Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Sống chung

17.04.20
Vậy là sau 1 thời gian dài phòng chống, ngăn chặn, cách ly cô vi 1 cách có hiệu quả thì cũng tới lúc cần suy nghĩ về cách sống chung với nó vì vắc xin thì chưa có mà cuộc sống cơm áo gạo tiền vẫn phải tiếp tục.
Như vậy là trong danh mục sống chung với lũ, với ô nhiễm, hạn...giờ có thêm với dịch. Thực ra vẫn còn may mắn vì sống chung với cô vi cũng chỉ là 1 khoảng thời gian

10.03.2020
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào miền tây sống chung với lũ thì giờ đây lại đang làm quen với sống chung với khô hạn và nhiễm mặn do biến đổi khí hậu, do TQ, Lào xây đập thủy điện trữ nước tràn làn trên thượng nguồn.
Ở dưới hạ lưu mà lại vùng đất thấp giờ lại phải sống chung với những điều khắc nghiệt ấy 1 cách thông minh:
- Không xài nước ngầm nữa
- Làm hồ trữ nước ngọt trong mùa mưa
- Bỏ canh tác lúa vụ 3
- Áp dụng phương pháp tưới cây tiết kiệm nước....
Tự cứu mình trước khi đấu tranh với các nước thượng nguồn để bảo vệ duy trì nguồn nước hợp lý công bằng và chờ thời tiết thay đổi.
Còn con đê biển khổng lồ đâu nhỉ? Chắc khó
........................

Chuyện này tôi nghe kể đã lâu nên không còn nhớ rõ là đã đọc từ đâu, nghe từ ai nhưng đại khái chuyện vầy:
Nam bộ là vựa gạo của Vn, vậy mà năm nào cũng hứng chịu lũ lụt, bà con rất khổ. Một đề tài cấp quốc gia qui tụ hàng chục giáo sư tiến sỹ đầu ngành ra đời nhằm đưa ra phương án trị lũ.
Trải qua thời gian nghiên cứu, kết luận cuối cùng đạt được sự phê duyệt của lãnh đạo là: sống chung với lũ.
Vâng, đó là phương án tối ưu. Dân Nam bộ đã sống chung với lũ ngàn đời nay rồi.
Note: kết luận này có trước khi có cảnh báo biến đổi khí hậu của thế giới. Khi đó VN sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc nước biển dâng. Có lẽ phải làm lại nghiên cứu chứ không thể sống chung với ngập được, phải không bà con.
Chuyện thứ 2
Tết rồi tôi đọc báo nhưng không nhớ là báo nào kể chuyện nông dân ngoài Bắc đi cày ra thơ như vầy:
Ngày xưa ông nội đi cày
Ngày nay cháu cũng đi cày như ông.
Vậy là nhiều đời nông dân sống chung với cái cày và con trâu, dai dẳng.
Xưa đã có thời tưởng rằng nông dân sẽ có máy cày thay trâu nhưng lại là thất vọng vì “trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”.
Hai chuyện đầu nói về nông dân, chuyện này nói về thành phố.
Trong đời tôi có 2 lần nhìn cảnh vật thấy ấn tượng sâu sắc mãi:
1 là nhìn thấy vệt bom B52 và 2 là đi tàu biển Thống nhất nhìn thấy tòa nhà 12 tầng đường Nguyễn Huệ, cảnh như trong họa báo, như trên phim. Tây là đó chớ đâu.
Hồi nhỏ, tui sống ở Cát bi Hải phòng, khi mới đó, đường từ cầu Rào xuống Cát bi do Pháp mần còn tốt, trải nhựa phẳng, hai bên là thông và phượng, sâu trong nữa là vệt bom B52 cứ khoảng 80m một hố nước trong, cỏ dại mọc um tùm và có cá.
Mấy năm sau, nước máy yếu dần rồi hư. Các gia đình hợp lại hạ vòi nước tập thế xuống sâu. (hồi nẳm, ngoải cái chi cũng tập thể, từ nước, ị đến…cái nầy nhiều bạn kể rồi. Ngay tiếng kèn vuvuzela gì đó của WC Nam Phi tui cũng không lạ, nghe giống tiếng nhặng xanh trưa hè).
Vài tháng yên ổn rồi nước lại không có, tập thể lại bàn ra quyết định đào đường vì ống cấp nước bên này đường đã hư, ống bên kia đường còn tốt.
Ổn chuyện nước, nhưng khu phố này bắc chước khu phố kia nên sau mấy tháng đoạn đường khoảng 1km thì có vài chục rãnh xẻ ngang.
1985, vô Tp.HCM thấy hoành tráng quá, đường rộng nhà cao…những cái đó bạn nào nhà quê ra tỉnh như tui cũng trải rùi, khỏi kể nữa. Năm đó mà nhìn ra xa đã thấy khói xanh um. Hỏi được giải thích khói xe thải  nhiều do dung dầu cặn, xăng xấu.
Mấy chục năm sau, TP giống Cát bi xưa, đào đường, lô cốt. Dân thành phố chừ cũng sống chung với kẹt xe, ô nhiễm, thực phẩm nhiễm chất độc hại, ngập do mưa, do triều cường…vậy giờ dân thành phố cũng sống chung với đủ thứ trên đời.
Thế là sống chung nay đã trở thành văn hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét