Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Vang bóng một thời



Thương cảng Sài Gòn có từ 1860, khởi nguồn từ cầu tàu phía đường Hàm Nghi bây giờ (đối diện với cục hải quan Tp.HCM). Xưa Bác cũng ra đi từ bến này. 

Còn Nhà Rồng được khởi công xây dựng ngày 4 tháng 3 năm 1863, do “Công ty vận tải đường biển” (tiếng Pháp: Messageries Maritimes) xây cất để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu.

Cảng Sài gòn nằm trên sông, cách biển Vũng tàu 83 km nhưng chủ yếu đón tàu biển nên được gọi là cảng biển chứ không phải cảng sông.

Đến năm 1939, Sài Gòn trở thành cảng đứng hàng thứ 7 trong số các thương cảng của Đế quốc Pháp, vận chuyển 3.000.000 tấn trong đó 2 triệu tấn xuất-nhập hàng hóa tàu biển thuộc mọi quốc tịch. Năm 2006 thì tổng khối lượng hàng hóa thông qua là 35 triệu tấn. Như vậy cảng SG là cảng hàng đầu của khu vực phía nam, và có nghĩa là nhất cả nước.

Nhưng mọi cái đều có cái thăng trầm của nó. Đối với ngành hàng hải thì đó là sự chuyển từ Tấn sang TEU, nôm na là từ vận chuyển bằng tàu hàng rời, hàng khô sang tàu chở container. Giống như từ sản xuất nhỏ lên sản xuất qui mô công nghiệp vậy. 
Định nghĩa về TEU
http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ngten%C6%A1_h%C3%B3a

Từ đây cũng có khái niệm tàu mẹ và tàu feeder lãnh nhiệm vụ trung chuyển, gom hàng cho tàu mẹ. VN từ đổi mới tới nay thì tàu mẹ ghé vẫn chỉ là thưa thớt, phải nhường vai trò hub hàng hóa cho Singapore, Hongkong. Thiệt đơn thiệt kép.

Quay lại chuyện từ Ton sang Teu này có hàng loạt doanh nghiệp lẫy lừng trở nên khốn đốn và cũng một loạt anh hùng hảo hán mới nổi lên (đúng là câu chuyện phá hủy sáng tạo).

Phe thất bại: sơ sơ có Seaprodex, Vosco, Vitranschart, Vietfrach và hàng loạt ship địa phương. Những công ty này thua vì đúng giai đoạn mở cửa, tung tiền mua tàu thì không bắt kịp sự chuyển đồi từ T sang Teu mà vẫn rinh về tàu hàng khô, hàng rời truyền thống.

Phe mới nổi: Vinaship. Anh này tên cũ là vận tải biển 3, chuyên chạy nội địa. May sao có hãng Evergreen của Taiwan chọn làm đối tác mà nổi lên. Sau lục đục, tụi Evergreen rút lui thì Vinaship lại trở về máng lợn như xưa.

Không thể không kể đến Gemadept, vốn làm forwarding cho Gematrans, sau này trở thành lá cờ đầu của ngành, dĩ nhiên, do bám vào phương thức ưu việt Teu.

Đó là nói về tàu, giờ nói về cảng. Thời hoàng kim này thì cảng SG tạo công ăn việc làm/nuôi sống/góp phần nuôi sống một cách trực tiếp và gián tiếp cho trên dưới 200 nghìn người, một con số khổng lồ.

Mặt trái của tăng trưởng

Hàng qua cảng nhiều, kéo theo quá tải cho hạ tầng giao thông thành phố. Chưa kể ô nhiễm, tai nạn giao thông.

Cảng quá xa biển, tàu lớn không vào được (trọng tải tối đa khoảng 3,2 vạn DWT cập cầu) làm chi phí và thời gian vận chuyển tăng, các chuyên gia gọi là điểm nghẽn về hạ tầng.

Sức mạnh của tiến trình Ton sang Teu thì ai cũng biết nên tiến trình tìm kiếm cảng trung chuyển bắt đầu, dự án Sao mai bến đình hay Cái mép Vũng tàu ra đời.

Thành phố hạ quyết tâm di dời cảng SG, nhưng đêm về gác tay lên trán suy nghĩ, còn công ăn việc làm của 200.000 người, còn thuế thu về. Suy đi tính lại không dám triệt để nữa mà di dời cảng xuống vùng Hiệp Phước, cách khoảng 17 km.

Với sự di dời này thì những yếu điểm vẫn giữ nguyên, chưa kể Hiệp Phước là vùng đất thấp. Thấp của thấp vì SG cũng là vùng đất thấp. Vậy là tiến trình Ton sang Teu bị ngăn trở, tất nhiên tiến trình này không đảo ngược được. Chỉ có hệ quả phát sinh là Cái mép Vũng tàu cũng ì ạch vì bị đói vốn.

Giấc mơ cảng trung chuyển vẫn là giấc mơ, lỡ dở vì nguồn lực đã có hạn còn bị sẻ chia.

Với hơn 150 năm vận hành, cảng SG đã coi như đi hết chu kỳ sinh lợi của nó. Giờ đây cảng Sài Gòn, cố níu kéo cũng chỉ còn một thời vang bóng.

Tham khảo
http://www.vpa.org.vn/vn/members/south/saigon.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét