Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Mấy thằng bia rượu là con Ngọc hoàng


Mấy thằng bia rượu là con Ngọc hoàng

Sáng trước có một em đề nghị. Anh viết về mấy ông uống rượu thời nay đi, uống hoài uống miết giống như Chí Phèo thời @, riết rồi chỉ khổ mấy Thị Nở. Ngẫm ra viết về món này có nhiều người viết từ ca ngợi tới chê bai, đủ chuyện rồi, giờ viết làm sao, cũng khó.

Uống rượu thì rượu vào lời ra. Bệnh tật từ miệng mà vào, hậu họa từ miệng mà ra. Gớm các cụ ngày xưa chỉ giỏi dặn con cháu cái khoản không nghe, không thấy, không biết. Chẳng biết công khai minh bạch tròn méo thế nào. Nói vậy chứ các cụ dạy cấm có sai, say rồi nói nhảm hay bị kẻ khác lợi dụng mang họa vào thân cũng là chuyện thường ngày ở huyện.

Uống thì luôn có lý do. Vui uống, buồn uống, không vui không buồn cũng uống. Uống để xã giao quan hệ, làm ăn, uống xả stress, vui bạn bè…và tất nhiên uống vì nghiện, uống vì còn cô bán rượu anh còn say sưa.

Uống xong con người ta cũng biến hóa như Tề thiên đại thánh:

- Uống xong giống con khỉ. Ba hoa chích chòe, nhảy múa hát ca là mấy anh em loại này. Những người vậy làm bàn nhậu vui. Người trong cuộc thì nghĩ mình không say, kẻ ngoài ngó vô thấy mấy cậu mặt mũi tưng bừng, nói thì nhừa nhựa, lại còn oang oang, chuyện thì trên trời dưới bể thì lại tặc lưỡi chấp chi mấy thằng say.

- Uống xong giống con heo. Uống vào chẳng biết trời trăng gì nữa ngủ khìn khịt. Dạng này lành, uống xong về ngủ. Tuy vậy có khi giở khóc giở cười là đi dọc đường say quá, chàng vật ra đường, cẩn thận gối đầu lên xe ngủ đàng hoàng. Vậy mà tỉnh dậy vẫn mất xe.

- Uống xong giống con chó. Sủa cắn lung tung, dạng này lầy. Rất đáng ghét, uống vào hay sinh sự chửi bậy đánh nhau, rất phiền. Đánh nhau với đồng đội trong bàn thì con đỡ, gây sự với cả người ngoài, lắm hôm bị đánh bò lê bò càng.

- Uống xong giống con dê. Có tửu thì phải có sắc là slogan của đám này. Rượu vào thì tính dê ra, chẳng biết trời trăng gì nữa ngoài nhu cầu sinh lý. Chuyện tăng hai, tăng ba là chuyện phong lưu, lịch sự. Tệ hơn còn những chuyện bại hoại, thật mệt.

Ngọc hoàng nhận mấy thằng uống rượu làm con vì chúng cũng đi mây về gió, nói gì, làm gì ở đám nhậu xong về quên tuốt luốt. Thành ra chuyện mấy anh nói, hứa, chỉ đạo xong hôm sau chối biến, cũng phải thôi, có nhớ gì đâu, lẫn lộn, nhớ nhớ quên quên hết cả. Nói chung nhậu xong là nói hết khôn dồn tới dại, ngày xưa Trần Hưng Đạo lấy rượu để thử tướng là vì vậy. Ngày nay thì lại lấy rượu để luận anh hùng, kết đệ tử.

Khi người ta rất trẻ thì họ ham chơi thể thao. Vào đời thì phần vì làm ăn, phần có tiền chuyển sang nhậu nhẹt bia rượu, đến khi có chút tuổi, sức khỏe yếu đi tự nhiên con người ta lại chuyển đổi sang café chém gió hay già nữa là chim hoa cá kiểng.


Đó như một quy luật, ai không chuyển đổi theo mà cứ ôm khư khư ly rượu lon bia, đánh đu cùng đám thanh niên thì cũng chỉ còn có thể kết được là anh này nghiện rồi, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, hết thuốc chữa.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Phong trào thì cứ ào ào


Nhìn nhà nhà, lãnh đạo nô nức chăm chắm nói về 4.0 lại nhớ tới phong trào nền kinh tế tri thức cách có mấy năm.
Khi đó cũng ào ào, sôi nổi nhưng giờ thì tro tàn giấy bay cũng chẳng thấy đâu nữa.
(http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2010/2320/Kinh-te-tri-thuc-va-thuc-hien-phat-trien-kinh-te-tri.aspx)

Phong trào thì cứ ào ào

Từ ngày bung ra làm ăn tới nay xứ Việt ta nô nức trải qua các phong trào.

Những phong trào của dân thì từ nuôi chim cút, chăm chó Nhật đến ốc bươu vàng, cá trê phi sôi nổi từ thành thị tới nông thôn.

Phía doanh nghiệp, địa phương tỉnh thành thì lớp lớp làm xi măng lò đứng, làm bến cảng, sân bay, sân golf, nhà máy đóng tàu, thủy điện.

Tới khi dân, doanh nghiệp, chính quyền cùng gặp nhau ở buôn đất đai, bất động sản thì tram hoa đua nở, tấm gương làm giàu sáng vằng vặc cho tới khi bong bóng nổ cái bốp.

Nhớ thời bao cấp thì nhà nào cũng cố sắm quả tủ lệch kiểu Đông Đức, quạt trần Ý, máy khâu ba con bướm…thực ra thì đua nhau cũng là lẽ thường vì bản chất của con người là bắt chước. Có bắt chước mới có mốt, có trào lưu tiêu dùng. Ngay Mỹ khi vận động viên giành được huy chương vàng môn chèo thuyền là môn xa lạ với người Mỹ thì chỉ sau một tuần số tiêu thụ thuyền, bơi chèo, trang thiết bị phục vụ môn này tăng vọt. Nhưng sau vài thàng thì mái chèo gác bếp, dân Mỹ lại quên béng mất môn này.

Thời chứng khoán sốt thì người người buôn chứng, nhà nhà buôn khoán. Phong trào sôi nổi này sau bị dập tắt vì nạn bong bóng, sau các nhà học giả cứ mai mỉa nói là đầu tư theo bầy đàn.

Nay lại rộ lên phong trào làm nhà máy lọc dầu, mở casino…mới thấy chúng ta giống nhau quá, từ tư duy đến hành động.

Thời 79, ông chú tôi sỹ quan hải quân có kể một câu chuyện rằng. Hôm ấy đi tuần, phát hiện thấy tàu lạ, hỏi bằng vô tuyến điện bên kia nhất định không trả lời. Ngày đấy căng thẳng lắm, thuyền trưởng bèn ra lệnh tấn công. Pháo tàu muốn bắn hiệu quả thì hai tàu phải chạy song song, ngang mạn với nhau. Muốn vậy tàu phải cắt góc, vào cua để lấy góc bắn tối ưu, rồi phải thoát ly tránh đạn, tiếp tục chu kỳ tấn công mới.

Bắn nhau vài loạt, thấy sao 2 bên động tác giống nhau y hệt, bèn ra tín hiệu bằng cờ, hóa ra tàu nhà cả. May không tàu nào dính đạn, lý do vì vô tuyến điện hư, chưa sửa nên không trả lời được.

Người mình xưa nay vốn trọng lối từ từ, chắc chắn kiểu như:

- Từ từ thì khoai mới nhừ

- Hà Nội, không vội được đâu

- Muốn nhanh thì phải từ từ

Hay:

Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà choàng phải dây

Thủng thẳng như chúng anh đây, chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào choàng.



Sao mấy chuyện làm ăn lại nhanh nhảu, vội vội vàng vàng thành phong trào thế nhỉ. Ngẫm lại, máu làm giàu của dân ta dữ thật, có lẽ giống phong trào gold rush bên Mỹ hồi đầu TK20.

Nhưng nhớ lại chút nữa, hồi tôi còn nhỏ, thấy trên tường ở Hải phòng chẳng nhan nhản "gió Đại Phong, sóng Duyên Hải" đấy thôi. 

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Xe đạp ơi


Tôi biết đi xe đạp muộn. Có nhiều nguyên do. Ngoài chuyện xe đạp hồi đó là của quý thì còn một lý do đơn giản là nhà gần nên tôi toàn cuốc bộ tới trường.

Thi thoảng nêu ý kiến thì bố tôi bảo để đấy hôm nào bố tập cho, tập một mình đâu có chạy được. Nấn ná mãi đến năm cuối cấp 2 tôi mới chính thức leo lên yên xe. Mục tiêu ngày đấy cũng hoành tráng, thi vào lớp chuyên toán trường cấp 3 Thái Phiên.

Cũng chẳng tới lò luyện thi nào, tài liệu là sách giáo khoa phổ thông, chỉ được cái tự tin. Đến khi đọc đề thi hết cả hồn vì khoảng 2/3 trong đó không biết nó nói gì. Không trượt mới lạ.

Tập xe quả cũng chẳng dễ, sau con tôi cũng tập mãi mới chạy được. Khi bắt đầu tập thì tôi lớn rồi, chân chống được xuống đất. Bố tôi nói ngày xưa tao về nước đi dạy trường ĐH giao thông mới tập đi xe đạp đấy con ạ. Sinh viên không biết thầy chưa biết đi, cứ tưởng thầy đùa.

Sau vài hôm tôi cũng chạy vù vù nhưng thế quái nào quẹo cua rất có vấn đề. Lối vào nhà phía nông trường Thành Tô là đường đất, cạnh đường là một cái hố to, chỏng chơ một xác máy gì đó tôi cũng chẳng biết. Mảnh đất đó có lúc chứa đầy máy cày CCCP cùng thiết bị phụ tùng, giàn phay đất, cày đất… bỏ rỉ sét vài năm chuyện thường.

Loay hoay thế nào, vào cua mắt nhìn đường mà rốt cuộc vẫn té chỏng gọng xuống hố, hay tính chạy xe lách giữa hai bãi cứt trâu thì cũng cán lên một bãi, đại khái thế.

Con đường đó cứt trâu cứt bò đầy, tụi con nít, thanh niên chở nhau đứa cầm lái còn cố cho đứa ngồi sau chân quẹt cứt trâu. Tôi cũng quên nói ngoài đó ngồi sau xe đạp là ngồi một bên chứ không phải hai bên, và người được chở (lai) phải chạy vài bước rồi nhảy lên chứ không có ngồi sẵn như trong nam. 
Trông động tác lên xe đã thấy vừa trọng vọng cái xe vừa vất vả như thế nào. Có lẽ phong trào đuổi kịp và vượt cái này cái nọ được nghĩ ra khi tác giả hì hục chạy theo và nhảy lên ngồi sau xe đạp chăng, tôi nghi lắm.

Tôi chạy xe được rồi nhưng khoản chở, lai người hay đồ phía sau còn kém tệ. Có hôm chở bao gạo khoảng 30kg phía sau loạng chà loạng choạng mãi. Ngoài chuyện xe cà khổ thì lý do chính là chạy vớ chạy vẩn. Nhưng kể ra thì cũng là đã biết chạy xe dù việc thực hành cũng thưa thớt.

Thằng bạn thân có chiếc Peugeot màu đồng. Ngày đấy là cả một gia tài, tương đương một căn nhà phố chứ chả chơi. Nó cứ khoe xe tao có líp tầng, chạy nhẹ lắm. 
Có hôm nó chở tôi sang trường đường thủy chỉ hết khoảng 20’ trong khi bình thường tôi chạy xe của tôi mất chừng hơn 40’, vậy mà hỏi nó có mệt không, nó bảo bình thường.

Xe này anh em nó xài chung cùng bộ quần jean áo thun dép lào, gái thích mê. Đó là nói chuyện khi anh em nhà nó đi lính được làm anh quân nhu vui tính, chuột sa chĩnh gạo.

20-11 lớp rủ nhau đi nhà cô giáo, chúng nó đùn đẩy mình chở nhỏ Hường. Thật đúng ý vì hồi đó đang thích mê nhỏ. Hơi run tay lái chút nhưng ổn, đi đứng bình thường. 
Tới dốc cầu Rào, hồi đó chưa làm đường vòng như bây giờ thì tay lái chàng trai loạng choạng do dốc khó đi quá, phải thôi vì tay lái này vốn yếu lại ít giờ bay.

Nhỏ xuống xe cầm tài thay, dĩ nhiên nhỏ chạy băng băng khác hẳn. Tụi lớp cười nghặt nghẽo trêu: mẹ đánh không đau bằng ngồi sau con gái.
Cơ hội thể hiện lấy điểm với người đẹp thế là hỏng bét. Ấn tượng đâu chả thấy, lại còn bị quê một cục, kết thúc thật lãng nhách.

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Ngoái lại nhìn anh



Bạn tôi hồi cấp 2 làm lớp trưởng, gương mẫu và nổi bật lắm. Nó là đứa tài hoa, ngoài chuyện học hành thì nó còn trong đội trống cà rùng của trường.

Cứ thứ hai chào cờ hay dịp diễu hành nào là lại tùng tùng…nổi đáo để.

Lên cấp 3, không làm lớp trưởng nữa nhưng nó vẫn hút gái như thường. Tối tối rảnh rỗi, nó ôm đàn guitar hát giữa đám chị em xóm.

Nào là chời xanh không còn chóp mây đến lắng hạ đi, cho mây nang thang…

Tiếng guitar bập bùng, giọng vịt đực ngon lành, chị em mê mẩn cười rinh rich, thật đáng ngưỡng mộ.

Các bạn đừng hiểu nhầm chị em cười vì bạn tôi nói ngọng. Không phải đâu. Hải Phòng quê tôi nó thế, nói ngọng nờ thành lờ hay không có sờ trên đời mà thành xờ tuốt là chuyện thường ngày, mặc định.

Nói vậy, tuyệt đối không ai thấy quê, thấy buồn cười vì ai mà chẳng nói vậy. Họ chỉ chê khi đứa nào nói bảo thành bẩu, chuẩn thành chuẫn thôi vì đó là giọng của dân huyện Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo thuốc lào. Hay họ cười dân miền trung lói nẫn nộn dấu hỏi dấu ngã. Kiểu như bọn nó vẫn cười khi nghe ông già tôi kêu Tuẩn ơi về ăn cơm mặc dù tôi tên Tuấn…

Mà thằng này nó lại khôn sớm, từ hồi đó nó đã tuyên truyền phải ở cùng xóm với người giàu, chơi với người giàu thì mình mới khá được.

Gần nhà giàu đau răng ăn cốm

Gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn

Các cụ dạy rồi, cấm có sai.

Tư tưởng này vào hồi những năm đầu 80 bao cấp tăm tối là cả một sự vượt thoát thời đại. Hồi đó bọn trẻ chúng tôi trong xóm Cát bi cát bụi hầu hết nghèo như nhau, mặc áo vá quần thủng đít lông nhông suốt ngày vẫn thấy: ai bảo mặc quần thủng đít là khổ, ta về xúc trộm gạo bán ăn bánh cuốn là đời lại vui sao.

Năm sau nó chuyển trường lên Kết Đoàn (nay là trường Trần Phú) ở trung tâm HP học thật, đám bạn của nó toàn con nhà chợ Sắt, giàu nức tiếng. Tôi nhớ mãi cảnh nó múc nước cho em Loan mắt nhung rửa chân trong dịp nhóm bạn giàu của nó về dự sinh nhật mà ngõ nhà nó mấy hôm mưa bùn bẩn khủng khiếp.

Ngày nay bạn đã thành doanh nhân ngon lành, không biết có còn nhớ những phát ngôn bất hủ thời thởi.

Tuổi này bắt đầu biết rung động, nhớ nhung. Nói chung là yêu thầm nhớ trộm chứ thỏ đế, chẳng dám có hành động gì. Chỉ cần người đẹp chớp mắt, nở nụ cười là đã cuống quit, nhớ mãi.

Một hôm, tôi nhận thấy nhỏ Hường thỉnh thoảng quay lại nhìn xuống trong giờ học. Không biết nhỏ nhìn ai hay chán học nhìn lung tung. Tôi vẫn thường nhìn ra cửa sổ, ngắm trời trăng mây gió lung tung, những lúc như thế khoan khoái lắm, một mình một cõi vẩn vơ phiêu bồng trong các trò chơi đã chơi, sẽ chơi hay nội dung chuyện Kim Dung mà thằng Ánh kế nhà kể.

Thằng này có nguồn chuyện của anh nó khuân về trong một chuyến vào nam thăm gia đình, ba nó dân tập kết mà. Trí nhớ nó lại tốt, nên nó kể chuyện cứ thao thao bất tuyệt. Nó là ngôi sao sang truyền bà văn hóa phẩm xấu, được tụi trẻ cùng lứa ngưỡng mộ như kiểu mấy ông bên tàu kể chuyện Thủy hử, Tam quốc diễn nghĩa giữa chợ để kiếm cơm vậy.

Tò mò nhìn quanh xem nhỏ nhìn ai, có khi nó lại nhìn mình thì vớ bở. Vài ba lần như thế là tôi khẳng định nhỏ nhìn mình. Vậy là thỉnh thoảng tôi lại chờ ánh mắt của nhỏ, mặt cố biểu cảm nét nào dễ ưa nhất, ánh mắt cũng thế, ngập tràn tình cảm theo đúng kiểu cách sơn đả ngưu trong chuyện.

Cứ thế, vài tuần mộng đẹp trôi êm ả. Mà cũng chẳng tiến lên bước nào vì trong đầu tôi cũng chẳng có ý niệm nào về hành động kế tiếp, chỉ bơi trong mắt nhau là sung sướng dịu êm rồi.

Chiều ghé nhà tôi học bài, nó tự nhiên vớ lấy gương nặn trứng cá. Hỏi sao mày hôm nay chăm chút sắc đẹp thế.

Nó cười hề hề, có đứa thích tao mày ạ.

- Mày nói không để ý tới tụi con gái mà, giờ này chỉ học thôi

- Ừ, lừ lừ tàu điện mà có đưa nó thích tao chứ tao có để ý đến nó đâu.

Khiếp thật, bạn mình. Không thèm mà tình vẫn theo phơi phới. Rồi nó kể chuyện, nhỏ Hường quay xuống tia nó suốt.

Nó thích tao mày ạ, bạn mình kết chắc như cua gạch.

Tôi bối rối quá, mà cũng chẳng dám nói nhỏ Hường thích tao, too.

Hôm sau lên lớp, vẫn thế. Chiều về nhà, vẫn thế. Nó ca bài ca con cá mãi đến một hôm tôi cũng đâm hoang mang, bán tín bán nghi. Mà mắt người đẹp lại mênh mông quá, nhìn mình, nhìn ai hay nhìn cả lũ ngồi đằng sau thì cũng có phân biệt được rạch ròi quái đâu.

Nghi mãi rồi cũng nghĩ chắc nhỏ Hường thích nó thật.


Chuyện nhỏ Hường thích hay không thích cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Bạn mình thật tự tin, và rồi tôi cũng biết bạn luôn tin gái thích bạn.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Từ từ thì khoai mới nhừ


Từ từ thì khoai mới nhừ

Đám con trai thiệt cực khổ, nghĩ trăm mưu ngàn kế để chinh phục phái đẹp. Vì tình anh phải đi đêm, ngã năm bảy cái thì đất vẫn êm hơn giường.

Vậy con gái tiếp đón thịnh tình như thế nào. Nói như Khánh Lộc là thích bỏ xừ nhưng ngoài mặt vẫn làm cao. Đó là bản năng của chị em. Bài này cũng chỉ giới hạn trong những trường hợp mang tính xây dựng nên không nói đến những phương pháp chống tiếp cận (AD: access denied), dựng rào xây ấp chiến lược.

Nghiên cứu cho biết khi bước chân vô cửa hiệu, đàn ông đi xăm xăm tới món hàng định mua, xem giá, thỏa thuận và mua hàng. Nhanh chóng vì họ có mục đích sẵn, đã nghiên cứu kỹ loại hàng, giá hàng qua bạn bè, internet…Còn chị em thì vào cửa hiệu phải dạo một vòng, người bán hàng thật khó đoán định người đẹp tính mua gì. Sau khi dạo một vòng, tham khảo giá cả, ngắm hàng, tám chuyện với chị em đi cùng thì họ mới bắt đầu tiến trình mua hàng của mình.

Cho nên, nguyên tắc đầu tiên của chị em là không được tỏ ra chú ý quá mức vào món hàng mình định mua. Thực ra họ thừa biết món hàng đó ok sau một cái liếc mắt vì trực giác của người đẹp rất cao. Món hàng tốt xấu, mắc rẻ, liếc một cái là biết liền.

Những gã bán hàng cũng có bản năng sát thủ của mình, đó là quy tắc số ba nổi tiếng. Họ ngắm khách hàng ở khoảng cách 3m trong vòng 3 giây, ướm hỏi 3 câu là ale hấp, khách hàng móc tay vô bóp. Thật dễ như lấy đồ trong túi.

Bạn gái chú ý nhé. Khoảng cách 3m là khoảng cách riêng tư trung bình của một người châu Á, khi đi shopping thì khoảng cách này bị phá vỡ, tuy nhiên trong vô thức thì nút cảnh giác của mỗi người vẫn để chế độ On. 3 giây là quãng thời gian đủ để quan sát vẻ mặt, thái độ, mức chú ý…nói tóm lại là tình ý của đối phương. Và 3 câu nói có chủ đích là xong vì nói gì thì nói, chị em yêu bằng tai mà. Cái vụ bị mấy tên mỏ nhọn dụ thì vô số.

Người bán gớm vậy, người mua nào kém cạnh. Họ cũng vào cuộc với tín hiệu phát ra để bên kia săn đuổi. Vấn đề là phải giữ cự ly, tốc độ hợp lý. Chậm quá thì bên kia đắc chí, mà nhanh quá thì đối tượng hụt hơi, nản, bỏ buộc. Nên điều quan trọng là không được chạy nhanh quá. Nói theo kiểu đá banh là kiểm soát được thế trận, theo kiểu tài xế là làm chủ tốc độ.

Một nguyên tắc cũng phải tuân thủ là luôn nhớ có nhiều người mua kẻ bán, không được cho mấy chú bán hàng nhận thấy mấy chú được độc quyền. Điều này rất nguy hiểm vì độc quyền sẽ nhanh chóng dẫn đến thói bố láo, làm tàng, cung cấp hàng kém chất lượng…và một loạt những thói hư tật xấu khác.

Sự tài giỏi của chị em được thể hiện ở chỗ khi bán được hàng thì người bán mừng hết lớn. May quá, mình đã bán được hàng, khách trở thành khách quen của mình.

Say sưa trong chuyện này chị em thường bị mua hớ. Mua hớ tức là mua mắc hay tệ hơn mua nhầm mặt hàng, mua hàng không có bảo hành, mua phải hàng chất lượng thấp, tệ nhứt là mua phải hàng dỏm. Cảm giác mua hớ nó cay đắng tủi hổ lắm.

Cứ 100 chị, thì 101 chị sau khi lấy chồng đều tiếc ước chi hồi đó tui không lấy ông. Điều đấy cho thấy rằng chị em đã bị hoa mắt và mua hớ. Mặc dù, trong nhiều vụ, người bán bị hớ vì hóa ra mua mà là mua chịu, mua không trả hết tiền nhưng dù sao tâm lý con cá bắt trượt là con cá to và gần chùa gọi bụt bằng anh luôn song hành.

Có tránh khỏi được điều này không. Chị em dựng ra một công cụ trận đồ bát quái là thử thách. Trận đồ này thật lợi hại, trai bước vô tự nhiên thấy bốn phương xoay chuyển, đất trời mù mịt, cát bay đá chạy, tiếng quân sỹ la hét cổ võ, phản đối rân trời, tình địch nhan nhản cầm giáo nhọn hoắt dễ khiến đầu óc mụ mị, thần thái si ngốc.

Thử thách tính kiên trì, thử thách bằng tình huống. Có khi bị dở khóc dở cười vì đứa bạn mình tin cậy đem ra thử thách bồ cuối cùng 2 đứa lại quay ra yêu nhau, làm khổ chủ điên hết cả ruột. Hoặc có khi vẫn nhầm, vì chàng trai có tính cẩn thận quá, im lặng quay ra ngoài tìm mua bao cao su. Vậy mà kẻ thử thách cứ tưởng cậu chàng trung trinh tiết liệt.


Từ từ thì khoai sẽ nhừ luôn đúng. Tuy nhiên đôi khi người bày trận lại nóng vội, háu ăn thì thật tiếc cho công em bắt tép nuôi cò.

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Thị trường từ những sự đơn giản


Căn bệnh của giới chuyên gia là luôn tỏ ra cao siêu, bí hiểm từ những việc đơn giản khiến người ngoài ngành khó hiểu.
Tuy nhiên có những điều đơn giản thì chuyên gia lại quên vì nó thường quá.
Đơn cử như việc phân loại cổ phiếu công ty, sơ sơ có mấy loại cổ phiếu tăng trưởng, thu nhập, phòng vệ, thượng hạng, chu kỳ và thời vụ.
Phân chia như vậy là để dành cho các nhà đầu tư. Tùy theo mục đích đầu tư của mình mà họ chọn lựa loại cổ phiếu hoặc một danh mục thích hợp.
Câu hỏi tiếp theo là ai thực hiện việc phân chia này. Tất nhiên là công ty chứng khoán. 
Công ty chứng khoán có thể tự làm được chuyện này dựa vào ngành hàng của loại cổ phiếu, thống kê lịch sử giá cổ phiếu...nhưng để được thừa nhận rộng rãi cần có sự tham gia của ủy ban chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán.
Nếu UBCK và SGDCK không cung cấp định nghĩa, không phân ngành chứng khoán phù hợp, không tiến hành thống kê đầy đủ, không phân bảng giao dịch rõ ràng thì CTCK và nhà đầu tư và ngay cả công ty niêm yết cũng gian nan trong việc nhận dạng cổ phiếu nào là cổ phiếu nào trên quan điểm thu nhập và trạng thái công ty phát hành.
Quay lại nói theo kiểu chuyên gia thì TTCK phát triển thế nào có thể đọc qua thống kê về các loại cổ phiếu trên đang niêm yết trên thị trường. Những loại cổ phiếu này có hình thành được thành chuỗi giá trị lành mạnh hay không, tỷ trọng của từng loại cổ phiếu như thế nào.
Nếu thống kê chỉ ra các cổ phiếu khó giữ hạng của mình, nhảy búa xua từ loại này sang loại khác thì đó là cả một vấn đề. 
Nhà đầu tư khi mua thì nó là bluechip mà sau khoảng 1 năm lại trở thành junk thì mệt. Mơ ngỗng hóa thiên nga mà thực tế lại mua thiên nga sau hóa vịt thì thật nản.
Vậy câu chuyện ở đây là hãy tiến hành phân ngành, thống kê để phân loại ngay cổ phiếu trên thị trường đang là tăng trưởng, thu nhập, phòng vệ, thượng hạng, chu kỳ và thời vụ cho nhà đầu tư tỏ tường.

Ngoài ra nhà đầu tư hiểu rất đơn giản thế này:
Thị trường hoạt động tốt nhất khi lạm phát (CPI) và lãi suất đang ở mức cao và di chuyển xuống thấp hơn. 

Thật không may, thị trường cổ phiếu có xu hướng gặp rắc rối khi lạm phát và lãi suất thấp và di chuyển cao hơn.
Khi Fed gần đến thời điểm tới hạn, chúng ta hãy xem xét các xu hướng đầu tư và rủi ro đối với thị trường khi các nhà đầu tư gần như “tất cả trong ck”.

Các CTCK, Quỹ và cơ quan quản lý theo dõi hành vi của nhà đầu tư thông qua vài công cụ chính như:
- Sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư
- Lượng tiền mặt trên tài khoản
- Mức margin (nợ ký quỹ)
Họ sẽ theo dõi trong khoảng thời gian 6 tháng liên tục để xem đường trung bình động có trơn tru không, có tập trung quá mức không...

Biểu đồ quyền sở hữu cổ phiếu cho chúng ta biết nhiều về hành vi của nhà đầu tư, nó có thể cho chúng ta biết rất nhiều về lợi nhuận kỳ hạn có thể xảy ra.
Khi các nhà đầu tư “tất tay”, sẽ có ít năng lượng hơn để đẩy giá cao hơn. 
Với khoản nợ ký quỹ ở mức kỷ lục, danh mục nhà đầu tư được nạp vào cổ phiếu và khi nhà đầu tư bán cầu mua lấn át, các lệnh gọi ký quỹ bắt đầu và đòn bẩy bung ra - rất nhanh.
"Martinson đã trình bày một biểu đồ so sánh dòng vốn tương hỗ vốn chủ sở hữu với lợi nhuận trên S & P 500 một năm sau đó. Biểu đồ chỉ ra rằng dòng vốn chứng khoán là cao nhất ngay trước khi thị trường sụp đổ và dòng tiền ra khỏi quỹ cao nhất ngay trước khi thị trường hồi phục.
Dữ liệu cho thấy 170 tỷ đô la đã rời khỏi thị trường từ tháng 8 năm 2011 đến tháng 12 năm 2012, do đó, mất lợi nhuận trên 30% trong 12 tháng tiếp theo. Hành vi tất tay và bán tháo phân biệt tỷ lệ lợi nhuận cao từ hiệu suất tầm thường hoặc mất mát trong một thời gian dài."

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Phát hành đi về đâu

26.02.2019
Muôn việc đều thuận, chỉ đợi gió kế toán
Quy định mệnh giá tỏ ra lỗi thời rồi, chỉ còn giúp cho hạch toán thôi.
Vướng cả phát hành thêm trên TTCK lẫn bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước. Bỏ mệnh giá đi thôi.
Ưu điểm:
- Dễ hiểu, ngân hàng căn cứ vô đó cho vay dễ
Nhược điểm:
- Vì cho vay dễ, nên dễn dính cổ phiếu, chứng khoán dạng rác
- Cản trở tới tách gộp cổ phiếu. Không thực hiện được nghiệp vụ này. Vd: CP có thị giá lên đến 200, 300k mà không tách nhỏ ra được. Còn CP có giá 1,2k ngược lại cũng không gộp lại được.
Dẫn đến, CP có tiềm năng thì không cất cánh được, CP rác thì không thu hẹp lại được, ngược với quy luật thị trường.
- Khi bán vốn nhà nước tại các DN có giá dưới mệnh giá cũng khó là khăn.
................
Cách mạng kỹ thuật làm thế kỷ 18 nở bùng. Cùng với công nghiệp hóa là xâm lược thuộc địa, thương mại mua bán vòng quanh trái đất. Các công ty cũng nhanh chóng phát triển từ dạng công ty mang tính chất gia đình, công ty nhỏ sang công ty lớn. Có một thứ ít ai chú ý là việc công nghiệp hóa trong quá trình huy động vốn cho công ty.

Thay vì đi vay ngân hàng, góp bằng vốn tự có thì họ đã nghĩ ra cổ phiếu, một tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu tương đương với số tiền bỏ ra. Rất nhanh chóng, cổ phiếu được tiêu chuẩn hóa, giống nhau về đơn vị đo (cổ phần, mệnh giá…) giống như hệ mét và nó được bán rộng rãi ra cho mọi người (phát hành ra công chúng).

Thực ra ngoài câu chuyện tiêu chuẩn hóa thì còn có 3 điều kiện nền tảng sau mà nếu thiếu nó thì kinh tế thị trường không ra đời được.

Đó là:

- Luật về hợp đồng: không có nói miệng nữa mà bút sa gà chết. Tất nhiên đi kèm với nó là tòa án, trọng tài và luật sư

- Quyền sở hữu: quyển này phải rõ ràng, rành mạch, đảm bảo quyền cho người sở hữu một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện vì chẳng ai dại thả gà ra đuổi.

- Lòng tin: nôm na là tin vào một thứ xác định. Trong trường hợp này là tin vào cổ phiếu. Nó là tờ chứng nhận quyền sở hữu chứ không phải giấy lộn, qua nó ta sẽ có lời…

Tóm lại, lòng tin và lợi ích đi đôi với nhau. Nhưng chính vì thế mà nhiều khi, nhiều người lại lầm tưởng lòng tin và lợi ích là như nhau. Khi trùng lên nhau như thế thì nó biến tướng thành lòng tham.

Thị trường chứng khoán sinh ở trời tây nhưng ở Mỹ mới là nơi nó biến thành monster. Trước 1929 tức là trước đại khủng hoảng thì TTCK Mỹ thực sự thành quái thú với nạn lũng đoạn, đầu cơ làm giá, giao dịch nội gián tràn lan.

Đó là nói về thị trường giao dịch. Còn nơi phát hành nhờ những điều luật tiểu bang dễ dãi kiểu blue sky mà công ty trở thành nơi in giấy lấy tiền, pha loãng cổ phiếu, phát hành mà không có tài sản, dự án đi kèm, thu tiền xong thì bùng hoặc tiếp tục chơi trò tháp Ponzi…hỗn loạn.

Nơi mà tổng thống Mỹ bất lực thì thị trường nói lên sức mạnh của nó. Đại khủng hoảng cuốn bay thành quả hàng chục năm. Đã đến lúc phải chấn chỉnh.

New Deal ra đời. Ngân hàng bắt buộc phải chia tách thành 2 thực thể riêng rẽ là ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Chế định này hoạt động yên ổn đến 1998. Trước sức ép của giới tài chính tổng thống B.Clinton cho chúng tái hợp, 10 năm sau, hậu quả nhãn tiền, khủng hoảng tài chính 2008 nổ bùng vì con quái vật được sổng chuồng và người ta lại loay hoay kiềm chế sức mạnh của nó.

Cùng với chế định bảo hiểm tiền gửi thì luật về chứng khoán ra đời năm 1933 và luật về giao dịch chứng khoán 1934.

Từ đây những khái niệm hiện đại như bản cáo bạch, công bố thông tin, bảo vệ quyền cổ đông như chống pha loãng ra đời.

Từ đây muốn phát hành ra công chúng thì người phát hành phải qua ngân hàng đầu tư là người chuyên nghiệp trong dịch vụ chứng khoán, công ty phải được kiểm toán và phải cung cấp thông tin cho mọi người biết vì nhà chức trách đã nhận ra chứng khoán không phải là ốc đảo mà nó ảnh hưởng tới chính quyền, tới người cho vay, tới người góp vốn và không có chỗ cho trò ăn xổi.

Nhưng thế vẫn chưa đủ, Enron mở mắt cho mọi người, công cụ mới quản trị công ty được siết chặt. Người có vốn buộc người nhận vốn vạch áo ra rõ hơn.

Nhưng thêm quy định nghĩa là thêm chi phí. Ra công chúng thì thủ tục hàng hàng lớp lớp. Còn phát hành riêng lẻ thì phải giảm bớt, đơn giản hóa. Tất cả chỉ nhằm mục đích giảm chi phí gọi vốn vì cuối cùng chứng khoán phải cạnh tranh với ngân hàng và nếu chi phí vốn cao thì công ty làm ăn lợi nhuận sẽ kém đi và nếu kém mãi thì những chiêu trò lách luật, gian lận lại xảy ra.

Tuy nhiên khủng hoảng 2008 lại bắt buộc gia tăng các quy định, viễn cảnh làm ăn mờ mịt cộng với gánh nặng luật lệ khiến việc phát hành gọi vốn khó khăn, đây đó nổi lên nghi ngờ sự hữu dụng của phát hành chứng khoán đã đến thời cáo chung chăng?

Xong chuyện bên trời tây giờ nói chuyện ta.

Năm 2007, cùng với chính sách gia tăng tín dụng cao hơn 30% năm là dòng tiền tây đổ vào ủng hộ/kiếm lời chuyện VN gia nhập WTO, giá chứng khoán dựng ngược trong khi các quy định, luật lien quan còn thiếu/chưa lường hết được mọi chuyện.

Những công cụ như Repos, margin, shortsell… xuất hiện mà không có hướng dẫn, không có chế tài, doanh nghiệp, nhà đầu tư thì như nước chảy chỗ trũng, đường nào lợi thì đi thôi.

Bị gắn chặt bởi quy định trong luật doanh nghiệp, luật tổ chức tín dụng như vốn điều lệ, mệnh giá (liên quan đến định giá, thế chấp, truy đòi…) và nguồn gốc của nhiều doanh nghiệp là DN nhà nước cổ phần hóa. 

Mà dính vào chuyện định giá tài sản nhà nước là rất lôi thôi, ước lệ nên trong thời thịnh những phương thức ít sử dụng ở nước ngoài lại được sử dụng tràn lan ở Việt Nam như phát hành cổ phiếu thưởng, tăng vốn bằng lợi nhuận…tất cả cũng chỉ nhằm mục đích tăng vốn vì nhu cầu phát triển doanh nghiệp lớn hơn lúc nào hết.

Ví dụ như Sacombank tăng vốn cực nhanh, vượt qua cả đàn anh ACB nhưng rồi bị thâu tóm cũng một phần nguyên nhân tăng vốn nhanh quá làm quyền sở hữu của nhóm Đặng Văn Thành giảm đi trong khi các nguồn lực chống thâu tóm lại rải mành mành qua đường, bất động sản, bảo hiểm…

Note lại chút là tây thì việc tách gộp cổ phiếu dễ dàng hơn, là thong lệ vì tây kế toán là phục vụ chứ không phải là quyết định. 
Trong khi VN thì ngược lại các văn bản, mang âm hưởng kinh tế nhà nước việc bảo toàn vốn là quan trọng hàng đầu. 
Cứ xem trong doanh nghiệp nhà nước thì sau giám đốc là kế toán trưởng chứ còn ai trồng khoai đất này nữa. Bạn nào không tin, coi vụ mấy công ty công ích Tp.HCM lương khủng mà xem, cao nhất giám đốc, thức đến chủ tịch hội đồng thành viên hoặc kế toán trưởng, hùng hồn hơn mọi lời nói.

Việc phát hành dưới mệnh giá hiện nay tranh cãi rất sôi nổi, đứng về mặt quy định mà nói thì hơi giống biết là độc vẫn phải uống để giải cơn khát. Có cách nào để doanh nghiệp tránh khỏi chuyện này không.

Tách cổ phiếu được không, như Vinamilk lên tới mười mấy lần mệnh giá, cơ hôi là đây chứ đâu mà vẫn khó. Gộp cổ phiếu lại được không, hay mấy ông ngân hàng, sở tài chính, kế hoạch đầu tư lại phản đối vì không dưng số thế chấp lại giảm, vốn điều lệ lại giảm, vốn danh nghĩa của nhà nước lại giảm…một vòng rối tung.

Cuối cùng vẫn phải quay lại chuyện sửa luật, tạm biệt vai trò của mệnh giá, vốn điều lệ vì đó là khái niệm của ngày hôm qua. Không làm thì chuyện lách luật, vi phạm lại tái diễn.



Lá thư tình màu xanh


(tiếp theo)Học nhóm và đôi bạn cùng tiến

Món cùng mò tôm bắt cá, đóng bánh than, vớt bèo...thì Vũ đã kể ở chuyện Natasa rồi nên giờ ta vào ngay chuyện học nhóm và đôi bạn cùng tiến. Một số bạn trẻ giờ không biết, học MBA xong về phát biểu choang choang mà không biết học nhóm có từ xưa lắc.

Học nhóm cũng như đôi bạn cùng tiến là một vũ khí lợi hại chống lại những rào cản giới tính, yêu đương mà thời bao cấp dựng lên. Ngày đó hủ hóa tội to.

Người lớn mà nam cô nữ quả muốn gặp nhau thường xuyên, đến nhà nhau mà không bị phê bình, săm xoi thì tốt nhất cứ thông báo cho mọi người biết đây là ông anh/em/chú/chị...kết nghĩa. Hề hề, con voi chui lọt lỗ kim mà.

Người lớn làm được sao con nít không làm được. Vậy là tiếng học nhóm nhưng lại là chỗ hẹn hò đàn đúm, ăn uống, chời bời tán tỉnh yêu đương ra đời. Cả một chủ trương lớn, tốt đẹp về mặt học tập chừng ấy đã bị lợi dụng, bẻ eo sang hướng khác.

Thực ra mượn cớ học nhóm để tán tỉnh cũng có nhiếu cái tốt. Vì muốn lấy le với nàng/chàng mà cố học cho hiểu mấy bài toán vốn ghét cay ghét đắng. Mấy bài văn, bài thơ đặc biệt thơ mới nhảy cóc của mấy ông như Xuân Xuân ngói mới thì phát ốm hay của thi sỹ lục bát, lục nồi Tố Tố thật buồn ngủ gì đâu.

Những trở ngại, khó khăn này đều vượt qua hết vì nàng. Tất nhiên là mấy buổi đầu thôi, sau lòng vả cũng như lòng sung cả, chơi là chính chứ học thì thật chán. Đi học nhóm cũng chẳng dễ vì người mình thích học cùng lại trái đường, cha mẹ thì đầy tinh thần cảnh giác nên học sinh ông nào cũng phải có một vài bạn ngoan hiền có uy tín để đem ra dối cha gạt mẹ.

Tôi cũng vài buổi đi học nhóm nhưng rồi ý thích trèo cây. bắt cá thắng thế nên miết chẳng bạn nào muốn học nhóm cùng. Sau đành lủi thủi học ở nhà, trên sách giáo khoa, dưới chưởng Kim Dung cứ thế mà diễn.

Ngày đấy đọc chuyện chưởng, chuyện Quỳnh Dao, mặc áo chim cò là bị cấm ngặt à nghen, thỉnh thoảng trường vẫn tổ chức xét cặp tìm văn hóa phẩm đồi trụy. Em nào bị bắt thì ngoài tịch thu còn bị kiểm điểm dưới cờ. Đối tượng này rất xấu, học thì không lo mà bày đặt lây nhiễm tư tưởng xấu.

Bố mẹ thấy ông con học siêng thế thì nói không dám nói to, đi đứng rón rén cho con nó học, miễn cả rửa bát quét nhà. Thật lợi hại quá đi sự học hành chăm chỉ.

Kể tiếp đến vụ viết thư tình

Tại sao lại phải viết thư giấy trắng mực xanh trong khi các cụ nói: Đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai. Thổi lỗ tai nàng là đủ rồi chứ.

Thực ra đàn ông cũng như đàn bà đều có 2 cách nhận định tình hình thế giới. Một là nghe, hai là đọc. Thường thì người nghe giỏi sẽ không thích, không mạnh ở điểm đọc và ngược lại.

Nên để truyền thông điệp tình yêu tới nàng hiệu quả thì bạn phải: một, xác định xem bạn sở trường ở môn nào, đọc hay nghe, và cũng phải biết được nàng thuộc tuýp người nào, nghe hay đọc. Hiểu rõ mình và đối tác của mình. Chứ nàng chỉ thích nghe mà mình cố công viết thư tình, chép thơ dài ngoằng ngoẵng thì nàng đâu để ý, tệ hơn còn cho vô thùng rác thì phí công phí của.

Cũng như vậy, mình thuộc dạng dẻo mỏ, mỏ dài mà lại cắm cúi viết thì nó nghe ngô nghê cũng khó khá. Đây là những điều sau này mới biết chứ hồi ấy thì cậu nào cũng cố viết thư tình, gọi là viết cho oai chứ thực chất toàn copy, paste lung tung những đoạn nào thấy thích, thấy sến, à quên, lãng mạn.

Khi viết là đúng sở trường của người viết và người đọc thì càng viết càng hay, càng đọc cũng càng thấy mùi mẫn. Điều này cũng đúng với Xeko, càng hót càng hay, càng thổi lỗ tai trình càng tăng tiến và người đẹp cũng ngày càng khoái.

Thư viết được lừa lừa cho vào cặp sách, giả vờ mượn vở chép bài, khi trả kẹp thư. Món đó hồi hộp lắm, nàng mà không để ý hoặc chấp nhận thì không sao, chỉ cần nàng có ý khiêu khích là lôi thư cho mấy nhỏ bạn đọc. Vừa đọc vừa cười lích rích làm kẻ có thư mặt mũi tưng bừng.

Từ đây cũng mới sinh ra chuyên ra viết thư hộ, tha hồ viết nhăng viết cuội rôi ngồi cười diễn biến chơi. Thư viết tay ngày nay có lẽ tuyệt chủng rôi, giờ tụi trẻ online chat chít, đến email cũng còn chẳng thèm viết.



Viết chuyện thư tình này cũng chỉ để an ủi cho một thời 30 năm đã xa dù những bài hát như bức thư tình đầu tiên, thứ 2, thứ 3...cũng nức tiếng một dạo. 
Kể ra thời nay toàn dung mạng ảo nên chẳng thể nào có được trải nghiệm anh về gom lại thư xưa, cả ngàn trang giấy mỏng và đem ra đốt cho bằng hết. 
Lý do là cho người xưa khỏi băn khoăn khi nàng đan áo cho người mới. Nghe cũng ngậm ngùi lắm chứ, mùi giấy cháy quyện với nỗi nhớ nàng, thật ảo lẫn lộn. Một kỷ niệm thật khó phai.

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Tôi trồng cây si trước cửa nhà em

(tiếp theo)

Tôi trồng cây si trước cửa nhà em và 
Tặng quà có khó không?
Sau hai chiêu thức đầu mang tính triệt hạ đối thủ nên ngôn ngữ hơi nhuốm màu bạo lực thì hôm nay xin được kể ra đây những chiêu thức lấy lòng người đẹp mang tính học trò. Lấy được lòng người đẹp vẫn là điều quan trọng nhất vì cuối cùng đả bại đối thủ này thì đối thủ khác lại xuất hiện. 

Những chiêu thức này được sử dụng hàng ngày với phương châm mưa dầm thấm lâu, các chàng trai tùy vào độ sáng tạo và hoàn cảnh mà ứng biến cho hợp lẽ.

Ngón thứ nhất là tặng quà.

Tặng quà là điều tự nhiên, xưa như trái đất. Ai cũng khoái được nhận quà, từ con gà trống mổ hòn sỏi cục cục giả vờ bắt được con giun dụ đám gà mái đến nhện đực vì tình mà hy sinh thân mình làm quà cho nhện cái.

Quà của học trò khác với quà của người lớn và quà hồi ấy cũng ít nhuốm mùi thực dụng kiểu như Cường ĐL thấy thích em nào thì chưa quen cũng đã mua tặng vespa LX hay SH để làm quen. Quen rồi thì tặng 4 bánh, nhà là chuyện thường.

Quà của học trò tuy cũng cóc ổi me xoài thôi nhưng phải có chất nghệ, chút mộng mơ và thiết thực trong đó vì của cho không bằng cách cho trong khi tiền lại eo hẹp. 
Lại còn phải tặng quà sao cho êm, cho tự nhiên vì ngoài nàng còn bạn bè xung quanh, mà gái mới lớn thì còn e thẹn.

Cửa nhà im ắng quá. Các bạn giữ rịt bí kíp không công bố những chiêu trò các bạn thi hành/tiếp nhận từ hồi nhỏ. Tôi tiếp tục vậy.

Kế đến là chiêu chơi với bạn thân của người đẹp.

Sao lại phải đi đường vòng như vậy. Vì đơn giản mọi người chỉ tập trung vào người đẹp mà lơ là nhân vật bên cạnh. 
Lơ cũng phải thôi vì người đẹp thường chọn bạn có nhan sắc khiêm tốn hơn mình nhiều để chơi. Đảm bảo an toàn, tránh sự cạnh tranh không cần thiết.

Cho nên kết bạn với bạn của đối tượng dễ hơn kết bạn với giai nhân nhân nhiều. Thông qua đầu cầu này ta biết được nhiều điều, ý định, kế hoạch của người đẹp tỷ như định đi đâu, chơi gì, thích gì, ghét gì,...tóm lại rất hữu dụng, trao cho ta cơ hội chính đáng được ở bên người đẹp. Gì chứ được ở cạnh bên nàng, được nghe, được ngắm là tim đập rộn rã. lòng xao xuyến lắm rồi.

Phương pháp tiếp theo là trồng cây si.

Tôi trồng cây si trước cửa nhà em...giành cho những chàng có nàng sau buổi học phụ bố mẹ bán quán ở chợ. Món cây si này ở ta không sôi nổi bằng ở Tây.

Chuyện Romeo&Juliet cũng có đoạn Romeo đứng dưới bancon nhà nàng đàn guitar và cất lên tiếng hát cho Juliet và hàng xóm nghe. Ở VN ngày ấy mà làm vậy thì hàng xóm nó ném đá ngay.

Ngày nay tụi trẻ cũng có những màn tỏ tình giữa sân trường rất bá đạo mà hồi chúng mình không bao giờ dám nghĩ đến/nghĩ ra. Tuy vậy trồng cây si cũng ép phê chớ, nàng thấy chàng tội tội, mà con gái thấy ai tội nghiệp thì lại thương.

Hồi trước chị vợ 3C, tên Thủy bán báo ở ngã sáu. Tôi thì khoái đọc báo nhi đồng nên cứ lân la rồi đứng luôn ở quán. Báo ra số nào tôi tới ngày đó, nào chuyện phiêu lưu của Bút Thép và Bóng Nhựa, chuyện gã cao gầy và tên béo lùn,...thích mê.

Riết rồi quen, chúng tôi lớn lên, dĩ nhiên khi lớn thì không đọc báo nhi đồng nữa mà chuyển qua Thể thao văn hóa. Đọc về bóng đá. Lớn rồi đúng có thay đổi, Thủy báo ngày càng xinh, nhiều anh ngấp nghé nhưng tôi vốn là khách đọc ké từ thửa thò lò mũi xanh nên rất tự tin...tiếp tục đọc ké vì làm gì có tiền mua báo.

Bỗng sau mấy hôm đôi mắt sáng long lanh nụ cười là cơn mưa tới. Nàng sa sầm mặt khi thấy tôi rồi dứt khoát cấm không cho đọc ké nữa. Tôi ngơ ngác, mãi sau này mới hiểu. Hihi.

Món tiếp là đi theo nàng.

Người ta vẫn lấy biểu tượng đôi sam tượng trưng cho mối tình khăng khít đấy thôi. Hiện chưa khít được thì chơi món đi theo/đi cùng nàng. Đi cùng nàng là một đặc quyền mà chỉ bạn học của nàng mới có được.

Hãy xem nổi danh như Phạm Duy mà cũng chỉ lẽo đẽo đi theo người đẹp thôi vì ông là người ngoài mà. Hãy nghe ông kể lể: Em tan trường về, anh theo Ngọ về trong ngày xưa Hoàng thị là đủ hiểu.

Đôi ta chung lối đi về (nói oai vậy chứ đi đâu phải chỉ hai ta, mà cả một đám lóc chóc, vừa đi vừa quậy phá, bẻ cành non, bắt sâu gí bạn...co rúm người khi bị đám trẻ đầu gấu chặn đường...).

Nhưng thế cũng thơ mộng phết, có cơ hội xách cặp hộ nàng hay nhờ nàng cắp cặp hộ. Chiêu này 3C xử với An miết. Có nhiều cơ hội để chứng tỏ tài năng độc đáo của mình qua leo cây, chạy nhảy, hái hoa, bắt bướm. Có cơ hội thả vài câu ong bướm, ý nhị cho nàng ngầm hiểu.
Tôi thì vẫn kiên trì quan điểm chỉ cần thấy nàng, nghe nàng cười, nàng nói là tôi mê rồi vì thực ra đi chung đường chỉ giành cơ hội cho một số chàng chung đường, hoăc gần nhà nàng mà thôi như đám Tuấn béo chồng Hoàng, Danh chẳng hạn. Bonus các bạn xưa đưa Ngọ về http://www.youtube.com/watch?v=S7q1aeL-bmU của Phạm Duy trong ca khúc Ngày xưa Hoàng thị do Đoan Trang thể hiện.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi


Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi 
hay là

bí kíp tán tỉnh cơ bản của tuổi mới lớn 30 năm trước


Tú kể

Tú: Chúng ta đánh võ tàu nhiều quá, ảnh hưởng văn hóa tàu thật quá sâu đậm. Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi thì chẳng được chuyện nào mà toàn chuyện Châu Pha, Natasa...Có Nhân sang tây lâu nên nói ngay từ đầu giai nhân là Huệ. Vậy mời các anh tài với tư cách hunters kể chuyện về giai nhân này, mời các bạn gái với tư cách người chứng kiến, người tư vấn cho những thất bại toàn tập của các bạn trai trong lớp kể lại những điều được nghe, được thấy...

Vũ: Xem ra miếng đất này không có ai cày xới đâu bạn. Con gái kín đáo, ít kể chuyện, facebook thích hợp để các bạn ấy up hình khen chê, bình luận vài câu ngăn ngắn thôi. Những câu chuyện xưa lại đành chôn giấu đợi một ngày đẹp trời nào đó Tú công bố cuốn truyện có tựa đề XXXXX

Vì nàng đẹp nên trong lớp có nhiều bạn theo đuổi, mộng mơ. Vì danh sách thu thập chưa đầy đủ do sự bảo mật của các bạn nên tôi tạm chia các chàng trai hâm mộ ra làm 3 nhóm.

Nhóm 1 là kiểu chỉ yêu trộm nhớ thầm, đứng xa ngắm không có hành động nào cụ thể, đại diện của nhóm này là như chàng tự nhận, mặc dù tôi cũng không biết có phải hay không.

Nhóm 2 là nhóm có những hành động rụt rè, tìm cách lợi dụng địa hình địa vật để tác động đến tâm tư người đẹp, tôi tự nhận đại diện nhóm này, dù như vậy là hơi đề cao mình chút.

Nhóm 3 là nhóm như giờ gọi là nhóm lợi ích, tranh thủ đặc quyền mưu cầu hạnh phúc, có hành động công khai, cụ thể mà Quốc nhờ cô giáo xếp chỗ ngồi gần người đẹp làm đại diện.

Do tính chất quần ngư tranh thực như vậy nên xuất hiện nhiều toan tính, âm mưu, ngộ nhận. Kẻ mạnh thì khoe tài khoe sắc, kẻ yếu thì dùng mưu dùng chước...tất cả những chiêu trò này như một sân khấu mà các bạn gái làm khán giả. Từ đây cũng khám phá ra sự thông tin, liên kết giữa các bạn gái mà như giờ gọi là sức mạnh truyền thông. Họ tác động vào game, có sức mạnh bất ngờ...

Chiến thuật của kẻ mạnh. Tấn công và phong tỏa. Hồi chiến tranh, cảng HP bị không quân Mỹ thả ngư lôi phong tỏa lối vào, hậu quả thất khốc liệt sau nhờ những xuồng phá lôi cảm tử mà cảng biển mới được thông. Có lẽ trong lớp hồi đó thì Quốc là người có đầu óc chính trị nhất, điều này được minh chứng sau chàng vô học trường đào tạo thủy thủ, (khi đó dân thủy thủ viễn dương là số 1, một trăm lời nói không bằng chút khói Honda) lớp sơ cấp lãnh tụ như chàng tự gọi.

Với những điểm mạnh như An đã note đẹp trai, nhà có điều kiện, từng trải hơn thì chàng tự tin tung ra chiến dịch cưa cẩm người đẹp. 
Điểm mạnh của chàng là công khai, không dấu diếm rằng tôi thích nàng và loan báo cho hết thảy bạn bè, lớp biết. Về mục công khai minh bạch này thì Quốc đi trước mọi người cả vài chục năm.

Chàng cũng nhờ sự trợ giúp của cô giáo chủ nhiệm. Sau khi tâm sự với cô rằng em rất thích bạn đó, bạn đó...nếu cô không giúp em được ngồi gần Huệ thì em học không được. Lý do hợp lý quá, học trò không học được thì có lỗi của cô giáo. Đề nghị liền được duyệt, Quốc chuyển lên ngồi gần người đẹp.

Sự tự tin, dám hành động đã giúp Chàng có chỗ ngồi tốt, điều mà các bạn trai thỏ đế trong lớp chàng chỉ dám ao ước mà không dám nói ra. Chiến thuật của kẻ mạnh là vậy. Trước sự thắng thế đó thì nhóm 2, nhóm yếu hơn thi triển chiến thuật gì để tiếp tục cuộc đua.

Trước sức công đồn mạnh mẽ của Quốc thì nhóm 2, 3 có phản ứng như thế nào? Trong tình trường nôm na có 2 cách mà các chàng trai thường áp dụng. Một là lấy cảm tình của nàng và những người xung quanh nàng như bạn bè, bố mẹ, anh em,...và hai là ngăn cản các đối thủ khác tiếp cận.

Khi Quốc dùng trường trận, lẽ tự nhiên những chàng trai sẽ sử đoản binh. Nghe thì to tát, nhưng đơn giản là các chàng bèn kể lại chi tiết, ra vẻ rất vô tư khách quan chuyện tình giữa Quốc và Thủy HL.

Của đáng tội, chuyện này cũng từ miệng Quốc bô bô khoe chiến công. Ếch chết tại miệng mà. Các chàng hiểu rằng, tin này sẽ nhanh chóng tới tai người đẹp. Và khi tới tai người đẹp thì chuyện đã được thổi từ con ếch lên thành con bò.

Sự lợi hại của vũ khí truyền miệng, thông tin vỉa hè là ở chỗ đó. Hư hư, thực thực làm người đẹp rối trí và tự ái. Chiêu này còn được gọi bằng thả thuốc độc xuống giếng. Các trai lớp, theo đúng kiểu Tàu, không bao giờ chỉ dùng có một chiêu, mà phải liên hoàn kế.

Chiêu thức thứ 2 không kém phần hiệu quả là trò cá độ. Một nhóm bạn 5,6 người, ít nhất là hai người bỗng một hôm có đứa ra vẻ vô tư đưa ý kiến. Sao mày không tán con nhỏ A,B...nếu thắng thì tụi tao mất mày cái này, cái này.

Thử nghĩ xem, nít ranh mới lớn, đa phần hiếu thắng cuồn cuộn. Chúng nhận lời thi đấu ngay sau khi cò kè về thời gian, ví dụ như vài tuần hoặc 1,2 tháng gì đó; thành tích đạt được như nhận được thư trả lời ok của nàng, rủ được đi chơi, cầm tay...và phần thưởng ăn uống trà lá linh tinh gì đó.

Có đứa lừng khừng bị khích cũng nhận lời, cá biệt đứa nào không nhận lời thách đố thì bị chê nhát, đàn bà...bản thân tôi cũng từng bị khích cá độ như vậy. Những đưa nghĩ ra trò này quả khôn hơn bạn cùng học vài bậc. Khôn vì đẩy được thằng bạn mình lộ diện với tư thế kẻ tán gái vì phần thưởng, đưa được đối thủ tiềm năng vô hiểm địa. Trong khi chúng vẫn âm thầm áp sát đối phương.


Cũng như trò trên, thông tin nhanh chóng được rót vào tai người đẹp. Người đẹp mà trước đó có chút cảm tình với chú này cũng phải đặt một dấu hỏi to tướng lên chú. Nào cậu bé, thật hay là giỡn đây, tệ hơn nữa thì thằng này thật vớ vẩn. Nói tóm lại chúng đã khôn khéo dựng lên một bức tường trước mặt chàng hiếu thắng ngốc nghếch.

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Tình thửa 15 (4)


Tiếp chuyện về Natasa

Vũ kể

Natasa về Việt nam nhưng chỉ như cơn gió thoảng qua.
Tôi sang Bỉ vào cuối tháng 6, nhà trường bố trí cho một phòng trong khách sạn nhỏ ở Antwerp. Thực ra đó là một căn hộ thì đúng hơn, bên dưới là bếp, phòng khách có cửa sồ nhìn ra hướng mặt trời mọc, phòng ngủ và ở trên gác. 
Khách sạn này rất ít người phục vụ, lúc nào cũng chỉ thấy có 3 người, phòng ở thì 1 tuần họ chỉ dọn có 1 ngày thứ năm, ra vào thì có cổng riêng, tiếp tân chẳng hề biết mình đi đâu về đâu.
Ổn định xong chỗ ở, quen thuộc với xe buýt, xe đò, xe lửa…tôi mới có dịp ra ngoại ô ngắm tháng 6 mùa hè tuyệt đẹp ở châu Âu. Những vạt hoa dại màu tím như hoa Violet, những sườn đồi phủ kín những bông hoa nhỏ li ti sắc hồng phơn phớt làm tôi nhớ tới màu tím “Hoa đào.” 
Nỗi nhớ Natasa khiến tôi tìm mọi cách sang Đông Âu, để tìm lại sắc hoa đào năm xưa thắm trên đất Bắc giờ đang nở tận Ukraine.
Khởi hành từ lúc 6h chiều, xe chạy được mấy tiếng sang đến đất Đức thì dừng nghỉ ít phút. Trời mùa hè châu Âu nhưng hơi lạnh lạnh, 8 rưỡi tối mà mặt trời còn treo chếch chếch trên cao. Bóng nắng của cây cột đèn bên dường còn kéo dài trên mặt đất. 
Đường cao tốc bên Đức gọi là Autoban không có cảnh sát bắn tốc độ, xe chạy băng băng có lúc xe chạy tới 180km/h, vì thế chưa đến nửa đêm đã tới Beclin thủ đô nước Đức.

Đêm ấy tôi ngủ lại tại nhà đứa em họ tên Thủy, em gái của Trang học A8 – một bóng hồng của trường ta ngày ấy.
Lạ chỗ, giấc ngủ chập chờn, mình lại mơ thấy Natasa. Bạn Tuấn đã từng nhận xét, người ta mê nhau có khi chỉ vì tóc mai sợi ngắn sợi dài, lấy nhau chẳng được thương hoài ngàn năm, hoặc vì: tóc ngang lưng vừa chừng em búi, để chi dài bối rối dạ anh. 
Còn tôi nhớ Natasa vì đôi mắt buồn của một cô gái đạo. Đôi mắt trong veo như hồ nước. Có lần Natasa đến nhà trèo hái hoàng lan, bụi bay vào mắt. Nàng khẽ dụi và sắc hoa đào trong mắt ám ảnh tôi cả năm trời.

Cho đến một chiều hè trời mưa như trút nước, ở cửa rạp Lê Văn Tám tôi đứng ngóng Natasa trước cổng trường Ngô Quyền. Chờ mãi, chờ mãi, mưa nhạt nhòa vuốt nước không kịp. Trong làn mưa ấy có chiếc xe máy chàng trai nào đó đến đón Natasa lúc tan trường.
Sáng sau, tôi lên đường đi Balan. Đi khắp Châu Âu khối EU không biên giới, đến đất Balan tôi thấy những cảnh vừa quen vừa lạ. Thì ra những dãy nhà tập thể năm tầng, ba tầng như khu Đồng Bớp, khu Vạn Mỹ là nguyên mẫu từ đây. Những căn nhà ấy nay đã gần như không còn ở Việt Nam, bên này vẫn còn đứng ở bên đường, cũng ố một màu thời gian.

Trên đường ấy tôi còn thấy xác những chiếc xe tăng họ để bên đường như nhắc nhở về thế chiến 2 khốc liệt. Những đồng cỏ bát ngát, những cánh rừng mà xưa kia chỉ đọc được trong thơ Tố Hữu :
“Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn…”

Chỉ còn hơn 1200km nữa băng qua Belarus là đến thành phố Kharcov, nước Ukraina. Trên xe, tôi hí hoáy mở facebook ra coi thì nhận được tin Natasa đang trên đường đi nghỉ hè tắm biển ở Krưm.
Biết khi nào mới được ngắm sắc hoa đào ở trời Âu.

Thêm một chuyện về Natasa
Tú kể

Lớp cuối cấp, tôi lại phải lòng em khác lớp. Chương trình đánh bắt xa bờ của mình có vẻ hoành tráng nhỉ. Khác với chuyện nàng Châu Pha, bạn này lớp mình nhiều người biết và ủng hộ.

Hôm rồi có bạn còn hỏi tôi chuyện ngày ấy sao không thành và lấy làm tiếc vì theo như bạn, chồng người trong mộng của tôi chẳng hơn gì Tú cả làm tôi cũng chẳng biết nói sao. Còn người ủng hộ nhiệt tình là Phong. Giờ ngẫm lại thấy thằng bạn mình nhiệt tình vô số kể, mỗi lần ra HP, chẳng quản sớm khuya bạn đưa đón, dắt đi chơi, ăn uống...nhất nhất đều tận tình ở cái mức mà khi bạn vào SG mình không làm sao làm được như bạn.

Em trong mộng cũng người dong dỏng, mình hạc sương mai, nhìn như con gái Nhật bản. Ngẫm lại, sao mình thích những em dáng vậy mà các em lại không thích mình. Khi xem lại hình 30y trước, một chú trẻ trâu tóc rối bù, chân tay loẻo khoẻo thì mình hiểu. Ai lại đã liễu yếu đào tơ lại chịu đèn một ông chẳng có sức vóc gì như vậy.

Được cổ vũ rất là tiện, tôi nhanh chóng biết nhà nàng. Vô nhà là khoảng sân đầy cây, căn nhà kiểu cổ với hàng cột, đồ đạc trong nhà cũng màu đen tịch mịch lạ lùng. Đang thả hồn theo gió theo mây thì chuông đồng hồ ngân nga. Trời ạ, lần đầu tiên nhìn thấy chiếc đồng hổ đứng cao ngang đâu người, kiểu Pháp cổ như vậy.

Sao tôi như đang mơ ngủ vậy. Số là người ra mở cổng không phải là nàng mà lại là em gái. Em gái nàng còn nhỏ (học dưới tôi khoảng 2,3 lớp - đang học lớp cuối cấp 2). Mới thấy mình hủ lậu phong kiến, kém có mấy tuổi là coi như con nít, chẳng bù với sau này. Em có đôi mắt Natasa hút hồn như Vũ kể. Đôi mắt làm tôi choáng váng, một ý nghĩ quái vụt qua, tôi thích em chứ không phải thích chị.

Lần thứ 2 tới nhà, cô em gái lại ra mở cửa, em cười vồn vã ân cần như muốn xóa đi cái lạnh nhạt của chị dành cho bạn. Lần này còn nhạt hơn, nàng nói không hợp, tuổi này lo học, bla...bla...

Lần 3 tới nhà nàng, lần này nàng ra mở cửa chứ không phải em gái. Vừa hé cửa thấy mặt tôi nàng hốt hoảng, giọng thì quyết liệt rồi đóng sập cổng lại. Mấy chục năm sau học sales mới biết chiêu xử lý là phải đưa ngay chân hoặc đầu ra chặn cửa. Nhưng thái độ và lời nói của nàng làm nhụt chí tôi.

Thêm một lần tình đơn phương vỗ cánh. Nhiều lần sau, tranh thủ những buổi đi học thêm ở ngõ Cố Đạo về sớm, tôi vẫn lượn qua cổng nhà nàng, với hy vọng được nhìn thấy em gái nàng, được thấy lại đôi mắt ấy.
Nhớ đôi mắt này năm xưa, lạc vào hồn tôi, cho những đêm không ngủ, chong đèn nhìn khói thuốc bay...Tính tôi vẫn hay ngớ ngẩn vậy, nhiều năm sau này, ở SG, gặp một nàng con gái. Quên hỏi nhà mà lại lo nhìn số xe nàng, vậy mới biết ánh mắt làm con người ta ngu muội thế nào.

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Tình thửa 15 (3)


Yêu cô gái từ nước Nga

Vũ kể
Cây phong non trùm khăn đỏ, Tuổi mười bảy, Chuyện núi đồi và Thảo nguyên…đã khiến nó nghĩ ngợi, tương tư rồi yêu lúc nào không hay những cô gái Nga trong đó. 
Một ngày nọ, nó gặp cô ấy. Nhưng người con gái ấy không đến từ nước Nga, mà từ khu Cát Bi.
Những trận bom Mỹ từ 72 đã tàn phá nát Hải Phòng, sau hiệp định Paris, người ta chọn một vùng ngoại ô để xây nên một khu dân cư tập thể khổng lồ. 
Công nhân, viên chức được phân phối nhà xuống đây sinh sống, có khu dành cho Bưu điện, có khu dành cho ngành May, có khu dành cho công nhân điện, có khu cho giáo viên Hàng hải…Cát bi được hình thành như thế.

Từ khu tập thể này chỉ băng qua một con đường (nay là đường Ngô Gia Tự) là tới một cánh đồng rộng mênh mông. Cái thời đói kém, chạy ăn từng bữa, nguồn sống chính là sổ gạo thì người lớn lo, còn rau cỏ, tôm tép, thức ăn và củi đun thì con cái sau giờ học phải giúp bố mẹ tìm kiếm. 
Nó cũng thế, học buổi chiều thì sáng sớm dậy đi bắt ốc bươu, cất vò tép, móc cua đồng…Trên cánh đồng ấy, con trai hay con gái cũng đều là những đứa còi cọc, da đen nhẻm, tóc hoe hoe, chân đầy sẹo…
Bữa ấy, nó đâu ngờ, lại có một cô gái thành phố lạc vào cánh đồng quê nó.
Bao năm rồi nó vẫn nhớ, cô gái ấy có hai bím tóc, mắt mở to, mặt lấm tấm chút tàn nhang. So với nàng Natasa của nó trong tiểu thuyết, thì chỉ khác chút ít ở làn da rám nắng.
Nó há hốc mồm ngạc nhiên. Nó muốn làm quen, muốn hỏi cô ấy nhà ở khu nào, nó muốn biết cô ấy học lớp mấy rồi ? Sau sáng ấy, nó bỗng chăm chỉ hơn, dậy sớm hơn, chịu khó đi về cánh đồng phía giáp Cát Bi. 
Nó mong được gặp cô ấy, được ngắm cô gái thành thị, xinh đẹp mà chịu khó tần tảo mò cua bắt ốc phụ giúp bố mẹ.

Thế nhưng cái bản tính nhút nhát đã hại nó, bao nhiêu lần nó định thế này rồi định thế kia mà vẫn không thể nào làm quen được. Bẵng đi một dạo ôn thi vào Cấp 3, hắn không gặp cô gái ấy trên cánh đồng quê nữa

Hơn hai năm sau, thật bất ngờ, cô gái Natasa ấy ngồi ngay sau nó trong cùng một lớp. 
Rồi nó biết, cô gái ấy là chị cả của 4 đứa em trai, chiếc áo chấm hoa Natasa thường mặc mà nó thích là do bố cố ấy một người thợ tài hoa dáng người thấp đậm may cho. 
Nó biết cặp mắt tròn to hút hết thảy bọn con trai vào trong là được thừa hưởng từ mẹ. Nhưng có một điều nó không biết là Natasa đã bị một chàng trai hút mất hồn vào cuối năm lớp 12.

Ba mươi năm sau, vẫn hai bím tóc ấy, khuôn mặt ấy nhưng bây giờ nó mới biết cô ấy có một giọng hát mê ly. Nó lặng người khi cô ấy hát những bài hát về đồng quê, những nhạc phẩm của Hoàng Thi Thơ…
Nàng Natasa lại về trên cánh đồng quê nó!

Bình luận của các bạn
Tú: Chuyện cuối năm 12 Natasa bị hút hồn là tôi không biết đấy. Chứng tỏ làm nhà nước hợp, từ bé đã có tính quan liêu mà Thái nói là ở trên mây. Tôi với Natasa thì giản dị hơn nhiều, học chung với nhau từ cấp 1, đi học chung, tan học về cùng đường. 
Thi thoảng lấy cặp sách đánh đuổi nhau chí chóe, có hôm lọ mực tím rớt cả xuống ao chỗ ngã sáu Cát bi (giờ san lấp rồi, nhà 3C ở đó). Natasa khóc um sùm vì đó là 1 tài sản vào ngày đó, mất là về roi quắn đít. Loay hoay mãi rồi cũng vớt được lên (con nít giờ không biết cái loại lọ mực đó nữa, tuyệt chủng rồi)

An: Rồi ngày buồn cũng qua đi, mình sẽ cho Natasa của bạn đọc những dòng viết hay ơi là hay này Vũ à.

Tú: Vũ biên hay quá, mùi mẫn. Ảnh hưởng văn học mạnh thật, như tôi có ông bạn cũng mê Aimatov, Pautovsky...cứ nghĩ Nga là nhất. Có hôm nó nói tôi muốn đau tim quá ông ạ. Thấy mình ngạc nhiên nói giải thích mới đọc tiểu thuyết nói về một bí thư bị đau tim mà tình yêu lại nảy nở. Tôi ngờ rằng Vũ rung động vì mái tóc, các cụ cũng chết mê nhau vì tóc mai sợi ngắn sợi dài, lấy nhau chẳng được thương hoài ngàn năm or tóc ngang lưng vừa chừng em búi, để chi dài bối rối dạ anh. Không biết hồi đó An kết tóc bím hay để lưng chừng nhỉ?



Chuyện cuối tuần

Tú kể

Thi đại học xong, thời giờ rất rảnh, hè thì nóng bức. mấy đứa gồm tôi, 3C, Thế và thỉnh thoảng Phong tối tối la cà hết khu T chỗ Thế, khu A chỗ tôi tụ vạ chém gió. Thi thoảng mò lên chỗ Đàn chơi.

Nhà Đàn ngày ấy giáp sân bóng, sân này giờ hình như cũng biến mất rôi. La cà mãi cũng hết cả chỗ đi. Một hôm, không biết Thế hay 3C cho biết Đàn hay ghé Cát bi chơi. Đàn ngày xưa trong lớp thuộc diện nhiều tuổi, khôn ngoan, chững chạc hơn hẳn các bạn.

Tôi vẫn nhớ có hôm Đàn khóc vì cây non đem trồng ở trường bị Thế cấu mất rễ, hay hôm Đàn rút dùi cui bảo vệ Vũ trước một thằng du côn giật mũ. Nói tới mới nhớ, Vũ ngày ấy đi đâu cũng khư khư chiếc mũ ấy.

Vây là tụi tôi tới thăm cô giáo Hạ, cô giáo biết ngay, bèn gọi con gái về. Bạn của tôi má đỏ ửng vì ngạc nhiên, sao ngờ được mấy bạn trai của lớp lại có mặt nơi đây. Mà toàn mấy ông thần quậy.

Sau khoảng 2,3 buổi nói chuyện trên trời dưới bể, hao nước rác nhà thì nghe con nít lao xao anh Đàn tới. Chờ chào bạn tới chơi mãi mà chẳng thấy bạn vô. Hôm sau nữa cũng thế, vài hôm sau nữa thì im tiếng, bạn tôi hình như không ghé Cát bụi nữa. Chuyện chỉ vây mà Thế đòi kiểm điểm là sao. Tôi ngờ sáng kiến năm đó là của Thế, hay 3C, chả rõ nữa.

Bình luận của các bạn

Vũ: Đàn can trường lắm (tôi học chung từ lớp 3 trường làng) thế mà lại bỏ cuộc sớm vậy, chắc còn bí mật nào đó mà Tú chưa kể, vụ cá độ thì sao nhỉ

Tú: Ai chẳng có điểm yếu, về cái đó có khi lại sợ. Vụ cá độ này tôi không biết. Thực ra từ cá độ, đùa tới thật gần nhau lắm, con nít mà. 
Khối người ân hận vì trò này, sau giả thành thật lại phải giải toả nghi ngờ, thắc mắc với đối tác dưới sức ép, đôi khi kinh khủng của bạn bè. Mà bạn bè nhiều đứa lắm mưa nhiều kế. Sau này kể chuyện Huệ chắc rõ hơn

Thế: Chuyện Tú kể khá là chính xác rồi, có 1 vài chi tiết mình bổ sung thêm. Hôm đó mình, Cừ (3C) và Tú ngồi ngáp ngắn ngáp dài, không nghĩ ra được chuyện gì hay ho. 
Rồi 3C chợt nhớ ra là nắm được thông tin bạn Đàn nhà ta hay xuống nhà Quế. Vậy là 3 chú rách việc nghĩ ngay ra mưu hèn kế đểu, đó là phá trước còn kịp.

Mình có trách nhiệm giả bộ tán Quế còn nhiệm vụ cùa 2 chú kia là đi tung tin và cùng mình tới ngồi đồng nhà Quế. 
Từ đó cứ cách 1,2 tối là tụi mình lại đi tác chiến, nhưng chỉ có mình với Tú còn 3C đi được 1 lần rồi trốn. Chắc chú ấy sợ mang tiếng, cái thằng nắm đá giấu tay khôn thế chứ, hehe.

Tới ngồi được vài tối thì gặp bạn Đàn, bạn đẩy xe đạp gần qua cổng thì nhìn thấy mình và Tú ngồi trong nhà. Đàn giọng nửa ngỡ ngàng, nửa hậm hực:" Thế với Tú? " rồi quay ngoắt xe bỏ đi chả chào ai kể cả Quế vừa ra mở cổng. Nếu bạn Đàn có qua đây đọc thì cho mình hỏi mình có phải sozi không nha.

Vũ: Theo đuổi Quế còn có một đối thủ nặng ký nữa là H. Chàng này tưởng như hiền, nhưng dính vào rất nhiều cô gái lớp ta

Tú: Mấy ông hay nổ lung tung là bề nổi, phần ngầm của tảng băng mới to chứ. Mấy anh hiền hiền con gái mới dễ chơi

An: Quế vào đây xác nhận xem các bạn ấy kiểm điểm đã thành thật chưa nào? Lập face xong chỉ để coi mấy cái ảnh họp lớp thì phí quá nàng ơi.



Tình thời tè dầm

Thế kể

Trong khi các bạn lên tới cấp 3 mới mong nhớ, thổn thức vì chú chàng hay cô nàng nào đó thì mình sớm hơn nhiều lắm.
Hồi mình đi học mẫu giáo trong khu tập thể cơ quan của ông bà già mình, lớp mẫu giáo bé có một em bé rất xinh. Em bé da trắng như tuyết, tóc đen như gỗ mun, mắt bò cái, thân hình thêm chút thịt nữa là thành béo, thiếu chút thịt là gầy (tả vậy cho giống 1001 đêm)… Các vòng thì mình ngày đó chả biết thế nào, chỉ biết là em nó rất xinh thôi. Cô bé kém mình hai tuổi, tên là Lan. Ôi, người đẹp, tên đẹp.

Mình mê ẻm lắm dù rằng ẻm hay đái dầm. Nhà mình ngay sát bên lớp, nhà con bé thì cách đó mấy căn. Bố mẹ con bé tin cậy bọn mình, dặn là hễ khi nào thấy Lan đái dầm thì gọi cô giáo đến thay quần cho em nhé. 
Mình và thằng Hùng nhận nhiệm vụ, hễ thấy ẻm có biểu hiện tiêu cực là chạy đi báo cáo cấp trên ngay. 
Suốt ngày bọn mình quanh quẩn chơi với em nó, dắt em nó đi dạo trong lớp, kể cho nó nghe những câu chuyện bí ẩn về cây cỏ, hoa bướm, về đề cao cảnh giác chống âm mưu phá hoại, về hoà bình thế giới...

Tan học, bọn mình lại dắt con bé về nhà. Lần nào thằng Hùng cũng đại diện báo cáo, em nó thế nọ thế chai và các biểu hiện lệch lạc, tha hóa khác diễn ra trong ngày… 
Bố mẹ con bé rất phấn khởi, thường chia quà cho bọn mình, hôm nay cái kẹo, hôm sau cái bánh. Hầu như chiều nào cũng vậy, không khí hết sức rôm rả và đầm ấm. 
Hạnh phúc cứ lâng lâng.
Rồi nhà ẻm chuyển đi đâu không rõ. Trường lớp vắng vẻ hẳn đi, trong mình như thiếu thốn, mất mát một điều gì đó. Mình bỏ cơm chuyển sang cháo mất 1 hôm. Nhưng mình không biết thổ lộ cùng ai.
Có lần, lúc mình đã học lớp 3 ở An Đà, mình theo bố đi lượn lờ ở tiệm sách ngoại văn gần sát nhà hát lớn. Mình nhìn thấy một cô bé da trắng như tuyết, mắt bò cái… trông quen lắm, đang ngồi trông quầy hộ người lớn.
Mình gọi: “ Lan”. Cô bé ngẩng lên gật đầu. Mình hỏi: "Có nhận ra anh không?" Lại gật đầu. Chỉ ngước đôi mắt lên nhìn mình, đôi mắt long lanh như muốn nói bao nhiêu điều. 
Nhìn thôi chả nói gì. Một hồi quanh quẩn không biết đưa ra thông điệp gì hơn, không lẽ lại nói chuyện hồi chúng mình còn bé, anh ghét thằng Sơn Sử vì nó hay cấu mông em, hoặc anh vẫn ghét ruồi như xưa vì nó đậu lung tung rồi lại đậu cả vào anh... Mình chào:" Anh về với bố nhé" Lúc này cô bé mới đáp: “Em chào anh” và nở 1 nụ cười khoe mấy cái răng cửa đi vắng. 
Mênh manh là buồn, còn nhỏ đái dầm, lớn thì sún răng… Mối tình đầu của mình đó.

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Tình thửa 15 (2)


Câu chuyện về làm chân gỗ

Vũ kể

Cuối năm lớp 11, không khí tán tỉnh ở lớp đã lên cao ngút. Nào là chuyện Quốc kể đi chơi với Thủy HL sướng thế nào, nào là Cừ Củ cải (3C) bắp tay căng như xăm xe, nhưng đi học toàn có nàng mang cặp hộ (lớp mình có 2 chiếc cặp giống nhau, 1 là của 3C, 1 của ai không nhớ), nào là chuyện cá độ Đàn với Quế tưởng đùa hóa ra tương tư thật, nào là chuyện Tú lông nhông theo nhiều cô mà chửa biết trúng thầu ở lớp nào …
Hóng hớt thế nên những cậu non non cũng sốt ruột lắm. Tình hình này không nhanh thì mấy tay cao thủ nó hớt hết. Vì thế nên mới có vụ tôi đi theo An đến nhà Thái
Tối ấy hai thằng lóc chóc đi một cái xe đạp. Tôi còn nhớ rõ bữa ấy trong nhà có vẻ hơi tôi tối. một lúc định thần nhìn rõ mới thấy trong nhà còn có một cậu cao to người lớn hơn tôi. Mẹ Thái đang tiếp cậu ta.
Bỏ mẹ! Hóa ra đồn này đang có hỏa lực mạnh tấn công!
An ơi là An , hu hu …

Tú thêm một kỷ niệm về chân gỗ

3C rất khoái Hường nhưng nhát, toàn rủ mình theo. Nhà Hường ở An Đà, 2 thằng lóc cóc đạp xe đến, chương trình của 3C kéo dài nhiều hôm. Mà cái ngõ đó có mấy thằng rất dữ, có hôm nó suỵt chó báo hại mình leo lên xe chạy gần chết. 
Xe cũ, tuột cả xích, lếch tha lếch thếch. May mà chó chỉ đuổi quãng ngắn. Cũng nhờ đó mà khối hôm ghé thăm bạn Hưng lạc đà, nhà ngay cạnh cống An đà, siết chặt tình bạn


Lang thang ăn sáng tìm người đẹp

Hôm ở HP, ăn sáng với 3C, có đĩa bánh cuốn mà nó làm cốc bia hơi to đùng, chối được uống bia thì Phong tới xách ra chai rượu. Đúng là tránh vỏ dưa đụng vỏ dừa. Dân HP có quả ăn sáng hãi thật.

Phải nói là dịp ra HP họp lớp vừa rồi là một chuyến đi thú vị. 
Sáng ấy tôi và Tú dậy sớm, đi về lại khu T, xông vào tận doanh trại quân đội dưới chân cái tháp nước cao đùng, rồi tìm được nhà số 5.
Lần mò tới nhà 3C không gặp, lại gặp hắn ăn sáng ở cổng trường tiểu học Cát bi. Bánh cuốn cũng ngon nhưng cô bán bánh còn ngon hơn. Người ta nói HP nhiều người đẹp quả không ngoa. 
Cô bán bánh hình như có 1 con đã lúng liếng, cô em gái chừng đôi mươi còn đẹp hơn gấp bội. Hèn gì mà 3C hay ra đây ăn bánh cuốn. 
Mỗi người 2 đĩa bánh cuốn, Phong từ phố cũng xuống, xách thêm chai rượu nếp. Thế là lươn khươn ăn sáng đúng kiểu Hải Phòng, tới tận 9h sáng.
Bữa sáng ngày 22/7 có thể nói là bữa ăn sáng ngon nhất trong năm được không hả 3 chàng Ngự lâm Tú, Phong SL, 3C ?????

Bữa rượu bánh cuốn với hai người đẹp phục vụ, chỉ là sự khởi đầu của một ngày đẹp trời.
Hải Phòng sau cơn bão hụt, mát mẻ dễ chịu. Đường đình đông, dù nay nhỏ thó như con hẻm cũng không mất đi vẻ thanh bình ngày xưa. Chỗ này, trước kia là nhà trang, ngõ kia là nhà Hiền, nhà Trinh hình như cũng ở đây…2 thằng chúng tôi nhẩn nha vòng hết con đường ấy, rồi tới một ngôi chùa u tịch. 
Chùa ấy mấy trăm năm trước, có nàng công chúa con vua Trần về đây tu tập. Thắp hương và vãn cảnh chùa xong, những câu chuyện về các giai nhân 30 năm trước chợt ùa về.
Huệ đâu? Trinh đâu? hàng chục cuộc điện thoại! Gọi tìm Huệ thì có giọng đàn ông bốc máy. Nghe đồn rằng chồng nàng hay ghen! Tú bèn lảng xin lỗi nhầm số !
Lại thêm một vòng Hồ Xuân Hương, Bến Bính…rồi vào nhà thờ chính. 
Không phải là con chiên, cũng chưa yêu chúa, nhưng Noel mấy chục năm trước, chàng và nàng ngượng nghịu theo dòng người hưởng đêm lạnh giáng sinh nơi đây.
Hình như Chúa có nghe lời cầu nguyện.
Điện thoại đổ dồn, giọng nói của một mỹ nhân trong trẻo…
Trưa ấy Tú bỏ tôi đi ăn với giai nhân của 30 năm trước.


Chuyện về giáo dục giới tính
Vũ kể

Tự nhiên sau một buổi chiều, hắn nhìn con gái trong lớp bằng cặp mắt lạ và thấy đẹp hơn.

Hết tiết học thứ 3, một chiều năm học lớp 8, tụi con trai trong lớp nhấm nháy nhau ra khu tập thể giáo viên sát bờ đầm. Khu này vắng, ít người lai vãng, chỉ có dăm con ngỗng hễ thấy người đến là loa cái mồm lên cạp, cạp ca-ạ-ạ-ạp…

Chả biết có chuyện gì mà cả lũ cứ như là buôn bạc giả, xì xào to nhỏ, đứa thì giục bỏ ra đi, đứa thì lấm lét nhìn quanh. Cả bọn đang dồn sự chú ý vào Quốc. 
Giai này thuộc hệ gia đình có điều kiện, anh trai đi tàu viễn dương. Quốc ngày xưa còn có phát ngôn nổi tiếng: nhà tao đủ gạo ăn đến năm 2000. 
Nên nhớ hồi 80,81 phần lớn các gia đình chạy ăn đứt hơi, nhà nào tính tháng là dư dả, còn lại tính tuần tính ngày không.
Nó có cái xe đạp Cuốc Nhật đen nhánh, khi chạy líp kêu xe xè. Thời đầu 80 ai mà cưỡi lên con xe ấy thì ngang với bây giờ chạy xe ô tô BMW.
Đã có điều kiện lại thuộc hàng “đẹp trai, gái mê”, nên mới lớp 8 mà hắn đã kể là đã biết cả bên trong con gái có gì. Không biết hôm nay Quốc khoe món gì đây?

Khi căng thẳng lên đến cực điểm, Quốc mới thong thả rút trong bụng ra một cuốn họa báo. Ngày trước tất cả những cuốn tạp chí có in hình màu, được gọi chung bằng cái tên là họa báo tuốt.
Ai xem họa báo của Liên xô, Trung quốc mà chả xuýt xoa, sao mà màu đẹp thế tươi thế. 
Nhưng mà cuốn họa báo của Quốc lạ lắm! Ngay trang đầu đã có hình một cô gái chỉ gắn 3 chiếc lá vào đúng 3 chỗ. Choáng!
Cả bọn thì thào, lật khe khe từng trang…
Giờ thì đã biết, cái gì bên dưới tấm áo lùm lùm, vun cao của mấy đứa dậy thì
Giờ thì đã biết vì sao Nguyễn Du tả kỹ “Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên”
Giờ thì đã hiểu truyện mô tả đàn ông đàn bà cuộn với nhau như con rắn nghĩa là sao …
Trống báo hết giờ ra chơi. Cuốn họa báo lại chui vào bụng Quốc
Với nhiều đứa nhóm lóc chóc loai choai, giờ ra chơi ấy là một tiết học giới tính đầu tiên. Chỉ có điều tiết học ấy quá ngắn ngủi và quá muộn màng.
Học muộn, học ít, lại thiếu hành. 
Hèn chi, có những người như hắn cả đời vụng về, lúng túng trước đàn bà.

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Lão Hạc đời nay


http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Tac_Gia_Tac_Pham/T-12.htm


"Thì ra cậu Vàng cậu ấy ăn khoẻ hơn cả tôi ông giáo ạ. Mỗi ngày cậu ấy ăn thế, bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào đấy. Cứ mãi thế này thì tôi lấy
tiền đâu mà nuôi được ? Mà cho cậu ấy ăn ít thì cậu ấy già đi, bán hụt tiền, có phải hoài không ? Bây giờ cậu ấy béo trùng trục, mua đắt, người
ta cũng thích..."


Xem thêm

http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%A3o_H%E1%BA%A1c

Phân tích chính thống về lão Hạc

http://tour.edu.vn/phan-tich-nhan-vat-lao-hac-cua-nam-cao-101-875.html

Vợ ông giáo là người duy lý vì thị bảo: ai bảo lão có tiền mà lão chịu khổ.
VN ngày nay năm nào chẳng bội chi ngân sách, vác rá ODA qua Nhật, EU, xin sự giúp đỡ của ADB, WB, IMF mà DNNN thì lại như cậu Vàng. Có lẽ nhà nước VN là một trong những nhà nước nắm giữ nhiều tài sản nhất, từ doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên khoáng sản...vậy mà cư xử y như lão Hạc. Nam Cao thật tài. 

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Tình thửa 15 (1)

Tình thửa 15 hay cô gái năm ấy 
chúng ta cùng theo đuổi

Những năm phổ thông cũng là những năm rung động đầu đời, yêu thầm nhớ trộm, yêu lặng lẽ...ai ai cũng có những kỷ niệm khó quên này. Đặc biệt việc 5,6 anh cùng thầm thương trộm nhớ, để ý tán tỉnh một cô nàng là chuyện lớp nào cũng có. Giai nhân của lớp đi qua để lại cho các chàng trai vô vàn kỷ niệm, còn người đẹp biết hay không biết vẫn trong vòng bí mật. Nàng ơ hờ hay muốn giữ những kỷ niệm đẹp. Các bạn hãy kể về kỷ niệm của chính mình sau khi đọc cuốn này (cũng đã dựng thành phim - tôi cũng đã xem) http://nhanam.vn/sach/co-gai-nam-ay-chung-ta-cung-theo-duoi

Sau 30 năm không gặp, cảnh cũ người xưa được khuấy lên trên forum và các bạn trong lớp đã nhất trí bầu chọn Huệ là giai nhân, kế tiếp là Trinh dù Vũ đòi phải đưa ra tứ đại mỹ nhân.

Nhân: A1 có bạn Huệ, tớ phải lòng hàng mi dài cong veo của bạn ý, chính xác là giai nhân

An: Nhân lại nhắc đến hàng mi rung rinh trái tim nhiều chàng trai ở A1 rùi. Mà bạn Tú tự kể trước đi, xem mức độ thành thật đến đâu nào?

Vũ: Về vụ 4 mỹ nhân. Sáng 21 tháng 7 chúng tôi về trường Hải An, sau đó lên thăm chùa Dư Hàng kênh, rồi nhà thờ Chính toà. trên đường đi có lượn lờ trước cổng nhà các bạn gái ABCDE ở Cát Bi, nhà G,H ở An Đà, nhà K,L,M,T ở Đình đông và nhà XYZ ở các phố xyz....



Câu chuyện đầu tiên về nàng Châu Pha

Tú kể

Hồi lớp 8 thì ai mặc quần loe (ống alo) hơi hiếm, là dân chơi. 8b1 lớp đầu hối trên tầng 2 nên ra chơi có cơ hội nhìn ngắm sân trường (2 cái dãy nhà Unicef hồi mình học đã bị đập bỏ nên hôm về trường cũ cứ thấy lạ, chẳng quen).

Một hôm bỗng thấy hai em b8 rất nổi. Tôi biết 2 bạn này học b8 vì tôi cũng hay lò mò qua dãy bên đó chơi. Một người tôi biết là Hiền, vợ Phong bây giờ. Còn một người dáng cao dong dỏng, quần alo, đội chiếc nón đỏ rộng vành hết sức lạ. Một nét riêng giúp em nổi hẳn (dừng lại câu vìu) để thời gian các bạn nhớ xem đó là ai.

Đúng như An nói. Dạo đó con trai đa phần mới lớn, trẻ trâu đã biết gì đâu (trừ một số chàng phát triển sớm như Đàn, Quốc...) trong khi đám con gái thì nhiều bạn đã lớn rồi, mơn mởn. Bé thì chưa biết sợ, tôi bèn tìm cách làm quen. Thì cũng mấy trò cổ điển, cố tình gặp mặt để cho người đẹp chú ý. Khi thì tình cờ gặp lúc ra chơi, khi thì qua bên lớp người đẹp lảng vảng, khi thì chung đường...đại loại vớ vẩn thế.

Được nàng cười lại, tiếp đến nói chuyện mấy câu vu vơ, đầu Ngô mình Sở thôi mà lòng tôi sung sướng lắm. Chỉ mong được ra chơi, hết giờ tan trường để ngắm bóng em, nói với em dăm câu...Vài tuần trôi qua, cứ thế.

Bỗng một hôm, có thằng bạn nói mày cẩn thận nhé. Con đó là bồ của thằng T. (tên gì tôi nhớ không rõ nữa. Tôi có tật nhớ tên bạn gái hơn là tên mấy thằng con trai). Nó là thằng đầu gấu ở trường (gọi theo kiểu bây giờ), không nhớ ngày xưa mấy đầu gấu gọi bằng gì. Thằng này học trên mình 1 khóa, vừa bị đuổi học. Cũng không để ý lắm vì đang ngất ngây với thành tích.

Vài hôm sau, bỗng xuất hiện 3,4 thằng áp sát tôi khi đi đến cổng trường. Các bạn có nhớ cổng trường chính là cổng sắt phía đường chính, luôn đóng im ỉm, mỗi năm mở vài lần, ngày thường mọi người đều đi lối cổng bên.

Phía bên cổng chính là tường thấp lè tè khoảng hơn 1m, đắp đất, trên là cọc, cây, giây kẽm tùm lum ngăn người lạ vô trường. Thực ra thì không ngăn được vì bị phá.

Thỉnh thoảng trai làng vẫn vô rượt đánh, xin đểu tụi học trò, và đôi khi, cả giáo viên. Thằng T., ngực áo phanh ra, chân đi chữ bát, hai tay dang rộng, tóm lại trong điệu bộ dang ra, hất hàm đe dọa tôi không được trêu ghẹo em nữa. Tôi cũng nóng máu, nhìn bộ dạng thằng này mình đấm nó phát chết, nhưng còn mấy tên bên cạnh, tôi cũng nhận ra, toàn đầu gấu hay bắt nạt học sinh trường.

Cũng may nó chỉ dọa rồi cả lũ trèo qua tường vào trường thị uy, chúng đi tới đâu, bọn học sinh xanh le mắt dạt ra đến đó. Nghĩ lại mình cũng hên nhỉ, chúng nó mà đánh thì chắc mình cũng chạy re kèn.

Kể từ hôm đó, em như biến mất khỏi trường. Không thấy trong giờ ra chơi, không thấy lúc tan trường. Họa hoằn thì em đi thẳng, phớt lờ tôi. Khi tôi qua lớp em cũng ngồi cùng đám bạn gái, không cách nào tiếp cận. Ở trường thì chịu rồi, tôi nhớ địa chỉ nhà em cho hôm trước.

Đạp xe đến, lượn lờ, hỏi thăm, hóa ra ngõ này lớn và chằng chịt. Bà bán nước bảo có đến 7,8 người giống tên em mà tôi lại chỉ biết có ngõ đó. 
Đành chờ đợi, sục sạo hỏi thăm, nhưng chẳng ai biết. Vài tháng sau đến hè, nàng chuyển sang trường khác, mang theo cả nỗi nhớ của tôi, rung động đầu đời thời con nít. Mang theo đi cả thất bại tình trường của tôi. Vậy là không thể saving tình yêu của em.

Con gái luôn khó hiểu, tới giờ tôi cũng không biết vì sao nàng đột ngột cắt cầu, vì thằng T. ư, tôi cũng chẳng tin, vì tôi chưa đủ kiên nhẫn ư, hay đó chỉ là tình cảm thoáng qua như mưa bong bóng ngày hè.

Bình luận của các bạn

An: Ối giời, hoá ra từ lớp 8 mấy ông chíp hôi lớp mình cũng đã biết để ý đến bạn gái lớp khác rồi cơ đấy

Vũ: Có cầm bút chọc chọc vào lưng không bạn?

Hồi đó tôi bị choáng trước các bạn gái nên chỉ dám đứng xa nhìn trộm.

Tóm lại là các bạn ngơ ngác cả, không ai biết Châu Pha là ai.

Vũ: Trời ơi, bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm bây giờ. Vẫn chưa nhớ ra khôn mặt nàng Châu Pha để tìm giúp bạn


Tú: Tôi nghĩ cũng không cần tìm lại, giữ là kỷ niệm lãng đãng có khi hay hơn Vũ à. Nàng Châu Pha này có vẻ ngoài vùng phủ sóng của các bạn lớp mình.