Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Khủng hoảng nợ công

Từ sau vụ khủng hoảng nợ công của Hy lạp, nhìn quanh hầu như nước nào cũng mắc nợ. Có lẽ trừ Trung quốc, Đài loan. Tại sao vậy, có lẽ nên ngược dòng thời gian.
Thời nông nghiệp, mần không đủ ăn. Tây cũng như ta đều tích cốc phòng cơ. Lấy ăn dè tiết kiệm làm đầu.
Cách mạng công nghiệp xảy ra, hàng hóa dồi dào, thương mại phát triển kéo theo các lý thuyết về đầu tư.

Đầu tư nói nôm na là tạm ứng. Vay mượn, huy động một khoản tiền lớn mà bản thân mình không có để sản xuất, kinh doanh và trả dần. Võ này hiệu quả vì huy động được sức của nhiều người, đỉnh cao là thị trường chứng khoán như các bạn đã biết.

Thẻ tín dụng ra đời. Tạm ứng trước chỉ trong lãnh vực đầu tư nay tràn qua tiêu dùng. Rất tiện, một người mới đi làm có thể có đủ thứ. Từ nhà, xe, TV, tủ lạnh….đương nhiên là trả góp.
Trả góp này có lợi cho mọi người, từ người tiêu dung, bán buôn, bán lẻ, sản xuất đến chính phủ vì kích thích tiêu dùng và tính toán trước được nhu cầu.

Vậy tiêu xài nhiều thì tiền đâu trả. Có mấy cách:
- Làm nhiều lên
- Đầu tư vô bất cứ thứ gì sinh lợi như nhà cửa, chứng khoán, vàng…và khi bạn đầu tư họ cũng sẵn sang cho bạn vay
Cứ như thế, nồi men nở ngày càng lớn.
Nãy giờ quên nhắc tới chính phủ, kẻ vừa tiêu xài nhiều vừa đầu tư lớn, rất đa đoan. Chính phủ cũng không đứng ngoài cuộc, họ không thể chỉ chờ có tiền từ thuế mới chi xài, đầu tư.
Nhu cầu nhiều, họ cũng đi vay bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ. Tiêu xài nhiều nên cơ sở hạ tầng tốt lên, an sinh xã hội, phúc lợi tốt lên.
Đâu thể bỏ qua cạnh tranh được. Xưa cạnh tranh giữa hai khối TBCN và XHCN. Bên nào cũng cố chứng minh ta tốt, ta sướng. Nay cạnh tranh đó không còn nhưng chính phủ đâu thể cắt giảm những cái đã gồng mình lên để chi được.
Dân đâu chịu. Ở đời hưởng sướng rồi chịu khổ khổ lắm. Đường rầy đã thiết kế sẵn, con tàu cứ việc lao dốc vô núi nợ.
Nhắm mắt bịt tai dù cảnh báo đơn giản dễ hiểu là làm ít chi nhiều, nhập nhiều xuất ít rồi lấy đâu trả nợ vì đã không còn đường lùi.
Tất cả hoặc nín thở, hoặc vô tâm chờ khủng hoảng xảy ra. Chỉ khủng hoảng xảy ra mới điều chỉnh hành vi được, từ Mỹ tới châu Âu, ai cũng vậy thôi.


3.5.2020
Nhưng có lẽ với đại dịch cô vy thì mọi người lại nhất trí rằng khủng hoảng nợ công chỉ là con ngáo ộp, chúng ta kiên quyết không sợ vì hằng hà sa số tàu há mồm như thế không cho vay nợ thì làm sao guồng máy kinh tế xã hội chạy trơn tru được.
Nên hãy dẹp mối lo về khủng hoảng nợ công sang bên để cứu lấy việc làm.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét