Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Bố vợ tôi

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Bố vợ tôi
Mấy tuần rồi, loay hoay tính đi ra mộ ông già. Chưa đi được thì ông già vợ mất. Thể nào mà cả tuần trước người cứ bồn chà bồn chồn, bứt rứt mà không hiểu lý do.

Vậy là các cụ dắt tay nhau đi cả. Chả bao giờ còn được ngồi nghe bố vợ kể chuyện nữa. Ổng kể cả ngàn chuyện mà tôi cứ nhớ nhớ quên quên, thật tiếc bởi bố vợ tôi là 1 pho từ điển sống về quan hệ họ hàng, chuyện thời cải cách ruộng đất, thời bao cấp...đặc biệt là nông thôn miền Bắc trước 75.

Có lần ông nói con có biết ông ngoại con đậu Diplom cùng khóa vớ Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Sỹ Sách không mà thi đợt đó còn có Đặng Thai Mai mà ổng rớt. Vì Ông là người đặc biệt, thi văn 10 nhưng toán 0, vậy là kỳ sau phải chuyển đi thi ở vùng khác.

Chuyện Chu Văn Biên thời CCRĐ trưa đạp xe trên đê thì đội trưởng cải cách lật đật chạy tới trình danh sách xử bắn. CVB vẫn ngồi trên xe mắng, sao đưa trễ vậy, làm gì có thì giờ mà đọc nữa. Nói xong rút bút ký xoẹt khỏi cần nhìn coi những ai bị bắn.

Ông Nguyễn Khắc Niêm là cha ông Nguyễn Khắc Viện trong CCRĐ cũng bị xử tù. 2 em ông Viện gánh cha đi đến trại tù cách chừng 30km, dọc đường cha tắt thở. 2 anh em rối không biết xử trí làm sao, cuối cùng 1 người chạy về báo cáo đội, 1 canh cha. Về bị đội quát, cha mày chết thì chôn đi chớ còn báo cáo cái gì. Có 1 người ở xóm phụ chôn ông NKN. Mấy chục năm sau anh em nhà ông Nguyễn Khắc Viện đi tìm mộ cha, may nhờ ông này còn nhớ chỗ nên tìm được rất nhanh.

Ông có 1 ông cậu, nhà nghèo mà học giỏi sau đậu tú tài và theo CM làm đến trung ủy. Ông mới hỏi ông cậu là vua Bảo Đại có tốt không?

- Ổng mải ăn chơi chớ giỏi gì con?

Vậy cậu còn nhớ hồi học tiểu học, cha hoạt động cộng sản bị tù, mẹ bán nác ở ga nuôi cậu ăn học không?

- À cậu nhớ. Hồi đó học giỏi được vua Bảo Đại tới khen thưởng, xoa đầu hỏi con có ước mơ chi?

- Con muốn đi học

- Mơ chi lạ rứa, con học giỏi thì học là đương nhiên mà

- Thưa con nhà nghèo mà ba con đi tù nên khó khăn

- Ba con sao đi tù

- Thưa ba con đi cộng sản nên bị tù

Vua cười, bảo ta cấp cho con học bổng để con an tâm học cho giỏi.

Ông già vợ tôi kết luận. Vua dám quyết vậy chớ lãnh đạo ngày nay mà nghe tới Việt tân thì xanh le mắt mũi.

Tính viết liền mà vắng 2 buổi ở trường HVCB nên phải chép phạt như học sinh tiểu học, tốn thời gian quá nên giờ mới rảnh.


Trồng lúa cao sản

Bố vợ kể, hồi học ở trường nông nghiệp thì 1 hôm lãnh đạo tới trường chỉ thị:

- Các thầy chuyên về nông mà trồng lúa không hơn nông dân là không được. Bên Đại trại họ trồng lúa cao sản dày như tấm đệm, em bé nằm trên được.

Chỉ thị ban ra, mấy kỹ sư nông học thời Pháp phản đối, ông Lương Đình của nói không làm được nhưng với tinh thần cách mạng tiến công, trường quyết định trồng thí nghiệm trên 1 thửa ruộng riêng.

Bao kiến thức, cần cù, nhiệt tình dồn vô đây hết.

Ruộng được cày bừa thật nhuyễn, nhuyễn tới mức chỗ nào còn lổn nhổn thì làm nhuyễn bằng tay, lỗ lươn, lỗ rắn lỗ chuột lấp sạch, mặt ruộng phẳng lỳ như nông nghiệp laze.

Đó là về đất. Giống được tuyển chọn loại 1 của loại 1. Phân được ưu tiên gấp 3, vừa phân chuồng bón lót đến phân hóa học bón thúc.

Cấy lúa chọn những em cấy giỏi nhất, đều tăm tắp. Hãy tưởng tượng hàng trăm cái mông di chuyển như duyệt binh trên ruộng.

Nước cũng được ưu tiên cao, chiếc máy bơm được trung ương điều về gấp, điện kéo ra tận ruộng.

Cứ thế lúa lên mơn mởn, rậm rì. Có anh còn đưa sáng kiến, GS Lư xen co nói chỉ cần nhiệt độ sẽ trồng cây nhiệt đới được ở vùng ôn đới. Thế là để lúa lên nhanh, bóng điện, đèn măng sông được đốt sáng suốt đêm kích thích lúa mọc nhanh.

Bỗng 1 hôm, phát hiện ra chân lúa úa vàng. Hội nghị khoa học lập ngay bên ruộng tìm cách ứng phó. Mọi người nhất trí do ta bón phân nhiều quá nên lúa nóng.

Máy bơm bơm nước vô, hút nước ra suốt ngày đêm để làm mát. Chưa đủ, bao nhiêu quạt máy tập trung quạt, quạt đạp chân được dựng lên quạt suốt ngày.

Nhưng mọi nỗ lực đều vô hiệu, ruộng lúa thối inh rồi lúa chết.

Vụ này các thầy trường nông nghiệp quê với bà con nông dân mất mấy tháng vì bà con nghe tuyên truyền tới xem rất đông.


Máy cày MTZ

Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà.

Xưa máy cày MTZ bệ vệ, đỏ au là mơ ước của các HTX. Bố vợ tôi được giao hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp cho xã Kim Liên.

1 hôm chủ tịch xã giao nhiệm vụ ra Hà nội xin máy cày. Nhiệm vụ này khó, nhưng Kim Liên được ưu tiên tối đa, chỉ có điều ông cứ thắc mắc: sao thằng nào càng được ưu tiên thì làm càng ẹ.

Khăn gói quả mướp tới Ủy ban kế hoạch. Những cái vụn như giống, phân bó...được duyệt ngay còn máy cày thì chủ nhiệm UBKH bảo anh phải qua xin PTT Nguyễn Côn. Vòng vèo qua quan hệ họ hàng đồng hương gặp được PTT. Xin 2 được duyệt 5, cầm giấy tới kho nghe la làng. Đợt này viện trợ có 20 chiếc mà anh 3D quyết cho Đại Phong 15 chiếc rồi, lệnh anh 3 là như sơn, còn hơn 100 đơn xin máy cày mà ông lại lấy nốt à.

(Hồi đó lãnh đạo cực nhọc nhỉ, quyết từ cái máy cày cho ai)


Ông Tham Lộc

Ông Tham Lộc từng nuôi giấu anh 3D, anh 10 Cúc trong nhà ở Đà Lạt và SG hàng mấy tháng trời. Hồi đó ông làm giống như GĐ sở GTCC bây giờ.

Năm 76 ông mất, quàn tại nhà thuê ở chung cư Cửu long, Bình Thạnh. Tầm trưa, tự nhiên xuất hiện nhiều công nhân, xe ôm trong xóm rồi 2 chiếc xe trờ tới. Anh 3D mặc bộ đồ công nhân đeo kính đen tới ôm lấy quan tài khóc nói sao anh chết khổ chết sở thế này.

Sau khi nghe người nhà trình bày lý do ở nhà thuê, ảnh quay sang nói với anh 10 Cúc khi đó là BTTỦ TP lo cho vợ của anh tôi 1 căn nhà.

Chưa đầy tháng sau gia đình dọn vô 1 căn biệt thự ở đường Mạc Đĩnh Chi.

Tôi cứ tấm tắc khen mãi a3 thật là người lãnh đạo ân oán rõ ràng. Mãi gần đây ông anh họ tôi mới bảo cô Thúy con ông bà Tham Lộc, trước 75 làm thư ký cho vợ Tổng thống NVT có 1 căn nhà trên đường Phùng Khắc Khoan. Sau 75 cổ di tản qua mỹ, nhà bị thu.
Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Bố vợ tôi (3)

Người bán củi
Ngày đó ở quê đun nấu phải tự đi kiếm củi chớ không có khái niệm mua. Củi tất nhiên ngày càng khó kiếm, phải đi xa hơn. 1 hôm có người gánh củi qua nhà xin nước uống, mẹ vợ tôi ngờ ngợ nhận ra người quen:
- Có phải bác N đó không?
- Vâng
Hóa ra nhà bác xưa nhận trông con nít, 2 người nhận ra nhau chuyện trò rôm rả. Xong bác N ngỏ lời mua giúp gánh củi vì từ hôm qua tới giờ đói quá.
Nể và thương bác N, mẹ mua. Từ đó vài tuần bác lại gánh củi qua nhà.
Hóa ra nhà bác N trước cũng của ăn của để. Sau 54, nhà bác theo đoàn Việt kiều Thái lan trở về quê. Ở Vinh nhóm người mua cả dãy phố rồi nhà bán vải, nhà may mặc sầm uất. Ngày nhóm VK về là cả sự kiện vì đơn giản là họ giàu: ngoài vàng mang về mua nhà cửa thì còn radio, xe đạp, máy khâu, vải vóc...
Được mấy năm thì tập thể hóa, góp tài sản vô HTX. Những người có tay nghề thì ổn, còn những người buôn bán quay sang làm đủ nghề để sống và bán đồ đi ăn dần.
Nhà bác N nhận trông con nít, thời gian sau bán nhà phố về vùng hẻo lánh cất nhà ở, rồi đi kiếm củi chạy ăn từng bữa, đúng là miệng ăn núi lở.
Được vài tháng thì không thấy bác N đâu nữa, mà bác cũng già yếu rồi. Thật tội nghiệp.

Cải tạo công thương nghiệp
Sau CCRĐ bố vợ tôi cùng mấy anh em mở tiệm thuốc Tây ở Vinh. Hàng tháng ông đi Hà nội mua thuốc, khi thì tàu hỏa, khi thì đạp xe, lời lắm. Gia đình đủ sống yên ổn.
Rồi phong trào hợp tác, cấm tư nhân buôn bán, mở tiệm thuốc. Thuốc nam, thuốc bắc thì bị tuyên truyền là trộn rễ cây linh tinh, thuốc tây thì làm giả bằng bột mỳ.
Cứ thế tịch thu thuốc về để kiểm tra. Thuốc nam bắc thì để mốc, thuốc tây thì cho vô cối đâm nát, cửa hàng thì niêm phong.
Bố vợ bảo: may quá, mình thấy tình hình tập thể hóa biết là đời nào nhà nước cho buôn bán nữa nên đã rút ra mấy tháng trước.
Bảo toàn được vốn, nhưng mưu sinh thế nào lại phải vật vã tìm đường mới.

Lá thư từ Pháp
Vừa dựng xe thì vợ bảo:
Nhà mình mấy hôm nay có chuyện lạ lắm ông ạ. Mấy người ở trường thì nói xa nói gần nhà mình có của, tối thì mấy người buôn bán qua nói để lại cho họ len, thuốc tây...
Hôm sau đi làm thì mấy người chúc mừng thầy Tước phát tài, mấy người khác thì lảng lảng. Hiệu trưởng bảo ông có thư từ Pháp.
Lúc đó mới biết nguồn cơn. Trong thư anh trai cùng cha khác mẹ gửi về hỏi nhà có thiếu thốn gì không, anh tính gửi len, thuốc, xe đạp về có được không?
Nói thêm về ông anh. Hồi nhỏ ổng học giỏi lắm, con nít mà học cùng thanh niên có vợ. Thời Pháp tụi thực dân chơi khó nên học hành rất khó, khoảng 15, 17 tuổi mà lấy được bằng cấp 1 là cả họ mổ heo lợn ăn mừng rồi, đằng này ông còn vượt lớp nên khi tốt nghiệp chưa đầy 10 tuổi. Thi Pháp văn bà đầm hỏi, ổng trả lời ngon lành. Đang khấp khởi mừng thầm thì bà đầm cho 1 điểm rồi chìa cho xem, thấy thằng nhỏ mắt ngân ngấn bà cười xoa đầu rồi ghi thêm số 0 là 10đ, cao nhất khóa.
Bả thương ông lắm, coi như con. Sau ông ra Hà nội, học tú tài rồi thành dân buôn bán. Về quê, ổng làm đại lý bán rượu cho người Pháp mà tôi nghĩ ổng rất gian, làm rượu giả trộn vô kiếm lời khẳm mua tới mấy căn nhà ở Hà nội lận nhưng đó lại là chuyện khác rồi.
Rút cục thì em không dám nhận hàng nên anh cũng chẳng gửi nữa, chỉ tiếng có của là còn mãi. Mà chuyện này những năm 60 là tội to.
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét