Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Phân tích cấu trúc trước khi tái cấu trúc




PHÂN TÍCH CẤU TRÚC THỊ TRƯỜNG –

MỘT CÔNG CỤ HIỆU QUẢ

CỦA NHÀ QUẢN LÝ TRONG NỀN KINH TẾ CHUYỂN ĐỔI

Nhà quản lý có cần phải hiểu rõ về thị trường như nhà kinh doanh hay không?
Thoạt tiên câu trả lời dường như là không. Theo suy nghĩ thông thường thì nhà quản lý là người tạo môi trường cho kinh doanh phát triển một cách lành mạnh. Tuy nhiên thực tế nhà quản lý lại là người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển thị trường đặc biệt trong nền kinh tế chuyển đổi thì nhà quản lý còn đóng vai trò là người tạo lập thị trường.

Làm thế nào để nhà quản lý có thể thực hiện tốt được một công việc xa lạ và chưa có tiền lệ một cách rõ ràng như vậy. Bài viết này giới thiệu cho các nhà quản lý (các nhà quản lý hoạch định đường lối chính sách nói chung chứ không chỉ riêng các nhà quản lý kinh tế) một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc quy hoạch phát triển thị trường cũng như giải quyết vấn đề chọn ngành nào, sản phẩm nào là mũi nhọn chủ lực cho địa phương, cho nền kinh tế một cách dài hạn, toàn diện.

Nội dung cơ bản của phương pháp phân tích cấu trúc thị trường quan niệm việc xây dựng thị trường được tuân theo quy luật phát triển từ dưới lên và xem trọng những yếu tố nền móng của thị trường, coi đó như là nguồn động lực để thị trường phát triển.

Các thành phần tham gia thị trường cũng từ đó được trui rèn, qua thử thách cạnh tranh để phát triển và là nguồn cung tiềm năng cho những thị trường cấp cao hơn hoạt động, hình thành nên tập quán kinh doanh trên thị trường. Điều này đặc biệt quan trọng ở Việt Nam nơi văn hóa thị trường vẫn còn mới mẻ, chưa trở thành nếp nghĩ tự nhiên đối với nhiều người trong xã hội.

Phương pháp cũng đi sâu vào phân tích dòng chủ động, dòng tự nguyện trên thị trường để biết rằng thị trường đã được thiết kế để có cân đối chi phí – lợi ích phù hợp đối với các thành phần trong ngành cũng như của ngành đối với nền kinh tế hay chưa; đối tượng nào là nguồn lực thúc đẩy chính trên thị trường cũng như tính tự nguyện tham gia, tự nguyện liên kết của các thành phần trên thị trường như thế nào.

Phương pháp phân tích cấu trúc thị trường tập trung vào những yếu tố chính sau:
Các điều kiện tiền đề cho sự hình thành, phát triển của thị trường như mức phát triển của nền kinh tế, điều kiện pháp lý, tập quán của xã hội. Ở những nền kinh tế cổ điển tiến trình phát triển được tuân theo quy luật tự nhiên còn ở nền kinh tế chuyển đổi do sự phát triển công nghệ trên thế giới đã đòi hỏi những quốc gia này phải có những đột phá mang tính “đi tắt” không theo sự tuần tự thì nhiều lúc thị trường (đặc biệt như thị trường tài chính) được tạo ra một cách cưỡng bức từ trên xuống khi các điều kiện nền tảng còn thiếu và yếu so với yêu cầu.

Vấn đề gia nhập ngành và các rào cản. Các nguyên tắc trong vấn đề gia nhập ngành bao gồm những yếu tố như các thành phần tham gia phải được đối xử một cách bình đẳng, công khai, minh bạch và với chi phí thấp. Tuy nhiên như đã nói ở trên sự hình thành thị trường ở Việt Nam rất không đồng bộ và các doanh nghiệp nhà nước do đặc điểm lịch sử mang tính độc quyền cao cho nên còn cần phải thiết kế thị trường theo hướng tiến trình phát triển diễn ra từ thấp đến cao theo quy luật cạnh tranh, chọn lọc.

Với việc quản lý mang tính dẫn hướng, tạo môi trường tốt kích thích kinh doanh như hướng dẫn nhiều dòng chảy nhỏ hợp lại thành sông chứ không phải là hành động be bờ tát nước này sẽ đưa đến cho mọi người một tư duy kinh tế lành mạnh tốt đẹp là các tổ chức, thành phần tham gia tạo nên một trật tự trên thị trường là kết quả của một quá trình cạnh tranh chọn lọc lâu dài, mang tính đẳng cấp và là niềm mơ ước, đích phấn đấu chứ không phải có được do đặc cách.

Như vậy thành phần tham gia thị trường được hiểu một cách bao quát cho tất cả các thành phần có liên quan như nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu thụ, nhà tư vấn, nhà nghiên cứu…sẽ hợp lại thành hai khối chính là khối hưởng lợi và khối thiệt hại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; trước mắt hay tiềm ẩn.

Qua những phân tích trên ta có thể thấy cấu trúc thị trường phải mang những đặc tính như thị trường xây dựng phải đủ độ lớn, có nền tảng vững chắc và tuân theo sự toàn vẹn của thị trường. Phải có một thị trường gốc được coi là nền móng, các thị trường khác là đỉnh của tảng băng và có thị trường nhỏ mang tính hỗ trợ, bổ sung. Tương tự như khái niệm phân khúc thị trường ở đây các thị trường được hiểu như là một chuỗi có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Do đó thị trường phải định vị được mình trong mối quan hệ với các thị trường khác trên cơ sở tôn trọng tính dịch chuyển, có thể lấy hình ảnh là hôm nay đang là ngành chủ đạo thì hôm sau đã trở thành ngành tụt hậu hoặc chia nhỏ, biến dạng thành các loại thị trường khác.

Ở trên chúng ta đã nhiều lần đề cập đến vấn đề liên kết, vấn đề cạnh tranh được thiết lập trên cơ sở dòng tự nguyện và thấy nổi lên rõ ràng đây là điểm mấu chốt, quan trọng nhất trong phương pháp phân tích cấu trúc thị trường. Việc phân tích dòng tự nguyện liên kết, tự nguyện phấn đấu (cạnh tranh) của các thành phần tham gia thị trường, của các thị trường với nhau phải được dựa trên cơ sở phân định ai là người nắm quyền chủ động trong sự hình thành các dòng trên.

Để minh họa tác giả xin được dùng phương pháp này để phân tích hai vấn đề có liên quan một cách hỗ tương đến nhau là vấn đề vệ sinh thực phẩm và mô hình liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp) để đưa ra cách giải quyết vấn đề trong đó do khuôn khổ bài viết có hạn nên sẽ tập trung đi sâu vào phân tích dòng tự nguyện, dòng chủ động là hai khái niệm tương đối mới và cũng là hai vấn đề gây đau đầu nhất trong sự thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường trên bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi.

1. Vấn đề vệ sinh thực phẩm

Tại sao tình trạng vệ sinh thực phẩm lại khó giải quyết. Dùng phân tích cấu trúc thị trường có thể trả lời rằng đó là do chưa giải quyết được dòng tự nguyện liên kết giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Vấn đề nổi lên ở đây là các thành phần đều chưa có uy tín với nhau hay nói cách khác uy tín được đề cập đến mới chỉ là uy tín chung chung chứ chưa phải là một uy tín cụ thể được định danh mà nếu có muốn cũng không thể định danh được giữa hàng vạn người sản xuất và phân phối nhỏ lẻ. Cách giải quyết ở đây là tìm cho ra người nắm quyền chủ động trong dòng liên kết này. Nhìn sang những nhà phân phối có uy tín như Metro, Co-op mart thì câu trả lời tương đối rõ là chính những nhà phân phối là người nắm quyền chủ động, với tư cách là một bạn hàng hàng lớn lâu dài họ đặt ra tiêu chuẩn cho nhà sản xuất, nhà phân phối nhỏ lẻ cần phải tuân theo trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và cơ quan quản lý sẽ làm việc của mình thay vì loay hoay đối phó như hiện nay.

2. Phân tích mô hình liên kết bốn nhà
Tương tự như phân tích trên thì mô hình bốn nhà có một yếu điểm cần giải quyết là mối liên kết còn mang tính hành chính hình thức cần phải được chuyển sang liên kết một cách tự nguyện. Như vậy thì nhà doanh nghiệp lại là người cần phải đảm đương được vai trò chủ động của mình, vấn đề là cần có những doanh nghiệp đủ lớn, đủ chủ động để gánh vác được nhiệm vụ phát triển thị trường nông nghiệp.

Qua hai ví dụ nhỏ trên bằng phương pháp phân tích cấu trúc thị trường chúng ta đã sử dụng một tiếp cận khác và phương pháp này đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn vào cấu trúc vận hành của một thị trường để từ đó có những quyết định mang tính hợp lý một cách dài hạn trong việc thiết kế, xây dựng, quản lý và điều hành thị trường.


Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012


Góc nhìn kinh tế thành phố

DỊCH CHUYỂN CƠ CẤU KINH TẾ TẠI TP.HCM

DƯỚI GÓC ĐỘ CẤU TRÚC THỊ TRƯỜNG

Tốc độ phát triển của Tp.HCM trong quý I năm 2004 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước (8,5% so với 9,5% của quý I năm 2003) và ở mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây đã khiến nhiều người lo ngại.

Ngày 28/04 thủ tướng Phan Văn Khải đã làm việc với lãnh đạo thành phố về nguyên nhân kinh tế Tp.HCM phát triển chậm lại và một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố hướng tới những sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn đã diễn ra hết sức chậm chạp.

Để tìm hiểu lý do dịch chuyển cơ cấu chậm chúng ta cần tiến hành phân tích các yếu tố nội sinh của kinh tế thành phố và phương pháp phân tích cấu trúc thị trường sẽ được sử dụng như là công cụ chính. Theo phương pháp này thì các doanh nghiệp, các thị trường vừa liên kết với nhau phân chia phần giá trị gia tăng trên dây chuyền giá trị của sản phẩm, dịch vụ vừa cạnh tranh với nhau để tìm cách tăng thêm phần của mình trong chiếc bánh thị trường như mô hình Liên kết – Cạnh tranh dưới đây:

Cạnh tranh
II. Phân mảnh – Cạnh tranh
Những yếu tố cạnh tranh bình đẳng đã hình thành tuy nhiên những liên kết vẫn chưa mang tính tự nguyện do doanh nghiệp chưa đủ sức thâu tóm, sát nhập với quy mô đa ngành, liên khu vực.

Mặt khác do lợi ích cục bộ của địa phương, của ngành nên doanh nghiệp vẫn chủ yếu phục vụ cho mục tiêu của ngành, địa phương chứ không tạo thành chuỗi dây chuyền giá trị gia tăng được và có xu hướng trở thành động lực cho tự cấp tự túc. Thị trường còn bị ảnh hưởng nhiều từ liên kết theo kiểu hành chính.

Phân mảnh

III. Liên kết – Cạnh tranh
Các yếu tố nền tảng của thị trường đã được thiết lập và phát huy sức mạnh. Dòng vốn, tài nguyên, nhân lực dịch chuyển dễ dàng, thông suốt. Các doanh nghiệp nắm quyền chủ động trên thị trường và đã xác lập được vị trí của mình trong chuỗi dây chuyền giá trị. Các điều kiện tiền đề công cộng như pháp lý, kế toán…tuân theo chuẩn mực quốc tế giúp cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng và các liên kết hành chính chỉ để hỗ trợ, tạo môi trường tốt cho kinh doanh.

Liên kết
I. Phân mảnh - Độc quyền
Các yếu tố chính như nguồn nhân lực, tài nguyên (bao gồm cả đất đai, cơ sở vật chất…), vốn… nằm trong tay một số doanh nghiệp độc quyền nhưng không liên kết chặt chẽ được với nhau do bị phân mảnh theo ngành, theo địa phương và thường là liên kết theo kiểu hành chính.

Tình trạng này thường xảy ra ở những nước có nền kinh tế chuyển đổi trong thời kỳ đầu nơi mà sự chuyển dịch nhân lực, tài nguyên, vốn diễn ra rời rạc, không đồng bộ. Các doanh nghiệp chưa được và cũng chưa đủ sức nắm quyền chủ động.

IV. Liên kết - Độc quyền
Các yếu tố chính như nguồn nhân lực, tài nguyên (bao gồm cả đất đai, cơ sở vật chất…), vốn… nằm trong tay một số doanh nghiệp độc quyền liên kết với nhau để thao túng thị trường nhằm tối đa hóa lợi nhuận thông qua ép buộc khách hàng.
Tình trạng này được gọi là tư bản lũng đoạn. Để đối phó các chính phủ đã ban hành đạo luật chống độc quyền và chia nhỏ các đại công ty không cho khống chế thị trường.

Độc quyền
Chú thích:
- Trục Phân mảnh – Liên kết: biểu diễn các đối tượng tham gia thị trường đang ở trong tình trạng nào của dây chuyền giá trị (value chain) như liên kết, phân mảnh rời rạc.

- Trục Độc quyền – Cạnh tranh: biểu diễn tình trạng cạnh tranh trên thị trường

Nền kinh tế Việt Nam nói chung và Tp.HCM là nền kinh tế nhiều thành phần, bao gồm kinh tế tư nhân, liên doanh, 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước trung ương, doanh nghiệp nhà nước địa phương vận hành trên nhưng cơ sở pháp lý khác nhau như luật đầu tư nước ngoài, luật doanh nghiệp, luật doanh nghiệp nhà nước…là cơ sở cho cạnh tranh bất bình đẳng.

Mặt khác do nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN nên những doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực then chốt như giao thông vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng, điện lực, bưu chính viễn thông, dầu khí…mang hình thức độc quyền, đó là chưa kể đến việc sắp xếp tập trung các công ty trong cùng lĩnh vực của các ngành, địa phương thành các tổng công ty 90,91 cũng góp phần gia tăng tình trạng này.

Hoạt động trên những điều kiện như vậy nên giữa các doanh nghiệp tại Tp.HCM, giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm tính liên kết lỏng lẻo, mang tính hành chính cao như lời ông Trần Xuân Giá, trưởng ban nghiên cứu Thủ tướng và tính cạnh tranh bị phân mảnh theo vùng, địa phương mà phong trào xây dựng nhà máy đường, xi măng lò đứng tại các địa phương là một minh chứng rõ ràng, tức là tình trạng Cạnh tranh – Liên kết đang ở ô thứ I, II trong mô hình phân tích ở trên.

Kết quả là các ngành dịch vụ thông thường phát triển một cách dễ dàng về chiều rộng như giao thông, thương mại, ăn uống trong khi đó những ngành cần phát triển về chiều sâu như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm lại phát triển khó khăn do sự phân mảnh từ cơ chế bộ chủ quản, ngành chủ quản gây ra.

Như vậy để tốc độ phát triển của Tp.HCM được duy trì ở mức cao và bền vững và trở thành động lực, đầu tàu cho vùng kinh tế trọng điểm thì chúng ta cần thực hiện những biện pháp sau nhằm xây dựng được cấu trúc nội tại cho thị trường Tp.HCM để cơ cấu kinh tế của thành phố có thể tự điều chỉnh, tự phát triển trong mối quan hệ liên kết – cạnh tranh nhằm chuyển sang ô thứ III của mô hình:

- Nhanh chóng xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, địa phương chủ quản nhằm phá vỡ tình trạng phân mảnh trên thị trường như hiện nay. Việc từ bỏ cơ chế này sẽ làm cho các thành phần không liên quan trực tiếp đến kinh doanh như nghiên cứu, đào tạo,…chủ động tự nguyện tham gia, tự nguyện liên kết vào dây chuyền giá trị góp phần tạo nên sự toàn vẹn của thị trường.

- Xây dựng tư duy “người trọng tài” cho giới quản lý hành chính để từ bỏ thói quen vừa đá bóng vừa thổi còi của các cơ quan quản lý trong đó việc xây dựng cơ chế để nhà quản lý không muốn, không thể, không dám và không cần tham nhũng là nhiệm vụ hàng đầu.

- Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng và thường xuyên cho mọi người về văn hóa thị trường cũng như tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp cả về khía cạnh pháp lý và giảm tình trạng độc quyền của các DNNN.

- Cuối cùng, người “đá bóng” – người chủ động đem lại động lực cho việc hình thành cấu trúc thị trường chính là các doanh nghiệp nên ngoài việc các doanh nghiệp được hoạt động trong một môi trường khuyến khích kinh doanh lành mạnh và trật tự thì tăng cường năng lực của doanh nghiệp đặc biệt trình độ quản trị của đội ngũ giám đốc là việc làm sống còn để tạo nên dây chuyền giá trị trên cơ sở cạnh tranh trên thị trường.

Để trở thành đầu tàu kinh tế thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm thì ngoài các yếu tố tăng trưởng nội sinh Tp.HCM cần phải nhanh chóng xây dựng được khu đô thị Thủ Thiêm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Có giải quyết được vấn đề này thì thành phố mới giải quyết được tình trạng quá tải, hạ tầng cũ nát, chắp vá ở khu đô thị cũ tức là Thủ Thiêm trở thành mắt xích đầu tiên cho chuỗi liên kết đô thị của Tp.HCM để từ đó việc qui hoạch, cải tạo có thể tiến hành theo từng khu, từng phường tránh tình trạng “xôi đỗ” như hiện nay.

Với việc kết hợp đồng bộ những giải pháp nêu trên thì có thể thấy rằng nguy cơ giảm tốc do tái cấu trúc kinh tế thành phố được loại bỏ và quan trọng hơn trong mình thành phố cấu trúc nội sinh tự hoạt động, tự liên kết, tự điều chỉnh đã được thiết lập hợp lý với điểm đột phá về hạ tầng, về quản lý và văn minh đô thị là khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ mở ra một không gian mới cho phát triển.

Tp.HCM ngày 07/05/2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét