Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Chuyện đũa chuyện muỗng

Bài được viết từ sự hợp tác của Sống Chậm, Khoa Năng Lưu và Anh Trần Tuấn
Chuyện đũa chuyện muỗng

Ở Đông dương chỉ có VN là dùng đũa nhiều. Vậy đôi đũa có phải là biểu tượng của nền văn minh lúa nước hay không?

Theo nhiều nghiên cứu kết luận thì đôi đũa chính là sản phẩm của văn minh lúa nước. Hai chiếc đũa mô phỏng chiếc mỏ dài của con cò kẹp đồ ăn từ dưới nước, trên cạn...

VN thuộc văn minh Tàu nên dùng đũa, còn Lào và Cambodia theo văn minh Ấn nên xa xưa họ ăn bốc, tất nhiên ngày nay không còn mấy.

Người ta so sánh đôi đũa của ta với bộ đồ ăn châu Âu và kết luận: đôi đũa tiện lợi đa năng như và, gắp, xắn, xé... nhưng đồ của châu Âu thì chuyên môn hóa và năng suất cao hơn hẳn. Ví dụ dùng đũa xắn thì không thể bằng dao cắt, và, lùa cơm bằng đũa không bằng thìa xúc. Cái gì tiện lợi đơn giản thì tính năng không thể cao được. Đây là qui luật.

Dân Á đông sở trường ngợi ca những thứ mình tạo ra. Vậy là có ba kiểu chính, Ân thì ăn bốc, Tây thì muỗng nĩa. Không biết 2 thứ dân ấy họ tưởng tượng ra cái gì nhỉ. Tôi ngờ rằng dân Việt ngày xưa thìa muỗng gần như là không có, hoặc có cũng tạm bợ kiểu như lành làm gáo, vỡ làm muôi. Thiếu vắng muống nên di chứng ăn còn đến ngày nay là cầm bát canh húp soàn soạt chứ không dùng thìa.

Ăn bốc có cái ưu là món ăn còn được cảm nhận bằng xúc giác, cảm giác đó ra sao mời các bạn nhớ lại khi mình bốc xôi, nắm lại chấm mắm và đưa lên miệng. Cảm giác khác hẳn với ăn bằng đũa bằng muỗng phải không.

Dân Ấn thiên về cảm nhận như thế nên dân họ khoái thiền, yoga nhưng mức độ thành tựu của từng người cũng chênh lệch y như là xã hội của họ phân biệt đẳng cấp vậy. Giàu thì thật giàu, giỏi thì thật giỏi, sang thì thật sang còn ở cực kia lại ngược lại hoàn toàn. Xem tỷ phú ổ chuột là thấy, dân VN tuy nghèo cũng chưa có cái nghèo tập trung hoành tráng như vậy.

Dân Tây ăn uống xài dao muỗng nĩa nên lúc nào cũng thấy nghiêm túc, coi trọng công việc, đặc biệt là sử dụng công cụ, cái nào ra cái ấy trên phần ăn của mình.

Ngẫm lại, dân này khoái chế tạo, cắt xẻ, hầm nhừ không chỉ trong ăn uống mà cả trong đời sống hàng ngày đến y học. Mà muốn được vậy thì phải ít phân biệt và được tự do trong cái dĩa ăn của mình.

Dân xài đũa chòi gắp từ phần thức ăn chung nên thường công tư lẫn lộn, ai nhanh tay gắp được miếng ngon thì hỉ hỉ hả hả. 
Xưa tránh chuyện cá mè một lứa thế này nên người cột trụ trong nhà – đàn ông thường ngồi ăn riêng. Ăn riêng thì cũng đồ ăn đó, chỉ thêm ly rượu và xương để gặm nhưng cũng vẫn phải ăn riêng không thì cùng múa đũa với cả nhà sẽ bị tình trạng gần chùa gọi bụt bằng anh. 
Tư duy dùng đũa còn được nối dài bởi thuật châm kim trị bá bệnh.

Như vậy dân xài đũa, ý thức mình hơn người khác ngấm vào máu, thành bản năng. Kinh Lễ cũng ra đời từ đây, Lễ để phân biệt kẻ cao người thấp, phận kình nghê hay phận tép tôm.

Việc sử dụng muỗng đũa hàng ngày cũng ảnh hưởng tới tư tưởng và phát minh của loài người. Có điều thú vị là tuy gọi muỗng dĩa nhưng bộ đồ ăn của Tây thực ra còn có dao là ba món. Dân Tây do vậy khoái số 3, những phát kiến lớn như chúa 3 ngôi, tam quyền chứng minh cho điều này. Dân Á, đại diện là TQ lại khoái số 2 vì đũa chỉ có một đôi. Có thể kể ra đóng góp của sắc dân này như thuyết âm dương, nguyên lý nhị phân, địch ta, mèo trắng mèo đen...; Việt Nam có đóng góp lớn trong mô hình quản trị là cai trị kiểu song trùng vua Lê chúa Trịnh. Còn dân Ấn ăn bốc đóng góp vào kho tàng số 0, vòng tròn luân hồi…

Thời bao cấp ngoài bắc toàn xài đũa tre, từ đũa ăn đến đũa cả. Đũa tre rất bền, đũa cả thì khỏi nói, vàng óng dùng để ghế, xới cơm. Cứ thế mà dùng năm này qua năm khác không hư. Đũa cả chỉ bỏ khi bị gãy (thường do tức đánh con hay đập cái gì đó). Sau đũa cả hầu như tuyệt tích vì chuyển sang xài nồi cơm điện. Đũa cả nhừơng chỗ cho vá nhựa/gỗ.

Muỗng (thìa) thì bằng nhôm (nhuôm), từ thìa bé, thìa lớn đến muôi (vá) múc canh. Nhôm thì xấu và không tốt cho sức khỏe. Tất nhiên hồi đó biết quái gì chuyện ảnh hưởng với không ảnh hưởng.

Hồi bọn tôi ở ký túc xá Cát bi, học và ăn lại ở Cầu Rào, cách nhau chừng 1,5 km. Tuổi ăn mà lại ăn toàn chất bột nên ăn xong đi bộ về đến Cát bi là bụng lại rỗng như chưa ăn. 
Việc di chuyển lách cách thế nên mang theo chén bát, đũa là bất tiện. Lúc đầu trong phòng mỗi người một hôm mang đi, được thời gian làm biếng, của ai nấy cầm. 
Ai đi xe đạp thì còn thoải mái chứ đi bộ cũng phiền. Thế là phong trào ăn muỗng ra đời.

Ăn muỗng thật tiện, mỗi người một muỗng đút túi, ăn xong ra rửa rồi lại đút túi. Có chàng sang tán gái trường Y Hải Phòng gần đó, cao hứng rung đùi còn rớt cha nó muỗng xuống nền nhà.

Ngồi ăn thỉnh thoảng lại nghe đuổi nhau chạy huỳnh huỵch, rầm rập; đó là mấy quản giáo rượt đuổi mấy đứa làm biếng ăn bốc, ăn thìa. 
Trường tôi cấm mấy vụ ăn kiểu Ấn, kiểu Tây, bắt được là kỷ luật, rầy lắm, nặng có thể lao động cả tháng. Ghi chú: ăn toàn ngồi xổm trên nền xi măng, không có chuyện bàn ghế.

Tới thời mở cửa, đũa đa dạng hơn từ đũa tre, đũa gỗ các loại (dừa, mun, căm xe...), đũa nhựa, inox, đũa sơn son thếp vàng.

Đũa gỗ thì không bền, tụi Nhật ăn đũa gỗ một lần rồi bỏ, VN thì xài cho đến bị xơ đầu, mốc hoặc cong queo. Inox thì cực kỳ khó gắp, quá bằng đánh đố, chỉ tụi củ sâm nghèo đói mới xài thứ này. Bền nhưng bất tiện, chẳng còn gì là thú gắp đũa. Cái này dân cá gỗ phải kêu bằng cụ.

Đũa nhựa thì phú quý giật lùi, kiêm hết các thứ dở hơi nên giờ cũng rất ít nhà dùng. Tóm lại sau mấy chục năm thì đũa chẳng tiến bộ mấy hay nói theo kiểu các lãnh tụ thì đũa không phát triển đúng với tiềm năng của mình. 
Còn muỗng có vẻ khá khẩm hơn từ nhôm, gang, sứ, nhựa, inox, bạc...tóm lại là muỗng có vẻ theo kịp thời đại.

Cuối cùng đũa tượng trưng cho đàn ông. Chỉ đàn ông mới có trò đũa mốc đòi chòi mâm son, rồi so bó đũa chọn cột cờ. 
Cái tôi thắc mắc là từ ngày đổi mới đến nay phụ nữ thích nghi nhanh hơn, tốt hơn. Còn đàn ông thì làm mọi việc nát bét. 
Xưa có đũa cả oai phong, sau mắt nhắm mắt mở thế nào so bó đũa cả, lại chọn nhầm que quẹt khu. Kể từ ấy, đũa cả tuyệt tích giang hồ. Cái tôi lo là vậy, sao đàn ông lại ngày càng kém.



3 nhận xét:

  1. Suy luận chủ quan, cảm tính, nếu sự khác biệt đến từ dụng cụ ăn thì châu Âu phải phát triển trong suốt chiều dài lịch sử chứ? Thực tế trong một thời gian rất dài phương Tây thua hắn phương Đông, nhất là thời Trung đại, lúc đó nếu đưa Trung quốc đặt sát châu Âu thì chắc các nước châu Âu sẽ thành chư hầu của Trung quốc hết.

    Trả lờiXóa
  2. Theo tôi thì dụng cụ phản ánh sự khác biệt. Không phải sự khác biệt đến từ dụng cụ. Khác biệt ở đây là khác biệt về tư duy, hoàn cảnh...

    Trả lờiXóa
  3. Quá trình phát triển nào cũng phải theo chu kỳ, có thịnh có suy. Lý do tại sao thời trung đại TQ hoành tráng mà sau lụi. Dụng cụ phản ánh sự khác biệt và ngược lại, luôn là 2 chiều

    Trả lờiXóa