Những ngày làm CTV
Một buổi sáng 1999, ghé sạp
báo thấy có tờ tạp chí mới về ngành mình đang làm – chứng khoán bèn mua mang về
cơ quan đọc. Cầm trên tay ấn bản đầu tiên của tạp chí đầu tư chứng khoán điều đầu
tiên nhìn thấy là phong cách chuyên nghiệp của trang bìa.
Cũng dễ hiểu vì nó có
cơ quan chủ quản là bộ KHĐT. Ngày ấy những tờ báo như VIR, Đầu tư của bộ là những tờ có uy tín, chất
lượng viết về kinh tế, kinh doanh ở Việt nam thu hút được đông bạn đọc và giới
doanh nhân nước ngoài.
Vì là tờ đầu tiên nên tôi đọc
kỹ càng lắm, và thấy phấn khởi vì đây là dấu hiệu cho thấy thị trường chứng
khoán chắc chắn sắp đi vào hoạt động.
Dạo đó, những người biết về
TTCK còn rất ít, khi tôi nói làm ở Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM (tiền
thân của Hose) thì mọi người ngơ ngác, hỏi đi hỏi lại mấy lần, có người còn nói
chọn nghề chi mà xa xôi thế, chắc 20 năm nữa mới phát triển. Có người gởi đồ
cho tôi còn ghi Ủy ban trứng khoáng….
Nói thế để các bạn thấy truyền
thông quan trọng như thế nào, nay Bộ KHĐT chơi lớn vậy thì chúng ta hiểu là
Chính phủ đã rất quyết tâm mở cửa thị trường.
Nghĩ vậy nên tôi bàn với mấy
anh em trong phòng quản lý thành viên ( quản lý các công ty chứng khoán là
thành viên của TTGDCK, Sở GDCK) là mình góp một tay vô viết bài cho tạp chí ĐTCK.
Việc này vừa có lợi giúp công chúng hiểu được thị trường chứng khoán và cũng là
dịp để anh em trau dồi thêm nghiệp vụ, khả năng viết lách và có thêm thu nhập…
Mấy anh em gồm Tô Đình Khôi, Hoàng
Tuấn Cường, Dương Quang Phú, Nguyễn Hữu Tuấn, Võ Hoài Anh và tôi tới gặp anh
Chính là trưởng đại diện tạp chí ĐTCK tại
Tp.HCM bàn việc phối hợp, ở đây chúng tôi cũng gặp anh Nguyễn Hồng Phó TBT khi ấy
là phóng viên trẻ mới ra trường. Buổi gặp rất vui do tất cả anh em cùng chí hướng
và anh Chính là người có kinh nghiệm làm báo với vốn tiếng Anh rất tốt.
Nhóm về mới phân công nhau,
người viết bài giới thiệu chứng khoán là gì, thị trường chứng khoán abc, người
giới thiệu về hoạt động của công ty chứng khoán, môi giới rồi quỹ đầu tư hoạt động
ra sao cho đến nhà đầu tư cần biết những gì, làm gì để bảo vệ mình, đọc bảng điện,
ký hiệu rồi báo cáo tài chính, chỉ số…nguồn tài liệu thì sẵn, nhưng khó là phải
chuyển nó thành ngôn ngữ báo chí sao cho không sai mà vẫn đơn giản, dễ hiểu và
thu hút được người đọc.
Có những bài được đăng liền,
có những bài trễ. Có bài phải sửa nhiều, có bài được yêu cầu viết dài ra, viết
thêm hoặc bị cắt ngắn lại. Một thời gian ngắn anh em quen tay viết đều đều thì
thị trường đi vào hoạt động, thế là lại thêm mục diễn biến thị trường như kiểu
tường thuật bóng đá, phân tích thị trường.
Nghiêm túc mãi thì cũng khô
nên chúng tôi tìm thêm những mục liên quan như đố ô chữ, kinh nghiệm đầu tư,
thành ngữ đầu tư từ báo chi nước ngoài bổ sung cho phong phú…
Có những bài khi mới viết chỉ
là thuần dịch thuật như viết về hoạt động của CTCK, rồi kỳ qua kỳ, khi mình viết
tới nghiệp vụ nào, phòng ban nào lại phải tìm thêm tài liệu để đọc hay hỏi các
bạn làm trực tiếp ở CTCK cho hiểu để viết cho đúng. Hay những mục giới thiệu
cách tính chỉ số PE, EPS…thì khi BCTC của công ty ra, mình lại phải tính toán,
so sánh xem mình tính vậy so với các nguồn khác như CTCK, quỹ có sai lệch gì
không, vì sao? Trông vậy chớ tỉ mẩn, tốn thời gian mà khi viết ra cũng có được
một đoạn ngắn.
Có những kiến thức ngỡ như
chuẩn mực, xương sống khi học nhưng khi thị trường đi vào hoạt động thì gặp những
thử thách như lý thuyết thị trường hiệu quả. Lý thuyết thì cho rằng thông tin
phản ánh vào giá và con người suy tính một cách hợp lý. Nhưng cuộc sống thì lại
đa dạng, thế là lại lần mò tìm hiểu, giới thiệu về tâm lý hành vi trên thị trường.
Hay có những thuật ngữ dịch từ
tiếng Anh qua chưa thống nhất được cãi nhau chí chóe, rồi khi bài ra, nhiều người
phản hồi từ đó chưa đúng, từ này không chuẩn hay sai ngữ nghĩa…
Giờ thỉnh thoảng ngồi lại với
nhau, người còn làm ở trong ngành chứng khoán và lien quan như UBCKNN, Hose,
CTCK, Quỹ, Kiểm toán, người ra ngoài mở DN, người ở nước ngoài… chúng tôi đều
nhắc lại thời làm CTV cho tạp chí ĐTCK như 1 kỷ niệm đẹp của một thời trong trẻo,
nhiệt huyết muốn chung tay góp sức cho TTCK. Khi chưa hoạt động thì tuyên truyền
giới thiệu kiến thức cơ bản, khi thị trường hoạt động thì hỗ trợ thông tin truyền
tải được nhanh chóng chính xác, khi có điều gì khúc mắc sai lệch với thực tế
thì tìm tòi giới thiệu kinh nghiệm của nước ngoài.
Những kỷ niệm cũng không kém
phần lãng mạn vì mọi người trong nhóm khi ấy còn chưa lập gia đình đều lấy tên
người yêu, người trong mộng ra làm bút danh. Giờ mà vợ hoặc chồng soi lại quãng
đấy thì khối anh tái mặt. Cũng vì lý do đó mà người đọc cho tới giờ cũng hầu
như không biết sự cộng tác chặt chẽ, nhiệt tình của nhóm thành viên của P.QLTV
TTGDCK Tp.HCM với ĐTCK vào những ngày đầu
khi tạp chí mới ra đời.
Tp.HCM ngày 05-12-2019
15 năm trôi qua vùn vụt. Mới ngày nào là năm 2000. Vào năm đó, TTCK Việt Nam đi vào hoạt động. Sáng sáng vài chục nam thanh nữ tú từ các công ty chứng khoán lại tập trung vào căn phòng lối hơn 200 m2 gọi là sàn giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM (Hostc) để ngồi gõ lệnh mua bán nhập vô hệ thống giao dịch.
Sàn giao dịch nằm tại tầng trệt khu nhà B, trước vốn là nhà cho thư ký, thượng nghị sỹ chế độ cũ mỗi khi về họp tại hội trường Diên Hồng phía trước làm việc, ngủ nghỉ. Khi cải tạo thành sàn thì tiến hành đập tường nối thông nên có hai hàng, mỗi hàng 4 cột tướng. Điện chạy nổi được lấy từ mạng âm tường có sẵn từ xưa, PCCC trang bị 4 bình chữa cháy lớn bên ngoài (dĩ nhiên là không có khái niệm cảm ứng báo cháy).
Thoạt tiên có 12 bàn giao dịch. Bàn này do Bách vẽ kiểu, mà vàng, màn hình CRT được dấu trong hộc, khá đẹp. Mỗi bàn có 2 màn hình giao dịch, màn hình giữa dành cho CTCK để truyền số liệu. CTCK sẽ truyền lệnh vô cho đại diện sàn bằng máy fax, điện thoại bàn, di động or qua màn hình ở giữa.
Với phương thức này thì tự động ở đâu không biết, khi lệnh đến thì đại diện sàn bắt buộc phải gõ thủ công để nhập vô hệ thống. Như vậy thông thường mỗi bàn sẽ có 2 người nhập lệnh, 1 người đọc và soát lệnh.
Khi mới ra thị trường sôi sùng sục, nhà đầu tư xếp hàng từ 5h sáng, nóng đến mức bản tin của Host phải đăng tin: dự kiến ai mua sẽ phải giữ 90 ngày, không được bán liền - dĩ nhiên là tin dọa.
Khách như thế nên xuất hiện tình trạng bên ngoài gọi là tranh mua khi thị trường lên, tranh bán khi xuống còn giới trong sàn gọi là đua lệnh.
Mấu chốt là chỗ này, ai nhập lệnh được nhanh vì ưu tiên lệnh vào trước ưu tiên trước. Trước khi được chấp nhận làm đại diện sàn thì ngoài giấy phép hành nghề môi giới còn phải qua huấn luyện sử dụng phần mềm DCTerm. Test thử cho thấy để nhập xong một lệnh chừng 20 ký tự trên bàn phím PC mất hơn 3 giây rưỡi.
Ngoài kỹ năng nhập lệnh nhanh thì tốc độ truyền lệnh từ CTCK tới sàn giao dịch sao cho nhanh cũng là một vấn đề.
Bây giờ ngồi giữa smartphone rồi đường truyền băng thông rộng khó hình dung về thời sử dụng internet bằng dial up, rồi cân nhắc mãi xem việc truyền lệnh vào rồi công bố thông tin thị trường ra thì hạ tầng viễn thông có đáp ứng nổi không vì hồi đó mới dùng tới giao thức X25.
Tới năm 2008 giao dịch trực tuyến ra đời đã dẹp bỏ được tình trạng nghẹn cổ chai trong khâu nhập lệnh này.
Như vậy sự cạnh tranh về thời gian từ những năm 2000 được tính bằng giây thì qua giao dịch trực tuyến đã tính tới phần trăm (%) giây.
Có một điều thú vị là khi lập dự án xây dựng lại tòa nhà B cao 12 tầng thì nhiều người đã rất hi vọng các CTCK sẽ thuê ngay vì một lý do đơn giản là nếu truyền lệnh từ đó vào hệ thống giao dịch sẽ rút ngắn được thời gian tính bằng % giây tùy theo khoảng cách.
Đối với công chúng đầu tư thì thời gian được thể hiện bằng tốc độ thay đổi xanh đỏ trên bảng điện tử. Có lẽ chờ đèn đỏ dưới trời nóng 40 độ còn chưa khó chịu bằng độ đỏ trên bảng điện. Mới phút trước còn xanh ngăn ngắt mang lại sự mừng vui hoan hỉ thì đỏ lại mang cảm xúc trái ngược. Có trải qua những thời khắc đó mới thấm thía thế nào là bầy thú điện tử.
Tiếp xúc với tốc độ cao thì con người trẻ phù hợp nên nhân lực ngành chứng khoán từ CTCK, Quỹ, SGDCK, UBCK… so với các ngành khác cũng trẻ hơn nhiều. Những đại diện giao dịch tại sàn ngày nào giờ đa số trở thành tổng giám đốc, giám đốc…các CTCK, CTQLQ…
10 năm là một khoảng thời gian quan trọng để đo đếm sự thành bại của cá nhân, tổ chức. Nhà nước, tổ chức cũng cũng thường đặt ra kế hoạch 5 năm, 10 năm. Nếu 1 cá nhân làm trong 1 tổ chức, làm giàu…sau 10 năm sẽ đạt những kết quả, thành tựu. Còn nếu sau 10 năm mà không thành tựu thì coi như lựa chọn nghề nghiệp, lĩnh vực kinh doanh sai.
Nếu ta để ý sẽ thấy TTGDCK Tp.HCM từ khi hoạt động phục vụ thị trường năm 2000 là đơn vị hành chính sự nghiệp, tới năm 2007 được nâng cấp chuyển đổi thành SGDCK, là một công ty TNHH 1TV và 2015 lại có kế hoạch sáp nhập với HNX để trở thành SGDCKVN.
Như vậy chu trình 10 năm đã được rút ngắn xuống còn 7,8 năm. Ảnh hưởng của thời gian, của công nghệ lên tất cả các thành phần liên quan đến TTCK là không thể phủ nhận và chúng ta đều được hưởng lợi từ sự tăng tốc này.
Ghi chú:
- Thuật ngữ dial-up là khái niệm quen thuộc đối với nhiều người. Nhất là khi internet trở nên phổ biến, dial-up được rất nhiều người sử dụng để kết nối vào hệ thống thông tin toàn cầu này. Khái niệm về dial up nhìn theo góc độ chuyên môn đơn giản là một phương pháp nối kết trong đó người sử dụng phải quay số (dial) tới số của đích mà người đó muốn kết nối. Hai môi trường hỗ trợ cho dial-up là PSTN và ISDN (Mạng điện thoại công cộng và mạng tích hợp dịch vụ số).
Dial-up có thể giúp kết nối một người dùng ở xa vào hệ thống LAN, kết nối LAN-to-LAN hay dùng làm đường backup cho các đường liên kết leased line, X25 hay Frame Relay.
Dial-up là phương pháp kết nối có chi phí thấp và tiện dụng, có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Nhược điểm của dial-up là tốc độ và độ tin cậy không cao như các công nghệ khác.
Phương pháp Dial-up hiện nay thường dựa vào giao thức truyền thông PPP (point-to- point protocol.
(nguồn: https://voer.edu.vn/m/gioi-thieu-ve-dial-up/db37eca7)
- Giao thức X.25 là một đề nghị của CCITP (ITU) định nghĩa các kết nối từ thiết bị đầu cuối và máy tính đến mạng chuyển mạch gói. Nhiều công ty đã sử dụng X.25 thay cho đường quay số hay đường dây thuê bao, để thiết lập liên kết với các văn phòng hay người dùng ở xa. X.25 là một dịch vụ chuyển mạch gói được thiết lập tốt (hiện nay có lẽ hơi lỗi thời), trước đây được sử dụng để nối kết các thiết bị đầu cuối ở xa với các hệ thống chủ. Dịch vụ này cung cấp các kết nối any-to-any cho các người dùng đồng thời. Các tín hiệu từ nhiều người dùng có thể được hợp kênh (multiplex) thông qua giao diện X.25 vào mạng chuyển mạch gói và phân phối tới các nơi khác nhau. Giao diện X.25 hỗ trợ tốc độ đường truyền lên tới 64 Kbit/giây. Giao thức này được CCITT chuẩn hóa vào năm 1976, được tái xem xét nhiều lần, và nâng lên tốc độ 2Mbit/giây trong lần tái xét vào năm 1992. Kiến trúc chuyển mạch gói của X.25 có các ưu điểm lẫn khuyết điểm. Các gói thông tin được định hướng thông qua một mạng lưới dựa vào thông tin địa chỉ đích trong tiêu đề của gói dữ liệu. Người dùng có thể kết nối với nhiều nơi khác nhau, không như các mạng chuyển mạch điện, trong đó chỉ tồn tại các đường dẫn giữa hai điểm. Tuy nhiên vì đây là mạng chia sẻ, sẽ có những trì hoãn khi lưu lượng gia tăng.
(nguồn: http://tratu.soha.vn/dict/en_vn/X.25)