Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA QUI LUẬT CUNG CẦU



Cung cầu là một khái niệm hết sức quen thuộc đối với mọi người. Chúng ta thường nghe rằng có cung thì ắt có cầu, có cầu thì có cung hay cầu tăng thì cung tăng và ngược lại…cũng như thường lý giải nguyên nhân giá tăng vì cung ít hơn cầu, giá giảm vì cầu nhỏ hơn cung. Thậm chí khái niệm cung cầu còn vượt qua khỏi phạm vi kinh tế và tiến vào các lĩnh vực xã hội khác.

Để hiểu rõ hơn về cung cầu chúng ta cần quay trở lại với lịch sử các học thuyết kinh tế để xem ai là người đã đưa ra một qui luật phổ biến như thế.

Thực ra kinh tế học là một khoa học còn trẻ. Năm 1795 ở Pháp mới xuất hiện chức danh giáo sư về kinh tế chính trị học ở trường Sư phạm và cho đến 1877 chức giáo sư kinh tế học mới có ở tất cả các khoa luật trong nước.

Adam Smith (1723-1790) - cha đẻ của kinh tế chính trị học là người chú trọng tới kinh tế thị trường và coi bàn tay vô hình của nó tạo ra sự hài hòa; là người đã đưa ra khái niệm tự do trao đổi và phân công lao động như là nền tảng của sự giàu có của các dân tộc.

David Ricardo (1772-1823) được biết tới như nhà lý luận về giá thành so sánh đã đóng góp cho qui luật cung cầu cách tiếp cận bằng cung.

Thomas Robert Malthus (1778-1834) là một trong những nhà kinh tế học cổ điển hiếm hoi khẳng định rằng cầu kích thích cung. Đây là một đóng góp cho cung cầu của con người nỏi tiếng vì tư tưởng về sự thiếu hụt.

Từ A. Smith với khái niệm tự do trao đổi đến D. Ricardo người đưa ra cách tiếp cận bằng cung, T. R. Malthus người chú trọng tới cầu là tiền đề để John Stuart Mill (1806-1873) đưa ra qui luật cung và cầu theo lối hiện đại.

“Mối quan hệ giữa cung và cầu…theo ngôn ngữ tóan học, thì nên dùng từ phương trình. Cần làm sao cho cung và cầu, số lượng được cung và số lượng được cầu phải ngang nhau. Nếu xảy ra một sự không ngang nhau, thì nó sẽ được bù đắp bằng cạnh tranh và sẽ xảy ra việc tăng lên hay hạ thấp giá trị. Nếu cầu tăng, giá trị sẽ tăng và giá trị sẽ hạ nếu cung tăng. Việc tăng lên hay hạ thấp xảy ra cho tới lúc cung và cầu thật ngang nhau; và giá trị của một hàng hóa tăng lên trên thị trường không phải là cái gì khác ngoài việc hàng hóa này trên thị trường ấy, qui định mức cầu đủ để nuốt hết tất cả những số lượng được cung hay được chờ đợi.

Đó là qui luật giá trị đối với tất cả các hàng hóa, muốn dẫn ra bao nhiêu thứ hàng cũng được. Những hàng hóa đó có lẽ là một ngoại lệ. Có một qui luật khác cho một loại hàng nhiều hơn nhưng khó có thể nhân lên vô tận”. Những nguyên lý về kinh tế chính trị học, Guillaumin, 1873.

Những nhà cổ điển Anh hình dung thế giới như sự tác động qua lại của các cá nhân được dẫn dắt bởi bản năng vị kỷ cá nhân cũng như bản năng vị tha hướng tới nhu cầu xã hội và sự hợp tác đã đưa ra mô hình cung và cầu trên căn bản là tĩnh. Chính hạn chế của mô hình tĩnh này đã thúc đẩy các nhà cổ điển mới đi tìm sự cân bằng giữa cung và cầu.

“…trong trạng thái cân bằng của thị trường: trước hết, mỗi người trao đổi đạt được tính ích lợi tối đa và sau đó, sự ngang nhau giữa số lượng cầu và số lượng cung của mỗi thứ hàng hóa đối với những người trao đổi.”

Nhưng Leon Walras (1834-1910) cũng xác nhận rằng cân bằng chung là một trạng thái lý tưởng và không hiện thực. Tuy Walras đã nhấn mạnh tới sự lựa chọn của người tiêu dùng, tới những liên hệ giữa các thị trường và cơ chế giá cả nhưng ông cũng chỉ mới coi tiền tệ là một tấm màn, không phải được mong muốn vì bản thân nó mà vì những của cải mà nó cho phép có được trong trao đổi.

Ở đây ta có thể thấy giữa các nhà cổ điển và cổ điển mới đã có sự khác biệt trong hình thức tư duy. Nếu ơ’các nhà cổ điển là hình thức tư duy nhị nguyên theo kiểu sử thi (đúng, sai; thiện, ác…) một cách đơn giản thì các nhà cổ điển mới cho ta thấy mối quan hệ giữa cung cầu là phức tạp, đa chiều và giữa cung cầu xuất hiện yếu tố thứ 3 tuy mới chỉ là “sự cân bằng trên lưỡi dao cạo” nhưng cũng đã báo hiệu buổi bình minh của hình thức tư duy tam nguyên (sự thừa nhận giữa cái đúng và cái sai đã biết một cách hữu hạn có một sự không biết khổng lồ). Theo tư duy tam nguyên này John Maynard Keynes (1833-1946) và các nhà kinh tế khác đã khai thác một cách hữu hiệu phần chưa biết giữa cung và cầu.

Cuộc đại khủng hoảng 1929 theo một kiểu không thể lý giải được nếu dùng lý thuyết kinh tế cũ đã giúp tư tưởng của Keynes chiến thắng.

“Tư tưởng cơ sở của Keynes là việc làm gắn liền với sự tăng trưởng. Để đạt tới chỗ việc làm đầy đủ thì cần phải gia tăng sản xuất quốc dân và để làm điều đó phải tăng thêm mức cầu, đồng thời tăng thêm sự thiếu hụt ngân sách và phân phát tiền công cao hơn. Chọi lại với quan điểm thanh giáo, đạo đức hóa và hành xác về kinh tế, Keynes biện hộ cho nguyên lý lạc thú. Ong nói, bằng cách tiết kiệm ít hơn, ít cố gắng để tiết kiệm hơn, chi tiền nhiều hơn, người ta đi theo hướng lợi ích chung vì góp phần làm cho cỗ máy chạy lại. Ong đem lạc thú được thỏa mãn, như một chính sách kinh tế thay cho sự hy sinh. Tóm lại, Keynes là Freud trong kinh tế học.” Sự đánh cuộc của nước Pháp, Seil, 1982.

Như vậy Keynes là người đẩy phương thức tư duy tam nguyên tới mức hoàn thiện đã đưa tới cho mọi người niềm tin vào cải cách và vào những thể chế bảo đảm cho một xã hội hài hòa hơn.

Đối với Keynes, thất nghiệp và lạm phát gắn chặt với nhau; lý luận về việc làm do đó phải đi qua một sự phân tích mới về tiền tệ trong đó tiền tệ không chỉ là một phương tiện trao đổi mà còn là một bình chứa giá trị và là bản vị (ít hay nhiều cứng nhắc) điều tiết các khoản cho vay và những cam kết hợp pháp khác.

Với việc đưa tiền tệ và ước đoán của nhà doanh nghiệp vào chu trình phân tích, Keynes đã đưa ra kết luận là mức cung không tạo ra một cách chính xác mức cầu tương ứng. Chúng ta thấy đây là sự mâu thuẫn hoàn toàn với lý luận cổ điển, theo lý luận này thì qui luật J.B Say xác định tình trạng cân bằng kinh tế vĩ mô…cũng như vậy mô hình cân bằng chung của Walras đã bị Lý luận chung đặt lại thành vấn đề.

Với dòng tư duy đó các nhà kinh tế học đương thời đã có những khám phá quan trọng như R.Hicks và K.J.Arrow với lý thuyết cân bằng động tổng quát và lý thuyết phúc lợi với A.Sen; B.Ohlin và J.E.Meade với lý thuyết về thương mại và chu chuyển vốn quốc tế; G.S.Becker với phân tích vi mô dựa trên hành vi kinh tế và phi kinh tế của con người; D.Kahneman với việc đưa phân tích tâm lý vào kinh tế học…

Như vậy các nhà kinh tế đã đưa ra các công cụ khác nhau từ chính sách tiền tệ, phúc lợi, hành vi tâm lý…để giải thích mối quan hệ giữa cung và cầu và điều này cũng đưa tới một kết luận là bản thân các lý thuyết kinh tế học không thể giải quyết được trọn vẹn vấn đề kinh tế bởi một lý do hết sức đơn giản là kinh tế chỉ là một phần của đời sống xã hội con người nên bản thân một ngành kinh tế học không thể giải thích được hoàn chỉnh sự vận động phát triển của kinh tế nói riêng và xã hội nói chung mặc dù đã đưa vào kinh tế ngày càng nhiều các yếu tố liên quan đến con người và xã hội.

Mặt khác cho tới W.Leontief với mô hình input-output nổi tiếng thì cung cầu vẫn chỉ được gói gọn với ý nghĩa hàng hóa dịch vụ mặc dù xen vào giữa cung và cầu đã có rất nhiều công cụ ngày càng hướng tới tính chất xã hội.

Cùng với phân tích ở trên chúng ta thấy để giải quyết vấn đề phát triển của xã hội mà kinh tế là một bộ phận thì cần phải hiểu cung cầu dưới dạng trường tổng hợp các cung cầu của xã hội con người như kinh tế, văn hóa, tri thức…tức là đẩy khái niệm input-output ra ngoài lĩnh vực kinh tế và đặt nó vào giới hạn của một đơn vị xã hội con người (lãnh thổ hoặc quốc gia).

Với việc mở rộng phạm vi cung cầu như vậy thì có thể hình dung các nhà kinh tế học, triết học, xã hội học… đã tạo ra “một con người nhân tạo” vận động và phát triển cùng với xã hội con người trong một lãnh thổ hoặc quốc gia mà gánh nặng trên vai con người ấy chính là cung cầu cho bản thân anh ta và cho những con người nhân tạo khác trong một xã hội toàn cầu rộng lớn.

Có thể hình dung phần thân mình (cột sống) của con người ảo gồm bảy đốt sống chính là:

- Điều kiện tự nhiên như vị trí, diện tích, cơ cấu đất đai; môi trường khí hậu; tài nguyên thiên nhiên, biên giới, vùng biển…

- Nguồn nhân lực: điều kiện dân số, số dân, cơ cấu nam nữ, già trẻ, chủng tộc, đặc tính thể chất…

- Tích lũy về vật chất và phi vật chất (phần thừa kế của các thế hệ trước) như của cải vật chất, tri thức, văn hóa …

- Tập quán dân tộc qua lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc như quan niệm về tốt xấu, thiện ác, cách ứng xử, tư duy, tính cách, phân chia gìn giữ của cải, tài sản…

- Qui mô và chất lượng của hệ thống giáo dục, đào tạo, y tế

- Vấn đề việc làm như số việc làm, cơ cấu, điều kiện lao động…

- Hệ thống an sinh phúc lợi xã hội.

Ta có thể thấy ngoài hai yếu tố đầu mang tính tự nhiên còn những yếu tố sau là của con người sáng tạo ra và mang tính kế thừa cả hữu hình lẫn vô hình.

Một thân mình cần dựa trên hai chân vững chắc, thân mình càng to lớn thì hai chân cũng cần có độ dài và độ vững chắc, cơ động tương ứng. Bởi tầm quan trọng đặc biệt mang tính nền tảng như vậy nên thể chế thị trường và dân chủ được chọn làm hai chân của con người nhân tạo. Thị trường tạo ra sự chuyển dịch linh hoạt các nguồn nhân tài vật lực và dân chủ chính là cơ chế đảm bảo cho cơ chế thị trường hoạt động được lành mạnh.

Phần vai và hai tay vừa đủ sức đỡ gánh cung cầu vừa đủ sức mạnh và sự linh hoạt để điều chỉnh cân bằng.

- Bên vai và tay thiên về ổn định mang chức năng chính quyết định phương thức và cơ chế tích lũy, phân phối của cải, vật chất, thu nhập, đất đai, tài nguyên. Do đó bên phần vai và cánh tay này mang tính điều tiết, thực dụng, duy lý, kế thừa là chủ yếu.

- Bên vai và tay thiên về phát triển mang chức năng chính quyết định quan niệm, môi trường cơ chế tuyển chọn sử dụng tri thức, văn hóa, tinh thần nói chung và chính là cơ chế tuyển chọn, sử dụng, kích thích nhân tài nói riêng. Như vậy vai và cánh tay này mang tính tạo dựng, khai phá, mạo hiểm và tưởng tượng cao.

Như chúng ta đã biết thì một quốc gia, một cá nhân không thể phát tirển trọn vẹn nếu chỉ mang trong mình dòng máu thực dụng. Thực dụng gíup cho phát triển mang tính hợp lý, phù hợp lợi ích cao và không mang tính giáo điều nhưng chừng đó là không đủ. Để có những phát triển mang tính đột phá thì tưởng tượng lại đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây chính là lý do tại sao thực dụng và tưởng tượng lại là hai vai gánh và điều chỉnh cân bằng sức nặng cung cầu.

Đến đây ta có thể tự hỏi vậy những nhà nghiên cứu coi phương tiện gì là đòn để gánh cung cầu. Tính chất đặc biệt của tiền tệ như thước đo giá trị, công cụ chuyển đổi, so sánh, dự trữ, tích lũy giá trị…làm cho nó đảm đương được công việc khó khăn và quan trọng này. Có thể nói nếu đòn gánh (hệ thống ngân hàng, tài chính) không phù hợp với người như qúa to hoặc quá nhỏ, không đủ độ dẻo đều ảnh hưởng tới khả năng gánh, ngược lại nếu cung cầu không cân bằng bắt buộc phải chuyển dịch đòn gánh cho phù hợp thì đó cũng là biện pháp tình thế đặng chẳng đừng.

Cổ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ đầu của cơ thể người cũng như là điểm nối giữa đầu và thân mình, chân tay. Giữ vai trò như vậy và đại diện cho dòng chảy của các bộ phận khác thì niềm tin vào cá nhân, vào xã hội và thể hiện tinh thần đạo đức trách nhiệm trong xã hội xứng đáng như là cần cổ của một con người.

Đầu luôn giữ nhiệm vụ đặc biệt trong cơ thể vì đây chính là bộ não nhận thức, chỉ huy và là nơi tập trung hầu hết các giác quan. Với cấu trúc thân mình và tay chân như đã đề cập ở trên thì đầu đại diện cho:

- Văn hóa ứng xử với bản thân, với người khác, với xã hội, với tự nhiên, với tài sản vật chất và tinh thần…

- Phương thức nhận biết, khám phá, giải quyết vấn đề phát sinh.



Chúng ta có thể hình dung mức độ khó khăn trong việc giữ thăng bằng trong chuyển động của cơ thể mà người đó còn gánh trên vai cả một gánh nặng cung cầu. Để giữ thăng bằng đòi hỏi phải có một cơ quan nhận biết, giữ mức thăng bằng, hài hòa trong các cử động của cơ thể, tránh sự lẫn lộn, quá đà của các bộ phận trong vận động. Đảm đương được nhiệm vụ của cơ quan tiền đình này chính là cơ chế tam quyền phân lập, tách bạch rõ ràng chức năng nhận biết, đề ra mục tiêu (lập pháp); chức năng thực hiện thi hành giải quyết vấn đề (hành pháp) và chức năng giám sát, kiểm soát, đánh giá kết quả đạt được (tư pháp).

Đến đây ta có thể hình dung con người nhân tạo với gánh nặng cung cầu trên vai đang giữ thăng bằng, đang di chuyển cùng với những con người khác mà cung (cầu) của anh ta không chỉ phục vụ cho bản thân mình mà còn phục vụ cho người khác. Như vậy cung (cầu) không chỉ mang tính chủ động mà còn mang tính bị động, phụ thuộc qua lại vào những đối tác khác.

Với cung cầu là trường tổng hợp của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, văn hóa, lối sống thì có thể nói khi cung (cầu) một sản phẩm thì ta không chỉ cung (cầu) một hàng hóa mà còn cung (cầu) một văn hóa, một lối sống, một phương thức tiêu thụ, một kỹ năng,… giới thiệu (du nhập) tri thức, thương hiệu liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến loại sản phẩm đó.

Cung cầu của từng người không chỉ khác nhau ở qui mô số lượng, giá trị có thể cân đo đong đếm mà cung cầu còn còn khác nhau ở chất lượng và do cung cầu gắn chặt với con người nên sự khác biệt về số lượng, chất lượng được tạo ra do mức hoàn thiện (sức mạnh tổng hợp) của từng con người nhân tạo này. Mối quan hệ này, do đó, cũng giải thích được tầm quan trọng của tầng lớp trung lưu-nơi tạo ra mức, chất lượng cung cầu chính cho toàn xã hội, điều này, quay trở lại là động lực làm cho xã hội phát triển.



Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử tư tưởng kinh tế (tập 1). A.Geledan. NXB khoa học xã hội Hà Nội năm 2000

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét