Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

THỦY KẾ THIÊN


LỰA CHỌN CỔ PHIẾU 
BẰNG BINH PHÁP TÔN TỬ

Giá cổ phiếu lên xuống phụ thuộc rất nhiều vào việc công ty hoạt động tốt hay xấu trong hiện tại và tương lai. 
Có một điều khó khăn cho chúng ta là phần lớn mọi người không phải là dân phân tích chứng khoán chuyên nghiệp. 
Vậy làm sao có thể lựa chọn chính xác được cổ phiếu mua bán mà vẫn dựa được vào những kiến thức sở trường của mình. 
Để giúp phần nào cho các bạn trong việc đánh giá khả năng hiện tại cũng như tương lai của công ty chúng tôi xin cung cấp 13 thiên trong Binh pháp Tôn tử phản ánh 13 vấn đề chính của công ty để các bạn tham khảo.
Điều thú vị là ngành nghề chuyên môn, vốn sống của bạn sẽ có khả năng phù hợp với ít nhất 1 trong 13 thiên này. 
Từ nền tảng kiến thức của mình, bạn sẽ có cơ hội hiểu sâu hơn về công ty mà mình muốn tham gia mua bán – tức là mở ra cho bạn một hướng đầu tư mang tính triết lý Á Đông, một điều khác với tính “số hóa” của Tây phương.
Như chúng ta đã biết, “Tôn  Tử binh pháp” là một tác phẩm của người Trung Hoa gồm có 13 thiên đã ra đời cách đây 2.500 năm và không ngừng tỏa sáng.
Tôn Tử binh pháp không những được các danh tướng A Châu nghiền ngẫm và coi là tinh hoa của nghệ thuật dùng binh mà ngày nay tác phẩm của ông còn được các nhà quân sự trên thế giới tham khảo, so sánh với các binh thư cổ điển của Tây phương như sách của J.Cesar, Napoleon…Trong những so sánh này, sách của Tôn Vũ Tử được đánh giá là sâu sắc và toàn diện hơn.
Mục đích của binh pháp Tôn Tử không phải là đánh bại kẻ thù mà là giành phần thắng cho ta. 13 thiên được gói gọn trong lời nói của Tào Tháo: “Gốc ở nhân nghĩa, dựa vào quyền mưu” .
Như vay, Tôn Tử binh pháp không chỉ là một cuốn sách dạy về hành binh bố trận mà nó bao gồm tất cả những phương pháp xử thế trong quan hệ xã hội, thương lượng đàm phán, kinh doanh, đầu tư…để có thể bước tới thành công tùy theo mục đích của người nghiên cứu.
Do đó, binh pháp được sử dụng vào việc phân tích vị thế của công ty trên thị trường, dựa vào phương cách hành động và kết  quả kinh doanh của công ty trong quá khứ và hiện tại để ước đoán sự phát triển của công ty trong tương lai.

Để tiện cho việc phân tích, diễn giải chúng ta tóm tắt sơ lược từng thiên theo ngôn ngữ kinh tế:
1.      Thủy kế: Thủy, theo người Trung Hoa cổ đại là gốc của ngũ hành. Cho nên thiên này đề cập tới triết lý kinh doanh cũng như văn hóa công ty và tầm quan trọng của phương pháp quản lý theo tình huống.
2.      Tác chiến: phương pháp điều hành tổ chức hoạt động của công ty và vai trò của cấp quản lý, đặc biệt là vai trò của giám đốc tài chính (CFO: chief finance officer).
3.      Mưu công: hiệu quả kinh doanh của công ty và những yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh.
4.      Quân hình: những lợi thế cạnh tranh hiện tại và tiềm năng của công ty so với các công ty khác trên thị trường.
5.      Binh thế: Lĩnh vực kinh doanh và phương pháp kinh doanh, đầu tư  theo danh mục sản phẩm của công ty.
6.      Hư thực: Chiến lược kinh doanh phát triển thị trường.
7.      Quân tranh: Tình hình và phương pháp cạnh tranh của công ty đối với các đối thủ.
8.      Cửu biến: Vị thế công ty trên thị trường và năng lực xử lý theo tình huống của công ty.
9.      Hành quân: Quá trình phát triển và tái lập công ty.
10. Địa hình: Những rủi ro của công ty.
11. Cửu địa: Đặc điểm của loại thị trường mà công ty đang hoạt động.
12. Hỏa công: Những tình huống đặc biệt mà công ty phải đối mặt.
13. Dụng gián: Hệ thống thu thập, phân tích và bảo vệ thông tin của công ty.

THỦY KẾ THIÊN
Tôn Tử nói: Binh là một việc lớn của quốc gia, vấn đề sống chết, con đường còn mất, không thể không xét biết.
Cho nên, phải lấy Ngũ Hiệu làm kế và cần thấu hiểu tường tận: một là Đạo, hai là Thiên, ba là Địa, bốn là Tướng, năm là Pháp.
-         Đạo là khiến cho dân có cùng ý chí với người trên, sẵn sàng cùng sống, cùng chết, không sợ nguy nan.
-         Thiên là âm dương, nóng lạnh, sắp đặt theo thời tiết.
-         Địa là hình thế của đất, xa gần, hiểm trở, bình dị, nơi sống, nơi chết.
-         Tướng là trí, tín, nhân, dũng, nghiêm.
-         Pháp là cách sắp đặt tổ chức, điều động.
Phàm 5 điều trên, tướng không thể không nghe thấy, người biết rõ sẽ giành phần thắng, người không biết rõ không thể giành phần thắng.
Kế hay đã có, còn phải dựa vào tình huống bên ngoài mà tạo ra thế. Thế là dựa theo thực tế mà ứng biến cho có lợi.

Luận Giải:

I. Kế Ngũ Hiệu:
Kinh doanh là công việc sống còn của công ty cho nên không thể không xét đến kế Ngũ Hiệu:
1.      Đạo là triết lý kinh doanh và văn hóa công ty. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt. Cho nên khi xem xét công ty ta phải xét cách nhân viên đồng ý với lãnh đạo. Họ có hiểu và thực hành theo triết lý kinh doanh mà công ty đưa ra hay không. Tình đoàn kết và mối quan hệ trong nội bộ công ty ra sao. Có tự hào là người của công ty hay không.
2.      Thiên là xu thế và chu kỳ kinh doanh. Phân tích thị trường mà công ty hoạt động đang ở trong tình trạng thuận lợi hay khó khăn. Lĩnh vực kinh doanh của công ty có phù hợp với môi trường xã hội, luật pháp và tập quán tiêu dùng của nhân dân hay không.
3.      Địa là những rủi ro mà công ty đang và có thể sẽ gặp phải trên thị trường. Đánh giá mức độ cạnh tranh của thị trường khốc liệt hay còn nhiều tiềm năng. Các công ty dễ dàng hay khó khăn trong việc gia nhập hoặc từ bỏ thị trường; mức độ dễ dàng/khó khăn đó liên quan đến vốn, nhân lực, công nghệ, chính sách của nhà nước …Công ty có bị phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nhiên, nguyên vật liệu hay phụ thuộc vào một số khách hàng chính hay không.
4.      Tướng (cấp quản lý) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều hành công ty. Như vậy ta phải xét tới chính sách nuôi dưỡng và trọng dụng nhân tài của công ty. Phân tích xem giám đốc điều hành đạt được những điều gì trong:
-         Trí là quyền mưu, thông  cơ biến, liệu được tiên cơ. Tính việc chu đáo, gặp biến động không kinh hãi. Nhận rõ những lợi thế, rủi ro của đối thủ và công ty để mưu chiến thắng.
-         Tín là tín nghĩa, thưởng phạt công minh.
-         Nhân là biết nỗi khó nhọc của nhân viên, làm cho nhân viên cảm mến, thán phục.
-         Dũng là quyết đóan và dám lãnh trách nhiệm.
-         Nghiêm là biết dùng uy lệnh cho nhân viên tuân thủ kỷ luật
Người trên thiếu đạo đức sẽ làm cho cấp dưới không tâm phục. Cho nên, đạo đức kinh doanh là điều quan trọng đầu tiên rồi mới đến chiến thuật kinh doanh.
5.      Pháp là cách sắp xếp, tổ chức công ty, điều động công việc và đánh giá, khen thưởng, kỷ luật nhân viên. Xem tổ chức của công ty có gọn nhẹ, hợp lý hay không. Năng suất và chất lượng công việc có cao và ổn định cũng như  giám đốc có thể ra được quyết định nhanh chóng giúp công ty phản ứng linh hoạt với diễn biến thị trường không.
Như vậy, việc phân tích, đánh giá tổng quát công ty bao gồm:
-         Mức độ phù hợp và thuyết phục được mọi người của triết lý kinh doanh và văn hóa công ty.
-         Tài năng của giám đốc điều hành.
-         Có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.
-         Năng lực sản xuất, phân phối sản phẩm và cung ứng dịch vụ.
-         Kỹ năng của lực lượng lao động.

II. Ưng biến theo tình huống:
Ngoài việc đề cao việc tạo thế bất khả bại, Tôn Tử rất coi trọng vai trò của Tướng . Do vậy, sau khi so tính lợi hại của công ty trên thị trường ta còn phải xét tới năng lực giải quyết theo tình huống của giám đốc công ty, tức là khả năng nhân tình hình thế lực của công ty và thị trường mà tạo ra thế (năng lực căn cứ vào thực lực  và thực tế mà ứng biến cho có lợi của giám đốc điều hành).
Binh là việc ngụy trá. Cho nên có năng lực mà tỏ ra vô năng, dùng mà tỏ ra không dùng, gần mà là như cách xa
Trong kinh doanh thì việc giữ bí mật kế hoạch kinh doanh của công ty cũng có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì nếu đối thủ biết rõ ý đồ hoặc các bước tiến hành của công ty thì họ sẽ có những biện pháp cạnh tranh mang lại thất lợi cho công ty.
Ơ đây cần phân biệt rõ những thông tin cần giữ bí mật và những thông tin cần công bố cho cổ đông của công ty và thị trường.
Những thông tin cần công bố là những thông tin trung thực và giúp cho thị trường an tâm, tin tưởng vào công ty. Việc công bố thông tin trung thực làm cho công ty cũng có lúc phải tiết lộ những bất lợi về mình, nhưng chỉ có thế thì công ty mới tạo dựng được  lòng tin của thị trường và điều quan trọng là thông qua đó công ty thể hiện được năng lực  vượt qua những tình huống bất lợi của mình.
Cho nên nói “binh là việc ngụy trá” là để giấu kín kế hoạch của công tymình, làm cho đối thủ cạnh tranh không kịp đối phó; tức là ngụy trá chiến lược, chiến thuật kinh doanh với đối thủ chứ không phải là ngụy trá tình hình và kết quả kinh doanh của công ty với các cổ đông và thị trường.
Ơ đây, Tôn Tử có chỉ ra một số phương cách khai thác, lợi dụng những khuyết điểm của đối thủ như:
-         Dùng lợi mà dụ quân địch: thu hút người tài từ đối thủ cạnh tranh
-         Quấy cho địch rối loạn để ta thủ thắng: làm cho đối thủ căng sức cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực làm họ đuối, yếu về sức cạnh tranh cả ở những sản phẩm, dịch vụ chính…
Như vậy, phân tích điểm mạnh yếu của công ty cũng là phân tích cách thức mà công ty đối phó trên thương trường, công ty có khai thác được những yếu điểm của đối thủ, có thích ứng kịp thời với biến chuyển của tình thế theo nguyên tắc xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị:
-         Tiến vào những thị trường còn bỏ trống
-         Cạnh tranh ở những thị trường còn lỗ hổng hoặc đối thủ yếu thế…hay không. 

Tài liệu tham khảo:
-         Tôn Tử binh pháp. Tgiả: Nguyễn Quang Trứ. NXB Thể dục thể thao 1992
-         Tái lập công ty. Tgiả: Hammer và Champy. NXB Trẻ Tp.HCM 1994


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét