UBCKNN khu vực để tăng cường năng lực quản
lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước tại
khu vực phía Nam cho UBCKNN. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển Thị trường
chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được ban hành theo Quyết định số
252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc chuyển đổi Cơ quan Đại diện theo mô hình Chi nhánh UBCKNN khu
vực không chỉ xuất phát từ yếu tố khách quan, từ nhu cầu thực tiễn, mà còn từ
tham khảo mô hình cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và một số nước trên thế
giới.
II. Mô hình quản lý nhà nước của Việt Nam
và một số nước trên thế giới:
1.
Mô hình các cơ
quan quản lý nhà nước ở Việt Nam.
Với chính thể đơn nhất, Việt Nam không có
khái niệm “nhà nước trung ương” hay “nhà nước địa phương” như ở một số nước mà
quyền lực nhà nước được tập trung thống nhất. Song để quản lý được các ngành,
các lĩnh vực ở từng địa phương nhà nước phải tổ chức hệ thống các cơ quan quản
lý theo thứ bậc và hoạt động theo pháp luật.
Tuỳ vào đặc thù của các ngành, các lĩnh vực khác nhau đòi hỏi những
phương thức thực hiện và cơ chế quản lý thích hợp. Vì vậy, việc phân cấp quản
lý trong các ngành, các lĩnh vực phải
đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đặc thù của từng ngành.
Đối với các ngành kinh tế, một trong những
nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước là quản lý theo ngành kết hợp với quản
lý theo lãnh thổ. Do đặc thù về đối tượng quản lý, hầu hết các đối tượng quản
lý thường rộng, nằm trên hầu hết các khu vực, các vùng lãnh thổ khác nhau nên
các bộ ngành quản lý những lĩnh vực khác nhau, dù quyền lực tập trung thống nhất
ở trung ương nhưng vẫn phải đảm bảo sự phân công, phân nhiệm quản lý theo chiều
dọc cho các cơ quan ở địa phương nhằm đảm bảo tính hiệu quả. Có thể nói dù được
tổ chức theo mô hình nào, chất lượng quản
lý của các cơ quan quản lý nhà nước phải được phản ánh bằng các chỉ số
như: khoảng cách địa lý gần, thuận lợi cho các chủ thể bị quản lý, nhanh chóng
và đơn giản về thủ tục. Điều này cũng cho thấy cấp quản lý nào có khả năng đạt
được mục tiêu, chất lượng và yêu cầu quản lý với chi phí ít nhất và thời gian
ngắn nhất thì nên giao nhiệm vụ tương ứng cho cấp đó. Các cơ quan quản lý nhà
nước trong các lĩnh vực thường được tổ chức các cấp: trung ương, cấp tỉnh
(thành phố trực thuộc trung ương) như Ngân hàng nhà nước, Cục Quản lý thị trường
trực thuộc Bộ Công thương, một số cơ
quan còn được tổ chức ở cấp cấp quận/huyện
như Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Kho
bạc nhà nước, Tổng cục hải quan, Tổng cục thuế, Tổng cục thống kê, Tổng cục thi
hành án dân sự ... để đảm bảo hiệu quả quản lý cao nhất.
Thực hiện các chức năng quản lý chuyên ngành, các cơ quan của Bộ
tài chính như Kho bạc nhà nước, Tổng cục hải quan, Tổng cục thuế có cơ chế quản
lý ở Trung ương và địa phương. Tổng cục
Hải quan ở Trung ương có các Vụ chuyên môn, 34 cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương; Các Chi cục Hải quan: Đội Kiểm
soát Hải quan và đơn vị tương đương thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương. Tương tự
Tổng cục Thuế cũng được tổ chức ở Trung ương với các Vụ, Cục, văn phòng và Cục Thuế ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi
chung là Cục Thuế cấp tỉnh và các Chi cục Thuế ở các huyện, quận, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chi cục Thuế cấp huyện). Các đơn vị ở địa phương có tư cách pháp nhân, con dấu
riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước là cơ quan được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương
đến địa phương theo đơn vị hành chính, bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất
bao gồm Kho bạc Nhà nước ở Trung ương;
Kho bạc Nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kho bạc Nhà
nước ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Kho bạc Nhà nước được tổ chức điểm giao dịch
tại các địa bàn có khối lượng giao dịch lớn theo quy định của Bộ Tài chính. Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện có
tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng nhà nước và
các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh Chương trình tổng thể cải cách hành
chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, Chính Phủ đang nỗ lực cải tổ các cơ quan
quản lý nhà nước, song điều đó không có nghĩa là chúng ta thu hẹp tất cả các cơ
quan mà vấn đề đặt ra ở đây là phải thu hẹp, xóa bỏ các chủ thể quản lý không cần
thiết, mở rộng thẩm quyền, thiết lập các cơ quan quản lý ở những lĩnh vực, địa bàn
quan trọng, thiết yếu. Sản phẩm cuối
cùng trong quá trình phân cấp quản lý là
việc tạo ra những cơ quan quản lý hiệu quả, không chồng chéo về thẩm quyền để tối
đa hóa mục tiêu quản lý, giảm thiểu chi phí, mang lại những thuận lợi cho chủ
thể được quản lý.
2. Mô hình cơ quan
quản lý nhà nước về TTCK một số nước trên thế giới.
Không thể có một mô hình cơ quan
quản lý nhà nước nói chung và chứng khoán nói riêng cho tất cả các nước. Tuỳ
vào thể chế chính trị, cấu trúc nhà nước và lịch sử hình thành, phát triển, quy
mô, tính chất của thị trường chứng khoán mà mỗi nước sẽ xây dựng những mô hình
cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán
khác nhau. Ngay cả trong cùng một nhà nước trong những thời điểm lịch sử
khác nhau, với sự phát triển của quy mô
thị trường, sự phát sinh những quan hệ đa dạng, phức tạp khác nhau...nhà nước sẽ
có những thay đổi mô hình quản lý để đạt hiệu quả quản lý cao nhất.
Để minh chứng cho điều này chúng ta hãy xem xét mô hình quản lý nhà nước
về chứng khoán của Mỹ- nơi có lịch sử thị trường lâu đời và quy mô thị trường lớn
nhất thế giới và cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán của Trung Quốc, nơi thị
trường chứng khoán phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây và có những nét
tương đồng với Việt Nam.
a.
Uỷ ban chứng khoán và giao dịch của Mỹ
(Securities and Exchange Commission)
Sự đổ vỡ của TTCK Mỹ năm 1929 khiến nước
này đỏi hỏi phải có một cơ quan quản lý nhà nước có sức mạnh để thực thi các biện
pháp đảm bảo cho hoạt động của thị trường. Uỷ ban chứng khoán và giao dịch
(Securities and Exchange Commission- SEC) ra đời năm 1934, đặt trụ sở tại Wasgington với với 3500 nhân viên , SEC có
nhiệm vụ: Giải thích pháp luật chứng khoán của Liên đang; ban hành, sửa đổi các
quy định pháp luật về chứng khoán; Thanh tra hoạt động của các công ty chứng
khoán, người môi giới, tư vấn đầu tư và
các tổ chức có liên quan; Giám sát hoạt động của các định chế tư trong lĩnh vực
chứng khoán, kế toán và kiểm toán; Điều phối pháp luật chứng khoán của Mỹ với Liên bang, các bang và các tổ chức quốc tế
Để điều hành và quản lý thị trường hiệu quả
, ngoài các bộ phận tại trụ sở chính ở New
York, SEC đã thành lập 11 cơ quan
quản lý khu vực trên cả nước, thực hiện chức năng qủan lý của SEC tại các
bang, bao gồm
§ New York: Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang
New York, New Jersey,
§ Bostom: Thực thi
nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Connecticut, Maine, Massachusetts, New
Hampshire, Vermont, Rhode Island
§ Philadenphia: Thực
thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Delaware, Maryland, Pennsylvania, Virginia,
West Virginia, District of Columbia
§ Miami: Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang
Florida, Mississippi, Louisiana, U.S. Virgin Islands, Puerto Rico
§ Atlanta: Thực
thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Georgia, North Carolina, South Carolina,
Tennessee, Alabama
§ Chicago: Thực
thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Illinois, Indiana, Iowa, Kentucky,
Michigan, Minnesota, Missouri, Ohio, Wisconsin
§ Denver: Thực thi
nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Colorado, Kansas, Nebraska, New Mexico,
North Dakota, South Dakota, Wyoming
§ Fort Worth: Thực
thi nhiệm vụ và quyền hạn tại các bang Texas, Oklahoma, Arkansas, Kansas (ngoại
trừ một số lĩnh vực được Cơ quan quản lý khu vực Denver)
§ Salt Lake: Thực
thi nhiệm vụ và quyền hạn tại bang Utah
§ Los
Angeles: Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn
tại các bang Arizona, Hawaii, Guam, Nevada, Southern California
§ San Francissco: Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn
tại các bang Washington, Oregon, Alaska, Montana, Idaho, Northern California.
Các cơ quan quản lý khu vực có trách nhiệm
thanh tra và xứ lý các hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán tại các bang được
giao quản lý. Các cơ quan này cũng duy trì bộ phận kiểm tra để
giám sát hoạt động của các nhà tư vấn đầu tư, các công ty đầu tư và các
nhà môi giới. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan này phải được
báo cáo cho cả Vụ Cưỡng chề thực thi và Văn phòng thanh tra, giám sát tuân thủ
tại Hội sở chính.
b.
Uỷ ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (The China
Securities Regulatory Commission – CSRC)
Mặc dù được hình thành từ những năm 50 của
thế ký trước nhưng TTCK Trung Quốc phát
triển manh mún, chưa ổn định, quá trình vận hành còn thô sơ, thể chế luật pháp
chưa hoàn thiện. Mãi đến năm 1992 Quốc vụ
viện Trung Quốc mới thành lập Ủy ban quản lý Chứng khoán Trung Quốc- là bộ phận
giám sát quản lý chủ yếu thị trường giao dịch chứng khoán cả nước và năm 1999
Trung Quốc mới có Luật chứng khoán. Và cũng từ thời điểm này, TTCK từng bước phát triển mạnh mẽ. Đi cùng sự phát
triển của thị trường là một cơ quan quản
lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán – Uỷ ban chứng
khoán Quốc vụ viện - không ngừng được củng cố và hoàn thiện. Tính đến năm 2011, cơ quan này có 2.589 nhân viên, với 699 người làm việc tại Hội sở ở Bắc
Kinh và 1890 người làm việc tại 36 chi
nhánh trên cả nước.
Theo quy định tại Luật chứng khoán và các
văn bản có liên quan, Uỷ ban chứng khoán nhà nước Trung Quốc là cơ quan ngang Bộ
trực thuộc Hội đồng nhà nước (Chính Phủ), có trụ sở tại Bắc Kinh, có chức năng
quản lý, giám sát hoạt động của TTCK và Thị trường tương lai theo quy định của
pháp luật nhằm duy trì sự hoạt động ổn định của thị trường, đảm bảo cho các chủ
thể tuân thủ pháp luật. Với chức năng
như trên, UBCKNN Trung Quốc được tổ chức theo mô hình quản lý nhà nước từ Trung
ương đến địa phương: Hội sở chính ở Bắc Kinh với 4 Hội đồng, 21 phòng chức năng, 4 tổ chức phụ
trợ trực thuộc, thực hiện chức năng quản
lý chung các hoạt động của thị trường, xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật,
các hoạt động quan hệ quốc tế.
Uỷ ban chứng khoán nhà nước cũng thành lập
Cơ quan giám sát SGDCK Thượng Hải, Cơ quan giám sát SGDCK Thẩm Quyến và 36 Chi
nhánh đặt tại 36 tỉnh, thành gồm: Thiên
tân, Thượng Hải, Hồ Bắc, Thẩm Quyến, Thiểm Tây, Triết Giang, Hồ Nam, Trùng
Khánh, Sơn Tây, Hải Long Giang, Đại Liên, An Huy, Giang Tây, Quảng Tây, Hải
Nam, Quế Châu, Cam Túc, Thanh Hải, Liêu
Ninh, Sơn Đông, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Giang Tô, Hà Nam, Bắc Kinh, Hà Bắc, Nội
Mông Cổ, Cát Lâm, Ninh Ba, Thanh Đảo, Phúc Kiến, Hạ Môn, Vân Nam, Tây Tạng,
Ninh Hạ, Tân Cương. Các chi nhánh được phân quyền để thực hiện quản lý , giám
sát các hoạt động của TTCK, các công ty
niêm yết, các công ty tư vấn đầu tư và
các định chế trung gian như các công ty tư vấn luật, công ty kiểm toán, các tổ
chức định giá tài sản. Đặc biệt, hầu hết các chi nhánh đều có bộ phận thực hiện
chức năng thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và
hoà giải các tranh chấp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chứng khoán trên địa
bàn quản lý.
Với nhiệm vụ được giao, các chi nhánh đều thiết lập
các phòng ban chuyên môn để thực thi chức năng quản lý như: Văn phòng (Phòng Nội vụ), Phòng giám sát các
công ty niêm yết, Phòng giám sát các định chế trung gian (Một số chi nhánh còn
thành lập Phòng quản lý QĐT), Phòng Thanh tra, Phòng Kiểm soát nội bộ, Phòng quản
lý chứng khoán phái sinh, Phòng Nghiên cứu và thu thập thông tin, Phòng pháp chế,
Phòng Quan hệ quốc tế.
Khi xem xét các mô hình cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị
trường chứng khoán, chúng ta nhận thấy hầu hết các nước đều duy trì mô hình quản
lý thống nhất nhưng có sự phân quyền ở những địa phương, những khu vực nhất định,
nơi thị trường phát triển mạnh mẽ và tập trung đông các chủ thể bị quản lý. Điều
này cũng dễ dàng lý giải bởi quản lý mang tính quyền lực nhà nước không thể quản
lý từ xa, đặc biệt chứng khoán là một ngành đặc thù, cơ quan quản lý phải tạo cơ chế để thị trường có những hàng hoá chất
lượng, duy trì sự hoạt đông công khai,
minh bạch, giám sát và ngăn ngừa các vi phạm triệt để, do đó cơ quan quản lý phải
có những quyết sách, những biện pháp xử lý kịp thời để thị trường hoạt động ổn
định. Với các thị trường phát triển như
Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác, CQQL
về TTCK có thể có những chi nhánh ở nhiều khu vực nơi có thị trường phát
triển, TTCK VN cũng đang từng bước phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu có CQQL nhà
nước ở những khu vực nhất định là đòi hỏi khách quan để phát huy tối đa năng lực
quản lý, giám sát hoạt động của thị trường hiệu quả.
III. Đề xuất mô hình:
1.
Sơ lược mô hình chi nhánh:
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực
hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng
khoán và thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng
khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực
chứng khoán, thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước có các Vụ chuyên môn để thực hiện các
chức năng được giao. Bên cạnh đó, Ủy ban chứng khoán còn có Cơ quan đại diện tại
Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức hành chính thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước,
thực hiện chức năng tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức,
thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định tại Quyết định số
112/2009/QĐ-TTg ngày 11/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ
Tài chính. Tuy nhiên, mô hình Cơ quan đại diện vẫn chưa phát huy hết được hết
khả năng để giúp Ủy ban chứng khoán quản lý thị trường chứng khoán ở phía Nam.
Mô hình cơ quan đại diện hiện tại chỉ chủ yếu phối hợp với các Vụ chuyên môn
thuộc UBCKNN, hoàn toàn bị động trong công tác quản lý nhà nước. Có thể nói, để
có một Cơ quan giúp việc cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước quản lý, giám sát hoạt
động của thị trường chứng khoán ở phía Nam một cách hiệu quả thì UBCKNN nên xây
dựng một Cơ quan có thể chủ động trong công tác quản lý, vẫn theo sự phân cấp ủy
quyền của UBCKNN.
Mô hình được lựa chọn cho Cơ quan giúp việc cho UBCKNN được tham
khảo theo mô hình của cơ chế quản lý Nhà nước Việt Nam, mô hình đã thực hiện một
số nước như Trung Quốc, Mỹ ….Đồng thời, dựa trên ưu nhược điểm của các loại đơn
vị phụ thuộc (Văn phòng đại diện, Chi nhánh). Đề án đề xuất lựa chọn mô hình
Chi nhánh là mô hình cho Cơ quan giúp việc cho UBCKNN tại phía Nam. Với những
tính năng ưu điểm của mô hình Chi nhánh, việc thành lập Chi nhánh UBCKNN sẽ
phát huy được tối đa vai trò quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng
khoán của Cơ quan quản lý nhà nước (UBCKNN) tại phía Nam.
Chi nhánh UBCKNN là đơn vị
phụ thuộc của UBCKNN, chịu sự điều hành và lãnh đạo tập trung, thống nhất của
Chủ tịch UBCKNN; có chức năng tham mưu cho Chủ tịch UBCKNN và thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của UBCKNN, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Chi nhánh UBCKNN là đơn vị hạch
toán, kế toán độc lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài
khoản tại kho bạc Nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Dự kiến chi nhánh UBCKNN
sẽ thực hiện các chức năng nhiệm vụ trong phạm vi lãnh thổ quản lý và sự phân
cấp ủy quyền, như sau:
- Tổ chức phổ biến, chỉ đạo, triển khai thi hành các văn bản quy
phạm pháp luật đến các đối tượng tham gia thị trường chứng khoán trên địa bàn
quản lý;
- Tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án, đề
án thuộc lĩnh vực chứng khoán và TTCK sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành
hoặc phê duyệt trên địa bàn quản lý;
- Tổng hợp và phân tích thông tin, tình hình thị trường, dự báo xu
hướng trên địa bàn quản lý, nhằm tham mưu cho Lãnh đạo UBCKNN trong việc hoạch
định các chính sách, giải pháp nhằm ổn định, phát triển TTCK;
- Thực hiện nhiệm vụ cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép, giấy
chứng nhận; chấp nhận những thau đổi liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị
trường chứng khoán đối với các đối tượng tham gia TTCK trên địa bàn theo ủy quyền
của Chủ tịch UBCKNN và quy định của pháp luật;
- Tổ chức, thực hiện công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đối
với hoạt động của các cá nhân, tổ chức tham gia TTCK trên địa bàn theo quy định
của UBCKNN và của pháp luật;
- Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, công khai tài sản, tài chính
theo quy định của Chủ tịch UBCKNN và của pháp luật;
- Tổ chức quản lý cán bộ, công chức, quản lý kinh phí và tài sản của
CQĐD, thực hiện hạch toán, kế toán và quản lý chi tiêu tài chính của đơn vị
theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của UBCKNN;
- Thực hiện công tác văn phòng, công tác đối ngoại của UBCKNN theo
phân công, ủy quyền của Chủ tịch UBCKNN;
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ theo quy định của
UBCKNN;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBCKNN giao.
Để thực hiện tốt các
chức năng và nhiệm vụ được giao, Chi nhánh UBCKNN phải có các phòng ban chức
năng chuyên biệt (chủ yếu tập trung vào nghiệp vụ thanh tra, giám sát). Cơ cấu
tổ chức, nhân sự sẽ phát triển theo giai đoạn, ban đầu có thể là:
+ 01 Giám đốc Chi nhánh (hàm Vụ trưởng)
+ 02 Phó Giám đốc Chi nhánh
+ Phòng hành chính –
nhân sự
+ Phòng kế toán
+ Phòng giám sát
+ Phòng thanh tra
+ Phòng nghiên cứu tổng
hợp.
2.Ưu nhược điểm của việc chuyển đổi từ Cơ quan đại
diện sang Chi nhánh:
Mỗi mô hình quản lý nhà
nước đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Điều quan trọng là tại từng thời
điểm, từng giai đoạn, cách vận dụng mô hình nào sẽ phát huy được tối đa ưu
điểm, giảm thiểu những nhược điểm, đảm bảo đạt hiệu quả cao trong công tác quản
lý nhà nước. Chuyển đổi mô hình Cơ quan đại diện sang mô hình Chi nhánh cũng có
những ưu điểm, gặp những khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
a.
Ưu
điểm:
- Thống nhất với mô hình quản lý của các Bộ, Ban ngành trong lĩnh
vực tài chính, ngân hàng (giống như mô hình hoạt động của Ngân hàng Nhà nước).
- Tăng cường sức mạnh
quản lý của UBCKNN.
- Tăng cường hiệu quả
quản lý trên địa bàn: chức năng kiểm tra, giám sát sẽ được nâng cao và rõ nét,
kịp thời ngăn chặn được những hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị
trường chứng khoán. UBCKNN nắm bắt thông tin về thị trường ở phía Nam nhanh
chóng. Các chủ trương, chính sách và các hoạt động khác của UBCKNN về
CK&TTCK sẽ được triển khai kịp thời, hiệu quả.
- Giảm tải công việc cho
các Vụ chuyên môn thuộc UBCKNN.
- Ít tốn kém: tiết kiệm
chi phí cho UBCKNN và doanh nghiệp.
- Hợp lý hóa việc quản
lý: khi phân công ủy quyền chức năng nhiệm vụ cho Chi nhánh, UBCKNN chỉ cần nắm
đầu mối thông tin về thị trường chứng khoán tại Chi nhánh quản lý, các doanh
nghiệp trên địa bàn chỉ tập trung báo cáo cho Chi nhánh quản lý.
- Chủ động: Chi nhánh sẽ
được chủ động, linh hoạt hơn trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao;
giúp các công việc chuyên môn được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả hơn.
b.
Nhược
điểm:
- Đội ngũ cán bộ: số
lượng cán bộ vững chuyên môn, kinh nghiệm còn hạn chế. Thời gian tuyển dụng và
đào tạo cán bộ mới lâu.
- Bước đầu sẽ có những
xáo trộn, mất ổn định trong cơ cấu tổ chức của đơn vị do các phòng ban được
phân chia ban đầu có thể bị thay đổi cho phù hợp với mô hinh và hoạt động của Chi
nhánh.
3.
Các bước triển khai:
Để tăng cường chức năng quản lý nhà nước về Thị trường chứng
khoán, UBCKNN nên thành lập mô hình tổ chức hoạt động dưới dạng chi nhánh ở khu
vực. Trước mắt, thực hiện Chi nhánh UBCKNN tại TPHCM theo lộ trình như sau:
Bước 1: Xây
dựng chức năng, nhiệm vụ cho Chi nhánh:
-
Thành lập tổ soạn thảo các chức năng nhiệm vụ cho Chi nhánh, các Phòng chuyên
môn của Chi nhánh.
-
Trình UBCKNN chức năng, nhiệm vụ của Chi nhánh.
Bước 2: Chuẩn
bị nhân sự và cơ sở vật chất:
- Chuẩn bị khung nhân sự
cho các bộ phận, phòng khi thành lập Chi nhánh:
+ Đào tạo lực lượng cán bộ hiện có để nâng cao
trình độ nghiệp vụ.
+Tăng cường phối hợp công tác chuyên môn với các Vụ
thuộc UBCKNN để tích lũy kinh nghiệm.
+ Chuẩn bị nhân sự vào các vị trí của các bộ phận,
phòng thuộc Chi nhánh thông qua các hình thức tuyển dụng, điều động hoặc tiếp
nhận.
- Chuẩn bị điều kiện về trụ sở làm việc, trang
bị cơ sở vật chất để thành lập chi nhánh.
Bước 3: Thành
lập và đưa chi nhánh vào hoạt động:
-
Ban hành Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Chi nhánh
UBCKNN.
-
Bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí của Chi nhánh.
4.
Kết luận:
Với sự phát triển của Thị trường chứng khoán, việc chuyển đổi mô
hình từ Cơ quan đại diện thành Chi nhánh là cần thiết. Điều này sẽ giúp tăng cường
năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý
nhà nước cho UBCKNN tại khu vực phía Nam, tiết kiệm chi phí và thống nhất với
mô hình quản lý của các Bộ, Ngành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và thông
lệ quốc tế.
Hơn nữa, củng cố tổ chức,
chức năng của UBCKNN (trong đó có cơ cấu, tổ chức của Cơ quan Đại diện) để đảm
bảo đủ thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ quản lý, giám sát và cưỡng chế thực
thi là một trong những mục tiêu và giải pháp của Chiến lược phát triển thị trường
chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Vì thế, việc chuyển đổi mô hình này
đáp ứng nhu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước đồng thời hoàn toàn phù hợp với
chủ trương, định hướng phát triển Thị trường Chứng khoán Việt Nam của Nhà nước
trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét