Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Địa lợi ngành chứng khoán



20.07.20
Lịch sử 100 năm tòa nhà Diên hồng và Địa lợi của Sở GDCK Tp.HCM HOSE
Thoạt tiên số 7 Lê Duẩn (trung tâm điện toán của phủ thủ tướng của chế độ cũ) được chọn. Lý do chọn chắc các lãnh đạo hình dung thị trường chứng khoán sẽ bao gồm sàn giao dịch và hệ thống máy tính (Trung tâm điện toán Phủ Thủ tướng VNCH nằm cạnh Phú Thủ tướng đường Thống Nhất, Sài Gòn, được trang bị mạnh ngang với trung tâm điện toán Tiếp vận của quân đội, giàn máy IBM 360/50 thứ nhì ở Việt Nam do USAID trao lại. Toàn vùng Đông Nam Á không máy điện toán nào hùng hậu hơn hai giàn máy ở Việt Nam).
USAID (Cơ quan viện trợ của chính phủ Hoa Kỳ): quản trị tiền viện trợ kinh tế của Mỹ, công việc xuất nhập cảng của các nhà kỹ nghệ, sản xuất Việt Nam cần ngoại tệ USD nhập máy móc về Việt Nam như máy xay lúa, máy ấp trứng gà kỹ nghệ, các giàn máy của công ty dệt (Vinatexco, Vimytex, Sakymen,...), nguyên liệu sản xuất xà bông giặt đồ (Viso), xà bông thơm (hãng Trương văn Bền- xà bông cô Ba), và hàng trăm ngành sản xuất khác. USAID sẽ cung cấp tiền USD cho các dự án sản xuất này.
Khi tôi đi cùng mấy sếp qua đó đã thấy họ dỡ bỏ bàn ghế trong hội trường để chuẩn bị bàn giao cho UBCKNN. Có người bên đó nói chứng khoán chọn chỗ này làm chi, chật mà lại không nằm ở khu tài chính
Tưởng nói chơi, cuối cùng hóa thật. Kết quả cuối cùng là về 45-47 Bến Chương Dương. So với 7 Lê Duẩn thì đây quả một trời một vực. Trung tâm tính toán 7 Lê Duẩn nằm ở phố sang trọng nhưng hơi nhỏ và cách xa phố tài chính còn tòa nhà hội trường Diên Hồng tọa lạc trong khu đất rộng 6.500 m2, trước mặt là đường Bến Chương Dương, bên trái là Nam kỳ khởi nghĩa, sau lưng là Nguyễn Công Trứ mà tôi vẫn gọi đùa là Nguyễn Cộng Trừ cho đúng bản chất xanh xanh đỏ đỏ của ngành chứng khoán.
Hội trường Diên Hồng có lịch sử lâu đời. Được xây chỉ sau bưu điện thành phố, nhà thờ Đức bà, ngân hàng quốc gia. Hội trường Diên Hồng được xây vào năm 1924, theo phong cách Art Deco, bên trong có đại sảnh rộng thênh thang và các văn phòng thoáng đãng, dùng làm Phòng Thương mại, nơi hội họp của các kỹ nghệ gia và thương gia.
Thời Pháp thuộc đây là trụ sở của phòng Thương mại (giống như phòng thương mại và công nghiệp) được đặt ở đây.
Vào những năm 1944-1945, Quân đội Thiên Hoàng Nhật biến nơi đây thành tổng hành dinh.
Sang thời Việt Nam Cộng hòa thì tòa nhà được đặt tên hội trường Diên Hồng vào năm 1955 và làm trụ sở Nha Tổng Giám đốc Kế hoạch, cũng là nơi hội họp của Nghiệp đoàn Thương gia và Kỹ nghệ gia.
Từ năm 1967 đến 1975 là nơi đặt trụ sở của Thượng nghị viện và là nơi họp hành của thượng viện, tổng thống khi nhậm chức cũng tuyên thệ ở đây cho nên trong nhà mới có một ban công gỗ giành cho báo chí (khi xây sửa cải tạo làm sàn giao dịch đã phá đi). Tiếc quá không tìm được tấm hình nào của ban công gỗ này
Tòa nhà mang dáng con sư tử với mặt trước có 2 U cao lên, mặt sau đuôi sư tử là mái che dẫn sang tòa nhà B phía sau. Sở dĩ tòa nhà hình con sư tử tượng trưng cho tính hùng mạnh, trung thực và oai nghiêm vì người Tây chuộng và trọng buôn bán tới nỗi trước còn có trường phái kinh tế trọng thương nổi tiếng 1 thời, ngày nay toàn cầu hóa thực ra cũng chịu ảnh hưởng nhiều của thuyết này.
Tòa nhà có mặt tiền hướng ra rạch Bến Nghé, trước mặt là công viên Cầu Mống rộng rãi với tượng An Dương Vương nỏ thần nổi tiếng. Chếch về bên trái là cầu Móng bằng sắt nổi tiếng ngày nay được sửa chữa bảo tồn. Vua Thục Phán với tư thế nhắm bắn đang giương nỏ thần góc 45 độ hướng chếch về phía quận 8, lưng ngài còn đeo kiếm và vai đeo ống tên. Dưới chân tượng còn có 1 khẩu thần công nòng pháo chĩa vô tòa nhà vì ông trước được coi như Thánh tổ của lực lượng pháo binh. Tượng nay cũng đã bị di dời khi thi công hầm Thủ Thiêm, dĩ nhiên thảm cỏ trước mặt cũng không còn.
Khi qua nhận bàn giao thì tòa nhà này có nhiều đơn vị trú đóng như sở Thương mại, ban quản lý khu Nam (khu chế xuất, PMH…) và rất nhiều đơn vị khác. Việc bàn giao diễn ra ngon lành vì quyết tâm của chính phủ, thiện chí của thành phố và uy tín của UBCKNN. Khi đó họ giữ gìn cẩn thận lắm, tấm đá ghi ngày khởi sự thi công và ngày hoàn thành của tòa nhà họ vẫn giữ để bàn giao.
Trong trang lịch sử hào hùng của mình, hội trường Diên Hồng có khoảng 4 năm làm nhiệm vụ giữ xe máy – chỗ giữ xe có lẽ hoành tráng nhất Việt Nam. Ngoài làm chỗ giữ xe thì hội trường sau khi dỡ hết ghế là một sân trống rộng rãi được thanh niên sở khi ấy như Trà, Dũng baby, Dũng râu, Địch Dũng, Thư, Quân, Tuấn…làm sân bóng mini, Sảnh gỗ lầu 1 làm nơi giao đấu cầu lông nam nữ. Tòa nhà không người ở nên chim yến về làm tổ rất nhiều, phân chim dày cả lớp mà dạo đó ở sở không ai biết đó là tổ chim yến quí giá cả, khi tòa nhà sửa chữa thì công nhân rành 6 câu vụ này đã lấy hết. Nói cho ngay thì có 1 cậu bảo vệ biết nhưng lấy nhín nhín, nói là lấy về làm thuốc cho mẹ em nên chả được bao nhiêu mà còn bị ngã gãy tay.
Sau lưng Diên Hồng còn có tòa nhà 4 tầng dành cho thư ký, nghị viên ở xa nghỉ lại khi họp hành trước 1975. Trung tâm giao dịch cũng hoạt động trong ngôi nhà 4 tầng này đến 2006, khi sửa xong tòa nhà chính Diên Hồng mới dọn qua và mới được làm việc trong phòng có máy lạnh.

Thị trường chứng khoán (Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM) đi vào hoạt động 7/2000.
Để chuẩn bị cho nó đã có các hoạt động sau:
- Ủy ban chứng khoán thành lập 10/1996, đi vào hoạt động 1998. TTGDCK thành lập 1998. Kể từ đó khoảng 70 người của UBCK và 40 người TTGDCK học tập nghiệp vụ (chuyên gia Hàn Quốc hướng dẫn), soạn thảo các văn bản pháp quy như nghị định, thông tư, hướng dẫn giao dịch...
- Lấy trụ sở 45-47 Bến Chương Dương (ngân sách cấp 50 tỷ). Đến khi hoạt động đặt sàn giao dịch tại nhà B (nay đã phá đi, xây mới). Nhà chính làm nơi để xe, 2006 mới sửa xong chuyển trung tâm qua đó.
- Hệ thống giao dịch: CT đầu tiên Lê Văn Châu muốn có hệ thống giao dịch hiện đại như các nước, ý định chưa thành thì về hưu. CT Nguyễn Đức Quang thay chỉ có khoảng 10 tháng để có phiên giao dịch đầu tiên.
- Vậy là liên hệ qua mối quan hệ cá nhân mượn hệ thống giao dịch của Thailand, họ đồng ý cung cấp phần lõi giao dịch. Cử chuyên gia sửa theo yêu cầu của VN và ta chỉ phải trả tiền ăn ở đi lại cho chuyên gia (mãi tới 2006 khi trung tâm thu phí giao dịch mới ký hợp đồng bảo trì hệ thống với Thailand, nghĩa là mới trả tiền).
Phần lưu ký, đăng ký, thanh toán bù trừ do FPT viết. Bảng điện thì Taiwan cho. Nhớ hệ thống điện sàn giao dịch nhà B ta cũng dùng phần điện âm tường có sẵn, sau bên PCCC yêu cầu ta mới lắp bình chữa cháy tự động ở sàn.
Theo lý thuyết thì trung tâm vận hành từ:
- Qui chế
- Con người
- Hệ thống giao dịch
Ta chuẩn bị sẵn, kỹ về qui chế, người. Hệ thống giao dịch đi mượn. Người xây nên qui chế. Vậy có thể nói xây dựng TTCK VN đã theo đúng phương châm người là quí nhất.
Nhớ lại 6,7 năm trời ngồi quạt, chỉ có ban giám đốc được ngồi máy lạnh thì mới thấy cái tư duy tiết kiệm xứ mình thật là nhất quán.
Ngôi nhà B 4 tầng này đã được thay thế bằng nhà mới 12 tầng. Một cuốn sổ lệnh mỏng để cho tòa nhà chính tựa vô theo thế trước có rạch sau có núi.
Cạnh nhà B hồi đó còn có biệt thự kiểu Pháp 2 tầng cổng quay ra Nguyễn Công Trứ. Nhà này bị phá đi sớm để xây trạm điện.
Nguyên CTQH Nguyễn Sinh Hùng khi đó là bộ trưởng BTC rất quan tâm đến ngành chứng khoán nói chung và Hose nói riêng. Ông là người ủng hộ và thúc đẩy dự án xây mới nhà B, trong cuộc họp ngập tràn khói thuốc là ông dặn đi dặn lại các cậu khi có bản vẽ phối hình tòa nhà các cậu phải gửi lên trực tiếp cho tôi để tôi chọn lựa và cho ý kiến. Tòa nhà kho bạc Tp.HCM ở Nguyễn Huệ cải tạo lại cũng theo ý tưởng của ông. Khi nghe chuyện còn vướng bốt điện EEC trong khuôn viên Hose ông lập tức lấy điện thoại gọi cho giám đốc điện lực thành phố nhờ chỉ đạo di dời trạm điện ngay trong thời gian sớm nhất.
2006 tòa nhà sửa chữa xong mang tên Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM rồi đổi tên Sở giao dịch chứng khoán HCM đã chứng kiến những đợt xếp hàng đấu giá CPH đông đúc như xếp hàng mua gạo thời bao cấp rồi tiếp đón tổng thống Mỹ Bush…
Như vậy, trong lịch sử gần 100 năm của tòa nhà Diên hồng: lần lượt từ trung tâm quyền lực của doanh nhân, quyền lực chính trị tới ngày nay là biểu tượng về TTCK càng thấy với tòa nhà như thế, ngành chứng khoán được đặt ở vị trí địa lợi trong công cuộc phát triển. Nhớ lại thời ấy mới thấy tầm của những người đã có quyết định sáng suốt trong việc xin lập Sở GDCK tại tòa nhà này.

....................  

Người ta thường nói: An cư lạc nghiệp hay thiên thời địa lợi nhân hòa.
Ngành chứng khoán may mắn có được trụ sở làm việc bề thế rộng rãi. Một điều khó tìm đối với ngành mới thành lập.
UBCKNN có quyết định thành lập 1996, đến 1998 thì đi vào hoạt động. Từ đó đến năm 2000 thì UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM, SGDCK Hà Nội lần lượt nhận nhà của mình.
Ba khu nhà này đều là nhà xây từ thời Pháp, đều có diện tích lớn và vị trí đắc địa.

1. Trụ sở UBCKNN: 164 Trần Quang Khải
Trước khi giao cho UBCKNN thì đây là trụ sở của bộ Thủy lợi. Khi tôi lần đầu tiên tới đây vẫn còn gặp người của bên kiểm lâm ngồi làm việc (lúc này bộ Thủy lợi đã sát nhập vào bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn).
Khuôn viên rộng chừng 2.000 m2 được bao quanh bởi 3 con đường Trần Quang Khải, Lò Sũ, Hàng Vôi. Hồi đầu còn có cổng phụ mở ra phía bên Lò Sũ và phía sau Hàng Vôi sau đóng lại.
Với mặt tiền nhìn ra phía sông Hồng thì ngôi nhà xây hợp phong thủy, khu này cũng tập trung nhiều ngân hàng lớn như VCB, BIDV và đến Ngân hàng nhà nước – mẹ đẻ của UBCKNN cũng rất gần.

2. Trụ sở SGDCK Hà Nội: 2 Phan Chu Trinh
Mang số tên đường Phan Chu Trinh nhưng tòa nhà này một phần nằm trên đường Tràng Tiền, đối diên là nhà hát lớn.
Tuy diện tích chỉ tầm 1.000 m2 nhưng phóng mắt ra là thấy nhà hát lớn, khách sạn Hilton, chếch bên kia là Viễn đông bác cổ cũ (bảo tàng lịch sử VN ngày nay). Việc được trải tầm mắt trên quảng trường rộng là một điều tương đối hiếm hoi ở khu trung tâm Hà Nội đông đúc, chật chội.
Tòa nhà nằm ở vị trí cực kỳ đắc địa, đô hội. Khi sang VN, người Pháp chọn những nơi cao ráo và đẹp nhất để xây nhà hát, nhà thờ, dinh xã Tây nên HNX thừa hưởng được điều này.
Tuy không nằm trên phố tài chính như HSX nhưng tòa nhà này thụ hưởng sự đắc địa đúng theo kiểu Bắc hà. Sang trọng, ở nơi náo nhiệt nhưng vẫn có chút gì đó khoảng cách với các công trình xung quanh; không nổi trội nhưng cũng chẳng thua kém tạo nên cái riêng của tòa nhà này.
Để có được tòa nhà này, chính phủ đã đồng ý chi trả cho Hà nội 50 tỷ để di dời sắp xếp nơi làm việc cho 8 doanh nghiệp, cơ quan đơn vị đóng tại đây. Một cách làm đã được áp dụng trước đó ở Tp.HCM.

3. SGDCK Tp.HCM: 16 Võ Văn Kiệt
Thoạt tiên số 7 Lê Duẩn (trung tâm tính toán của phủ thủ tướng của chế độ cũ) được chọn. Khi tôi đi cùng mấy sếp qua đó đã thấy họ dỡ bỏ bàn ghế trong hội trường để chuẩn bị bàn giao cho UBCKNN. Có người bên đó nói chứng khoán chọn chỗ này làm chi, chật mà lại không nằm ở khu tài chính.
Tưởng nói chơi, cuối cùng hóa thật. Kết quả cuối cùng là về 45-47 Bến Chương Dương. So với 7 Lê Duẩn thì đây quả một trời một vực.
Tòa nhà hội trường Diên Hồng tọa lạc trong khu đất rộng 6.500 m2, trước mặt là đường Bến Chương Dương, bên trái là Nam kỳ khởi nghĩa, sau lưng là Nguyễn Công Trứ mà tôi vẫn gọi đùa là Nguyễn Cộng Trừ cho đúng bản chất xanh xanh đỏ đỏ của ngành chứng khoán.
Sau lưng Diên Hồng còn có tòa nhà 4 tầng dành cho thư ký, nghị viên ở xa nghỉ lại khi họp hành. Trung tâm giao dịch cũng hoạt động trong ngôi nhà 4 tầng này đến 2006, khi sửa xong tòa nhà chính Diên Hồng mới dọn qua và mới được làm việc trong phòng có máy lạnh. Nhớ lại 6,7 năm trời ngồi quạt, chỉ có ban giám đốc được ngồi máy lạnh mà ngao ngán, chán cho cái tư duy tiết kiệm xứ mình.
Note: Ngôi nhà B 4 tầng này đã được thay thế bằng nhà mới 12 tầng. Một cuốn sổ lệnh mỏng để cho tòa nhà chính tựa vô theo thế trước có rạch sau có núi.
Cạnh nhà B hồi đó còn có biệt thự kiểu Pháp 2 tầng cổng quay ra Nguyễn Công Trứ. Nhà này bị phá đi sớm để xây trạm điện.

Hội trường Diên Hồng có lịch sử lâu đời. Được xây chỉ sau bưu điện thành phố, nhà thờ Đức bà, ngân hàng quốc gia. Hội trường Diên Hồng được xây vào năm 1924, theo phong cách Art Deco, bên trong có đại sảnh rộng thênh thang và các văn phòng thoáng đãng, dùng làm Phòng Thương mại, nơi hội họp của các kỹ nghệ gia và thương gia. Vào những năm 1944-1945, Quân đội Thiên Hoàng biến nơi đây thành tổng hành dinh. Đến 1955, Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi thành Hội trường Diên Hồng và Nha Tổng Giám đốc Kế hoạch, cũng là nơi hội họp của Nghiệp đoàn Thương gia và Kỹ nghệ gia. Từ năm 1967 là nơi đặt trụ sở của Thượng nghị viện.
Hình trước khi xây:
Sau khi xây:




Hiện nay tòa nhà này vẫn nằm trong danh mục được bảo tồn của thành phố. Trong trang lịch sử hào hùng của mình, hội trường Diên Hồng có khoảng 4 năm làm nhiệm vụ giữ xe máy – chỗ giữ xe có lẽ hoành tráng nhất Việt Nam. Ngoài 4 năm đó thì nó còn đảm đương những nhiệm vụ sau:
Thời Pháp thuộc, trụ sở của phòng Thương mại (giống như phòng thương mại và công nghiệp) được đặt ở đây.

Sang thời Việt Nam Cộng hòa thì tòa nhà được đặt tên hội trường Diên Hồng và là nơi họp hành của thượng viện, tổng thống khi nhậm chức cũng tuyên thệ ở đây cho nên trong nhà mới có một ban công gỗ giành cho báo chí (nay đã phá đi). Tiếc quá không tìm được tấm hình nào của ban công gỗ này, gỗ lim đó 1 thời lót nền nhà Xã xệ sau phải bóc đi.











Vị trí mặt tiền hướng ra rạch Bến Nghé, trước mặt là công viên Cầu Mống rộng rãi với tượng An Dương Vương nỏ thần nổi tiếng. Tượng nay cũng đã bị di dời khi thi công hầm Thủ Thiêm, dĩ nhiên thảm cỏ trước mặt cũng không còn.
Phòng họp bên trong tòa nhà
Khi qua nhận bàn giao thì tòa nhà này có nhiều đơn vị trú đóng như sở Thương mại, ban quản lý khu Nam (khu chế xuất, PMH…) và rất nhiều đơn vị khác. Việc bàn giao diễn ra ngon lành vì quyết tâm của chính phủ, thiện chí của thành phố và uy tín của UBCKNN. Khi đó họ giữ gìn cẩn thận lắm, tấm đá ghi ngày khởi sự thi công và ngày hoàn thành của tòa nhà họ vẫn giữ để bàn giao.
Đuôi rồng của tòa nhà. Phía mặt trước là đầu rồng với 2 U cao lên. Tượng An dương vương dời đi nên không biết nỏ thần giờ bắn hướng nào.





Với ba tòa nhà như thế, ngành chứng khoán được đặt ở vị trí địa lợi trong công cuộc phát triển. Nhớ lại thời ấy mới thấy tầm của những người đã có quyết định sáng suốt trong việc xin cho ba tòa nhà này.

Vài hình ảnh bây giờ:


 Sàn giao dịch lúc khai trương
 Bảng điện nhà sau

 Đấu giá CPH đông như thời bao cấp xếp hàng mua gạo

Bếp ga phía sau. Thẩm mĩ ngày nay


Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Nhìn thoáng người xứ lạ


Người Nga phải có rượu. Gorbachev cấm rượu LX tan rã liền. Elsin say tìm ra Putin đại đế. Giờ cần tìm kế nhiệm mà Putin ít uống rượu?

Nhìn thoáng người xứ lạ

1. Nước tôi xuất ngoại đầu tiên là Tháilan nên tôi sẽ kể về người Thái trước.

Đoàn tôi ở trong một hotel mini trong “soi”, giống như đường nội bộ của mình. Khách sạn có cô bé lễ tân rất xinh xắn. Trưởng đoàn của mình liền nổi máu người Việt xấu xí ra đoan chắc sẽ cà kê mời được cô bé làm chuyện này chuyện nọ. Tất nhiên là chàng tưởng bở, nghề nào ra nghề ấy chớ. Đâu có phải Thái là xứ 3s (sun, sea, sex) là ai cũng vậy đâu. Rất lịch sự và nhã nhặn, nàng từ chối.

Đi chơi tối, tụi tôi bắt xe tuktuk, lái xe này đúng thiện nghệ, đua với tuktuk khác có chở gái ngoại ào ào. Thấy được cổ vũ, chàng liền gạ đi xem sexshow. Vô xem chàng cũng mồm há hốc mình lắc lư say sưa.

Trên đường ra sân bay về nhà. Gặp cảnh sát đang múa trên đường để chỉ đường, thật đẹp, như phim. Cảnh sát họ mặc đồ bó, trông hùng dũng lắm, làm việc nhiệt tình, nghệ thuật như rứa thì chả trách Thái nổi tiếng về du lịch.

2. Người xứ Kim chi

Xứ Hàn nổi danh là morning calm với buổi sáng thật yên bình, tĩnh lặng. Đó là cảm giác của khách du lịch đã thành thương hiệu của Hàn Quốc.

Đi bộ mỏi chân quá, dừng bước ngồi xem tụi con nít chơi bóng chày. Bóng bay sát ghế tôi ngồi, tụi trẻ ham chơi chạy lại nhặt bóng. Bỗng có tiếng người lớn la, thế là mấy đứa chạy đến trước mặt khách cúi đầu xin lỗi.

Trên subway, tụi tôi giữ thói người Việt nói cười hồn nhiên, ồn ào. Một trung niên Hàn, quần áo bảo hộ lao động bẩn thỉu đứng gần liền mắt trợn, la lối. Tất nhiên chúng tôi phải nhớ keep silent.

3. Dân Bắc Triều Tiên

Họ gầy nhỏ, ốm nhách giống như dân miền bắc thời bao cấp. Thi thoảng có người mập thì là sỹ quan, đeo huy hiệu lãnh tụ bố. Thanh niên đeo huy hiệu lãnh tụ con.

Mua được xe đạp Sài gòn thì mấy chú tập đi ngả nghiêng, khoái lắm. Cậu làm cùng cứ gạ mình mua rượu, thuốc lá giùm. Khi tôi tặng cậu cây thuốc thì cậu chạy lên tàu đem xuống cho một mớ nước đóng lon. Toàn hàng quá đát. Họ cũng thiệt khổ.

4. Người Tàu

Xứ TQ thật lạ, như hồi tôi tới Hàng Châu. Khi nghe nói đây sông Tiền Đường liền muốn xem nàng Kiều trẫm mình ở đâu. Kia chùa nơi thanh xà bạch xà tu luyện chóp dát vàng óng ánh, đây mộ Võ Tòng đả hổ, toàn những điển tích đọc từ nhỏ giờ quanh ta chưa kể Thái hồ lưu bước chân của thất quái giang nam…chỉ lạ một điều gái Thượng Hải thì quá xấu mà gái Hàng châu, cách có khoảng 80km lại quá đẹp.

Hôm đầu gặp, giơ tay bắt mà cậu hướng dẫn viên du lịch người Hoa chối, hơi bực. Sau cậu mới giải thích bị bệnh mồ hôi tay. HDV nói tiếng Việt rất chuẩn, rặt giọng bắc, hóa ra cậu này là người hoa ở phố Phan Bội Châu, Hải Phòng. Năm 79 mới chạy về đây, thoạt tiên đi nông trường ở Vân Nam sau do có người nhà Canada nên bảo lãnh đi gần hết. Còn cậu ta do có vợ con nên lần mò lên Thượng Hải làm HDV du lịch, từ ngày khách VN qua nhiều cuộc sống cũng đỡ.

Dân tàu nói chung dữ dằn, cũng giống như người Việt. Mấy đứa trẻ bán đồ vỉa hè ở phố đi bộ mình mà lỡ đụng phải hàng của tụi nó là bị đe dọa liền. Dân TQ đi du lịch nội địa đông, qua đường hàng đàn, vẫn phải có đám thành vệ đeo băng đỏ cầm gậy ngăn lùa đi cho đúng đường, như vịt.

5. Người Nhật

Khen người Nhật thì có mà khen phò mã tốt áo. Mấy người cứ dặn, sang đấy hạn chế hỏi đường vì phiền lắm. Tụi nó trách nhiệm cao sẽ đưa về tận nhà.

Ở hội thảo, thấy mấy slides của các đoàn hay tôi đưa usb cho cô bé Nhật nhờ chép giùm vì nghĩ đây là tài liệu mở, không có gì bí mật. Bé lịch sự nhận, nói sẽ xin ý kiến sếp (giống VN). Cuối buổi bé lắc đầu nói em không chép được vì vấn đề bản quyền. Khi nghe lý do mình mới thấy đúng là có khác biệt giữa xứ phát triển và đang phát triển thật.

Chuẩn bị về nước, thấy thư ký hội thảo hớt hải tìm. Phát cho một phong bì lớn. Hỏi để làm gì thì được đề nghị anh cho hết tài liệu mấy ngày qua vô đây, ghi địa chỉ ở VN, bọn tôi sẽ gửi thẳng về cho anh, miễn phí. Cái này là họ rút kinh nghiệm đây vì biết trước nếu không làm vậy thì đống tài liệu sẽ vô sọt rác vì đi máy bay bị hạn chế về cân ký.

Có lần transit qua Tokyo, thời gian chờ 10h, về lý và có phiếu ra ngoài nghỉ ở khách sạn mà mấy thằng XNC Nhật cứ đuổi xơi xơi bắt ở trong sân bay, thái độ vô cùng khó chịu. Nhờ đó mới biết loại phòng trọ con nhộng ở sân bay, tính giờ, tắm tính tiền riêng. Sau mới biết tụi này khó chịu vậy vì có mấy chú Nhật bị bắt vụ đại lộ Đông Tây.

Giờ nhìn mấy công trình Nhật làm ở VN như cầu vượt Cát Lái, hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây…thấy thiết kế lằng nhằng, chẳng có ấn tượng gì cả.

6. Người xứ Hợp Chủng Quốc

Qua NY, toàn người da đen mời chào citytour. Bọn tôi ở trong một khách sạn nhỏ, cũ cách quảng trường thời đại khoảng 500m. NY là thành phố của các kiến trúc cũ. Nhà cũ hàng tram năm vẫn xài tốt, chỉ lắp thêm cầu thang thoát hiểm bên ngoài. Đường phố cũng ô bàn cờ, cầu vượt, nút giao thông phải ra xa mới có. Chỉ có nhà cao tầng là trùng trùng điệp điệp. Cái xứ đã giàu mà xây nhà còn dễ, dưới Manhattan khoảng 30m là nền đá hoa cương nên làm móng thật đơn giàn.

Cô phục vụ phòng cũng người da màu. Tôi có cái áo thun cũ tính bỏ nên cho vô thùng rác. Đi về lại thấy ngay ngắn trên giường, cứ vài lần như vậy. Chắc cô nghĩ áo mới vậy tao còn xài mà mày xứ nghèo lại bỏ là sao.

Xuống sảnh, lễ tân thật xinh đẹp. Thực ra như tôi đâu phân biệt được gái tây thế nào là đẹp là xấu đâu. Thấy ai cũng da trắng, tóc vàng mắt xanh cao ráo như diễn viên cả. Sống mà cứ như mình trong phim vậy, rất hồn nhiên tươi cười, thỉnh thoảng múa hát xoay vòng không cần lý do. Người xứ đó sao cuộc sống vui vẻ vậy, chẳng bù xứ mình giờ mặt ai cũng khó đăm đăm cau cau có có. Cũng chỉ vì mưu sinh vất vả mà thôi.

7. Người Úc

Dân Mỹ chê dân Úc nông dân cũng có lý. Ấn tượng cũng đơn giản, 2h sáng ở Melbourne, thanh niên đi bộ trên đường ca hát nói cười, có đám còn hát kiểu đối đáp như hát quan họ của mình. Melbourne, thì phố đẹp, vỉa hè rất rộng rãi, hơn cả Sydney. Đúng là ai làm dân xứ đó cầm như trúng số.

8. Nga ngố

Gọi quen mồm vậy chứ cũng chưa thấy chúng ngố cái gì.

Nhớ lần ở cảng, thanh niên Nga vác con cá bự chảng chạy uỳnh uỵch xuống tàu bán lấy tiền tối vô club cảng chơi. Tối đó chàng say, quậy lung tung. Báo hại cả tiểu đội biên phòng xúm vô mới giữ được cậu. Nó khỏe quá mà lại say nữa nên càng khỏe, một lính biên phòng trực tiếp tham gia kết luận vậy.

Cũng lại cảng, lại gặp một thanh niên Nga 2 tay xách 2 can rượu đế 20 lit chạy phăm phăm lên tàu. Tàu chàng mới từ cảng Vladivostok vùng viễn đông qua, trông cũng khổ nghèo.

9. Iran

Người xứ đó thật đẹp, đúng xứ Ba tư nghìn lẻ một đêm. Tài nhất là phụ nữ, đi trên cầu dẫn từ cầu cảng lên tàu, khăn trùm đầu, mắt nhìn thẳng, đoan trang, kiêu hãnh. Mắt ngó thẳng chẳng liếc một cái đến hàng chục thằng đực xung quanh.

10. Bangladesh

Dân xứ này nghe nói cũng nghèo như ta. Hội thảo ở Tokyo, tối nào cậu cũng rủ mình ra phố điện tử hàng cũ của Nhật để săn hàng mà chẳng mua gì. Đến hôm về hỏi cậu mua gì, bạn chìa cho xem toàn dầu gội đầu, sữa tắm. Thầm nghĩ xứ này còn nghèo hơn mình.

Chuyến sau đi công tác với sếp nổi tiếng giàu và gallant. Thấy sếp cũng lễ mễ xách về dầu gội, sữa tắm mới biết trước mình nhầm. Cậu bạn Bangladesh mức sống cao hơn mình nhiều.

11. Lào

Hôm lay, đội lào đá với đội lào là câu hỏi hồi giải bóng đá quốc tế diễn ra có đội Lào tham dự.

Hồi tôi học. lớp có mấy chú người Lào theo học. Tụi này ở VN từ nhỏ, nói rất sõi tiếng Việt. Tiếng là học chung nhưng chúng ở riêng, ăn riêng và có tiêu chuẩn mua hàng intershop. Do vậy tụi này sống sướng, dân buôn bán mua phiếu hay nhờ mua hàng kiếm chênh lệch hoài. Các em gái phố cũng bu như ruồi.

Có hôm thằng Pít (Pitxana) nói với tôi: sao con gái Việt Nam dễ thế. Nhớ mãi.

12. Campuchia

Đi du lịch, gặp cậu HDVDL tên Dương khoe là thiếu úy nhưng do lương thấp quá, thỉnh thoảng đi làm hướng dẫn kiếm thêm. Dương làm chu đáo, tận tâm, hiền lành. Đi tới đâu cậu cũng chỉ cây xăng này của 6 Cò, nhà này của 6 Cò, đi thăm Angkor cậu cũng nói do 6 Cò thầu. Hỏi 6 Cò là ai, hóa ra trước là bộ đội người Việt lấy vợ CPC. Giải ngũ, ở lại kinh doanh và giàu thứ nhì xứ này.

13. Hong Kong

Hồi 94, 95 quen 2 chàng HK sang đây làm ăn. Chàng lớn tuổi ở HK làm nghề buôn cá, nghe VN mở cửa qua đây bán đồ chơi con nít. Thế hệ đó tính tình cũng giống dân Việt và tiếng Anh cũng tệ. Lắm câu cậu hỏi đầu tiên nghe tức anh ách, sau biết nội dung lại cười xòa vì diễn đạt chỉ có thế. Buôn bán vậy nhưng cậu làm ăn được, đủ tiền chơi bời bao em út.

Cậu kia, thanh niên đã tây hóa rồi, làm forwarding. Có hôm ông anh xã hội làm sếp bên công ty vận chuyển sang nói chuyện. Chẳng biết 2 người nói với nhau những gì mà sau cậu không ưa ra mặt. Bảo: toàn lấy tài sản nhà nước đi lo chuyện riêng.

14. Anh quốc

Dân Anh là một sắc dân quái nhất quả đất dù người ta thường ca dân Do Thái. Hãy xem từ một hòn đảo cở nước VN mà dân Anh cát lợi giờ hiên ngang ở những nơi ngon nhứt như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand. Trong khi Do Thái thì long đong lận đận.

Nói đến dân Anh ở VN thì phải nói đến Đô. Chàng lãng tử của ngành tài chính. Người Anh chính cống mắt xanh mũi lõ, khoái mặc đồ casual và nói tiếng Việt với mớ thành ngữ rành hơn rất nhiều quan chức Việt.

Nhờ cái tinh quái kiểu thực dân Anh và nói tiếng Việt như phim nên Đô đi đâu cũng dành được thiện cảm của mọi người và cửa nào cũng đi lọt. Nói đến thị trường chứng khoán Việt thì phải nói tới ảnh hưởng của người ngoại quốc mà chàng Đô ta lại là người thuộc hàng tướng tiên phong của làng Tây chứng khoán.




Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Đệ tử lão Ngoan Đồng

Song thủ hỗ bác

Mấy người khoái đọc Kim Dung đều rành rẽ về Châu Bá Thông. Ông là người phát minh ra món lấy hai tay mình tự đánh nhau, sau thành công phu đặc dị, mỗi tay một loại chưởng pháp khiến đối thủ bối rối, loay hoay không biết đường nào mà đỡ. Công phu tuy chưa đến mức độc cô cầu bại nhưng cũng chẳng thua ai.

http://vi.wikipedia.org/wiki/Chu_B%C3%A1_Th%C3%B4ng

“Tuy nổi tiếng là nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp, nhưng Chu Bá Thông là một nhân vật có thật trong lịch sử. Tuy nhiên tư liệu về ông rất ít. Một số ghi chép ít ỏi cho biết ông sống vào cuối thời Bắc Tống, cùng thời với Vương Trùng Dương, là người Ninh Hải, Sơn Đông, đồng hương với một số thành viên trong nhóm Toàn Chân Thất tử là Đan Dương tử Mã Ngọc, Trường Chân tử Đàm Xứ Đoan, Ngọc Dương tử Vương Xứ Nhất, Quảng Ninh tử Hách Đại Thông và Thanh Tĩnh tản nhânTôn Bất Nhị.

Chu Bá Thông sinh thời rất ngưỡng vọng Vương Trùng Dương. Bấy giờ, Vương đang vân du truyền đạo khắp nơi, đã thu nhận Khưu Xứ Cơ, Đàm Xứ Đoan, Mã Ngọc, Vương Xứ Nhất và Hách Đại Thông làm môn đệ. Mãi đến khoảng tháng 4 năm 1169, Vương cùng các đồ đệ mới trở về Ninh Hải. Chu Bá Thông khi đó đã mời Vương Trùng Dương tới nơi cư trú của mình, có tên là "Kim Liên Đường" để đàm đạo. Tại đây, vợ của Mã Ngọc là Tôn Bất Nhị xuất gia theo Toàn Chân giáo. Tháng 8 năm đó, Vương thành lập Tam giáo Kim Liên hội, một chi nhánh của Toàn Chân giáo, đặt dưới sự trợ giúp của Chu Bá Thông. Sau đó, Vương tiếp tục đến huyện Phúc Sơn truyền đạo, thu nạp Lưu Xứ Huyền.

Những hành trạng khác của Chu Bá Thông không thấy tài liệu nào ghi chép tới.

Nhân vật lừng danh trong tiểu thuyết võ hiệp

Với những thông tin ít ỏi đó, Kim Dung đã tiểu thuyết hóa và đưa Chu Bá Thông trở thành một trong những nhân vật nổi bật nhất trong các tác phẩm của mình.

Trong Anh Hùng Xạ ĐiêuThần Điêu Hiệp Lữ, Chu Bá Thông được xây dựng là sư đệ của Vương Trùng Dương, sư thúc của Toàn Chân thất tử. Ông được mô tả là người có tính tình ngây thơ, hay đùa giỡn như trẻ con (nên có biệt danh Lão Ngoan Đồng) và là một con nghiện võ thuật. Ông là người sáng chế ra món võ công "Không minh quyền", đặc biệt là môn Song Thủ Hỗ Bác, môn võ công kỳ dị chỉ dành cho những người có đầu óc hoàn toàn vô tư, trong sáng.”

Khi ông đi về phương nam thì có rất nhiều đệ tử theo học môn võ này của ông. Người phương nam vốn ốm yếu nhỏ bé nhưng lanh lợi khôn vặt mà mấy người xách mé quen gọi là láu cá, chuyên rình rình chuyện hơn người hay lấy của người về làm của mình,

Châu Bá Thông tuy là bậc kỳ tài võ học nhưng tính lại con nít nên dễ bị lừa, dụ, gạt…Học học nữa học mãi nhưng đám đệ tử này vốn tính điêu toa cổ quái chứ không vô tư trong sáng nên cuối cùng chữ tác ra chữ tộ, biến thái biến dị thế nào mà ra những công phu còn kỳ dị âm hiểm tàn độc hơn hẳn món song thủ hỗ bác trên:

- Như cánh giao thông thì đánh xi nhan bên phải, quẹo về bên trái

- Dân trượng phu quân tử thì nói một đằng làm một nẻo

- Dân đi học thì bụng nghĩ sai, mồm nói đúng đúng

- Dân đi làm thì chân trong nhỏ, ngắn hơn chân ngoài

- Dân buôn bán thì hàng gian hàng giả lại nói là hàng hiệu hàng gin…


Nói chung chuyên về biến hóa, gây chóng mặt cho người khác. Kết quả là dân xứ này ai sở đắc ngón Song thủ hỗ bác cũng đều đi đứng khệnh khà khệnh khạng để tránh tình trạng đi liêu xiêu do bị hoa mắt đau đầu gây ra. Bọn nhà y thì cứ phán do máu lên não thiếu mà không hiểu đó là lối tấn, đi đứng đặc dị của đám đệ tử biến thái này.

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Thăng trầm nghề thầy giáo

Thăng trầm nghề thầy giáo

Xưa vì nặng vía cụ Khổng nên nhà giáo được gọi là thầy. Thầy giáo chung với 2 thầy khác là thầy mo và thầy lang.

Ngược lên nữa thì người được dân gian gọi bằng thầy đầu tiên chính là thầy mo. Sau nhờ giáo hóa mà thêm thầy giáo, thầy lang.

Ở VN đầu TK20 thì thầy giáo làng vẫn thường kiêm nghề thầy lang.

Nói thế để thấy nghề giáo là cao quý. Đi vào Nam thì với bản chất đơn giản của mình, dân chỉ còn phân biệt dân thầy và dân thợ. Dân thợ là lao động chân tay, dân thầy thì như bây giờ gọi là dân văn phòng. Thầy giáo vậy cũng trong giới dân thầy.

Đến thời bao cấp. Giai đoạn đầu hừng hực khí thế công nghiệp hóa thì thầy giáo được gọi là kỹ sư tâm hồn, còn trong nam thì lại gọi thành giáo sư. Giáo sư giờ đạt được khó khăn, đòi hỏi nhiều thứ, nhưng ngẫm lại xưa gọi chung thầy giáo là giáo sư, giờ chỉ số rất ít nhà giáo mới được gọi là giáo sư cũng có cái lý của nó, tức là chung một hằng số về chất lượng.

Cuối thời bao cấp đói kém thì xem ra cao quý không bằng có miếng bỏ mồm, thơ ca hò vè đợt đó toàn là:

Thầy giáo tháo giày đi chân đất

Giáo chức dứt cháo đón xuân sang

Nói chung nhà giáo, nhà báo, nhà đài bị liệt vào hạng đói kém.

Mở cửa, kinh tế thị trường lên ngôi. Thầy giáo cũng phải bươn bả kiếm tiền. Để có được đồng tiền, họ biết ai là thượng đế:

- Không thầy đố mày dạy ai

Và sức mạnh của thầy:

- Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy

Mà chữ yêu thì mênh mông lắm.

Để đề phòng đồng tiền lấn át tri thức, người ta đã cẩn thận ghi khắc ở mỗi cổng trường là tiên học lễ, hậu học văn. Tức là trước tiên phải biết về lễ nghĩa, sau đó rồi mới được học kiến thức.

Mục đích thì hay nhưng vô tình lại chỉ cho mọi người thấy, trường cũng chỉ coi kiến thức đứng hàng thứ hai mà thôi. Cũng có nghĩa, thầy giáo, người truyền dạy kiến thức cũng chỉ ở vị trí tương ứng, xếp sau một thứ cũng vô hình mỗi người định nghĩa một kiểu trong thời chuyển đổi này (Lễ nghĩa này theo định nghĩa của cụ Khổng Mạnh, hay theo định nghĩa con người mới XHCN, hay theo con người thị trường, chưa thấy ai làm rõ).

Đồng tiền lên ngôi cao quá thì những chuyện con sâu làm rầu nồi canh lấy tiền đổi điểm, lấy tình đổi điểm cũng xuất hiện:

- Thầy trò, thò chầy hay nằm yên thầy cho lên lớp


Cũng phũ phàng nhạt nhòa cho thân phận thầy giáo. Nhưng dù sao cũng xin chúc mừng ngày nhà giáo cho xứng với sự cao quý của thầy.

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Đặc sản thời bao cấp


(Lọ DEP trị ghẻ thần thánh)
Hôm rồi nghe cụ Tổng nói chuyện tham nhũng giống như ghẻ ngứa, rất khó chịu làm mình nhớ lại nỗi khổ ghẻ lở hắc lào chí rận thời bao cấp.

Hồi những năm 80 hầu như ai cũng phải nếm mùi mấy món đó.

Chí trên đầu trẻ con, người lớn. Từng nhóm túm năm tụm ba chải tóc bắt chí vui đáo để. Có đứa còn bắt chước các cụ xưa cắn chí nghe côm cốp. Chí nhiều nên lược bí (lược dày) đắt khách. 

Trứng chí, chí con màu nhờ nhờ, chí lớn đen nhánh bị lược bí chải ráo. Nói chung bắt, diệt chí tương đối dễ chỉ có điều hay bị lây lại. 
Đi học ngồi cùng bàn, chụm đầu chơi, chí bò qua khi nào không hay. Mà chí hồi đó đen nhánh, khác bây giờ, trắng bệch vì bị dầu gội đầu tẩy.

Ghẻ, đa phần bị ghẻ nước. Ghẻ rất ngứa. Ngứa ghẻ hờn ghen mà lại. Ghẻ nước có thể dung kim để bắt. 

Quan sát kỹ sẽ thấy tổ của nó, từ tổ này chúng đào hang đi khắp nơi, tấn công bàn tay giống như món đào giao thông hào tiến đánh Điện Biên Phủ vậy. Ghẻ này chủ yếu bị ở tay, số ít hơn bị ở phần bụng dưới. 
Rất nhiều người bị, vô lớp học, thầy cũng như trò đang im phăng phắc nghe giảng bỗng có đứa gãi ghẻ, vậy là trước sau cả lớp thi nhau gãi sột soạt, mà càng gãi lại càng ngứa, thế mới ác đạn.

Thuốc bôi ghẻ ngứa DEP cũng đắt hàng, trời mùa đông, từng hàng trai bôi Dep xong ngồi phơi nắng ở hành lang ký túc xá trong khi mắt vẫn hóng hớt từng bóng hồng thỉnh thoảng vào ra qua cổng.

Hắc lào thì mệt hơn, từng vòng như đồng xu nổi lên, trông rất bẩn. Có anh lớp trưởng lớp Vô tuyến điện, cao to đẹp trai mà xui xẻo bị ngay mấy vòng trên má, chữa mải không khỏi. Hồi thanh niên, thế cũng là một bi kịch. Bị ở đâu còn đỡ, bị ngay trên mặt, phơi lồ lộ, chẳng trốn đâu được.

Hồi đó phổ biến bài thuốc mẹo, vặt trộm trái chuối xanh, bẻ chấm mủ vào vết hắc lào khi nó mới chớm, cũng hiệu nghiệm phết.

Còn rận, món này khó chịu vô cùng, đang ngủ mà bị tụi nó cắn thì coi như mất ngủ ả đêm, vô phúc nó chui xuống phần dưới thì vừa bị ngứa, vừa truy bắt nó gian khổ vô cùng. 

Khi bị rận, chỉ có nước bỏ chiếu đem đốt, tiện thể hơ lửa giát giường, giường cho chết rệp, lôi ra phơi nắng rửa nước rất kỳ công.

Tại sao ngoài bắc hồi đó lại bị trầm trọng mấy món đặc sản này, miền nam lại đỡ hơn?

Do sống bẩn dơ. Hẳn rồi nhưng số người thích ở dơ thực ra rất ít, còn lại cũng là người thích sạch sẽ.

Nguyên nhân chính vì:

- Nước. Hồi đó nước máy không có khử trùng Flor hay Clor như bây giờ mà đơn giản nước sông chỉ qua bể (hồ) lắng bùn sau bơm thẳng vô ống cho dân xài. 

Khi đó ăn còn bo bo, hạt bắp là thức ăn chăn nuôi; lấy đâu ra tiền usd nhập thuốc khử trùng. 
Diệt muỗi hồi đó cũng hồn nhiên xịt DDT từng nhà, có biết độc hại, gây ung thư trời trăng gì đâu, chỉ biết rất khó ngửi, phải ra ngoài chừng nửa tiếng mới dám vô nhà.

- Hóa chất tẩy rửa. Xà bông giặt sau mấy đợt xà bông cục 72% lừng danh của Liên Xô, bột giặt nước của miền nam là chấm hết. 

Thứ được khuyến cáo sử dụng là trái bồ hòn. Mắm môi mắm lợi chà vào quần áo cho nó ra bọt mà có thấy đâu. 
Đó là nói về giặt, còn về tắm gội thì cứ hương nhu lá sả, bồ kết cho nó lành, mà rồi cũng hiếm. Có đứa có cục xà bông camay thì phải dấu dấu diếm diếm không thì cả phòng cả lớp nó lấy xát lên đầu, hết ngay và luôn.

Hai nguyên nhân trên phát nguồn từ nguyên nhân mẹ là tình trạng bao cấp, cấm chợ ngăn sống, đóng cửa nền kinh tế. 

Ngẫm lại một thời ấu trĩ sao thấy thật buồn cười. Cái nguyên nhân mẹ, theo tôi là phát kiến vào loại stupid nhất trong lịch sử. 
Vậy đấy, thiếu thốn ấu trĩ rứa thì ghẻ lở chí rận hắc lào không bùng phát mới là chuyện lạ.

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Thầy Tây thầy Ta

11.07.21
Cơ lý thuyết thời bao cấp Là 1 môn khó nên số thi lại đông, số xin điểm chạy điểm nhiều và nhiều thầy nổi danh dũng sĩ diệt sinh viên. Như hôm tôi thi bốc được đề dễ ẹt là tìm chuyển động của đầu van xe đạp như toán cấp 2 mà cứ loay hoay vì sợ có bẫy gì trỏng chớ sao đơn giản thế, thật là tâm lý thần hồn nát thần tính như kiểu dịch Covid bây giờ. Hôm nay xin được kể 2 mẩu chuyện về 2 gv dạy cơ lý thuyết 
 - Ăn gì mà làm: ổng là ba của thằng bạn. Sinh viên tại chức tới xin điểm nhiều còn sv chính qui thì không dám. Trong đám có người sau đi làm thành chức sắc về thăm thầy kể chuyện công việc rồi kết luận ăn gì mà làm hở thầy. Trò về thầy lẩm bẩm tao biết quá mà, hạng đấy thì những việc khó chút có cho ăn vàng cũng chả làm được, biết gì đâu mà làm. 
 - Đến tao còn không làm được: có mấy em gái xin thầy trẻ giỏi được thi hết môn. Thầy bảo tới nhà thầy giải bài tập được thì thầy cho thi. Sau 1h em bảo không giải được. Trò về thầy cười to bảo bài đấy tao cũng có giải được đâu. 
 Thêm chuyện thằng bạn vừa làm gv vừa đi tàu 
 - Làm thầy thật thích: Nó bảo, lợi lắm mày ạ. Xuống tàu thì nói với đám thuyền viên, tao còn là thầy của đám sỹ quan còn về trường nói với gv, các ông chỉ lý thuyết suông, chả biết cái gì về thực tế

Tặng các bạn học cao học Việt Bỉ

Sau 20 năm rời ghế nhà trường tôi mới cắp sách đi học lại. Lớp tôi chọn thuộc dạng liên kết, trong 15 môn học thì có một môn do thầy Việt dạy.

Thầy Tây thì tự do trong tư thế, có thể ngồi lên bàn mà nói. Các giáo sư đến từ Pháp, Bỉ, Anh, Mỹ,…đều có lối tiếp cận sinh viên theo kiểu ngang hàng. Thầy đang nói học viên có thể đâm ngang hỏi bất kỳ. Những cái thầy trình bày cũng không có gì cao siêu, họ chỉ yêu cầu chăm chú nghe, đặt câu hỏi, và chắc chắn rằng đã hiểu được vấn đề. Nên thầy Tây rất quan tâm tới những vấn đề cơ bản, điều gì mà họ thấy học viên chưa hiểu là trình bày đi trình bày lại. Nhưng tụi này ham nói, hết bài chứ không hết giờ nên giảng lố giờ là chuyện thường. Có thầy khoái nói đến mức xin tụi học hỏi ít thôi vì tao còn khối thứ phải trình bày.

Nói cho ngay thì chương trình này đơn giản hơn chương trình gốc và thầy cũng yêu cầu ở mức thấp hơn. Ngược lại với thời thuộc địa, chương trình phổ thông bên này còn khó hơn hẳn chương trình bên mẫu quốc Pháp.

Dân Bỉ không chỉ nổi tiếng về socola và bia mà họ còn giống như Sing bên Đông Nam Á, thầu mấy dịch vụ cho khối EU, NATO thì Bỉ rất nhanh chân.

Ông thầy chủ nhiệm chương trình, GS Bayern rất tò mò hỏi tôi tại sao các nước Tây khủng hoảng 2008 mà VN lại không bị và ông cho biết hỏi rất nhiều người Việt khi có cơ hội.

Lớp tôi, đa số tụi trẻ nên rất chịu phương pháp dạy học này. Chịu đến mức khi thầy Việt tới giảng thì họ sốc nặng.

Ông thầy Việt có tuổi, dạy môn lịch sử tư tưởng triết học phương Đông. Thầy cũng tài hoa, thông kim bác cổ. Nói làu làu tứ diệu đế, bát khổ…với chỉ vài nét vẽ minh họa là hình minh họa sống động ngay.

Những món này thanh niên không rành nên rất tò mò nhưng thầy lại yêu cầu không được hỏi khi thầy giảng. Có hỏi gì ghi giấy gửi thầy khi hết giờ, có cô bé quen lối thầy Tây có vấn đề thắc mắc buột mồm hỏi bị đuổi khỏi lớp với lời bình vô phép. Đang học về chữ Lễ mà chả có lễ làm cô bé cứ sôi sùng sục.

Vẫn biết thầy chọn cách tiếp cận từ trên xuống, thầy đứng trên, đứng xa mọi trò. Thầy giảng, trò tiếp thu mới đúng đạo thầy trò.

Cái này hiểu, nhưng tôi vẫn thắc mắc tại sao Khổng tử lại bàn luận với các trò rất nhiều. Bàn luận diễn ra lúc nào. Hóa ra Khổng Tử 3 cùng với đám môn sinh. Lên lớp thì vậy nhưng thời gian đi dạo, ăn uống thì thầy trò cùng vui vẻ bàn luận, thậm chí trêu ghẹo nhau.
Thầy Việt của lớp, dạy chính quy nên chỉ có cùng học viên trên bục giảng. Thầy học Khổng phu tử mà lại quên béng mất hoàn cảnh thầy trò Khổng phu tử giáo huấn, đàm đạo. Thầy ơi, quên mất vế đàm đạo rồi.

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Vang bóng một thời



Thương cảng Sài Gòn có từ 1860, khởi nguồn từ cầu tàu phía đường Hàm Nghi bây giờ (đối diện với cục hải quan Tp.HCM). Xưa Bác cũng ra đi từ bến này. 

Còn Nhà Rồng được khởi công xây dựng ngày 4 tháng 3 năm 1863, do “Công ty vận tải đường biển” (tiếng Pháp: Messageries Maritimes) xây cất để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu.

Cảng Sài gòn nằm trên sông, cách biển Vũng tàu 83 km nhưng chủ yếu đón tàu biển nên được gọi là cảng biển chứ không phải cảng sông.

Đến năm 1939, Sài Gòn trở thành cảng đứng hàng thứ 7 trong số các thương cảng của Đế quốc Pháp, vận chuyển 3.000.000 tấn trong đó 2 triệu tấn xuất-nhập hàng hóa tàu biển thuộc mọi quốc tịch. Năm 2006 thì tổng khối lượng hàng hóa thông qua là 35 triệu tấn. Như vậy cảng SG là cảng hàng đầu của khu vực phía nam, và có nghĩa là nhất cả nước.

Nhưng mọi cái đều có cái thăng trầm của nó. Đối với ngành hàng hải thì đó là sự chuyển từ Tấn sang TEU, nôm na là từ vận chuyển bằng tàu hàng rời, hàng khô sang tàu chở container. Giống như từ sản xuất nhỏ lên sản xuất qui mô công nghiệp vậy. 
Định nghĩa về TEU
http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ngten%C6%A1_h%C3%B3a

Từ đây cũng có khái niệm tàu mẹ và tàu feeder lãnh nhiệm vụ trung chuyển, gom hàng cho tàu mẹ. VN từ đổi mới tới nay thì tàu mẹ ghé vẫn chỉ là thưa thớt, phải nhường vai trò hub hàng hóa cho Singapore, Hongkong. Thiệt đơn thiệt kép.

Quay lại chuyện từ Ton sang Teu này có hàng loạt doanh nghiệp lẫy lừng trở nên khốn đốn và cũng một loạt anh hùng hảo hán mới nổi lên (đúng là câu chuyện phá hủy sáng tạo).

Phe thất bại: sơ sơ có Seaprodex, Vosco, Vitranschart, Vietfrach và hàng loạt ship địa phương. Những công ty này thua vì đúng giai đoạn mở cửa, tung tiền mua tàu thì không bắt kịp sự chuyển đồi từ T sang Teu mà vẫn rinh về tàu hàng khô, hàng rời truyền thống.

Phe mới nổi: Vinaship. Anh này tên cũ là vận tải biển 3, chuyên chạy nội địa. May sao có hãng Evergreen của Taiwan chọn làm đối tác mà nổi lên. Sau lục đục, tụi Evergreen rút lui thì Vinaship lại trở về máng lợn như xưa.

Không thể không kể đến Gemadept, vốn làm forwarding cho Gematrans, sau này trở thành lá cờ đầu của ngành, dĩ nhiên, do bám vào phương thức ưu việt Teu.

Đó là nói về tàu, giờ nói về cảng. Thời hoàng kim này thì cảng SG tạo công ăn việc làm/nuôi sống/góp phần nuôi sống một cách trực tiếp và gián tiếp cho trên dưới 200 nghìn người, một con số khổng lồ.

Mặt trái của tăng trưởng

Hàng qua cảng nhiều, kéo theo quá tải cho hạ tầng giao thông thành phố. Chưa kể ô nhiễm, tai nạn giao thông.

Cảng quá xa biển, tàu lớn không vào được (trọng tải tối đa khoảng 3,2 vạn DWT cập cầu) làm chi phí và thời gian vận chuyển tăng, các chuyên gia gọi là điểm nghẽn về hạ tầng.

Sức mạnh của tiến trình Ton sang Teu thì ai cũng biết nên tiến trình tìm kiếm cảng trung chuyển bắt đầu, dự án Sao mai bến đình hay Cái mép Vũng tàu ra đời.

Thành phố hạ quyết tâm di dời cảng SG, nhưng đêm về gác tay lên trán suy nghĩ, còn công ăn việc làm của 200.000 người, còn thuế thu về. Suy đi tính lại không dám triệt để nữa mà di dời cảng xuống vùng Hiệp Phước, cách khoảng 17 km.

Với sự di dời này thì những yếu điểm vẫn giữ nguyên, chưa kể Hiệp Phước là vùng đất thấp. Thấp của thấp vì SG cũng là vùng đất thấp. Vậy là tiến trình Ton sang Teu bị ngăn trở, tất nhiên tiến trình này không đảo ngược được. Chỉ có hệ quả phát sinh là Cái mép Vũng tàu cũng ì ạch vì bị đói vốn.

Giấc mơ cảng trung chuyển vẫn là giấc mơ, lỡ dở vì nguồn lực đã có hạn còn bị sẻ chia.

Với hơn 150 năm vận hành, cảng SG đã coi như đi hết chu kỳ sinh lợi của nó. Giờ đây cảng Sài Gòn, cố níu kéo cũng chỉ còn một thời vang bóng.

Tham khảo
http://www.vpa.org.vn/vn/members/south/saigon.htm

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Chuyện đũa chuyện muỗng

Bài được viết từ sự hợp tác của Sống Chậm, Khoa Năng Lưu và Anh Trần Tuấn
Chuyện đũa chuyện muỗng

Ở Đông dương chỉ có VN là dùng đũa nhiều. Vậy đôi đũa có phải là biểu tượng của nền văn minh lúa nước hay không?

Theo nhiều nghiên cứu kết luận thì đôi đũa chính là sản phẩm của văn minh lúa nước. Hai chiếc đũa mô phỏng chiếc mỏ dài của con cò kẹp đồ ăn từ dưới nước, trên cạn...

VN thuộc văn minh Tàu nên dùng đũa, còn Lào và Cambodia theo văn minh Ấn nên xa xưa họ ăn bốc, tất nhiên ngày nay không còn mấy.

Người ta so sánh đôi đũa của ta với bộ đồ ăn châu Âu và kết luận: đôi đũa tiện lợi đa năng như và, gắp, xắn, xé... nhưng đồ của châu Âu thì chuyên môn hóa và năng suất cao hơn hẳn. Ví dụ dùng đũa xắn thì không thể bằng dao cắt, và, lùa cơm bằng đũa không bằng thìa xúc. Cái gì tiện lợi đơn giản thì tính năng không thể cao được. Đây là qui luật.

Dân Á đông sở trường ngợi ca những thứ mình tạo ra. Vậy là có ba kiểu chính, Ân thì ăn bốc, Tây thì muỗng nĩa. Không biết 2 thứ dân ấy họ tưởng tượng ra cái gì nhỉ. Tôi ngờ rằng dân Việt ngày xưa thìa muỗng gần như là không có, hoặc có cũng tạm bợ kiểu như lành làm gáo, vỡ làm muôi. Thiếu vắng muống nên di chứng ăn còn đến ngày nay là cầm bát canh húp soàn soạt chứ không dùng thìa.

Ăn bốc có cái ưu là món ăn còn được cảm nhận bằng xúc giác, cảm giác đó ra sao mời các bạn nhớ lại khi mình bốc xôi, nắm lại chấm mắm và đưa lên miệng. Cảm giác khác hẳn với ăn bằng đũa bằng muỗng phải không.

Dân Ấn thiên về cảm nhận như thế nên dân họ khoái thiền, yoga nhưng mức độ thành tựu của từng người cũng chênh lệch y như là xã hội của họ phân biệt đẳng cấp vậy. Giàu thì thật giàu, giỏi thì thật giỏi, sang thì thật sang còn ở cực kia lại ngược lại hoàn toàn. Xem tỷ phú ổ chuột là thấy, dân VN tuy nghèo cũng chưa có cái nghèo tập trung hoành tráng như vậy.

Dân Tây ăn uống xài dao muỗng nĩa nên lúc nào cũng thấy nghiêm túc, coi trọng công việc, đặc biệt là sử dụng công cụ, cái nào ra cái ấy trên phần ăn của mình.

Ngẫm lại, dân này khoái chế tạo, cắt xẻ, hầm nhừ không chỉ trong ăn uống mà cả trong đời sống hàng ngày đến y học. Mà muốn được vậy thì phải ít phân biệt và được tự do trong cái dĩa ăn của mình.

Dân xài đũa chòi gắp từ phần thức ăn chung nên thường công tư lẫn lộn, ai nhanh tay gắp được miếng ngon thì hỉ hỉ hả hả. 
Xưa tránh chuyện cá mè một lứa thế này nên người cột trụ trong nhà – đàn ông thường ngồi ăn riêng. Ăn riêng thì cũng đồ ăn đó, chỉ thêm ly rượu và xương để gặm nhưng cũng vẫn phải ăn riêng không thì cùng múa đũa với cả nhà sẽ bị tình trạng gần chùa gọi bụt bằng anh. 
Tư duy dùng đũa còn được nối dài bởi thuật châm kim trị bá bệnh.

Như vậy dân xài đũa, ý thức mình hơn người khác ngấm vào máu, thành bản năng. Kinh Lễ cũng ra đời từ đây, Lễ để phân biệt kẻ cao người thấp, phận kình nghê hay phận tép tôm.

Việc sử dụng muỗng đũa hàng ngày cũng ảnh hưởng tới tư tưởng và phát minh của loài người. Có điều thú vị là tuy gọi muỗng dĩa nhưng bộ đồ ăn của Tây thực ra còn có dao là ba món. Dân Tây do vậy khoái số 3, những phát kiến lớn như chúa 3 ngôi, tam quyền chứng minh cho điều này. Dân Á, đại diện là TQ lại khoái số 2 vì đũa chỉ có một đôi. Có thể kể ra đóng góp của sắc dân này như thuyết âm dương, nguyên lý nhị phân, địch ta, mèo trắng mèo đen...; Việt Nam có đóng góp lớn trong mô hình quản trị là cai trị kiểu song trùng vua Lê chúa Trịnh. Còn dân Ấn ăn bốc đóng góp vào kho tàng số 0, vòng tròn luân hồi…

Thời bao cấp ngoài bắc toàn xài đũa tre, từ đũa ăn đến đũa cả. Đũa tre rất bền, đũa cả thì khỏi nói, vàng óng dùng để ghế, xới cơm. Cứ thế mà dùng năm này qua năm khác không hư. Đũa cả chỉ bỏ khi bị gãy (thường do tức đánh con hay đập cái gì đó). Sau đũa cả hầu như tuyệt tích vì chuyển sang xài nồi cơm điện. Đũa cả nhừơng chỗ cho vá nhựa/gỗ.

Muỗng (thìa) thì bằng nhôm (nhuôm), từ thìa bé, thìa lớn đến muôi (vá) múc canh. Nhôm thì xấu và không tốt cho sức khỏe. Tất nhiên hồi đó biết quái gì chuyện ảnh hưởng với không ảnh hưởng.

Hồi bọn tôi ở ký túc xá Cát bi, học và ăn lại ở Cầu Rào, cách nhau chừng 1,5 km. Tuổi ăn mà lại ăn toàn chất bột nên ăn xong đi bộ về đến Cát bi là bụng lại rỗng như chưa ăn. 
Việc di chuyển lách cách thế nên mang theo chén bát, đũa là bất tiện. Lúc đầu trong phòng mỗi người một hôm mang đi, được thời gian làm biếng, của ai nấy cầm. 
Ai đi xe đạp thì còn thoải mái chứ đi bộ cũng phiền. Thế là phong trào ăn muỗng ra đời.

Ăn muỗng thật tiện, mỗi người một muỗng đút túi, ăn xong ra rửa rồi lại đút túi. Có chàng sang tán gái trường Y Hải Phòng gần đó, cao hứng rung đùi còn rớt cha nó muỗng xuống nền nhà.

Ngồi ăn thỉnh thoảng lại nghe đuổi nhau chạy huỳnh huỵch, rầm rập; đó là mấy quản giáo rượt đuổi mấy đứa làm biếng ăn bốc, ăn thìa. 
Trường tôi cấm mấy vụ ăn kiểu Ấn, kiểu Tây, bắt được là kỷ luật, rầy lắm, nặng có thể lao động cả tháng. Ghi chú: ăn toàn ngồi xổm trên nền xi măng, không có chuyện bàn ghế.

Tới thời mở cửa, đũa đa dạng hơn từ đũa tre, đũa gỗ các loại (dừa, mun, căm xe...), đũa nhựa, inox, đũa sơn son thếp vàng.

Đũa gỗ thì không bền, tụi Nhật ăn đũa gỗ một lần rồi bỏ, VN thì xài cho đến bị xơ đầu, mốc hoặc cong queo. Inox thì cực kỳ khó gắp, quá bằng đánh đố, chỉ tụi củ sâm nghèo đói mới xài thứ này. Bền nhưng bất tiện, chẳng còn gì là thú gắp đũa. Cái này dân cá gỗ phải kêu bằng cụ.

Đũa nhựa thì phú quý giật lùi, kiêm hết các thứ dở hơi nên giờ cũng rất ít nhà dùng. Tóm lại sau mấy chục năm thì đũa chẳng tiến bộ mấy hay nói theo kiểu các lãnh tụ thì đũa không phát triển đúng với tiềm năng của mình. 
Còn muỗng có vẻ khá khẩm hơn từ nhôm, gang, sứ, nhựa, inox, bạc...tóm lại là muỗng có vẻ theo kịp thời đại.

Cuối cùng đũa tượng trưng cho đàn ông. Chỉ đàn ông mới có trò đũa mốc đòi chòi mâm son, rồi so bó đũa chọn cột cờ. 
Cái tôi thắc mắc là từ ngày đổi mới đến nay phụ nữ thích nghi nhanh hơn, tốt hơn. Còn đàn ông thì làm mọi việc nát bét. 
Xưa có đũa cả oai phong, sau mắt nhắm mắt mở thế nào so bó đũa cả, lại chọn nhầm que quẹt khu. Kể từ ấy, đũa cả tuyệt tích giang hồ. Cái tôi lo là vậy, sao đàn ông lại ngày càng kém.



Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Đầu đường biệt thự lẩu dê…

Đầu đường biệt thự lẩu dê…

Khu quy hoạch mới trông khang trang, sạch đẹp gồm chung cư, nhà phố, biệt thự. Ở vài năm mới thấy:

Đường sá làm quanh co, không kẻ ô bàn cờ. Ai mới đi nhầm đường thật vất vả.

Hầu như chưa có sổ đỏ do dự án chưa hoàn thiện (chưa giải tỏa xong, cơ sở hạ tầng chưa đúng tiêu chuẩn quy định…). Mà không sổ đỏ thì hẳn nhiên chẳng có sổ hồng. 

Trước coi vậy còn đỡ, từ tháng 7-2013 theo quy định phải có sổ đỏ mới được xây nhà. Đất mình mua, năm ngoái xây thoải mái, năm nay lại cấm xây, ách tắc.

Để có nhiều nền, vỉa hè mỗi bên chỉ được 1,5m. Lớn vậy ai đi ai đừng.

Quy hoạch không theo kịp luật xây dựng về chiều cao, khoảng lùi…nên nhà xây trước thì bị giới hạn chiều cao, nay mới xây lại được vượt tầng. Mỗi loại nhà chung một thiết kế, bắt buộc mặt tiền giống nhau, mà thiết kế, xin lỗi, xấu không thể tả.

Dân ta toàn nghĩ lớn nên không có giải pháp phù hợp cho những dịch vụ hàng ngày như hớt tóc, ăn uống, tạp hóa, sửa xe…cho khu dân cư. 
Thực ra nói vậy cũng chưa thấu tình đạt lý mà những nhà quy hoạch ở đây đã giải bài toán tối ưu theo mục tiêu tối đa nền đất bán. Mà khi đã tối đa cái này thì những cái khác buộc phải quên đi.

Dẫn đến kết quả là biệt thự giá mười mấy hai chục tỷ nay thành nơi bán bún bò, cơm, lẩu dê…đáp ứng nhu cầu tự nhiên của cuộc sống.

Thành ra:

Đầu đường nhà phố vá xe
Cuối đường biệt thự bán chè đỗ đen.

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014
Bung ra
Việt nam đổi mới từ 1985. Mọi người được tha hồ bung ra làm ăn vì Đảng đã cởi trói cho kinh tế thị trường.
Háo hức, nô nức bung ra thoát nghèo. Dân ta năng động hẳn. Thay vì xưa kia bao cấp, cái gì cái gỉ cái gi cũng nhà nước lo, phân phối. Từ cái to như cái nhà đến cái xe, cái giường cái tủ...rồi gạo, bo bo, củ mì đến chất đốt, dầu muối, cái kim sợi chỉ...tất tần tật.
Vậy nên bà con cán bộ công nhân viên chức chỉ việc đi làm, còn lại là xếp hàng xếp sổ cắt tem, hết sức là gà công nghiệp.
Giờ thì nào làm cò gỗ mổ cò thật, chỉ trỏ buôn cái này bán cái kia, nào tăng gia sản xuất nuôi heo, chim cút. chó Nhật, cá trê phi.
Vứt bỏ sỹ diện hão kiểu tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp mà xông vào cuộc sống vì cũng có ai lo cho đâu:

Đầu đường đại úy vá xe
Cuối đường đại tá bán chè đỗ đen

Công thức đầu đường, cuối đường được áp dụng nhuần nhuyễn, mở rộng, nở nồi bung ra cùng thời đại.
Dân mình được cái nhanh nhạy, ham làm giàu, nhà nhà làm giàu, người người làm giàu nên cung vượt cầu dẫn đến cảnh:

Đầu đường thạc sỹ bơm xe
Cuối đường tiến sỹ bán chè đỗ đen

Vẫn cơm áo gạo tiền như hồi xưa nhưng giờ có hàm lượng tri thức hơn hẳn.
Vài năm nay, kinh tế khó khăn, nhiều người cấp sở bỏ ra kinh doanh, thậm chí phó tổng THVN (tương đương thứ trưởng) còn ra dân nên công thức đầu đường cuối đường được cải tiến:

Đầu đường zụ trưởng bán cơm
Cuối đường phó sở lại đi từ đầu (đầu tư)

Sự đời cái gì cũng tới hạn, bung ra chán rồi đến bung bét như Vinashin, Vinalines...
Công thức lại thành

Đầu đường sếp tổng bán tàu
Cuối đường chủ tịch loay hoay nợ đòi.

Tóm lại, khó khăn thì vẫn thế nhưng tinh thần kinh doanh vẫn tốt. Nếu bác TH còn sống ắt hẳn đã làm thơ như kiểu: bung ra, 2 chữ à ra thế...

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

19 điều về đàn bà phố


19 điều về đàn bà phố

1. Có việc làm, thu nhập ổn định

2. Đã lập gia đình, có con

3. Thường xuyên lướt nét, facebook

4. Alo rất dài rất dai

5. Thi thoảng đọc tạp chí thời trang, rất hiếm khi đọc sách, tiểu thuyết

6. Chăm lo sắc đẹp, bận bịu với kem dưỡng da

7. Sợ hư da, ra đường kín mít như phụ nữ Hồi sùng đạo

8. Rất sợ rau, cá thịt, trái cây…bị ướp ngâm tẩm chích hóa chất

9. Rất sợ nồi niêu xoong chảo lẫn các tạp chất độc hại như nhôm Trung quốc, chảo chống dính

10. Sợ bệnh sợ tật do ô nhiễm không khí, đồ ăn thức uống nhiễm độc chất, nhà cửa vật liệu TQ

11. Tự trồng lấy rau ở nhà

12. Lo nhiều tới mức vô cảm trước giá cả tăng, lương thì bị cắt giảm

13. Lo cho con vào trường điểm

14. Cho con học thêm học nếm tối ngày

15. Tru tréo khi con điểm thấp, hớn hở khi điểm cao

16. Tự học để kèm con, học cùng con bể nhà

17. Lúc nào cũng rối tung rối mù vì việc công ty, việc nhà, con cái

18. Xả stress bằng cách làm loa phường,
19. Không thoát được chuyện mẹ chồng con dâu.