(Lọ DEP trị ghẻ thần thánh)
Hôm rồi nghe cụ Tổng nói chuyện tham nhũng giống như ghẻ ngứa, rất khó chịu làm mình nhớ lại nỗi khổ ghẻ lở hắc lào chí rận thời bao cấp.Hồi những năm 80 hầu như ai cũng phải nếm mùi mấy món đó.
Chí trên đầu trẻ con, người lớn. Từng nhóm túm năm tụm ba chải tóc bắt chí vui đáo để. Có đứa còn bắt chước các cụ xưa cắn chí nghe côm cốp. Chí nhiều nên lược bí (lược dày) đắt khách.
Trứng chí, chí con màu nhờ nhờ, chí lớn đen nhánh bị lược bí chải ráo. Nói chung bắt, diệt chí tương đối dễ chỉ có điều hay bị lây lại.
Đi học ngồi cùng bàn, chụm đầu chơi, chí bò qua khi nào không hay. Mà chí hồi đó đen nhánh, khác bây giờ, trắng bệch vì bị dầu gội đầu tẩy.
Ghẻ, đa phần bị ghẻ nước. Ghẻ rất ngứa. Ngứa ghẻ hờn ghen mà lại. Ghẻ nước có thể dung kim để bắt.
Quan sát kỹ sẽ thấy tổ của nó, từ tổ này chúng đào hang đi khắp nơi, tấn công bàn tay giống như món đào giao thông hào tiến đánh Điện Biên Phủ vậy. Ghẻ này chủ yếu bị ở tay, số ít hơn bị ở phần bụng dưới.
Rất nhiều người bị, vô lớp học, thầy cũng như trò đang im phăng phắc nghe giảng bỗng có đứa gãi ghẻ, vậy là trước sau cả lớp thi nhau gãi sột soạt, mà càng gãi lại càng ngứa, thế mới ác đạn.
Thuốc bôi ghẻ ngứa DEP cũng đắt hàng, trời mùa đông, từng hàng trai bôi Dep xong ngồi phơi nắng ở hành lang ký túc xá trong khi mắt vẫn hóng hớt từng bóng hồng thỉnh thoảng vào ra qua cổng.
Hắc lào thì mệt hơn, từng vòng như đồng xu nổi lên, trông rất bẩn. Có anh lớp trưởng lớp Vô tuyến điện, cao to đẹp trai mà xui xẻo bị ngay mấy vòng trên má, chữa mải không khỏi. Hồi thanh niên, thế cũng là một bi kịch. Bị ở đâu còn đỡ, bị ngay trên mặt, phơi lồ lộ, chẳng trốn đâu được.
Hồi đó phổ biến bài thuốc mẹo, vặt trộm trái chuối xanh, bẻ chấm mủ vào vết hắc lào khi nó mới chớm, cũng hiệu nghiệm phết.
Còn rận, món này khó chịu vô cùng, đang ngủ mà bị tụi nó cắn thì coi như mất ngủ ả đêm, vô phúc nó chui xuống phần dưới thì vừa bị ngứa, vừa truy bắt nó gian khổ vô cùng.
Khi bị rận, chỉ có nước bỏ chiếu đem đốt, tiện thể hơ lửa giát giường, giường cho chết rệp, lôi ra phơi nắng rửa nước rất kỳ công.
Tại sao ngoài bắc hồi đó lại bị trầm trọng mấy món đặc sản này, miền nam lại đỡ hơn?
Do sống bẩn dơ. Hẳn rồi nhưng số người thích ở dơ thực ra rất ít, còn lại cũng là người thích sạch sẽ.
Nguyên nhân chính vì:
- Nước. Hồi đó nước máy không có khử trùng Flor hay Clor như bây giờ mà đơn giản nước sông chỉ qua bể (hồ) lắng bùn sau bơm thẳng vô ống cho dân xài.
Khi đó ăn còn bo bo, hạt bắp là thức ăn chăn nuôi; lấy đâu ra tiền usd nhập thuốc khử trùng.
Diệt muỗi hồi đó cũng hồn nhiên xịt DDT từng nhà, có biết độc hại, gây ung thư trời trăng gì đâu, chỉ biết rất khó ngửi, phải ra ngoài chừng nửa tiếng mới dám vô nhà.
- Hóa chất tẩy rửa. Xà bông giặt sau mấy đợt xà bông cục 72% lừng danh của Liên Xô, bột giặt nước của miền nam là chấm hết.
Thứ được khuyến cáo sử dụng là trái bồ hòn. Mắm môi mắm lợi chà vào quần áo cho nó ra bọt mà có thấy đâu.
Đó là nói về giặt, còn về tắm gội thì cứ hương nhu lá sả, bồ kết cho nó lành, mà rồi cũng hiếm. Có đứa có cục xà bông camay thì phải dấu dấu diếm diếm không thì cả phòng cả lớp nó lấy xát lên đầu, hết ngay và luôn.
Hai nguyên nhân trên phát nguồn từ nguyên nhân mẹ là tình trạng bao cấp, cấm chợ ngăn sống, đóng cửa nền kinh tế.
Ngẫm lại một thời ấu trĩ sao thấy thật buồn cười. Cái nguyên nhân mẹ, theo tôi là phát kiến vào loại stupid nhất trong lịch sử.
Vậy đấy, thiếu thốn ấu trĩ rứa thì ghẻ lở chí rận hắc lào không bùng phát mới là chuyện lạ.
Thời đó không chỉ có đặc sản này,,,
Trả lờiXóa