Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

CỬU BIẾN THIÊN



Tôn Tử nói: Phàm phép dùng binh, tướng thụ mệnh vua, tập hợp quân đội, bĩ địa không dừng quân, cù địa phải nghĩ tới giao kết, tuyệt địa không được nấn ná, vi địa cần tính toán, tử địa phải quyết chiến.
Lại phải biết cái lợi của phép cửu biến:
  1. Mưu có khi không dùng
  2. Giao chiến có khi không đối cự
  3. Lợi có khi không lấy
  4. Đường có khi không đi
  5. Địch đến có khi không đánh
  6. Thành có khi không tấn công
  7. Đất đai có khi không giành
  8. Mệnh vua có khi không tuân
  9. Binh pháp có khi không giữ
Vì thế, tướng tinh thông cửu biến là người biết dùng binh. Tướng không tinh thông cửu biến dù  biết địa hình cũng không biết nổi cái lợi của địa hình, hoặc dù biết cái lợi của địa hình cũng không dùng nổi người đủ sức vận dụng cái lợi đó.

Luận giải
Sử dụng “Cửu biến thiên” để phân tích vị thế công ty trên thị trường và năng lực xử lý theo tình huống.
Vị thế của công ty trên thị trường được chia thành 5 mức cơ bản:
-         Ơ bĩ địa, không đóng đồn. Bĩ địa là chỗ trũng thấp, bốn mặt xung quanh đều cao hơn. Tức là thị trường đang trong tình trạng suy giảm, đang có các thị trường khác sẵn sàng xâm lấn. Công ty không nên đi vào thị trường này hoặc phải nhanh chóng rút lui.
-         Ơ cù địa,kết giao với các nước. Cù địa là đất bằng phẳng, tiện đường giao thông với bốn phương. Thị trường đang ở vị thế rộng mở cho tất cả các đối thủ, công ty nên thực hiện chính sách liên kết để phân chia thị trường.
-         Ơ tuyệt địa, không được nấn ná. Tuyệt địa là đất không có sông suối, địa hình hiểm trở, không có đường giao thông. Thị trường có những khó khăn đặc biệt với công ty như hệ thống phân phối lệ thuộc đối thủ cạnh tranh, công nghệ…ở thị trường này công ty không nên xâm nhập.
-         Ơ vi địa, cần tính toán. Xung quanh là địa thế hiểm trở, quân ta di chuyển khó khăn, địch có thể phát binh vây hãm được gọi là vi địa.  Thị trường có nhiều rủi ro và đối thủ đang chiếm lợi thế, trong tình trạng này nhà quản lý cần  tính toán  những mưu hay, kế lạ để đối phó.
-         Ơ tử địa, cần quyết chiến. Tử địa là thế đất trước không có ngõ tiến, sau  không có đường lui. Công ty đang ở trong tình trạng đã đầu tư vào thị trường truyền thống nhiều, không rút ra được, đồng thời cũng không có kinh nghiệm hay công nghệ để chuyển sang thị trường khác. 
Ơ tình thế này công ty cần  áp dụng những biện pháp quyết liệt nhằm chiếm lĩnh lại thị trường. 
Kinh doanh là việc quyền mưu, không thể tiến hành một cách cứng nhắc. 
Chín là con số lớn nhất của hàng đơn vị, cửu biến tức là chỉ cách biến hóa cùng cực theo tình huống của việc kinh doanh. Những tình huống này gồm có:
-         Mưu có khi không dùng. Trong kinh doanh, đối phó với đối thủ thường dựa vào việc dự đoán hành động của họ. Cho nên nhiều khi phải sử dụng biện pháp hư hư thực thực để đối thủ không dò biết được ý đồ thật sự của công ty.
-         Giao chiến có khi không đối cự. Theo lẽ thường, khi một công ty giảm giá thì các công ty khác cũng lần lượt lao vào cuộc cạnh tranh. Tuy nhiên nếu công ty đang giữ được liên kết đủ mạnh với các công ty khác để giữ giá trên thị trường thì có thể không cần phải lao vào cuộc đấu nội lực này.
…………
-         Lợi có khi không lấy. Cần tỉnh táo phân biệt có những thị trường đời sống rất ngắn ngủi. Cho nên có cơ hội kinh doanh chưa chắc đã làm nếu lợi bất cập hại.
-         Đường có khi không đi. Việc vận chuyển hàng hóa hoặc cung ứng nguyên vật liệu nếu dựa vào một số ít nhà cung cấp chính có lợi về giá nhưng lại bị phụ thuộc vào họ. Cần cân nhắc kỹ càng tình huống đối thủ cạnh tranh có thể gây sức ép với những nhà cung cấp này.
-         Địch đến có khi không đánh. Thành có khi không tấn công. Đất đai có khi không giành. Công ty đang ở thế thượng phong. Có những đối thủ công ty có thể chiến thắng dễ dàng, nhưng công ty vẫn không nuốt chửng họ vì nếu làm như vậy có thể lâm vào tình trạng độc quyền khiến những đối thủ khác căm ghét như Microsoft là ví dụ điển hình.
-         Mệnh vua, có khi không tuân. CEO phải được độc lập, nếu hội đồng quản trị hoặc cơ quan chủ quản không hiểu lẽ ấy, can thiệp vào hoạt động của công ty sẽ làm yếu công ty trong đa số trường hợp. 
Việc nghiên cứu động cơ xăng 4 thì sử dụng cho xe gắn máy là một ví dụ nếu tuân theo ý lãnh đạo thì Honda đã không thành công như thế với các loại xe máy 4 thì.
-         Binh pháp có khi không giữ. Khi những nguyên tắc, qui định trở nên lạc hậu không còn phù hợp, thậm chí cản trở công việc thì cần phải tiến hành thay đổi. 
Lehman & Brother là một công ty chứng khoán nổi tiếng trước đây, khi việc kinh doanh phát đạt công ty vẫn duy trì hệ thống thang lương theo thâm niên và phớt lờ thành tích kinh doanh của nhân viên. 
Hậu quả nhãn tiền là những nhân viên giỏi lần lượt ra đi,  Lehman & Brother trở nên suy yếu đến mức không gượng dậy được và đã bị công ty khác mua lại, một dấu chấm hết cho một quá khứ lẫy lừng chỉ vì khăng khăng cố chấp.
Cho nên,  một CEO (tổng giám đốc điều hành) giỏi tính toán tất dựa vào cả lợi thế và rủi ro để cân nhắc, dựa vào lợi thế cạnh tranh để thấy việc mưu tính có thể đạt được, dựa vào rủi ro để thấy họa hoạn có thể giải được.
Như vậy người CEO, trong kinh doanh, không trông chờ đối thủ không đến mà sở cậy ở tư thế sẵn sàng đợi đối thủ tới bằng những hành động chủ động như  lấy nguy hại để khuất phục công ty khác, lấy công việc để sai sử công ty khác, lấy lợi lộc để dẫn dắt công ty khác.
Vì thế, CEO có 5 mối nguy mà những nhà phân tích cần phải đánh giá xem CEO của công ty có bị mắc phải hay không:
-         Liều chết có thể bị giết. CEO có phải là người liều lĩnh, mạo hiểm hay không. Một CEO liều lĩnh có thể đạt được thành công nhanh chóng nhưng khi tình thế thay đổi có thể làm tổn hại trầm trọng tới công ty mà vụ phá sản của ngân hàng Barings là một ví dụ.
-         Tham sống có thể bị bắt. Ngược lại, một CEO nhút nhát không quả đoán có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh và đưa công ty vào tình thế khó khăn do quá nghe lời cấp trên.
-         Nóng giận có thể bị lầm mưu. CEO này hay làm cho công ty luôn phải vội vã đuổi theo đối thủ, cạnh tranh với đối thủ mọi nơi mọi lúc mà không nghĩ tới sức của công ty mình.
-         Liêm khiết có thể bị lăng nhục. Ngay cả một CEO muốn được tiếng liêm khiết cũng có thể gây hại tới công ty vì khi đối thủ tung tin thất thiệt làm cho ông ta chỉ còn chăm chăm bảo vệ thanh danh của mình và không còn sức nghĩ tới công ty.
-         Thương dân có thể bị phiền não. Khi công ty bắt buộc phải tái cấu trúc để lấy lại lợi thế cạnh tranh, điều này đòi hỏi phải cắt giảm chỗ làm. Nhật có truyền thống không sa thải nhân viên, do vậy khi nền kinh tế suy thoái, các công ty Nhật đã phải vật vã rất nhiều rồi cũng phải tiến hành sa thải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét